| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||||
Thị xã Bảo Lộc thành lập từ năm 1994, có độ cao trung bình 800m -1.000m, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 21-23
oC, lượng mưa từ 2.400mm - 3.400mm được rải đều các tháng trong năm. Thị xã có diện tích tự nhiên 23.250 ha, dân số đến thời điểm 1/4/1999 là 135.700 người, chiếm 2,38% về diện tích và 13,2% về dân số so
với toàn tỉnh Lâm Đồng. Bảo Lộc nằm trên trục quốc lộ 20, cách Đà Lạt 110km và cách thành phố Hồ Chí Minh 180km, đây là yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa và phát triển du lịch, dịch vụ .
Do những đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng và lịch sử hình thành, phát triển; Bảo Lộc sớm trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp và trung tâm công nghiệp lớn của Lâm Đồng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Bảo Lộc có: 8.743 ha chè, 6.144 ha cà phê và 523 ha dâu tằm (tổng diện tích 3 loại cây trồng chính trên chiếm trên 90% diện tích đất nông nghiệp của thị xã). Hệ thống các cơ sở công nghiệp chế biến hiện có của Bảo Lộc gồm: + Công nghiệp ươm tơ - dệt lụa: Có 4 nhà máy ươm tơ với công suất 920 tấn tơ/năm; 3 xí nghiệp dệt lụa với tổng công suất 3 triệu m/năm (trong đó có 2 xí nghiệp liên doanh với nước ngoài); 1 xí nghiệp may mặc từ sản phẩm lụa tơ tằm với công suất: 200.000 sản phẩm/năm; 2 cơ sở xe tơ với công suất bình quân 20 tấn tơ xe/1 nhà máy. Năng lực ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn Bảo Lộc chiếm 90% tổng năng lực chế biến chung của tỉnh Lâm Đồng. + Công nghiệp chế biến chè: Bao gồm 4 nhà máy chế biến chè quốc doanh; 4 nhà máy chế biến chè có vốn đầu tư nước ngoài và gần 100 cơ sở chế biến chè của các HTX, tư nhân với tổng công suất chế biến chè: 10.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó chè xuất khẩu: 6.000 tấn/năm (chiếm 70% tổng công suất chế biến chè của cả tỉnh).
Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có các cơ sở công nghiệp khai khoáng (bô xít, vật liệu xây dựng), chế biến lâm sản, nông sản khác. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp của Bảo Lộc chiếm gần 50% tổng giá trị sản lượng công nghiệp chung của tỉnh và chiếm gần 90% giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của vùng phía nam Lâm Đồng. Cũng do điều kiện thời tiết, khí hậu mát mẻ, có những thắng cảnh, thác nước đẹp và nằm gần trung lộ giữa thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, nên Bảo Lộc còn là nơi có điều kiện phát triển du lịch - nhất là loại hình du lịch cuối tuần, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Lượng khách đến tham quan, du lịch hàng năm tăng 15% (khoảng gần 300.000 lượt khách/năm). Kinh tế của Bảo Lộc trong những năm qua liên tục phát triển với tốc độ cao, thời kỳ 1994-1999 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,69%/năm. Đô thị Bảo Lộc đã được đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. 5 năm 1995-2000 tổng mức đầu tư trên địa bàn Bảo Lộc 211 tỷ
đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, phục vụ đời sống của nhân dân. Việc phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Bảo Lộc luôn luôn gắn liền với sự phát triển của các huyện trong vùng. Bảo Lộc là nơi thu hút các nguồn nguyên liệu chè, dâu tằm của các huyện về chế biến phục vụ xuất khẩu, nội tiêu; là trung tâm giao lưu, điều phối hàng hóa tiêu dùng đến các huyện lân cận và là trung tâm văn hóa - thể thao, du lịch của vùng. Để tiếp tục xây dựng Bảo Lộc thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng, xây dựng thị xã thành đô thị loại 3, trong thời gian từ nay đến 2010 Bảo Lộc tập trung vào các trọng tâm sau đây: + Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, đổi mới các công nghệ, thiết bị, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng; trong đó chú trọng công nghiệp ươm tơ, dệt lụa, may mặc, công nghiệp chế biến chè, cà phê; đảm bảo chế biến được phần lớn nguyên liệu được sản xuất trong vùng. + Phát triển vững chắc vùng nguyên liệu cây công nghiệp hiện có, đổi mới giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, xây dựng Bảo Lộc thành trung tâm khoa học - kỹ thuật của vùng, trước hết trong các ngành chè, dâu - tằm tơ.
+ Đầu tư các điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, các trung tâm hoạt động văn hóa - thể thao đủ điều kiện để thu hút khách, phục vụ các hoạt động văn hóa - thể thao trong và ngoài tỉnh. + Đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu, trước mắt là giao thông, cấp thoát nước, điện, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, đồng thời tạo bàn đạp để thực hiện các dự án lớn của Chính phủ trong phạm vi vùng (nhất là dự án đầu tư khai thác bô xít và luyện nhôm). Với phương hướng, mục tiêu trên, từ nay đến 2010 Bảo Lộc sẽ có nhịp độ phát triển kinh tế tăng bình quân 10-12%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3 lần so với năm 1999; đô thị Bảo Lộc đủ các tiêu chí của đô thị loại 3 và là trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của toàn vùng phía nam của tỉnh Lâm Đồng.
CÁC
DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ BẢO LỘC 1- Dự án đầu tư khu công nghiệp tập trung Đại Bình trên diện tích quy hoạch 200 ha; tổng mức đầu tư dự kiến gần 300 tỷ đồng Việt Nam. 2- Dự án đầu tư khu du lịch - vui chơi tại hồ Nam Phương với diện tích mặt nước và khu vực: 40 ha. 3- Dự án đầu tư công nghiệp chế biến cà phê phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, công suất 10.000 - 15.000T/năm. 4- Dự án đầu tư khu du lịch - nghỉ dưỡng phục vụ người già (cả trong và ngoài nước) tại khu đồi Hà Giang. 5- Dự án đầu tư khu liên hợp thể thao và thi đấu trên diện tích 10 ha (gồm cả sân vận động). 6- Dự án đầu tư khu thương mại (siêu thị).
7-
Các dự án phát triển công nghiệp chế biến từ nguồn nguyên liệu
sẵn có của địa phương và sử dụng nhiều lao động (như may mặc,
đan, dệt len...).
NGUYỄN ĐỨC THỊNH Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc |
||||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
||||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |