Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||
NHỮNG VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH Tại hội nghị Đà Lạt, phái đoàn Pháp và phái đoàn ta đã đồng ý sẽ đem ra thảo luận những vấn đề kinh tế và tài chính sau đây: 1.- Vấn đề quan thuế. 2.- Vấn đề tiền tệ. 3.-Vấn đề các doanh sở của Pháp hiện có ở Việt Nam. Phái đoàn Pháp còn nêu ra vấn đề "liên lạc tài chính giữa Việt Nam và Liên bang Đông Dương", nhưng ta bảo vấn đề đó cần phải bàn cùng một thể với vấn đề Liên bang, nên tạm gác bỏ ra ngoài công việc của tiểu ban kinh tế và tài chính. a.- VẤN ĐỀ QUAN THUẾ Hai phái đoàn bàn cãi rất lâu về cách đặt vần đề này: Pháp thì muốn bàn rộng tất cả về vấn đề quan thuế và ngoại thương, còn ta thì cho rằng hội nghị chỉ có bàn đến sự giao thiệp về quan thuế và thương mại giữa Việt Nam với nước Pháp và giữa Việt Nam với Mên, Lào mà thôi. Hai bên đã trao đổi ba công văn và đã thảo luận trong bốn phiên họp ngày 19, 20, 22, và 29 tháng tư 1946 của tiểu ban kinh tế và tài chính. Pháp đề nghị rằng việt Nam và các nước khác ở Liên bang sẽ họp thành một khối liên hiệp quan thuế; các nhà chức trách Liên bang sẽ điều khiển chính sách quan thuế và ngoại thương của khối ấy, định đoạt thuế xuất nhập cảng và tổ chức các sở thuế quan. Đại biểu Pháp nói rằng chính phủ Pháp không có ý lập lại một chế độ đặc biệt về quan thuế cho Pháp quốc như xưa nữa và sẽ giao trả lại quyền quyết định cho chính phủ Liên bang; nhưng trong những đề nghị của Pháp ta đã nhận thấy rõ ràng ý định của phái đoàn Pháp là giao cho tổ chức Liên bang điều khiển tất cả việc giao dịch của ta với nước ngoài. Họ nói rằng trong cách tổ chức Liên bang, ta sẽ có "phần", nhưng phần đó là thế nào ta đã thấy rõ trong bản đề nghị của Pháp về Liên bang và trước khi nhận được bản đề nghị ấy, ta cũng đoán được trước. Lập trường của ta là phải giành quyền định đoạt về quan thuế và ngoại thương cho nước Việt Nam, nhưng ta vẫn sẵn sàng đặt những cơ quan liên lạc với Lào, Mên để cho chính sách của ba nước về quan thuế được nhất trí và để đặt ở giữa ba nước một chế độ đặc biệt khiến cho sự giao dịch được dễ dàng. Sau cùng, hai phái đoàn cùng công nhận rằng nên để cho người và hàng hóa được tự do thông thương giữa Mên, Lào và Việt; nên tìm cách để lập một luật lệ duy nhất về quan thuế và theo đuổi một chính sách quan thuế chung; mỗi khi có hiệp ước về quan thuế hay thương mại thì nên điều đình chung. Nhưng ta không nhận giao cho Liên bang quyền tổ chức một sở quan thuế chung cho ba nước; giao cho ngân sách Liên bang thu dụng thuế thương chính. Hai bên cũng không đồng ý về quyền hạn và lối tổ chức cơ quan trung ương về quan thuế; còn cách thức về sự điều đình chung các hiệp ước thương mại thì dành lại cho tiểu ban chính trị xét khi bàn đến vấn đề ngoại giao. b.- VẤN ĐỀ TIỀN TỆ Công văn ngày 26 tháng tư 1946 của Pháp đề nghị: 1.- Một cơ quan phát phiếu của Liên bang (Institul fédéral d'émission) sẽ thay cho nhà Đông Dương ngân hàng để phát hành một thứ giấy bạc chung cho Đông Dương; Việt Nam sẽ tham dự vào sự quản lý cơ quan ấy. 2.- Đồng bạc Đông Dương hiện hành vẫn giữ nguyên làm đơn vị tiền tệ; đồng bạc ấy sẽ ở trong khu vực đồng franc Pháp, nhưng sẽ không có sự liên lạc nhất định với đồng franc; các nhà chức trách Liên bang và chính phủ Pháp sẽ thỏa thuận để định giá đồng bạc tùy theo tình hình kinh tế và tài chính ở Đông Dương. 3.- Cả Đông Dương sẽ chỉ có một sở hối đoái (office des changes) thuộc quyền Liên bang. 4.- Sẽ đặt một ngân khố Liên bang để quản lý và tập trung công việc về ngân khố giúp các nước trong Liên bang. Phái đoàn Pháp viện những lí lẽ về chuyên môn để nói rằng như thế thì có lợi cho ta và có như thế thì mới gây được sự thịnh vượng chung cho Liên bang Đông Dương. Nhưng ý định của họ cũng rõ ràng: Tổ chức Liên bang sẽ giữ lấy cả quyền hành về tiền tệ và quyền điều khiển việc giao dịch với nước ngoài; nhà Đông Dương ngân hàng sẽ thay bằng một sở phát phiếu Liên bang. Ta đã trả lời những lí lẽ "chuyên môn" viện ra chỉ là những "cớ" không chắc chắn; cái giá trị của nhà chuyên môn là phải tìm cách giải quyết một vấn đề mà không bỏ sót dữ kiện (données) nào, chứ không phải là chọn một cách giải quyết giản dị mà gác bỏ ra ngoài những dữ kiện quan trọng. Trong vấn đề này một điều kiện quan trọng cần phải để ý là: "Nước Việt Nam tự do, có nền tài chính riêng, thì phải có tiền tệ riêng và phải có quyền điều khiển tiền tệ của mình". Gác bỏ điều ấy ra ngoài và dùng những danh từ mới để giữ nguyên một tình thế cũ rích không phải là cách giải quyết vĩnh viễn vấn đề quan trọng đó. Mà nếu nước Việt Nam muốn có tiền tệ riêng, điều đó cũng dễ hiểu lắm: nước Việt Nam không muốn người ta lại có thể dùng đồng tiền của mình để trả lương quân lính đánh lại nước Việt Nam như bây giờ. Phái đoàn ta không nhận Ngân khố Liên bang có quyền tham dự vào công việc của ngân khố Việt Nam. Còn về vấn đề tiền tệ thì ta đề nghị thanh toán số giấy bạc của nhà Đông Dương ngân hàng hiện đương lưu hành. Pháp quốc hay cơ quan nào thế chân cho Đông Dương ngân hàng sẽ tính và giao lại Việt Nam số giấy bạc của người Việt Nam theo thể thức sẽ thỏa thuận định sau. Còn về tương lai, nước Việt Nam sẽ có tiền tệ riêng và sẽ tổ chức lấy cơ quan phát phiếu của mình. Nhưng có sự liên lạc mật thiết về kinh tế giữa Mên, Lào và Việt, nên ba nước có thể thỏa thuận để giữ cho tiền tệ ở ba nơi có một giá trị như nhau hay có một giá trị nhất định (đối với vàng); để hạn chế sự phát hành giấy bạc; và ấn định số trữ kim hay đảm bảo khiến cho giá bạc ở ba nước so với nhau đứng vững. Còn đối với ngoài nước thì nước nào có sở hối đoái riêng của nước ấy, nhưng nước nào cũng sẽ cam đoan theo một chính sách hối đoái khiến cho tiền mình được ổn định. Nói tóm lại, Pháp thì muốn tiền tệ độc nhất và hối đoái độc nhất (unicité de la monnaie et du change), còn ta thì chỉ bằng lòng liên hiệp về tiền tệ mà thôi (union monnétaire). Ta gửi cho Pháp hai công văn, và ngoài công văn ngày 26 tháng tư 1946, Pháp còn trả lời ta bằng công văn ngày 2 tháng năm 1946. Sau khi đã thảo luận ở tiểu ban kinh tế và tài chánh trong hai phiên ngày 4 và ngày 7 tháng năm 1946, hai bên đã công nhận rằng không thỏa thuận được về khoản nào, để vấn đề lại cho hội nghị Paris. c.- VẤN ĐỀ CÁC DOANH SỞ CỦA NGƯỜI PHÁP HIỆN CÓ Ở VIỆT NAM Về vấn đề này, ngày hai tháng năm 1946, phái đoàn việt Nam đưa cho phái đoàn Pháp một công văn nói rằng ta muốn đề nghị với Pháp lấy các doanh sở này để làm căn bản cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai dân tộc Pháp Việt về mai sau. Vì không muốn giữ cho sự hoạt động kinh tế của Pháp trên đất Việt Nam cứ phân tách thành một khối riêng biệt như từ trước tới nay, và vì muốn thanh toán những sự lạm dụng quá khứ để mở một tương lai mới, nên ta yêu cầu: 1.- Xét lại quyền sở hữu về một số của cải đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp; 2.-Bán lại cho người Việt Nam một phần vốn đã đặt vào những doanh sở hiện có của người Pháp. 3.- Để người Việt Nam tham dự vào việc điều khiển và quản lý những doanh sở ấy. 4.- Đặt một sự kiểm soát riêng để thi hành dần những điều kể trên. 5.- Để quốc gia Việt Nam hưởng một phần lãi trong một số doanh sở như đồn điền, mỏ và công vụ. Số vốn cần phải nhường lại cho người Việt, địa vị của những người Việt trong sự quản lý và thời hạn để thi hành những điều ấy, v.v.. sẽ do hai bên thỏa thuận. Về phương diện ấy, ta sẽ đặc biệt chú ý đến hai thứ doanh sở một là các đồn điền, mỏ, các cơ sở có tính cách công vụ mà chưa quốc gia hóa; hai là các kỹ nghệ then chốt và các sở quan trọng vì vốn nhiều, nhân công đông hay dùng nhiều động lực. Mới đầu, phái đoàn Pháp có vẻ phẫn uất về đề nghị của ta và hôm họp toàn ban ngày 3 tháng năm 1946 họ kêu ta là muốn "bóc lột" người Pháp, ta muốn chiếm không của cải của họ, trái với luật quốc tế. Trong công văn ngày 7 tháng năm 1946 họ lại công kích một lần nữa và yêu cầu: 1.-Chính phủ ta phải trả lại nguyên vẹn như trước (statu quo ante) những của cải của người Pháp; đền cho người Pháp những thiệt hại trừ những sự thiệt hại do oanh tạc đồng minh và do người Nhật gây ra thì không kể; 2.- Chế độ những doanh sở và của cải của người Pháp chỉ có chính phủ Pháp mới có quyền thay đổi; về phương diện này chính phủ Pháp sẽ vui lòng nhận những đề nghị của chính phủ Việt Nam; 3.- Người Pháp ở trên đất Việt Nam sẽ không thể chịu một cách trực tiếp hay gián tiếp một luật lệ, khe khắt hơn người Việt Nam hay chịu một sự phân biệt gì trong sự áp dụng luật lệ ấy. Sau khi trao đổi ý kiến ở hai phiên họp tiểu ban kinh tế ngày 7 và 8 tháng năm 1946, mỗi phái đoàn vẫn giữ nguyên lập trường của mình, nhưng hai bên đã hiểu nhau hơn về vài chỗ: 1.- Ta kể rõ cho Pháp biết một vài mánh khóe của một số thực dân Pháp đã chiếm đoạt ruộng đất của dân quê ta; vì thế nên phải xét lại quyền sở hữu của họ. Phái đoàn Pháp cũng đồng ý về chỗ đó nhưng bảo rằng đó là quyền riêng của chính phủ Pháp và sự xét lại ấy không được là một lệ chung mà chỉ áp dụng cho vài trường hợp riêng mà thôi. Ta đề nghị hai bên sẽ xét chung. Chưa thỏa thuận. 2.- Pháp không có ý yêu cầu lập một chế độ đặc biệt cho của cải của người Pháp trên đất Việt. 3.- Ta không có ý chiếm đoạt của cải của tư nhân Pháp, và đối với tư nhân Pháp cũng như đối với người ngoại quốc khác, ta sẽ áp dụng những nguyên tắc luật pháp mà các nước tân tiến vẫn áp dụng. Riêng về vấn đề những sự thiệt hại của Pháp thì ta không nhận nguyên tắc bồi thường, vì ta cũng bị thiệt hại như họ ngoài ra còn hai triệu người chết đói vào đầu năm 1945 vì chính sách đã áp dụng trước đây. Vả chăng những sự thiệt hại kia chỉ là kết quả của chiến tranh giữa người Pháp với người Việt mà thôi. Phái đoàn Pháp nhắc đi nhắc lại rằng về kinh tế, họ không muốn ta tìm cách "bẩy" (évincer) người Pháp ra ngoài và muốn giữ nguyên địa vị sẵn có của họ, còn về những doanh sở sẽ lập về sau thì họ sẵn lòng hợp tác với ta. d.- VẤN ĐỀ PHÁP THAM DỰ VÀO SỰ KHUẾCH TRƯƠNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM Vấn đề này thỏa thuận chóng nhất: Pháp gửi cho ta công văn ngày 8 tháng năm 1946. Ngày hôm sau vấn đề đem ra bàn ở tiểu ban kinh tề và tài chính. Pháp đề nghị giúp ta những nhà chuyên môn, bằng lòng nhận người Việt vào các trường chuyên môn theo cách bình đẳng với người Pháp; giúp ta để tìm thị trường; chính phủ Pháp sẽ tìm mọi cách dễ dãi để tư bản Pháp sang kinh doanh ở xứ ta; chính phủ Liên bang sẽ tổ chức một thị trường tài chính để huy động tư bản Việt Nam và các nước khác ở Đông Dương và lập các cơ quan tiết kiệm bình dân, v.v... Trong bản đề nghị này, có nhiều chỗ nói đến quyền hành của chính phủ Liên bang. Ta trả lời sẵn lòng nhận sự giúp đỡ của nước Pháp về chuyên môn, tài chính và kinh tế, nhưng chỉ nhận sự giúp đỡ ấy trong phạm vi luật lệ của Việt Nam và trong phạm vi các tổ chức của nước ta. Ta không chịu công nhận cho chính phủ Liên bang những quyền hành đặc biệt về phương diện này, vì hai bên vẫn chưa thỏa thuận về quyền hạn của Liên bang. đ.- KẾT LUẬN Cũng như về phương diện chính trị, văn hóa và quân sự, về phương diện kinh tế và tài chính, trừ vài điều đại cương về vấn đề quan thuế, còn thì hai phái đoàn đã không thỏa thuận được một khoản nào thiết thực. Nhưng hai bên đã hiểu rõ ràng hơn lập trường của nhau. Đó là kết quả của Hội nghị trù bị Đà Lạt. Ta phải công nhận rằng hai lập trường ấy còn rất xa nhau. Muốn đi tới sự thỏa hiệp, tại hội nghị đàm phán ở Paris còn phải làm nhiều việc và hai bên còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Phái đoàn Việt Nam đã luôn cố gắng để đạt tới một vài điều thỏa thuận thiết thực hơn tại Đà Lạt. Nhưng ta cũng phải thành thực công nhận rằng sự cố gắng ấy thường chỉ có ở bên phía chúng ta mà thôi. Phái đoàn Pháp, nhất là trong buổi họp sau cùng, đã luôn giữ một thái độ cứng ngắc, không nhân nhượng. Ông Max André, trước khi giã từ hội nghị để về Paris, đã không ngần ngại mà tuyên bố rằng nước Pháp đã nhân nhượng rồi, bây giờ không thể nhân nhượng thêm được nữa, và những đề nghị của Pháp, nếu có cần thay đổi, cũng sẽ có thể thay đổi về chi tiết mà thôi, chứ không thể thay đổi về toàn thể được. Ta mong rằng lời tuyên bố ấy chỉ là một lời tuyên bố trong hội nghị khi hai bên còn đương hăng hái bàn cãi. Ta mong rằng "nước Pháp mới" hiểu biết tình thế ở đây hơn như thế, và nhất là hiểu biết rằng bây giờ cả hai mươi triệu dân Việt đã cùng đứng dậy đòi quyền tự quyết. Hiện nay dân Việt mong nước Pháp sẽ giữ lời hứa và coi nước Việt Nam như là một nước bạn gom sức với nước Pháp để tìm cách tổ chức lâu dài sự hợp tác giữa hai dân tộc. Dân Việt không phải là dân tộc chịu nhận bất cứ sự khuất phục nào. Riêng về phương diện kinh tế và tài chính, sự hợp tác ấy chỉ có thể xây đắp trên sự hoạt động và tổ chức trong nước và chủ quyền của Việt Nam trong sự giao dịch ở nước ngoài. VŨ VĂN HIỀN
(21) Xem "Vấn đề chính trị tại Hội nghị Đà Lạt" của Hoàng Xuân Hãn, Dư luận số 6, ngày 26 -5-1946.
(22) Nhiệm vụ chính của một office des changes là đổi tiền trong nước ra tiền ngoại quốc và đổi tiền ngoại quốc ra tiền trong nước; do đấy office des changes điều khiển giá cả của đồng tiền quốc gia và điều khiển tất cả sự giao dịch với nước ngoài.
|
|||||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |