Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau    

THƯƠNG TIẾC GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN HÃN
MỘT NGƯỜI THẦY, SAU TRỞ THÀNH BẠN VONG NIÊN

ôi biết tên Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ lúc còn là sinh viên Đại học Hà Nội. Lúc ấy, tôi chỉ biết Giáo sư đậu bằng Thạc sĩ toán học, Tốt nghiệp Trường Bách khoa Paris, một "đại trí thức" thời bấy giờ...

Về con người trong chánh giới, cũng như về nhà văn hóa lớn của Việt Nam rất có công trong việc nghiên cứu và biên soạn những sách về Danh từ khoa học, về văn học lịch sử, chắc có những chánh khách, văn nhân và sử gia sẽ viết lại. Tôi chỉ muốn ghi lại đây, công ơn của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu âm nhạc, và nhiều thành quả tôi thâu thập được phần lớn nhờ sự dìu dắt, chỉ dạy và gợi ý của thầy Hãn... Đối với tôi chỉ có danh từ "guru" của Ấn Độ mới có thể chỉ đúng người Thầy như Thầy Hãn vì chẳng những Thầy trao cho kiến thức mà còn vạch một con đường, một hướng đi và bằng tấm gương sáng của Thầy dạy cho tôi một cách nhìn đời, nhìn người và xử thế.

Năm 1952, tôi đã ghi đề tài "Âm nhạc truyền thống Việt Nam" để soạn luận án Tiến sĩ Văn chương Đại học Sorbonne, Paris. Lúc ấy tôi phải đọc những sách viết bằng chữ Hán, mà Hán học của tôi chưa đủ để làm công việc ấy.

Lúc ấy Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đang ở trọ nhà em của Giáo sư là bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn. Khi biết tôi soạn luận án Tiến sĩ về âm nhạc truyền thống Việt Nam, Giáo sư rất vui và sẵn lòng, mỗi tuần gặp tôi trong đôi ba tiếng đồng hồ để giúp tôi đỡ mất thì giờ tra từ điển, và hiểu rõ các đoạn lịch sử Việt Nam có liên quan đến âm nhạc.

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", người dạy mình nửa chữ cũng là Thầy, huống chi Giáo sư Hãn chẳng những giảng rành rọt về những chữ khó như chữ "Văn" trong âm nhạc mà cụ Nguyễn Trãi đã dùng, như chữ "Cấu" tên một nhạc cụ trong ban Đại nhạc đời Trần ghi trong quyển "An Nam Chí Lược" của Lê Tắc, Thầy còn khuyên tôi nên đọc những quyển khác, như Lê triều Hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, và nhất là bộ Đại Nam Hội điển sự lệ. Khi đến quyển thứ 99, thầy Hãn đã đọc cho tôi trong gần hai tháng trời để tôi viết thành chương Lễ nhạc cung đình dưới triều Nguyễn.

Nhiều lúc Thầy giảng cho tôi một chữ mà gợi cho tôi cả một đường hướng nghiên cứu. Khi bàn đến danh từ dùng trong ca trù như "hát thỏng cung Huỳnh, hát dồn Đại Thạch", mà có nơi cũng gọi là "Đại thực". Tra từ điển, Thầy Hãn nói với tôi "Đại thực" cũng có nghĩa là Ả Rập. "Anh thử xem nhạc Ả Rập có ảnh hưởng chi đến nhạc Việt Nam chăng?" Thầy đã gợi ý cho tôi như thế. Nhờ Thầy Hãn chỉ hướng đó mà đến nay tôi có thể giải thích và chứng minh tại sao nước Việt không có "sa mạc" mà lại có cách ngâm thơ theo "điệu sa mạc" và về mặt nhạc học có điểm tương đồng giữa "hơi sa mạc" và "maqam sika" của Ả Rập và "dasgah Segah" của Ba Tư.

Thầy bảo tôi đừng gọi ThầyÔng, là Thầy nghe nó xa cách quá. Thầy và phu nhân bao lần bảo tôi gọi là Anh, Chị. "Cung kính bất như phụng mạng". Tôi gọi Thầy Hãn và phu nhân là Anh Chị Hãn từ hơn hai chục năm nay. Anh Chị Hãn là những người bạn vong niên đã giúp tôi rất nhiều về mặt tinh thần lẫn vật chất trong công việc nghiên cứu.

Qua những câu chuyện khi gặp anh tại tư gia, hay những lúc được Anh Chị cho cùng đi nghỉ hè tại Dã thự Cam tuyền. Tôi vô cùng cảm phục con người dám lãnh trách nhiệm khó khăn trong lúc nước Việt Nam đang chập chững trên con đường tìm lại độc lập, đã gặp những chính khách Việt, Pháp để bàn việc nước, và trong những lời khuyên của Anh, lúc nào Anh cũng đặt quyền lợi đất nước và dân tộc lên trên tất cả cá nhân hay bè phái.

Anh đã giúp ích cho nước nhà từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Khi thấy không còn có thể cộng tác mật thiết với một chính thể hay chính quyền, Anh quay về dân tộc. Sau khi nội các Trần Trọng Kim từ chức, Anh đi khắp đường phố Hà Nội để cứu vớt những sách tàn giấy cũ bằng chữ Hán bị vứt đi vì dân chúng cho rằng sách chữ Hán đã "lỗi thời", vứt đi vì không biết giá trị của nó. Anh đã cứu rất nhiều tài liệu quý giá về văn học, chính trị.

Anh lại nêu gương rất rõ việc học của người mà làm cho mình. Tây học đến mức tuyệt cao Thạc sĩ Toán pháp. Tốt nghiệp trường Bách khoa Paris, Anh lại chuyên về Hán Nôm và ngoài việc viết cuốn sách Danh từ khoa học giúp cho việc dạy khoa học bằng tiếng Việt, anh còn viết những quyển khác về văn học hay lịch sử các nhân vật Việt Nam.

Anh làm việc gì không vì danh, hay vì lợi, chỉ vì tình đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Sưu tầm, nghiên cứu, viết sách, viết báo để phổ biến những điều đã thu thập được.

Khi nghĩ rằng con đường anh đi đúng theo chính nghĩa, thì không màng đến tiếng thị phi. Lúc nào cũng như người trượng phu, "hành thiên hạ chi đại đạo, lập thiên hạ chi chánh vị. Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai võ bất năng khuất".

Không đảng phái, không nịnh bợ, không lòn cúi,

Tôi đã noi gương anh trong việc làm cũng như cách xử thế.

Trên đời có sanh có tử theo luật vô thường.

Nhưng không sao ngăn được lòng quý thương tiếc mến Anh. Một người tuổi tuy cao mà vẫn còn minh mẫn, trí nhớ bao việc xưa còn đầy đủ, còn có thể giúp rất nhiều cho những người nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, nhứt là về khoa Hán Nôm...

Xin kính chúc hương hồn anh tiêu diêu nơi cõi thọ, và thân thiết phân ưu cùng tang quyến.

Anh đã tròn sứ mạng làm người, làm dân nước Việt, đã đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực chính trị, khoa học và văn hóa. Anh sẽ sống mãi trong tình kính thương quý mến của dân tộc Việt Nam.

Xin được chép dưới đây bài thơ tôi phụng họa bài thơ anh viết để cảm ơn các bạn mừng lễ bát tuần của Anh.

Bài thơ của Anh Hoàng Xuân Hãn

Đáp lời mừng Thọ

Tuổi tác nay vừa chẵn tám mươi

Đời ta ngắm lại lắm khóc cười

Thương tâm bốn trận binh đao thảm

Mơ mộng nhiều phen vận hội tươi

Bọt nước hư danh mình chẳng bợn

Gốc nhà cố giữ chí không lười

Tri âm chẳng lựa so già trẻ

Xin đãi lòng son cảm tạ người.

Phụng họa bài thơ của Anh Hãn trước kia để mừng thượng thọ của Anh, hôm nay để tưởng nhớ một người bạn vong niên, tuy đã giã từ dương thế, mà vẫn sống mãi trong lòng chúng ta.

Mừng chúc anh vừa thọ tám mươi,

Tuổi tuy chồng chất vẫn vui cười.

Ruộng văn gieo lắm mầm xinh đẹp,

Vườn sử trồng nhiều cây tốt tươi.

Lúc khỏe sưu tầm luôn rất bận,

Khi đau nghiên cứu vẫn không lười.

Sốt đời tận tụy vì dân tộc,

Sống được như Anh dễ mấy người.

KÍNH HỌA TRẦN VĂN KHÊ

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau