| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||
Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành phát triển nhanh. Nếu năm 1976 mới có 02 doanh nghiệp với 16 khách sạn, thì đến năm 2000 đã có 17 doanh nghiệp kinh doanh danh lam thắng cảnh, có 296 khách sạn với 4.295 phòng (trong đó có 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 1 đến 5 sao), có 11 đơn vị kinh doanh lữ hành (có 1 đơn vị lữ hành quốc tế) của tất cả các thành phần kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, đầu tư nước ngoài...
Công tác quản lý nhà nước về du lịch đi dần vào nền nếp. Đội ngũ cán bộ nhân viên đông đảo với 2.665 người, trong đó có 70% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Ngành du lịch trong những năm qua đã góp phần tạo thêm việc làm cho xã hội và thúc đẩy các ngành kinh tế xã hội phát triển. Năm 2000, thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch, du lịch Lâm Đồng cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo đà cho sự phát triển du lịch trong tương lai. Để du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh trong thế kỷ XXI, cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau đây: Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của du lịch trong nền kinh tế địa phương, xác định nhiệm vụ xây dựng ngành du lịch là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội và của toàn xã hội, có như vậy mới huy động trí tuệ và mọi nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng bộ cho du lịch phát triển. Thứ hai, khẩn trương thực hiện từng bước quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2010, coi trọng bảo vệ và phát triển rừng, giữ gìn môi trường cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa, lịch sử để tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các loại hình du lịch đặc thù của miền núi cao nguyên. Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của tỉnh phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có du lịch. Vì cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng nhằm khai thác tiềm năng du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mà đối với Lâm Đồng trước hết là giao thông vận tải. Đồng thời có chính sách ưu đãi thu hút các nguồn vốn cho xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch trên các lĩnh vực chủ yếu: Xây dựng các khu danh lam thắng cảnh, các khu vui chơi giải trí tạo thêm sản phẩm đa dạng, phong phú phù hợp với hình thái du lịch miền núi, chú trọng xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng có nơi điều trị bệnh, nghỉ ngơi. Cải tạo và xây dựng các khách sạn đạt trình độ quốc tế, với trang bị hiện đại, dịch vụ hoàn chỉnh, công nghệ thông tin tiên tiến để có khả năng tổ chức các hội nghị hội thảo quốc tế và trong nước. Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị của các đơn vị lữ hành, nhằm thực hiện kết hợp nối tour các miền, vùng trong nước và vươn ra nước ngoài. Đổi mới các phương tiện vận chuyển khách du lịch, cải tiến quản lý để trong cùng một thời gian khách có thể đi được nhiều tuyến điểm du lịch khác nhau, thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, nông dân, học sinh trong nước và khách nước ngoài có những chuyến đi du lịch nhanh chóng, thuận lợi và thoải mái. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tuyên truyền quảng bá về du lịch. Công tác tuyên truyền quảng bá đóng vai trò quan trọng và là công cụ để khai thác thị trường trong kinh doanh. Đà Lạt - Lâm Đồng tuy là điểm du lịch lý tưởng, nhưng nhiều người nước ngoài và trong nước cũng chưa biết đến. Vì vậy, phải nghiên cứu, điều tra các loại nhu cầu của khách để có chiến lược tuyên truyền, quảng bá thích hợp như sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng Internet...), các ấn phẩm, đặt văn phòng đại diện ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm du lịch...
Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên ngành du lịch hiện có; xây dựng phương hướng chiến lược đào tạo nhân lực lâu dài cho ngành du lịch. Nghiên cứu hình thành trường hoặc các khoa dạy nghề, lớp du lịch. Thứ năm, sắp xếp kiện toàn và củng cố hệ thống các doanh nghiệp du lịch Nhà nước, khuyến khích phát triển các công ty cổ phần. Coi trọng cả kinh doanh du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Phát huy vai trò của Hiệp hội nghề nghiệp du lịch. Thứ sáu, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch đối với mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch và đưa hoạt động du lịch vào trật tự kỷ cương. Sớm tháo gỡ một số vướng mắc về thủ tục, cơ chế liên quan đến đầu tư du lịch tạo thuận lợi, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của toàn ngành và sự phối hợp hỗ trợ của các cấp, các ngành, của nhân dân, nhất định trong tương lai không xa, du lịch Lâm Đồng sẽ sớm trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, xứng đáng là một trong những trung tâm du lịch của cả nước. ĐẶNG NGỌC LƯU Giám đốc Sở Du lịch Lâm Đồng |
||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |