|
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
à Lạt đã được chọn làm nơi nghỉ dưỡng nhưng khó khăn về đường sá lên cao nguyên gần như không thể nào vượt được. Một thời gian sau, hai con đường dẫn đến Đà Lạt là Phan Thiết - Djiring, Phan Rang - Đrăn được hình thành tuy ngoằn ngoèo uốn khúc nhưng cũng giúp cho ô tô lên được cao nguyên Lang Bi-an. Toàn quyền Albert Sarraut (An-be Xa-rô) chỉ thị phải hoàn thành trước cuối năm 1914 các công trình sau: 1. Đường từ Phan Thiết lên Djiring nối liền Đà Lạt với bờ biển phải có chiều rộng bình thường; nâng cấp nhà gỗ với mái hiên rộng (bungalow) ở Djiring và thành lập hãng vận chuyển công cộng bằng ô tô; 2. Cải tiến dần đường Djiring - Đà Lạt và Đà Lạt - Đá Bàn; 3. Đặt đường sắt giữa Tháp Chàm và Sài Gòn và đưa vào khai thác. [48, 62; 49, 494] Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ đã gây khó khăn cho người Âu trở về quê hương nghỉ phép hằng năm. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, một vùng có khí hậu trong lành gợi nhớ đến hình ảnh của cố hương: những đỉnh núi tròn của dãy Vosges (Vốtx-giơ), những đỉnh núi cao của dãy Pyrénées (Py-rê-nê), thác nước và rừng thông của vùng Alpes (An-pơ) và miền Trung nước Pháp.. Tháng 11-1915, Toàn quyền Roume (Ru-mơ) quyết định đánh thức Đà Lạt dậy sau một giấc ngủ dài. Hoàn cảnh đã thuận tiện. Hệ thống đường sá phát triển mạnh cho phép lên Lang Bi-an dễ dàng hơn. Ngày 6-1-1916, tỉnh Lang Bi-an được thành lập bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng và phần đất rừng thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước ngày nay. [44, 89 - 90] Ngày 18 tháng 3 năm Duy Tân thứ 10 (20-4-1916), Hội đồng Nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị trấn Đà Lạt. [67, 489 - 490] Ngày 30-5-1916, Khâm sứ J.E.Charles (Sạc-lơ) ký Nghị định thành lập thị trấn Đà Lạt. Năm 1916, Toàn quyền Roume quyết định xây dựng một khách sạn lớn ở Đà Lạt. Các viên toàn quyền kế tiếp cấp kinh phí, mở mang đường sá.
Số nhà gỗ tăng lên rất nhanh. Được đà vươn lên, Đà Lạt phát triển một cách đều đặn. Nhà máy điện đầu tiên thành lập năm 1918 cung cấp điện cho trung tâm thành phố. Năm 1919, Labbé (Láp-bê) - kỹ sư công chánh - xây dựng hồ nước trên dòng suối Cam Ly. Ngày 31-10-1920, Toàn quyền Long ra Nghị định thực hiện Dụ ngày 11-10-1920 của Triều đình Huế tách cao nguyên Lang Bi-an và vùng đất phụ thuộc tỉnh Lang Bi-an, thành lập khu tự trị (circonscription autonome) trên cao nguyên Lang Bi-an. Phần đất còn lại của tỉnh Lang Bi-an mang tên tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt ở Djiring. Trong khi chờ đợi xây dựng các cơ sở cần thiết ở Djiring, công sứ tỉnh Đồng Nai Thượng đặt trụ sở ở Đà Lạt. Cùng ngày, Toàn quyền Long ra một nghị định khác ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lang Bi-an tạo thành đất đai của thị xã Đà Lạt (commune de Dalat). Thị xã Đà Lạt là thị xã loại hai. Thị xã Đà Lạt gồm có vùng nội ô và ngoại ô. Vùng ngoại ô gồm làng mạc và đất đai nằm trên cao nguyên Lang Bi-an. [68, 910- 911]
Cùng ngày 31-10-1920, Toàn quyền Long ra Nghị định thành lập Sở Nghỉ dưỡng Lang Bian và Du lịch Nam Trung Kỳ. Nghị định nêu rõ: “Giám đốc Sở Nghỉ dưỡng Lang Bian và Du lịch Nam Trung Kỳ là Đại biểu của Toàn quyền Đông Dương ở Đà Lạt và kiêm nhiệm chức vụ Thị trưởng Đà Lạt. Đại biểu chịu trách nhiệm tổ chức khu tự trị trên cao nguyên Lang Bian và vùng phụ cận, đặc biệt là xây dựng nơi này thành một nơi nghỉ dưỡng và một trung tâm du lịch hấp dẫn. Giám đốc có sứ mạng góp phần tôn tạo cảnh quan và tài nguyên du lịch ở Nam Trung Kỳ, cũng như các bãi tắm có thể được thiết lập. Đại biểu quản lý và kiểm tra các công trình xây dựng từ ngân sách của khu tự trị Lang Bian; có quyền hạn của một viên chức hành chính địa phương về các công trình thực hiện từ ngân sách, kể cả công trình xây dựng đường lên cao nguyên Lang Bian từ biên giới Nam Kỳ và Tháp Chàm (Tour - Cham). Ông phải được tham khảo ý kiến về các điều kiện hoạt động, thời gian biểu và giá cả các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông và đường biển lên Lang Bian và đề nghị, nếu cần thiết, những sự thay đổi và cải tiến các dịch vụ. Ông được quyền sử dụng bưu chính và viễn thông trong những điều kiện đã được quy định dành cho khâm sứ ghi trong bảng C và D của Nghị định ngày 17-4-1916, cũng như các công sứ, trưởng trạm hành chính và cảnh binh của tỉnh Đồng Nai Thượng, Khánh Hoà và Bình Thuận, hội đồng kỹ thuật công chánh và nhà ở dân dụng, nhân viên đường sắt tuyến đường Sài Gòn - Khánh Hoà và Đà Lạt, nhân viên và giám đốc các sở dưới quyền. Công sứ ở Djiring, Phan Thiết và Nha Trang hợp tác với Đại biểu. Một kỹ sư trưởng hay một kỹ sư, một kiến trúc sư hay một thanh tra chính hay thanh tra nhà ở dân dụng, do Tổng Thanh tra Công chính chỉ định với sự thoả thuận của Đại biểu Toàn quyền Đông Dương ở Đà Lạt, có nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi tất cả các vấn đề đòi hỏi thẩm quyền kỹ thuật đặc biệt và các vấn đề mà Đại biểu xét thấy cần thiết”. Đường Phan Rang - Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục và Đrăn có thể đi lại được từ năm 1920. Vài ngôi nhà gạch được dựng lên: bưu điện, trường Nazareth (Na-da-rét), kho bạc v.v... Năm 1920, nhà máy nước được xây dựng cung cấp đầy đủ nước uống. Nhiều khu phố mới được thành lập ở phía Nam, Đông Nam và Tây của Hồ Lớn. Người Việt sống tập trung ở phía Bắc suối Cam Ly và hướng Tây Bắc. Ngày 16-8-1921, Toàn quyền René Robin (Rơ-nê Rô-ben) ký Nghị định thành lập khu bảo tồn rộng 8.000ha ở Trạm Bò (Le Bosquet) tại khu vực nằm giữa Đà Lạt - Đrăn - Phi Nôm (khu Tam Giác ngày nay). Năm 1921, trạm xá Đà Lạt chỉ là một mái nhà tranh. Năm 1922, bệnh viện được xây dựng để phục vụ cho phụ nữ. Năm 1922, khách sạn Langbian Palace được khánh thành.
Năm 1925, không kể người Âu, tù nhân, binh lính, nhân viên phục vụ cho người Âu và các khách sạn, dân số Đà Lạt là 2.242 người, trong đó có 159 người Hoa và 53 người dân tộc bản địa. Trong khu vực người Kinh có 18 cái giếng và 365 mái nhà tranh mà 9/10 không hợp vệ sinh. 24/47 học sinh bị đau mắt hột.
Đêm 28 rạng ngày 29-4-1931, “Chợ Cây” bị cháy. Năm 1933, đường bộ nối liền Đà Lạt với Sài Gòn chỉ mất vài giờ qua đèo Blao được khai thông. Ngày 23-5-1937, đường số 21 nối liền Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc cũng được khai thông. 160 ô tô chạy trên đường này trong 3 tháng mùa khô. [63, 73] Những công trình xây dựng đường xe lửa có răng cưa bắt đầu từ năm 1920 được hoàn thành và đường sắt nối đến Đà Lạt vào năm 1932. Nhà ga xây dựng xong năm 1938. Lúc bấy giờ, đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ nên số du khách từ miền Bắc đến nghỉ hè ở Đà Lạt rất đông. Các buồng trong khách sạn được khách đặt thuê từ nhiều tháng trước. [64, 81] Đà Lạt đã có một hệ thống đường sá đủ để khẳng định sự trưởng thành. Nam Kỳ giàu có tiếp sức cho đà phát triển của Đà Lạt và cung cấp vốn sử dụng trong việc hình thành những khu phố đẹp. Các biệt thự ở đường Hoa Lay-ơn (Rue des Glaẹuls), Hoa Hồng (Rue des Roses) được xây dựng, cư xá Saint Benoỵt (Xen Bơ-noa) được thành lập. Về phía Tây Bắc và phía Nam thành phố, cư dân người Việt cũng xây dựng các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940). Những công trình đô thị được hoàn chỉnh. Một nhà máy điện mới được thành lập năm 1927. Nhà máy nước tăng cường hệ thống dẫn nước. Một kế hoạch mở rộng nhà máy nước được đặt ra trong năm 1937 mà giai đoạn đầu kéo dài 5 năm. Đà Lạt trở thành một thành phố giáo dục quan trọng. Ngày 16-9-1937, khai giảng các lớp đầu tiên của trường Petit Lycée (Pơ-tí Ly-xê). Công trình xây dựng trường Grand Lycée (Grăn Ly-xê) (1) kéo dài từ năm 1929 đến năm 1941. Từ năm 1934 đến năm 1936, trường Notre Dame du Langbian (Couvent des Oiseaux) được xây dựng. Năm 1934, xây dựng chợ Đà Lạt rộng 900m2 (dài 16m, rộng 15m). Từ năm 1935, Công ty Du lịch được thành lập với hơn 80 thành viên. Tháng 12-1936, Công ty xuất bản một tập sách giới thiệu du lịch ở Đà Lạt và vùng ven, viết bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Hà Lan, in rất đẹp và phổ biến rộng rãi khắp Viễn Đông. [63, 78]
Ngày 1-1-1936, Viện Pasteur (Pa-xtơ) Đà Lạt - viện Pasteur cuối cùng của các viện Pasteur ở Đông Dương - được khánh thành. Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Souchard (Xu-sa), ngoài việc sản xuất vắc-xin, Viện Pasteur Đà Lạt còn có nhiệm vụ xét nghiệm nước và thực hiện các xét nghiệm khác về giải phẫu bệnh học, xác định sức khoẻ của người dân trên cao nguyên. Viện đã tiến hành kiểm nghiệm 1.838 mẫu (năm 1936), 5.572 mẫu (năm 1940). Trong số mẫu xét nghiệm vào năm 1936 có 200 mẫu bệnh sốt rét do những bệnh nhân từ vùng khác đến Đà Lạt. Cuối năm 1937, xây dựng dinh toàn quyền (nay là dinh II). Lục quân và hải quân thiết lập những trại nghỉ dưỡng. Doanh trại Courbet (Cua-bê) được quy hoạch năm 1930, một doanh trại quân đội rộng 24ha được thiết lập ở phía Đông thành phố vào năm 1937; về hướng Bắc, Trường thiếu sinh quân chiếm 38ha được xây dựng từ năm 1939. Chùa Linh Sơn được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1940 do sự đóng góp của các Phật tử, nhất là ông Nguyễn Văn Tiến và Võ Đình Dung, người đã nhận thầu hầu hết các công trình kiến trúc thời bấy giờ. Nhà thờ được đặt móng từ năm 1931, đến đầu năm 1942 thì xây dựng xong. Năm 1939 xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở Đà Lạt luôn luôn tăng lên. Từ năm 1942, Đà Lạt đã trở thành “thủ đô mùa hè”, Toàn quyền Decoux (Đơ-cu) thường làm việc ở Đà Lạt từ tháng 5 đến tháng 10 vào mùa nóng. [28, 461 - 462] Vốn không sử dụng ở Nam Kỳ được đầu tư ở Đà Lạt. Khắp nơi, người ta bán đất, xây dựng các biệt thự. Số giấy phép xây dựng là 59 trong năm 1939, tăng lên 155 trong năm 1940, 257 trong năm 1941 và vượt quá con số 300 trong năm 1942. Số biệt thự là 530 trong năm 1940, tăng lên 728 vào cuối năm 1942. Ngày 8-1-1941, Toàn quyền Decoux ký nghị định thành lập tỉnh Lang Bi-an (Lâm Viên), Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Lang Bi-an, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng đặt tại Djiring. Từ ngày 10-2-1941, thị xã Đà Lạt được phép thu nhiều loại thuế và lệ phí: rạp hát, rạp chiếu bóng, sòng bạc, khu vui chơi, giải trí,...; nhạc sĩ, ca sĩ; tổ chức lễ lạt, đốt pháo, lễ cưới, sinh nhật; gái mãi dâm; pa-nô, áp-phích, bảng hiệu; phân phối xăng, máy tự động, cân; xây dựng; nhà cửa, ruộng đất, ao hồ,...; lấn chiếm lề đường và khu vực công cộng; xe cộ, xe kéo, xe đạp, xe bò, xe ngựa; rác; chó, ngựa; động vật, xe cộ và các đồ vật bị bắt giữ trên đường phố,... Rạp hát, rạp chiếu bóng, sòng bạc,...mỗi ngày phải trả: 3$ (trước giờ quy định đóng cửa) người châu Âu 16$ (sau giờ quy định đóng cửa) 2$ (trước giờ quy định đóng cửa) người châu Á 5$ (sau giờ quy định đóng cửa)
Rạp hát, rạp chiếu bóng
lưu động, xiếc, đấu võ đài, gian hàng Lễ lạt tổ chức trong chùa hay các cơ sở khác: không đốt pháo nổ và pháo bông 1$ (mỗi ngày) có đốt pháo nổ và pháo bông 3$ (mỗi ngày) Đốt pháo từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày 1$ Quá 20 giờ giá gấp đôi Cấm đốt pháo từ khuya đến 6 giờ sáng Xe vận tải 5$ hàng quý Chó của người Âu 2$ mỗi con hằng năm Chó của người Đông Dương 0$50 mỗi con hằng năm.
Tháng 10-1942, một nhà máy thuỷ điện được khởi công xây dựng ở Ăn Krô-ét (Ankroët) trên sông Đạ Đờng để cung cấp đủ điện cho thành phố. Tháng 2-1943, nhà thầu Gross (Grốtx) bắt đầu xây dựng đường Pren (Prenn) mới thay thế cho đường Pren cũ.
Năm 1944, Trường Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Đông Dương được chuyển từ Hà Nội vào Đà Lạt. Cuối năm 1944, Sở Địa dư Đông Dương dời từ Gia Định lên Đà Lạt với nhiệm vụ: biên tập, vẽ và in bản đồ phục vụ cho 3 nước Đông Dương.
Dân số không ngừng tăng lên: 4.500 người Việt Nam năm 1935, 20.000 năm 1944; 470 người Pháp năm 1935, 1.130 năm 1944; 315 học sinh Pháp năm 1935, 1.118 năm 1944; số du khách tối đa cũng tăng từ 1.729 (4-1940) lên đến 2.610 (5-1944). [54, 1- 7]; [4, 283 - 288] |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bulletin Administratif de l’ Annam năm 1916 ghi là centre urbain (trung tâm đô thị).
Năm 1921 - 1922, đập được nâng cao và nối dài thêm. Năm sau, đập thứ hai được xây dựng phía dưới đập đầu tiên, tạo thành hai hồ nước. Cả hai đập nước bị vỡ trong cơn bão tháng 5-1932 và được sửa chữa liền ngay sau đó. Đập hiện nay (cầu ông Đạo) được xây dựng vào năm 1934 - 1935. [19, 24]
Chợ Cây nằm ở vị trí rạp chiếu bóng 3-4 (khu Hoà Bình) ngày nay.
Đường Hoa Lay-ơn nay là đường Nguyễn Viết Xuân, đường Hoa Hồng nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, cư xá Saint Benoit nay ở khu phố Chi Lăng.
Trường Petit Lycée ở vị trí Trường Kỹ thuật Đà Lạt (1 Hoàng Văn Thụ); Trường Grand Lycée ở vị trí Trường Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng (29 Yersin) ngày nay.
Trường Couvent des Oiseaux ở vị trí Trường trung học dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng (2 Huyền Trân Công chúa) ngày nay.
Chợ Đà Lạt ở vị trí rạp chiếu bóng 3-4 (khu Hoà Bình) ngày nay.
Trường thiếu sinh quân được xây dựng trên khu đất của Trường Đại học Đà Lạt ngày nay.
Đường Pren mới: đường Pren hiện nay; đường Pren cũ: đường qua ngả Khe Sanh.
Trường Kiến trúc Đà Lạt lệ thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pa-ri về chương trình giáo khoa, hệ thống kiểm soát, cấp văn bằng,... Cuối năm 1948, Trường Kiến trúc Đà Lạt tách khỏi Trường Cao đẳng Mỹ thuật và nhập vào Viện Đại học Đông Dương. Cuối năm 1950, Trường dời từ Đà Lạt xuống Sài Gòn.
|