| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||||
Về văn hóa vật chất của các dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng, có 3 yếu tố nổi bật: - Thứ nhất, "Những ngôi nhà dài". Những ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh sống của các thành viên trong một gia đình, mà còn là nơi lưu giữ, trưng bày những bộ chiêng - ché cổ quý giá, được đồng bào trân trọng, giữ gìn như "vật thiêng", "tài sản có giá trị". - Thứ hai, các nghề thủ công như: đan lát, kim hoàn, rèn sắt..., đặc biệt nghề dệt thổ cẩm rất đa dạng, độc đáo, gây ấn tượng bởi cách phối màu và đường nét hoa văn. - Thứ ba, rượu cần, một thức uống gắn bó từ lâu đời với người dân bản địa. Rượu cần không chỉ là thức uống bình thường, mà là phương thức ứng xử văn hóa độc đáo (nhất là trong dịp lễ hội). Vì vậy, rượu cần - một nghệ thuật ẩm thực đã trở thành yếu tố văn hóa đặc sắc trong truyền thống văn hóa của các cư dân bản địa.
Trong quá trình giao lưu và hòa nhập, nhìn chung văn hóa vật chất các dân tộc gốc Tây Nguyên ở Lâm Đồng đã và đang chịu sự tác động và sức ép mạnh mẽ của các phương tiện và lối sống hiện đại. Những ngôi nhà dài đang bị mất dần, hiện chỉ còn lại ở một số nơi vùng sâu, vùng xa của người Mạ ở Lộc Bắc, Lộc Nam (Bảo Lâm). Các nghề truyền thống cũng bị mai một, duy chỉ có nghề dệt thổ cẩm còn được duy trì và đang được khôi phục nhờ tính độc đáo và sự hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Về văn hóa tinh thần, lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng được gắn liền với chu trình canh tác cây lúa (kể cả lúa nương và lúa nước) bắt đầu từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Mùa lễ hội có nhiều tiểu lễ nhưng quan trọng và quy mô hơn cả là lễ mừng lúa mới (người Mạ và người Kơ Ho có lễ Nhô R'He, người Chu Ru có lễ Nhum Hơma). Không chỉ thế, đồng bào còn có những lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng (lễ cúng thần rừng, thần nước...), hay là những phong tục, tập quán của cộng đồng và cá nhân (lễ ăn trâu kết nghĩa, ăn trâu mừng thọ cha mẹ...). Lễ hội chính là dịp để cư dân bản địa thực hành tín ngưỡng truyền thống, - tín ngưỡng đa thần. Đây thực sự là hoạt động văn hóa, một nhu cầu sinh hoạt và giao lưu văn hóa của đồng bào bản địa cho dù theo nhiều tôn giáo khác nhau. Trong những lễ hội truyền thống, biểu trưng đậm nét nhất là sự cộng cảm giữa các cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, tạo nên tính cộng đồng của cư dân bản địa. Mối quan hệ cộng đồng ấy được hình thành trên cơ sở tự nguyện, thân ái, thủy chung, bình đẳng và được ràng buộc bởi phong tục, tập quán, nên tính bền vững rất cao. Văn học dân gian, điểm nổi bật trong văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa Lâm Đồng, được đánh giá là đa dạng về thể loại (huyền thoại, cổ tích, hài, ngụ ngôn, văn vần...), phong phú về nội dung. Đây không chỉ là những câ u chuyện, khúc ngâm phản ánh "thế giới quan, nhân sinh quan" của đồng bào, mà còn có thể tìm thấy trong đó lịch sử phát triển của xã hội tộc người. Bên cạnh văn học dân gian, phải kể đến âm nhạc dân gian. Các dân tộc bản địa dùng nhiều loại nhạc cụ có chất liệu khác nhau với những phương thức chế tác độc đáo. Đặc tính âm nhạc của các loại nhạc cụ phụ thuộc rất lớn vào khả năng sử dụng của từng nghệ nhân. Sự đơn điệu trong làn điệu (hát kể, hát đối đáp, tự sự, giao duyên) được bù đắp bằng sự duyên dáng, biểu cảm, gần gũi trong ca từ, trong hơi thở của tiếng chiêng, tiếng kèn bầu... cùng nét uyển chuyển của từng điệu múa. Chính âm nhạc dân gian đã góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần của người dân tộc bản địa.
Thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", sự nghiệp phát triển văn hóa - thông tin ở Lâm Đồng xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đồng thời chú trọng hình thành những giá trị mới phù hợp với cuộc sống hiện tại của đồng bào, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa địa phương. Xuất phát từ mục tiêu đó, ngành Văn hóa Thông tin đặc biệt quan tâm xây dựng một số mô hình hoạt động tiêu biểu sau: Chọn điểm đầu tư xây dựng mô hình Làng văn hóa dân tộc cổ truyền ở các vùng đồng bào Kơ Ho, Mạ, Chu Ru. Qua đó, bảo lưu giữ nguyên gốc kiến trúc nhà dài, bảo quản các hiện vật chiêng, ché cũ; khôi phục cách thức sản xuất các dụng cụ sản xuất; khôi phục và phổ biến những giá trị đặc sắc nghệ thuật dân gian.
Tiếp tục nhân rộng mô hình Làng dệt thổ cẩm mạ Bungo (Cát Tiên); khôi phục và phát triển các nghề đang có nguy cơ mai một như: Làng nghề đan lát của người Kơ Ho, làng nghề rèn sắt, gốm... Khuyến khích và tạo điều kiện để các dân tộc bản địa tổ chức những Lễ hội văn hóa tiêu biểu của tộc mình như: Mơnhum, Hơma của người Chu Ru. Chính trong môi trường lễ hội nghệ thuật dân gian mới có điều kiện tồn tại và phát triển. Hình thành và phát triển mô hình Du lịch văn hóa nhằm tận dụng, khai thác tiềm năng di sản văn hóa các dân tộc bản địa vào việc phát triển du lịch. Xem đó là một thế mạnh, là một "nét riêng đặc sắc" để thu hút du khách trong và ngoài nước đến Lâm Đồng. ĐOÀN VĂN VIỆT Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Lâm Đồng |
||||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |