Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||
gười Churu là một trong những dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo ở miền Nam, có dân số tương đối ít. Với khoảng 10.000 nhân khẩu, người Churu phân bố trong hai tỉnh Lâm Đồng và Thuận Hải. Ở Lâm Đồng, dân số Churu có khoảng 8.000 người cư trú, tập trung ở xã Tutra (huyện Đơn Dương), một số xã như Phú Hội, Xã Loan (huyện Đức Trọng) và một số ít sống rải rác ở một số xã, ấp thuộc huyện Di Linh. Ngoài ra còn có khoảng 2.000 người sống trong hai huyện An Sơn và Đức Linh thuộc tỉnh Thuận Hải. Về mặt ngôn ngữ, người Churu nói theo ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo. Tuy nhiên, do cư trú lân cận với người Kơho, và giao lưu văn hóa từ lâu đời nên có một bộ phận người Churu nói tiếng Kơho thuộc ngữ hệ Môn-Khơme. Cũng như các dân tộc ít người ở Lâm Đồng trước đây, người Churu chưa có chữ viết riêng. Dưới thời Pháp thuộc việc La tinh hóa tiếng dân tộc đã được thực hiện. Nhưng trong thực tế thì hình thức chữ viết đó lưu hành hết sức hạn chế trong một số ít người thuộc tầng lớp cai ký đồn điền và quan lại ở địa phương. Do địa bàn cư trú tương đối thuận tiện cho việc tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em ở miền xuôi như người Chăm, người Việt nên có rất nhiều người Churu biết nói và viết một cách thông thạo tiếng phổ thông, nhất là lớp người trẻ tuổi. Sau ngày giải phóng, với chính sách xây dựng kinh tế văn hóa ở miền núi của chính quyền cách mạng ở địa phương, vùng người Churu là một trong những vùng thanh toán xong nạn mù chữ sớm nhất trong toàn tỉnh. Nhiều thanh niên nam nữ có trình độ văn hóa cấp II, cấp III và đại học... Trước đây, một số ít người Churu có tham gia chính quyền thôn xã dưới chế độ Mỹ-ngụy, họ còn biết nói một ít tiếng Anh và tiếng Pháp. Về tên gọi, hiện nay từ Churu đã trở thành tên gọi của một dân tộc, đó là tên tự gọi của đồng bào. Qua khảo sát điền dã của chúng tôi, thì từ Churu còn được viết là Cru, tiếng Churu có nghĩa là "xâm đất", ám chỉ một nhóm người mới di cư đến vùng đất mới. Ngoài ra họ còn được các dân tộc lân cận gọi bằng những tên gọi khác nhau như: Cado, Kơdu, P'nông chàm... Về thành phần dân tộc ở người Churu, từ trước đến nay vẫn tồn tại vấn đề quan hệ giữa người Churu với người Chăm. Theo sự khảo sát thực tế của chúng tôi, thì từ thời rất xa xưa, người Churu và người Chăm rất có thể chung một nguồn gốc. Xét về mặt ngôn ngữ: tiếng Churu và tiếng Chăm đều thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo. Nếu ta đem so sánh đối chiếu về mặt ngữ pháp, ngữ âm và những từ vựng cơ bản giữa hai ngôn ngữ đó có một mối quan hệ hết sức gần gũi. Về mặt nhân chủng, người Churu và người Chăm cùng có những đặc điểm nhân chủng giống nhau. Về mặt tín ngưỡng cổ truyền và văn học dân gian, chúng ta càng thấy được nhiều mối quan hệ thân thuộc. Theo số đông các cụ già làng (tha plơi) người Churu ở Lâm Đồng, thì trước đây người Churu vốn là một nhóm con cháu thân thuộc của người Chăm đã từng sinh sống ở vùng duyên hải Trung Bộ nước ta hiện nay. Nhưng khi các vua chúa Chăm gây chiến tranh với người Khơme và người Việt, để phục vụ cho các cuộc chiến tranh với người Khơme và người Việt để phục vụ cho các cuộc chiến tranh liên miên đó, tầng lớp quý tộc Chăm đã tiến hành bóc lột những người nông dân lao động đồng tộc của mình hết sức thậm tệ. Chúng buộc họ phải vào rừng sâu tìm ngà voi (bla), sừng tê giác (b'san) và các lâm sản quý nộp cho chúng - hoặc bắt họ xuống sông đãi cát tìm vàng... Lại thêm nạn bắt phu, bắt lính liên miên làm cho đời sống của người nông dân lao động Chăm hết sức cực khổ. Để có thể tránh được sự áp bức bóc lột nặng nề đó, một số người buộc lòng phải rời bỏ quê hương để tìm nơi đất mới. Và chính những người di dân đầu tiên đó đã tự đặt cho mình tên gọi Churu như ngày nay. Họ là những người đã mang theo nghề làm ruộng và nghề làm đồ gốm của người Chăm. Tại những địa bàn cư trú chính của người Churu hiện nay thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn lưu tồn nhiều địa danh chứng tỏ điều đó. Ví dụ như những làng cổ truyền của người Churu; Krang gõ (99), Krang chớ (100), B'Kăn... là những làng Churu biết làm ruộng và làm đồ gốm... I. SINH HOẠT KINH TẾ Do nguồn gốc lịch sử và địa bàn cư trú như vậy, người Churu là một dân tộc đã biết làm ruộng từ lâu đời và sống định canh định cư. Nghề trồng trọt chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống kinh tế và lúa là nguồn lương thực chủ yếu; ngoài ra họ còn trồng thêm ngô, khoai, sắn và một số loại rau, đậu trên nương rẫy hoặc trong vườn. Vì vậy, trong ba loại hình trồng trọt chủ yếu thì quan trọng nhất là ruộng (hama), thứ đến là nương rẫy (apuh) và vườn (pơga). Ruộng (hama) của đồng bào trước đây thường chỉ làm một mùa và có thể tạm chia làm hai loại: ruộng sâu hoặc ruộng sình (hama-gluh) và ruộng khô (hama-khấc). Do tính chất và điều kiện địa lý ở từng loại ruộng và từng vùng có những điểm khác nhau nên kỹ thuật canh tác giữa chúng có những nét riêng biệt. Đối với loại ruộng sình, người ta thường dùng phương pháp thủy nâu (là phương pháp làm ruộng sơ khai nhất). Người ta dùng trâu đi xung quanh đám đất sình làm cho đất nhuyễn rồi gieo lúa, hoặc dùng cuốc để cuốc đất và ban đất cho bằng để gieo hạt. Đối với các loại ruộng đất còn lại, thường thường sau khi thu hoạch một thời gian người ta tiến hành cày vỡ (lơ oa ki thun), bừa (mđei), cày trở (lơ ca rơ keh), bừa và kết hợp với việc ban đất cho bằng rồi sạ giống... Với quy trình làm ruộng cổ truyền của đồng bào, chúng ta nhận thấy trình độ kỹ thuật còn rất thấp, công cụ sản xuất còn thô sơ như cày (rơngal). Cày cổ truyền của người Churu làm bằng gỗ (thân cây và lưỡi cày đều làm bằng gỗ), nhưng cày ngày nay của họ đã có lưỡi bằng sắt và do 2 trâu kéo; bừa (sơ căm), ban đất (sơlih)... được chế tạo toàn bằng gỗ. Tuy nhiên, trong công việc canh tác cổ truyền, người Churu có nhiều kinh nghiệm về việc làm thủy lợi nhỏ, nhất là việc điều tiết lượng nước cần thiết trong từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đồng bào thường làm những mương phai và các đê đập để dẫn nước từ các sông suối vào ruộng. Làm mương, phai, đê, đập thường phải huy động lực lượng của tất cả mọi người, nên mỗi một làng (plei) của người Churu thường có một người chuyên lo công việc dẫn nước vào ruộng gọi là trưởng thủy (pô Ea). Để phụ vào một vụ lúa trên ruộng, người Churu còn làm thêm nương rẫy và vườn. Tuy diện tích không nhiều, song nhà nào cũng có. Trên đất rẫy (a puh) đồng bào thường trồng xen các loại cây lương thực và thực phẩm khác như: ngô, khoai, đậu phụng, bí đỏ và các loại rau xanh. Ngoài nông nghiệp, đồng bào Churu còn chăn nuôi: trâu, bò, heo, dê, ngựa và các loại gia cầm khác như: gà, vịt, ngan, ngỗng... Trâu bò thường dùng làm sức kéo trong nông nghiệp; ngựa dùng để chuyên chở hàng hóa trao đổi với các dân tộc láng giềng. Trong các loại gia súc lớn, trâu được nuôi nhiều hơn bò và ngựa. Vì ngoài việc dùng làm sức kéo, trâu còn được dùng trong các lễ nghi nông nghiệp và tín ngưỡng cổ truyền, cưới xin hoặc dùng làm vật ngang giá để mua bán và trao đổi trong nội bộ dân tộc, cũng như với các dân tộc anh em khác. Kết hợp với nền kinh tế sản xuất, săn bắn (amal) là một hoạt động thường gặp trong đời sống của người Churu, tuy nhiên nó không còn là một nguồn sống quan trọng. Săn bắn thường kết hợp chặt chẽ với khâu sản xuất nông nghiệp để chống các loại thú rừng phá hoại mùa màng. Nó không những là một nguồn lợi, nguồn cung cấp thực phẩm mà là một thú vui của tất cả mọi thành viên nam giới trong làng. Tuy chưa có những người chuyên sống về nghề săn bắn, nhưng người đàn ông nào cũng biết đi săn, gia đình nào cũng có lao (tă) và nỏ (sơ ráo). Và họ là những người có nhiều kinh nghiệm làm tên thuốc độc. Với những vũ khí đó, người ta có thể săn bắn được các loại thú lớn như: heo rừng, trâu rừng (min), nai. Trước đây nhiều làng thường tổ chức đi săn tập thể. Cùng với việc săn bắn, đồng bào còn làm nhiều loại bẫy khác nhau để bắt cầy, cáo, gà rừng... Đánh cá cũng là một nghề phụ tương đối phổ biến ở những khu vực ven sông Đa Nhim, ven khe, suối trong vùng. Xung quanh làng xóm, thường có các ao đầm (dơ nác ka) để bắt cá. Hầu như nam giới trong làng người nào cũng biết đánh cá, bắt cá. Họ còn lấy một loại vỏ cây, lá cây có độc dược, đem giã ra rồi thả xuống nước để bắt cá. Phương pháp này bắt được nhiều, nhưng cá chết hàng loạt ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh sống cũng như sự sinh sôi nảy nở của nguồn cá trong tương lai... Hái lượm là một nguồn cung cấp thức ăn hàng ngày của đồng bào. Họ thường hái các loại rau rừng, măng và một số hoa quả dại. Thường thường vào những năm đói, mất mùa đồng bào phải đào củ rừng để ăn (củ chụp, củ mài) và thu hái các loại lâm sản như: mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, sa nhân... Những thứ đó, một phần để dùng, nhưng chủ yếu là để bán hoặc trao đổi với các dân tộc anh em khác ở miền xuôi như người Việt, Chăm. Chưa tách khỏi nông nghiệp, những sản phẩm thủ công chủ yếu như: đan lát đồ dùng gia đình bằng mây tre, và các công cụ tự rèn khác như liềm, cuốc, nạo cỏ đồ gốm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống hàng ngày. Đặc biệt là nghề làm gốm, một nghề thủ công truyền thống của đồng bào Churu, ở những làng như Bkăn, Krang gõ, Krang chớ... là những làng nghề nổi tiếng về nghề làm gốm... Tuy nhiên, kỹ thuật chế tác hãy còn rất thô sơ. Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào công việc làm gốm ở các khâu công việc như: đào đất, nhào đất v,v... riêng việc nặn gốm, nung gốm, sửa gốm...., và những khâu việc mang tính chất kỹ thuật khéo léo bằng chân tay khác là phần việc của người phụ nữ. Nghề dệt ở đây hầu như không phát triển, vì vậy hầu hết các y phục cổ truyền của họ như: chăn, áo, khố, yêng v.v.... đều phải mua bán trao đổi với các dân tộc láng giềng như người Chăm, Kơho và người Mạ.... Nhìn chung, nền kinh tế cổ truyền của người Churu là một nền kinh tế tự nhiên, mang tính chất tự cấp, tự túc, bó hẹp trong từng gia đình, dòng họ và buôn làng. Trong các loại hình kinh tế đó, trồng trọt gĩư một vai trò chủ đạo. Chăn nuôi chưa trở thành một nghề chính và chưa tách khỏi trồng trọt. Thủ công nghiệp vẫn là một nghề phụ trong các gia đình... Thực chất, đó vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Dưới thời kỳ thống trị của chủ nghĩa thực dân, nhất là chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, với các chương trình phát triển "sơn thôn" "phát triển kinh tế" và "cơ giới hóa nông nghiệp" của chúng, bằng sự du nhập phân bón, hạt giống, máy cày, máy bơm nước v.v.... làm cho sinh hoạt kinh tế của một số người Churu có những biến đổi nhất định. Một số người thuộc tầng lớp trên dưới chế độ cũ như: quận trưởng, quận phó, xã trưởng, thôn trưởng và một số mục sư, thầy giảng Tin lành, người dân tộc đã bắt đầu sử dụng các công cụ sản xuất mới như: máy cày, máy bừa, máy bơm nước, phân bón hóa học vào việc sản xuất nông nghiệp. Nhiều người đã bắt đầu trồng các loại cây chuyên canh, cây đặc sản như: su su, cải bắp, khoai tây, hành tây, tỏi, atisô v.v... Những sản phẩm của họ đã được đem bán ở Nha Trang, Phan Rang và các thị trấn, thị xã miền núi hoặc trực tiếp bán cho lực lượng quân sự Mỹ đóng tại địa phương.... Tuy nhiên nhìn chung, nền kinh tế cổ truyền vẫn chiếm địa vị chi phối đời sống của quần chúng lao động nghèo khổ (101). Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách xã hội trong vùng Churu. trước đây, dưới chế độ cũ, một số tên như: Toupông Hiu, Ya Biên, Ya Yú... đã chiếm nhiều đất đai rừng núi của đồng bào, nay đã được trao trả lại cho nông dân lao động. Phong trào xây dựng các tổ vần công, đổi công và các tập đoàn sản xuất đã phát triển mạnh mẽ. Các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đang được xây dựng. Kết hợp với các biện pháp kỹ thuật liên hoàn, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất đã và đang được áp dụng trong sản xuất. Nhiều ngành nghề mới như: khai thác lâm sản, trồng rừng và tu bổ rừng, ngành trồng cây công nghiệp như: chè, cà phê, canh ki na,... đang được khôi phục, cải tạo và phát triển. Trên cơ sở đó, đời sống kinh tế và văn hóa của người Churu dần dần đi vào thế ổn định và từng bước được cải thiện. II. TỔ CHỨC XÃ HỘI Xã hội cổ truyền Churu dựa trên tổ chức plei (làng). Làng là một khoảng đất rộng độ vài ba cây số vuông gồm: thổ cư, đất đai trồng trọt, các công trình thủy lợi cùng với rừng núi sông suối và có ranh giới (nal) là các cột mốc tự nhiên như: con sông, ngọn suối hoặc quả đồi... do các chủ làng (pô plơi) quy ước với nhau và cứ như thế được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác... Rừng núi, sông suối thuộc quyền sở hữu của cộng đồng làng. Ai cũng có quyền săn bắn, đánh cá trong khu vực đất đai thuộc quyền quản lý của làng mình. Nhưng thổ cư, ruộng đất ở đây dần dần chuyển thành quyền sở hữu và quản lý của từng dòng họ, đại gia đình hay gia đình nhỏ. Vì thế, họ đã có một thể thức cổ truyền về việc chuyển nhượng quyền sở hữu ruộng đất nhưng chưa có một khế ước hay giấy tờ hợp pháp. Những người dân trong làng thuộc hai thế hệ được hợp lại tại thửa ruộng được bán, mà thành phần quan trọng hơn hết là sự tham dự của trẻ em. Vì họ sẽ là những người nhân chứng trực tiếp của việc chuyển nhượng ruộng đất đó trong tương lai. Người đứng ra mua đất (gần đây việc chuyển nhượng đất đai đã được trả bằng tiền mặt) phải chịu mọi tổn phí của buổi lễ. Chi phí đó gồm các khoản chính như: rượu cần để thết đãi người lớn và gà là món quà dành riêng cho trẻ em. Người mua phải có một con vật để tế lễ sau khi trả tiền mua bán ruộng. Tiền trả theo luật lệ cổ truyền của người Churu là trâu bò, chiêng, ché những vật mang tính chất ngang giá một tảng đá tương đối lớn được phết máu con vật đã tế chôn ngay vào bờ ruộng.... Như vậy, thực chất ruộng đất đã thuộc quyền sở hữu của từng gia đình. Tuy nhiên, về mặt hình thức, quyền quản lý đất đai cổ truyền trong từng dòng họ vẫn thuộc về người tộc trưởng (ông cậu hoặc người chị cả). Mỗi gia đình nhỏ trước khi muốn chuyển nhượng hoặc mua bán đất đai đều phải thông qua ý kiến của người tộc trưởng và phải có những lý do chính đáng. Về mặt xã hội, làng Churu thường là một đại tông tộc hoặc là một đơn vị cư trú láng giềng. Một làng bao gồm nhiều dòng họ hoặc bao gồm cả những người khác tộc cùng cư trú. Ví dụ, làng Dom A có hai dòng họ là: Touneh và B'nahria; làng Dom B có 3 dòng họ: Đơlơng, K'bao B'nuh và D'nơng Sang, làng B'kău có 3 dòng họ: Crugiang, B'nahria và M'hỏi. Và trong cả ba làng nói trên đều có người Kơho, người Raglai cùng cư trú. Đứng đầu làng (plei, plơi) là một chủ làng (pô plơi, pô plei) do tất cả mọi thành viên lựa chọn trong số những người đàn ông lớn tuổi nhất của làng mình (các Tha Plơi) để bầu ra. Ông ta là người được đông đảo mọi thành viên trong làng tín nhiệm, gửi gắm và phó thác sứ mệnh quản lý đất đai và lãnh thổ của buôn làng. Ngoài tiêu chuẩn cao tuổi nhất, pô plei còn là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chiến đấu, hiểu biết lịch sử, phong tục tập quán làng và dân tộc. Vì vậy, chủ làng (Pô plei) là người đóng vai trò hướng dẫn, chỉ bảo dân làng sản xuất, tổ chức đời sống, và cùng với các già làng (the plei) bàn bạc và giải quyết mọi công việc đối nội cũng như đối ngoại của làng mình.... Chủ làng cũng như mọi người, đều phải lao động để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng, về mặt tinh thần ông là người có uy tín được mọi người kính nể. ông là người chủ xướng các buổi tế lễ chung của làng ... Trong đời sống, do có nhiều kinh nghiệm sản xuất và sức lao động của mình, nên chủ làng thường có một ngôi nhà khang trang hơn, một đời sống no đủ hơn so với mọi người. Chức vụ chủ làng không mang tính chất thế tập cha truyền con nối. Tuy vậy, nếu con của vị chủ làng có tuổi tác và tài năng, đạo đức thì người đó cũng có thể được dân làng tín nhiệm bầu làm chủ làng. Nếu một làng bao gồm nhiều dòng họ cùng cư trú thì chức vụ chủ làng thường thuộc về dòng họ lớn nhất trong làng. Người có uy tín tinh thần sau chủ làng là thầy cúng (Yuh, Pơ độ hoặc Gru). ông là linh hồn của các buổi tế lễ của cộng đồng làng cũng như các đại gia đình và dòng họ. Ngày thường, vị thầy cúng vẫn phải làm ruộng làm rẫy như mọi người khác, chỉ khi nào có việc cúng kiếng thì ông mới được dân làng hoặc gia chủ mời đến hành lễ. Sau mỗi buổi tế lễ, ông thường được dân làng hoặc các gia chủ biếu xén con gà, ché rượu, với ngụ ý là hàm ơn ông. Ông đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Người có uy tín thứ ba sau chủ làng và thầy cúng là trưởng thủy. Thường mỗi làng của người Churu có từ 1 đến 3 người lo lắng công việc dẫn nước vào ruộng. Trong đó một người phụ trách và hai người giúp việc. Trưởng thủy cũng do tập thể mọi thành viên trong làng bầu ra. ông là một người đàn ông vào độ tuổi từ 50 đến 70 tuổi, khỏe mạnh, có khả năng trong công việc dẫn thủy nhập điền, nhất là có đức tính công bằng đối với tất cả mọi gia đình, dòng họ trong làng. ÔNG ta có nhiệm vụ phân phối lượng nước từ các mương công cộng đến từng thửa ruộng của các gia đình. khi cần thiết, ông có thể báo cáo và đề nghị với chủ làng huy động nhân lực để tu bổ các công trình thủy lợi chung của làng mình trước mùa cày cấy. (Thí dụ: làng Dom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 3 người đảm trách công tác thủy lợi của cộng đồng đó là: Ya Bak, trưởng thủy 70 tuổi, Ya Phác và Ya Mức 65 tuổi, phó trưởng thủy). Hàng ngày, ông ta vẫn làm ruộng, làm rẫy như mọi thành viên lao động khác, nhưng số ruộng đất của ông có ít hơn mọi người, vì ông còn bận rộn vào công việc chung. Để bù đắp vào sự thiệt thòi đó, mỗi hộ trong làng, hàng năm phải đóng góp cho ông một số thóc khoảng 12 kg và mỗi người phó trưởng thủy 6 kg. Để trông nom công việc sinh đẻ trong làng, mỗi một làng của người Churu thường có từ một đến hai người phụ nữ giầu kinh nghiệm giúp đỡ sản phụ trong những ngày sinh nở gọi là bà mụ. Tuy không phải do dân làng bầu ra như trưởng làng và trưởng thủy nhưng do có kinh nghiệm trong công việc này, bà ta được dân làng tin tưởng và trông cậy. Sau mỗi lần sinh đẻ, gia chủ thường có hảo tâm biếu xén cho bà một ít quà cáp để gọi là đền đáp công ơn... Như vậy, chủ làng (po plơi, po plei), trưởng thủy (pôEa), thầy cúng (Yua, Pơ đô, Gru) và bà mụ (mọ boai, mọ luay) và các già làng (tha plơi) là những người có một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và tín ngưỡng trong cộng đồng của người Churu. Họ là những thành phần họp thành tổ chức tự quản của buôn làng, một tổ chức chính trị, xã hội cao nhất mà người Churu đã đạt đến. Làng hầu như là một đơn vị kinh tế tự túc, tự cấp tương đối "độc lập" đối với nhau. Theo đà phát triển của lực lượng sản xuất, sản phẩm thặng dư trong xã hội ngày một tăng, những mầm mống đầu tiên của chế độ tư hữu đã xuất hiện, trong xã hội đã có một sự phân hóa thành hai tầng lớp giầu (mdagơnơp), nghèo (rơbah). tầng lớp giầu có ở đây được tượng trưng bằng những đồ vật mang tính chất phô trương như: ché (sơtôk), ngà voi (bla), trống (sơgơn), chiêng (sar), sừng tê giác (bờsan) v.v... chứ chưa phải chủ yếu bằng tư liệu sản xuất như ruộng đất, trâu bò, nông cụ... và nguyên nhân đưa đến sự giầu có phần nhiều là do sức lao động và kinh nghiệm sản xuất của chính họ tạo nên chứ không phải dựa vào sự bóc lột sức lao động của những người nông dân đồng tộc... Dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, nhất là chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, với các chính sách: "cải cách điền địa", "phát triển nông thôn" và "cơ giới hóa nông nghiệp" đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho chế độ tư hữu phát triển... Hiện tượng tập trung ruộng đất và các nông cụ cơ khí đã bắt đầu xuất hiện trong xã hội Churu trước ngày giải phóng. Những người đứng đầu của buôn làng, dòng họ cùng với con cháu của họ phần lớn đã bị Mỹ-ngụy lợi dụng, đào tạo thành những tên tay sai đắc lực của chúng nắm quyền bính ở các địa phương và cơ sở như: tỉnh phó, quận trưởng, quận phó, trưởng ty phát triển sắc tộc, xã trưởng, ấp trưởng, an ninh xã thôn cùng với các mục sư, thầy giảng trong hệ thống các nhà thờ Tin lành... Lợi dụng uy thế của địch và quyền hành trong tay mình, một số người trong họ đã dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt ruộng đất, mua sắm máy cày, phân bón để tiến hành kinh doanh nông nghiệp theo chiều hướng phát triển đi lên con đường tư bản chủ nghĩa (ví dụ như YaBiên, Ya Yú đã chiếm nhiều ruộng đất của nông dân, YaNgang đã có máy cày, máy bơm nước và xay xát gạo, Touneh Hàn Đào, đã có tới 5 héc ta ruộng đất cho người Kơho, Chil và người Raglai cày mướn, Tou prông Hiu có tới 150 ha ruộng đất. Nếu ta tạm gác ra ngoài những sự xáo trộn do chủ nghĩa thực dân gây nên, làng Churu được cấu tạo bởi đại tông tộc, một làng có nhiều dòng họ, hoặc là một đơn vị cư trú của nhiều dòng họ láng giềng. Hiện nay, phần lớn làng Churu đã trở thành một đơn vị hành chính: làng gồm nhiều làng cũ (plei) của nhiều nhóm tộc người có trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán khác nhau cùng cư trú. Ví dụ, làng kaĐơn gồm các làng cũ Kađơr, Téclet, Belach và Xơ Mai của người Churu, người Kơho, người Raglai và người Việt cùng cư trú. Làng Dom B cũng là một cộng đồng cư trú của ba nhóm tộc người Churu, Kơho và người Raglai v.v... III. GIA ĐÌNH Dưới làng, là những cộng đồng huyết thống như: đại gia đình, tiểu gia đình và dòng họ. Gia đình trong xã hội cổ truyền của người Churu là đại gia đình còn mang nhiều tàn dư của chế độ gia đình mẫu hệ. Điều đó biểu hiện tập trung nhất ở vai trò của người vợ, người cậu (miăh) và quyền thừa kế tài sản thuộc về những người con gái trong gia đình. Đại gia đình của người Churu thường có từ 3 đến 4 thế hệ con cháu của cùng một người mẹ và chồng con của họ cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà dài (sang tơnuh prong). Tổ chức đại gia đình dựa trên cơ sở cộng đồng về kinh tế, xã hội và tư tưởng. NHỮNG người trong một nhà dài (đại gia đình) có ruộng đất, trâu bò, nông cụ chung; họ cùng nhau sản xuất và hưởng chung sản phẩm lao động của mình làm ra. Sản phẩm lao động chung của đại gia đình (sang tơ prong) được đem vào kho chung (pi ô khơ đay) và cùng ăn chung một nồi lớn (gố prông)... Đứng đầu đại gia đình là một người đàn ông lớn tuổi nhất, thông thường là chồng của người đàn bà thuộc thế hệ lớn nhất của gia đình. Trong thực tế, ông chủ đại gia đình là người thừa hành những ý kiến của người vợ và của ông cậu (miăh). Tuy sống trong đại gia đình phía vợ mình, song người cậu là người có thẩm quyền quyết định mọi công việc hệ trọng trong gia đình của người em gái mình như: phân chia tài sản, hôn nhân, mua bán và chuyển nhượng ruộng đất cũng như mọi tài sản của đại gia đình. Đó là dấu ấn còn lại của chế độ mẫu quyền đang ở trên bước đường tan rã tất yếu của nó để hình thành nên các gia đình nhỏ gồm vợ chồng và con cái trong xã hội có giai cấp... Sau đây là quan hệ đại gia đình mẫu hệ trong một số gia đình Churu: - Đại gia đình của bà Tounch Nai Wét, người Churu ở làng Dom B, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, gần đây vẫn tồn tại với quy mô 26 thành viên thuộc 3 thế hệ, gồm 4 gia đình nhỏ của 4 chị em gái cùng mẹ, và chồng con của họ vẫn chung sống với nhau dưới một mái nhà, cùng làm chung và ăn chung. Hộ thứ nhất có 11 người (là gia đình gốc): mẹ tên là Touneh Nai Wét và con gái cả của bà là Ma Lam và con rể là Ya Yem. Ma Lam sinh được 8 cháu (gồm 3 trai và 5 gái). Hộ thứ hai có 5 người: con gái thứ hai của bà Touneh Nai Wét tên là Ma Am, cùng chồng là Ya Boút , sinh được 3 cháu gái. Hộ thứ ba có 5 người: con gái thứ ba của bà Touneh Nai Wét là Ma Xing cùng chồng là Ya Boul, sinh được 3 cháu nhỏ. Hộ thứ tư có 5 người: con gái thứ bốn của bà Touneh Nai Wét là Ma Tư cùng chồng là Ya Hung, sinh được 3 cháu nhỏ. - Đại gia đình của bà Yơ Nong Sang Ma Lót cùng làng có 18 thành viên thuộc 5 thế hệ, làm thành 4 nhóm gia đình nhỏ cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng canh tác chung ruộng rẫy, cùng chung một kho sản phẩm, nhưng khi ăn uống đã phân theo đầu người thuộc 4 nhóm gia đình nhỏ. Đại gia đình của bà Ma Vôi có 32 thành viên, thuộc 4 thế hệ làm thành 4 gia đình nhỏ, cùng cư trú dưới một mái nhà, song từng gia đình nhỏ đã có ruộng đất, nông cụ riêng, kho thóc riêng và bếp ăn riêng. Đó là những cơ sở kinh tế ban đầu của các gia đình nhỏ. Do sự phát triển nội tại của xã hội đó cùng với sự tác động mạnh mẽ của các xã hội có giai cấp bên ngoài như xã hội phong kiến Chăm, Việt và nhất là các chính sách kinh tế - xã hội của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ đã làm cho đại gia đình của người Churu tan rã một cách nhanh chóng, để hình thành nên các gia đình nhỏ gồm vợ chồng, con cái của mình. Hình thức gia đình đó ngày càng phổ biến. Các gia đình nhỏ mới tách ra từ một đại gia đình thường cư trú trong những nhà sát cạnh nhau trong cùng một khu đất ở, cùng một khuôn viên. Như vậy, phải chăng do sự tác động mạnh mẽ của các xã hội có giai cấp ở bên ngoài đã làm xã hội Churu bỏ qua giai đoạn phát triển công xã gia đình phụ hệ (phụ quyền) mà đi thẳng từ sự tan rã của gia đình mẫu hệ còn mang nhiều tàn tích của chế độ mẫu quyền phân hóa thành những gia đình nhỏ của xã hội có giai cấp. Trong gia đình nhỏ cũng như gia đình mở rộng (đại gia đình) vẫn theo phương thức sinh hoạt của gia đình mẫu hệ, nhưng trong xã hội người đàn ông Churu đã đóng góp một vai trò quan trọng, nhất là trong sản xuất và sinh hoạt chính trị xã hội. Ví dụ, những chức vụ quan trọng như chủ làng (Pô plơi hay pô plei), trưởng thủy (Pôe), thầy cúng v.v... đều là những người đàn ông. Đó là dấu hiệu của sự tan rã sâu sắc của chế độ mẫu quyền để chuẩn bị tiến tới chế độ phụ quyền. IV HÔN NHÂN Người Churu vốn cư trú trên một lãnh thổ tộc người tương đối thống nhất, nên từ trước tới nay thường có quan hệ hôn nhân trong nội bộ dân tộc. Tuy nhiên, họ vẫn có quan hệ hôn nhân với các dân tộc khác, nhất là người Kơho và người Raglai sống bên cạnh, có quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa và xã hội lâu đời. Đặc biệt trong thời gian gần đây do chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ-ngụy đã đưa đến tình trạng cư trú xen kẽ, hỗn hợp giữa các dân tộc đó trong cùng làng, cùng ấp, cá biệt cũng có một số ít trường hợp hôn nhân với người Việt, thường là vợ Việt, chồng là Churu. Đó là những quan lại người Churu thời Pháp và các sĩ quan, công chức thời Mỹ-ngụy. Chế độ hôn nhân của người Churu là chế độ hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên vợ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân mà họ thường gọi là tục"bắt chồng". Đến tuổi trưởng thành (15-16 tuổi) khi chọn được người vừa ý, người con gái về thưa với bố mẹ, nhờ người mai mối cùng với ông cậu hoặc người chị cả đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt. Nếu nhà trai bằng lòng thì hai bên sẽ quy định ngày ăn hỏi. Đến ngày đã định, gia đình bên gái mang lễ vật đến nhà trai làm lễ ăn hỏi. Sau một tiệc rượu giữa những người đại diện cho hai bên gia đình, hai dòng họ, người mai mối nhà gái đeo nhẫn và vòng cườm cho chàng rể tương lai để thực hiện việc đính hôn. Phái đoàn của hai họ nhà trai, nhà gái tiếp tục bàn bạc về những nghi thức và ngày làm lễ thành hôn của đôi trai gái. Tiệc cưới thường được tổ chức thật linh đình, kéo dài từ 3 đến 4 ngày, tuỳ theo mức độ giầu có của gia đình người con gái. Sau lễ cưới, người con gái phải ở lại làm dâu độ mười lăm ngày trong khi chờ đợi lễ rước rể về cư trú vĩnh viễn bên gia đình mình. Gần đây những gia đình hiếm muộn (chỉ có một con trai) hoặc những gia đình giầu có cũng đã có một ít trường hợp người con trai đi hỏi vợ và cư trú bên chồng. Nhưng con cháu và mồ mả của họ sau này vẫn thuộc về dòng họ mẹ. Cũng như các dân tộc ít người khác ở Lâm Đồng, trong xã hội Churu hiện tượng quan hệ nam nữ tiền hôn nhân không được xem là hệ trọng và trinh tiết của người con gái không hề có ảnh hưởng gì tới cuộc hôn nhân. Nhưng, ngoại tình được xem như là một trọng tội và bị luật tục trừng phạt nặng nề. Những trường hợp ly hôn ít khi xảy ra, nhưng nếu có thì phải được sự ưng thuận của chủ làng. Tuy rằng chế độ một vợ một chồng đã được xác lập, song hiện tượng đa thê vẫn có thể xảy ra, thông thường là ở những gia đình giầu có. Trước khi muốn cưới thêm vợ thứ hai, người chồng phải được sự chấp thuận của người vợ cả. Trường hợp chồng chết, người góa phụ có thể lấy em trai của chồng mình nếu được hai bên cùng thỏa thuận. Nếu không, thì người phụ nữ đó phải để tang chồng một năm sau mới được tái giá. Nhiều trường hợp để bảo vệ của cải của đại gia đình, dòng họ, con cô, con cậu cả hai chiều có thể kết hôn với nhau... những cuộc hôn nhân như vậy được phong tục tập quán cổ truyền của người Churu chấp nhận. V. PHONG TỤC TẬP QUÁN VÀ TÍN NGƯỠNG Do trình độ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật còn thấp con người lệ thuộc quá nhiều đối với thiên nhiên, đồng bào Churu còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Một trong những phong tục đó là việc thờ cúng và tín ngưỡng đa thần. Việc thờ cúng tổ tiên ở đây bắt nguồn từ chỗ họ tín ngưỡng vào sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn của những người đã khuất. Lễ thờ cúng tổ tiên (Pơkhimôcay) ở đây khác hẳn với lễ thờ cúng tổ tiên ở người Việt. Việc hành lễ không có một trật tự ngày tháng nào nhất định. Có thể hai ba năm hoặc hai, ba mươi năm mới cúng một lần, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, dòng họ. Trong nhà của người Churu cũng không có bàn thờ hay bài vị dành cho những người đã khuất. Họ chỉ làm bàn thờ và tiến hành việc thờ cúng vào một dịp nào đó ở ngoài nghĩa địa (kốtatâu) chứ không đem về nhà. Thường ngày, mỗi khi có người chết họ thường ngả trâu, bò để làm lễ cúng.... Đó là một phong tục có từ lâu đời mà hiện nay còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Churu. Cho tới khi có sự xâm nhập của các tôn giáo như: Thiên chúa giáo, và đạo Tin lành, những tín đồ các tôn giáo ấy vẫn tiến hành thờ cúng tổ tiên của mình song song với sự tôn thờ đức Chúa. Cũng như việc thờ cúng tổ tiên, việc tiến hành các lễ nghi nông nghiệp cổ truyền như việc cúng thần đập nước (Bơmung), thần mương nước, cúng thần lúa khi gieo hạt (nhum tốt đòông hay khâu đòông), cúng ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa gặt v.v.... trong các lễ nghi cổ truyền đó, đáng chú ý nhất là lễ cúng thần Bơmung. Trong mỗi vùng cư trú của người Churu có một nơi dành riêng để thờ cúng vị thần này. Hàng năm khoảng tháng 2, tất cả mọi người trong làng đều đến đấy để làm lễ cúng. Dân làng thì thường cúng bằng dê, còn vị chủ làng thường phải cúng bằng ngựa. Tục truyền của người Churu cho hay ngày xưa vị thần này thường ưa thích cưỡi ngựa, nên hàng năm vị chủ làng phải cúng ngựa cho thần đó. Con ngựa để cúng thần cũng được đóng yên cương, phủ các lễ phục quý giá... Đồng thời với việc cúng Bơ mung, cũng vào tháng hai mỗi năm theo phong tục cổ truyền người Churu thường cúng Yang Wer, Yang Wer là một cây cổ thụ ở gần làng và được dân làng tin đó là nơi ngự trị của một vị thần có nhiều quyền phép. Dân làng Churu thường làm những hình nộm như: đầu voi, đầu cọp, đầu dê, đầu trâu v.v... bằng gỗ hoặc bằng củ chuối cùng với đồ ăn, thức uống mang tới gốc cây Yang Wer để cúng thần. Cúng bái xong, họ bèn đặt một phần đồ cúng lên võng, rồi theo đường chính khiêng võng đi đến một nơi cách gốc cây Yang Wer độ chừng 100 thước, họ từ từ hạ võng xuống, bày đồ ăn ra vệ đường với ngụ ý tiễn Yang Wer đi chơi. Sau đó tất cả mọi người tham gia hành lễ trở lại gốc cây cùng ăn uống với nhau vui vẻ. Trước khi ra về, mỗi gia đình hái một nhánh cây đem về cắm trước cửa, tiếp sau đó là cả làng kiêng cữ 15 ngày không được ai ra vào. Đó là một thời gian nghỉ ngơi của dân làng sau một mùa gặt hái. Về văn học nghệ thuật dân gian; người Churu có một vốn ca dao, tục ngữ phong phú. Phần lớn vốn tục ngữ dân ca đều phản ánh chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội cổ truyền của họ: Sa juh matay syo apuy abơng a sang Pơ sang metay ayo a klang apa manuk Có nghĩa là: Vợ chết như nhà cháy Chồng chết như diều hâu bắt gà con. Truyện cổ hết sức phong phú phản ánh cuộc đấu tranh bất khuất của người dân lao động đối với thiên nhiên, đối với xã hội để dành lại cuộc sống trong lành và hạnh phúc. Ví dụ như câu chuyện về một em bé mồ côi cha mẹ, lúc đầu cuộc đời sống trong nghèo khó, nhưng sau đó được thần giúp đỡ trở nên giầu sang và có cuộc sống an lành. Có những truyện cổ tích thật là ví von, có nhiều thiên trường ca mà các cụ già làng thường ngồi bên bếp lửa của nhà sàn kể lại cho con cháu họ nghe một cách rất say sưa, suốt đêm này qua đêm khác... Nếu gạt bỏ những yếu tố hoang đường, kho tàng văn học và nghệ thuật dân gian của đồng bào Churu không những chỉ có giá trị về văn học nghệ thuật mà còn là một nguồn tư liệu dân tộc học có giá trị. Về âm nhạc, ngoài trống (sơ gơn), kèn (rơkel), đồng la (sar) v.v... còn có r'tông, kwao, terlia là những nhạc cụ đặc sắc của người Churu. Trong những ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tam-ga, một điệu vũ mang tính cộng đồng rất điêu luyện, mà hầu như người nào cũng biết và ưa thích. Cũng như các dân tộc ít người khác ở Lâm Đồng và Tây Nguyên, người Churu tin rằng mọi bệnh tật đều do Yang gây ra, bởi vì vậy mỗi khi có người lâm bệnh nặng, lập tức họ mời thầy cúng (mdjao) đến để cúng thần và trị cho người bệnh. Mdjao có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh và trị bệnh mang tính chất bùa phép kết hợp với các kinh nghiệm y học cổ truyền. Mdjao thả một cái vòng nhỏ từ trên cao xuống một chén nước, nếu vòng nảy ra ngoài là bệnh nhẹ, trái lại, nếu chiếc vòng chìm xuống đáy chén là bệnh nặng. Mdjap sửa soạn cúng thần. Để định xem gia súc nào được dùng để hiến sinh cho buổi lễ, Mdjao đặt một quả trứng luộc lên bát cơm và nâng bát lên cao rồi khấn thần (Yang) về cho biết sẽ cần dâng loại sinh vật nào. Người Churu thường dùng gà, vịt và phần lớn là các dã thú để cúng thần. Đối với một số bệnh tật thông thường người thầy cúng (mdjao) cùng các lang y vừa cúng lễ vừa chế thuốc trị bệnh. Ví dụ, muốn chữa bệnh đau mắt, thầy lang nhai một miếng củ nghệ nhỏ rồi thổi nước nghệ vào con mắt đau. Có nhiều lang y cổ truyền của người Churu chuyên trị người bị rắn cắn hoặc chữa các thương tích. Mỗi người dân Churu cũng biết một vài phương pháp trị các bệnh tật thông thường. Người Churu thường tin rằng nếu vi phạm những điều cấm kỵ, ví dụ: như đào một khoảng đất đặc biệt nào đó có thể bị thần đất gây ra đau ốm, nhức đầu. Người vi phạm đó phải tìm đến hố đất mà mình đã đào và dùng nghệ nghiền nhỏ trộn vào nước để đắp lại... Các lang y cổ truyền của người Churu cũng chế được nhiều loại thuốc phòng ngừa bệnh tật bằng rễ cây. Đến mùa bệnh đậu, người Churu thường cho trẻ em uống các loại thuốc phòng ngừa cổ truyền đó. Theo đồng bào thì hầu hết con cái của các lang y trong vùng ít khi mắc bệnh. Các thầy cúng pháp sư (mdjao) của người Churu thường luyện bùa chú để phòng ngừa bệnh tật. Ví dụ; muốn trừ bệnh sốt rét, thì thầy cúng (mdjao) thường quấn vào cổ người bệnh một sợi dây to có thắt 3 nút, hoặc một sợi dây bện bằng một thứ rễ cây. Nếu nhà nào mắc bệnh cùi, thì cả gia đình phải sống một nơi biệt lập, cách xa xóm làng của họ v.v.... Đó là những phong tục tập quán cổ truyền của đồng bào Churu. Đối với những phong tục tập quán đó, chúng ta một mặt phải bài trừ những phong tục tập quán lạc hậu như dùng bùa chú, cúng bái để trị bệnh, vừa tốn kém đối với nhân dân, vừa có hại cho đời sống. Mặt khác, chúng ta cần chú ý tìm hiểu nghiên cứu những vị thuốc có tính chất truyền thống của đồng bào để có thể phát triển, làm phong phú thêm cho kiến thức y học truyền thống của dân tộc. Đồng bào Churu cũng như các dân tộc ít người ở Tây Nguyên đã góp phần công sức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào bị kìm hãm về nhiều mặt, bị áp bức và bóc lột nặng nề, nhất là bị khinh rẻ và miệt thị. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào Churu mới thực sự được đổi đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Churu đã và đang sát cánh với các dân tộc anh em khác trong cả nước ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. NGUYỄN VĂN DIỆU
CHÚ THÍCH (99) Krang gõ: làng làm nồi đất. (100) K'rang chớ: nghĩa là nỏ sò...
|
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |