| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||
MỘT VÙNG RỪNG NGUYÊN SINH Nói đến rừng Cát Tiên, người ta nghĩ ngay đến tê giác một sừng - loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và một khu hệ động thực vật với 533 loài thuộc 38 chi và 118 họ thực vật cao có mạch. Trong đó, có 114 loài cây lấy gỗ với các loài quý hiếm (cẩm lai, trắc, chò, trầm đỏ, gõ đỏ...); 80 loài cây làm thuốc (cốt toái bổ, sa nhân, kim cang...); 53 loài cây làm cây cảnh (phong lan, quế lan hương, hương thảo đùi gà, tam bảo sắc...); 15 loại cây cho dầu nhựa (chò trai, dầu rái, dầu lá bóng...); 31 loài cây ăn quả (dâu da, xoan trà, trám...); 31 loài cây đặc sản (lồ ô, nứa, song mây, song bột...).
Hệ động vật cũng rất phong phú thuộc khu hệ động vật Nam bộ, có 44 loài thú thuộc 8 bộ, lớn nhất thuộc bộ ăn thịt (hổ, báo, gấu, cầy hương, cầy ròn, rái cá, các loài khỉ, vượn, voọc); các loài gặm nhấm (nhím, sóc bay, sóc đen, sóc xám...); nhiều loài thú móng guốc lớn (bò rừng, nai, hoẵng, lợn rừng, sơn dương...). Ở đây có tới 200 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý: công, gà lôi, gà tiền, gà so, yểng, vẹt, diều hâu, dù dì, cắc ké. Có nhiều loài bò sát: trăn, rắn , tắc kè, rắn độc, kỳ đà, ba ba, cá sấu nước ngọt. Cá sông rất phong phú. Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của hệ động vật Cát Tiên là sự có mặt của quần chủng tê giác Java, được gọi là quần chủng tê giác một sừng thứ 2 còn lại trên thế giới.
MỘT VÙNG ĐẤT CỔ
Cát Tiên - một vùng cội nguồn của tổ tiên xưa nơi các huyền thoại, sự tích, truyền thuyết của cư dân bản địa Mạ - Xtiêng - bao giờ cũng chứa đựng vẻ đẹp cổ sơ, hoang dã. Cư trú ngàn đời dưới chân Trường Sơn nam, người Mạ, người Xtiêng đã hình thành một kho tàng đặc sắc, phong phú, đa dạng những nét văn hóa truyền thống trong dụng cụ sinh hoạt, kiến trúc dân gian, trang phục, ẩm thực; trong nghề rèn, nghề dệt; trong tín ngưỡng, phong tục, lễ hội văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian... Gắn bó với vùng đất cổ, tình yêu quê hương xứ sở của người Mạ, người Xtiêng đã vượt qua thời gian, vượt qua cuộc chiến khốc liệt, tạc nét đẹp vào tầm vóc lịch sử hào hùng của đất nước. Cát Tiên cổ kính và huyền bí, qua các truyền thuyết, huyền thoại, của người Mạ, người Xtiêng, càng trở nên cổ kính huyền bí khi phát hiện trong lòng đất khu đền tháp kéo dài suốt 20 km ở thượng lưu sông Đồng Nai. Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đã được Nhà nước công nhận là di chỉ khảo cổ học quốc gia. Di tích Cát Tiên là bằng chứng có thể nhìn thấy bằng mắt về sự trường tồn của quá khứ trong lịch sử đất nước. Giá trị của công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật ở Cát Tiên không còn giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển ngày một mạnh của ngành công nghiệp không khói: Du lịch. Di tích còn là bản thông điệp về bản sắc của một dân tộc trong lịch sử được gửi tới từ quá khứ là điểm quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia, nhà nước cổ đại phương Nam. Ngoài 265 mảnh vàng lá trên đó khắc chạm những hình tượng liên quan đến Bàlamôn giáo, có thể nói tại Cát Tiên đã tìm thấy pho sử viết trên vàng vô cùng thú vị và hấp dẫn. Các loại hình kiến trúc, các họa tiết hoa văn, các ngẫu tượng, tượng đá ở di tích Cát Tiên có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á. VÙNG ĐẤT ANH HÙNG Ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, người Mạ, người Xtiêng đã được Đảng khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng chống giặc, giữ nương, giữ rẫy, núi rừng. Nơi đây, Đảng đã kiên trì bám dân, dựa vào dân để tồn tại và tồn tại vì dân trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc kháng chiến. Đảng đã xây dựng căn cứ giữa lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng căn cứ cách mạng. Với địa thế rừng núi hiểm trở lại nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng, ngay bên cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, chiến khu D đã trở thành nơi đón nhận cán bộ, bộ đội, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường
Nam bộ, Tây Nguyên và cực Nam Trung bộ. Cuộc chiến trở nên cực kỳ khốc liệt, khi bọn địch quyết tâm tìm diệt bằng được lực lượng vũ trang và quyết tâm bắt sống cán bộ đầu não của ta. Vì thế, xứ Đồng Nai thượng chìm ngập
trong làn mưa bom bão đạn và cũng dưới làn mưa bom bão đạn đó thổ dân Mạ, Xtiêng đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ sườn phía đông của chiến trường B2. Trong kháng chiến, Trung ương cục miền Nam đóng
ở chiến khu D được người Mạ, người Xtiêng bảo vệ đến cùng. Các em nhỏ đi liên lạc, người lớn vận tải lương thực, tham gia chiến đấu, người già giữ kho vũ khí, lương thực. Thực hiện chiến thuật quét và giữ, Mỹ - Ngụy
tập trung đánh phá vào Cát Tiên - vùng căn cứ dọc theo hai bên sông Đồng Nai, đánh phá các kho tàng, ngăn chặn hành lang chiến lược Bắc - Nam, cơ quan đầu não
chiến khu D của ta; bao vây kinh tế, làm cho nhà cửa, nương rẫy điêu tàn. Nhưng qua suốt hai cuộc kháng chiến, chưa bao giờ Pháp - Mỹ - Ngụy tạm chiếm và kiểm soát được vùng đất này. Đó chính là lý do để Hội đồng Nhà nước
phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang cho xã Đồng Nai, huyện Cát Tiên.
NGUYỄN XUÂN TÙNG Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên |
||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |