Trang trước

Mục lục

Trang sau

 
 

 

 

 

   

Thac Datanla

Thác Đatanla

1. Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX, bác sĩ A. Yersin lên thám hiểm Nam Tây Nguyên đã phát hiện ra vùng đất có các đặc điểm là: có độ cao thích hợp, có diện tích rộng rãi, có nguồn nước đảm bảo và sạch sẽ, có khí hậu ôn hòa, có điều kiện phát triển giao thông. Toàn quyền Đông Dương đã quyết định xây dựng vùng Đà Lạt thành một nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức người Pháp và người Việt. Gần một trăm năm hình thành và phát triển Đà Lạt nổi tiếng với dáng vẻ như một thành phố du lịch châu Âu với nhiều tính đặc thù.

2. Đà Lạt rộng trên 31 ngàn ha, nằm trong khoảng từ 11 độ 52 phút - 10,4 độ 04 phút độ vĩ bắc và 10,8 độ 20 - 10,8 độ 25 phút độ kinh đông được giới hạn bởi ngọn Langbian 2.167 m ở phía Bắc, núi Voi cao 1.756 m ở phía Tây Nam, ngọn Lắp bê Bắc cao 1.732 m ở phía đông bắc và ngọn Đam Seana cao 1.600 m ở phía Đông. Giới hạn bên trong của 4 rặng núi trên là những quả đồi tròn thấp dần, thoai thoải, xen kẽ có đồi cỏ, đồi thông và những thung lũng, đã được các khu dân cư khai phá làm vườn, ruộng trồng trọt rau, mía, hoa, cây ăn trái.

Hồ Xuân Hương nằm giữa trung tâm thành phố, từ đấy có những con đường tỏa đi bốn phương, hướng Tây Bắc là Suối Vàng, dẫn đến đỉnh Lang Bi-an, hướng Nam theo đường quốc lộ 20 qua đèo Prenn dài 10 km và nối với thành phố HCM. Hướng Tây có đường đi ra thác Cam Ly, tới Tà Nung, Nam Ban, nối với đường 27 đi Đắc Lắc, hướng đông nối với thị trấn Đran huyện Đơn Dương , qua đèo Ngoạn Mục dài 20 km nối liền với Phan Rang, Tháp Chàm và ra biển Đông.

Thành phố Đà Lạt là một đô thị còn trẻ, ở độ cao 1.600m so với mặt biển, ít bị tàn phá và xáo trộn do chiến tranh, ẩn trong rừng thông, hoa, cỏ, cây, hồ, suối, thác tạo thành cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Thành phố còn nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, hiếm thấy trong nước và các khu vực Đông Nam Á, giống như thành phố cổ kính ở châu Âu. Các danh lam thắng cảnh đáng kể sau đây đã tạo nên vẻ hài hòa, kỳ thú của thành phố và vùng ngoại vi.

- Hồ Xuân Hương và Đồi Cù: nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt, dính liền nhau, gắn bó như khuôn mặt và mái tóc người con gái tuổi mười chín đôi mươi, tạo nên thắng cảnh đẹp và nổi tiếng. Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo được xây dựng cách đây gần 60 năm, có diện tích mặt nước rộng 40 ha, chu vi dài 7 km. Xung quanh hồ nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao được xây dựng như khách sạn Palace, thao trường Lâm Viên, nhà nghỉ Công Đoàn, Nhà hàng Thanh Thủy, Thủy Tạ... Đồi cù rộng 64 ha là một thắng cảnh, điểm chơi gôn thú vị của Đà Lạt. Hồ Xuân Hương nằm ở lòng chảo. Đường Hồ Tùng Mậu, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thái Học, Thống Nhất dẫn tới vòng hồ đã tạo ra nhiều điểm đẹp mắt về phong cảnh thơ mộng.

Công viên hoa Đà Lạt: Nằm quanh trên bờ phía Bắc của Hồ Xuân Hương, trên thung lũng của Đồi Cù. Trước đây công viên hoa Đà Lạt có tên là Bích Câu, nhưng nay mở rộng thêm diện tích bằng 5 lần trước. Tại đây, các loại hoa và cây cảnh nổi tiếng của Đà Lạt được trồng tỉa chăm sóc chu đáo, cảnh sắc tươi mát, phong phú bốn mùa. Công viên thoáng đãng, có nhiều điểm vui chơi cho du khách như đu bay, chụp ảnh... khách du lịch có thể mua các hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các giống hoa, cây cảnh quý hoặc các giống cây ăn quả như hồng, bơ, cà phê...

- Thác Cam Ly: nằm trên suối Cam Ly phía thượng lưu suối Cam Ly, cách trung tâm thành phố 2km về phía tây, đường đi thuận tiện cho du khách đến tham quan. Tại đây, khách có thể đi dạo trên vách đá cheo leo hoặc tựa lưng vào vách đá ngắm thác nước tung bọt trắng xóa, chụp ảnh lưu niệm, mua các kỷ vật tặng người thân...

- Thung lũng Tình yêu: nằm cách trung tâm thành phố 4 km về phía Bắc, là quần thể rừng thông rộng 400 ha nằm dưới thung lũng tĩnh mịch và hồ nước trong xanh quanh năm. Mùa khô du khách và thanh niên Đà Lạt thường đến vui chơi cắm trại, giải trí. Thung lũng tình yêu có thể chứa hàng ngàn người, với hàng trăm lều trại và vẫn êm đềm, dễ lưu luyến và bâng khuâng...

- Hồ Than Thở: Là một thắng cảnh, nằm phía Đông Bắc cách trung tâm thành phố 7 km. Sự tích hồ Than Thở ra đời từ câu chuyện tình bi thương của đôi trai gái yêu nhau. Đến Đà Lạt, ai ai cũng muốn một lần đến thăm hồ Than Thở, để yêu thêm thiên nhiên và thưởng thức phong cảnh hữu tình đầy quyến rũ.

- Hồ Tuyền Lâm rộng 80 ha, cách trung tâm thành phố 5 km về phía tây. Quanh hồ là những đồi thông xanh ngát chập chùng, du khách có thể đi thuyền băng qua mặt hồ tới chân núi Voi hùng vĩ.

- Xa trung tâm thành phố hơn một chút, trên đường về thành phố Hồ Chí Minh hay đi Nha Trang du khách có thể tiếp tục xuống thăm thác Đatanla. Thác trải dài 200m tuôn xối xả trên 3 bậc thềm đá tạo nên tiếng réo ầm ầm thật vui tai, lạ mắt.

Qua thác Đatanla, đi thêm 4 km nữa du khách có thể xuống thăm thác Prenn, nằm ngay cửa ngõ thành phố dưới tán lá xanh thẳm của rừng thông thuần loại. Nước trải mỏng trên mặt đá phẳng phiu và rớt nhẹ xuống hồ nước dưới thấp chừng 23 m, tạo nên không gian tươi mát, êm dịu và hiền hòa. Những bức ảnh chụp vẽ cảnh thác đã làm cho Prenn nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.

Ngoài các thắng cảnh ở Đà Lạt, du khách có thể bớt chút thời gian đi thăm và thưởng thức một số điểm khác cũng nổi tiếng không kém gì trong nội thành. Đó là thác Gougah, Liên Khương, Ponguor (thuộc huyện Đức Trọng), Thác Voi (Huyện Lâm Hà), hồ thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương), hồ Suối Vàng (huyện Lạc Dương), đặc biệt là thác Đạ Mrí hùng vĩ ở Bảo Lộc...

Đà Lạt là vùng khí hậu ôn đới, mát dịu quanh năm, nằm giữa một vùng nhiệt đới, có 2 mùa mưa và khô rõ rệt, đó là khí hậu lý tưởng cho du lịch và nghỉ dưỡng. Những tháng mùa khô trời trong xanh, không khí trong lành mát dịu, du khách có thể nghỉ ngơi an dưỡng, tham quan các thắng cảnh, leo núi, bơi thuyền, câu cá, săn bắn chim thú trong rừng. Mùa mưa du khách nghỉ ngơi an dưỡng, nghiên cứu khoa học, đọc sách, sáng tác... Tham quan các thắng cảnh... tránh được cái nắng gay gắt của vùng nhiệt đới mùa hè. Vào mùa mưa tháng 4, 5 mưa thường tập trung vào các buổi chiều, từ tháng 6 đến đầu mùa khô, mưa thường chuyển dần về đêm và sáng.

Cùng với khí hậu, sương mù bao phủ Đà Lạt ban mai, càng tăng thêm cảnh tĩnh mịch, với rừng, hồ, thác nước, các sườn đồi thoai thoải, những ngọn núi xa xa, tạo nên một cảnh quan Đà Lạt độc đáo nên thơ.

Đà Lạt có hàng ngàn biệt thự, mỗi biệt thự là một kiểu dáng kiến trúc khác nhau, cả quần thể kiến trúc là cả một kho tàng về các trường phái kiến trúc đa dạng, không lặp lại thiết kế. Các biệt thự được bố trí theo các sườn dốc nhấp nhô, thấp thoáng trong rừng thông, mỗi khu nhà đều có vườn hoa, cây cảnh. Phong cảnh kiến trúc ở đây nổi lên là tôn trọng cảnh quan, phục tùng địa hình, cây xanh thảm cỏ, thiên nhiên luôn hài hòa với công trình xây dựng, gợi được những cảm xúc thẩm mỹ trong lòng du khách. Đường xá cũng uốn lượn theo địa hình, mỗi con đường đều có những điểm hoặc có thể nhìn thấy một phần hay phần lớn thành phố. Về đêm khi đèn rực sáng, bao quát thành phố khi ở điểm cao, ta thấy tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc nhấp nhô toả sáng mênh mông như một siêu thị vừa cổ kính vừa hiện đại.

3. Hoạt động kinh tế xã hội ở Đà Lạt mang tính chất sản xuất hàng hóa. Trồng rau cao cấp (bắp sú, khoai tây, cà rốt, hành tây, sà lách...) hoa, dược liệu, cây ăn trái là những hoạt động nông nghiệp của chính thành phố. Các sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha trang và một phần xuất khẩu ra nước ngoài. Lao động nông nghiệp của thành phố là 19.673 người, chiếm 39,2% tổng lao động. hiệu quả trồng hoa, cây ăn quả gấp 2-3 lần trồng rau, thu nhập từ nông nghiệp đóng góp 50% tổng thu nhập của toàn thành phố Đà Lạt. Rau, hoa, quả, artichaut của Đà Lạt được du khách du lịch ưa thích, thường được nhà hàng đưa vào thực đơn các bữa ăn. Hồng tươi, hồng khô, mật dâu, dâu tây, mứt đậu, artichaut... và những sản phẩm nông nghiệp chế biến khác là những đặc sản truyền thống của Đà Lạt. Hoa phong lan, địa lan, lys, lay ơn, hồng... là những mặt hành được ưa chuộng. Chè và cà phê Đà Lạt có hương vị thơm ngon đậm đà cũng thu hút sự chú ý và mến mộ của du khách.

- Các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố tuy không nhiều nhưng cũng tạo được sự quan tâm của du khách, đó là cưa lộng, tranh bút lửa, ghép chữ trên tranh mộc bản... Thế mạnh của thành phố gần đây được khai thác phát huy, đó là nghề thủ công đan, thêu len, may mặc xuất khẩu. Nhìn chung tỉ trọng ngành công nghiệp còn nhỏ trong tổng sản phẩm xã hội.

Đến 31-12-1989 tổng dân số Đà Lạt là 116.139 ngàn người, chiếm 18,2% dân số toàn tỉnh và bằng 0,18% dân số cả nước. Mật độ dân số từ 8.000-10.000 người/km2. Ba xã ngoại ô mật độ
400 người/km2. Thành phố gồm 16 dân tộc khác nhau chung sống, trong đó người Kinh chiếm 96,8%, dân tộc thiểu số chiếm 3,2%.

Là một phức hợp đồng dân cư Đà Lạt được hình thành từ nhiều nguồn, mang nhiều phong tục, tập quán từ mỗi miền khác nhau. Dân sống hiền hòa, hiếu khách, có văn hóa và lịch sự.

Tuy còn trẻ, Đà Lạt cũng được đầu tư xây dựng về kết cấu hạ tầng - Hệ thống đường bộ, đường sắt nội ngoại thành thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách giữa các vùng. Sân bay Liên Khương đã được khôi phục mỗi tuần 3 chuyến bay về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, sân bay Cam Ly, Blao rồi sẽ được sửa chữa để có thể đưa vào phục vụ khách du lịch. Hệ thống cấp nước đạt tiêu chuẩn tiên tiến. Hệ thống điện bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của các cơ sở và dân cư thành phố. Dinh I, II, III, khách sạn Palace, khách sạn Đà Lạt, trường Đại học Đà Lạt... Viện Pasteur, Nghĩa trang liệt sỹ khách du lịch đã đến đây ai ai cũng đều muốn đến thăm dù chỉ một lần.

Do đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và những ưu thế vốn có, Đà Lạt đã sớm trở thành thành phố du lịch, nghỉ dưỡng được nhiều người biết đến. Từ khi thực hiện đổi mới toàn diện, ngành du lịch dịch vụ Đà Lạt bắt đầu có những khởi sắc đáng mừng. Đà Lạt hiện nay có 2.325 biệt thự thuộc mọi hạng cấp, phần lớn những biệt thự có giá trị lớn đều do nhà nước quản lý và giao cho công ty du lịch sử dụng kinh doanh. Số khách sạn, biệt thự được sử dụng kinh doanh du lịch có gần 11.600 giường. Hiện nay Công ty du lịch tỉnh Lâm Đồng được phép của Chính phủ, thực hiện liên kết với công ty Du lịch Đa quốc gia, đang tập trung đầu tư nâng cấp khách sạn Palace thành khách sạn 5 sao, khách sạn Đà Lạt, các biệt thự đường Trần Hưng Đạo, cải tạo xây dựng Đồi Cù thành sân golf... với thời hạn 20 năm.

Ngoài kinh tế quốc doanh, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các nhà nghỉ của các địa phương bạn, ở trên địa bàn Đà Lạt... cũng là những lực lượng quan trọng trong việc đón phục vụ và kinh doanh khách du lịch.

Khách Đà Lạt trung bình 1 năm khoảng 400.000 khách, vượt trên 3 lần số dân thành phố (116.039 người). Khách thăm Đà Lạt từ trước tới nay chủ yếu là tham quan, có một bộ phận đến nghỉ trong những ngày hè gay gắt oi ả của đồng bằng. Khách nghỉ dưỡng số lượng thường chưa nhiều, có một phần là khách quốc tế, một phần là công nhân viên nhà nước.

Khách quốc tế phần đông là Tây Âu và các nước Đông Âu. Khách từ các nước châu Á chiếm khoảng 16%. Khách trong nước chủ yếu là khách từ thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đó là các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, khách từ các tỉnh từ Huế trở ra Bắc hàng năm chưa quá 10% tổng số khách đến thăm Đà Lạt.

Trong năm, các tháng 1, 2, 3, 7, 8, 12 thường đông khách, số lượng các tháng này thường chiếm 60% lượng khách cả năm. Đặc biệt ngày Noel, Tết nguyên đán, ngày 30/4-1/5 khách thường đột biến tăng cao. Những ngày đó, trước đây thường vượt quá khả năng phục vụ của thành phố, song mấy năm gần đây các thành phần ngoài quốc doanh phát triển nên đã đáp ứng cơ bản số buồng giường ngủ cho khách đến thăm quan nghỉ dưỡng.