| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

ghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ  VIII của Đảng và Nghị quyết 02/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về khoa học và công nghệ đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 1985 trở lại đây, lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã có trên dưới 50 đề tài, dự án về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài

Sản xuất vắcxin ho gà bằng hệ thống lên men 300 lít tại Viện vắcxin cơ sở 2 Đà Lạt
NH : Lê Văn Hiệp

 chính tín dụng, ngân hàng, môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điều tra cơ bản tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học... Các đề tài dự án đã được ứng dụng vào thực tiễn đưa lại những kết quả cụ thể:

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã xây dựng được tập đoàn giống lúa nước, lúa cạn, lúa chịu hạn năng suất cao, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng trồng lúa trong tỉnh. Diện tích gieo trồng các giống mới chiếm tỷ lệ ngày càng cao, lúa khoảng 70%; ngô lai 80%; rau và hoa hơn 95%; cà phê, chè, cây ăn quả khoảng 15-30%.

Đà Lạt, một trong ba trung tâm của cả nước, ứng dụng có hiệu quả kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật như là công cụ hữu hiệu sản xuất, cung cấp giống ở quy mô hàng hóa.

Sản xuất rau an toàn - một nội dung hấp dẫn của nền nông nghiệp sinh thái - bao gồm hàng loạt các biện pháp tổng hợp như sử dụng giống mới ngắn ngày kháng sâu bệnh, sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, từ đó hạn chế được sự tích lũy dư lượng độc chất trong sản phẩm rau, làm sạch nguồn nước tưới và đất trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thích hợp cho vùng đồng bào có trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kế hoạch hóa gia đình, thủy điện nhỏ, nước sạch và vệ sinh môi trường... là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được người làm công tác khoa học đặc biệt quan tâm.

Về lĩnh vực công nghiệp, các nhà khoa học, các nhà quản lý, đã xây dựng và triển khai thực hiện 8 đề tài thuộc chương trình phát triển công nghiệp địa phương giai đoạn 1991-1995 và đến năm 2000 như: công nghiệp năng lượng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công nghiệp chế biến nông lâm sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp vật liệu xây dựng... Đồng thời, tiến hành điều tra đánh giá trình độ công nghệ các ngành sản xuất công nghiệp, làm căn cứ cho việc xây dựng lộ trình công nghệ của địa phương những năm đầu của thế kỷ XXI.

Công tác điều tra cơ bản đã được thực hiện có hệ thống, làm căn cứ khoa học cho các quyết định về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng hệ thống địa lý về tài nguyên, môi trường địa phương nhằm lưu trữ quản lý có hệ thống các số liệu điều tra cơ bản hiện có.

Trên 30 công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh trong những năm qua vừa có ý nghĩa thực sự phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, vừa nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và quản lý xã hội.

Các đề tài nghiên cứu phục vụ công tác chăm lo thế hệ trẻ như: Điều tra khảo sát đánh giá tình trạng về dinh dưỡng, đời sống, vui chơi giải trí, trẻ mồ côi lang thang, trẻ phạm pháp, trẻ bị xâm hại trước các tệ nạn xã hội. Từ đó, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tình trạng trên.

Các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tập trung xây dựng chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, xã hội hóa giáo dục... là những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm.

Những vấn đề đội ngũ công nhân, nông dân, tay nghề lao động, đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp cơ sở và trên cơ sở, tiêu chuẩn hóa cán bộ... là những vấn đề có tính chiến lược phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.

Nhóm đề tài nghiên cứu về dân tộc và di sản văn hóa dân tộc, về định canh định cư, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa... là căn cứ đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách giữa người Kinh và dân tộc thiểu số, giữa nông thôn và thành thị.

Kết quả nghiên cứu về sự hình thành và phát triển các tôn giáo ở Lâm Đồng, đánh giá thực trạng các cơ sở thờ tự, đội ngũ chức sắc và tín đồ có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhóm đề tài nghiên cứu về lịch sử truyền thống của địa phương trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược đã đi đến xuất bản các ấn phẩm: "Lịch sử Đảng bộ Lâm Đồng", "Cách mạng Tháng Tám ở Lâm Đồng", "Lịch sử phong trào phụ nữ Lâm Đồng" và lịch sử các Đảng bộ Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương, Bảo Lộc, Đà Lạt...

Tóm lại, trong những năm qua công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã có những bước tiến bộ đáng khích lệ. Các đề tài nghiên cứu, các dự án phát triển đã gắn bó hơn, phục vụ thiết thực hơn cho các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phát huy những thành quả đã đạt được, những năm đầu thế kỷ XXI khoa học và công nghệ sẽ đóng góp xứng đáng hơn nữa cho sự phồn vinh của địa phương và đất nước.

PGS.TS PHẠM BÁ PHONG

Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn