| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||||
THỰC TRẠNG NGÀNH Y TẾ TỈNH LÂM ĐỒNG Về tổ chức bộ máy, ngành Y tế Lâm Đồng có mạng lưới được hình thành rộng khắp các địa bàn trong tỉnh. Tổng số cán bộ viên chức của ngành tính đến thời điểm 30/6/2000 có khoảng 2.600 người và gần 1.000 nhân viên y tế cộng đồng ngày đêm tận tụy phục vụ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà. Trong đó, cán bộ đại học và trên đại học có hơn 400 người. Bình quân có 26,6 CBYT/10.000 dân; 4,8 BS/10.000 dân; 20,9 GB/10.000 dân.
Về cơ sở vật chất, phần lớn các cơ sở điều trị đều tiếp thu từ chế độ cũ nên đến nay đã hư hỏng, xuống cấp. Nhiều năm qua ngành đã và đang tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới để phù hợp với yêu cầu hoạt động trong hiện tại và tương lai. Hiện chỉ còn 10 trạm y tế xã phải hoạt động lồng ghép với ủy ban xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực, hoặc mượn nhà dân để làm việc. Về trang thiết bị, các cơ sở điều trị tuyến tỉnh được trang bị máy móc tương đối đầy đủ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh; trong khi các cơ sở điều trị tuyến huyện và tuyến xã còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu các thiết bị phục vụ công tác hồi sức cấp cứu và các chuyên khoa... Về mô hình bệnh tật, những đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng làm phát sinh những vấn đề về môi sinh, vệ sinh môi trường có ảnh hưởng đến sinh thái, sức khỏe và bệnh tật của con người. Lâm Đồng nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng, luôn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh nhiễm trùng, sốt rét, sốt xuất huyết... Tình trạng ô nhiễm môi trường, việc di dân tự do không kiểm soát được cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu đã ảnh hưởng đến tình hình bệnh tật của nhân dân. Ngoài ra, thành phố Đà Lạt là điểm du lịch đã và đang phát triển mạnh, hàng năm thu hút nhiều khách du lịch từ trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng đem lại thu nhập nhưng cũng là thách thức cho ngành Y tế trong việc phòng chống bệnh tật, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân. Điều này đặt ngành Y tế trước những vấn đề phải quan tâm giải quyết: Vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, các bệnh xã hội, bệnh nghề nghiệp...
Trong khi đó, nguồn kinh phí còn khó khăn cho nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của ngành Y tế. Hàng năm, ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên và phát triển sự nghiệp y tế chỉ đảm bảo được 50-60%. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN 1. Mục tiêu tổng quát: Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và làm cho giống nòi ngày càng phát triển. 2. Mục tiêu cụ thể: - Giảm tỷ lệ mắc bệnh, chết do sốt rét hàng năm; loại bỏ nguy cơ xảy ra dịch bệnh; cung cấp đủ muối iốt cho người dân, giảm tỷ lệ bướu cổ. - Hạn chế tối đa bệnh giun sán, giảm số bệnh nhân mắc bệnh đường ruột nói chung và các bệnh tiêu chảy nói riêng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do tiêu chảy. Đảm bảo trên 80% số dân có nguồn nước sạch, xây dựng 90% số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh. - Đảm bảo 100% số cụm xã miền núi có phòng khám đa khoa khu vực; 100% số trạm y tế có đủ thuốc thiết yếu cung cấp đến tận thôn buôn; 100% số thôn, buôn có nhân viên y tế hoạt động. - Đến 2005, 100% trạm y tế có điện thoại liên lạc với bệnh viện huyện; 100% các bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã có khoa y học cổ truyền - phục hồi chức năng, triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đến năm 2010, tất cả các xã đều có
trạm y tế xây dựng theo mẫu thiết kế mới; các bệnh viện huyện và tỉnh đều được nâng cấp sửa chữa, bổ sung đủ trang thiết bị; 100% số xã có bác sỹ làm việc. 3. Định hướng: Một số định hướng lớn phát triển chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà. Cụ thể là: - Tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm của Đảng về công tác y tế theo hướng chủ động, tích cực chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn, đưa sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân lên tầm cao mới. - Tăng cường xã hội hóa công tác y tế nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng phát triển ngành theo hướng: Khoa học, dân tộc, đại chúng. - Phát huy thế mạnh của địa phương về dược liệu như Artichaut, Canh kina để đưa ngành dược của tỉnh ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thuốc trong tỉnh, từng bước vươn ra chiếm lĩnh thị trường ngoài tỉnh và khu vực. - Tăng cường hợp tác quốc tế để đầu tư vào công tác dự phòng; bảo vệ môi trường sinh thái; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; xây dựng các bệnh viện tỉnh, huyện và các nhà nghỉ - điều dưỡng; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế; đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng các cây, nuôi các con làm thuốc.
Tuyến xã có từ 4-6 CBVC, trong đó phải có từ 1-2 bác sĩ, có cơ sở từ 3-5 giường bệnh đủ trang bị y khoa, đủ 3 công trình vệ sinh, có điện, có nước sạch, có tủ lạnh, xe máy, ampli, tivi, loa tay để hoạt động tốt, đưa chính sách của Đảng tới người dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội cơ sở. Tuyến huyện có hệ thống y tế hoàn chỉnh, và có đủ 3 hệ công tác: Dự phòng, điều trị, dược; 3 tuyến cấp cứu khám chữa bệnh ở từng huyện, trung tâm huyện, phòng khám khu vực, y tế xã, phường, thị trấn, có từ 50-100 giường bệnh; 4 khoa chính: Nội - Ngoại - Sản - Nhi là những BS chuyên khoa I, II, các khoa lẻ Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt đều có BS chuyên khoa về kỹ thuật, từng bước giải quyết hết trung phẫu. Tuyến tỉnh: Tập trung xây dựng 3 trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, nâng cấp trường Trung cấp Y tế thành trường Cao đẳng hoặc khoa Y của trường Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh hoặc trường Đại học Đà Lạt. BS. LÊ THÁI Giám đốc Sở Y Tế Lâm Đồng |
|||||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |