Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||
VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ A.- NGUYÊN TẮC ai Phái bộ Việt Pháp đều căn cứ vào Hiệp định sơ bộ tháng ba 1946 mà đàm phán. Hiệp định ấy có những điều sau này: 1.- Chính phủ Pháp nhận nước Việt Nam là một nước tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính, dự vào Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Nói về hợp nhất ba kì thì chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận sự định đoạt của các dân sau cuộc trưng cầu ý kiến. 2.- Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đón tiếp binh đội Pháp một cách thân thiện. 3.- Những điều nói trên sẽ được thi hành lập tức. Sau khi trao đổi chữ kí, mỗi bên sẽ dùng các phương tiện cần thiết để ngừng chiến lập tức, giữ quân mình ở chỗ đóng hiện tại và gây nên một bầu không khí thuận tiện cần cho sự mở cuộc điều đình thân mật và thực thà. Cuộc điều đình sẽ bàn về:
Các cuộc thảo luận ở Đà Lạt đã là cuộc giải thính hiệp định trên về mọi phương diện: chính trị, kinh và tài chính, văn hóa, binh bị. Nhưng sự giải thích của Việt và Pháp khác nhau. Nếu có chỗ giải thích giống nhau, sự nhận định nặng nhẹ cũng khác nhau. Cuộc hội nghị Đà Lạt đã đưa đến một kết quả là hai bên hiểu lập trường nhau hoặc về nguyên tắc, hoặc về trình độ. Sau đây, tôi sẽ tóm tắt các điều ấy.
B.- NGHĨA CHỮ VIỆT NAM 1.- Lãnh thổ Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng nước Việt Nam gồm có ba kỳ và sự hợp nhất ba kỳ nêu ra trong hiệp định là sự hợp nhất cai trị. Bây giờ Trung kỳ và Bắc kỳ đã có một cách cai trị chung rồi, chỉ cần hỏi Nam kỳ có muốn cùng chung một cách cai trị ấy không? Bên Pháp, họ cho rằng nước Việt Nam chưa có giới hạn nhất định, rằng chỉ có kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến ở Trung và Nam kỳ mới sẽ định đoạt giới hạn ấy. Sự hợp nhất nói trên là hợp nhất về chính trị, nghĩa là nếu dân hai xứ ấy không bằng lòng hợp nhất thì sẽ có nước tự do Trung kỳ và nước tự do Nam kỳ. Trước khi trưng cầu ý kiến, Pháp nói rằng chính phủ ta không được dự vào những nơi mà đã mất chủ quyền. Muốn giành trước chủ quyền ấy, cho nên quân đội Pháp vẫn tiếp tục đánh quân ta ở Nam kỳ và vùng Nam trung kỳ, nhất là về vùng Mọi. Như vậy nước Pháp đã làm trái với điều ước đình chiến và lập một bầu không khí thuận tiện cho sự điều đình. Khi Phái bộ ta yêu cầu đình chiến thì Phái bộ Pháp bảo họ không có quyền bàn, và đó là công việc của chính phủ. Khi ta yêu cầu gây bầu không khí thuận tiện thì họ bảo không những phải đình chiến mà cũng phải ngừng các cuộc tuyên truyền công kích Pháp bằng báo chí và truyền thanh, và các việc tẩy chay Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Sau khi bàn cãi gần hai tuần, ta đã nhận lập một "ủy ban Việt - Pháp để tìm tòi và đề nghị những phương tiện để ngừng chiến và gây bầu không khí thuận tiện cho sự điều đình". 2.- Nhân dân Chúng ta cho rằng những dân tộc ở trong địa phận ba kỳ đều là dân ta. Đối với các dân tộc thượng du, chính phủ ta đã có những chính sách không phân chia nòi giống nhưng có tính cách thích hợp cho họ. Pháp đã nêu ra vấn đề dân tộc thiểu số và nói rằng Liên bang cần phải che chở cho dân tộc ấy. Về nhóm Thổ Nùng, Pháp yêu cầu lập một "Nha thanh tra dân tộc thiểu số" đặt ở Hà Nội. Về nhóm Thái Mường, Pháp yêu cầu cho hành chánh tự trị và đặt dưới quyền kiểm sát Liên bang. Về các dân tộc Thượng, Pháp yêu cầu tách riêng ra một lãnh thổ tự trị và giao cho Liên bang quản trị: đó là lãnh thổ liên bang. Nói tóm lại, Pháp đã nêu ra vấn đề ấy và sẽ đi đến chỗ kiểm soát tất cả các miền thượng du của nước ta. 3.- Nội trị Pháp nhận cho ta tự ý lập chính phủ, bầu quốc hội, định Hiến pháp và luật lệ bầu cử, tính ngân sách, định thuế khóa và quản lý sự tiêu dùng, đặt hành chánh và định quy tắc công chức, ban bố luật lệ, nghĩa là "có tất cả mọi quyền mà hiệp ước không dành cho Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp" (lời công hàm Pháp). Đó là quyền mà hiệp định sơ bộ đã nhận cho ta có. Nhưng nó sẽ bị cắt xẻo nhiều, vì Pháp sẽ tranh thủ để dành nhiều quyền cho Liên bang và Liên hiệp (xem C và D). C.- NGHĨA CHỮ LIÊN HIỆP Chúng ta hiểu danh từ Liên hiệp Pháp là các nước trước đây chịu quyền Pháp mà nay đã được tự do hay còn bị quản thúc; các nước ấy bằng lòng kí kết thành một nhóm. Sự giao thiệp cùng nhau sẽ theo luật quốc tế. Chỗ chung nhau sẽ thuộc về phương diện văn hóa và phòng thủ. Pháp cho rằng sự giao thiệp cùng nhau trong Liên hiệp sẽ thuộc luật nội bộ. Họ đã đi đến chỗ nói rằng hiệp định ngày 6 tháng ba năm 1946 không có tính cách quốc tế. Chỗ chung nhau sẽ thuộc về phương diện văn hóa, phòng thủ, ngoại giao, và tinh thần liên hiệp sẽ thực hiện bằng một vài hình thức. 1.- Hình thức Liên hiệp Pháp yêu cầu ta viết vào Hiến pháp nước ta lời tuyên ngôn về dân quyền của Hiến pháp nước Pháp. Họ mời ta dự vào Hội nghị cao cấp Liên hiệp Pháp (Conseil supérieur de l?Union Francaise). Họ đặt một ông Cao ủy (haut commissaire) ở Đông Dương và ông đại lý của cao ủy ở nước ta; hai ông ấy là hai công chức Pháp, chứ không phải hai viên chức ngoại giao. Họ lại muốn bắt buộc ta phải xin phép họ mỗi lúc muốn dùng các nhà cố vấn hoặc chuyên môn ngoại quốc. Vì hiến pháp nước Pháp bây giờ chưa định nên ta không thể trả lời dứt khoát hai điều yêu sách đầu. Về việc đại diện nước Pháp thì sau này sẽ rõ. Đến như việc cuối cùng, thì ta chỉ nhận bằng lòng người Pháp trước những người ngoại quốc, nếu điều kiện dùng giống nhau. 2.- Ngoại giao Cũng vì sự nhận định chữ Liên hiệp là quốc tế hay nội bộ, cho nên quan niệm của Việt và Pháp về vấn đề này khác hẳn nhau. Trong các đề nghị Pháp chỗ này lại có điều mâu thuẫn: trong đề nghị về Liên bang thì nói ngoại giao thuộc quyền Liên hiệp, nhưng trong đề nghị về ngoại giao thì lại để nó vào Liên bang. Sau này phân ra ba mục. a) Đại diện.- Pháp chỉ nhận cho Đông Dương (chứ không phải là Việt Nam) có người đại diện ở các nước nào mà Đông Dương có lợi đặt đại diện ở đó, nhưng người đại diện ấy thuộc dưới quyền người sứ quán trưởng Pháp. Còn ở trong Liên hiệp thì không đặt đại diện nào cả. Trái lại ta yêu cầu có đại diện ở Liên hiệp quốc (O.N.U) và ở khắp các nước tự do trong hay ngoài Liên hiệp Pháp. Ta lại yêu cầu có quyền nhận đại diện của các nước ấy. Còn đối với các nước chưa được tự do như Mên và Lào thì ta sẽ đặt những lãnh sự. Tuy đòi ngoại giao độc lập, ta cũng nhận rằng phải tìm cách điều hòa hành động của đại diện ta cùng các đại diện khác của các nước trong Liên hiệp Pháp. b) Hiệp ước.- Pháp đề nghị rằng Liên bang soạn sửa những hiệp ước với nước ngoài sau khi hỏi ý kiến các nước Liên bang, rồi đại diện Pháp ở ngoại quốc ấy điều đình sau khi nhờ đại diện Đông Dương ở đó giúp việc. Xong, các hiệp ước ấy phải được Hội đồng cao cấp Liên hiệp Pháp và Hội đồng các nước ở Liên bang thông qua. Nếu hiệp ước chỉ liên can tới một nước ở Đông Dương thì phải có hội đồng các nước Liên bang và Quốc hội nước ấy thông qua. c) Hội nghị quốc tế.- Pháp không nói gì đến Việt Nam trong các hội nghị quốc tế. Còn ta, ta đòi có đại diện độc lập mỗi lúc có hội nghị Liên hiệp quốc; còn trong các hội nghị khác thì tùy cơ mà định đoạt: hoặc cả Liên hiệp Pháp có một đại biểu chung, hoặc có một Phái đoàn chung gồm có cả đại biểu Việt Nam, hoặc có phái đoàn Việt Nam riêng. 3.- Phòng thủ Pháp muốn có quân đội Liên hiệp Pháp đóng vĩnh viễn ở xứ ta, nhất là ở các căn cứ hải và không quân; muốn binh đội ta tổ chức, binh khí, luyện tập như quân đội Pháp; muốn chỉ có cố vấn Pháp giúp ta luyện tập; lúc thời bình cũng biết rõ quân số ta, vị trí của quân ta và lập bộ tham mưu chung dưới quyền chỉ huy ông Cao ủy. Ta chỉ nhận có quân đội Pháp ở các căn cứ và đóng trong một thời hạn nhất định; đòi tự do lập quân đội. Ta không chịu có bộ tham mưu chung lúc thời bình, mà chỉ nhận có chỉ huy chung lúc nào Đông Dương bị xâm lấn. 4.- Văn hóa Pháp đòi bắt học trò trung học ta đều học tiếng Pháp, đòi tự do mở các trường Pháp ở xứ ta và đòi chính phủ ta để quốc dân tự do đi học các trường ấy. Ta chỉ nhận tiếng Pháp là sinh ngữ chính ở trung học; bằng lòng để Pháp mở trường công tự do và để quốc dân theo học trường ấy. Ta chỉ yêu cầu các học trò ta, trong khi học trường Pháp, phải học văn chương, sử kí, địa dư Việt Nam. Ta cũng nhận cho Pháp lập các cơ quan nghiên cứu ở xứ ta.
D.- NGHĨA CHỮ LIÊN BANG Từ khi lên Đà Lạt, ta đã ngỏ thái độ rằng không khi nào ta nhận một "nước liên bang" trùm lên nước Việt Nam. Còn bên Pháp thì tuy nhiều đại biểu và ông Cao ủy cũng hứa rằng không có, nhưng trong các phiên nhóm đầu ta đã thấy hiện ra những cơ quan binh bị, ngoại giao Liên bang, những đại diện Liên bang bên cạnh chính phủ Việt Nam. Lúc ông Max André sắp về Pháp, ông cũng nói rõ rằng Liên bang Đông Dương sẽ là một Liên bang chính trị. Sau khi bàn luận kỹ càng cùng nhau, Phái bộ Pháp đã đề ra một Liên bang có bề ngoài hầu như chỉ kinh tế. Họ nói rằng "sự phòng thủ và ngoại gia đều thuộc quyền Liên hiệp Pháp", nhưng trái lại ta đã thấy trên kia rằng Đông Dương có đại diện ở ngoại quốc, Liên bang sẽ soạn sửa hiệp ước ở ngoại quốc, Hội đồng các nước liên bang sẽ thông qua các Hiệp ước ấy. Liên bang ấy có một chính phủ không chịu trách nhiệm gì trước các cơ quan lập pháp của Liên bang hay là của các nước trong Liên bang, thế mà lại cầm hết các quyền kinh tế và tài chính. Quyền chính phủ Liên bang ấy, sâu và rộng, sẽ làm cho nội trị ta tuy có tiếng là tự do, nhưng sẽ bị chi phối chặt chẽ. 1.- Chính phủ Liên bang Pháp đề nghị rằng quyền Liên bang sẽ giao cho một Hội đồng các nước (Assemblée des Etats) và cho ông chủ tịch Liên bang. Hội đồng các nước gồm 30 đại diện Việt Nam, 10 đại diện Lào, 10 đại diện Mên và 10 đại diện quyền lợi Pháp. Hội đồng biểu quyết ngân sách, các món vay, luật lệ Liên bang; thông qua các hiệp ước kí bởi Liên hiệp Pháp; và cùng chủ tịch Liên bang đề nghị luật lệ. Ông chủ tịch Liên bang là ông cao ủy (haut commissaire) do chính phủ Pháp bổ. Ông chỉ là một người công chức của Liên hiệp Pháp, chứ không chịu trách nhiệm gì trước Hội đồng các nước, hoặc trước Quốc hội ta. Ông có thể cử một ông phó ủy và tự ý chọn các ông vụ khanh (chefs des services) và tất cả công chức liên bang. Ông sẽ điều hòa, điều khiển mọi công vụ và ông giữ quyền thi hành luật lệ. Xem thế thì thấy rằng, tuy Hội đồng các nước có quyền biểu quyết, nhưng nếu không biểu quyết, hoặc nếu có biểu quyết mà ông cao uỷ không chịu thi hành thì ông chủ tịch Liên bang, tức là ông cao ủy, và các ông vụ khanh đều vẫn bất di bất dịch. Bên ta đề nghị rằng ông cao ủy chỉ là đại diện Pháp tại Việt Nam và ở Liên bang Đông Dương. Còn quyền tối cao ở Liên bang sẽ thuộc một Hội đồng các nước, gồm có 30 người Việt, 10 người Lào, 10 người Mên, và 10 người Pháp. Hội đồng ấy bầu ra một ban thường vụ gồm có ba người Việt, một người Lào, một người Mên và một người Pháp. Chủ tịch ban thường vụ thì cắt phiên nhau. Ban ấy thay Hội đồng trong khi Hội đồng không họp. Hội đồng hoặc ban thường vụ quyết nghị các luật lệ. Nhưng luật lệ sẽ có Quốc hội thông qua rồi giao cho các nước thi hành. Hội đồng lại đặt ra các ủy ban chuyên môn để điều hòa sự thi hành và thu thập các tài liệu, và đề nghị các phương sách. Lúc phải điều đình với các nước ngoài về một việc liên quan đến Hội đồng các nước, thì phái bộ phải gồm có đại diện Việt Nam và phải hỏi ý kiến chính phủ Việt Nam. 2.- Hành chính Liên bang Theo lời Pháp đề nghị thì chính phủ Liên bang sẽ gần giống chính phủ toàn quyền cũ với tất cả các công sở, trừ công sở chính trị. Chính phủ Liên bang ấy sẽ có toà án Tây Liên bang; các sở y tế, cứu tế; sở thương mại ngoài sở thống kê; các sở vận tải bằng đường thủy, lục, không, các hải cảng lớn; các sở bưu điện, vô tuyến điện, sở kiểm soát kiều dân; các sở tài chính gồm: sở ngân sách, ngân khố, ngân hàng, thương chánh; quan thuế; sở phát hành và hối đoái (in và phát giấy bạc và thu phát tiền tệ ngoại quốc). Trong các việc kể trên, có việc thì Liên bang điều khiển hoàn toàn, có việc thì Liên bang chỉ điều hòa mà thôi. Trong những việc bị điều khiển hoàn toàn, có tư pháp Liên bang, một phần vận tải, bưu điện, kiểm soát kiều dân, ngân sách, tài chính, quan thuế, phát hành và hối đoái. Với quyền rộng và sâu như vậy, hành chánh Liên bang sẽ lấp hết hành chánh Việt Nam và Quốc hội ta sẽ mất hầu hết quyền một quốc hội. Trái lại, ta đã đề nghị chỉ giao cho Liên bang những việc này: chính trị quan thuế, điều hòa các tiền tệ dùng trong Liên bang. Và, như đã nói trên, những luật lệ biểu quyết bởi hội đồng các nước sẽ phải được Quốc hội các nước thông qua và sẽ giao cho chính phủ các nước thi hành. Hội đồng các nước chỉ có cơ quan điều hòa mà thôi. 3.- Liên lạc trong Liên bang Pháp đề nghị một tòa án tối cao (Cour suprême) để xử các việc xích mích giữa các nước hoặc ở giữa một nước và Liên bang, để xử các sự tranh quyền ở giữa chính phủ Liên bang và chính phủ các nước; nhất là để xét xem một đạo luật của một nước ban ra có trái với hiến pháp Liên bang không. Quyền tòa án ấy to quá và có điều lo ngại nhất là nó lại thuộc vào tay những người chi phối bởi ông cao ủy. Bên ta đề nghị một ủy ban, chia cân phần, để xử những sự bất hòa trong khi giải thích hay thi hành những hiệp ước hoặc luật lệ của Liên bang. 4.- Ngân sách Liên bang Theo đề nghị của Pháp thì Liên bang có ngân sách rất to, do Hội đồng các nước định và do các món thu lớn như quan thuế, thương chánh, cung cấp. Còn theo ta thì ngân sách ấy bé và sẽ chia ra và bổ về từng nước trong Liên bang chịu. 5.- Kinh đô Liên bang. Ngôn ngữ công dụng Pháp đề nghị rằng kinh đô Liên bang sẽ ở trong một lãnh thổ Liên bang cai trị và cảnh bị. Về ngôn ngữ công dụng, Pháp đề nghị rằng ở giai cấp Liên bang thì dùng tiếng Pháp, còn về giai cấp mỗi nước thì chỉ dùng cả tiếng Pháp và tiếng nước ấy. Về vấn đề này ta chưa bàn đến, nhưng giả thử ta nhận tiếng Pháp là tiếng Liên bang và nhận các sở Liên bang nhiều và to như Pháp yêu cầu, thì hầu hết công văn sẽ làm bằng tiếng Pháp, rồi ra dân ta lại phải trở lại học bằng lối "kiếm gạo" như xưa.
Đ.- KẾT LUẬN Trên đây là tóm các ý ở trong đề nghị của hai Phái bộ Việt Nam và Pháp ở Đà Lạt. Các ý không được đưa ra theo thứ tự trên. Phương pháp làm việc đưa từng vấn đề chi tiết ra bàn dần. Các vấn đề ấy, theo thứ tự thời gian, là: 1.- Ngừng chiến và gây bầu không khí chính trị thuận tiện. 2.- Ngoại giao của Việt Nam. 3.- Liên lạc Vệt Nam với Liên hiệp Pháp. 4.- Vấn đề Liên bang (Pháp nêu vấn đề dân tộc thiểu số ở đây). 5.- Hợp nhất ba kỳ, trưng cầu ý các dân. Vấn đề đầu, bàn mất mười bốn ngày (20 tháng tư - 3 tháng năm) ở hai kỳ tiểu ban, và hai kỳ toàn ban. Vấn đề ngoại giao do ta khởi xướng bằng công văn ngày 26 tháng tư, Pháp trả lời ngày 30 tháng tư và trả lời lại ngày 2 tháng năm, đưa ra bàn ngày 6 tháng năm. Vấn đề Liên hiệp Pháp do Pháp khởi xướng bằng công văn ngày 29 tháng tư, ta trả lời ngày 2 tháng năm, và đem ra bàn ngày 8 tháng năm. Vấn đề Liên bang do Pháp và ta trao đổi công văn ngày 10 tháng năm và đem ra bàn ngày 10 tháng năm. Vấn đề hợp nhất ba kỳ do ta khởi xướng bằng công văn ngày 10 tháng năm, Pháp trả lời ngày 11, và đưa ra bàn ngày 11 tháng năm. Lập trường hai bên, nay đã rõ ràng. Sự khác nhau về nguyên tắc tuy nhiều, nhưng lúc đã giải quyết được thì sẽ dễ tìm đường gặp gỡ ở chi tiết. Sự khác nhau về trình độ thì nếu vui lòng thương lượng, sẽ cũng tìm ra chỗ nối. Chính đó là công việc của nhà chức trách sẽ làm ở Hội nghị Ba Lê. Ta chỉ mong sao cho hiệp ước kí ở Ba Lê sẽ dành quyền và lợi xứng đáng cho nước Việt Nam, một nước tự do trong Liên hiệp Pháp và có trách nhiệm lớn nhất trong Liên bang Đông Dương.
* Tức vùng cao nguyên Trung bộ (BT)
|
|||||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |