| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

  rong việc tìm kiếm những dấu vết cổ xưa của lịch sử đất nước, các nhà khảo cổ đã phát hiện một khu đền đài chìm trong lòng đất vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, dưới chân Trường Sơn Nam. Đây là thánh địa Bàlamôn giáo được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XI.

Di tích Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào? Thuộc phong cách nghệ thuật nào? Chủ nhân là ai? Đó là những câu hỏi mà suốt từ khi phát hiện (1985) qua bốn đợt khai quật (1994-2000) đã trở nên cuộc tranh luận sôi nổi trong giới khảo cổ học. Những thông tin mới từ Cát Tiên luôn làm sửng sốt dư luận và giới nghiên cứu sử học trong và ngoài nước. Đây là lần đầu tiên ở Lâm Đồng cũng như ở Tây Nguyên phát hiện được một đô thị tôn giáo, một điểm quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia, nhà nước cổ đại phương nam.

Một trong những lá vàng 
được phát hiện tại di tích Cát Tiên.

  Trong lịch sử,  Cát Tiên là đường biên giới của các nền văn hóa, một đường biên giới không biến động với những di tích cư trú của con người từ thời đại Đồng Thau cách đây gần 4000 năm, với những làng cổ rèn khuôn đúc đồng, dệt vải, với đền tháp và mộ tháp uy nghiêm của một nền văn hóa đặc thù nằm trong dòng chảy của văn hóa Đồng Nai, văn hóa óc Eo, văn hóa Phù Nam.

Từ xa xưa, Cát Tiên đã có một cơ tầng văn hóa đủ sức hội nhập với nền văn hóa mới, tạo ra sự tiếp nối liên tục với sự ứng xử đặc biệt khi văn hóa ấn Độ hội nhập vào vùng biển Đông. Toàn bộ  kiến trúc các ngôi đền ở Cát Tiên

Hiện trường khai quật di tích Cát Tiên
NH : ĐINH THỊ NGA

 được xây dựng theo chuẩn tắc Bàlamôn giáo (Ấn Độ giáo kết hợp với Phật giáo): Bình đồ hình vuông, giật cấp nhiều lần, những cửa tháp, thanh đá ốp cửa, trụ bệ, mi cửa với những ngẫu tượng Linga, Yony, tượng Ganêsa... Chuẩn tắc đó được thực hiện bởi những bàn tay và khối óc tài hoa của các nhà kiến trúc tôn giáo nhiều thế hệ. 20 ngôi đền tháp và đền mộ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện với nhau trong kiểu dáng, vươn trong không gian một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ.

Cát Tiên nằm trong bối cảnh nào trong tiến trình lịch sử phương Nam? Vào thế kỷ VII-VIII, các quốc gia trên biển gồm nhiều tiểu quốc đang trong thời kỳ phát triển hết sức hưng thịnh: Bàng Bàng, Tốn Tốn, Xích Thổ (tên gọi của Malayxia, Philippin, Inđônêsia lúc bấy giờ) có quan hệ với Bắc Trung Quốc là những tiểu quốc riêng biệt, không thống nhất hay được ghép lại trong đế chế Phù Nam?

Trong sự gia tăng của Ấn Độ giáo ở vùng biển Viễn Đông, Cát Tiên nằm trong sự bật dậy của văn hóa Ấn, thời mà Lâm ấp, Chăm Pa, Khơ Me cũng vươn lên trong hình thái vương quyền và thần quyền liên kết lại để trị quốc.

Sự tuyệt diệt của một quốc gia, không có nghĩa là sự tuyệt diệt của một dòng văn hóa. Phong cách nghệ thuật trong kiến tạo thánh địa Bàlamôn giáo ở Cát Tiên mãi mãi làm sống động giá trị vĩnh hằng của lịch sử, văn hóa, nghệ

thuật.

265 bức phù điêu bằng vàng tìm thấy ở thánh địa Cát Tiên như mê cung của các thần linh. Tôn giáo thần bí với những nhân vật linh thiêng của xứ sở "thầy tu và vũ nữ" là tín ngưỡng gắn liền với huyền thoại "thần mẹ": coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Do đó, hình ảnh của thần Siva luôn được tái hiện, sau đó là tín ngưỡng thần cây, thần súc vật, thần rắn, chim thần dưới hình thái vật tổ. Người xưa mô tả các thần linh với nghệ thuật tạo hình điêu luyện, đường nét sắc sảo, hình vẽ rõ ràng, dứt khoát, khỏe mạnh đầy sức sống lại hết sức cụ thể, sinh động.

Với phong cách nghệ thuật thanh tú, tao nhã trong đường nét, hài hòa trong tỷ lệ, đề tài chủ đạo vẽ trên vàng là hình ảnh các thần: Siva, Umapavati, Tu sĩ, Nam thần, Nữ thần, vũ nữ, người dâng lễ, cảnh chiến binh...; các chủ đề động vật dưới hình thái vật tổ luôn được tái hiện: sư

Núi Langbian nhìn từ Đà Lạt
NH : MPK

 

 tử, voi, lợn rừng, rắn, cá, bò, dê, chim...; các đề tài trang trí cung đình với sóng nước, hoa lá uốn lượn tự do, cánh sen kết dải, hoa dây. Các đề tài đều phản ánh đời sống tinh thần, tôn giáo của một cộng đồng người trong lịch sử. Phải chăng thánh địa Cát Tiên là mê cung của các thần linh? Từ thuở xa xưa nơi đây từng là đô thị tôn giáo tiến hành những nghi lễ đa thần? Và vương quyền đã kết hợp với thần quyền trong các nghi lễ hiến tế?

Các hình vẽ ở 265 mảnh vàng được người xưa sử dụng phổ biến kỹ thuật vẽ chìm trong vàng và kỹ thuật gò. Các nét vẽ, nét gò mảnh mai, phóng khoáng, hòa nhập vào nhau tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về một thời kỳ rực rỡ, hưng thịnh. Có thể nói đó là 265 tác phẩm nghệ thuật với một phong cách riêng, bản sắc riêng: tinh tế, hấp dẫn, sinh động tạo nên phong cách nghệ thuật bí ẩn, kỳ thú, diễn tả những ma lực của thần linh mà đặc trưng nghệ thuật là biểu tượng của sự sinh sôi, tái tạo một khát vọng vươn tới.

Nơi đây các nhà khảo cổ đã ý thức chọn một phương pháp khai quật lưu giữ di tích rất công phu để bảo vệ các cấu trúc và bình diện của đền tháp và đền mộ. Với những chứng tích và di vật từ Cát Tiên có thể khôi phục lại giai đoạn không thành văn mà có thể Cát Tiên là trung tâm chính trị, tôn giáo của một quốc gia cổ đại.

ĐINH THỊ NGA

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn