Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||
GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN HÃN VÀ TÁC PHẨM iáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 14 tháng 1 năm 1908 tại làng Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), mất ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại Paris. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống tại đất Hoan Châu. Thuở nhỏ học chữ Hán, chữ Quốc ngữ tại gia đình, đến năm 9 tuổi (1917) mới vào học trường sơ học, tiểu học, trung học Vinh; đậu bằng Thành chung năm 1926 tại Huế. Niên khóa 1926 - 1927 ông ra Hà Nội học tại Trường Trung học bảo hộ (Trường Bưởi - sau đổi là Chu Văn An), cuối niên học ông đậu bằng "Tú tài Tây" nên bỏ học chương trình "Bản xứ" mà sang học "Tú tài Tây". Năm 1928 thi đậu Tú tài toàn phần chương trình Pháp (Baccalauréat métropolitain) và du học Pháp. Tại Paris ông thi đỗ một lúc vào các trường đại học: Trường Cao Học Ulm, Trường Cầu Cống, Trường Polytechnique (Bách Khoa), Đại học Sorbonne... Sau những năm miệt mài theo học tại các trường trên, ông tốt nghiệp xuất sắc và đạt được các bằng cấp: cử nhân khoa học, kỹ sư cầu cống, thạc sĩ toán học, (sau 1956, ông còn tốt nghiệp kĩ sư nguyên tử Pháp tại Trường Saclay). Năm 1936, sau khi về nước, ông làm giáo sư Toán tại Trường Bưởi, rồi Trường Đại học khoa học tại Hà Nội. Cùng thời điểm này, ông cùng bạn bè sáng tác Tạp chí Khoa học chuyên về các vấn đề khoa học bằng tiếng Việt lần đầu tiên ở nước ta. Song song với việc giảng dạy, viết báo, ông trước tác một công trình khoa học khác; Đó là bộ Danh từ khoa học. Chính tác phẩm đã mở đường cho cuộc cải cách giáo dục sau này và hoàn chỉnh chương trình Trung học Việt Nam lần đầu tiên trong Lịch sử giáo dục Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại. Việc ra đời chương trình Trung học hoàn toàn Việt Nam 1945 gắn liền với chức vụ Bộ trưởng bộ Giáo dục - Mĩ Thuật trong nội các Trần Trọng Kim hồi ấy mà ông đã đảm đương. Đây không phải là một việc ngẫu nhiên, mà đã được ông ôm ấp thực hiện trong những năm ông còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Trước đây vài năm, nhân chúng tôi thỉnh ý Giáo sư để tìm hiểu về lịch sử giáo dục Việt Nam, Giáo sư đã ân cần chỉ giáo chúng tôi nhiều ý kiến và sử liệu quý về giáo dục từ thời khoa cử đến cái học hiện đại. Với lá thư dài, giáo sư đã mở ra cho chúng tôi nhiều hướng mới. Sau đây là một vài đoạn lá thư trên: "Paris 20/3/1993 Thân gửi chú Nguyễn Q. Thắng Tôi đã tiếp thư chú đề ngày 21/1, và
trước đó đã được tin chú qua Tạ Trọng Hiệp và qua bà Phan Minh Lê. Tôi
lại nhận được cuốn Phan Chu Trinh mà chú đã soạn và tặng. Tôi rất
cám ơn. (...) Nhân phần thứ hai trong dự án của chú, "Giáo dục Việt Nam", thế nào cũng nói tới sự tổ chức xưa, sự học ở nước ta: trường gia đình, trường danh nhân, trường huyện, phủ, tỉnh, quốc tử giám; những điều kiện dự thi các từng thi, v.v... Lại còn một điều rất quan trọng cho xã hội ta xưa, là kết quả các cuộc thi hạch, để được mang những danh hiệu trong làng, trong tỉnh, trong nước: tường sinh, hiệu sinh, nho sinh, khóa sinh, thí sinh, ông nho sinh trúng thức, ông tam trường, tứ trường, ông giải nguyên, hội nguyên, đình nguyên, nhị nguyên, tam nguyên, v.v... Các Hội điển, gia phả, hương ước sẽ giúp cho chú về công việc này nhiều. Nếu một mình không đủ thì giờ làm, thì nên tìm chung sức, kẻo chẳng bao lâu nữa sẽ có người ngoài, biết chữ Hán, và có óc khảo cứu sẽ biên tập sách báo và xuất phát trước người mình! Có lẽ trong ý chú dự định, là sự chuyển biến chương trình giáo dục trong nước ta, từ học từ chương Hán văn đến cách học ngày nay. Pháp chiếm miền Nam trước, cho nên khoa thi hương cuối cùng (1864) ở Nam phải tổ chức ở An Giang, Cần Thơ. Từ đó, Pháp tổ chức dạy "quốc ngữ" trong Nam, rồi lập trường Thông ngôn để dạy Pháp văn cho người Việt. Còn ở Bắc và Trung thì chậm hơn. Ở Bắc đặc biệt có trường Thông ngôn, trường Sĩ hoạn, trường Hậu bổ, cho những ông cử nhân, tú tài sửa soạn vào quan trường. Chế độ trường Primaire Franco - Annamite (Trường Pháp - Việt mà dân gian gọi là Rì- me - có nghĩa nôm: chăn bò con) thực ra là một trường dạy hoàn toàn bằng Pháp ngữ. Tôi năm 1917, vào lớp nhỏ nhất, đã phải trả lời thầy hỏi: "Où est ta tête ? "Đợt thứ hai là Primaire Supérieure. Rồi đến bực Baccalauréat Local, học ba năm và chương trình có văn hoá Việt Nam nhưng dạy hoàn toàn bằng Pháp ngữ, mà đó cũng là ngoại ngữ độc nhất đối với ta. Tôi có học lớp đầu đợt này tại
trường Bưởi ở Hà Nội. Nhưng cuối năm, tôi tự đi thi "tú tài
Tây" được đậu, cho nên bỏ "học bản xứ" mà
sang học "tú tài Tây". (...) Sau đảo chính ngày 9-3-1945 mà Nhật Bản nêu ra chiêu bài "trao trả độc lập" cho Việt Nam là một thời cơ thuận tiện cho việc hình thành chương trình trung học Việt Nam. Việc chính phủ Trần Trọng Kim ra đời; nhất là việc thành lập Bộ Giáo dục - Mĩ thuật là một bước ngoặt lịch sử cực kỳ quan trọng cho việc hình thành một chương trình trung học hoàn toàn Việt Nam sau hơn mấy chục năm dân ta phải học văn hóa Việt Nam, khoa học thực nghiệm thông qua Pháp ngữ. Trong một thời gian kỉ lục - chỉ có hai tháng - việc chuyển ngữ được áp dụng tại trường Quốc học (tức Trường Khải Định). Hội đồng soạn thảo chương trình gồm các giáo sư, học giả đang dạy học và làm việc tại Huế do gợi ý của Hội đồng Tư vấn Trung Bộ dưới sự đôn đốc, chủ tọa trực tiếp của Bộ trưởng Giáo dục (Hoàng Xuân Hãn). Chính vì vậy, trường Quốc học trở thành trung tâm điểm cho việc soạn thảo Chương trình Trung học Việt Nam thuần túy mà sau này trong học giới và giáo giới thường gọi là Chương trình Hoàng Xuân Hãn. Đây là một chương trình trung học đầu tiên được soạn thảo gấp rút trong một thời gian ngắn mà vẫn có giá trị lâu dài và tiến bộ hơn cả một vài chương trình cải cách giáo dục gần đây. Chương trình được ban hành bởi Dụ số 67 ngày 3-6-1945 do đương kim hoàng đế Bảo Đại kí. Tinh thần của Dụ này được thực thi ngay với kì thi Tú tài Việt Nam niên khóa 1944-1945. Đây cũng là văn bằng Tú tài thi bằng Tiếng Việt lần đầu tiên của lịch sử giáo dục nước ta, tuy rằng suốt 12 năm học, học sinh đều dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ chính. So với các chương trình Trung học Việt Nam sau năm 1945 đến nay (1996) thì chương trình này là một chương trình cải tổ sâu rộng nhất. Từ việc thay hẳn tiếng Pháp bằng tiếng Việt, thay đổi một số môn học, thêm vào một số môn mới (như ở ban chuyên khoa cổ văn và các ban khác có môn kinh tế học, triết học, nhất là phần lịch sử Vệt Nam) tuỳ theo từng ban chuyên khoa của chương trình. Có thể nói đây là một chương trình mới nhất, tiến bộ nhất vào thời điểm đó - mà nền giáo dục Trung học Việt Nam thừa hưởng được. Tuy rằng chương trình này chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó nhiều năm (tuy đất nước thay đổi chế độ) các chương trình khác vẫn vận dụng và duy trì một số cải tổ mà Chương trình Hoàng Xuân Hãn đặt ra hồi đó.(3) Hồi tưởng lại việc làm ấy (cách đây 50 năm) cũng trong lá thư thượng dẫn, giáo sư viết: "Thật vậy, vào khoảng cuối tháng 4-1945, khi tôi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục, thì các trường Trung học tại Huế, công cũng như tư, đều dạy bằng tiếng Việt. Phương pháp từ ngữ thì chọn lấy mấy trăm chữ Pháp liên quan đến môn mình dạy, đem diễn ra bằng Việt ngữ, rồi đem "in thạch" mà phát cho các thầy trò. Các thầy theo đó mà giảng. Nhiều thầy đã bảo rằng học trò nhớ tân ngữ chóng hơn thầy nhiều! Lúc đầu chương trình còn theo chương trình Trung học Pháp. Tôi liền họp các giáo sư Trung học và yêu cầu lập chóng một chương trình có tính cách hoàn toàn quốc gia Việt Nam. Tự tôi đặt ra một số nguyên tắc mới, mà sau này chính chương trình trung học Pháp cũng theo (như vượt lên về Toán, Lí, Hóa, bỏ chia Trung học ra hai phần v.v.). Chính tôi đã đặt ra những từ: Phổ thông và Chuyên khoa. Nhất là như tôi đã nói, tôi thấy về văn học, ta thiếu những người học sâu về cổ văn, để hiểu và dạy quốc văn nghiêm túc, và nhận văn bản đúng hay sai. Vì lẽ ấy, tôi đã đặt ban Chuyên khoa cổ văn trong các chương trình Âu châu " (4) Trong việc áp dụng chương trình mới; điển hình nhất là tổ chức kì thi Tú tài Việt Nam đầu tiên của lịch sử giáo dục nước ta. Tất cả các môn thi, thí sinh làm bài bằng tiếng Việt. Đây là điều khó có thể làm được của công tác giáo dục tại bất cứ một quốc gia thuộc địa cũ bị chế độ thực dân đô hộ lâu dài. Với thực tế đó, Giáo sư đã khiêm nhường nhắc lại với tất cả tấm lòng vì tiền đồ giáo dục Việt Nam. "Cuối tháng 6, lần đầu mở kỳ thi trung học bằng tiếng Việt tại Huế (...) Những bài làm rất tốt, kể cả bài thi Triết học. Đầu tháng 7, tôi phải ra Hà Nội để thu nhận các cơ quan Đại học mà Nhật trả; tôi đã mang theo Chương trình Trung học và Bản tập lục những bài thi xuất sắc để đem in. Tiếc thay, nhà in bị cháy, tôi chỉ cứu được một bản in chương trình Trung học. Đây chấm dứt sự hành vụ của tôi. Sau nầy, tại Pháp, tôi có gặp lại một vài thí sinh ở Huế hồi đó". Sau cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp lăm le trở lại đô hộ dân ta một lần nữa, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có mặt trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc. Trong viễn cảnh đen tối đó, Giáo sư đã có một vài lần hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh (5) thẳng thắn phát biểu ý kiến của quần chúng mà ông lắng nghe được, mong góp một vài nhận định cá nhân trong công cuộc chống ngoại xâm. Chính vì vậy, giáo sư được Chính phủ đề nghị tham gia Phái đoàn hội nghị Đà Lạt năm 1946, với chức vụ mà ông có thể đảm đương được: Trưởng ban chính trị. Với cương vị này, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đóng góp cho hội nghị một số kết quả khiêm nhường là giúp cho hai phái đoàn "hiểu rõ lập trường của nhau" tuy rằng hội nghị không mang lại kết quả nào rõ ràng. Sau khi ở Đà Lạt về, Giáo sư phụ trách giảng dạy một số giờ về bộ môn kĩ thuật quân sự cho các khóa huấn luyện tại trường võ bị Trần Quốc Tuấn ở Hà Nội. Trong những ngày đầu kháng chiến Giáo sư bị quân đội Pháp bắt tại nhà riêng, một thời gian ngắn mới được trả tự do(6). Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh còn tiếp diễn, ngôi nhà riêng của ông ở Hà Nội cũng là địa điểm để các thân hữu ở Pháp quyên góp tiền bạc, thuốc men gửi về giúp đỡ các bạn tham gia kháng chiến. Nhớ có lần kĩ sư Nguyễn Ngọc Bích (đồng môn với ông, tốt nghiệp trường kỹ thuật Polytechnique) tham gia kháng chiến ở Sóc Trăng (Nam Bộ) bị Pháp bắt, trục xuất về Pháp. Tại Paris, kỹ sư Bích đã mở NXB Minh Tân chuyên xuất bản các tác phẩm văn học, khoa học có giá trị viết ở Việt Nam, trong đó có cả tác phẩm của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Kĩ sư Bích đã nhiều lần gửi tiền, vàng về giúp các ông Đào Duy Anh và các bạn trí thức đi kháng chiến(7). Theo tác giả sách Sống với tình thương, nếu không có số thuốc, tiền, vàng của kĩ sư Nguyễn Ngọc Bích - qua tay GS Hoàng Xuân Hãn - gửi về thì học giả Đào Duy Anh đã mất từ những năm đầu kháng chiến với chứng bệnh nan y hồi đó. Trong những ngày đầu kháng chiến còn lại ở nội thành, GS Hoàng Xuân Hãn đã dùng hết thời gian ấy biên soạn một công trình lớn về lịch sử ngoại giao và tông giáo đời Lý. Đó là tác phẩm Lý Thường Kiệt (do nhà xuất bản Sông Nhị ấn hành lần thứ nhất năm 1949 tại Hà Nội, năm 1966 Viện Đại học Vạn Hạnh in lần thứ hai tại Sài Gòn,năm 1995, NXB Văn học Hà Nội in lại lần thứ 3) mà trong lời Tựa tác giả đề "tặng tất cả những người hi sinh cho Tổ quốc" nơi đầu sách. Nói như tác giả thì " đọc xong đoạn sử này (thời Lý) độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để gây dựng, tổ chức và gìn giữ khoảnh đất gốc cội của tổ quốc ta ngày nay; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ bây giờ vẫn chan hoà máu nóng của tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt. Dẫu trong nhất thời, có kẻ lỡ lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị đồng trước nạn bại vong, giọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật cường, lòng tương ái.Vẫn biết sống về tương lai: nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại. Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng (8)nhưng trước lúc ấy nưóc mình phải là một nước thật.Vẫn biết chớ vịn vào phân tranh đời trước mà gây oán thù đời sau, nhưng biết rõ sự tranh đấu đời xưa, sẽ làm cho các nước càng kính nể nhau thêm, và mới hiểu vì sao mà phải cộng tác ngang hàng". (Bài tựa sách Lý Thường Kiệt). Có lẽ đó là tấc lòng tác giả, mà cũng là lời nhắn gởi đến công chúng độc giả giữa buổi chiến tranh thảm khốc với ước vọng dành độc lập cho dân tộc. Cùng thời điểm hoàn thành tác phẩm đồ sộ trên, giáo sư đã viết lại một phần hồi ức của mình về hội nghị Đà Lạt. Bài đã đăng một phần trên tạp chí Dư luận phát hành ở Hà Nội dạo đó. Mãi đến khi định cư ở Pháp, do yêu cầu của một vài vị yêu thích sử học, đề nghị Giáo sư viết tiếp các sự việc xảy ra tai Đà Lạt hồi ấy. Do đó, tập bài kí vãng này mới có dịp ra mắt độc giả. Một vài kí vãng về hội nghị Đà Lạt này là một phần hồi ức của GS Hoàng Xuân Hãn về hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946 mà ông là một thành viên của Phái đoàn như đã nói. Sách nguyên là một bài đăng trên tập san Sử Địa số 23 - 24 năm 1971 xuất bản tại Sài Gòn. Nói như tác giả, "kí vãng" này có được là do "Tập san Sử Địa cố nài tôi (HXH) kể chuyện hội nghị Đà Lạt" mà ông có dự; tuy Giáo sư khiêm nhường thổ lộ như vậy, nhưng thật sự đây là một sử liệu quí về một giai đoạn đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc. Hội nghị Đà Lạt họp từ ngày 17 tháng 4 đến ngày 12 tháng 5 năm 1946, là một hội nghị dự bị, "dọn đường" cho hội nghị chính thức họp tại Fontainebleau tháng bảy năm ấy. Hội nghị Đà Lạt chỉ là một cuộc gặp gỡ, nếu có thể gọi được là "bán chính thức": một dịp để hai đoàn đại biểu Việt và Pháp trao đổi quan điểm, mong cho cuộc thương nghị chính thức được nhanh chóng, dễ dàng hơn. Tại Đà Lạt, hai bên Việt Nam và Pháp không thoả thuận được về một vấn đề nào, ngoài mấy điểm nhỏ thuộc phạm vi Đà Lạt không có một kết quả gì, nhưng vẫn giúp cho hai Phái đoàn hiểu lập trường của nhau. Kết quả duy nhất theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là "hai bên hiểu lập trường nhau, hoặc về nguyên tắc, hoặc về trình độ". Hai đoàn đại biểu đã hiểu rõ lập trường của nhau, có thể tại hội nghị chính thức, nhượng bộ nhau chút nào chăng? Có dịp tiếp xúc, đã hiểu tính tình nhau, chẳng cũng có kết quả nữa là kỳ họp mặt sau - đại đa số đại biểu Pháp và một số đại biểu hay giám định chuyên môn Việt Nam có mặt tại Đà Lạt sẽ dự cuộc thương nghị tại Fontainebleau - điều đình thân mật và thành thực hơn? Thật vậy, tác giả đã là thành viên chính thức của Phái đoàn, mà còn là yếu nhân trong Phái đoàn (Trưởng ban Chính trị) nên có đủ tư cách trình bày lại các sự kiện xảy ra tại Hội nghị. Sách này tập hợp một vài bài viết sau khi ở Đà Lạt về và các ghi nhớ ở nhật kí nên rất khách quan, với tinh thần vô tư của sử học và tác giả cũng là một chứng nhân đích thực. Văn viết rất giản dị dù trong thể hồi kí, lại được trình bày rất có phương pháp; nhất là hai phần sau. Tác giả đã phân chia ra nhiều đoạn mục, để người đọc khỏi mất thời gian tìm hiểu. Chẳng hạn như bài vấn đề chính trị gồm có những tiêu đề: Thống nhất Việt Nam, Liên bang Đông Dương, Liên Hiệp Pháp, Ngoại giao và Quân sự... Về vấn đề quân sự, ngoài lập trường hai Phái đoàn về phòng thủ Việt Nam trong hệ thống Liên hiệp Pháp, tác giả còn cho chúng ta hay rằng tại Đà Lạt đã bàn cãi gần hai tuần lễ về việc đình chiến ở Nam Bộ. Một vấn đề tối quan trọng hồi ấy bây giờ cần phải giải quyết mới mong gây được bầu không khí thuận tiện cho cuộc điều đình thân mật và thành thật (theo hiệp định ngày 6 tháng ba). Tất cả những sự kiện trên được tác giả trình bày một cách rất khúc chiết, minh bạch qua ngòi bút của một nhà sử học, một nhà khoa học tự nhiên. Do giá trị của "Kí vãng" này, trước đây chúng tôi đã có thư liên lạc, xin phép Giáo sư để in thành sách tại Việt Nam, Giáo sư đã đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi; nhưng sách chưa kịp phát hành thì Giáo sư đã "ra đi". Nhân đây, chúng tôi xin được tỏ lòng tri ân hương hồn Giáo sư và gia đình khi sách này đến tay độc giả Việt Nam. Tiếp theo phần chính văn, chúng tôi cho in ở Phụ lục bài Những vấn đề kinh tế và tài chánh của cố luật sư Vũ Văn Hiền, bài ít dòng nhật ký về hội nghị trù bị Đà Lạt 1946 của cố Luật sư Trần Văn Tuyên, cùng bài thương tiếc giáo sư Hoàng Xuân Hãn của GS Trần Văn Khê như là một "điếu văn" nhân lễ cầu siêu Giáo sư tại chùa Trúc Lâm, Paris trong tháng 3 năm 1996. Sau cùng là phần "sơ lược tiểu sử của các phái viên và cố vấn của Phái đoàn dự hội nghị Đà Lạt"do chúng tôi soạn nhằm giúp độc giả rõ thêm các nhân vật trên. Nhân dịp này, xin hương hồn Giáo sư cho phép tôi được dâng lên người một nén tâm hương của kẻ hậu học. (Viết sau lễ tưởng niệm GS. Hoàng Xuân Hãn tại Liên hiệp các hội khoa học TP.HCM, số 43 đường Nguyễn Thông, Q.3, Sài Gòn). NGUYỄN Q. THẮNG Sài gòn ngày 16 tháng 3 năm 1996 DANH SÁCH NHÂN VIÊN PHÁI ĐOÀN VIỆT NAMCác ông: Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao, đoàn trưởng; Võ Nguyên Giáp , Chủ tịch Quân ủy hội, phó đoàn trưởng kiêm trưởng ban quân sự;Vũ Văn Hiền , tổng thư kí Phái đoàn;Hoàng Xuân Hãn, trưởng ban chính trị;Trịnh Văn Bính, trưởng ban kinh tế tài chính; Nguyễn Mạnh Trường, trưởng ban văn hoá; Dương Bạch Mai, phái viên;Phạm Ngọc Thạch, phái viên (sau ô. Hồ Hữu Tường thay); Bùi Công Trừng, phái viên; Cù Huy Cận, phái viên; Trần Đăng Khoa, Trần Đăng Khoa, phái viên; Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, phái viên; (Giám định chuyên môn trong Phái đoàn có các ông: Phạm Khắc Hòe, giám đốc phòng bí thư của phái đoàn, Nguyễn Văn Huyền, Tạ Quang Bửu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư Nguyễn Văn Thanh, kỹ sư Nguyễn Văn Tinh, đại uý Nguyễn Văn Phác, thiếu tá Kiều Công Cung v.v...)
(1) Chúng tôi đã gửi bài trên vài 2 bài về hội nghị Đà Lạt đăng trong báo Dư luận ở Hà Nội kính biếu Giáo sư hồi năm 1993.
(2) Thư riêng của GS Hoàng Xuân Hãn gửi Nguyễn Q.Thắng ghi ngày 20-3-93 tại Paris, in trong Khoa cử và Giáo dục Việt Nam (cùng tác giả) Nxb Văn hóa 1993.
(3) Tham khảo thêm: Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và Giáo dục Việt Nam (bản in kì II, 1994), Nxb Văn hóa TT 1994, Hà Nội.
(4) Nguyễn Q. Thắng, Khoa Cử và Giáo dục VIệt Nam, NXB Văn hóa bản in kì II, 1994. Chúng tôi trích đăng một số đoạn lá thư dài vì thiền nghĩ đây là một tư liệu quí.
(5) Theo Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt .
(6) Theo Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc.
(7) Theo Trần thị Như Mân, Sống với tình thương, Nxb Trẻ, TP. HCM, 1990. (Trần Thị Như Mân tức bà quả phụ Đào Duy Anh).
(8) Ý tưởng này trước đó (1947) Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947) cũng viết: "Người ta nói tôn giáo không có quốc giới. Tôi cũng tin vậy. Hơn nữa, tôi tin sau này rồi cái gì cũng không có quốc giới. Nhưng ngày còn xa!". |
|||||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |