| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||||
Tỉnh Lâm Đồng, với điều kiện thuận lợi về đất đai, rừng núi, khoáng sản và khí hậu là những nguồn tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào, nếu có chính sách thông thoáng có thể thu hút được vốn và công nghệ không những của các địa phương khác trong nước mà cả của nước ngoài vào khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Các yếu tố trên mới chỉ giữ được vai trò cần thiết quan trọng, chứ chưa thể quyết định sự phát triển kinh tế xã hội của một địa phương nếu như chất lượng lao động còn thấp. Có thể nói, trình độ lao động hay chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố quyết định nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội. Trình độ nghề nghiệp của người lao động thấp thì tài nguyên, vốn và công nghệ cũng sẽ trở thành lãng phí, và tất yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, yêu cầu tập trung đào tạo nghề nghiệp cho người lao động chính là đầu tư cho phát triển, một việc làm hết sức cần thiết trong lúc này và cho lâu dài về sau.
Vào năm cuối thế kỷ XX này, ở Lâm Đồng có 577.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56% dân số, trong đó có 481.000 người đang tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên, 58% lao động của tỉnh ở độ tuổi khá trẻ (dưới 35 tuổi). Người lao động ở Lâm Đồng có một cái nền về văn hóa tương đối cao và hàng năm còn bổ sung thêm từ 1.000 đến 1.200 sinh viên tốt nghiệp từ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh về địa phương cộng với gần 5.000 học sinh học xong phổ thông trung học nhưng chưa tốt nghiệp phổ thông hoặc tốt nghiệp phổ thông nhưng không vào các trường đại học... Những con số trên nói lên rằng lực lượng lao động ở tỉnh ta khá dồi dào, có trình độ học vấn căn bản làm cơ sở cho việc đào tạo nghề nghiệp và nhanh chóng tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, sẵn sàng để được tham gia vào các chương trình kinh tế xã hội của địa phương, kể cả tham gia xuất khẩu lao động. Người lao động ở Lâm Đồng có mức thu nhập còn thấp, bình quân năm 1999 mới đạt 258.000 đồng/người/tháng và hầu hết họ đều cần cù, chịu khó làm việc, có ý thức học hỏi và chấp hành nội quy, chấp hành luật pháp khá nghiêm túc. Đó chính là nguồn lực ban đầu cần thiết cho những quyết định đầu tư trong nước cũng như kêu gọi hợp tác đầu tư của nước ngoài vào các dự án phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Nhưng để nguồn nhân lực đó trở thành nội lực thực sự mạnh cho việc gọi vốn, thu hút công nghệ, khai thác tiềm năng thiên nhiên thì phải đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đào tạo nghề nghiệp cho người lao động. Bởi thực chất hiện nay toàn tỉnh chỉ đạt 12% người lao động qua trường lớp đào tạo, trong đó chỉ có 4,2% là công nhân kỹ thuật các loại, và trình độ bậc thợ bình quân trong các xí nghiệp nhà nước chỉ mới đạt 2,65/7 trong lúc đó tỉnh ta hiện có 18 cơ sở dạy nghề, phần lớn là cơ sở nhỏ đào tạo không quá 20 nghề, thu hút khoảng 1.800 người học nghề hằng năm, 90% số này học nghề ngắn hạn từ 3 - 6 tháng. Với trình độ như vậy thì khó có thể tạo ra hiệu quả trong việc sử dụng vốn, công nghệ và khai thác tiềm năng, càng khó khăn để cạnh tranh về chất lượng hàng hóa, khó tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động và càng khó cho việc giải quyết việc làm.
Vấn đề đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của xã hội mà còn là của chính bản thân người lao động. Trước hết, mỗi thanh niên lớn lên phải tự thấy rằng ra sức học tập trang bị cho mình có một nghề nghiệp hẳn hoi thì sẽ tìm được việc làm tốt, việc làm sẽ ổn định và tay nghề càng cao thì thu nhập sẽ tăng theo. Trong thời đại ngày nay, bên cạnh trang bị nghề nghiệp, người lao động cũng cần phải học thêm ngoại ngữ ở trình độ nhất định để đọc tài liệu, để giao tiếp trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhất là khi thị trường của các nước ASEAN hòa nhập vào nhau và khi cần có thể tham gia lao động xuất khẩu.
Về phía Nhà nước, nên ưu tiên dành một nguồn kinh phí tương xứng cho công tác đào tạo nghề, đầu tư cả cơ sở vật chất trang thiết bị máy móc dạy nghề, cơ sở thực tập; đào tạo giáo viên dạy nghề... Cũng cần có những chính sách khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đi vào đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề như chính sách cho vay vốn, chính sách miễn giảm thuế và các loại khuyến khích ưu tiên khác, kể cả cho phép nước ngoài liên kết với các thành phần kinh tế trong tỉnh để mở các trường dạy nghề. Mặt khác, ngành chức năng sẽ phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát, thống nhất giáo trình dạy nghề cho từng loại ngành nghề, đảm bảo độ đồng đều về chất lượng đào tạo, thi cử, đảm bảo học viên tốt nghiệp ở tất cả các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đều có chất lượng ngang nhau trên từng loại ngành nghề và có thể đi làm việc bất cứ nơi nào trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng như đạt chất lượng để tham gia xuất khẩu lao động. Chúng ta đang bước vào thế kỷ XXI, với dự báo là trình độ khoa học kỹ thuật thế giới sẽ phát triển như vũ bão và đất nước ta cũng trên đường tiến mạnh lên công nghiệp hóa hiện đại hóa. Để giành được mục tiêu đó, có lẽ một trong những việc phải được ưu tiên đầu tư đó là xây dựng nguồn nhân lực trong đó cần thiết phải trang bị và không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động, xem đó là điểm tựa của hệ thống đòn bẩy để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
NGUYỄN TRỌNG HOÀNG Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Lâm Đồng |
|||||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |