![]() |
||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau | |||||||||||
Sự chuyển đổi lớn về chất Đà Lạt là thành phố miền núi nằm ở phía tây - nam dãy Trường Sơn, có diện tích tự nhiên hơn 39.100 ha và dân số khoảng 160.000 người (chiếm 4% diện tích tự nhiên và 16,7% dân số so với toàn tỉnh Lâm Đồng). Hơn một thế kỷ qua, các thế hệ người Đà Lạt đã xây dựng “xứ đào nguyên” này thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị và nghiên cứu khoa học của tỉnh. Trước 1975, Đà Lạt là “thiên đường”, là nơi hưởng lạc của các bậc vua chúa, tướng lĩnh và giới tư sản trong chế độ cũ. Thành phố có hơn 2.500 biệt thự xinh đẹp với kiến trúc châu Aõu cuối thế kỷ XIX. Thế nhưng ngược với nét phồn hoa ấy là cuộc sống lam lũ của dân trồng rau, trồng hoa. Hồi ấy, Đà Lạt còn ít người, heo hút lắm ! Sương muối và cái lạnh thật chẳng dễ chịu chút nào đối với người làm vườn vốn đã đói ăn mà còn phải chịu cảnh “một nắng hai sương”… Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng trong kháng chiến, từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã biết tập trung sức mạnh, trí tuệ để từng bức khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh theo cơ cấu kinh tế: Du lịch dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thành tích ấy được ghi nhận bởi từ thành phố của giới thượng lưu trong xã hội cũ, Đà Lạt đã là nơi du lịch, nghỉ dưỡng của nhân dân lao động trong nước và khắp quốc tế. Lượt khách du lịch đã tăng 21 lần, từ 20.000 lượt người (năm 1976) lên 425.000 lượt người (năm 1998). Sản lượng nông nghiệp tăng từ 40.000 tấn rau lên 112.000 tấn. GDP đầu người từ 180 USD (năm 1976) lên 460 USD (năm 1998). Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 10%. Hiện tỷ trọng du lịch dịch vụ chiếm 58%, công nghiệp và xây dựng 23%, nông nghiệp 18%. Để đạt được sự tăng trưởng nhanh như vậy, thời gian qua, Đà Lạt tập trung cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng gấp đôi sản lượng điện (dung lượng đã đạt 24.000 KVA) để điện khí hoá 100% vùng ngoại ô; xây dựng nhà máy nước Suối Vàng công suất trung bình 25.000m3/ngày đêm, 80% số hộ được dùng nước sạch; xây dựng và phát triển nhà ở đạt 12m2/người…. Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng có sự đầu tư thích đáng. Thành phố hoàn thành xoá mù chữ vào năm 1977, phổ cập giáo dục tiểu học năm 1990, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 60% vào năm 1998. Vì sao Đà Lạt có sự “tăng tốc” nhanh như vậy ? Các đồng chí lãnh đạo thành phố đều nhất trí nhận định: Trước hết đây là thành quả của hơn 10 năm đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là 5 năm qua, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể về xây dựng và phát triển TP Đà Lạt đến năm 2010 (tháng 10/1994) và tháng 1/1999, Uỷ BAN NHÂN DÂN tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010. Qua đó Đà Lạt được xác định là trung tâm du lịch dịch vụ, trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của cả nước. Sự định hướng mang tính khoa học và chiến lược ấy đã là “đòn bẩy” cho thành phố chuyển mình, tạo nên sự thay đổi về chất. Thành phố “ngàn hoa” chuẩn bị vào thế kỷ mới Đà Lạt đang xúc tiến quy hoạch đô thị tổng thể đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho thành phố phát triển thành trung tâm hội nghị hội thảo quốc tế, trung tâm thi đấu thể thao tầm quốc gia, trung tâm sản xuất rau, hoa chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2020, cơ cấu ngành kinh tế sẽ là: Tỷ trọng du lịch dịch vụ chiếm 68%, công nghiệp - xây dựng vẫn giữ 23% nhưng có sự tăng cường về chất, nông - lâm nghiệp 10% (giảm 8%). Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên cơ sơ kế thừa có chọn lọc hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật vốn có, nhanh chóng tạo ra các yếu tố bên trong vững mạnh, tranh thủ lợi thế từ bên ngoài. Trước hết gắn thành phố Đà Lạt trong mối quan hệ tổng thể với thị xã Bảo Lộc và các đô thị của địa bàn kinh tế trọng điểm phía nam mà trọng tâm là TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hoà cùng các khu công nghiệp lớn qua hành lang phát triển quốc lộ 20 để thu hút vốn đầu tư công nghệ mới, đặc biệt cho phát triển hệ thống du lịch nghỉ dưỡng. Nhằm phát triển du lịch và ngành kinh tế mũi nhọn, hiện Đà Lạt đã có 11 dự án gọi vốn đầu tư (8 dự án đang triển khai). Cùng với phát triển về phía bắc vùng du lịch sinh thái Bi Đúp - Đạ Sa - Đạ Chais rộng lớn, thành phố đang kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư dự án phát triển tổ hợp du lịch tham quan nghỉ dưỡng, thể thao, xây dựng vườn thú thiên nhiên, vườn hoa lan, bảo tồn thiên nhiên, xây dựng các tuyến cáp treo tại khu vực hồ Tuyền Lâm - Đa-tan-la - Prenn. Dự án hiện đang được Mỹ và một số nước châu Aõu quan tâm bàn bạc. Ngoài ra còn có các dự án đã được triển khai và xúc tiến như: Cụm du lịch hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, rừng hoa Đa Thiện, Thung lũng tình yêu, hồ Than Thở… Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, Đà Lạt xác định: Thời kỳ 1996-2000 đầu tư phát triển các loại hình tham quan thắng cảnh, di tích và bước đầu tạo một số sản phẩm khác như nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao; thời kỳ sau năm 2000 phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. “Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa”. Đó là lời nhắn gởi dặn dò du khách mỗi lần lên Đà Lạt. Phải chăng lời hát ấy đã khiến những người lãnh đạo nơi đây ôm ấp ý tưởng quy hoạch, trồng nhiều thảm hoa trong thành phố cho du khách tham quan và thường xuyên tổ chức những hội chợ hoa ? Rất lãng mạn song cũng rất hiện thực bởi trong mấy năm qua, thành phố đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc… đưa các giống hoa nổi tiếng từ châu Aõu vào trồng. Việc làm này đã tạo nên cuộc cách mạng lớn trong nghề trồng hoa của “thành phố ngàn hoa”… Phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, từ năm 1994 đến nay, thành phố đã và đang được đầu tư trọng điểm cho năm dự án xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng: Hệ thống cấp nước (22 triệu USD), giao thông đô thị (200 tỷ đồng), cải tạo mạng điện và xây dựng hệ thống cáp điện ngầm (145 tỷ), xử lý thoát nước và rác thải, phát triển giao thông đối ngoại trên các tuyến đường vào thành phố (81 tỷ) và mở đường từ sân bay Cam Ly về Suối Vàng (20 triệu USD). Tính đến năm 2010 Đà Lạt có nhu cầu vốn hơn 10.000 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng (vốn nội bộ nền kinh tế 5.000 tỷ còn lại là vốn ngân sách và huy động trong dân cùng các doanh nghiệp, vốn tín dụng và thu hút đầu tư nước ngoài). Để huy động vốn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, Đà Lạt đang nghiên cứu các chính sách hạ giá cho thuê đất, giảm thuế đất, giao rừng cảnh quan cho các chủ đầu tư phát triển du lịch trông coi bảo vệ… nhằm tạo ra cơ chế “cởi mở, thông thoáng” đối với các nhà đầu tư. Trên tầm cao mới, Đà Lạt đang hướng tới tương lai trở thành một trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng hấp dẫn, độc đáo của Việt Nam và khu vực. |
||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau |