| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||
Thống kê, Khoa học - công nghệ, Báo, Tài chính, Địa chính... đã liên thông với Trung ương và xuống tới huyện, cơ sở trực thuộc. Mạng Intranet Lâm Đồng xây dựng trong năm 2000 và bắt đầu hoạt động với tên gọi "Lâm Đồng net". Nhiều tổ chức hoạt động về tin học đã lần lượt ra đời trong những năm qua, trong đó có Công ty Dalat technique là công ty đầu tiên đi thẳng vào lĩnh vực sản xuất phần mềm và có hiệu quả. Hội tin học Lâm Đồng ra đời vào năm 1998 đã đánh dấu sự lớn mạnh của một ngành nghề mới, giữ một vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Đó là những gì còn hết sức khiêm tốn nhưng là cái gốc, là điều kiện ban đầu rất quý để có thể hoạch định một chiến lược phát triển công nghệ thông tin - công nghệ phần mềm ở Lâm Đồng trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Mới đây, Chính phủ đã ra nghị quyết về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005, xác định rằng: - Công nghiệp phần mềm là ngành công nghiệp quan trọng của công nghệ thông tin; công nghiệp phần mềm bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm và cung ứng các dịch vụ phần mềm. Phát triển công nghệ thông tin và đặc biệt công nghệ phần mềm là chủ trương được Đảng và Nhà nước ưu tiên quan tâm, là một trong những cách đi tắt đón đầu để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Trong những hội thảo khoa học về phát triển công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, một số nhà khoa học ở Trung ương và giới tin học ở Lâm Đồng cũng có nhiều điểm gặp nhau trong việc nhận định, đánh giá tiềm năng, khả năng dồi dào của Đà Lạt - Lâm Đồng trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm. Có nhà khoa học đã mạnh dạn đưa ra một ý tưởng khá táo bạo: có thể phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm ở Đà Lạt - Lâm Đồng theo kiểu: Thung lũng Silicon ở Mỹ, Thung lũng Silicon ở Bangalore (Ấn Độ), Thảo nguyên Silicon ở Texas, Công viên khoa học A Sin Chu ở Đài Loan, Hành lang siêu Multimedia ở Malaysia... Theo cách tư duy trên, cho phép ta có thể nghĩ đến Thung lũng Silicon Đà Lạt hoặc Cao nguyên Silicon Lâm Đồng trong vài thập niên tới, bởi lẽ: - Lâm Đồng không xa đối với khu công nghiệp trọng điểm thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai. Khoảng cách 300 km không đáng là bao đối với hoạt động công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm. - Phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm hoàn toàn phù hợp với quy hoạch đô thị Đà Lạt: trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo. - Lâm Đồng - Đà Lạt có sức hút nguồn nhân lực rất lớn, kể cả lao động có kỹ thuật cao chưa có việc làm ở khu vực miền Trung và những lao động đã có việc làm ở hai khu công nghiệp lớn là Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, do khí hậu tốt, cảnh quan đẹp, điều kiện sống và làm việc lý tưởng đối với lao động trí óc. Việc tổ chức sản xuất phần mềm tại Đà Lạt - Lâm Đồng bằng phân nửa hay một phần tư thời gian thay vì cả năm ở các đô thị chật chột, kết hợp vừa lao động vừa nghỉ ngơi, sẽ là niềm mơ ước của rất nhiều người lao động kỹ thuật và các nhà đầu tư phát triển công nghệ cao. - Hệ thống giáo dục - đào tạo phổ thông, cao đẳng, đại học, dạy nghề, cơ sở nghiên cứu khoa học đã và đang phát triển mạnh, đủ sức cung ứng vài nghìn lao động, kỹ thuật viên, lập trình viên hàng năm cho mục tiêu trên. - Cơ sở hạ tầng ở Đà Lạt - Lâm Đồng từng bước phát triển đảm bảo cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt hai ngành Điện và Bưu điện rất quan trọng đối với công nghiệp công nghệ thông tin thì tại Lâm Đồng đã có những bước đầu tư và phát triển khá, không nằm ngoài TOPTEN của cả nước, thậm chí có nhiều ưu thế hơn so với nhiều địa phương trong nhóm. Trong năm 2000, Bưu điện Lâm Đồng sẽ có một cổng kết nối trực tiếp với quốc tế sau các cổng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn. Các khó khăn lớn nhất là làm thế nào để thu hút được đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cho mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tại Đà Lạt - Lâm Đồng, làm thế
nào để nhà đầu tư nhìn thấy được khả năng thành công trước khi quyết định đầu tư? Như vậy, Nhà nước và địa phương cần phải khẳng định chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thông tin với các mục tiêu cụ thể, đồng thời phải có hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ, phục vụ cho mục tiêu đó. Đây chính là nội lực của Lâm Đồng. Nội lực phải đạt ở một mức độ nhất định thì mới thu hút được ngoại lực, để rồi cộng hợp thành tổng lực. Mục tiêu chung phát triển công nghệ phần mềm Việt Nam đến 2005 đạt sản lượng từ 500-800 triệu USD/năm, trong đó 2/3 nội địa, 1/3 xuất khẩu với mức tăng trưởng cao, ổn định. Có từ 30.000-40.000 người (kể cả quản lý, tiếp thị, bán hàng lẫn chuyên gia phần mềm) với sản lượng làm ra tính theo đầu người 5.000-20.000 USD. Nếu chỉ lấy 2% sản lượng trên phân bổ cho Lâm Đồng thì con số 10 triệu đôla vào năm 2005 cho tổng sản lượng công nghệ phần mềm ở Lâm Đồng là quá lý tưởng. Cũng theo cách tính giả định như trên, Lâm Đồng phải có 600 người hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó 150 người chuyên tham gia sản xuất và phát triển phần mềm. Bên cạnh việc phát triển phần mềm, chúng ta cần nhìn thấy một khả năng phát triển sản xuất phần cứng các linh kiện điện tử. Yếu tố môi trường Đà Lạt với không khí trong lành không bị ô nhiễm khói bụi kim loại (khói công nghiệp, khói xăng dầu) trở thành yếu tố kỹ thuật bắt buộc của công nghệ sản xuất CHIP. Chắc chắn các nhà đầu tư sản xuất CHIP sẽ thích chọn Đà Lạt - Lâm Đồng hơn vì yếu tố quan trọng nói trên. Một số vấn đề lớn cần quan tâm là: - Lập chiến lược chung phát triển công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm tỉnh Lâm Đồng đến năm 2005, 2010, có sự tham khảo, phối hợp với chiến lược phát triển phần mềm ở Thành phố Hồ Chí Minh. - Lập dự án phát triển của từng ngành có liên quan như Khoa học công nghệ, Điện lực, Bưu điện, Đào tạo dạy nghề của Trung ương và địa phương, Ngân hàng. - Thống nhất chiến lược địa phương với chiến lược mỗi ngành về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để tạo sự đồng bộ về đầu tư phát triển theo lãnh thổ. - Đầu tư nâng cấp mạng viễn thông, xây dựng cổng kết nối quốc tế trực tiếp tại Đà Lạt. - Xây dựng các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghệ phần mềm, công nghiệp công nghệ thông tin (thuế, tiền thuê đất, nhà, cơ sở hạ tầng...). Giải pháp cụ thể: - Đầu tư phát triển một vài đơn vị kinh doanh công nghệ thông tin trong tỉnh làm nòng cốt trong việc nghiên cứu các giải pháp xúc tiến đầu tư (ví dụ như Dalat Technique). - Quyết định chọn một khu nhà để làm cơ sở ban đầu cho khu công nghiệp phần mềm. "Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin là thước đo sự phát triển của một quốc gia"- Craig Barrett, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng Intel đã nhận xét: "Dường như trong học hỏi, người Việt Nam không muốn nhường bước cho bất cứ một ai". Thực tế trong nhiều năm qua, Lâm Đồng - Đà Lạt cũng được thừa hưởng các phẩm chất cao quý đó. Cho nên, sự lựa chọn đúng đắn, kịp thời công nghệ mũi nhọn, công nghệ chủ yếu của xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức sẽ có ý nghĩa đột phá, đưa Lâm Đồng - Đà Lạt lên vị thế mới trong sự phát triển chung của đất nước. TRƯƠNG TRỔ Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ và môi trường Lâm Đồng |
||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |