![]() |
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||
Người Kơho cư trú nhiều nơi trong tỉnh Lâm Đồng: Đà Lạt (817 người), huyện Lạc Dương (10.539 người), huyện Đơn Dương (3.964 người), huyện Đức Trọng (16.151 người), huyện Di Linh (22.520 người), Đạ huoai (1.090 người). Người Kơho tập trung đông nhất ở huyện Di Linh. Ngôn ngữ Kơho thuộc hệ thống Môn-Khơme. Trước đây người Kơho cũng như các dân tộc ở Tây Nguyên chưa hề có chữ viết. Năm 1949, người Pháp đã tiến hành xây dựng chữ Kơho theo mẫu tự La tinh nhưng chỉ phổ biến trong một phạm vi hạn hẹp. Người Kơho ở dọc quốc lộ 20, ngọai vi thành phố Đà Lạt, các thị trấn Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương đều nói thông thạo tiếng Việt. ngoài ra nhiều nhóm Kơho do quá trình tiếp xúc và sống gần với các dân tộc khác nên cũng nói được tiếng Stiêng, Mnông thuộc ngữ điệu Môn-Khơme và tiếng Raglai, Êđê, Churu, Chăm thuộc ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo. I. SINH HOẠT KINH TẾ Người Kơho sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa: lúa rẫy và lúa nước. Đại đa số sống bằng nghề rẫy, một đôi nhóm Kơho sống bằng nghề lúa nước. Nghề rẫy gắn liền với đời sống du cư du canh theo chu kỳ ba năm một lần dời chỗ ở. Nghề lúa nước gắn với đời sống định cư. Cây lương thực chính của các nhóm Kơho là lúa, riêng đối với nhóm Chil, Lạt lại là bắp. Ở những vùng làm rẫy là chính, rẫy là nguồn cung cấp lương thực và thức ăn. Trên một đám rẫy người ta trồng xen canh nhiều loại cây lúa, bắp, khoai mì, bầu, bí, mướp, đậu. Ở những vùng làm ruộng là chính, người ta dùng rẫy để trồng thêm lúa và các loại thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Kỹ thuật làm rẫy của người Kơho về cơ bản không khác với kỹ thuật làm rẫy của những tộc người khác ở Tây Nguyên. Người ta chặt cây rừng vào giữa mùa khô, để khô rồi đốt, tỉa hạt vào đầu mùa mưa và thu hoạch vào cuối mùa mưa. Dụng cụ chặt cây là rìu (sung) và chà gạt (feas). Dụng cụ chọc lỗ tỉa hạt là cây gậy nhọn đầu (chrmul). Riêng người Chil còn dùng dụng cụ khác để chọc lỗ tỉa hạt đó là cái (phal) cán dài bằng gỗ, lưỡi dẹp bằng sắt bề dài khoảng 28cm và bề ngang khoảng 3,5cm, dùng trong trường hợp một người vừa chọc lỗ vừa tỉa hạt. Người ta cầm cây phal ở tay trái, vừa đi tới vừa đâm xuống đất rồi đẩy ngang lưỡi phal để tạo ra một cái lỗ, tay phải lấy hạt giống đựng trong gùi nhỏ (Kriêt) đeo bên hông để bỏ vào lỗ. Khi tỉa bắp và các loại cây khác, người Chil dùng một cái cuốc nhỏ để cuốc. Dụng cụ này còn dùng để làm cỏ và đồng bào địa phương thường gọi là "xà bát" lưỡi bằng sắt có bề dài khoảng 50cm và bề ngang khoảng 10cm. Các nhóm Kơho gọi tên rẫy là mir. loại rẫy này hiện nay vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi, nhất là nhóm Nộp, Cờdòn, Chil. Ở một vài điểm cư trú tập trung của người Chil (như Đạme), do tình trạng đất rừng dùng để làm mir bị cằn cỗi dần hoặc trở nên hiếm hoi vì nhiều làng phải sống chung tại một chỗ, người Chil đã tạo ra một loại rẫy khác canh tác cố định, làm đất bằng cuốc hoặc cày, và có bón phân. Người ta gọi loại rẫy này là "mir tơngơi" chuyên trồng bắp và một ít loại đậu. Muốn có loại rẫy này, người ta chọn một rẫy mir cũ, đào hết các gốc cây còn lại từ trước, sau đó đốt cây, làm cỏ cho sạch và dùng cuốc để cuốc đất lên. Có người đã dùng máy cày vào khâu làm đất. Khi tỉa hạt, một người đàn ông cầm "xà bát" cuốc lỗ và ba hoặc bốn người đàn bà đi theo bỏ hạt vào lỗ. Việc tỉa hạt cũng được tiến hành vào đầu mùa mưa. Sau đây là tên một số giống lúa cổ truyền ở vùng người Chil: Lúa mùa chính có: Koi tiêng, Koi brun, Koi xanh, Koi tơpế, Koi chơan,... lúa sớm koi krong. Lúa nếp có Mbar niong, Mbar yu, các giống lúa mới như IR 20, IR 28, Nàng keo cũng đã được du nhập vào vùng người Chil. Nói đến nghề làm ruộng nước của người Kơho, người ta thường nhắc đến nhóm Srê. Từ "Srê", trong ngôn ngữ Kơho có nghĩa là "ruộng", và theo lời đồng bào thì nhóm Srê đã được gọi với một tên như thế vì nhóm này sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước. Ở vùng người Srê người ta thường phân biệt hai loại ruộng: srê bó và srê gơl. Srê bó là ruộng đầm lầy, nằm ở vị trí thấp và gần sông suối. Ở vùng chung quanh huyện Di Linh có các ruộng đầm lầy như Klong yang, Nrong lú, Đạ chái, long, pơ-ô,... Srê gơl là loại ruộng khô cứng, nhiều cát sỏi, ít màu mỡ hơn loại ruộng trên, srê gơl nằm ở vị trí cao hơn mực nước sông suối và phần lớn ở xa sông suối nên phải nhờ hoàn toàn vào nguồn nước mưa hàng năm. Vì địa bàn cư trú của người Srê là vùng đồi núi nên cả hai loại ruộng trên đều nằm trong những thung lũng của núi đồi. Về kỹ thuật làm đất, người Srê dùng cuốc trên srê bó và dùng cày trên srê gơl. Srê bó có nhiều sình lầy, trâu bò không thể kéo cày. Do đó, người ta phải cuốc, tiến hành vào khoảng tháng 4 dương lịch. Ruộng được cuốc hai lần, lần đầu cuốc để phơi đất và diệt cỏ (pó chợt ù cơn nhơt), lần thứ nhì sau đó một tuần để trở đất lại (pó prơl ù). Người ta vừa cuốc trở vừa lấy chân dậm cho đất tơi ra sau đó dùng cái cuốc ban mặt ruộng cho bằng phẳng để tránh chỗ cao không có nước, chỗ thấp lại quá nhiều nước. Công việc kế tiếp là Kơr, tức là làm cho mặt ruộng phẳng phiu bằng một dụng cụ cũng gọi là Kơr, gồm một khúc cây đầu dài 1 mét đẽo tròn và có một cái cán để kéo. Một người đi trước kéo tới, một người đi sau khom lưng ấn hai tay trên khúc cây và đẩy tới. Khi kơr xong, mặt ruộng phủ một lớp bùn nhuyễn phẳng phiu, sẵn sàng đón nhận hạt giống gieo xuống. Nếu ruộng nhiều sình lầy, người ta lội xuống vừa đi vừa gieo theo đường vòng tròn từ phải qua trái. Đối với srê gơl, công việc đầu tiên phải làm là đắp những chỗ thoát nước ở bờ ruộng để giữ nước mưa. Vào khoảng tháng 5 dương lịch, sau hai trận mưa lớn đầu mùa (miu tul và miu rah), người Srê bắt đầu cày trên ruộng khô lần đầu tiên gọi là choa. Cái cày (ngal) bằng gỗ, đế bằng, lưỡi bằng sắt, do hai trâu kéo, sẽ "choa" xong một mẫu ruộng trong khoảng 15 ngày. Sau lần cày đầu tiên chừng 10 ngày, người ta cày trở, gọi là lạt, với đường cày đi theo vòng tròn ngược lại với lần cày đầu tiên, nghĩa là đi từ giữa ruộng ra ngoài bờ. Khi đã cày trở xong người ta bừa ruộng bằng cái bừa răng gỗ (sơ kam) do hai trâu kéo, và công việc kế tiếp là ban mặt ruộng cho phẳng bằng cái kơr như khi làm ruộng đầm lầy, nhưng ở đây do trâu kéo thay người. Khoảng một giờ sau khi gieo, người ta tháo hết nước ra khỏi ruộng. Đến khoảng ngày thứ 15, nước được đưa vào ruộng đến mức khoảng 6 cm. Lúa càng lớn, nước càng được đưa thêm vào và đến khi lúa chín rộ thì tháo ra để gặt cho dễ. Điều chỉnh mực nước trong ruộng cho thích hợp là việc phải làm thường xuyên, nhất là đối với srê bó. Nếu ruộng ít nước, cây lúa không đủ sức lớn, mà chuột lại dễ cắn phá. Nếu ruộng nhiều nước do trời mưa lớn, nước sẽ tràn lên bờ đưa cả lớp sình trên đó cây lúa bám rễ ra ngoài. Để đề phòng rủi ro này, bờ của srê bó được đắp cao và dày, có cắm thêm nhiều cây cọc dọc bờ ruộng ở những chỗ đất mềm. Lúa ở srê bó thường hay bị chuột phá phách. Ngoài biện pháp đặt bẫy diệt chuột người Srê còn tin vào một cách trừ chuột như sau: buổi chiều đi ra ruộng tìm chỗ lúa bị chuột cắn, lượm lên đem ra đường cái hoặc đường vô ruộng và đào lỗ bỏ xuống, lấy đá đè lên rồi về nhà. Về đến nhà lên giường nằm, không ăn cơm chiều, không nói một câu nào cho đến sáng hôm sau hoặc đến khi tỉnh dậy sau một giấc ngủ. Trong bảy ngày sau đó không được đi ra ruộng. Hiện nay nhiều người không còn tin ở cách trừ chuột này nữa. Ở vùng người Srê có các loại giống sau đây: Loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khoảng 3 tháng, là kơi, phang. Người ta gieo lúa ngắn ngày do thu hoạch sớm vào thời kỳ giáp hạt, hoặc gieo thay thế lúa dài ngày trong những năm mùa mưa đến quá muộn. Loại lúa sinh trưởng dài ngày, khoảng 6 tháng, gồm có Kơi me có vỏ vàng tươi, ruột trắng và me vu có vỏ vàng sẫm, ruột nâu, kơi me, kơi klálau. Lúa nếp (mbar) cũng được trồng trong 6 tháng và có các loại giống: mbar Euôn (nếp fân hóc), mbar sơkar (nếp nước), mbar khóa (nếp đậu), mbar jiring (nếp nen). Tất cả các loại giống lúa trên đều có thể trồng ở srê bó lẫn srê gơl, srê bó được gieo hạt trước. Thường vào tháng 5 dương lịch. Srê gơl được gieo hạt vào tháng 6 hoặc tháng 7. Người ta chọn những ngày tốt để gieo hạt. Theo truyền thống người Srê tính ngày theo tuần trăng. Những ngày trong thượng tuần trăng được gọi là lik (lik trăng lưỡi liềm), ví dụ dul lik là ngày1, bar lik là ngày 2, po lik là ngày 3. Khoảng giữa tháng được gọi một cách khác, như nmar me là ngày 15 trăng tỏ, nmar đê là ngày 16, bđar bram là ngày 17. Đến ngày 18 thì được gọi là peklam nghĩa là đêm thứ ba (sau đêm trăng tỏ), quãng thời gian cuối tháng không có trăng được gọi là tộc. Trong một tháng, những ngày tốt, thuận lợi cho việc gieo giống là po lik (ngày 3), pob lik (ngày 7), và pê klam (ngày 17), tức là những ngày lễ theo cách tính lịch của người Srê. Những ngày kỵ đối vời việc gieo trồng là ndar me (ngày 15), bar lik (ngày 2), và nhất là những ngày cuối tháng (tộc). Cho đến nay tập quán chọn ngày gieo giống này không còn phổ biến nữa. Đơn vị đo lường dùng trong nông nghiệp là các loại gùi Rơnons là loại gùi lớn nhất, thông thường bề cao chừng 19cm và đường kính miệng gùi 55cm. Loại gùi này đựng được khoảng 40 kg lúa, là đơn vị đo lúa giống gieo hàng năm. Sah : có kích cỡ nhỏ hơn rơnons, thông thường bề cao 45cm và đường kính miệng gùi 39cm, loại gùi này đựng được khoảng 25kg lúa, là đơn vị đo số lúa thu hoạch hàng năm. Một mẫu srêgơl thường thường cho thu hoạch 60 sah lúa, hoặc 80 tới 100 sah trong những năm được mùa. Một mẫu srê bó thường cho 70 tới 80 sah lúa, hoặc từ 100 tới 120 sah trong những năm được mùa. Sơk: loại gùi nhỏ hơn nữa, đựng khoảng 15 kg lúa, được dùng để đựng lúa giống đem gieo. ngoài ra cũng có một số gia đình tính số lúa thu hoạch theo sah. CÓ kích thước nhỏ hơn sơ chút đỉnh loại gùi mang tên sở gơnơl, chủ yếu dùng để đựng đồ dùng và thức ăn khi đi chợ hoặc đi làm, nhưng cũng có người còn dùng để đựng lúa giống đem gieo. Khimo : loại gùi nhỏ nhất, thông thường bề cao 32cm và đường kính miệng 23cm dùng để xúc lúa đã đạp đem rê trước gió. Trong sản xuất, người Kơho vốn có những tập quán tương trợ tập thể. Các tập quán ấy là: Tâm ốp: Đây là hình thức giúp nhau cao nhất, theo đó cả dòng họ cùng đi làm chung với nhau mà không kể đến số người lao động nhiều hay ít của từng gia đình. Tất cả những người còn sức lao động đều đi làm giúp nhau, tuần tự từ gia đình này đến gia đình khác. Tất cả trâu cày trong dòng họ đều được tập trung lại để sử dụng chung. Khi đến giúp cho một gia đình nào đó, người đi phải mang cơm theo, còn thức ăn thì do gia đình cung cấp. Nhưng khi mang lúa về kho, người đi làm không cần mang cơm theo vì lúc đó gia đình được hưởng công đã có đủ lúa để đài thọ ăn uống. Tâm luh: Đây là trường hợp một người trong dòng họ này nhân lúc rảnh rỗi tự ý đi làm ruộng giúp cho một người nào đó ở một dòng họ khác. Sau này người hưởng công sẽ đi giúp lại cho người kia bằng số ngày công đã hưởng. Việc này người ta còn gọi là sal ti. Cách gọi này cũng chỉ trường hợp trả công cho người đã cho mình mượn trâu cày hoặc lúa. Thông thường một đôi trâu cày cho mượn sẽ trả 7 ngày công, và một sah gạo cho mượn sẽ được trả 5 ngày công. Kup ti: đây là trường hợp người ta chủ động đi tìm một người nào đó trong hoặc ngoài dòng họ đến làm giúp cho mình, sau này khi người đến làm giúp cần thêm người đi cày, gặt... thì người hưởng công kup li sẽ đi trả công lại. Trong các trường hợp trên, người đến làm giúp phải đem cơm theo và người hưởng công sẽ cung cấp thức ăn. Trong thời gian chiếm đóng của Mỹ-ngụy, một số người Srê đã mua được máy cày và đã cho người trong làng hoặc trong dòng họ thuê với giá 20.000 đồng (tiền ngụy) một ha, chưa kể tiền xăng nhớt. Ngoài nhóm Srê chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng nước, nhóm Chil ở một số nơi trong khoảng gần 20 năm gần đây cũng đã bắt đầu áp dụng phương thức canh tác này. Người Chil không gieo giống như người Srê mà đã dùng kỹ thuật cấy mạ như người Việt. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người Chil dùng gậy chọc lúa để tỉa lúa trên ruộng khô. Từ khi định cư trong các ấp chiến lược của Mỹ-ngụy, người Chil đã sử dụng phân bón một cách phổ biến, nhất là phân hóa học. Ở vùng người Chil, người ta làm ruộng bằng cuốc (chơlong) hoặc bằng cái xà bát. Những người có máy cày hoặc có tiền thuê máy cày thì dùng nó vào khâu làm đất. Đối với ruộng chọc lỗ, sau khi cuốc hoặc cày đất xong người ta đập nhuyễn đất và ban ra cho phẳng. Kế đó là cào cỏ lại một chỗ và đốt, khi có những cơn mưa đầu mùa sắp kéo đến. Người ta đi chọc lỗ tỉa giống như tỉa lúa trên rẫy. Đối với ruộng cấy mạ, sau khi cuốc hoặc cày đất xong, người ta bừa ruộng bằng một cái bừa gỗ do người kéo. Vào khoảng tháng 6 dương lịch, người ta nhổ mạ ở nương mạ (ụ sih kơi) để cấy vào ruộng. Ngoài rẫy và ngoài ruộng vừa trình bày trên, người Kơho còn một hình thức trồng trọt khác là làm vườn. Những vườn của họ chỉ là những mảnh đất nhỏ ở gần nhà trồng trọt một số cây như bo bo, mít, chuối, trầu, mía, đu đủ... một số nơi đã xuất hiện những mảnh vườn chuyên canh chuối, mía, cà phê,.... Ngoài trồng trọt là nguồn kinh tế chính, người Kơho còn có những hoạt động kinh tế phụ khác như đi săn, đánh cá, hái lượm lâm sản. Ở trong làng thì người ta nuôi theo lối thả rong các loại gia súc dê, heo, gà, vịt... Người ta cũng nuôi trâu bò và ngựa hoặc voi. ngoài trâu và bò được nuôi ở những vùng làm ruộng để làm sức kéo, gia súc lớn còn được nuôi để làm vật hiến sinh trong các dịp lễ nghi. Với tính cách là một nghề phụ gia đình, chưa tách khỏi ngành trồng trọt, nghề thủ công của người Kơho vừa cung cấp những sản phẩm cho nhu cầu của dân làng vừa tạo ra được một ít sản phẩm thừa để trao đổi hoặc bày bán ở các chợ thị trấn. Nghề đan lát và nghề rèn hầu như ở làng nào cũng có người làm. Hầu hết công cụ dùng trong ngành trồng trọt là do các làng tự rèn lấy, nghề dệt vải cũng tương đối phổ biến, nhưng nhóm Srê trong mấy chục năm gần đây không còn làm nghề này nữa. Một số nơi có nghề gốm, nắm đất bằng tay, chưa có bàn xoay, giao dịch trao đổi được thực hiện bằng hiện vật là phổ biến, nhưng ở những làng nằm gần các trung tâm thị tứ, người Kơho đã dùng tiền trong việc mua bán. Chính sách thực dân của Pháp và Mỹ đã tạo nên một số biến đổi về sinh hoạt kinh tế ở vùng người Kơho. Trong đó có hiện tượng người Kơho đi làm công nhân trong những đồn điền của giới tư bản Pháp - Việt. Có loại công nhân ở các làng đến làm cho đồn điền trong một thời gian nhất định rồi trở về làng. Có loại công nhân rời nhà đến ở hẳn trong đồn điền. II. TỔ CHỨC XÃ HỘI Trước ngày giải phóng, xã hội Kơho mang trong mình nó nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, với nhiều yếu tố của những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau như: quan hệ xã hội, nhóm thực dân nửa phong kiến, quan hệ xã hội nguyên thủy đang tan rã để bước vào ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp... nhưng những tàn dư của quan hệ xã hội nguyên thủy hãy còn tồn tại khá đậm nét. Do đặc điểm của từng vùng cư trú và những điều kiện lịch sử khác nhau nên giữa các nhóm Kơho đã có một sự chênh lệch nhất định về trình độ phát triển xã hội. Những nhóm sinh sống trên những vùng núi cao, vùng xa xôi hẻo lánh của các cao nguyên Lang Biang và Di Linh như người Chil, người Nộp, người Cờdòn... đốt rừng làm rẫy (mir) là phương thức canh tác chủ yếu, họ thường phải sống du canh, du cư từ nơi này qua nơi khác, nên làng mạc (bon) của họ cũng chỉ là tạm thời. Ngược lại, các nhóm khác ở những vùng thung lũng, vùng đất đai phì nhiêu hơn của hai cao nguyên nói trên như người Srê, người Lạt... ruộng nước là phương thức canh tác chính thì họ đã tiến tới một trình độ tổ chức xã hội cao hơn so với những nhóm làm rẫy. Nhưng nhìn chung, đối với tất cả các nhóm, thì làng (bon) vẫn là một đơn vị tổ chức xã hội cao nhất của người Kơho đã đạt đến... Về mặt địa lý, làng (bon) là một khoảng đất rộng vài ba cây số vuông, trên vùng núi cao hoặc dưới các thung lũng.... Giữa các làng có đường "ranh giới" rõ rệt bằng các cột mốc thiên nhiên như con sông, ngọn suối, hoặc đỉnh đồi, do các chủ làng (quăng bon) quy ước với nhau và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Về mặt kinh tế, mỗi một thành viên trong làng đều có quyền phát rẫy, săn bắn, hoặc bắt cá trong vùng rừng núi và những sông suối thuộc quyền quản lý của cộng đồng làng theo sự hướng dẫn của chủ làng, và các chủ rừng (tombri). Tại những vùng thung lũng, vùng canh tác ruộng nước thì thổ cư, ruộng đất đã dần dần thuộc về quyền sở hữu, quyền quản lý của từng đại gia đình, tiểu gia đình hoặc dòng họ. Buôn làng là một đơn vị kinh tế mang tính chất tự túc, tự cấp và khép kín. Về mặt xã hội, làng (bon) là một công xã thị tộc mẫu hệ. Nghĩa là mọi người trong làng đều có quan hệ huyết thống về bên ngọai, và cư trú trong những nhà dài sát cạnh nhau. Nhưng ở vùng làm rẫy thì làng (bon) có khi chỉ là một đại gia đình mẫu hệ, cả làng đều là con cháu từ một người đàn bà và cùng cư trú trong một mái nhà duy nhất. Ở những vùng thung lũng phì nhiêu dân cư tương đối đông đúc thì làng lại thường là một đại tông tộc, một làng gồm nhiều dòng họ. Đứng đầu làng là chủ làng (quăng bon). Đó là một người đàn ông khỏe mạnh được chọn trong số những người đàn ông cao tuổi nhất của làng. Điều quan trọng hơn hết, ông ta phải là một người hiểu biết tường tận các phong tục, tập quán của làng và của cả dân tộc mình. Chủ làng cũng như mọi người lao động khác, nghĩa là hàng ngày ông ta phải lao động cật lực để tự nuôi sống bản thân và con cái của mình. Nhưng về mặt tinh thần, ông ta có một uy quyền tuyệt đối đối với mọi thành viên trong làng. Những lời khuyên bảo của ông được mọi người khác chấp hành "nghiêm chỉnh", ai làm trái với "lệnh" của ông là coi như người đó đã tự mình lìa khỏi cộng đồng và bị dư luận chung nghiêm khắc lên án, bị mọi người dân trong làng khinh ghét ruồng bỏ. Ở những vùng đất phì nhiêu, dân cư tương đối đông đúc có những trường hợp đặc biệt nhiều làng (bon) cư trú gần nhau đã dần dần hợp thành một đơn vị "thống nhất". Đó là hiện tượng liên minh "tự nguyện" giữa các làng của người Kơho khác hẳn với những đơn vị hành chính của bọn thống trị bên ngoài áp đặt vào như tổng, xã, nguồn, mục... Thí dụ các làng Kernit, Rlang hum, Kon hia và Đrông hợp thành một liên minh mà người ta thường gọi là bốn làng của Đ'rông. Mỗi một liên minh như vậy cũng có một người đứng ra lãnh đạo chung gọi là M'đrông. Người đó được chọn trong số những chủ làng đứng ra tự nguyện liên minh với nhau. Thông thường, người thủ lĩnh của liên minh "M'đrông" là người chủ làng lớn nhất trong số các làng đã liên minh với nhau. Như vậy, bên cạnh các chủ làng (quăng bon), chủ các làng M'đrông còn có các chủ rừng (Tơmbri), thầy cúng (Gru) và các gia trưởng (Pôniu)... Họ thường được gọi là những người thuộc "tầng lớp trên" trong xã hội cổ truyền của người Kơho. Sự khác biệt đó chủ yếu dựa vào sự khác nhau chút ít về các tư liệu sinh hoạt như: chiêng, ché, hoặc mức thu nhập lúa, do họ có sức lao động và kinh nghiệm sản xuất tạo nên chứ không phải do kết quả của việc bóc lột sức lao động của những người nông dân đồng tộc. Tuy nhiên, theo đà phát triển nội tại của xã hội Kơho cũng đã xuất hiện những khái niệm kẻ giầu (91), người nghèo (92) và con ở (cau vơroa) (93) hay tôi tớ (dik) (94). Sự xuất hiện các khái niệm đó trong xã hội cổ truyền của người Kơho là những dấu hiệu của một xã hội tiền giai cấp (thời kỳ quá độ bước sang chế độ có giai cấp). Sự khác biệt với xã hội có giai cấp ở chỗ thân phận của những người được gọi là con ở (cau vơroa) và tôi tớ (dik) đã được gia chủ cũng như xã hội bên ngoài đối xử bình đẳng trong tinh thần tương thân tương ái. Họ được coi như là một thành viên thực thụ trong gia đình người chủ và có thể lấy con trai hay con gái của gia đình chủ làm vợ, làm chồng mà vẫn không bị dư luận bên ngoài dèm pha hoặc lên án... Có thể nói, trong xã hội cổ truyền của người Kơho chưa có sự phân hóa giai cấp rõ rệt: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Xã hội đó đang ở trong thời kỳ quá độ - thời kỳ thai nghén để bước sang một tổ chức xã hội cao hơn, xã hội có giai cấp và Nhà nước.... Cùng với sự phát triển nội tại của xã hội Kơho và sự tác động mạnh mẽ của các xã hội có giai cấp bên ngoài: xã hội phong kiến Chăm, Việt, khơme, mà đặc biệt là chính sách tước đoạt đất đai, nương rẫy để lập đồn điền của thực dân Pháp cũng như chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ-ngụy trước đây, đã tạo nên những biến động trong sinh họat kinh tế và xã hội của người Kơho. Nếu như trong cơ cấu của xã hội cổ truyền, làng (bon) là một công xã thị tộc, hay là một đại gia đình mẫu hệ, thì dưới chế độ thực dân cũ và mới làng (bon) trở thành một công xã láng giềng và có nơi đã trở thành một đơn vị hành chính. Làng gồm nhiều làng cũ của nhiều nhóm tộc người có phong tục tập quán, tín ngưỡng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau cùng cư trú. Ví dụ, làng trong đồn điền Bunbê (Boulbet) có người Nộp, người Srê, người Cờdòn, người Mạ, người Khơme cùng cư trú. Làng Đạ Me (ấp chiến lược cũ) bao gồm các làng cũ là: bon Rơm, bon Xiết Mé bon Đạ Té, bon Liêng Bông của người Chil, người Thái và người Việt. Làng suối Thông A (ấp chiến lược cũ) có các làng cũ như Đa kạ, Gơng Lô, Liêng Bông, Đ'rông của người Chil, người Tơring, người Srê, người Êđê, người Khơme và người Mỹ lai Chil v.v... Nhiều làng cũ bị xé lẻ thành nhiều bộ phận cư trú ở các địa điểm khác nhau. Làng Liêng Bông của người Chil thuộc vùng Đông Bắc cao nguyên Lang Biang, dưới thời Mỹ-ngụy, làng bị chia thành ba bộ phận: một bộ phận bị dồn vào ấp chiến lược Đạ Me thuộc xã N'Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, một bộ phận cư trú ở ấp Suối Thông A thuộc huyện Đơn Dương, một bộ phận khác di cư vào thành phố Đà Lạt. Với sự đảo lộn hầu như toàn bộ địa bàn cư trú, sinh hoạt kinh tế và cơ cấu của (bon) làng đã tạo ra tình trạng hai hệ thống quản lý của (bon) làng song song tồn tại: bộ máy tự quản của (bon) làng truyền thống và bộ máy hành chính do chủ nghĩa thực dân cũ và mới áp đặt vào. Tình hình đó đã làm cho uy quyền của tầng lớp chủ làng, chủ đất trong cơ cấu xã hội cổ truyền dần dần bị giảm sút. Một số khác cùng với con cháu của họ đã bị chính quyền thực dân cũ và mới đặc biệt mua chuộc và lợi dụng đào tạo họ thành những người nằm trong guồng máy thống trị của chúng từ trung ương đến tận các cơ sở như: các nghị viên, ủy viên hội đồng sắc tộc, chánh tổng, tỉnh phó, quận trưởng, xã trưởng, an ninh xã thôn và các mục sư, thầy giảng trong các nhà thờ Tin lành. Họ thuộc tầng lớp trên có những đặc quyền, đặc lợi gắn liền với chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Lợi dụng địa vị và uy quyền của mình, họ đã dần dần bao chiếm nhiều ruộng đất và tiến hành kinh doanh nông nghiệp theo chiều hướng tự phát đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Ví dụ: Tou Prông Hiu, quận trưởng quận Đơn Dương đã chiếm tới 150 ha đất đai ruộng đất, chánh tổng Drong Phàng cũng đã chiếm tới 38 ha đất đai trồng trọt. Các mục sư Ha Siêng, Ha Phang, Ha Đang, Ha Mung, Ha Sô B, Ha Pó, Ha Đơi, Ha Sao A, Ha Ka v.v... đã có từ 4-5 ha ruộng đất và những nông cụ cơ khí loại lớn. Trong khi đó như Ha Thing, ha Phang... là những người nông dân nghèo cùng ấp, gia đình 10 nhân khẩu mà ruộng đất chỉ có được dưới 2 sào. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tình hình ruộng đất trong vùng người Kơho đã được chính quyền nhân dân giải quyết hợp tình hợp lý, ruộng đất canh tác đã được đem lại cho những người nông dân nghèo khổ, người cày đã có đủ ruộng cày... Đồng bào Kơho đã và đang cùng với các dân tộc anh em khác tiến lên xây dựng các tổ vần công, đổi công, các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp. Quan hệ gia đình và hôn nhân: Người Kơho hiện nay vẫn tồn tại hai hình thức gia đình: đại gia đình mẫu hệ và tiểu gia đình. Quá trình tan rã của đại gia đình và sự chuyển biến từ gia đình lớn sang gia đình nhỏ đang diễn ra một cách một cách mạnh mẽ. Ở những vùng trù phú, vùng ven quốc lộ 20, lộ 11, quanh thị trấn, thị xã... hình thức gia đình nhỏ càng ngày càng trở nên phổ biến. Trong đại gia đình mẫu hệ, thì hình thức ở chung, nhưng làm riêng và ăn riêng là phổ biến hơn cả; còn loại ở chung, làm chung và ăn riêng chỉ còn là những trường hợp cá biệt. Đại gia đình mẫu hệ của người Kơho thường sống chung dưới một mái nhà dài (hịu rọt) hoặc cư trú trong hai ba nhà dài sát cạnh nhau trong cùng một khuôn viên. Đại gia đình có 10-30 thành viên thuộc 3-4 thế hệ bao gồm nhiều nhóm gia đình nhỏ của những người chị em ruột thịt, gần gũi về phía mẹ cùng với chồng con của họ (95). Về mặt hình thức, cộng đồng huyết thống đó cùng chung sở hữu ruộng đất, đàn gia súc và một số bất động sản khác như: đồng la, chiêng, ché... Đứng đầu đại gia đình là một người gia trưởng (Pôhiu). ông ta thường là người chồng của người đàn bà thuộc thế hệ lớn nhất trong gia đình. Trong thực tế gia trưởng (pôhiu) chỉ là người thừa hành những uy quyền truyền thống, tuyệt đối và toàn diện của người cậu (kan pang) để điều hành mọi công việc về: kinh tế, sinh họat, tín ngưỡng ma chay, cưới xin trong đại gia đình; và là người thay mặt cho đại gia đình trước buôn làng cũng như các đại gia đình khác. Đất đai canh tác, thực tế đã dần dần thuộc quyền sở hữu của các nhóm gia đình nhỏ. Tuy nhiên, những khu đất của gia đình nhỏ thuộc gia đình lớn thường nằm kế cận nhau. Mỗi nhóm gia đình nhỏ tự canh tác trên mảnh đất của mình nhưng đều có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các gia đình nhỏ ở mọi khâu sản xuất (96). Từng nhóm gia đình nhỏ khi muốn mua bán hoặc chuyển nhượng đất đai của mình đều phải có những lý do chính đáng và phải được sự đồng ý của người cậu, tức là người đứng đầu dòng họ ngọai. Sản phẩm làm ra, mà chủ yếu là lương thực là của riêng từng gia đình nhỏ. Mỗi gia đình nhỏ có một kho thóc riêng. Tuy vậy, gặp những khi thất bại mất mùa thì họ vẫn san sẻ cho nhau một cách rất tự nhiên. Các dụng cụ sản xuất như chà gạt, cày, cuốc, rìu... và các dụng cụ sinh họat như quần áo, trang sức... là của riêng của mỗi người. Mỗi gia đình thường có một hay hai ba bếp dùng để nấu ăn hoặc để sưởi ấm... Tổ chức đại gia đình mẫu hệ của người Kơho đang dần dần tan rã, gia đình nhỏ đã xuất hiện và ngày càng phổ biến. Quá trình đó đã diễn ra một phần do sự phát triển nội tại của xã hội Kơho, một phần do sự tác động của các xã hội ở bên ngoài, nhất là chính sách dồn dân lập ấp chiến lược dưới thời Mỹ-ngụy đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình hình thành những gia đình nhỏ... Một điều đáng chú ý trong tổ chức gia đình của người Kơho là bất kể gia đình lớn hay nhỏ đều duy trì những tàn dư sâu đậm của chế độ mẫu hệ, nghĩa là con cái được tính dòng họ mẹ. Con gái được kế thừa những tài sản của gia đình và phần lớn những quyền hành đều thuộc về người mẹ hoặc người cậu.... Tuy nhiên, trong gia đình cũng như trong xã hội, vai trò của người đàn ông cũng đã được chú trọng nhất là trong lao động sản xuất.... Trẻ con dù là trai hay gái đều được bố mẹ yêu thương chăm sóc như nhau. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên vợ đã được xác lập và duy trì ở người Kơho. Người đàn bà, đóng vai trò chủ động trong hôn nhân (người Kơho có tục "bắt chồng"). Đến tuổi trưởng thành (15 - 16), người con gái ưng ai thì trình bày với bố mẹ và nhờ người mai mối (lam vông) đến ngỏ ý với gia đình nhà trai. Sau khi đã được sự đồng ý của người cậu (kổn), lễ dạm hỏi gồm có: một vòng đồng và một chuỗi cườm tượng trưng cho tài sản tương lai của đôi trai gái được đem tặng cho gia đình nhà trai. Và nếu gia đình nhà trai chấp thuận (nhận những tặng vật này) thì ngày làm lễ thành hôn sẽ được ấn định. Đến ngày hôn lễ, cô gái mang một gùi củi trên vai được bố mẹ và người làm mối (lam vông) dẫn đến nhà người con trai, mẹ cậu trai đến trước mặt cô dâu tương lai và dẫn cô ta vào nhà mình để đặt gùi củi. Trong thời gian đó, rượu cần và các thức ăn cần thiết cho việc cúng tế được nhà trai sửa sọan sẵn tùy theo mức độ giầu có của gia đình mình. Lễ cúng này được đôi tân hôn và gia đình hai bên tổ chức tại nhà cậu trai. Họ cầu xin thần linh (Yang) phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ gặt hái được nhiều lúa gạo, có sức khỏe, con đông, cháu nhiều và trăm năm hạnh phúc. Sau lễ cúng, một phần đồ ăn và rượu dùng để chiêu đãi khách khứa của đôi bên nam nữ. Người mai mối (lam vông) bên chồng tặng cho chú rể một nắm cơm, cho cô dâu một nắm cơm và cứ thế làm đi làm lại trong 6 lần liền. Tiếp sau đó, mời chú rể và cô dâu cùng uống rượu. Bạn bè hai họ hát xướng thâu đêm, cùng với tiếng chiêng tiếng trống rộn ràng mừng cho đôi bạn trẻ. Chiều hôm sau, chú rể đưa cô dâu vào phòng tân hôn và hai người ở đó một đêm nhưng chưa được ăn nằm với nhau. Trong thời gian đó, khách khứa ở bên ngoài vẫn tiếp tục uống rượu trong tiếng chiêng trống. Và buổi tiệc cứ như vậy có thể kéo dài từ 4 đến 5 ngày, tùy theo mức độ giàu có của nhà trai. Lúc khách đã ra về, bố mẹ của hai bên mới bàn đến thời hạn cần thiết để bố mẹ cô dâu sửa soạn lễ rước rể về cư trú vĩnh viễn bên nhà vợ. Thời hạn này thường từ 5 đến 10 ngày. Trước ngày rước rể, gia đình lại tổ chức cúng để cầu khẩn thần linh tiếp tục phù hộ cho đôi vợ chồng. Lúc này, họ hàng bên trai ấn định của hồi môn cho con trai. Theo tục lệ cổ truyền, bố mẹ chồng cho người con trai của mình nhiều đồ vật có giá trị như: chiêng, ché, trâu, bò và một số đồ dùng cá nhân khác, nhưng vì sự tôn kính bố mẹ, mà người con trai phải từ chối. Trước khi sang ở bên nhà vợ, người con trai chỉ được mang theo: quần áo, một thanh gươm, hai cái chén, một cái bát, một đôi đũa và một cái mâm đồng. Đó là những tài sản thuộc quyền sở hữu của người chồng. Đến ngày đã định, chú rể cùng người mai mối (lam vông) bên chồng và gia đình, bạn bè kéo đến nhà cô dâu dự lễ rước chú rể. Gia đình nhà gái, phải ra đón tiếp nhà trai cách nhà mình một cây số cùng với những ché rượu lớn. Nhà gái phải mời bên nhà trai cùng uống rượu và hát xướng. Sau đó, phái đoàn bên nhà trai đi vào trong nhà gái, người mẹ chồng cầm lấy tay cô dâu; người cha cầm tay chú rể. Và những lễ cúng tổ chức ở đây diễn ra giống như ở nhà trai, nhưng chỉ có một chi tiết khác biệt duy nhất, phía nhà gái mời chú rể cơm và rượu... Sau tục lệ này, đôi vợ chồng mới được phép gần nhau. Người Kơho cấm quan hệ hôn nhân giữa những người bà con cùng họ, trong cùng một địa phương. Con chú, con bác, con dì con già không được lấy nhau. Trái lại con cô con cậu từ hai chiều có thể có quan hệ hôn nhân với nhau. Sau khi vợ chết, người chồng góa có thể kết hôn ngay với người em gái của vợ; và ngược lại người vợ góa cũng có thể lấy ngay người em trai của chồng nếu đôi bên ưng thuận. Cho đến nay, hôn nhân của người Kơho vẫn dựa trên cơ sở ưng thuận giữa đôi bên trai gái, cha mẹ không bao giờ cưỡng bách việc hôn nhân của con cái mình như những luân thường đạo lý thường thấy trong xã hội có giai cấp. Sau khi kết hôn, người con trai thường cư trú ở bên vợ, nhưng đối với những gia đình hiếm con hay gia đình chỉ có một người con trai nếu cô dâu bằng lòng thì vẫn có thể về ở phía nhà chồng, song con cái của họ vẫn theo dòng họ mẹ. Lễ vật khi con gái "bắt chồng" hay người con trai cưới vợ khá lớn: thường là một con trâu, 2 cái vòng đồng, một con heo, hai con gà và nhiều ché rượu. Hiện tượng quan hệ nam nữ tiền hôn nhân trong xã hội người Kơho không được coi trọng và không ảnh hưởng gì đến hôn nhân. Nhưng việc ngọai tình lại là một tội phạm và bị luật tục trừng phạt một cách nặng nề. Hiện tượng ly hôn trong xã hội rất ít khi xảy ra, những trường hợp đặc biệt ly hôn thì phải được chủ làng chấp thuận. Chế độ một vợ một chồng đã được xác lập, nhưng trước đây trong xã hội cũng đã có những hiện tượng đa thê, chủ yếu tập trung ở những gia đình giàu có mà phần lớn là các chủ làng. Muốn cưới thêm vợ bé thì phải được sự chấp thuận của người vợ cả, và người vợ lẽ phải có nhiều lễ vật để biếu người vợ cả... Bởi những luật lệ và thủ tục phiền phức như vậy, nên vùng người Koho rất ít người đàn ông lấy đến hai, ba vợ. III. PHONG TỤC TẬP QUÁN VÀ TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO Do trình độ phát triển của xã hội còn thấp, người Kơho tin rằng mọi mặt đời sống của mình đều có các thế lực siêu nhân quyết định. Chẳng hạn nếu mùa màng tốt, đây là do thần linh ban cho, nếu bệnh họan, ốm đau, đây là do ma quỷ ám hại. Tín ngưỡng về siêu nhân của người Kơho cũng như của các dân tộc ít người khác ở Tây Nguyên nói chung tập trung vào ý niệm một bên là thần thánh luôn luôn phù hộ con người và một bên là ma quỷ luôn luôn làm hại con người. Về các thần thánh, trong quan niệm của người Kơho có một vị thần tối cao, chúa tể của các vị thần khác, tên gọi Nđu là vị thần khai sáng vũ trụ và là vị thần bảo hộ tối cao của con người. Thần Nđu ít khi được biểu hiện qua những hình ảnh cụ thể. Phần đông người Kơho chỉ có một ý niệm lờ mờ về vị thần này đó là vị thần hiện diện ở khắp mọi nơi có quyền năng tuyệt đối và luôn luôn che chở cho người, nhất là người Kơho. Mặc dù Nđu là thần tối cao, nhưng trong các dịp tế lễ, người Kơho ít cầu đếnvị thần này mà thường cầu xin những vị thần khác thấp hơn. Do đó Nđu là thần tối cao, tượng trưng cho sự an lành nhưng không gần gũi với người Kơho bằng những vị thần khác ở ngôi vị thấp hơn. Những vị thần khác thì rất nhiều, như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần sông, thần đất, thần ruộng, thần nhà, thần ché rượu, thần kho lúa, thần rừng, thần đá... Tất cả những vị thần này đều có bản chất tốt, làm những điều lành cho con người. Đối nghịch với thần là những ma quỷ (chà), luôn luôn gây ra những tai nạn cho con người như phá họai mùa màng, gieo các bệnh tật. Mục tiêu chính của chà là làm hại con người. Người Kơho tin rằng chính chà là kẻ "ăn linh hồn" người chết. Do quan niệm về sự chi phối của thần và ma quỷ đối với đời sống, người Kơho thường phải cúng kiếng để cầu xin vào các dịp như mùa màng, hôn nhân, tang ma, ốm đau... Tùy theo tầm quan trọng của buổi lễ mà người ta tế sống trâu, heo, dê hoặc gà. Buổi lễ nào cũng phải có tế sinh súc vật và có rượu vì họ tin rằng các thần rất thích ăn thịt và uống rượu. Đại đa số các lễ này do từng gia đình tiến hành, và người chủ gia đình là người làm chủ lễ. Trong làng không có ai chuyên giữ chức vụ tư tế. Người phù thủy không phải là người giữ chức vụ tư tế của làng mà là một nhân vật có nhiệm vụ trừ khử những tai họa của dân làng, thường nhất là bệnh tật. Người Kơho tin rằng phù thủy là người liên lạc được với thần linh và ma quỷ, do thần linh chỉ định, họ biết ý muốn của thần và ma quỷ để truyền lại cho dân làng cách tránh những tai họa xảy ra. Ở một số làng, phù thủy là đàn ông, có nơi phù thủy lại là đàn bà. ngoài những lúc đi chữa bệnh hoặc cúng thần trừ tai họa cho dân làng, phù thủy vẫn làm những công việc như bất cứ một người nào trong làng. Do đời sống kinh tế của người Kơho cơ bản dựa vào nông nghiệp, cho nên những lễ nghi liên quan đến công việc làm rẫy, làm ruộng là những lễ nghi quan trọng nhất và được tiến hành thường xuyên nhất. Sau đây là một số lễ nghi nông nghiệp của người Kơho ở vùng Di Linh. ngoài lễ đâm trâu Nôsarpu được tiến hành rất linh đình và mang nhiều ý nghĩa như mừng lúa được mùa, tạ ơn thần linh đã ban sự an lành cho làng... Người Kơho tại Di Linh làm ruộng nước nên các lễ nông nghiệp ở đây là các lễ tiến hành vào các khâu làm ruộng. Lễ đầu tiên là lễ gieo giống (Nhô sih srê) cúng ngay tại ruộng trước khi gieo trồng, cầu xin trời đừng mưa vào lúc gieo giống xong (vì nếu gặp mưa lớn, hạt giống sẽ bị hỏng). Người ta lấy máu gà đổ vào số hạt giống đem gieo và trộn với thân và lá khoai môn cắt nhỏ. Sở dĩ có trộn với thân và lá khoai môn vì người ta tin rằng làm như thế chuột sẽ không dám ăn hạt giống vì có khoai môn làm nó bị ngứa cổ. Ngoài ra họ tin rằng lá khoai môn không thấm nước sẽ che chở hạt giống nếu rủi ro gặp trời mưa sau khi gieo. Sau đó là lễ rửa "chân trâu", tiến hành sau khi gieo hạt một tháng, lúc con trâu đã được nghỉ ngơi sau thời gian cày bừa mệt nhọc, với mục đích cầu cho trâu được mập mạp, có cỏ ăn và sinh sản nhiều. Lễ này do từng gia đình cúng riêng tại nhà vào buổi tối. Trong khi khấn vái, tất cả lửa trong nhà đều phải dập tắt để ma quỷ khỏi nghe thấy những điều đang cầu cho trâu mà làm ngược lại. Người chủ nhà khấn vái ở chuồng trâu, cắt cổ gà ngay tại đó, lấy máu đổ vào trong một cái bình đựng sẵn nước lã, nghệ, lá môn, cỏ tranh, lá cây Nơha-mông (đã cắt nhỏ). Sáng hôm sau, bình nước được đem để ở cửa chuồng trâu. Theo lời đồng bào, thứ nước này tượng trưng cho thuốc chữa bệnh khi trâu đau ốm. Sau khi cúng, mọi người đều ăn uống, trong lúc ăn, mọi người lấy lưỡi cày vỗ nhẹ vào bụng mình bảy lần với ngụ ý là mùa cấy đã qua vất vả thì nên ít lại để khỏi lãng phí lúa gạo, đừng tiếp tục ăn nhiều như lưỡi cày ăn đất nữa. Sau đó là một lễ tập thể của cả làng, thường tổ chức dưới chân một ngọn núi vào lúc lúa đã mọc đầy đồng để tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hòa. Lễ này đã được gọi là Nhô wer (có lẽ bắt nguồn từ tên gọi Riu wer là cái chòi) mà người ta dựng lên ở nơi làm lễ để dành cho các thần. Người chủ làng đứng làm chủ lễ. Trước khi chủ làng đứng khấn thần, một thanh niên bỏ ngón tay vào miệng huýt sáo để mời một vị thần ở núi Brah-Yang về dự (97). Lời cầu khấn đại ý như sau: Hỡi các thần trời đất, núi rừng hôm nay làng chúng tôi làm lễ giết trâu tạ ơn các ngài đã cho chúng tôi mưa nắng mỗi năm một mùa để chúng tôi cày cấy, gieo hạt trồng hoa màu. Chúng tôi tha thiết mời các thần đến uống cùng chúng tôi và xin các thần cho dân làng chúng tôi được may mắn và mạnh khỏe luôn. Khi chủ làng dứt lời khấn, người thanh niên đứng bên cạnh cầm chà gạt chặt đùi con trâu và cầm lao đâm vào họng nó. Sau đó làm thịt trâu và ăn uống. Đến xế chiều mới về nhà. Buổi tối hôm đó, dân làng đến uống rượu tại nhà làng để rước thần về nhà mình. Sau đó là lễ Nhô kẹp. Lễ này được cử hành vào mùa lúa trổ bông, cầu cho lúa ra nhiều bông và đừng bị chuột phá phách. Từng gia đình cúng riêng tại ruộng của mình, thường vào ngày trăng tỏ vì người ta muốn cho mùa màng và đời sống đầy đặn như trăng rằm. Tại nơi làm lễ có một cây nến nhỏ, bên cạnh đó một cái lờ bắt cá đan tượng trưng, trong đựng đầy cát, có ý nghĩa mong mỏi bông lúa cũng phải nhiều như cát vậy. Khi lúa đã chín, từng gia đình tổ chức cúng tại ruộng của mình. Lễ trồng cây nêu (Nhô tốt đông). Người ta dựng tại ruộng một cây nêu (gonơng) bên cạnh có một cái nhà tượng trưng gọi là hiu Nđu (Nđu là thần tối cao) trong đó có bày cơm, xôi, chuối, trứng gà, rượu... Bốn góc ruộng cắm những khúc tre ngắn, trên đầu kẹp lá rừng và bôi máu gà hiến sinh. Theo lời đồng bào, làm như vậy là để các thần linh biết đường về ăn uống với mình. Vào dịp lễ này, người ta cắm ở mỗi thửa ruộng một con ó nhỏ đen bằng tre, cột chung với một cái mõ. Gió thổi làm con ó lay động khiến cái mõ phát ra tiếng kêu, tượng trưng cho tiếng kêu của con ó. Lúc đồng lúa chín vàng, người ta thấy những con ó bay lượn và thường hay dừng lại bên trên đám ruộng, họ gọi hiện tượng này là Yú Koi. Họ tin rằng con ó được thần linh gửi đến vỗ cánh làm cho mọi bông lúa đều chín rộ, do đó vào dịp lễ này họ cũng làm con ó tượng trưng giả yú koi làm cho lúa chín đều. Vì thế lễ này còn được gọi là nhô klang' koltok (lễ cầu lúa chín). Lễ Nhô san koi cử hành vào lúc quạt lúa, do từng gia đình cúng ở ruộng của mình. Trước khi đem lúa ra quạt, người ta bày trên đồng lúa những đồ cúng gồm: ché rượu cần, chén nước lã, chén cơm, chén xôi, quả trứng, cái đèn, xóc xới lúa cho trâu đạp (koneh), cái chổi quét rơm và bụi trên lúa, hai cái nỏ tượng trưng làm bằng tre. Cái nỏ thứ nhất được cắm đầu về hướng Bắc để bắn ma quỷ có thể đang cản gió thổi từ hướng bắc tới (gió mùa đông bắc). Cái nỏ thứ hai quay đầu về hướng Nam, trên đó có một gói xôi hoặc lông gà, theo lời đồng bào là để cho ma quỷ ăn rồi theo chiều gió bay đi luôn. Sau khi đã tế sinh gà hoặc heo, lấy máu vãi lên lúa, cầu thần cho gió thổi nhiều, người ta bắt đầu đem lúa ra giũ. Lúc mang lúa về kho, chủ gia đình là người mang gùi lúa đầu tiên và gùi lúa cuối cùng. Trước khi về, ông kêu gọi tất cả các hạt lúa còn sót lại trong ruộng hãy tự đi về kho sau. Người ta lấy lúa lép bỏ vào các chén bằng rơm và đặt ở bên góc ruộng, với ngụ ý là để dành lại cho các thần linh. Lễ cuối cùng trong một chu kỳ nông nghiệp là lễ Nhô lir bông. Đây là lễ tết của người Srê, diễn ra khi công việc ruộng nương đã hoàn tất và các ché rượu cần đã tới ngày uống được. Từ lir bông có nghĩa là đậy nắp vựa thóc lại. Lễ cúng được tổ chức tại kho thóc của mỗi nhà, bắt đầu từ lúc xế chiều, có sự tham gia của chủ các bon, chủ gia đình khác trong dòng họ. Lúc cúng, người chủ gia đình khấn vái trước, sau đó đến chủ gia đình lớn rồi đến một chủ gia đình đại diện cho các gia đình khác trong dòng họ. Một câu nói người ta thường khấn trong lễ này là "sa kơn kơn đơn kơn niên" nghĩa là "ăn (lúa) vẫn không thiếu, bán vẫn còn thừa" khấn vái xong, người ta cắt cổ gà, lấy máu bôi lên vựa thóc, sân kho, cửa kho, rồi dùng một hỗn hợp giã nhỏ gồm vỏ cây đa, nghệ, đất gò mối, cỏ tranh đem bôi lên ngực, lên trán những người trong gia đình và bôi lên các đồ dùng trong nhà. Sự kiện này được giải thích như sau: "Trong thần thoại Srê, đất ụ mối, gỗ cây đa, là những vật liệu mà vị thần sáng tạo Nđu dùng để làm ra con người thuở ban đầu xa xưa cho nên cứ vào dịp mở đầu năm mới... phải làm lễ xoa những thứ "thuốc phép" ấy vào người. Họ làm lễ này là để nhớ lại buổi sinh ra con người lúc ban đầu và để kích thích sự sinh sôi nảy nở của con người, để tăng thêm sức mạnh cho con người trong chu kỳ mới của thiên nhiên đất trời (98). Những hiện tượng tín ngưỡng đa thần như trên phổ biến và thống trị trong xã hội Kơho. Nhưng bên cạnh đó đã thấy xuất hiện những bộ phận dân chúng tin theo những tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào như Thiên chúa giáo và Tin lành. Vào khoảng những năm 1928 - 1929 trở đi, các mục sư người Mỹ đã đặt những cơ sở đầu tiên để chuẩn bị cho việc truyền bá đạo Tin lành vào vùng người Kơho ở Lâm Đồng. Tiếp theo đó Trường Kinh Thánh Kơho Đà Lạt được thành lập, đó là tổ chức đầu tiên của "Trung tâm truyền giáo khu vực người Kơho" sau này của Mỹ. Nhiều mục sư truyền đạo người Kơho đã được đào tạo tại đây từ những năm 1946 - 1947. Nhất là sau khi hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương (1954), đế quốc Mỹ trực tiếp xâm lược Nam Việt Nam, kể từ đó, việc truyền bá đạo Tin lành có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâu rộng và liên tục trong vùng Kơho, cũng như vùng các dân tộc ít người khác ở địa phương. Cùng với chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược của chủ nghĩa thực dân mới, các mục sư đã có mặt ở hầu khắp các địa điểm cư trú mới của người Kơho để truyền đạo Tin lành. Lợi dụng trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp kém, và những phương tiện vật chất sẵn có trong tay, các mục sư Mỹ đã tập hợp quần chúng Kơho để tiến hành chính sách mị dân thông qua công tác từ thiện xã hội như: phát gạo, đồ hộp, quần áo thuốc men... đó là những tiền đồ về vật chất của đế quốc Mỹ nhằm phục vụ đắc lực cho việc truyền đạo. Kinh thánh và các tài liệu truyền giáo khác được các nhà ngữ học Mỹ trực tiếp dịch ra ngôn ngữ Kơho, và các mục sư đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó trong việc giảng đạo.... Với bản tính thật thà, chất phác của đồng bào Kơho, với những lời lẽ khéo léo của các mục sư, họ tưởng rằng Tin lành đồng nghĩa với các phương tiện vật chất khác mà người Mỹ sẽ mang tới, gần 15.000 người Kơho đã theo Tin lành. Riêng ấp chiến lược Đạ Me đã có tới 5 nhà thờ, 15 mục sư và thầy giảng. Các xã ấp khác như xã Lát, ấp Suối Thông A, Đam Pao. B'NôngRếch đạt tới 90% người Kơho là tín đồ của tôn giáo này. Đối với các tín đồ Tin lành người Kơho, ngoài các nghĩa vụ đóng góp khác, hàng năm còn phải nộp thêm 1/10 số thu nhập của mỗi gia đình để nuôi các mục sư, xây dựng các nhà thờ, tu viện và các cơ sở phục vụ cho việc truyền giáo. Sự đóng góp nặng nề đó được coi như một trong những tín điều quan trọng của kinh thánh bắt buộc mọi người phải tuân theo, Sau giải phóng, vùng người Kơho đã có nhiều biến đổi khá cơ bản. Nhân dân lao động Kơho đã đấu tranh quyết liệt và thoát dần sự chi phối của bọn phản động trong tôn giáo, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng mình khỏi vòng áp bức của bọn phiến loạn dân tộc địa phương, ra sức xây dựng cuộc sống mới. Thực hiện chủ trương định canh, định cư của nhà nước cách mạng, ngày nay, vùng Kơho đã lập được an ninh trật tự vững chắc, chính quyền nhân dân được củng cố. Đời sống kinh tế, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế trong những năm gần đây đang được phát triển nhanh chóng và tốt đẹp.
NGUYỄN
VĂN DIỆU
CHÚ THÍCH (91) Người giầu có nhiều chiêng, ché, đồng la, trâu bò, ruộng đất. (97) Việc huýt sáo này có sự tích như sau: Xưa có một người đàn ông Srê tên là Kyah ở làng Ka Krot (nay thuộc xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) thường đến suối Đạ Royông để đặt lờ bắt cá. Sáng nào đi ra suối lấy cá cũng đều không thấy con nào cả. K'Yah rình xem thì thấy hai nàng tiên đến lấy cá. Ông bắt được hai nàng và đòi bồi thường. Hai nàng phải về núi Barsh-Yang để hỏi ý kiến của cha mẹ là thền Brah-Yang. Người mẹ bảo K'Yah muốn gì thì hai nàng cũng phải chịu. K'Yah không đòi gì và chỉ đòi lấy hai chị em làm vợ. Người em đồng ý nhưng người chị không chịu nên phải hỏi lại ý kiến của mẹ. Người mẹ cũng trả lời như lần trước. Do đó hai nàng phải làm vợ K'Yah và người Srê theo chế độ mẫu hệ nên K'Yah phải về ở nhà vợ ở núi Brah-Yang. Từ đó, ông bảo người nhà mỗi khi có cúng phải đến núi Brah-Yang kêu ông về dự. Sau nhiều lần thấy người nhà đi lên núi rất tốn công sức ông bảo chỉ cần ở nhà húyt sáo trước khi cúng để ông biết về dự. ông dặn nếu giết trâu để cúng thì húyt sáo 6 tiếng, nếu giết dê hoặc heo, thì huýt 3 tiếng. Cho nên nay người Kơho (Srê) vẫn còn nhớ lời dặn bảo của K'Yah.
|
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |