|
||||||||||||||||||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||||||||||||||||
ùng quanh Đà Lạt, trừ vùng dành cho muôn thú trú ẩn, là một trong những vùng đất săn bắn tuyệt vời nhất ở châu Á, có thể so sánh với một vài vùng ở Tây Phi. Cao nguyên Di Linh nổi tiếng nằm trên độ cao 900 - 1.000m là vùng săn bắn có đường giao thông thuận tiện nhất ở Đông Dương và là thiên đường dành cho những tay thợ săn. Thực vật rất phong phú và đa dạng góp phần tạo cho phong cảnh khác lạ, có khi mang dáng dấp phương Đông, có khi có thể so sánh với thắng cảnh ở châu Âu như vùng rừng núi Jura (Giuy-ra) hay Vosges (Vốtx-giơ), có khi gợi nhớ đến một vùng đất ở châu Phi: những cánh đồng, đồi núi bao la mọc đầy cỏ, xen vào giữa là những thân cây mảnh khảnh, hậu quả của những vụ đốt rừng hằng năm. Đây là quê hương của cọp và bò rừng. Những loài thú nhỏ cũng rất phong phú. Trên đồi thông có thể gặp gà rừng. Dưới thung lũng, ven bờ suối, từ tháng 9 đến tháng 12, vịt trời xuất hiện. Trong thung lũng sông Đa Nhim, giữa Phi Nôm và Đrăn, những người thợ săn dễ bắt gặp những đàn gà rừng và công. Trong những vùng yên tĩnh, người Thượng và những tay thợ săn có thể dùng mồi và súng săn hạ sát nhiều con cọp (Felis tigris) trong một ngày. Một con cọp lớn cao 1,05m và có chiều dài 1,9m. Ở Lang Bi-an, dựa vào hình dáng của sừng, người ta phân biệt 2 loại bò rừng: Bos Gaurus và Bos Banteng. Bò rừng Bos Gaurus là loại bò có bộ lông màu nâu đậm, từ bàn chân đến đầu gối màu trắng hay vàng đậm, đầu rất to. Con đực cao đến 2,05m, sừng dài 80 - 103cm. Bò rừng Bos Banteng là một loại động vật đẹp, chân nhỏ, lông màu vàng hay màu hung đỏ với những vết trắng hay xám từ móng chân đến đầu gối, sừng dài 80 - 92cm. Bò rừng Bos Banteng chạy nhanh hơn bò rừng Bos Gaurus và rất khó đến gần. Ngoài cọp và bò rừng, những người thợ săn còn gặp voi, beo, gấu, nai, heo rừng và thỉnh thoảng tê giác. Voi châu Á (Elephas indicus) nhỏ hơn voi châu Phi, không cao quá 3m, nhưng đầu lại to hơn. Những con voi có ngà nặng 10kg rất hiếm. Gấu đeo vòng hay gấu Ma-lai-xi-a (Helarotos malayennus raffles) không cao quá 75cm, có bộ lông đen tuyền và rất rậm. Dưới cổ có một vòng màu da cam (gấu đực) và màu trắng (gấu cái). Hàm răng có những chiếc nanh rất mạnh dùng để moi tổ ong trong bọng cây. Tê giác một sừng (Rhinoceros unicornis) cao 2m, có da dày, sừng dài không quá 30 - 45cm, là động vật hiếm. Họ nai rất đông. Nai Aristote (Cervus aristotelis) giống như nai ở châu Âu, gạc có 4 nhánh.
Nai Eld (cà tông) (C. Eld Guth) cao 1,15m có bộ lông vàng xám (nai cái) hay nâu đậm (nai đực), cặp gạc cong giống như đàn lia. Những cặp gạc đẹp của nai cà tông ở Lang Bi-an dài 116cm. Nai đực vùng đầm lầy (C. Porcinus annamiticus) cao 0,72m, có bộ lông ngắn và xám, màu nâu đậm, gạc dài 62cm. Nai cái có thân hình nhỏ, lông màu hung đỏ, đứng ở xa dễ nhầm với hươu.
Hươu (C. Muntjac) là con vật rất dễ thương, cao khoảng 60cm, có bộ lông mịn màu hung đỏ. Hươu đực có gạc nhỏ dài 10 - 14cm. Cheo (Trajule javanicus) là một loại động vật nhỏ, cao không quá 20cm, có bộ lông màu nâu hơi đỏ. Loại cheo, cả đực lẫn cái, đều không có gạc. Heo rừng có 2 loại: một loại có ít lông, thường thấy ở độ cao 1.000m và một loại hai bên má có những vạch màu trắng, nặng 150kg hay hơn nữa. Về các loài thú nhỏ, có thể kể: thỏ, gà gô sống cô đơn hay từng đôi, công, gà rừng, vịt trời. Các loài chim cũng rất nhiều, hấp dẫn những nhà khoa học muốn sưu tầm chim. Phong cảnh đẹp đẽ, nhiệt độ ôn hoà và muỗi tương đối ít giúp cho những chuyến đi săn thật thú vị. *
Từ lâu, người Thượng đã biết đặt trên lối đi của thú rừng những cạm bẫy rất tinh vi và mạnh có thể giết chết cả voi và tê giác. Họ còn đào hàng loạt hố sâu vừa với kích thước của thú rừng, phía trên đặt những tấm cót tre phủ bằng lá cây khô để bẫy bò rừng và voi. Họ biết dùng mũi tên tẩm thuốc độc để giết cọp, beo. Trong những khu rừng nhỏ tiếp giáp với đồng cỏ, người Thượng dùng chó, dáo mác để săn nai và heo rừng. Ở châu Phi, những tháng khô hạn kéo dài bắt buộc thú rừng tập trung về các ao hồ hay những vũng nước. Ở đây thật tốn công vô ích nếu rình thú rừng ở những nơi đọng nước. Tốt nhất phải nắm vững mùa săn. Mùa săn nai thích hợp nhất là từ tháng 2 đến tháng 5. Trong thời gian này, mưa rất ít và có gió mùa Đông Bắc, lửa đốt rẫy tạo nên những vùng đất trống dễ đi lại và nhìn xa. Trong mùa nóng (từ tháng 6 đến tháng 10) và sau mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 1), người ta săn cọp và voi, nước chảy xiết và dâng tràn bắt buộc những người thợ săn băng rừng hay đổi hướng đi. Nai chỉ xuất hiện ở những vùng có thảm cỏ thấp, trong khi voi, bò rừng lại thích sống ở những nơi có cỏ cao, rậm rạp. Vùng đất này thật tuyệt vời, nhưng trong mùa săn tới sẽ không còn thú rừng nếu không đốt cỏ và thảm cỏ không mọc lại. [23, 54 - 61; 40, 31 - 33] |
||||||||||||||||||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||||||||||||||||