|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
ỗi thành phố đều có đặc điểm riêng: phong cảnh, khí hậu, ước mơ của những người xây dựng. Với rừng thông trùng điệp, thác nước, hồ, suối, khung cảnh yên tĩnh, Đà Lạt không những là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là một trung tâm du lịch nổi tiếng. Vào những năm 1930, ở Đà Lạt, có thể dễ dàng thuê ô tô và ngựa, nhưng nhờ khí hậu mát mẻ, đi bộ là một thú vui lớn. Du khách dạo chơi trên những con đường mòn dưới rừng thông hay đi xa hơn ra ngoài vùng ven thành phố. Những ai thích leo núi, ngoài 5 đỉnh núi Lang Bi-an, có thể tự vạch những lối đi băng rừng lên đến đỉnh non cao. Những người quan tâm đến kinh tế địa phương có thể viếng thăm các đồn điền chè và cà phê ở Cầu Đất, Djiring và trạm thử nghiệm cây canh-ki-na ở Đrăn. Sinh hoạt của người Thượng còn mang tính chất nguyên sơ và thuần phác cũng rất hấp dẫn. Du khách đi bộ, lái xe hay cưỡi ngựa trên 3 tuyến đường vòng dài 3, 7 và 11km đi đến thác Cam Ly và ngang qua những khu rừng tuyệt đẹp khiến người ta liên tưởng đến rừng Fontainebleau (Phông-te-nơ-blô). Trên đường vòng 99 ngoạn cảnh (đường vòng săn bắn hay đường vòng Lâm Viên) dài 20km, du khách gặp nhiều đàn nai quen thuộc với ô tô.
Du lịch bằng xe hơi theo tuyến đường Đà Lạt - Phi Nôm - Đrăn - Đà Lạt mất khoảng 2 giờ 45 phút. Trước hết, xe xuống đèo đến Phi Nôm, quẹo trái ngang qua đồn điền cà phê và đi dọc theo thung lũng phì nhiêu của sông Đa Nhim. Từ Đrăn, xe lên đèo đến Trạm Hành. Trên chặng đường này, du khách nhìn thấy đường sắt răng cưa chạy trên triền dốc. Tuyến đường Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang là một trong những tuyến đường miền núi đẹp nhất ở Đông Dương. Trên chặng đường từ Ngoạn Mục ngang qua Trạm Hành (42km), xe đi mất hơn 1 giờ. Trên đèo Ngoạn Mục dài 20km, du khách say mê ngắm cảnh Trường Sơn từ hoành sơn cuối cùng của cao nguyên Lang Bi-an chạy đến tận Biển Đông. Đặc biệt, cách Ngoạn Mục 1km, một vọng lâu được xây cất giúp cho du khách ngắm phong cảnh tuyệt đẹp trải dài dưới tầm mắt. Tuyến đường Đà Lạt - Buôn Ma Thuột có thể đi bằng xe trong mùa khô. Từ Đà Lạt, xe đi trên đường xuống Djiring, quẹo phải ở cây số 31 (thác Liên Khàng), đi tiếp con đường dẫn đến Buôn Ma Thuột. Sau khi đi được 148km, xe dừng bên hồ Lắc (Taklak) trong xanh. Sau một chặng đường dài 45km đi qua giữa vùng săn bắn, xe đến Buôn Ma Thuột, trung tâm của xứ Ê-đê.
Leo lên đỉnh đầu tiên trong 5 đỉnh núi Lang Bi-an tương đối dễ dàng. Du khách đi ô tô đến điểm đầu tiên (10,5km trên đường Đà Lạt - Đăng Kia). Từ sáng sớm, du khách dùng ngựa hay kiệu đi trong khoảng 1 giờ rưỡi đến một ki-ốt. Đoạn đường còn lại tuy ngắn nhưng rất dốc, phải đi bộ khoảng 45 phút. Đỉnh núi đầu tiên không phải là đỉnh cao nhất. Tuy nhiên, từ đây du khách có thể nhìn thấy phong cảnh tuyệt đẹp của vùng Đăng Kia và những hoành sơn đầu tiên của Đắc Lắc. Tiếp tục đi trên con đường nối liền các đỉnh núi, du khách đi trong nửa giờ thì đến đỉnh núi thứ 2, rồi đỉnh núi thứ 3. Đây là một đỉnh núi cao 2.200m. Một đại dương sóng màu xanh lá cây nhấp nhô đến tận những khu rừng ở hướng Nam và Tây. Sườn đồi phía Bắc dốc đứng và rừng rậm hơn phía cao nguyên Lang Bi-an. Đây là giang sơn của những đàn nai, bò rừng, voi, heo rừng, cọp, và có thể cả tê giác. Các loài hoa phong lan và thực vật đặc biệt thu hút sự chú ý của những nhà sưu tầm. Cuối cùng, sừng sững đỉnh núi thứ 4 và thứ 5 cao nhất trong dãy núi, phủ một lớp cây màu xanh thẫm. Từ bao đời nay, đây là những đỉnh núi thiêng của người Lạch. Họ không dám chặt phá cây cối. Không có lối đi, du khách phải dùng rìu và rựa tự mở lối đi. Leo núi trong 2 giờ đồng hồ thật vất vả nhưng bữa ăn trưa trên đỉnh núi cao, hít thở không khí trong lành và mát rượi khiến du khách quên đi nỗi gian truân vừa qua. Mặt bằng của đỉnh núi không rộng (khoảng 15 x 30m), trúc và cây to che khuất tầm nhìn xa. Dưới chân, rừng rậm trải ra mọi phía. Vạn vật đều chìm trong sương mờ: vài cánh chim hiếm hoi, thực vật miền đất lạnh, hoa đỗ quyên... Trước khoảng không bao la, du khách cảm thấy cô đơn lạ lùng! Leo núi Lang Bi-an tốt nhất nên thực hiện vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 3. Vào thời điểm khác, đỉnh núi thường phủ đầy mây mù. * Ở Đăng Kia (cách Đà Lạt 15km) có một nông trại nuôi bò và cừu cung cấp sữa, bơ và phó-mát cho các khách sạn và dân cư ở Đà Lạt.
Giữa Đà Lạt và Đăng Kia, du khách gặp buôn Bờ Nơ (Beneur) của người Lạch nằm ở lưng chừng đồi. Những cây nêu cắm xung quanh nhà lợp tranh. Nghĩa trang với cây cối um tùm che kín đỉnh đồi bên cạnh. Đối với du khách thích mạo hiểm, không chịu lùi bước trước khó khăn, Đắc Lắc rất hấp dẫn. Từ Đăng Kia, du khách đi vòng hoành sơn cuối cùng của dãy Lang Bi-an vào vùng Đắc Lắc. Một con đường rừng hẻo lánh đi ngang qua nhiều thác nước và vùng đất của các bộ tộc người Bí, Chin và Lạch. Sau ba ngày đường vượt qua nhiều nhánh sông rộng của sông Xrê Pốc, du khách đến Mébach, ven hồ Lắc. Hồ rất rộng, dài 3km, rộng 2km, nằm giữa vùng núi non hiểm trở rất ngoạn mục. Xa xa, về hướng Tây, là Buôn Ma Thuột. Đắc Lắc cũng có nhiều thú rừng như Lang Bi-an nhưng đường đi khó hơn. * Đà Lạt và vùng ven có rất nhiều thác nước:
Thác Cam Ly chỉ cách bưu điện 2km là một thác nước rất đẹp có những con đường mòn và ki-ốt dưới rừng thông. Thác Ăn Krô-ét (Ankroët) thứ nhất cách Đăng Kia 4km trên dòng sông Đạ Đờng là thác nước cao 18m nằm trong một vực sâu hoang vắng giữa rừng thông. Một ki-ốt được cất lên ở tả ngạn dòng sông, phía trên thác. Quanh thác, du khách nhìn thấy nhiều loài hoa phong lan. Người ta đã lập dự án sử dụng năng lượng của thác nước để thắp sáng trung tâm thành phố Đà Lạt và vận chuyển bằng đường sắt từ Krong-pha lên Đà Lạt. Thác Ăn Krô-ét thứ hai cách Đăng Kia 6km. Ở hạ lưu sông Đạ Đờng còn nhiều thác nước khác nhưng ít ai đến tham quan vì đường sá khó khăn. Thác Pren (Prenn) cách Đà Lạt 13km nằm ngay bên cạnh đường 20. Cũng có thể đi bộ mất 1 giờ rưỡi để đến thác Pren sau khi đi ngang qua nông trại Savoie (Xa-voa) của Grillet (Gri-dê). Ven đường đến Djiring có thác Liên Khàng (cách Đà Lạt 31km) và thác Gu Ga (Gougah) đẹp hơn (cách Đà Lạt 38km). Tiếp tục lên đường về hướng Djiring, cách Đà Lạt 46km, một con đường mòn dài 6km ô tô lưu thông được dẫn đến thác Pông Gua (Pongour). Đây là thác nước cao 30m hùng vĩ nhất trong vùng. Vào mùa mưa, tiếng nước va vào những tảng đá vang xa hơn 3km. Dòng nước chảy vào một hồ êm đềm dưới chân thác. Ở phía Tây thác Pông Gua có thác Pôi (Poy), đường rất khó đi. Thác K’Dòn (Queyon) còn hoang vu hơn, cao 45m. Đường đến thác cách đường Đà Lạt - Sài Gòn 12km ở cây số 58, nếu đi bộ phải mất 2 giờ đường rừng. Thác Bô Bla (Bobla) cao 45m nằm trên dòng suối Đa Rê-am, cách Djiring 7km trên đường Đà Lạt - Djiring - Blao. Có những con đường mòn dẫn đến chân thác. Trên đường 11 đi Phan Rang, nếu dừng lại ở cây số 14, du khách tìm thấy một con đường rừng dẫn đến thác Đạ Xa (Da Sarr). * Những người yêu thích thể thao tìm thấy ở Đà Lạt một môi trường thích hợp. Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn là Hồ Lớn. Tại đây, những ai yêu thích chèo thuyền và bơi lội rất thích thú trải qua những giây phút khó quên. Nhà thuỷ tạ với bục nhào đặc biệt được xây dựng cho những tay bơi. Mùa bơi lội lý tưởng nhất kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Trong thời gian này, nhiệt độ trong nước dao động giữa 20oC và 23oC. Dưới bầu trời Đà Lạt, tắm nắng rất tốt cho sức khoẻ và màu da. Những chiếc thuyền hai mái chèo tha hồ trôi trên mặt nước hồ dài 2km và rộng 300m. Một địa điểm khác cũng hấp dẫn không kém là sân cù 9 lỗ với lối đi rất đa dạng. Trên sân cù có một câu lạc bộ đầy đủ tiện nghi. Những người chơi cù tranh cúp vào dịp Tết dương lịch và lễ Phục Sinh. Đà Lạt còn có nhiều sân quần vợt. Những nhà thể thao thường lui tới nơi này trong mùa khô, tranh cúp hằng năm tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh và tranh giải trong những dịp khác. Từ tháng 9 đến tháng 12 là thời gian tranh giải bóng đá. Những người thích cưỡi ngựa có thể thuê ngựa theo giờ. Loại ngựa địa phương tuy nhỏ con nhưng chạy rất dai sức, thích nghi với địa hình miền núi.
Đà Lạt có 3 khách sạn lớn: - Langbian Palace là một khách sạn lớn sang trọng, trang bị hiện đại, có 30 phòng;
- Khách sạn Desanti (Đơ-dăn-ti) gồm nhiều ngôi nhà nhỏ rải rác ven bờ hồ mà ngôi nhà lớn nhất mang tên Hôtel du Lac. Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều biệt thự, nhà nghỉ gia đình (pension de famille), 3 cư xá và 6 khách sạn khác (Bảng trang 167): Khách sạn giảm giá cho những gia đình đông người và du khách ở lại Đà Lạt trong thời gian dài. Những biệt thự và ngôi nhà gỗ giữa vườn hoa nhỏ xinh xắn được cho thuê với giá phải chăng: từ 60 đến 200 đồng mỗi tháng. Giá thuê phòng tại Khách sạn Hồ là 5 đồng mỗi ngày, không kể rượu nho. Thời gian tối thiểu mỗi chuyến nghỉ dưỡng và du lịch ở Đà Lạt là 20 ngày. Tiền xe và lưu trú mất khoảng 130 đồng cho 1 người và 240 đồng cho mỗi gia đình không con.
Về ẩm thực, Đà Lạt có 11 hiệu ăn, đa số tập trung tại Quảng trường Chợ.
Đà Lạt về đêm cũng không đến nỗi buồn chán. Tại câu lạc bộ, du khách có thể ghi tên tham dự vui chơi, giải trí. Khách sạn Langbian Palace tổ chức những buổi dạ hội khiêu vũ. Du khách ham thích khiêu vũ đến các vũ trường:
Đà Lạt có 4 rạp chiếu bóng :
Rạp chiếu bóng Eden hàng tuần chiếu 2 chương trình phim khác nhau. [23, 40 - 53; 48, 19; 61, 11 - 14] |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Grenouillère : tổ ếch (người bơi lội nhào từ bục nhào xuống nước giống như con ếch).
Dinh thự Lang Bi-an, nay là Sofitel Dalat Palace (12 Trần Phú).
Khách sạn Hoa viên, nay là Novotel Dalat (7 Trần Phú).
Khách sạn Hồ ở số 40 Hồ Tùng Mậu, Trung tâm Giao dịch Hàng không sân bay Liên Khương - Đà Lạt ngày nay.
|