Trang trước

Mục lục

Trang sau

 
 

 

 

 

   

Trong mấy thập kỷ khai khẩn và phát triển kinh tế - xã hội, trên lãnh thổ Lâm Đồng - Đà Lạt, đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng tối thiểu, phục vụ cho sản xuất đời sống. Đến nay so với yêu cầu phát triển toàn diện và với tốc độ nhanh thì cơ sở hạ tầng đó chưa đáp ứng được. Vấn đề cải tạo, xây dựng mới, nhanh, hiện đại cơ sở hạ tầng đang là vấn đề cấp bách, phải sớm được giải quyết với bước đi thích hợp, có ưu tiên lựa chọn những dự án đầu tư. Dưới đây chỉ đề cập 4 lĩnh vực; giao thông, năng lượng, thông tin và cấp thoát nước.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường sông nhưng hiện nay đường bộ đóng vai trò chủ yếu.

Đường sắt có tuyến Đà Lạt - Phan Rang, Tháp Chàm dài 84 km hiện nay hư hỏng nặng chưa được khôi phục và nâng tuyến.

Đường thủy Lâm Đồng có 50 km đường thủy thuộc địa phận sông Đồng Nai.

Đường hàng không Lâm Đồng có 3 sân bay: Liên Khương, Cam Ly và Bảo Lộc. Sân bay Liên Khương có tổng diện tích 160 ha, có đường băng dài 600m có khả năng phục vụ máy bay lên xuống 5 chuyến/ngày. Sau 1975 sân bay có 2 chuyến bay là Liên Khương - Hà Nội và Liên Khương thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1983 đến năm 1991 sân bay ngừng hoạt động, tháng 4 năm 1992 sân bay tiếp tục phục vụ tuyến Liên Khương thành phố Hồ Chí Minh 1 tuần 3 chuyến, mỗi chuyến 30 hành khách bằng các loại máy bay nhỏ. Sân bay Cam Ly (Đà Lạt) và sân bay Bảo Lộc trước chiến tranh là sân bay quân sự chủ yếu cho máy bay trực thăng, nay bị hư hỏng nặng chưa được khôi phục, khai thác, sử dụng.

San bay Lien Khuong

Sân bay Liên Khương

Mạng lưới đường bộ của tỉnh Lâm Đồng có 1.744 km. Trong tổng số đường chia thành 6 loại có cơ cấu như sau:

+ Quốc lộ 317Km, có 48 cầu/1.214md;

+ Đường tỉnh 390Km

+ Đường đô thị 119Km

+ Đường huyện 309Km

+ Đường xã 494Km

+ Đường chuyên dùng117Km có 165cầu/3.2866,6md

Nếu theo kết cấu mặt đường thì được chia như sau:

+ Đường nhựa 381,5Km trong đó quốc lộ 224 Km;

+ Đường đá dăm 86Km

+ Đường cấp phối 622,5Km

+ Đường đất 764Km;

Hiện nay theo cách tính diện tích Lâm Đồng có 0,17Km đường/1Km2, phân bố đều khắp toàn tỉnh, đường đến được hầu hết các huyện, thành phố, xã, phường.

Nhìn chung mạng lưới đường của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua được phát triển đã có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, và an ninh quốc phòng. Mạng lưới đường đã được mở rộng đi sâu vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào kinh tế mới và đã và đang được quan tâm củng cố và nâng cấp.

Song mạmg lưới đường của tỉnh Lâm Đồng phần lớn là đường cấp thấp, lại hư hỏng nhiều chưa đáp ứng được nhu cầu. Đường quốc lộ, đường đô thị, đường vào kinh tế mới do thiếu vốn nên không giữ được cấp. Đường xuống huyện tuy ô tô đi được 4 mùa nhưng còn nhiều khó khăn đường xuống các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới chỉ được 1 mùa khô còn mùa mưa thì bị ách tắc. Số đường ô tô đi lại 4 mùa chỉ khoảng 40%.

Hướng đầu tư nâng cấp, xây dựng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường sông... từ đây đến năm 2000 có thể như sau:

Quốc lộ 20

Nhà nước cần nghiên cứu mở rộng và đô thị hóa các điểm tập trung đông dân cư như đoạn đường qua thị trấn Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng đoạn từ bến xe Nguyễn Tri Phương và trung tâm thành phố Đà Lạt. Nghiên cứu cải tạo, nâng cấp mở rộng 3 đèo lớn như đèo Prenn, đèo Bảo Lộc, đèo Đơn Dương.

Quốc lộ 27

Xây dựng hoàn chỉnh nền mặt đường cống rãnh thoát nước từ Phi Liêng đến Krông nô. Xây dựng một số cầu nhỏ đoạn Liên Khương - Đắc S an để đưa vào khai thác sử dụng. Hoàn thành xây dựng cầu Thanh Bình để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Nâng cấp láng nhựa đến Đắc Lắc, nâng cấp một số đoạn bị hư hỏng. Xây dựng vĩnh cửu hệ thống cầu trên tuyến đảm bảo trọng tải theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, đưa vào khai thác thường xuyên.

Đường tỉnh lộ Mađagui - Cát Tiên

Hoàn thành hạ dốc, rải mặt dốc Mẹ ơi, rải mặt nhựa thị trấn Đồng Nai cho huyện Cát Tiên, đường cấp phối, nghiên cứu cho thi công đường Đạ Lây, Cầu Đạ Quay.

Tiếp tục rải nhựa từ Mađagui vào Đạ Tẻh, đảm bảo đi lại thuận lợi cả 2 mùa từ Đạ Tẻh đến Cát Tiên.

Đường tỉnh đoạn Gia Bắc - Krông đa

Cần nghiên cứu đầu tư sửa chữa một số đoạn hư hỏng nặng, bảo đảm giao thông thông suốt từ Gia Bắc đến Krông đa nhằm phục vụ cho đồng bào kinh tế mới và vùng dân tộc ít người. Đề nghị bộ GTVT nâng thành quốc lộ, từng bước nâng cấp nền, mặt đường, cầu cống theo yêu cầu.

Đường tỉnh Đà Lạt - Nam Ban - Đinh Văn - Láng Tranh - Lộc Bắc - Con Ó - Đạ Tẻh.

Tuyến này đã thông được đoạn từ Đà Lạt - Láng Tranh và Tân Rai đến Lộc Bắc. Trong thời gian này cần củng cố nâng cấp mặt đường và tu sửa hệ thống cầu để khai thác từng đoạn sau đó tiếp tục đầu tư.

Xây dựng cơ bản nền mặt đường, hoàn chỉnh cầu cống các đoạn Láng Tranh - Tân R ai và Lộc Bắc - Con Ó. Đưa tuyến này vào khai thác sử dụng từ Đà Lạt - Con Ó - Tạ Tẻh.

Đường tỉnh Đà Lạt - Đầm Ròn và Đà Lạt - xã Lát

Cần nghiên cứu đầu tư sửa chữa đảm bảo giao thông thông suốt trong năm phục vụ sự đi lại của đồng bào vùng dân tộc thuộc các xã vùng Đạ Sa, Đạ Chay, Lang Hanh, Đầm Ròn, Đinh Ca Nớ. Xây dựng hoàn chỉnh cầu Đạ Sa, Đạ Chay, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nâng cấp, mở rộng đoạn Tùng Lâm - Suối Vàng còn lại; xây dựng một số cầu nhỏ phục vụ vùng đồng bào dân tộc đi lại thuận tiện.

Tiếp tục nghiên cứu hợp tác với Thụy Sĩ để xây dựng tuyến đường sắt từ Đà Lạt đến Phan Rang, Tháp Chàm và Bảo Lộc - Đơn Dương - Tháp Chàm đưa vào sử dụng vận tải hàng hóa và du lịch trong kế hoạch 1995-2000.

Cần xúc tiến xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật để khôi phục mở rộng 3 sân bay Liên Khương, Cam Ly, B'Lao phục vụ cho phát triển kinh tế và du lịch.

Tiếp tục thăm dò khảo sát thiết kế, nạo vét lòng sông, phá thác ghềnh tuyến Đạ Huoai - Cát Tiên. Đầu tư xây dựng bến đò, đưa vào kinh doanh, khai thác từng đoạn vận tải trong mùa khô và quản lý khai thác.

Gắn với các dự án du lịch để phát triển các đường dây cáp phục vụ cho vui chơi giải trí và du lịch ở các khu vực đồi núi có cảnh quan hấp dẫn.

Năng lượng nói chung và điện năng nói riêng là loại sản phẩm tối cần thiết, có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển kinh tế xã hội và dân sinh.

Hệ thống điện tỉnh Lâm Đồng được xây dựng phát triển qua nhiều thời kỳ, bắt đầu từ những năm vào đầu thế kỷ 20 ở khu vực Đà Lạt, với công suất và sản lượng nhỏ, chủ yếu là bằng nguồn Diesel tại chỗ và lưới cao thế 3,3 kV nội thị Đà Lạt.

Sau đó hệ thống phát triển dần theo yêu cầu phụ tải mà các thời điểm chính là:

- Năm 1945 xây dựng nhà máy thủy điện Suối Vàng 600 kW, năm 1956 mở rộng nhà máy thủy điện Suối Vàng 31,5 kW Suối vàng Đà Lạt - Đa Nhim ; Năm 1964 NMTĐ Đa Nhim đi vào vận hành và liên kết với lưới điện Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương; năm 1974 xây dựng đường dây 6,6 kV Đa Nhim - Đà Lạt và lắp đặt trạm biến thế 12 MVA-66/6,6 kV Đà Lạt;

các huyện Bảo Lộc, Di Linh có những trạm Diesel công suất nhỏ tại mỗi huyện.

Cho đến năm 1975, hệ thống điện gồm 2 khu vực:

- Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương liên kết với lưới điện quốc gia.

- các huyện Bảo Lộc, Di Linh cấp điện bằng nguồn Diesel tại chỗ.

Hiện trạng hệ thống điện hiện nay như sau:

+ Nguồn điện tại chỗ:

Thủy điện Suối Vàng, Thủy điện Lộc Phát, Diesel Bảo Lộc, Diesel Di Linh, Diesel Càn Ràng.

Đặc điểm phụ tải Lâm Đồng chủ yếu là dịch vụ du lịch, ánh sáng sinh hoạt do đó hệ số phụ tải rất thấp (37%).

Nông nghiệp: 12,3%; Công nghiệp: 3,7%; Phi công nghiệp; Giao thông vận tải, bưu điện: 16,13%; ánh sáng sinh hoạt: 44%

Nhìn chung hiện trạng lưới điện Lâm Đồng có khả năng cung cấp đủ trong giai đoạn trước mắt.

Theo Sở điện lực Lâm Đồng, sơ đồ dự kiến cung cấp điện trên địa bàn Lâm Đồng thời gian tới như sau

Khu vực Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương

Xây dựng 2 trạm trung gian Đà Lạt 1 và Đà Lạt 2: 2x16 MVA 110/15KV tại trạm Đà Lạt hiện hữu và ở Đa Thiện (1995-2000).

Trong giai đoạn 1993-1995 trạm duy trì vận hành cấp 66 kV do tận dụng công suất máy nâng thế tại Đa Nhim.

Xây dựng đường dây mới Đa Nhim - Đức Trọng - Đà Lạt cấp 110 kV, vận hành trước mắt cấp 66 KV.

Xây dựng trạm 1 x 16 MVA Phi Nôm Đức Trọng (1995)

Cải tạo dần lưới trung thế Đà Lạt từ 6,6KV(1993-1995)

Trước mắt trong năm 1993, để giải quyết quá tải biến thế 12MVA-66,6KV Đà Lạt có thể tăng cường công công suất bằng phương án lắp thêm MBT 66,6 KV hoặc 66/16KV kèm 1 MBT trung gian 66/15 KV tùy điều kiện thiết bị.

Tiếp tục đại tu nâng cấp lưới trung hạ thế hiện có, nâng dần cấp điện áp hạ thế 0,2KV lên 0,4 KV (1993-1995) chủ yếu ở Đà Lạt.

Khu vực Bảo Lộc

Tăng cường công suất trạm Lộc Sơn thêm 1 MBT 2,5 MVA-35/15KV ngay trong năm 1993.

Xây dựng trạm 1600 KVA-35/15KV tại Đại Lào cung cấp điện cho khu vực các nhà máy dâu tằm tơ.

Xây dựng 2 trạm biến áp thị trấn 4 MVA-35/15KV(1995-2000). Mở rộng số lộ ra 15KV, tách riêng phát tuyến liên kết nguồn Diesel và thủy điện Lộc Phát với các phát tuyến phụ tải.

Khu vực Di Linh

Cải tạo nâng công suất trạm biến áp Di Linh 1x2,5 MVA-35/15KV Tam Bố (1995). Phát triển lưới 15KV đến các xã lân cận và khu công nghiệp Tam Bố.

Khu vực Lâm Hà

Cải tạo tăng cường trạm biến thế Nam Ban lên 1,6 MVA-35/15KV, nâng cấp lưới 6,6KV hiện hữu lên 15KV (1995).

Xây dựng 20Km đường dây 35KV Phú Hiệp (Tam Bố) - Đinh Văn và 2 trạm 2,45 MVA-35/15KV (1995-2000)

Khu vực 3 huyện phía Nam: Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên (1995). Trước mắt vận hành 15KV. Xây dựng trạm biến áp Đạ Tẻh 1,6 MVA-35/15KV cấp điện cho 2 huyện Đạ Tẻh - Cát Tiên (1995). Việc xây dựng trạm 35/15KV Cát Tiên phụ thuộc vào phát triển phụ tải tại đây.

3. Xây dựng nguồn điện mới

Từ năm 1994, đường dây 500 KV Bắc Nam vào vận hành sẽ giải quyết được phần lớn khó khăn về nguồn điện phía Nam, tuy vậy việc xây dựng nguồn điện tại chỗ vẫn hết sức cần thiết để đảm bảo tính ổn định của hệ thống. Tại khu vực của Tỉnh Lâm Đồng do có thuận lợi về thủy năng nên Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy điện lớn như Hàm Thuận, Đại Nga...

Cần nghiên cứu xây dựng các trạm thủy điện nhỏ kể cả trong và ngoài lưới, cụ thể:

- Nâng đập, nâng công suất thủy điện Suối Vàng, xây dựng trạm thủy điện Đan Kia. Tổng công suất sẽ tăng từ 3,1MW lên 4,5MW. Xây dựng trạm thủy điện Quảng Hiệp - ĐứcTrọng. (Htt=20m) - Xây dựng trạm thủy điện Bobla Di Linh 3.000KW. - Xây dựng trạm thủy điện mini có công suất từ vài trăm Watt đến vài chục KW tại các vùng xa không có điện lưới để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào dân tộc.

Hiện nay Lâm Đồng đã có 3 huyện Bảo Lộc, Di Linh và Đức Trọng (ở các thị trấn) và thành phố Đà Lạt là có nhà máy nước, một số cơ sở sản xuất kinh doanh lớn như LH dâu tằm tơ Việt Nam... có hàng loạt giếng khoan sử dụng các nguồn nước ngầm.

Thành phố Đà Lạt có 3 nhà máy nước đó là nhà máy nước hồ Xuân Hương, nhà máy nước hồ Than Thở và nhà máy nước Suối Vàng.

Nhà máy nước hồ Xuân Hương được xây dựng từ năm 1938, trước đây công suất là 6.000m 3/ngày đêm, công nghệ xử lý lạc hậu, nước chưa đảm bảo tiêu chuẩn, toàn bộ máy móc phải sửa chữa và thay thế.

Nhà máy nước hồ Than Thở được xây dựng từ năm 1940 với công suất 5.000m3/ngày đêm. Công nghệ cũng lạc hậu.

Nhà máy nước Suối Vàng (Đà Lạt) do Đan Mạch giúp xây dựng từ năm 1982-1984, công nghệ xử lý khá hiện đại, nước máy sau xử lý đạt tiêu chuẩn, uống không phải nấu sôi, công suất nhà máy hiện tại là 20.000m3/ngày đêm.

Suoi vang

Nhà máy nước Suối Vàng

Mạng lưới đường ống nước của thành phố Đà Lạt không đồng bộ với công suất của nhà máy, tổng chiều dài đường ống D100-D300 là 78,6 Km trong đó 45% có tuổi thọ trên 20 năm và 20% có tuổi thọ từ 30-50 năm cần phải thay thế, với mạng lưới đường ống như vậy công suất của nhà máy nước Suối Vàng chưa phát huy hết, hiện nay nhu cầu tiêu dùng của thành phố bình quân 20.000m3/ngày đêm (trong đó 6% dùng cho sản xuất và dịch vụ), cung cấp cho trên 10.000 hộ bằng 70% nhu cầu thực tế dùng nước máy của thành phố.

Nhà máy nước thị trấn Bảo Lộc xây dựng từ năm 1963 hiện nay có 9 giếng đang khai thác với độ sâu từ 39-80m, các giếng đều giảm công suất từ 30-50% do công nghệ máy móc cũ kỹ, lạc hậu giếng bị tiết mạnh. Hệ thống đường ống các loại từ D100-D200 là 12 km, trong đó có 1/3 đã lắp đặt cách đây trên 25 năm. Công suất toàn bộ các trạm khoảng 2.000m3/ngày đêm, cung cấp cho 1.350 khách hàng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Chủ yếu là cung cấp cho sinh hoạt chưa cung cấp được nước cho công nghiệp, các đơn vị phải tự khoan giếng để dùng.

Nhà máy nước thị trấn Di Linh có 4 giếng khoan, có độ sâu từ 80-95m, một giếng xây dựng từ năm 1938, 2 giếng xây dựng từ năm 1991. Mạng lưới đường ống có 5,1km các loại từ D80-D200, trong đó 70% đã bị xuống cấp, phải thay thế. Tổng công suất của các trạm là 250m3/ngày đêm, chủ yếu cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt còn nhu cầu nước cho sản xuất công nghiệp ở Di Linh cũng còn rất nhỏ.

Nhà máy nước thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng: Nhu cầu về nước máy cho sản xuất công nghiệp chưa phát triển, tổng số 2 giếng xây dựng năm 1973 hiện tại chỉ còn sử dụng 1 giếng. Mạng lưới đường ống có khoảng 3,8km các loại từ D100-D150. Công suất là 100m3/ngày đêm.

Mục tiêu trước mắt và lâu dài của ngành nước tỉnh Lâm Đồng là thỏa mãn nước tiêu dùng cho con người và nước phục vụ cho sản xuất đảm bảo chất lượng.

Nguồn nước của Lâm Đồng đáp ứng đủ nếu nạn chặt phá rừng được giải quyết tốt, Lâm Đồng có nhiều hồ, sông suối có trữ lượng và lưu lượng nước khá lớn như hồ Đan Kia V=14.000.000m3, hồ Chiến Thắng V=1.200.00m3... Sông Đạ Huoai lưu lượng từ 328l/f-4239l/f... Ngoài nguồn nước mặt ở Lâm Đồng có nguồn nước ngầm chất lượng tốt, nhưng hiện nay do việc phá rừng và việc khoan giếng vô tổ chức nên mực nước ngầm đang bị hạ thấp.

Hướng phát triển của ngành nước đến năm 2000 ở Lâm Đồng là:

Ở thành phố Đà Lạt: Đầu tư cải tạo và lắp đặt mới đường ống đồng bộ với công suất các nhà máy đảm bảo sản xuất đạt 21-25.000m3/ngày đêm phục vụ cho 130.000 người vào năm 2000. Ngoài ra phải tính việc xây dựng một nhà máy nước công suất 5-10.000 m3/ngày đêm hiện đại, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho những khu du lịch cao cấp bằng mạng lưới riêng.

thị trấn Bảo Lộc: Mục tiêu phấn đấu đến năm 1995 cung cấp nước cho 75% dân số và nhu cầu sản xuất công nghệ, phải nâng cấp công suất, cải tạo và lắp đặt mỗi đường ống đảm bảo đến năm 1995 đạt 5.000m3/ngày đêm và đạt và đạt 10.000m3/ngày đêm vào năm 2000.

Ở thị trấn Di Linh : Cải tạo và nâng cấp nhà máy nước công suất lên 1200 m3/ngày đêm, phục vụ cho 50% dân số thị trấn vào năm 1995 và đạt 2.500m3/ngày đêm phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

thị trấn Liên Nghĩa có số dân khá đông 28.000 người (năm 1992) gấp đôi thị trấn Di Linh nhưng chỉ có gần 200 hộ dùng nước máy với hơn 100m3/ngày, chỉ bằng 40% năng lực cung cấp của nguồn. Nguyên nhân là do chất lượng nước chưa đảm bảo, mạng lưới hẹp như vậy việc tăng cường nguồn nước và xử lý chất lượng là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng tin vào ngành nước, dùng nước máy, bỏ vốn đầu tư ống nhánh vào nhà. Trước mắt phải có người tiêu dùng để tận dụng hết năng lực của nhà máy sau đó mới nâng cấp tăng công suất để phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp sau năm 2000.

Đi đôi với việc phát triển của ngành nước, điện giao thông. Mạng lưới bưu chính viễn thông của Lâm Đồng cũng có những bước phát triển đáng kể, là một trong những ngành có trang thiết bị vào loại hiện đại nhất, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, đời sống cũng như nhu cầu khách thăm quan du lịch.

Về bưu chính và phát hành báo chí, tính đến cuối năm 1992 toàn tỉnh có 1 bưu cục trung tâm Đà Lạt và 9 bưu cục huyện, 8 bưu cục và 3 bưu cục khu vực đảm bảo phục vụ các loại hình dịch vụ. Đường thư cấp I do công ty bưu chính viễn thông quốc tế khu vực 2 đảm nhiệm (Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh 310km). Đường thư cấp II, do các bưu cục huyện phần lớn nằm dọc quốc lộ 20 kết hợp với mạng đường thư cấp I còn lại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Lâm Hà vận chuyển bằng phương tiện vận tải thô sơ. Mấy năm gần đây các dịch vụ mới được phát triển như phát nhanh EXPRESS, DHL, EMS, thư chuyển tiền quốc tế, điện hoa...

Đối với mạng viễn thông ở Lâm Đồng có 4 loại đó là mạng truyền dẫn, mạng điện báo, mạng chuyển mạch và mạng cấp thuê bao. Đến cuối năm 1922, mạng truyền dẫn Lâm Đồng sử dụng tải ba VB0122-3 giữa Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh, VB03-2 cho Bảo Lộc thành phố Hồ Chí Minh khai thác 9 kênh đi đến và 1 kênh điện báo. Sau khi tuyến vi ba số AWA Đà Lạt - Phan Rang đi vào hoạt động tăng thêm được một luồng 30 kênh đấu nối với tổng đài TDX-10/Tandem thành phố Hồ Chí Minh, số lượng và chất lượng của mạng truyền dẫn cấp I đi liên tỉnh và quốc tế được tăng lên đáng kể. Mạng cấp II giữa các huyện của Lâm Đồng đang khai thác tuyến Vi ba số AWA nội tỉnh Đà Lạt - Xuân Trường, Di Linh, Bảo Lộc và Đức Trọng với dung lượng 2Mbit/30 kênh, còn lại sử dụng dây trần qua tải 3. Mạng điện báo của Lâm Đồng chia làm 2 khu vực đó là khu vực 1 gồm Đà Lạt, Di Linh, Đức trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương trực thông với Đà Lạt qua mạng Gentex nội tỉnh. Khu vực 2 gồm Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên trực thông qua mạng Morse âm thanh. Hai trung tâm điện báo Đà Lạt, Bảo Lộc đường GeltexV/2x thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đó việc truyền đưa điện báo được nhanh chóng kịp thời đến mọi nơi trong nước và quốc tế. Về mạng chuyển mạch, chủ yếu là là tổng đài tự động loại cơ điện như PC 1000, ATCK của Liên Xô (cũ) và MIN 7/70 của Cộng hoà dân chủ Đức (cũ) hầu hết đã giảm chất lượng, một vài huyện chưa có điện như huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh vẫn dùng tổng đài từ thạch. Riêng Đà Lạt mới đưa vào hoạt động tổng đài điện tử STAREX-INS/2000 số của Nam Triều Tiên do đó các thuê bao trong thành phố Đà Lạt đã quay số trực tiếp để gọi tự động liên tỉnh, hoà mạng quốc gia. Riêng với mạng cáp thuê bao trước đây là mạng cáp chắp vá, không đồng bộ, chất lượng kém, gần đây ngành bưu điện đã đầu tư để sửa chữa, nâng cao dung lượng và xây dựng mới các tuyến cáp đã hư hỏng, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của một số địa bàn.

Nhìn chung mạng bưu chính viễn thông Lâm Đồng những năm qua đã có rất nhiều cố gắng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém như kỹ thuật lạc hậu, cũ kỹ, mạng lưới chắp vá không đồng bộ, số lượng ít, so với nhu cầu thông tin bưu điện hiện nay và mai sau của nền kinh tế thị trường thì chưa đảm bảo yêu cầu.

Trước thực trạng hướng chiến lược phát triển bưu chính viễn thông của tỉnh Lâm Đồng dựa trên 4 quan điểm phát triển tốc độ nhanh, hiện đại hóa, kết hợp giữa kinh doanh và phục vụ, tiện lợi và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông với nội dung chính là:

Hệ thống chuyển mạch sẽ xây dựng 1 hoặc 2 tổng đài trung tâm (HOST), dung lượng lắp đặt đến 1995 là 6.000 số và các tổng đài vệ tinh ở các huyện, mỗi tổng đài có dung lượng từ 500 - 1.000 số. Mạng truyền dẫn của Lâm Đồng được xây dựng theo hướng thay thế bằng các tổng đài điện tử số, các tuyến truyền dẫn đều sử dụng vi ba số để ghép luồng 2M bit cho các tổng đài vệ tinh về trung tâm Đà Lạt và Bảo Lộc, thực hiện cơ bản việc số hóa mạng lưới đến cấp huyện và sau đó tăng thêm dung lượng cho tuyến thông tin đi ra các tỉnh ngoài, quốc tế , mở rộng đầy đủ các dịch vụ mới... Đến năm 2000 mạng thông tin của Lâm Đồng đạt trình độ số hoá ở mức độ cao, đủ sức đáp ứng mọi loại hình dịch vụ và phương thức thông tin theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội Lâm Đồng.