Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||
VẤN ĐỀ VĂN HOÁ Có năm vấn đề được nêu ra:
A.
TIẾNG PHÁP TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM
1.- Tiếng
Pháp tiếng công dụng Phái đoàn pháp đề nghị:
"Tiếng Pháp sẽ là tiếng công dụng thứ hai ở nước Việt
Nam". Phái đoàn ta không chịu bàn và
hai bên thỏa thuận đem vấn đề ấy ra tiểu ban chính trị. 2.- Sự dạy
tiếng Pháp ở Việt Nam Pháp đề nghị : "Sự dạy
tiếng Pháp sẽ bắt đầu sớm để cho lúc lên cấp trên, sinh
viên mới biết đủ tiếng Pháp. Sẽ kí cùng đại diện Pháp ở Việt Nam
những ước định bắt buộc dạy tiếng Pháp từ cấp nào". Ta không nhận. Pháp lại đề nghị bớt như sau: "Tiếng Pháp sẽ dạy cho tất cả học trò từ năm đầu cấp trung học. Nếu có nhiều ngoại ngữ bắt buộc, thì tiếng Pháp sẽ là tiếng chính". Ta không thay đổi đề nghị của ta đặt từ đầu là: "Tiếng Pháp sẽ là một trong những ngoại ngữ chính dạy ở trung học. Nếu trong một lớp nào có hai ngoại ngữ bắt buộc thì tiếng Pháp là tiếng chính". Hai bên thỏa thuận.
b.- CÁC TRƯỜNG PHÁP Ở VIỆT NAM Hai bên thỏa thuận về năm mục sau này: 1.- Nước Pháp có quyền tự do mở trên đất Việt Nam các trường tiểu, trung, đại học và kỹ nghệ (Theo lời đề nghị Pháp) 2.- Những trường ấy chỉ thuộc quyền kiểm soát của nước Pháp và người đại diện Pháp. Chính phủ Việt Nam chỉ kiểm soát phần chương trình dành riêng cho học sinh Việt Nam (Đề nghị Pháp, ta chữa lại). 3.- Những chương trình công sẽ được áp dụng trong các trường Pháp mở (Đề nghị Pháp). Nhưng đối với học sinh trong mọi lớp, sẽ có chương trình phụ, về ngôn ngữ và văn chương. Việt Nam dạy một tuần lễ hai giờ, và chương trình sử kí và địa dư dạy một tuần một giờ (Ta thêm). 4.- Các trường Pháp cấp bằng Pháp (Đề nghị Pháp). 5.- Người Việt Nam được tự do học các trường ấy (Đề nghị Pháp). Hai bên thỏa thuận về hai vấn đề sau 1.- Pháp đề nghị: Nước Việt Nam bằng lòng để cho nước Pháp dùng một số nhà trường Pháp hồi trước. Phái bộ ta nói không đủ tư cách nhận điều đó (vì đó là việc của Chính phủ Việt Nam). 2.- Ta đề nghị: Những trường Pháp được chính phủ Việt Nam cho phép mở ở Việt Nam phải dạy chương trình công của nước Pháp cùng chương trình phụ, đã nói trên, dành cho học trò Việt Nam. Nếu muốn dạy chương trình riêng gì thì chương trình ấy phải được chính phủ Việt Nam xem trước và cho phép, và chương trình ấy không được trái tinh thần của chương trình công của Pháp và Việt Nam. Phái đoàn Pháp chưa thỏa thuận. c.- SỰ PHÁP THAM DỰ VÀO GIÁO DỤC VIỆT NAM Hai bên thỏa thuận về hai điểm sau này: 1.- Nước Pháp để Việt Nam dùng những giáo sư Pháp, thuộc ngạch Pháp. Với những điều kiện mà hai chính phủ sẽ định sau (Đề nghị Pháp). Phái đoàn ta thêm vào ở đầu câu: "Khi nào chính phủ Việt Nam yêu cầu". 2.- Nhất là hai chính phủ sẽ thương lượng để định có mấy môn và những gì để giao cho giáo sư Pháp (Đề nghị Pháp). Pháp lại đề nghị: "Nước Pháp sẽ để Việt Nam dùng một người cố vấn giáo dục. Người ấy sẽ cùng với người đương chức đến Việt Nam xét những vấn đề quan liên đến liên lạc giáo dục của hai nước, và sẽ bày tỏ ý kiến đối với những vấn đề thuộc phạm vi mình mà người đương chức Việt Nam cho xét". Phái đoàn Việt Nam đề nghị đổi chữ cố vấn ra tùy viên (attaché) và đưa vấn đề này sáp nhập vào vấn đề 7 của mục sau. Hai bên chưa thỏa thuận.
d.- SỰ LIÊN LẠC VỀ VĂN HÓA Hai bên thỏa thuận về bảy vấn đề sau này: 1.- Người Việt Nam đủ điều kiện của người Pháp, sẽ được vào học ở tất cả các trường đại học và viện khảo cứu của Pháp của Liên hiệp Pháp. Người Việt Nam sẽ được thi các bằng Pháp và thi các kỳ thi thạc sĩ. Người Việt Nam sẽ được vào các trường chuyên môn lớn Pháp (Đề nghị Pháp). 2.- Một bên chính phủ Pháp và một bên chính phủ Việt Nam có thể cấp lương du học ở Pháp. Những viện khảo cứu Pháp có thể cho phụ cấp khảo cứu cho những người Việt Nam xứng đáng (Đề nghị Pháp). 3.- Hai bên sẽ rất dễ dàng cho các nhà khảo cứu Pháp ở Việt Nam và nhà khảo cứu ấy sẽ do chính phủ mình giới thiệu (Ta chữa đề nghị Pháp). Pháp sẽ làm dễ dàng cho Việt Nam có thể mượn các nhà bác học Pháp giúp trong những cuộc khảo cứu khoa học. Các nhà bác học ấy có thể, nếu cần, đi làm việc ở Việt Nam. Những viện khảo cứu Pháp sẽ vui lòng nhận các điều mà Việt Nam nhờ khảo cứu. (Đề nghị Pháp). 4.- Nước Pháp sẽ quan tâm đến việc lập các thư viện khoa học ở Việt Nam. Về phương diện chuyên môn, Pháp sẽ giúp Việt Nam tìm tòi và mua những tùng thư khoa học. Pháp sẽ làm dễ dàng cho các trường Việt Nam có khí cụ khoa học, nhưng hai bên phải trao đổi lẫn nhau (Đề nghị Pháp). 5. Về trao đổi văn hóa, hai bên sẽ làm cho thuận tiện bằng cách: sinh viên nước này sang du lịch nước kia, tổ chức những cuộc triển lãm để làm cho nước này hiểu văn hóa nước kia. Cũng trong mục đích ấy, một ghế văn hóa Việt Nam có thể đặt tại Paris bởi chính phủ Việt Nam (Đề nghị Pháp). Chính phủ Việt Nam sẽ để cho chính phủ Pháp dùng những giáo sư Việt Nam dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam (Đề nghị ta). 6. Hai bên sẽ nghiên cứu về vấn đề tương đương của các bằng cấp Việt và Pháp. 7. Pháp sẽ đặt một tùy viên văn hóa (attaché culturel) ở bên chính phủ Việt Nam, và chính phủ Pháp. Những người ấy thi hành các dự định nói trên (Đề nghị Pháp). Phái đoàn Việt Nam đề nghị thêm: "Mỗi chính phủ có thể có thể đặt một tùy viên giáo dục bên chính phủ kia để giải quyết những vấn đề về liên lạc giáo dục"; đề nghị để thay đổi đề nghị Pháp số 2 ở mục C, phái bộ Pháp không bằng lòng. Hai bên không thỏa hiệp.
D.- ĐỊA VỊ CỦA CÁC CƠ QUAN KHOA HỌC LỚNCác cơ quan này chia làm ba hạng: 1.- Viễn đông bác cổ và Viện Pasteur. 2.- Sở lưu trữ công văn và các thư viện. Sở địa học. Sở nghiên cứu nông lâm. Sở thiên lượng và đài thiên văn trung ương. Viện hải học ở Nha Trang. 3.- Đại học Hà Nội. Hai bên không thỏa thuận được một điểm nào cả. Phái đoàn Việt Nam nói rằng các vấn đề, các sở nói trên, phần nhiều là vấn đề nhà cửa, khí cụ, và sẽ do hai chính phủ thương lượng sau.
1.Viễn Đông Bác cổ và Viện Pasteur Về hai viện này, phái đoàn Pháp viện lẽ rằng viện đầu thì thuộc quyền kiểm soát của Hàn lâm Pháp, viện sau thì sở hữu của viện Pasteur Paris, cho nên hoàn toàn đòi lại cả quyền tinh thần lẫn vật chất như xưa. Phái đoàn Việt Nam bằng lòng lập lại quyền tinh thần của các viện ấy, nhưng về vật chất, nhà cửa, khí cụ, thì đề nghị rằng Pháp và Việt Nam đều có quyền tới và được dùng chung. Ta viện cớ rằng, ngân sách Viện bác cổ trước thuộc Đông Dương, sách vở, khí cụ, đồ cổ đều là của lấy ở Đông Dương phần lớn.
2.- Lưu trữ công văn và thư viện, v.v... Phái đoàn Pháp nói rằng các công sở ấy, các nhà cửa, khí cụ, đều là của liên bang, vậy phải được lập lại, ít nhất cũng bằng trước ngày 9 tháng ba năm 1945. Riêng về thư viện, thì Pháp hứa sẽ để sách ở Hà Nội. Phái đoàn ta nói Sở lưu trữ công văn và thư viện sẽ thuộc Việt Nam và sẽ dùng chung, còn các sở kia thì sẽ bàn ở tiểu ban kinh tế.
3.- Đại học Hà Nội Phái đoàn Pháp nói: "Đại học ấy trước thuộc Liên bang, tổ chức theo Đại học Pháp và do Đại học Paris kiểm soát. Việt Nam tự ý bỏ chế độ ấy. Chúng tôi sẵn sàng để ý đến những yêu sách của các ông, nhưng chúng tôi yêu cầu các ông cho biết ý định về vấn đề ấy thế nào, để chúng tôi có thể tổ chức một nền đại học Liên bang". Phái đoàn ta trả lời rằng trường Đại học Hà Nội sẽ vẫn là đại học Việt Nam. Còn về phương diện đại học Liên bang thì nghĩ rằng nên lập những viện khảo cứu tối cao, như thế sẽ hay cho ảnh hưởng của văn hóa Pháp hơn là lập lại đại học.
e. KẾT LUẬN Trên đây tôi đã tóm tắt sự thỏa hiệp hay không thỏa hiệp của hai phái đoàn Pháp Việt ở Đà Lạt. Nét đại thể thì thấy nước Pháp không những muốn duy trì và bành trướng văn hóa Pháp ở Đông Dương, mà còn, về phương diện vật chất, làm một cách không tốn kém lắm (đòi các trường, các công sở). Phái đoàn Pháp lại muốn quên hẳn sự biến ngày 9 tháng ba 1945 (vin vào quyền sở hữu hay thuộc quyền mà đòi). Phái đoàn ta muốn dung hòa sự hiệp tác về văn hóa với nước Pháp và quyền sở hữu của một nước mới khác nước Việt Nam thuộc địa xưa. Nói tóm lại, về phương diện tinh thần, ta đã nhận cho văn hóa Pháp hoàn toàn bành trướng ở xứ ta. Nhưng cái điều mà ta không bằng lòng là chỗ nó chạm đến chủ quyền một nước tự do. Ông chủ tịch tiểu ban văn hóa Pháp là ông Gourou đã nhiều lần nói: "pour les questions culturelles, nous sommes des demandeurs", nghĩa là: về vấn đề văn hóa, chúng tôi là những người xin. Ta cũng hiểu như vậy. Thực ra Pháp còn có nhiều cách chi phối văn hóa ta rất mạnh, mà họ thừa biết, là về mặt kinh tế và chánh trị, nhất là cách tổ chức Liên bang. Liên bang mạnh chừng nào thì nó sẽ hấp dẫn ta vào khối văn hóa Pháp mạnh chừng ấy. Cho đến chương trình giáo dục của ta lập cho một nước độc lập, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của chế độ chính trị và kinh tế của Liên bang. Ta mong đợi phái đoàn ở Pháp về, để biết thêm rõ những điều "xin" cuối cùng của Pháp. |
|||||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |