Trang trước || MỤC LỤC|| Trang sau |
|
DÂN TỘC CƠ HO
Theo
tổng điều tra dân số 01/04/1989, dân tộc Cơ Ho có trên 82.917
người, đến l/10/1997 có l04.025 người. Địa bàn cư trú chủ yếu
là tỉnh Lâm Đồng, bao gồm nhiều nhóm địa phương như: Cơ Ho
Srê, Cơ Ho Chil, Cơ Ho Nộp, Cơ Ho Lạt, Cơ Ho Cờ Dòn.
-
Cơ Ho Srê là nhóm có dân số đông nhất. Họ có mặt ở hầu hết
các huyện của tỉnh Lâm Đồng, nhưng tập trung nhất là ở Di
Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, và Lạc Dương.
-
Nhóm Cơ Ho Chil (l/04/89) có khoảng 18.000 người. Trước đây,
họ cư trú rải rác trên vùng núi cao thuộc thượng lưu sông
Krông Knô (Bắc và Tây- Bắc cao nguyên Lang Biang). Nhưng do sống
du canh, du cư, nên từ lâu, họ đã di chuyển xuống phía Nam (vùng
Bắc và Đông- Bắc thành phố Đà Lạt) kế cận với địa bàn cư
trú của nhóm Cơ Ho Lạt, người Chu Ru và Raglai. Hiện nay, họ cư
trú trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương,
Đơn Dương và vùng phụ cận thành phố Đà Lạl...
-
Nhóm Cơ Ho Lạt cư trú tập trung ở Xã Lát và một số vùng
thung lũng xung quanh thành phố Đà Lạt. Do có điều kiện tiếp
xúc, giao lưu lâu dài với người Kinh, nên đời sống kinh tế
nhóm này có những tiến bộ nhất định so với các nhóm Cơ Ho Dòn,
Nộp, Chil...
-
Nhóm Cơ Ho Nộp cư trú phía Nam Di Linh, ven đường số từ Di
Linh đi Phan Thiết. Do quá trình giao lưu văn hóa xã hội lâu
đời với các dân tộc anh em ở Bình Thuận, nhất là người Chăm,
nên người Cơ Ho Nộp còn lưu giữ một số yếu tố văn hóa của
các dân tộc đó như tục ăn trầu, và trồng trầu, cau xung
quanh địa điểm cư trú của mình.
- Nhóm
Cơ Ho Cờ Dòn cư trú ở miền núi phía Đông- Nam Di Linh, gọi là
vùng Gia Bắc, kế cận với địa bàn cư trú của người Cơ Ho Nộp,
tập trung đông nhất tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh. Ngành kinh tế chủ đạo của người Cơ Ho là trồng trọt, và tùy theo đặc điểm địa lý và xã hội của mỗi nhóm mà ngành trồng trọt ở mỗi nhóm có những nét khác nhau. Người Cơ Ho Chil, Cơ Ho Dòn, Cơ Ho Nộp cư trú ở vùng núi cao, nên phát rừng, làm rẫy là canh tác chính và ngô, lúa rẫy, sắn là nguồn lương thực chủ yếu của họ. Trong khi đó, phương thức canh tác chủ đạo của người Srê là trồng lúa trên ruộng nước nên cơm gạo là thức ăn chính trong vùng Srê...
Người
Chil, Cờ Dòn, Nộp trước đây thường chọn những khu rừng già
nhiều cây cổ thụ trên những sườn núi cao, độ dốc lớn để
phát đết làm rẫy. Người Chil thích cư trú trên những ngọn núi
cao sườn hiểm trở, chứ không thích ở dưới các thung lũng thấp
hoặc vùng cao nguyên tương đối bằng phẳng.
Vì
vậy người Chil là những người thợ rừng cừ khôi, với dăm bảy
cây rìu (Kơl, sùng) và dăm ba cây chà gạc (Woát) là họ có
thể khai quang một cách nhanh chóng cả một khu rừng rộng đầy
những cây đại thụ. Thoạt tiên, đàn bà, trẻ em dùng chà gạc
chặt những cây nhỏ và dây leo. Họ chỉ phạt dăm ba nhát mà không
cần chặt đứt thân cây... Tiếp đó, đàn ông dùng rìu (sùng)
đốn những cây lớn dần từ dưới lên đỉnh dốc, những cây này
ngã sẽ kéo theo cây nhỏ và dây leo. Sau khi phơi nắng độ hơn
một tháng, người ta châm lửa đốt rồi dọn rẫy để gieo hạt
khi mùa mưa bắt đầu, khoảng tháng tư.
Công
cụ sản xuất cổ truyền có: rìu (sùng), chà gạc (woát), gậy chọc
lỗ trỉa hạt (chrmul). Các nhóm Cơ Ho nói trên gọi rẫy là mir. Trước đây các nhóm Chil, Nộp, Cơ Ho Dòn... quần cư ở đâu, thì đết rẫy, làm nương ở đó. Khi rẫy bạc màu, thì dời đi nơi khác.
Điển
hình về phương thức canh tác lúa nước là nhóm Cơ Ho srê. Tên
'' Srê '' trong ngôn ngữ Cơ Ho có nghĩa là ''ruộng'' vì nhóm này
sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước ở thung lũng.
Công
cụ canh tác lúa nước của người Srê, người Lạch có cuốc, cày
(ngal) có 2 trâu kéo, bừa (Sơkam) và Kơr (dùng để trang đất
cho bằng) rồi gieo sạ lúa.
Ngoài
trồng trọt, người Cơ Ho còn làm các kinh tế phụ như: săn bắt,
hái lượm các loại ở rừng và đánh bắt cá dưới các sông,
suối...
Trong
gia đình người Cơ Ho, đều có nuôi trâu,
bò, heo, dê, gà, vịt:.. Trâu, bò được nuôi chủ yếu để dùng
làm sức kéo.
Các
loại gia súc khác được dùng vào các dịp tế lễ hiến sinh và
vào đời sống của đồng bào.
Ở
tất cả các nhóm Cơ Ho đều có nhiều nghề thủ công cung cấp những sản phẩm cần thiết cho nhu cầu của dân làng, sản phẩm dư ra được đưa trao đổi ở các chợ, thị trấn trong vùng.
Phổ
biến nhất là các nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát đồ mây,
tre, cói; rèn nông cụ và vũ khí truyền thống.
Một số nơi còn có nghề làm đồ gốm (không dùng bàn xoay), làm
la các đồ dùng trong gia đình...
Đơn
vị tổ chức xã hội cao nhất mà người Cơ Ho đã đạt đến là
Bon. Đó vừa là một đơn vị tổ chức xã hội, vừa là một đơn
vị kinh tế tự cấp, tự túc của dân tộc Cơ Ho.
Về
xã hội, bon là làng truyền thống theo kiểu một công xã nông
thôn hoặc công xã láng giềng, mang đậm dấu vết của công xã
thị tộc mẫu hệ. Dựa trên cơ sở cư trú trong những căn nhà dài,
kế cận nhau theo nhóm dòng họ.
Đứng
đầu bon là già làng (Kuang bon). Về quyền lợi kinh tế, thì chủ
làng cũng giống như mọi thành viên khác của làng. Hàng ngày
ông ta cũng phải lao động cật lực để tự nuôi sống bản thân
và gia đình. Nhưng về mặt tinh thần, ông ta lại có một uy tín
tuyệt đối so với các thành viên khác của làng. Chủ làng
(Kuang bon) là hiện thân của truyền thống và là một yếu tố
tinh thần đưa đến sự thống nhất của cộng đồng làng (bon)
trong xã hội cổ truyền của người Cơ Ho.
Trong
xã hội truyền thống thì chủ làng, cùng với chủ rừng (Tombri),
thầy cúng và các gia trưởng hợp thành tầng lớp trên của người
Cơ Ho. Sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội truyền
thống chủ yếu dựa vào sự khác biệt chút ít về những tư liệu
sinh hoạt truyền thống như chiêng, ché cổ, nồi đồng, chứ chưa
phải là các tư liệu sản xưất chủ yếu trong sản xuất nông
nghiệp. Chưa có sự bóc lột sức lao động của những thành viên
khác trong cộng đồng làng, cộng đồng dân tộc... Nhưng trong xã
hội đó, đã xuất hiện sự phân tầng xã hội: kẻ giàu, người
nghèo, "con ở'' hoặc "tôi tớ'' trong gia đình. Đó chính
là dấu hiệu của một xã hội đang trong thời kỳ quá độ từ sự
tan rã của xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp, có nhà
nước...
Trong xã hội truyền thống của người Cơ Ho đã tồn tại hai hình thức tổ chức: gia đình lớn mẫu hệ và gia đình nhỏ mẫu hệ. Theo xu thế phát triển quá trình giải thể các gia đình lớn chuyển
dần sang gia đình nhỏ đang
diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của động lực nội và ngoại
sinh. Loại hình gia đình nhỏ đang ngày càng chiếm số lớn.
Điều
đáng chú ý là dù ở gia đình lớn hay gia đình nhỏ, những dấu
ấn mẫu hệ vẫn được duy trì và bảo lưu. Con cái sinh ra đều
theo họ mẹ, quyền kế thừa tài sản thuộc về những người con gái.
Chế
độ hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên vợ đã được
xác lập và duy trì một cách khá chặt chẽ trong xã hội. Người
phụ nữ hoàn toàn đóng vai trò chủ động trong hôn nhân.
Sau hôn lễ, chàng rể phải về ở bên nhà vợ.
Tập
tục cổ truyền của người Cơ Ho tuyệt đối cấm kỵ việc kết nôn
giữa những người có cùng một dòng họ, nhất là ở cùng một
địa phương. Con chú, con bác, con dì, không được lấy nhau.
Trái lại, con cô, con cậu từ hai phía có thể có quan hệ hôn
nhân với nhau theo luật tục. Sau khi vợ chết, người chồng có
thể kết hôn với người em gái của vợ. Và ngược lại, nếu chồng
chết, người vợ góa có thể kết hôn với người em trai của chồng
nếu đôi bên ưng thuận.
Cho
đến nay, hôn nhân của người Cơ Ho vẫn dựa trên cơ sở sự ưng
thuận giữa đôi bên trai- gái. Cha mẹ đôi
bên cũng không cưỡng bách việc kết bạn trăm năm của con cái.
Sau hôn lễ, người con trai thường phải về ở nhà vợ, nhưng nếu
gặp trường hợp gia đình hiếm muộn thì cô dâu vẫn có thể cư
trú bên chồng. Tuy nhiên, con cái sinh ra vẫn theo họ mẹ và kế
thừa tài sản thuộc về nữ giới...
Người
Cơ Ho tin rằng mọi mặt của đời sống đều do các thế lực siêu
nhiên quyết định. Tín ngưỡng về siêu nhiên trong quan niệm của
người Cơ Ho tập trung vào ý niệm đa thần...
Đến
nay các lễ nghi phong tục cổ truyền của người Cơ Ho vẫn còn
được bảo lưu. Nhưng bên cạnh đó, mấy chục năm lại đây một
bộ phận khá lớn người Cơ Ho đã tin theo những tôn giáo nhập
từ bên ngoài như Thiên chúa giáo, nhất là Tin lành. Kinh thánh
và các tài liệu truyền giáo khác được dịch ra tiếng Cơ Ho và
các mục sư, thầy giảng đã sử dụng ngôn ngữ đó trong việc
truyền giảng đạo.
|
Trang trước || MỤC LỤC || Trang sau |