Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau    

ÍT DÒNG NHẬT KÝ VỀ
HỘI NGHỊ TRÙ BỊ ĐÀ LẠT 1946

Ngày đi

16-4-1946. Khởi hành ở Gia Lâm, 7 giờ 45 sáng.

Pháp cho mượn hai chiếc máy bay JUNKER, 3 máy, cũ kỹ. Hai anh trưởng và phó Phái đoàn (Nguyễn Tường Tam và Võ Nguyên Giáp) cùng đáp một chiếc, cất cánh sau. Bọn tôi đi chuyến đầu gồm Tạ Quang Bửu, Dương Bạch Mai, Kiều Công Cung tất cả 12 người.

Gần tới Paksé, gặp bão, nhưng trời nắng đều.

Tới Paksé lúc 11 giờ 20. Không ra thăm thành phố. Máy bay hai anh Tam, Giáp tới sau 20 phút.

12 giờ 30, máy bay chúng tôi cất cánh trước để đi Đà Lạt.

Tới trường bay Liên Khàng lúc 3 giờ chiều.

Có các ông Pignon, Davec, Brisson, và anh Lê Văn Kim, lúc đó đang làm tùy viên báo chí cho Đô đốc D'Argenlieu - Cao uỷ Pháp, ra đón.

Thêm một nhà nhiếp ảnh Tiệp Khắc, một phóng viên Bỉ, cô Anna Lê Trung Cang chủ nhiệm nhật báo Điện tín ở Sài Gòn.

Đói, khát - Không có gì ăn uống. Ông Davee kiếm được mười quả "thanh lý" và một ấm nước con.

Chờ chuyến bay thứ hai đến để cùng về Đà Lạt. Nhưng mãi không thấy đến. Nhiều người lo ngại đã xảy ra chuyện gì bất trắc. Không liên lạc được gì với Paksé, cũng như không liên lạc được với Sài Gòn. Lo ngại càng tăng.

Đã có người sợ một "thủ đoạn" ác độc của người Pháp. Trời đã về chiều, chờ không được, sợ tối nguy hiểm, đành phải về Đà Lạt trước.

30 cây số đường rừng, giữa đồi núi và rừng thông trùng điệp.

Xe hỏng máy cách Đà Lạt 5 cây số.

Trăng mọc trên ngàn thông, bao phủ bởi sương trắng. Cảnh vật thật tuyệt diệu!

8 giờ tối mới về tới Đà Lạt.

Thành phố vắng tanh, tối đen và im lặng.

Mọi người về Hôtel "Du Parc". Riêng hai anh Trịnh Văn Bính và Dương Bạch Mai sang Hôtel Langbian.

Cơm đã dọn sẵn cho trên 30 người ăn. Nhưng mọi người chỉ ăn qua loa.

Mệt...

Hoang mang...

Băn khoăn về số phận của toán thứ hai, phần chủ yếu của phái đoàn.

Ăn cơm xong, các anh em họp lại trong buồng tôi. Đa số tỏ ý lo ngại. Một số cho rằng, người Pháp chơi xấu, có thể hi sinh một chiếc máy bay và hai phi công, đâm máy bay vào núi. Thế là hết chuyện đàm phán. Vì họ đã thủ tiêu được những người lãnh đạo mà họ lo sợ nhất: Nguyễn Tường Tam, Ngoại trưởng chính phủ Liên hiệp, lãnh tụ cách mạng chống Pháp cực đoan (V.N.Q.D.Đ) và Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh quân đội giải phóng, chủ tịch Quân ủy hội kháng chiến chống Pháp.

Có anh lo sợ cho số phận những người trong phái đoàn đã tới Đà Lạt. E ngại người Pháp bắt luôn tất cả và mang đi cầm tù. Anh Kiều Công Cung, đề nghị với tôi đưa cho mỗi người 100$, xuống chợ mua mỗi người một chiếc xe máy, ngay đêm hôm ấy, băng về Phan Rang.

Một giờ sáng mới được tin chiếc máy bay thứ hai bị hỏng máy quạt, phải ở lại Paksé, chờ hôm sau dưới Sài Gòn đem máy quạt lên thay mới tới được.

Hỏng máy bay thực là đòn tâm lý.

Khai mạc

18-4-1946. 9 giờ sáng, Phái đoàn Việt Nam họp sơ khởi để định cách làm việc và chỉ định người vào bốn tiểu ban (Chính trị, Kinh tế, Tài chính, Quân sự).

Anh Hoàng Xuân Hãn nghe phong phanh rằng Pháp sẽ cử Max André làm trưởng phái đoàn. Mọi người bất mãn ra mặt vì cho rằng Max André không đáng nói chuyện với ta, nhất là trước đó đã có tin trưởng phái đoàn Pháp sẽ là Cao ủy D'Argenlieu.

Thực ra Pháp vẫn chưa chính thức mời Việt Nam họp, tuy rằng báo đã được Pháp thông báo sẽ có một phiên họp cộng đồng chánh thức, giữa hai Phái đoàn vào hồi 10 giờ sáng.

11 giờ sáng: nhận được thiệp mời phái đoàn ăn cơm trưa.

11 giờ 55, tướng Salan, cố vấn Pignon, Tổng thư kí phái đoàn Pháp, tới gặp phái đoàn Việt Nam để đưa một thông điệp:

"Chiếu theo tập quán quốc tế, Đô đốc D'Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương phải chờ đợi phái đoàn Việt Nam đến vào hồi 10 giờ 45 để giới thiệu trưởng phái đoàn Pháp. Nay đã 11 giờ 45 mà vẫn chưa thấy phái đoàn Việt Nam tới...

Trâng tráo quá! Xỏ xiên quá ! Pháp có mời mình đâu mà mình đến. Thế là họ trách, có vẻ cho rằng mình không hiểu gì về về tập tục "ngoại giao quốc tế".

Ba đại biểu Pháp chờ thư trả lời bên ngoài phòng họp.

Ta gởi thông điệp trả lời cho Pháp biết là phái đoàn Việt Nam lấy làm lạ mà thấy rằng phái đoàn ta chưa hề được hỏi ý kiến về việc triệu tập buổi họp, cũng như về việc Max André thay thế Đô đốc D'Argenlieu ở chức vụ trưởng phái đoàn Pháp.

Phái đoàn Việt Nam cũng cho Pháp biết tới 1 giờ sẽ đến ăn cơm, theo như giấy mời.

Khi đưa thông điệp trả lời cho Pháp thì đã 1 giờ kém 10.

Tại bữa cơm. Đô đốc D'Argenlieu tiếp đãi tử tế. Ăn cơm xong, ông ta móc túi lấy bản diễn văn ra đọc. Ông nói rất nhiều về chủ trương Liên bang Đông Dương của Pháp.

Theo quyết định của anh em, anh Nguyễn Tường Tam trả lời bằng tiếng Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Huyên làm thông ngôn.

Vụ nói bằng tiếng Việt này làm cho Pháp hết sức ngạc nhiên. Sau này, trong một buổi họp khác, Đô đốc D'Argenlieu đã mỉa mai những người Việt Nam vô ơn bạc nghĩa, ăn bánh mòn cả răng ở Paris, nay lại làm bộ không biết nói tiếng Pháp.

Thực ra, chúng tôi đã quyết định như vậy vì nhiều lý do thực tế:

1.- Tinh thần dân tộc.

2.- Để người nói có thì giờ suy nghĩ.

3.- Và nếu cần, để người thông dịch viên sửa chữa những sơ hở của người nói.

Anh Tam ngỏ lời cảm ơn vị Cao ủy Pháp về sự đón tiếp, không trách móc về việc trục trặc mời họp lúc ban sáng, tránh dùng chữ Liên bang Đông Dương, chỉ nói phớt qua vấn đề về Liên hiệp Pháp.

Anh cũng khôn khéo nhắc tới việc Max André làm trưởng phái đoàn, ngỏ ý đòi hoặc để Đô đốc D'Argenlieu làm trưởng phái đoàn hoặc nếu để Max André làm thì ông này sẽ không bị lệ thuộc Cao ủy Pháp (sợ ảnh hưởng của phe thực dân).

Pháp nhượng bộ chút ít, nhận đề nghị đó, hẹn vài hôm sau sẽ triệu tập một buổi họp khoáng đại tại trường trung học YERSIN và trưởng phái đoàn Việt Nam sẽ làm chủ tọa phiên họp đầu tiên, còn việc lôi thôi mời mọc ban sáng họ sẽ cử người dàn xếp.

Đàm phán

24-4-46. Anh Phạm Ngọc Thạch, một nhân viên của phái đoàn bị Pháp bắt ngày hôm qua. Ngay trước trụ sở phái đoàn Việt Nam, lúc một giờ trưa. Pháp cho rằng họ đã bảo trước cho chính phủ Hà Nội là không chấp nhận Phạm Ngọc Thạch trong phái đoàn Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Sâm và Bùi Quang Tung bị trục xuất về Sài Gòn. Pháp lấy cớ về vô tuyến riêng để liên lạc với Hà Nội.

Trước đó, người Pháp đã bảo cho phái đoàn Việt Nam biết rằng "Xin các ông đừng lấy làm lạ" khi thấy những chiếc xe hơi mà họ đã cho mượn tự nhiên ngừng chạy, vì muốn tiết kiệm dầu xăng.

Xe của phái đoàn chỉ được dùng trong một phạm vi nhất định (nghĩa là từ hôtel Du Parc tới hôtel Langbian cách nhau chừng 50 thước).

Để trả lời thái độ trẻ con đó, tôi đã bảo trả hết xe cộ lại cho họ.

Tôi phàn nàn với anh Trịnh Văn Bính, người giúp chúng tôi liên lạc không chính thức với phái đoàn Pháp. Anh Bính bảo: "Các anh cứ yên tâm, đừng để cho họ thấy mình lấy làm ngạc nhiên và chú ý tới những việc châm chọc này. Trước sau chúng ta vẫn bảo đây là trò hề kia mà?"

9 giờ sáng, họp phiên khoáng đại. Pháp đề nghị giải quyết vấn đề Nam Bộ bằng cách lập một hội nghị khác mà nhiệm vụ chánh yếu là nghiên cứu việc đình chiến (Khi đó chỉ mới có Nam Bộ kháng chiến)

Phái doàn Việt Nam tuyên bố ngưng họp để chờ hội ý Chính phủ.

- Có tin Pháp gửi đại tá Nguyễn Văn Xuân sang Pháp.

Báo chí ở Paris và Saigon công kích phái đoàn Việt Nam dữ dội về việc vi phạm "Nghi lễ" và việc "Học đại học Paris mà không nói được tiếng Pháp", và cho đó là một thái độ trẻ con. Họ còn kêu rao "Không biết Việt Nam muốn gì?"

Báo chí Pháp cũng công kích chánh sách của Pháp, cho là khiếp nhược. Các báo Populaire, Avenir ở Saigon thóa mạ những "Yêu sách hỗn xược "(Revendications insolentes) của bọn: Bắc Kỳ (Tonkinois), đòi pháp cho Nam kỳ tự trị, chửi bới cố vấn Vĩnh Thụy (được chính phủ Việt Nam chỉ định cầm đầu một phái đoàn sang Trùng Khánh, gọi ông là một tên "phản bội hoàn toàn" (le parfait des traitres).

Những ngày cuối cùng

3-5-1946. 3 giờ chiều họp đại hội cộng đồng, 2 phái đoàn Việt - Pháp.

Anh Hồ Hữu Tường ngao ngán ghé tai tôi nói "Khổ lắm"!

Anh Nguyễn Văn Huyên cười và bảo với tôi "Thắng lợi rồi".

Anh Nguyễn Tường Tam cho rằng Pháp đã "chịu nhượng bộ".

Pháp nhượng bộ?

Nhượng bộ đó, là việc thành lập một ủy ban hỗn hợp ở Đà Lạt rồi sau đó về Hà Nội làm việc, nhưng không được vào Nam. Nhiệm vụ của ủy ban sẽ là: nghiên cứu vấn đề đình chiến và tạo không khí thân thiện.

Phía bên ta chỉ định ba người tham dự:

Dương Bạch Mai

Tạ Quang Bửu

Kiều Công Cung

Thắng lợi?

Thắng lợi gì?

Mình đòi cử một "ủy ban đình chiến" vào trong Nam để dàn xếp và thảo luận mọi thể thức để ngưng chiến.

Họ chỉ chấp nhận một "ủy ban nghiên cứu" tại Hà Nội.

Nếu cứ thắng lợi như thế này thì chắc đâu có thể dàn xếp gì được!

Anh Tam kể chuyện nằm mộng thấy một con thiêu thân và một giọt nước đường.

Con thiêu thân muốn hút giọt nước đường, nhưng ngập ngừng không dám. Một con nhện sa xuống nuốt con thiêu thân. 

Không thấy một con chim sa xuống nuốt con nhện, và người cầm nỏ bắn con chim!

Giấc mộng, oái ăm thay!

Buổi trưa, anh Võ Nguyên Giáp mời ăn cơm. Đã từ lâu chúng tôi không gặp riêng nhau để nói chuyện. Kể chuyện cũ, nhắc tới những người bạn chung còn hay đã mất, nhắc lại những kỷ niệm về chị Minh Thái (vợ anh Giáp, chết trong tù của Pháp, trong khi anh sống ở Trung Hoa).

Anh thực thà nhận có phần lỗi vì không thường gặp tôi để biết rõ tình thế, để đến nỗi có những chuyện "hồ nghi". Anh khuyên tôi hãy trở về hàng ngũ các anh em tranh đấu, và biết tôi thích đọc sách, anh hứa sẽ cho mượn ít quyển sách vừa mới nhận được.

Câu cuối cùng của anh là câu tếng Pháp "Alors, tu restes mon ami?" (Anh vẫn là bạn tôi chứ?).

Chúng tôi siết tay nhau, lần chót. Từ đó, mỗi kẻ một đường!

TRẦN VĂN TUYÊN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(23) Luật sư Trần Văn Tuyên là Đổng lý Bộ Ngoại giao của Chính phủ liên hiệp "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", khi Bộ trưởng Ngoại giao là Nguyễn Tường Tam, ông phụ trách về nội vụ và lễ nghi cho phái đoàn.

Trở về đoạn vừa đọc

 

 

 

 

 

 

(24) Ông Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Mạnh Tường đều cùng phụ trách thông ngôn cho phái đoàn.
 

Trở về đoạn vừa đọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(25) Trong bài của mình, GS Hoàng Xuân Hãn viết nhân vật này tên là "bác sĩ Tung", nhưng Bùi Quang Tung không phải là bác sĩ mà ông Tung là một nhà khảo cứu văn học, em ruột kĩ sư Bùi Quang Chiêu (BT).

Trở về đoạn vừa đọc

 

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau