Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau    

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
CÁC PHÁI VIÊN VÀ CỐ VẤN CỦA PHÁI ĐOÀN
THAM GIA HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT NĂM 1946

 

1. Nguyễn Tường Tam: (1905-1963): Trưởng đoàn, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà văn, bút hiệu Nhất Linh; nguyên quán tỉnh Quảng Nam, sinh tại Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ ông học tại Hà Nội, lớn lên sống và làm việc tại đây. Du học Pháp, tốt nghiệp cử nhân khoa học năm 1930, về nước không làm công chức, dạy tại trường Trung học tư thục Thăng Long.

Sáng lập viên báo Phong hóa, Ngày nay, thành lập Tự lực văn đoàn, hội Ánh Sáng nhằm chống nhà ổ chuột, xây dựng nhà Ánh Sáng tại bãi Phúc Xá cạnh sông Hồng làm kiểu mẫu giúp dân nghèo có nhà ở hợp vệ sinh.

Ông là người thành lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt dân chính, bị Pháp bắt. Sau cách mạng tháng Tám tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ chức Bộ trưởng ngoại giao, được chính phủ cử làm Trưởng Phái đoàn Việt Nam dự hội nghị trù bị Đà Lạt.

Sau hội nghị này ông cũng được đề cử làm Trưởng Phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, nhưng ông không phó được vì lí do sức khỏe (Phó trưởng đoàn Phạm Văn Đồng thay ông làm Trưởng đoàn).

Sau ngày toàn quốc kháng chiến ông lánh sang Trung Hoa. Năm 1950 về nước ẩn cư ở Đà Lạt, năm 1957 xuống ở Sài Gòn, năm 1963 ông bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt đưa ra tòa. Ngày 8-7-1963 ông uống thuốc độc quyên sinh.

Ông là tác giả nhiều tiểu thuyết có giá trị hồi tiền chiến: Nho phong, Người quay tơ, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng...

 

2. Võ Nguyên Giáp: (1912) Phó đoàn, Chủ tịch Quân ủy hội kiêm Trưởng ban quân sự Phái đoàn, Đại tướng, Bộ trưởng Nội vụ (1946), Quốc phòng kiêm tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Đông Dương (Việt Nam). Sinh quán làng An Xá, huyện Lộc Thủy, tỉnh Quảng Bình, tốt nghiệp Đại học luật Hà Nội, một thời gian là cộng tác viên báo Tiếng dân ở Huế, sau ra làm báo hoạt động ở Hà Nội.

Những năm 40 sang hoạt động ở Trung Hoa, ông là người đầu tiên chỉ huy quân đội vũ trang tuyên truyền Việt Nam (tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam).

Sau cách mạng tháng Tám, ông là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nghệ An, từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Quân ủy hội trong chính phủ lâm thời 1945, rồi Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng trong suốt hai cuộc kháng chiến và là linh hồn của quân đội kháng chiến Việt Nam, tên ông được nhiều sách vở quân sự thế giới nhắc tới. Hiện ông sinh sống và hoạt động tại Hà Nội.

Tác phẩm của ông: Vấn đề dân cày, Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Những chặng đường lịch sử...

3. Vũ Văn Hiền: (...-1966) Tổng thư kí phái đoàn, Luật sư, tiến sĩ, quê huyện Ân Thi, tỉnh HưngYên. Xuất thân trong một gia đình bần nho, mồ côi cha ngay từ nhỏ, được bà con cho nuôi ăn học đến đỗ tú tài. Từ đó tự mưu sinh học tập, đỗ cử nhân Luật Hà Nội rồi được học bổng du học Pháp, đậu tiến sĩ luật khoa năm 1939. Tốt nghiệp gặp lúc đại chiến thứ II bùng nổ, ông lên đường về nước ngay. Về đến Hà Nội, ông cùng các bạn vận động thành lập báo Thanh Nghị, từng làm trợ tá giám đốc Nha Tài chánh Đông Dương một thời gian. Sau đó ông từ chức, tập sự Luật sư rồi mở văn phòng riêng ở Hà Nội.

Sau đảo chánh 9.3.1945, tham gia Hội đồng cải cách Tư pháp, Tài chánh (do vua Bảo Đại mời), tại Huế, rồi được vời tham gia nội các Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chánh. Sau ngày tổng khởi nghĩa tham gia phái đoàn hội nghị Đà Lạt, toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) ông bị Pháp bắt tại Hà Nội một thời gian. Sau khi được trả tự do, ông vào Sài Gòn mở văn phòng luật sư, không tham gia tổ chức chánh trị nào, ông mất khoảng năm 1966 tại Sài Gòn.

Đương thời ông là thành viên trong Ban Biên tập và cũng là tác giả chính của báo Thanh Nghị (Hà Nội). Ngoài ra, ông là một luật sư nổi tiếng về các vụ án chính trị, tài chánh và cũng là tác giả một số sách phổ thông về kinh tế, tài chánh (do nhà Vĩnh Bảo xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn trước đây).

4. Hoàng Xuân Hãn: (1908-1996) Trưởng ban Chính trị, Giáo sư, quê làng Bình Lỗ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ học ở Vinh, Hà Nội, du học Pháp, từng đỗ các bằng Thạc sĩ Toán học, kĩ sư cầu cống, kĩ sư nguyên tử lực, tốt nghiệp trường Polytechnique, Paris. Ông là nhà sử học, Hán Nôm, nhà giáo dục... tác giả nhiều công trình nghiên cứu khoa học, văn học, sử học, lịch học... có tầm cỡ của lịch sử văn hóa Việt Nam, sáng lập viên báo Khoa học, giáo sư trường Bưởi, Đại học Hà Nội.

Năm 1945 làm Chủ tịch hội đồng Cải cách giáo dục (do vua Bảo Đại mời), cùng lúc giữ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục - Mĩ thuật trong nội các Trần Trọng Kim. Trong thời gian ngắn với cương vị Bộ trưởng Giáo dục, ông đã soạn thảo và ban hành một "chương trình trung học Việt Nam" đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam. Cùng thời điểm này, bộ Giáo dục cũng đã tổ chức một kì thi Tú tài Việt Nam đầu tiên.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông rút lui khỏi chính trường, về Hà Nội làm công tác văn hóa, giáo dục. Năm 1946 tham gia Phái đoàn Đà Lạt, rồi ngày 19.12.46, mặt trận Hà Nội vỡ, ông bị Pháp bắt giam một thời gian (với lí do bảo vệ an ninh cá nhân). Năm 1950 ông sang định cư tại Pháp cho đến ngày qua đời.

Ông là tác giả các sách: Danh từ khoa học, Lịch và lịch Việt Nam, La Sơn Phu tử, Lí Thường Kiệt, Chinh phụ ngâm bị khảo, Một thiên tình sử Hồ Xuân Hương, Đại Nam quốc sử diễn ca... và nhiều bài khảo cứu văn học, sử học rất có giá trị...

 

5. Nguyễn Mạnh Tường: (1909-) Trưởng ban văn hóa, Tiến sĩ văn chương, Tiến sĩ Luật, sinh tại Hà Nội, nguyên giáo sư trường Trung học Bảo hộ, Hà Nội.

Thuở nhỏ học trường Paul Bert, Albert Sarraut, năm 1927 du học Pháp, năm 1932 đỗ tiến sĩ Văn chương, Tiến sĩ luật khoa tại Đại học Montpellier và Paris. Năm 1936 về nước dạy tại trường Trung học Bảo hộ, trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội.

Năm 1945, tham gia hội đồng cải cách giáo dục tại Huế (do Bảo Đại mời).

Sau cách mạng tháng Tám tham gia Phái đoàn hội nghị Đà Lạt, tại Hội nghị ông có tuyên bố một câu bất hủ: Nam Bộ est la chair de notre chair et le sang de notre sang" (Nam là thịt của thịt chúng tôi, máu của máu chúng tôi). Rồi toàn quốc kháng chiến, ông tản cư vào khu 3 và khu 4. Hòa bình lập lại (1954) ông trở về Hà Nội, có chân trong Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội. Năm 1957, ông đọc một tham luận về ý nghĩa luật pháp trong xã hội đã gây nên một tiếng vang lớn đối với sinh hoạt văn hóa hồi đó.

Hiện nay ông còn sống tại Hà Nội.

 

6. Dương Bạch Mai: (1905-1964) Phái viên, quê tỉnh Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

Thuở nhỏ ông học ở Sài Gòn, du học Pháp, tham gia Đảng Việt Nam độc lập rồi Đảng Cộng sản Pháp. Khoảng năm 1929, ông sang Mạc Tư Khoa vào học trường Đại học Đông Phương Staline, sau đó trở về Pháp sinh hoạt chính trị.

Năm 1932, ông về sống và hoạt động ở Sài Gòn, cộng tác với báo La Cloche fêlée, La Lutte, Mai, Dân quyền... Năm 1936-1937, ông bị Pháp bắt ra tòa, rồi bị cưỡng bức cư trú ở Cần Thơ (Biên Hòa cũ).

Năm 1945, ông phụ trách công tác an ninh trong Lâm ủy Nam bộ, Đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Bà Rịa. Sau khi tham gia hội nghị Đà Lạt, hội nghị Fontainebleau về, ông ra công tác ở Trung ương. Năm 1957, ông là ủy viên chính thức ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ông mất năm 1964 tại Hà Nội, hưởng dương 59 tuổi.

 

7. Phạm Ngọc Thạch: (1909-1968) Phái viên, Bác sĩ Y khoa, thường gọi là Tư Đá, sinh 1909 tại Quảng Nam, con trai Giáo học Phạm Ngọc Thọ, cháu nội án sát Phạm Ngọc Quát.

Sáng lập viên rồi làm thủ lãnh thanh niên Tiền Phong ở Sài Gòn, du học Pháp, đỗ tiến sĩ y khoa. Sau về nước không làm công chức, mở phòng mạch tư, tham gia hoạt động chính trị thời tiền chiến.

Năm 1945 giữ chức ủy trưởng ngoại giao trong Lâm ủy hành chánh Nam bộ, Chủ tịch ủy ban kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định...trong kháng chiến chống Pháp có lúc ông làm bộ trưởng bộ Y tế, Vệ sinh (1945, 1959). Những năm 60 ông vào Nam, tham gia đánh Mĩ ở chiến trường Nam Bộ, ông hi sinh ngày 7-11-1968 tại miền Đông.

Ông là tác giả nhiều công trình nghiên cứu y học (phần lớn viết bằng tiếng Pháp).

 

8. Bùi Công Trừng: (1905-1986), Phái viên, Nhà Hoạt động chính trị, quê tỉnh Thừa Thiên, thoát li hoạt động cách mạng từ hồi còn rất trẻ, bị Pháp bắt nhiều lần, ông từng học ở trường Đại học Đông Phương Staline ở Mạc Tư Khoa. Sau khi về nước hoạt động ở Sài Gòn, từng làm Bí thư xứ ủy Nam Kì Đảng cộng sản Đông Dương trước năm 1945.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến ông ra công tác ở chiến khu Việt Bắc, hòa bình lập lại, ông là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, thứ trưởng bộ kinh tế, Phó chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước.

Ông mất năm 1986 tại Hà Nội.

 

9. Cù Huy Cận: (1919) Phái viên, Kĩ sư Nông lâm, Thi sĩ. Sinh ngày 31-5-1919 tại làng Ấn Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Trước thế chiến, ông có trong đảng Dân chủ, ngày 30-8-45 ông tham gia Phái đoàn Việt Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại (cùng Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu). Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hà Đông. Từng giữ chức Bộ trưởng không giữ bộ nào (1945). Thứ trưởng bộ Canh nông (1946), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng đặc trách văn hóa thông tin, Chủ tịch ủy ban Trung ương liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Ông là tác giả nhiều thi phẩm lãng mạn, cách mạng in từ năm 1940 cho đến gần đây.

 

10. Trần Đăng Khoa: Không rõ năm sinh, Phái viên, Kĩ sư công chánh.

Quê gốc tỉnh Thừa Thiên, tốt nghiệp kĩ sư, có một thời gian làm việc tại Đà Lạt, năm 1946 đắc cử Đại biểu Quốc hội đơn vị Thừa Thiên.

Sau tổng tuyển cử Quốc hội 6.1.1946, ông được mời giữ chức bộ trưởng bộ Công chánh trong chính phủ "Liên hiệp Quốc gia", tiếp đó tham gia Phái đoàn hội nghị Đà Lạt.

Ngày 13.11.1946 "Chính phủ Liên hiệp quốc gia" cải tổ, ông vẫn giữ chức Bộ trưởng giao thông - Công chánh (1945), Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc (1955). Năm 1959 giữ chức Bộ trưởng Bộ thủy lợi. Lúc đang tại chức, nhân một đê trên sông Hồng vỡ, ông tự cho mình có trách nhiệm, xin từ chức. Sau đó ông nghỉ hưu tại Hà Nội.

 

11. Trịnh Văn Bính: Không rõ năm sinh, Phái viên, tốt nghiệp trường Cao học Thương mại Paris, Giám đốc nhà Đoan (Doans-Quan thuế) Hà Nội.

Xuất thân trong một gia đình quan lại trí thức ở Hà Nội, cựu học sinh trường Albert Sarraut, sau du học Pháp, tốt nghiệp trường Cao học Thương mãi Paris (Hautes études commerciales de Paris) về nước làm việc tại Nha Quan thuế Bắc kì, rồi Giám đốc cơ quan này một thời gian.

Sau tổng khởi nghĩa tháng Tám năn 1945, ông vẫn tiếp tục làm việc chuyên môn thuộc ngành này. Ngày 17.4.1946, tham gia Phái đoàn hội nghị Đà Lạt, làm Trưởng ban kinh tế và tài chánh.

Tháng 11 năm 1946 chính phủ "Liên hiệp quốc gia " thay đổi thành phần nhân sự, ông giữ chức thứ trưởng bộ Tài chánh (Bộ trưởng là ông Lê Văn Hiến). Tháng 5 năm 1946 ông là thành viên của Phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp (Trưởng ban kinh tế tài chính và Liên ban Trung Ấn) hội nghị tan rã vì thái độ cương ngạnh của Pháp.

Sau khi về nước ông vẫn tiếp tục giữ chức vụ trên.

 

12. Nguyễn Văn Luyện: (?-1946) Phái viên, Bác sĩ; sinh quán tại Hà Nội. Tốt nghiệp bác sĩ Y khoa nhưng không làm công chức mà mở phòng mạch tư, gia nhập phong trào Việt Minh từ những ngày đầu. Có chân trong ban sáng lập và thành lập Đảng dân chủ Việt Nam cùng với Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè... hoạt động tại Hà Nội.

Năm 1945 tham gia ủng hộ khởi nghĩa ở Hà Nội, đắc cử đại biểu quốc hội khóa I năm 1946 thuộc đơn vị thành phố Hà Nội.

Tháng 4 năm 1946 ông được đề cử tham gia Phái đoàn Hội nghị Đà Lạt, hội nghị thất bại đưa đến cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ngay trong đêm 19.12.1946 súng nổ tại Hà Nội, ông cùng con trai lớn tiếp tay săn sóc các thương bịnh binh tại chiến trường.

Ông và con trai hi sinh ngay giữa lòng Hà Nội.

 

CÁC VỊ GIÁM ĐỊNH CHUYÊN MÔN (Cố vấn)

1. Phạm Khắc Hoè: (1902-1994) Cố vấn Phái đoàn, Ngự tiền văn phòng Tổng lí, quê phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tốt nghiệp trường cao đẳng Pháp luật và hành chánh (Hà Nội), từng làm Quản đạo Đà Lạt, Ngự tiền văn phòng Tổng lí cho vua Bảo Đại tại Huế trước năm 1945.

Sau cách mạng tháng Tám, giữ chức Giám đốc Nha pháp chính, Đổng lí văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng vụ pháp chế phủ thủ tướng... tham gia hai Phái đoàn dự hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau (Pháp). Tháng 12-1956, bị Pháp bắt ở Hà Nội, năm 1947 ra vùng tự do tham gia kháng chiến, đến năm 1964 nghỉ hưu. Ông mới mất ở Hà Nội trong năm 1994.

 

2. Nguyễn Văn Huyên: (1908-1975) Cố vấn, Giáo sư, Cựu Bộ trưởng Bộ giáo dục (1946-1975); nguyên quán tại làng Đại Xá, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông, sinh trưởng tại Hà Nội.

Du học Pháp, đến năm 1930 đỗ Tiến sĩ Văn chương tại đại học Sorbonne, về nước làm việc tại trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội, chuyên về lịch sử và dân tộc học.

Sau cách mạng tháng Tám ông làm giám đốc Vụ Đại học kiêm Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ, rồi Bộ trưởng bộ Giáo dục, từng là đại biểu quốc Hội khóa II, III, IV, V phó hội trưởng hội Sử học.. Khi tham gia Phái đoàn Đà Lạt, ông tuyên bố giữa các phái viên Pháp Việt câu thời danh: "không phải Nam Bộ là của Việt Nam mà Việt Nam là của Nam Bộ".

Ông mất năm 1975 tại Cộng hòa dân chủ Đức cũ.

Nguyễn Văn Huyên là tác giả một số công trình nghiên cứu dân tộc học rất sáng giá (phần lớn bằng tiếng Pháp).

 

3. Tạ Quang Bửu: (1910-1986) Cố vấn phái đoàn, Giáo sư, cựu Bộ trưởng, sinh ngày 23-7-1910 tại làng Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ học ở Huế, được học bổng du học ở Pháp, Anh. Tốt nghiệp về nước dạy ở Huế!

Năm 1946 đắc cử Đại biểu Quốc hội đơn vị Hà Tĩnh, tháng 4 cùng năm tham gia Phái đoàn Đà Lạt, Phái đoàn dự hội nghị Fontainebleau, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi thứ trưởng cùng Bộ. Năm 1954 tham gia hội nghị Genève, thay mặt nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa kí hiệp định đình chiến với Pháp ngày 20-7-1954. Sau năm 1956 giữ chức hiệu trưởng Trường Đại học bách khoa Hà Nội, rồi Bộ trưởng Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông mất ngày 21-8-1986 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.

 

4. Hồ Hữu Tường: (1910-1980) Cố vấn phái đoàn, Thạc sĩ toán học, nhà văn, quê làng Thường Thạnh, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ.

Tuổi trẻ học ở Cần Thơ, Sài Gòn, du học Pháp, đỗ thạc sĩ toán học. Về nước ông dạy tư. Năm 1945 tham gia soạn dự thảo hiến pháp cho vua Bảo Đại, năm 1946 tham gia hội Văn Hóa cứu quốc, Hội đồng cải cách giáo dục thuộc Bộ Giáo dục ở Hà Nội, tham gia Phái đoàn hội nghị Đà Lạt.

Kháng chiến bùng nổ, ông sang Pháp hoạt động chính trị, chủ trương Trung lập chế, năm 1955 về Sài Gòn làm báo. Có lúc làm cố vấn cho các nhóm giáo phái li khai (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) chống chế độ Ngô Đình Diệm. Khi lực lượng này tan rã, ông bị kết án tử hình, rồi được giảm án, đày Côn Lôn vô thời hạn.

Năm 1963 ông được trả tự do, có lúc làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn.

Năm 1975 ông đi học tập cải tạo, và mất ngày 26-6 năm 1980 tại Gia Định, hưởng thọ 70 tuổi.

Ông là tác giả nhiều tiểu thuyết có tính cách trầm tư, hài biếm về con người và xã hội.

 

5. Nguyễn Tường Thụy: (1903-1974) cố vấn phái đoàn, Kĩ Sư. Nguyên quán làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, sinh tại làng Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sống và làm việc tại Hà Nội. Anh ruột nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Sau năm 1955, ông làm giám đốc Nha bưu điện Nam phần ở Sài Gòn, rồi giám đốc nha viễn thông Sài Gòn, năm 1974 mất tại chức.

 

6. Đinh Văn Hớn: (1907-) Cố vấn phái đoàn, kĩ sư canh nông, quê làng An Phú, tỉnh Cần Thơ.

Lúc nhỏ học ở Sài Gòn, du học Pháp, tốt nghiệp kỹ sư ngành nông nghiệp, về nước làm việc ở sở Canh nông Nam kì.

Năm 1946 tham gia phái đoàn hội nghị Đà Lạt.

 

7. Kha Vạng Cân: (1908-1982) Kĩ sư, Cố vấn phái đoàn, sinh năm 1908 tại Chợ Lớn.

Du học Pháp, đỗ kĩ sư cơ khí làm việc tại Sài Gòn chuyên về máy. Trong khởi nghĩa tháng Tám, tham gia cướp chính quyền, có mặt trong những ngày đầu kháng chiến Nam Bộ (23-9-1945).

Năm 1946 tham gia phái đoàn hội nghị Đà Lạt, hội nghị thất bại. Từ đó ông ra vùng tự do tham gia kháng chiến suốt 9 năm rồi tập kết ra Bắc. Khi còn ở Hà Nội ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.

Sau ngày thống nhất đất nước (1976) ông về sống tại Sài Gòn, mất năm 1982, hưởng thọ 74 tuổi.

 

8. Hồ Đắc Liên: (1904-) Kĩ sư, Cố vấn phái đoàn, em ruột Giáo sư Thạc sĩ Y khoa Hồ Đắc Di, quê làng An Truyền tỉnh Thừa Thiên.

Cựu học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội, trường Louis Grand, Paris. Tốt nghiệp trường Cao đẳng điện học Paris.

Năm 1932 về nước làm việc ở Huế, Thanh Hóa. Năm 1946 tham gia Phái đoàn hội nghị Đà Lạt.

 

9. Nguyễn Duy Thanh: (Không rõ năm sinh năm mất), Kĩ sư, Cố vấn, Chuyên viên truyền tin.

Sinh quán tại Hà Nội, du học Pháp. Tốt nghiệp về làm việc tại nha Viễn Thông Bắc kì. Sáng lập viên Báo Khoa học ở Hà Nội, sau 1945 tham gia công tác kháng chiến, Đại biểu Quốc hội khóa I, có chân trong hội nghị Đà Lạt.

 

10. Kiều Công Cung: (không rõ năm sinh) Thiếu tá, Tùy viên quân sự, sinh quán Nam Bộ.

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-45) tham gia thành lập đội Cộng hòa Vệ sinh, từng chỉ huy cấp Trung đoàn tại chiến trường miền Đông.

Năm 1946 có chân trong phái đoàn hội nghị Đà Lạt, trong Tiểu ban Quân sự.

10. Nguyễn Văn Tình: Kĩ sư.

11. Nguyễn Văn Phác: Đại úy, tùy viên quân sự.

 

ĐOÀN ĐẠI BIỂU PHÁP

Trưởng đoàn:

D'Argenlieu: (1889- ?) Đô đốc hải quân, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, tốt nghiệp học viện Hải quân Pháp.

Trong thế chiến thứ I chỉ huy một tàu tuần tiễu hoạt động vùng bắc biển nước Pháp. Năm 1920 giải ngũ vào tu viện tu, từng lên đến chức Tổng giám mục Paris. Chiến tranh thế giới lần thứ II ông bị động viên phục vụ tại căn cứ hải quân Serburg, rồi chỉ huy hạm đội hoạt động ở phía Nam Địa Trung Hải. Sau khi nước Pháp được giải phóng, ông được phong hàm Đô đốc và được De Gaulle trao nhiệm vụ tổng chỉ huy các lực lượng hải quân Pháp tự do.

Sau tháng 8-1945, De Gaulle cử làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Đầu năm 1947 bị triệu hồi về Pháp. Sau đó ông quay trở lại nhà giòng và "tiếp tục cuộc đời tu hành". Ông ta là người nặng đầu óc thực dân, bảo thủ nhất trong giới cầm quyền pháp hồi đó.

(Sau Max André thay ông làm trưởng đoàn). 

Max André: Nghị sĩ, cố vấn hạt Seine, nguyên Giám đốc ngân hàng Pháp Hoa, Hà Nội.

Bourgoin: Trưởng ban kinh tế, tài chánh, phái viên.

Pierre Messmer: Đổng lí văn phòng Bộ Pháp quốc hải ngoại, Trưởng ban chính trị.

Bousquet: Quan cai trị, nhân viên Bộ Pháp quốc hải ngoại, phái viên.

D'Arcy: Chánh văn phòng Bộ Quân lực, phái viên.

Pierre Gourou: Giáo sư, chuyên gia về văn hóa Việt, Trưởng ban văn hóa.

Torel: Cố vấn pháp luật - Nhân viên cao ủy phủ Đông Dương, phái viên.

Clarac: Cố vấn ngoại giao, phái viên.

Gonon: Cố vấn tài chánh.

Ner: Thạc sĩ triết học, cố vấn giáo dục.

Guilanton: Thạc sĩ kinh tế, cố vấn kinh tế.

Salan: Thiếu tướng, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, phái viên.

Léon Pignon: Cố vấn chính trị của đô đốc D?Argenlieu (cố vấn phái đoàn)

(Phái đoàn Pháp cũng có nhiều giám định viên chuyên môn giúp việc).

Nguyễn Q. Thắng soạn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(1) Theo danh nghĩa, đoàn trưởng Pháp là ông D'Argenlieu. Sự thực, ông này không dự họp, và phó đoàn trưởng Max André thay. Cho nên bên Việt Nam, ông  Nguyễn Tường Tam cũng không dự một buổi họp thảo luận nào, và cũng do phó trưởng đoàn - ông Võ Nguyên Giáp thay.

Trở lại đoạn vừa đọc

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau