Trang trước   || MỤC LỤC||   Trang sau

 
         

DÂN TỘC NÙNG

Người Nùng là một dân tộc thiểu số có (1-4-1989) khoảng 70 vạn người. Ngôn ngữ Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái. Địa bàn cư trú chủ yếu ở các tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hoàng Liên Sơn v.v... Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, có khoảng 45.000 người Nùng di cư vào các tỉnh phía nam; và từ năm 1975 đến nay, một bộ phận người Nùng từ miền Bắc tiếp tục di cư vào các tỉnh phía nam sinh sống.

Tại tỉnh Lâm Đồng (theo tổng điều tra dân số l-4-1989) có trên có trên 8.491 người Nùng sinh sống. Hiện nay 1-l0-1997) có khoảng l l.856 người. Đồng bào tụ cư đông nhất tại xã Tùng Nghĩa, huyện Đức Trọng. Ngoài ra còn cư trú rải rác ở các huyện khác như Đơn Dương (xã Ka Đô) v.v...

Người Nùng là một cư dân nông nghiệp lâu đời, canh tác ruộng nước và các loại hoa mầu trên rẫy. Định canh và thâm canh là cách sinh sống chính của họ.

Cùng với trồng trọt, người Nùng còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là tạo một giống lợn nội địa cho năng suất khá cao đó là Lợn Mường Khương

Nghề thủ công gia đình của người Nùng cũng rất phong phú. Nổi bật là các nghề: trồng bông, dệt vải có hoa văn và nghề rèn đúc các nông cụ, vũ khí bằng sắt phát triển, với trình độ kỹ thuật khá cao. Trên đường đi rừng, hầu như người đàn ông nào cũng mang theo khẩu súng kíp tự tạo để săn bắn và tự vệ.

Người Nùng ăn cơm tẻ là chủ yếu. Trong những ngày lễ, tết, đồng bào thường làm nhiều loại bánh từ gạo và có tục uống rượu bằng thìa.

Nam, Nữ đến tuổi trưởng thành đều bịt một chiếc răng bằng vàng ở hàm trên và như thế được xem là làm đẹp, là người sang trọng.

Phụ nữ mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải. Tùy từng nhóm Nùng địa phương mà áo dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau, nhưng ở đoạn cổ tay và lá sen bao giờ cũng đắp một miếng vải và bốn túi áo không có nắp. Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Phụ nữ Nùng thường đeo tạp dề trước bụng, khi gồng gánh còn mang thêm miếng nệm vai.

Người Nùng thường ở nhà sàn và nhà nửa sàn nửa đất, trong đó nhà sàn là kiểu nhà truyền thống ưa thích của họ. Nhà thường khá to, rộng, có ba gian, vách thường bằng gỗ và lợp ngói máng. Nhà đất hiện nay là hiện tượng khá phổ biến ở vùng đồng bào Nùng.

Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn, trừ một lối đi ở gian giữa, phần trong đặt bếp, là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình. Phần ngoài, dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên. Phía sau nhà có cầu thang phụ, ở đấy có máng nước dùng để tắm rửa. Phân chia này cũng áp dụng đối với khách là nam hay nữ.

Trong gia đình, quan hệ giữa bố chồng, anh chồng với nàng dâu có sự cách biệt nghiêm ngặt. Theo phong tục Nùng, dù là con anh, con em, con chị... ai nhiều tuổi hơn được gọi là anh, là chị. Đồng bào Nùng có thói quen ít khi gọi thăng tên người ông , người bố mà thường gọi theo tên của đứa cháu đầu, con đầu của họ. Khi đặt tên con phải tuân theo hệ thống tên đệm của dòng họ.

Việc dựng vợ, gả chồng do bố mẹ quyết định trên cơ sở môn đăng hộ đối giữa hai gia đình sự ưng thuận của con cái và lá số của đôi nam nữ...

Sau ngày cưới cô dâu chưa ở hẳn bên nhà chồng, mà chỉ có mặt khi nhà chồng có công việc bận rộn, lễ tết. Và phải có người sang đón nàng dâu về nhà chồng giúp việc. Tình trạng này kéo dài cho đến lúc sắp có con. Người phụ nữ khi đã đi lấy chồng xem như hoàn toàn phụ thuộc nhà chồng. Nếu ly dị, đi lấy người khác thì phải trả lại tiền cưới, để lại của cải hồi môn và con cái...

Người Nùng thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ tổ tiên có bà vị, lư hương và được đặt vào nơi trang trọng nhất. Ngoài ra, mỗi nhà còn thờ bà mụ ''Mẹ Hoa'' (Thần bảo hộ trẻ nhỏ) , mẹ cửa (thần trông nhà). Vào những ngày đầu tháng, ngày rằm đồng bào thường đốt hương. Ngày lễ, tết có cúng chè, rượu và các món ăn. Người Nùng cúng ma sàn (phi hang chàn) và các cô hồn đầu ngõ vào dịp tết nguyên đán. Những gia đình cùng một dòng họ thì cùng chung một miếu thờ thổ công, thổ địa. Các thầy tào, thầy mo theo ý tưởng từ xưa họ có khả năng tiếp xúc với các loại ma thần nên được gọi là ''cân thả hụng'' (người mắt sáng). Họ hành nghề cúng bái, cầu sự tết lành cho nhân dân. Vì thế họ được mọi người kính nể.

Người Nùng dùng chữ. Hán hay chữ Nôm Nùng để ghi chép thơ ca và truyện cổ dân gian.

Trước đây, hầu hết đồng bào đều mù chữ, chỉ có những người giàu có mới được đi học, nhưng là học chữ Hán hoặc tiếng Pháp, để làm thầy cúng, thông ngôn. Hiện nay, mọi người đều được học chữ quốc ngữ. Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện cho người Nùng phát triển kinh tế - xã hội- và sự nghiệp văn hoá giáo dục và y tế của chính mình.

 

Trang trước   || MỤC LỤC||   Trang sau