Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau  

ho đến nay, tài liệu khoa học hiện có về vùng Lâm Đồng còn quá ít so với những vùng khác của Tây Nguyên. Điều đó đã hạn chế sự hiểu biết của chúng ta về những thời kỳ lịch sử khác nhau ở Lâm Đồng.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, sự hiểu biết về vùng đất quan trọng này đã được tăng cường hơn bất cứ thời gian nào trước đó. Qua hơn một phần tư thế kỷ đấu tranh cách mạng, hàng ngàn chiến sĩ, cán bộ đã từng sống với đồng bào các dân tộc ở Lâm Đồng trong nhiều năm liền. Họ hiểu rõ thiên nhiên, đất đai và con người ở địa phương.

Song, những tri thức quý báu đó chưa được hệ thống và tổng kết lại thành những công trình nghiên cứu và những công trình nghiên cứu khoa học xã hội về vùng Lâm Đồng đặc biệt còn quá ít so với nhu cầu cần được hiểu biết hiện nay.

Nhưng, vùng đất Lâm Đồng lại là một địa bàn rất quan trọng về mặt nghiên cứu khoa học xã hội. Đó là một vùng tiếp xúc dân cư ở nhiều hướng: vùng ven biển cực nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ của phần phía Nam nước ta. Đó là một vùng còn lưu tồn nhiều đặc trưng của xã hội nguyên thủy của thời kỳ quá độ từ thị tộc mẫu hệ sang phụ hệ, còn tồn tại hiện tượng đại gia đình và những đặc trưng văn hóa nguyên thủy trong giai đoạn đang tan rã. Lâm Đồng là vùng dân cư đã diễn ra và đang diễn ra các quá trình giao tiếp văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, dân tộc rất tập trung. Đó cũng là vùng mật độ dân số các tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo chiếm một tỷ lệ khá cao, đặc biệt vấn đề tôn giáo ở đây đã gắn chặt với vấn đề dân tộc ít người trong quá trình gần nửa thế kỷ qua. Tóm lại, vùng đất Lâm Đồng xưa và nay, luôn luôn là một vùng đất có những biến động xã hội sâu sắc và tập trung, nhiều hình thức xã hội và văn hóa của các dân tộc ít người đã bị biến dạng bởi những tác động của xã hội bên ngoài. Những biến động xã hội đó đặc trưng cho những quá trình xã hội ở nhiều vùng thuộc miền Nam nước ta, đặc biệt là những vùng dân cư dân tộc ở miền Nam Việt Nam.

I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỘC NGƯỜI Ở LÂM ĐỒNG

Nhìn chung, con người đầu tiên xuất hiện trên vùng đất Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Lâm Đồng là thuộc về giống người Anhđônêdiêng. Ở Việt Nam, người Anhđônêdiêng bản địa đã được hình thành từ hai đại chủng Ôtralônegroid và Môngôlôid vào thời kỳ văn hóa Bắc Sơn - Hòa Bình ở nước ta cách ngày nay khoảng 5.000 năm lịch sử. Dấu vết của giống người Anhđônêdiêng cổ đại vẫn còn lưu tồn đậm nét trong các loại hình nhân chủng của các dân tộc ở Tây Nguyên và Lâm Đồng. Ở đấy, yếu tố Ôtrailônêgroid (da đen, tóc quăn, sống mũi hơi cao, tầm vóc người thấp...) chiếm ưu thế hơn yếu tố Mônggôlôid (da vàng, tóc thẳng, gò má cao, mũi thấp...). Nhưng ở Đông Nam Á, đại chủng Ôtralônêgroid biểu hiện trong hai loại hình. Loại hình Vết-đa (tóc gợn sóng, sống mũi cao và hơi cao, mắt ngang, tầm thước trung bình...) và loại hình Mêlanêdiêng (tóc hơi quăn, mũi lớn và thấp, người bé nhỏ....). Người Mnông, Chil, Lạt, Kơho có nhiều yếu tố của loại hình Vết-đa. Người Mạ, tuy yếu tố Vết-đa vẫn có thể nhận thấy được, song yếu tố Mêlanêdiêng làm đậm nét hơn, nhất là các nhóm Mạ Ngăn, Mạ Xộp.

Cho đến nay, vùng Lâm Đồng vẫn là nơi chưa có nhiều tài liệu khảo cổ học được khai quật. Vì vậy, sự hiểu biết về quá khứ xa xưa của Lâm Đồng còn bị hạn chế và ý nghĩa của những tài liệu khảo cổ học đã đào được ở miềm Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chưa được mở rộng và đánh giá đầy đủ.

Như mọi người đều rõ, Lâm Đồng và các vùng núi phụ cận của nó như Thuận Hải, Phú Khánh, Đắc Lắc là nơi hiện nay đã thu lượm được những thanh đá có nhạc tính và một số bộ đàn đá được con người chế tác và tu chỉnh. Bộ đàn đá đầu tiên và duy nhất hiện nay về mặt đồng bộ, nhiều thanh lớn về kích thước là bộ đàn đá do các dân tộc Chil, Mnông tìm thấy ở làng Nđut liêng krak và được nhà dân tộc học Pháp G.Condominas xác định vào năm 1949 (102).

Làng Nđut liêng Krak xưa kia thuộc tỉnh Đắc Lắc nằm trong địa bàn cư trú của người Mnông và Chil. Ngày nay, làng này thuộc vùng Đầm Ròn, Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đó là vùng cư trú của người Chil, Lạt, Mnông thuộc lưu vực sông Krông Knô. Cách đây không lâu, nhân dân các dân tộc ở Lâm Đồng cũng đã phát hiện được những thanh đá có nhạc tính ở huyện Bảo Lộc. Những thanh đá này có nhiều chức năng xã hội khác nhau. Hoặc được kết lại thành đàn tự động để đuổi chim bảo vệ lúa. Hoặc là người dân đặt thanh đá ở những thác nước, suối nước có dòng chảy mạnh, dùng sức nước tạo ra âm thanh liên hồi giữa rừng sâu nhằm xác định một địa điểm cư trú có dân ở. Hoặc là những người dân làng chôn những thanh đá trên trong những mô đất cao hay lưng chừng đồi để xác định quyền sở hữu đất đai công cộng và nơi sinh tụ đầu tiên của các dòng họ khi gặp những tai biến mà họ buộc phải di cư đi xa. ở người Chil thuộc xã Kinplanhon Hạ, huyện Lạc Dương còn có địa danh "Tu liêng" (tức là đá kêu" được thông dụng từ lâu đời... Rất có khả năng, chính những tộc người cổ đại nói tiếng Môn-Khơme, tổ tiên của các dân tộc Mnông, Chil, Lạt, Kơho, Mạ ngày nay - những người sáng tạo ra nền văn hóa cự thạch (103)

Ở Nam Đông Dương vào hậu kỳ đá mới - là chủ nhân của những thanh đá mang nhạc tính. Vào cuối thời kỳ cự thạch và sơ kỳ đồng sắt, miền Nam Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng, Thuận Hải, Tây Phú Khánh nói riêng đã diễn ra một quá trình tác động lẫn nhau giữa những tộc người Môn - Khơme và Mã Lai - Đa đảo cổ đại. Họ là tổ tiên của người Mạ, người Kơho, người Churu, Raglai, Chăm hiện nay.

Địa bàn tiếp xúc của hai nhóm người cổ đại Môn-Khơme và Mã Lai-Đa đảo mà ta biết được là khá rộng. Phía bắc đến thị xã Pleiku, phía tây và nam ở tỉnh Đồng Nai, phía đông và vùng ven biển Trung Bộ từ Bình Trị Thiên đến Thuận Hải. Đó là vùng phân bố của văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh mà các nhà khảo cổ miền Nam nước ta đã khai quật thêm vào những năm gần đây (104).

Một đặc trưng đáng lưu ý của con người thuộc văn hóa Sa Huỳnh là sự tồn tại của tục chôn cất bằng một chum (trong chum thường gặp mảnh xương sọ, răng....) Tục chôn cất này gắn liền với việc cải táng hoặc hỏa táng của các dân tộc người ven biển thuộc hệ Mã Lai - Đa đảo trong thời kỳ đá mới (105) mà nay vẫn còn lưu tồn ở nhiều dân tộc thuộc ngữ hệ này. Rất có thể tục cải táng là gắn liền với tục thờ cúng tổ tiên của người Môn-Khơme cổ đại; còn mộ chum là gắn với tục hỏa táng của người Mã Lai - Đa đảo cổ mà nay vẫn còn thấy trong những người Chăm Bàlamôn giáo ở Thuận Hải. Ngày nay, ở đây, vẫn còn hỏa táng và người ta lưu lại những mảnh xương sọ đập nhỏ và răng được đựng trong những hộp "klong" (hộp có dạng hình chum thu nhỏ). Quá trình tiếp xúc, hòa hợp, đan xen văn hóa và tộc người trong thời cổ đại như trên đã nói có thể hình dung được qua hiện trạng tiếp xúc, hòa hợp, đan xen hiện nay giữa các nhóm Churu và Kơho ở Lâm Đồng và những tộc người Mã Lai - Đa đảo và Môn - Khơme.

Từ thế kỷ thứ 13 trở về sau này, những quan hệ tiếp xúc giữa các nhóm Mã Lai - Đa đảo và Môn - Khơme ở vùng Lâm Đồng và Nam Tây Nguyên ngày càng được mở rộng và tăng cường hơn. Người Chăm là tộc người nói tiếng Mã Lai - Đa đảo phát triển; họ có một nhà nước riêng và có nhiều ảnh hưởng đến các dân tộc ít người ở Lâm Đồng và Tây Nguyên. Cư dân bản địa ở Lâm Đồng không ai khác hơn là những người Môn-Khơme cổ đại mà hậu duệ của họ là những người Mạ, người Mnông, người Kơho và các nhóm nhỏ trong người Kơho hiện nay là người Chil, người Lạt.

Trước thế kỷ thứ XIX, Lâm Đồng là một vùng rừng núi bao la, là địa bàn cư trú của hai bộ tộc lớn thuộc ngữ hệ Môn-Khơme. Đó là bộ tộc Mnông và bộ tộc Mạ. Theo chúng tôi, bộ tộc Mnông đã được hình thành trên cơ sở liên minh nhiều bộ lạc Mnông khác mà bộ lạc Mnông Preh và Mnông Gar là hai bộ lạc có uy thế nhất. Bộ lạc Mnông Preh đã từng là một lực lượng tiêu biểu và có ảnh hưởng lớn nhất trong bộ tộc Mnông nói chung. Địa bàn cư trú của người Mnông rất rộng. Nó bao gồm toàn bộ cao nguyên Mnông ở nam Đắc Lắc và kéo dài sang cao nguyên Lâm Viên cho đến vùng Đức Trọng ngày nay. Người Lạt, người Chil là những bộ lạc riêng cư trú ở vùng cao nguyên Lâm Viên và thuộc cơ cấu xã hội của bộ tộc Mnông trước đây. Ở Lâm Đồng vào các thế kỷ XVIII và XIX còn có một bộ tộc lớn khác thuộc ngữ hệ Môn-Khơme. Đó là bộ tộc Mạ thống nhất. Bộ tộc Mạ đã được hình thành trên cơ sở liên minh những bộ lạc Kơho, Srê, Nộp, Châuro.... Trong đó các bộ lạc Mạ, Srê, Mạ Ngăn, Châuro là những bộ lạc có uy thế trong người Mạ nói chung. Trong thực tế, người Mạ Krung (cư trú ở tây nam Bảo Lộc và tỉnh Đồng Nai) và người Châuro là một bộ lạc chung vào trước thế kỷ XX (Mạ Krung có nghĩa là người Mạ sống ở vùng bình nguyên).

Từ thế kỷ thứ XVIII trở về sau, xã hội người Mnông và Mạ có nhiều thay đổi. Bộ lạc Mnông Preh đã bị người Chăm và các bộ lạc Mnông khác đánh bại. Bộ tộc Mnông thống nhất đã bị tan rã về mặt cơ cấu xã hội của bộ tộc. Bộ tộc Mnông chia nhỏ thành ra nhiều ngành Rlăm, Gar, Preh, Buđông...., theo những quan hệ huyết thống và dòng họ của bộ lạc. Ngược lại, quan hệ xã hội liên minh của cơ cấu bộ tộc đã bị tan rã vì sự tác động từ bên ngoài. Trong lúc đó, bộ tộc Mạ đã phát triển thành một "tiểu vương quốc" vào cuối thế kỷ thứ XVII. Nhưng sau đó vùng ảnh hưởng của bộ tộc Mạ đã bị thu hẹp lại. Bộ lạc Châuro đã tách ra khỏi cộng đồng bộ tộc Mạ và sống riêng trong những vùng rừng núi Đồng Nai. Chịu ảnh hưởng sâu sắc xã hội Chăm và sau đó chịu ảnh hưởng của xã hội phong kiến triều Nguyễn. Vào đầu thế kỷ thứ XX, người Srê và người Kơho nằm trong vùng ảnh hưởng của sự thống trị thực dân Pháp và địa bàn người Mạ lại càng co hẹp vào sâu trong các vùng núi cao Bảo Lộc. Do đó, người Srê, Kơho thường tiếp cận và cài răng lược với nhau. Cho nên ngay từ đầu thế kỷ XX, ranh giới phân biệt giữa người Kơho và người Srê là rất mỏng manh. Từ năm 1949, sau khi người Pháp đặt ra chữ Kơho, khuynh hướng hòa vào người Kơho của người Srê đã nhanh chóng phát triển, khuynh hướng phát triển này lại càng được thúc đẩy do sự hoạt động của giáo hội Thiên chúa ở vùng người Kơho từ những năm 30 của thế kỷ này. Ngày nay, hầu như toàn bộ người Srê đã hình thành ý thứctự giác về thành phần tộc người của mình là người Kơho.

Quá trình phát triển tộc người của các nhóm thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo ở Lâm Đồng lại càng phức tạp hơn mà những ý kiến nghiên cứu về vấn đề này chỉ có thể xem như là điều giả thiết. Rất có thể người Churu và người Raglai ở Lâm Đồng và Thuận Hải, Phú Khánh là những tộc người nói tiếng Mã Lai - Đa đảo cư trú ở miền núi, khác với người Chăm ở vùng đồng bằng. Trước thế kỷ XVIII, ở miền Nam nước ta có khả năng tồn tại hai bộ tộc thuộc ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo. Bộ tộc Chăm và bộ tộc Orăng Raglai (gọi tắt là Raglai). Hai bộ tộc này cũng là những cư dân bản địa ở vùng duyên hải miền Nam nước ta. Nhưng, theo chúng tôi, bộ tộc Orăng Raglai là tộc người bản địa đã hình thành trên đất nước chúng ta. Sớm hơn người Chăm. Về sau này, do ảnh hưởng của người Chăm, người Raglai đã lùi sâu vào vùng núi thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay để sinh sống. Trước khi có sự phát triển của người Chăm và đặc biệt là trước khi thực dân Pháp đặt nền móng thống trị ở địa phương thì người Churu là một bộ phận cấu thành của người Orăng Raglai. Vào đầu thế kỷ thứ XX, một bộ phận người Raglai chịu ảnh hưởng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn và được họ cho phép khai canh làm ruộng. Những người này đã chiếm đất khai canh và nộp thuế cho nhà Nguyễn. Họ chiếm đất ruộng của các dân tộc sống bên cạnh và các dân tộc bên cạnh đã gọi họ là người Churu (tức là người đi xâm canh đất đai của kẻ khác). Người Churu còn có tên là Cađô, Cađu, Pnông Chăm.... Họ là tộc người khá phát triển về mặt kinh tế và xã hội. Nông nghiệp và thủy lợi được phát triển lâu đời trong người Churu. Trong lĩnh vực văn hóa và đời sống, người Churu tập trung nhiều đặc điểm hòa hợp với những yếu tố văn hóa Việt, Kơho, Chăm.

Ở Lâm Đồng, phần lớn dân cư các dân tộc hiện nay đều nói và hiểu được tiếng Việt. Tuyệt đại đa số thanh thiếu niên và trung niên đều nắm vững tiếng Việt và biết chữ quốc ngữ. Một số ít người già nói chưa thạo tiếng Việt, nhưng khả năng nghe hiểu là dễ dàng. Đặc biệt, trong những vùng Kơho ở Đức Trọng và Di Linh, vùng người Chil, Lạt ở Lạc Dương, Churu ở Đơn Dương, Mạ ở Bảo Lộc từ năm 1975 đến nay, số người dân tộc có trình độ hiểu, nói và đọc tiếng phổ thông tăng lên nhanh chóng. Sự tiếp xúc và hòa hợp giữa người dân tộc và người Việt (Kinh) qua những hoạt động xã hội, văn hóa, kinh tế trong những năm gần đây đã được mở rộng và phát triển hơn bao giờ hết. Nhu cầu học và nói tiếng Việt đã trở thành một điều cần thiết trong đời sống và trong quá trình tiến bộ xã hội của các dân tộc ở Lâm Đồng ngày nay.

II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG XÃ HỘI Ở VÙNG DÂN TỘC LÂM ĐỒNG

Xã hội vùng dân tộc ít người ở Lâm Đồng hiện nay là một xã hội được cấu kết trên cơ sở những quan hệ dòng họ. Đó là xã hội đang biến đổi từ công xã thị tộc mẫu hệ sang phụ hệ. Sự biến đổi này được đánh dấu bằng quá trình chuyển hóa vị trí và chức năng của người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Đó là một xã hội đang trong thời kỳ tan rã của chế độ xã hội nguyên thủy đã bị biến dạng qua thời gian vì sự tác động của các xã hội có giai cấp, của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là một xã hội phát triển không đồng đều trong hiện tại.

Trước thế kỷ thứ XIX, xã hội vùng dân tộc ở Lâm Đồng trong trạng thái phát triển của các cộng đồng liên minh các bộ lạc cùng một huyết thống. Sự liên minh này đã thúc đẩy phát triển quá trình hình thành các bộ tộc lớn và các bộ tộc lớn này đã có một địa bàn cư trú quy mô và vững chắc với những ranh giới phân biệt rõ rệt. Sự phân hóa giầu nghèo, quyền lực tập trung của cá nhân, uy thế của một dòng họ đã bắt đầu được phát triển. Mâu thuẫn về đất và sự tranh chấp về đất đai bằng xung đột vũ trang đã thường xuyên diễn ra. Trong những đơn vị cư trú - tộc người tuy được cấu kết bởi những người có quan hệ dòng họ, nhưng đã xuất hiện nhiều dân cư trong làng có dòng họ khác nhau. Họ có quan hệ liên minh và gần gũi với nhau trong cùng bộ tộc. Mâu thuẫn và tranh chấp đất đai bằng xung đột vũ trang, sự hình thành trong các địa bàn cư trú những cộng đồng người mang tính liên minh về dòng họ, sự xuất hiện quyền lực cá nhân trong xã hội là đặc trưng cho sự phát triển ban đầu của những công xã nông thôn. Nó là cơ sở xã hội của các bộ tộc và của các xã hội có giai cấp tiếp theo ở nước ta. Đó là tình hình của bộ tộc Mnông và bộ tộc Mạ trước thế kỷ XIX.

Bộ tộc Mnông có vùng lãnh thổ tộc người rất lớn. Cao nguyên Mnông ở nam Đắc Lắc và cao nguyên Lâm Viên thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay là vùng lãnh thổ Mnông trước đây. Ở người Mnông, gia đình phụ hệ đã được định hình, nhưng sự chuyển biến từ mẫu hệ cũng còn rõ nét (con trai Mnông đi hỏi và cưới vợ, song sau khi cưới, chồng phải về ở rể bên cha mẹ vợ, các con sinh ra đều theo họ mẹ...). Quyền lực trong gia đình và trong xã hội đã thuộc về người đàn ông Mnông, nhưng kết cấu dòng họ của gia đình và trong xã hội thì vẫn còn có những quan hệ sâu sắc của mẫu hệ. Đặc điểm này vẫn còn tồn tại trong các nhóm người Chil, Lạt và Kơho ở Lâm Đồng ngày nay.

Người Mnông Preh và Mnông Gar trước thế kỷ XIX là hai nhóm tộc người có trình độ phát triển xã hội cao hơn so với nhóm người Mnông khác. Họ đã có các vị tù trưởng tài giỏi, có uy thế toàn vùng, tập hợp được các nhóm Mnông trong một cộng đồng bộ tộc ở miền Nam Tây Nguyên. Những tù trưởng này đã tổ chức những đội quân tinh nhuệ, biết rèn vũ khí bằng đồng và sắt, đã tạo ra những chiến công trong việc chinh phục các bộ lạc nhỏ và yếu. Họ tổ chức những cuộc tiến công vũ trang để mở rộng vùng lãnh thổ. Mnông, chiếm đoạt rừng rú, suối nước, đồng cỏ, gia súc và tù binh để làm nô lệ. Sự phân hóa giai cấp đã bắt đầu, trước hết là sự xuất hiện những tù trưởng có uy thế và các chức sắc phục dịch họ. Nhờ có lao động của nô lệ và sự tích lũy của cải do chiến tranh cướp đoạt nên xã hội người Mnông Preh và Gar vào thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII là rất phát triển. Sau đó, sự phát triển này đã bị ngưng đọng lại và tan rã dần do sự bành trướng, xâm chiếm của giai cấp thống trị Chăm trong nhà nước Panđuranga vào thời trung cổ (106).

Người Mnông Preh và Gar đã bị thất bại nặng nề trước sức tấn công của quân đội Panđuranga và những cuộc nổi dậy của các nhóm tộc người nhỏ bé trong bộ tộc Mnông. Có khả năng, người Chil, Kơho, Lạt là thuộc những nhóm tộc người nhỏ bé trên. Họ đã chống lại người Mnông Preh và kéo về phía Nam sống trong những vùng biệt lập ở lưu vực sông Krông Knô và cao nguyên Lâm Viên. Người Kơho là bộ phận đi xa về phía Nam, tiếp cận với người Mạ và có thời gian đã sáp nhập vào bộ tộc Mạ thống nhất ở cao nguyên Di Linh và Bảo lộc.... cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Tây Nguyên, xã hội người Mnông Preh đã suy yếu, sức kháng cự mãnh liệt chống Pháp được giương cao bởi các nhóm Mnông Gar và nhóm Mnông Rlăm. Vùng dân tộc Nam Tây Nguyên và Lâm Đồng bao gồm vùng cư trú của người Mnông, Chil, Lạt, Kơho, Mạ... cho đến miền Đông Nam Bộ là một vùng bất ổn định mà mãi về sau này, với sự giúp đỡ của đạo Thiên chúa, thực dân Pháp mới hình thành được vùng cao nguyên phía Nam. Ở cao nguyên Lâm Viên, thực dân Pháp cố tình không can thiệp vào các cuộc xung đột dòng họ có vũ trang. Ví dụ như những cuộc xung đột gay gắt giữa các họ Krayơng và Đagút trong người Lạt ở khu cận thành phố Đà Lạt ngày nay. Những cuộc xung đột này đã nhanh chóng làm suy yếu các bộ lạc đang phát triển này và cuối cùng họ phải chấp nhận sự thống trị của thực dân Pháp và an phận với niềm tin của tôn giáo.

Bộ tộc Mạ ở phía Nam cao nguyên Lâm Viên đã được xác lập chế độ phụ hệ vững chắc trong hôn nhân gia đình. Đây là điều khác nhau giữa người Mạ với người Kơho, Chil, Lạt và Mnông. Nghề rẫy ở người Mạ có một năng suất khá cao do một số loại hình rẫy được trồng trọt ở nơi đất màu mỡ và tiện nước tưới. Nghề dệt, rèn, đan, thêu đều đã phát triển khá cao so với nhiều dân tộc khác vào đầu thế kỷ XX. Lãnh thổ người Mạ đã từng ổn định trong lịch sử, khiến cho các tài liệu xưa thường gọi nó là "tiểu vương quốc Mạ" hoặc "Xứ Mạ". Lãnh thổ vùng Mạ rất rộng, nhưng đến cuối thế kỷ XVII và đặc biệt là dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người Mạ bất khuất đã rút sâu vào rừng núi để bất hợp tác và chống chính quyền thực dân. Địa bàn vùng Mạ đã bị thu hẹp lại trong phạm vi một số xã của huyện Bảo Lộc ngày nay. Để phát triển kinh tế đồn điền và bảo vệ thành phố Đà Lạt - nơi nghỉ của viên chức, sĩ quan cao cấp và các nhà tư bản người Pháp - thực dân Pháp đã thi hành chính sách cướp đất, đuổi dân và truyền giáo sâu trong đồng bào dân tộc. Những vùng dân tộc do chính quyền thực dân kiểm soát, những buôn ấp có nhiều tín đồ đã được phát triển dười sự giúp đỡ của chính quyền thực dân và nhà thờ tôn giáo.

Từ những năm 30 của thế kỷ này, Lâm Đồng đã trở thành một vùng đấu tranh cách mạng sôi sục dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam. Công nhân đồn điền chè Cầu Đất, công nhân xây dựng đường sắt đã nổi lên đấu tranh, biểu tình, bãi công tập thể đòi làm việc 8 giờ, tăng lương, hủy bỏ thuế thân (107).

Mặt khác, nền kinh tế thuộc địa của thực dân Pháp vào thời đó đang lâm vào con đường khủng hoảng. Do đó, thực dân PHáp đã giảm lương, sa thải công nhân và bắt đầu sử dụng lao động người dân tộc vào công việc khai thác đồn điền.

Bọn thực dân Pháp vừa tiếp tục ra sức cướp đất của người Kơho và người Mạ để mở rộng đồn điền. Chúng còn bắt họ đóng thuế thân, làm xâu không công trong các đồn điền và cuối cùng buộc họ dời làng đến ở trong các đồn điền để tăng cường bóc lột nhân công bằng giá rẻ mạt. Nhờ ảnh hưởng của những cuộc đấu tranh do công nhân đồn điền người Việt tiến hành dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc ở nước ta, những người lao động người Mạ, Kơho trong các đồn điền tư bản Pháp đã tự phát đứng lên đấu tranh. Phong trào sôi nổi này điễn ra từ tháng 7 năm 1937 cho đến cuối tháng 5 năm 1938 trong các đồn điền ở vùng Di Linh. Người Mạ, người Kơho bị xâu thuế nặng nề đã nổi lên đòi bỏ thuế thân, chống lấn chiếm đất đai của các làng gần đồn điền, chống bóc lột nhân công tàn tệ. Phong trào này bắt đầu từ Di Linh và lan ra khắp vùng Mạ ở Bảo Lộc và vùng Kơho ở Đức Trọng với hàng nghìn người dân tộc tham gia (108).

Mục tiêu của phong trào này nhằm vào bọn tư bản đồn điền Pháp, nhằm đoàn kết giữa đồng bào dân tộc với người Việt và người Chăm chống thực dân Pháp nói chung. Tháng 5 - 1938, thực dân Pháp ra sức đàn áp và khủng bố. Nhưng, cho đến tháng 12 năm 1938, phong trào mới thất bại hoàn toàn. Hai thủ lĩnh của phong trào là K'voai và K'Nhỗi bị bắt và bị kết án khổ sai biệt xứ (109).

Có thể nói, đây là một phong trào đấu tranh sôi nổi đầu tiên có nội dung tích cực của đồng bào dân tộc trong hệ thống đồn điền tư bản Pháp ở nước ta. Từ năm 1941 cho đến cách mạng tháng Tám năm 1945, các dân tộc ít người ở Lâm Đồng đã đứng lên đấu tranh mãnh liệt chống thực dân Pháp. Năm 1941, mở đầu nhiều cuộc bãi công, đốt phá đồn điền tư bản Pháp ở Lâm Đồng là cuộc nổi dậy của công nhân đồn điền người Mạ, Kơho, Churu ở các đồn điền vùng Bảo Lộc. Sau đó là những cuộc nổi dậy bãi công và đốt phá đồn điền tư bản Pháp ở Di Linh và Phi Nôm của công nhân người Việt và người dân tộc nhằm chống áp bức, giết chết bọn tay sai tàn ác, bắt trói bọn đốc công, đốt phá các kho tàng trong đồn điền. Trong các cuộc nổi dậy nói trên, cuộc nổi dậy trong đồn điền Đồng Nai Thượng là nơi nổi bật hơn cả. Ở đây, tình đoàn kết giai cấp giữa công nhân Việt và các dân tộc đã gắn bó chặt chẽ. Sự liên minh này đã làm thực dân Pháp hoảng sợ vì các công nhân Mạ, Kơho đã có những hành động phối hợp vũ trang đấu tranh. Tiếp đến là Nhật đảo chính Pháp, cuộc đấu tranh của đồng bào Mạ và Kơho lại càng phát triển. Đồng bào vận động nhau chống nộp thuế cho Nhật, chống đi xâu cho Nhật, hưởng ứng mọi chủ trương của Việt Minh. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, các dân tộc Kơho, Mạ, Churu đã cùng với đồng bào Việt cướp lại chính quyền ở tỉnh Đồng Nai Thượng từ tay tên Việt gian thân Nhật Cao Minh Hiệu (110).

Trong thành phần ủy ban Cách mạng các cấp đều có đại biểu các dân tộc tham gia. Chính quyền Cách mạng đã thực hiện ngay một số chính sách dân tộc sau đây ở Lâm Đồng:

1. Đưa các đại biểu dân tộc ít người vào các ủy ban Cách mạng và Mặt trận Việt Minh, thực hiện đoàn kết dân tộc và bình đẳng về mặt tham chính cho dân tộc ít người.

2. Thi hành sắc lệnh bãi bỏ thuế thân cho tất cả các dân tộc, thực hiện ngày làm 8 giờ cho nhân dân các dân tộc ở địa phương.

3. Thực hiện giảm tức, hoãn nợ cho người nghèo và đặc biệt là tuyên bố xóa nợ cho đồng bào dân tộc ít người ở Đồng Nai Thượng nợ người Việt.

4. Dịch các bài hát cách mạng ra tiếng Kơho và Churu để phổ biến trong các vùng dân tộc, mở trường học ở vùng dân tộc cho thanh thiếu niên.

5. Đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất tự túc lương thực, giúp đỡ cho người Kơho, người Mạ, người Churu làm ruộng và rẫy.

Song, chính quyền cách mạng ở Lâm Đồng tồn tại trong hòa bình chỉ vỏn vẹn một tháng. Ngày 24 tháng 9 năm 1945, quân Nhật ở Đà Lạt theo lệnh quân đội Anh đã bắt đầu gây hấn. Ngày 3 tháng 10 trên đường phố Đà Lạt nhuộm máu các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh chống quân Nhật. Ngày 10 tháng 11, quân Nhật từ đồng bằng kéo lên phối hợp với cánh quân đóng ở Đà Lạt. Ngày 17 tháng 11 năm 1945, quân đội Nhật chiếm Đà Lạt và các thị trấn quan trọng. Các dân tộc đã tham gia biểu tình vũ trang chống Nhật, đào chiến hào, tiếp tế cho những đơn vị tự vệ chiến đấu. Đồng bào dân tộc còm gia nhập vào các đội tự vệ vũ trang và các đơn vị Vệ quốc đoàn, dũng cảm chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ người Việt. Đồng bào dân tộc còn giúp đỡ lương thực, chỗ ở, đất đai làm ăn cho đồng bào Kinh (Việt) tản cư về sống trong các buôn làng để tiếp tục cuộc kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng. Hình ảnh đoàn kết dân tộc nổi bật nhất vào thời đó là "đại đội Đà Lạt" của tỉnh Lâm Viên. ở đại đội này có những sinh viên từ Hà Nội vào theo những đoàn quân Nam tiến, có những chiến sĩ xuất thân là công nhân, nông dân người Việt ở miền Trung và có cả những thanh niên người Mạ, người Kơho, người Churu ở hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng cũ.

Tháng 1 năm 1946, thực dân Pháp trở lại thống trị ở Lâm Đồng, chính quyền của nhân dân chỉ tồn tại ở địa phương được 158 ngày. Tháng 5 năm 1946, tại hội nghị Đà Lạt, thực dân Pháp đã bộc lộ một âm mưu chính trị thâm độc trong "vấn đề bảo vệ người dân tộc thiểu số" nhằm tách Tây Nguyên thành một nước riêng trực thuộc Pháp (111).

Thực dân Pháp tự cho mình quyền bảo hộ và che chở "người Thượng. Ở Lâm Đồng, chúng tuyên truyền và kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi chống người Việt, kích động tư tưởng đòi Tây Nguyên tự trị trong khuôn khổ bảo hộ của Pháp, biến thành phố Đà Lạt thành trung tâm chính trị của nước Tây Kỳ tự trị. Mặt khác, chúng ra sức khủng bố và tập trung, dồn dân các làng người Kơho, Churu vào các địa bàn chiến lược do chúng kiểm soát. ở đây, đạo Thiên chúa được phát triển và quân đội Pháp đã biến các làng này thành những tấm lá chắn phòng ngự cho các căn cứ của Pháp, bảo vệ các đầu mối giao thông quan trọng. Đối với vùng Mạ, chúng tiến hành bao vây, cô lập về mọi mặt nhằm làm cho xã hội Mạ cách biệt với các vùng. Từ năm 1949, người Pháp đặt ra chữ Kơho và nhờ có các nhà truyền giáo, bộ chữ này đã được phổ biến trong các vùng dân tộc theo Thiên chúa giáo. Nhờ có bộ vần chữ Kơho mà Kinh thánh đã được dịch ra bằng thứ chữ này để phổ biến sâu rộng trong nhiều vùng. Việc học chữ Kơho đã tập hợp ngày càng đông các nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme của Lâm đồng xung quanh tộc người Kơho, tạo ra một quá trình hòa hợp của các nhóm Lạt, Chil, Srê vào người Kơho. Đồng thời, thông qua các nhà truyền giáo và các hoạt động của họ, sự đổi mới trong phong tục tập quám đã diễn ra ở một số địa phương và trên một vài khía cạnh hạn hẹp. Trước năm 1954, thực dân Pháp đã đào tạo được vài chục sĩ quan, viên chức, giáo viên, y tá người Kơho và Churu. Những người này chịu ảnh hưởng của Pháp sâu sắc và họ trở nên giầu có. Đó là hiện tượng phân hóa mới trong xã hội vùng dân tộc ở Lâm Đồng trong lịch sử hiện đại.

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, lực lượng thân Pháp và do Pháp nắm trong các dân tộc ít người ở Lâm Đồng đã được tăng cường nhanh chóng về mặt số lượng cũng như chất lượng. Thực dân Pháp đã đưa về định cư ở Lâm Đồng hàng vạn tín đồ Thiên chúa giáo và các lực lượng dân tộc ít người miền Bắc di cư (Nùng, Thái, Hoa, Tày, Mèo...). Bọn thủ lĩnh phản động trong Thiên chúa giáo di cư và bọn thủ lĩnh dân tộc ít người từ miền Bắc vào ra sức lừa bịp đồng bào Thiên chúa và người lao động trong các dân tộc để biến họ thành những công cụ cho quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp muốn sử dụng họ để thực hiện âm mưu về một nước "Tây Kỳ tự trị" mà Lâm Đồng và Đà Lạt sẽ là trung tâm chỉ đạo của cái "quốc gia" quái thai đó.

Nhưng, từ năm 1956 trở về sau, đế quốc Mỹ đã thành công trong việc hất cẳng Pháp ra khỏi chiến trường Đông Dương, lập nên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm thân Mỹ. Các lực lượng phản động trong các dân tộc và tôn giáo ở Lâm Đồng dần dần chuyển sang làm tay sai cho Mỹ - Diệm. Với chính sách dựa vào Thiên chúa giáo và đầu óc dân tộc phong kiến, Ngô Đình Diệm một mặt ráo riết xua đuổi và dồn người dân tộc vào các ấp chiến lược, mặt khác lại thành lập, mở rộng các khu dinh điền cho các vùng Thiên chúa giáo di cư người Việt ở những vùng đất canh tác màu mỡ của đồng bào các dân tộc, thực hiện phân biệt dân tộc và chính sách dân tộc lớn đối với dân tộc ít người.

Từ năm 1960, đạo Tin lành được phát triển mạnh ở Lâm Đồng, nhất là ở vùng dân tộc ít người. Cho đến khi quân đội Mỹ ồ ạt kéo đến miền Nam vào năm 1965 thì Lâm Đồng đã hình thành những vùng tín đồ Tin lành tập trung ở những địa bàn chiến lược trong các dân tộc Kơho, Chil, Lạt và Churu. Những địa phương như Đầm Ròn, Xã Lát, Kinplanhon Hạ (huyện Lạc Dương), các thôn Đinh Trang Hòa, (huyện Đức Trọng và Đơn Dương)... là những vùng tín đồ Tin lành người dân tộc chiếm tuyệt đại đa số dân cư. Mỹ-ngụy đã sử dụng "viện trợ Mỹ", "các qũy từ thiện" để xây dựng nhà thờ, mở trường học, cung cấp máy móc, phân bón, đào tạo tay sai, hướng dẫn nghề nghiệp, phổ biến Kinh thánh và tân nhạc, tuyên truyền chống cộng và lập ra những đội vũ trang được Mỹ trang bị ở ngay địa phương. Để có những tên tay sai nòng cốt và trung thành với Mỹ-ngụy lâu dài và nằm sâu trong các vùng dân tộc, đế quốc Mỹ đã tạo điều kiện để hữu sản hóa và tư sản hóa một số người truyền giáo Tin lành, sĩ quan, viên chức, ấp trưởng.... người dân tộc ở địa phương. Bọn này có máy móc, ô tô vận tải, đất đai riêng để trồng trọt, có vốn để thuê mướn nhân công sản xuất. Chúng ra sức kinh doanh và phát triển kinh tế hàng hóa nhỏ, một số người đã mở cửa hàng buôn bán, kinh doanh vận tải đường ngắn.... để làm giầu. Thông qua các chính sách thực dân mới của Mỹ và các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhỏ của bọn tay sai ở địa phương đã tạo nên những biến đổi khá sâu sắc về mặt xã hội trong một số vùng dân tộc nhất định. Sự biến đổi này đã làm tăng thêm và sâu sắc hơn bức tranh chênh lệch giữa các dân tộc ở Lâm Đồng, giữa đời sống của nhân dân lao động các dân tộc và bọn tay sai phản động người dân tộc, giữa vùng Mạ bất khuất nêu cao ý chí chống đế quốc với các vùng dân tộc do tôn giáo và địch kiểm soát. Khuynh hướng tư sản trong quá trình phát triển tộc người, tư tưởng chống miền Bắc, chống chủ nghĩa xã hội, chống người Việt (Kinh), đề cao dân tộc hẹp hòi đã bắt đầu ăn sâu trong quần chúng một số vùng dân tộc ít người mà Mỹ-ngụy nắm được.

Sau giải phóng năm 1975, hậu quả của quá khứ lịch sử trên vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng thật là nặng nề. Chiến tranh đã làm cho vùng người Mạ chậm phát triển về mặt kinh tế và xã hội. Chủ nghĩa thực dân cũ và mới đã đầu độc tình cảm và quan hệ dân tộc giữa người đa số và thiểu số. bọn thủ lĩnh tôn giáo phản động và tầng lớp trên tay sai cho Mỹ-ngụy trong đồng bào dân tộc đã kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, gây nên tâm trạng hoang mang và nghi ngờ đối với chính quyền cách mạng, lôi kéo quần chúng dân tộc vào con đường tội ác. Sau giải phóng, trong hàng loạt địa phương vùng dân tộc, bọn phản động đã gây ra nhiều vụ bạo loạn vũ trang phản cách mạng. Chúng tuyên truyền chiến tranh, phô trương sức mạnh của đế quốc Mỹ, lôi kéo thanh niên vào rừng tham gia các lực lượng phản động Fulrô ám sát cán bộ và bộ đội, phục kích vũ trang trên một số đoạn giao thông và vũ trang xâm nhập phá hoại các nông trường, lâm trường, các cơ sở sản xuất.... Bọn phản động dân tộc đã được cơ quan tình báo CIA của Mỹ, của Trung Quốc, của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary và Thái Lan giúp đỡ và chỉ đạo. Các mục sư Tin lành phản động đã cấu kết và tổ chức những vụ bạo loạn ở vùng dân tộc Lâm Đồng.

Vì vậy, trong những năm 1975 cho đến năm 1978, vấn đề đấu tranh cho một cuộc sống hòa bình, ổn định ở vùng dân tộc Lâm Đồng là một vấn đề tiếp tục chiến đấu thật sự nhằm xóa bỏ hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đó là một cuộc đấu tranh bằng bạo lực cách mạng nhằm đập tan các lực lượng phản cách mạng địa phương. Đó là một cuộc tiến công cách mạng đầy phức tạp và khôn khéo về quân sự, chính trị và tâm lý, kinh tế và văn hóa. Cuộc tiến công này vừa phải đánh tan bạo loạn, vừa phải giải phóng đồng bào ra khỏi những tư tưởng phản động và giác ngộ họ, vừa thực hiện định canh định cư, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục nhằm cải thiện đời sống đồng bào dân tộc về mọi mặt, vừa đào tạo cán bộ và xây dựng chính quyền mới. Những công việc này được thực hiện trong một thời gian ngắn và trong một hoàn cảnh đầy khó khăn ở Lâm Đồng là một kỳ công không thể nào quên được của nhân dân và Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng sau giải phóng.

Vấn đề ruộng đất là một vấn đề cốt tử nhằm đoàn kết dân tộc và bình đẳng dân tộc mà trong lịch sử quá khứ ở Lâm Đồng chưa có chính quyền nào giải quyết được. Chỉ có chính quyền cách mạng ngày nay mới có thể giải quyết một cách cơ bản và triệt để vấn đề đất đai canh tác và cư trú cho đồng bào dân tộc ít người ở địa phương.

Cho đến năm 1979, Lâm Đồng đã thu hồi được 11.949 hécta ruộng đất của 543 địa chủ, phú nông, tư sản và bọn phản động trong 23 xã để chia cho nông dân các dân tộc và lập các nông trường quốc doanh. Hơn 25.000 hộ bao gồm người Kinh (Việt) và các dân tộc ít người đã được chính quyền địa phương chia cho hơn 4.398 hécta ruộng đất canh tác có giá trị màu mỡ. Theo thống kê năm 1979, Lâm Đồng xây dựng được 13 hợp tác xã, trong đó có 8 hợp tác xã vùng dân tộc. Quy mô diện tích mỗi hợp tác xã 357 hécta. Hơn 75% dân cư lao động tham gia các tập đoàn sản xuất và 89% nông dân các dân tộc ít người làm ăn trong các tổ hợp tác lao động (như tổ đổi công, nhưng cơ chế quản lý giản đơn hơn và gần với tục lệ "tôm ấp" cổ truyền) và tập đoàn sản xuất. Ở vùng Mạ gần 100% dân cư lao động trong các tổ chức tập thể (tổ hợp tác lao động và tập đoàn sản xuất) (112).

Ở vùng Kơho, có khoảng 80% dân cư làm ăn trong các tổ chức lao động mới. ở vùng Churu đã có những hợp tác xã nông nghiệp đang phát triển và những tập đoàn sản xuất ổn định, nhưng số nông dân tập thể chưa chiếm tỷ lệ cao như các vùng Mạ và Kơho. Các xã người Mạ như đạ Tẻ, Đạ Huoai đã xây dựng tốt các tập đoàn sản xuất và có nhiều thành tích nổi bật trong công tác trật tự an ninh ở địa phương. Các xã này đã được Nhà nước thưởng cờ luân lưu. Người Kơho, Chil ở xã Kinplanhon Hạ (huyện Lạc Dương) đã dẫn đầu toàn huyện về khai thác trồng rừng và ngày nay phần lớn dân cư đã trở thành công nhân lâm nghiệp cho các lâm trường quốc doanh. Thanh niên xã Đạ Long (huyện Lạc Dương) đã xây dựng hệ thống thủy lợi địa phương tưới nước cho hơn 30 hécta ruộng khai hoang. Thanh niên dân tộc ở huyện Di Linh năm 1981 đã làm được 11 công trình thủy lợi. Các dân tộc đã hoàn thành các nghĩa vụ của nhà nước, nhất là nghĩa vụ lương thực. Năm 1981, xã N'Thôn Hạ đạt nghĩa vụ lương thực 99,2%, các xã Đạ Long, Đạ Tông, Đầm Ròn (huyện Lạc Dương) đã làm nghĩa vụ cho Nhà nước về lương thực đạt 98%.

Những hiện tượng mới trong sản xuất mà trước đây chưa hề có trong phong tục tập quán dân tộc đã xuất hiện ngày càng nhiều. Phụ nữ người Kơho và Churu ở các xã Gung Ré, Đinh Trang Hòa, N'Thôn Hạ, Tutra, Kađô đã rủ nhau đi cấy và đã thành thạo lối cấy theo kỹ thuật mới. Họ đã mạnh dạn dùng phân chuồng trong việc trồng lúa. Năm 1980-1981, nông dân người Kơho là K'rêm ở xã Gung Ré (huyện Di Linh) đã đạt được 70 tấn phân hữu cơ trong một vụ - một điển hình về việc tạo nguồn phân trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Nhiều vùng dân tộc đã thực sự đổi đời một cách cơ bản. Ở Đạ Tông (huyện Lạc Dương) hơn 1.900 nhân khẩu người Chil bao gồm 293 hộ, trước năm 1980 vẫn còn sống du cư, du canh trên những vùng đồi núi cao rét lạnh quanh năm. Ngày nay, số người trên đã xuống núi, định cư và canh tác ruộng nước, đời sống trở lên ổn định. Dân cư các xã kinplanhon Hạ, N'Thôn Hạ đã từ tình trạng đói rét, du cư quanh năm vẫn không đủ sống, nay đã trở thành những làng sản xuất nông nghiệp và những trạm công nhân lâm nghiệp của nhà nước. Ở Đức Trọng, Di Linh, đời sống đã thay đổi khá sâu sắc. Trước đây, người Kơho sống trong những ấp chiến lược tập trung. Họ thiếu đất ở và đất để canh tác. Với chủ trương "giãn dân" kết hợp với định canh, định cư, chính quyền địa phương đã cung cấp đất thổ cư, đất vườn và đất ruộng để canh tác. Chỉ có 3 năm qua, người Kơho ở đây đã có những vườn cây ăn trái, cà phê, chè quanh nhà và ruộng đất của tập đoàn. Làng xóm trở nên ngăn nắp, môi sinh cư trú được cải thiện, nền kinh tế hàng hóa nhỏ của nông dân ở đồng bào Kơho trong các vùng này đang được phát triển nhanh.

Về văn hóa - xã hội từ sau giải phóng đến nay cũng có nhiều biến đổi lớn và quan trọng. Số trẻ con được sinh ra sau giải phóng ngày càng tăng trưởng, số tử hạ thấp rất nhiều so với trước. Hệ thống bệnh viện, bệnh xá, trạm y tế xã... đã được hình thành ở vùng dân tộc. Công tác phòng và chữa bệnh được tăng cường ở những vùng hẻo lánh. Ví như năm 1981, huyện Đạ Huoai đã phun thuốc trừ muỗi sốt rét cho 5.000 gia đình, cung cấp thuốc phòng sốt cho 17.820 người, tiêm trừ dịch và bại liệt cho hơn 10.000 người...

Trên lãnh vực văn hóa, bước đầu cũng đã có những biến đổi mới đáng kể. năm 1981, trong các vùng dân tộc có hơn 18.300 học sinh phổ thông (toàn tỉnh có 90.842 học sinh phổ thông) và 3.428 học sinh mẫu giáo (toàn tỉnh có14.785 em), 300 học sinh dân tộc theo hệ bổ túc văn hóa (toàn tỉnh có 1.000 học sinh bổ túc). So với dân số chung của người dân tộc ở Lâm Đồng năm 1981 cứ khoảng gần 8 người dân có một học sinh người dân tộc, kể cả dân số người già và trẻ sơ sinh. Đó là một con số rất có ý nghĩa đối với quá trình phát triển văn hóa trong lịch sử các dân tộc ở Lâm Đồng qua các thời đại. Di sản văn hóa dân tộc ở địa phương đã được chính quyền chú ý bảo vệ và nâng cao. Trong những năm gần đây, thông qua phong trào văn nghệ quần chúng, nhiều thôn ấp vùng dân tộc đã có những đội văn nghệ nghiệp dư, đội thể thao. Nhiều đội đã có thành tích xuất sắc ở địa phương, có đội như đội nghệ thuật nghiệp dư ở N'Thôn Hạ đã đạt được những giải thưởng cao trong phạm vi ngoài tỉnh. Các đội thể thao như đội bóng đá dân tộc ở Lâm Đồng cũng được hình thành. Phim ảnh cách mạng đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được đối với đồng bào dân tộc. Ở vùng dân tộc Lâm Đồng, trung bình hàng tháng, đồng bào dân tộc được xem từ một lần đến hai lần chiếu phim. Ở Di Linh và Đức Trọng, số lần được xem chiếu phim từ 3 đến 4 lần. Thanh niên dân tộc ở quanh các thị trấn thường xuyên đến xem chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật ở những rạp hát công cộng. Đó cũng là những hiện tượng mới ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Sự thay đổi lớn trong xã hội vùng dân tộc Lâm Đồng sau giải phóng là sự thay đổi vị trí của người phụ nữ. Khác với xưa, người phụ nữ dân tộc ngày nay đã tham gia tích cực vào các công tác xã hội quan trọng. Họ tham gia đoàn thể, học văn hóa và kỹ thuật, tham gia những hoạt động sản xuất nông nghiệp và ổn định an ninh xã hội ở địa phương. Năm 1981, phụ nữ các dân tộc ở Lâm Đồng đã kêu gọi được hàng trăm tên phản động trốn tránh trong rừng sâu ra đầu hàng chính quyền. Họ tham gia việc giáo dục chính trị và quản lý các lực lượng đầu hàng này một cách có kết quả. Chính quyền địa phương trong những năm qua đã mở dường mới, sửa chữa đường cũ ở những vùng xa trong địa bàn cư trú của người Mạ. Nhiều khu kinh tế mới với hàng nghìn dân cư khắp nơi trong cả nước đã được mở mang ở những vùng hoang vắng, biến các vùng dân tộc thành những điểm dân cư - kinh tế phát triển trong những năm tới như các địa phương thuộc huyện Đạ Huoai hiện nay.

Lâm Đồng là một vùng dân tộc có nhiều biến đổi xã hội trong lịch sử cận hiện đại. Từ một xã hội ở trình độ thấp của thời kỳ Công xã nguyên thủy tan rã, xã hội các dân tộc ở Lâm Đồng liên tiếp chịu ảnh hưởng và sự tác động của các xã hội bên ngoài. Chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ đã tạo nên những mâu thuẫn, những chênh lệch sâu sắc trong xã hội ở Lâm Đồng. Tính chất phức tạp và gay gắt của vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng trong lịch sử cận hiện đại đã xuất phát từ sự tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trước đây.

Nhưng từ năm 1930, nhân dân lao động đã sớm chịu ảnh hưởng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Những cuộc đấu tranh của người dân tộc Kơho, Churu, Mạ trong các đồn điền tư bản Pháp từ những năm 30, 40 của thế kỷ này là những sự kiện điển hình trong lịch sử phong trào dân tộc ở Việt Nam. Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy những tài liệu về các cuộc đấu tranh sôi nổi của những người lao động ít người trong các đồn điền tư bản Pháp có ý nghĩa đặc biệt như ở Lâm Đồng. Cũng chưa có ở đâu như ở Lâm Đồng, tinh thần đoàn kết và bình đẳng giữa người Việt (Kinh) và đồng bào dân tộc đã gắn liền đấu tranh chống áp bức, gắn liền với đấu tranh giai cấp một cách rõ nhất như những cuộc đấu tranh trong các đồn điền thực dân Pháp ở Lâm Đồng trước đây. Hình ảnh người chiến sĩ của những phong trào chống Pháp ở vùng dân tộc Lâm Đồng mà nhà thơ cách mạng Tố Hữu diễn tả trong bài thơ Châu Ro đã nói lên mối quan hệ nhất định giữa các phong trào này với phong trào cách mạng sôi sục do đảng ta lãnh đạo lúc bấy giờ. Hình ảnh "Châu Ro" của Lâm Đồng cũng là một sự kiện lịch sử đặc biệt của phong trào dân tộc ở Việt Nam.

Từ năm 1945 cho đến năm 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn chính trị để xóa bỏ và đảo ngược các quá trình xã hội đã được phát triển trong vùng các dân tộc ở Lâm Đồng trước đó. Chúng dùng tôn giáo như một công cụ đắc lực để chinh phục lòng người, để làm quên lãng quá khứ đấu tranh và hướng đến một tương lai không bao giờ có, thoát ly với xã hội hiện tại và đánh tan ý chí bất khuất mãnh liệt vốn có trong các dân tộc. Chúng dùng ngôn ngữ, văn tự và giáo dục để tập hợp lực lượng các dân tộc, đào tạo tay sai và tuyên truyền lừa bịp về công ơn khai hóa. Chúng dùng những biện pháp kinh tế và xã hội để tạo ra một tầng lớp trung gian, hình thành một giai cấp bóc lột mới, phát triển kinh tế đồn điền tư bản và tạo ra một khuynh hướng phát triển tộc người theo hướng tư bản chủ nghĩa. đó là những quá trình xã hội đang diễn ra nhanh chóng ở vùng dân tộc Lâm Đồng trước năm 1975. Những quá trình xã hội này nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho những lực lượng phản động trong các dân tộc chống cách mạng xã hội chủ nghĩa, chống sự nghiệp thống nhất đất nước, chống đoàn kết dân tộc và thù địch với đồng bào đa số.

Những âm mưu chính trị thâm độc đó đã được thực hiện trong hơn 30 năm qua trong một địa bàn tập trung về dân cư, nhỏ hẹp về diện tích và địch lại ra sức đàn áp, bình định gay gắt về mọi mặt. Tuy vậy, chỉ trong vòng 5 năm giải phóng, những biến đổi cơ bản trong vùng dân tộc ở Lâm Đồng đã được thiết lập và phát triển. Những quá trình xã hội mới do cách mạng tạo nên, với một thời gian ngắn, đã xóa bỏ và đảo ngược lại những diễn biến xã hội của hơn 30 năm qua. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường trên vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng trong lịch sử cận hiện đại thật là gay gắt.

Nhưng mặt khác qua những biến đổi xã hội phức tạp như trên, ý thức dân tộc ở đây ngày nay có những đặc thù và những đặc thù nay là phản ánh những chính sách dân tộc đúng đắn đã được thực hiện ở địa phương. Đó là ý thức phát triển về đấu tranh giai cấp thông qua các hoạt động chống bạo loạn, là sự nhận định về kẻ thù của dân tộc thông qua các hành động lừa bịp của chiến tranh tâm lý mà bọn đế quốc đã tiến hành. Đó là sự hình thành lòng tin cậy đối với giai cấp công nhân Việt Nam, đối với Đảng và chính quyền cách mạng thông qua những tiến bộ xã hội và biến đổi trong đời sống mà họ được thụ hưởng. Đó là sự hình thành ý thức về cộng đồng các dân tộc Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam thống nhất trong đồng bào các dân tộc ở Lâm Đồng ngày nay.

MẠC ĐƯỜNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHÚ THÍCH

(102) Bộ đàn đá này hiện được lưu giữ ở Bảo tàng dân tộc học Pháp tức Musée de l' Homme ở Paris.

(103) Văn hóa cự thạch là một nền văn hóa cuối thời kỳ đá mới với những sản phẩm lớn bằng đá được chế tạo do bàn tay người.

(104) Văn hóa Sa Huỳnh được biết từ năm 1909. Sa Huỳnh là một địa danh nay thuộc tỉnh Nghĩa Bình.

(105) Tục này còn phổ biến ở ven biển Quảng Đông, vùng người Lê ở Hải Nam, các tộc người ven biển ở Malaixia và Inđônêxia.

(106) Panđuranga nay là Phan Rang. Nhà nước nhỏ này do vua Chăm Pô Rômê (1625 - 1651) cầm quyền đã lấn chiếm và chinh phục các dân tộc ở Lâm Đồng và Tây Nguyên.

(107) Xem lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Lâm Đồng, 1981.

(108) Xem lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930-1945), tr, 57.

(109) K'voai, thực dân gọi là K'hoa, là người mà nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả trong bài thơ Châu Ro.

(110) Trước 1945, vùng Lâm Đồng ngày nay bao gồm tỉnh Lâm Viên (Đà Lạt) và tỉnh Đồng Nai Thượng (Di Linh).

(111) Theo Hoàng Xuân Hãn. - Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt, Tạp chí Sử địa, số 23 và 24 tháng 6-12 Sàigòn 1971, tr. 242 - 243.

(112) Theo báo cáo tổng kết của Ban cải tạo nông nghiệp, bộ phận các tỉnh miền Trung, tháng 12-1980.

 

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau