| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||
Với một mức độ che phủ của rừng vào loại lớn nhất nhì cả nước, khoảng 85% rừng Lạc Dương gần như nguyên sơ. Hầu hết rừng Lạc Dương thuộc diện đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn của Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Suối Vàng và Trị An. Trong đó, nổi bật nhất là rừng đặc dụng Bidoup - Núi Bà với thảm thực vật và động
vật rất phong phú, đa dạng. Thành phần dân cư của Lạc Dương chủ yếu là đồng bào dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên, chiếm khoảng 90% dân số toàn huyện. Cộng đồng người K'Ho, Lạch, Cil, M'Nông ở đây hầu hết vẫn giữ được văn hóa truyền thống với những mùa lễ hội, các làng dệt thổ cẩm tập trung, các sản phẩm dệt thổ cẩm, rượu cần, các trò chơi dân gian... Về khí hậu, có thể chia ra làm 2 tiểu vùng mang đặc trưng khác nhau, đó là: tiểu vùng khí hậu ôn đới bao gồm 3 xã giáp giới Đà Lạt, và tiểu vùng khí hậu nhiệt đới, bao gồm 4 xã giáp giới tỉnh Đắk Lắk. Tiểu vùng khí hậu ôn đới bao gồm các xã Lát, Đạ Sa, Đạ Chais, độ cao bình quân 1.500m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 18 độ C, biên độ nhiệt trung bình các tháng khoảng 3,9 độ C, biên độ
nhiệt giữa ban ngày và đêm 9 độ C. Có thể nói khí hậu tiểu vùng này quanh năm ôn hòa, mát mẻ. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt hảo, với các rừng lá kim bạt ngàn, chủ yếu là thông ba lá, nổi bật có khu rừng đặc dụng Bidoup - Núi Bà -với hai đỉnh núi cao nhất Nam Tây Nguyên (Bidoup cao 2278m, Langbiang cao 2167m) với thảm thực vật hết sức phong phú. Nơi đây còn là địa bàn cư trú lâu đời của người Lạch và Cil. Khu vực này rất thích hợp với các loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại; du lịch kết hợp với thể thao như leo núi, dù lượn, cưỡi ngựa không yên hay du lịch kết hợp với việc tìm hiểu văn hóa dân tộc như: dệt thổ cẩm, tham gia lễ hội cồng chiêng, tìm hiểu văn hóa bản địa Tây Nguyên trong các làng buôn dân tộc; du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học. Nhận thức được những tiềm năng to lớn của du lịch trên địa bàn Lạc Dương, một số công ty chuyên kinh doanh về du lịch trong và ngoài nước đã đến Lạc Dương. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng ở vùng đất này. Năm 1996, công ty Du lịch Lâm Đồng và 2 tập đoàn của Singapore (gồm Đà Lạt - ĐanKia Holding PTE., LTD và DD Managerment Services PTE.,LTD) lập dự án kinh doanh thực hiện dự án khu Du lịch Đà Lạt - ĐanKia trên ranh giới của huyện lạc Dương. Dự án này có số vốn 706 triệu USD, tổng thể được phát triển trên diện tích 4,913 ha đất thuộc huyện Lạc Dương. Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép số 2031/GP ngày 26/1/1998. Tuy nhiên, do "Cơn bão tài chính" thổi vào các nước ASEAN và các nước công nghiệp mới (NICS) năm 1997, cộng với một vài lý do khác nên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Cũng từ năm 1994, Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong TP. HCM (VYC), được sự đồng ý của UBND tỉnh, đã lập dự án đầu tư phát triển khu Du lịch Langbian thuộc xã Lát. Mục tiêu của dự án khởi đầu rất tốt đẹp nhằm mở ra một điểm du lịch mới đáp ứng yêu cầu của du khách đến Đà
Lạt, góp phần phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc bản địa, đầu tư tôn tạo cảnh quan. Cuối năm 1999, VYC đã chính thức bàn giao cho Công ty Du lịch Lâm Đồng tiếp quản và khai thác khu du lịch này với tổng số vốn đầu tư khiêm tốn khoảng 1 tỷ đồng và một dự án cáp treo đang được chuẩn bị dự án tiền khả thi. Dự án đầu tư khu Du lịch núi LangBian đã từng được cả nước biết đến qua các lễ hội "Đà Lạt trăm năm", lễ hội liên hoan "Búp sen hồng"... Về tương lai, nơi đây sẽ là một khu du lịch đa năng bao gồm tham quan, leo núi, dã ngoại, cắm trại; cùng với việc mở rộng dự án đầu tư các loại hình thể thao khác như: dù lượn, dù thể thao, cáp treo. Ngoài loại hình du lịch thể thao dã ngoại còn có thể tổ chức du lịch chuyên đề nghiên cứu khoa học về động thực vật, nghiên cứu dân tộc học, bảo tồn và khai thác nền văn hóa cổ truyển các dân tộc bản địa. Ngoài tiềm năng phát triển du lịch của tiểu vùng khí hậu ôn đới, huyện Lạc Dương có một tiểu vùng khí hậu nhiệt đới giáp giới tỉnh Đắk Lắk với độ cao trung bình khoảng 500m so với mặt biển. Nơi đây có một trữ lượng lớn nước khoáng tự nhiên. Nhiệt độ đo trực tiếp tại nguồn phun tự nhiên bình quân từ 60 độ C đến 70 độ C hàm lượng khoáng cao, phù hợp cho sản xuất công nghiệp và chữa bệnh. Năm 1996, Ngân hàng Việt Hoa (TP HCM) đã được Bộ Công nghiệp cấp phép thăm dò nguồn nước khoáng tự nhiên này. Tuy nhiên, hệ thống giao thông chưa cho phép khai thác ở quy mô công nghiệp và chữa bệnh nên dự án này cũng còn ở dạng chờ đợi. Có thể nói Lạc Dương là một địa bàn có tiềm năng rất lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Theo đánh giá của ngành Du lịch Lâm Đồng, khoảng 50% du khách đến Đà Lạt đều có nguyện vọng đến Lạc Dương. Hiện nay, các tour du lịch ở các thành phố lớn trên cả nước khi thiết kế chương trình đến Đà Lạt đều có điểm dừng ở Lạc Dương (đặc biệt là chinh phục núi Langbiang: văn hóa cồng chiêng và thăm làng dệt thổ cẩm Bnơr C). Hiện nay, xã Lát đã có 3 đội văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách vào ban đêm theo yêu cầu của các hãng du lịch trên cả nước. Du khách trong và ngoài nước đến với Lạc Dương ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của Lạc Dương hãy còn bỏ ngỏ, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa thật hoàn chỉnh và đặc biệt là nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế. Lạc Dương rất mong muốn các đối tác trong và ngoài nước đến và cùng khai thác những tiềm năng lớn mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. NGUYỄN VĂN HÙNG Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương |
|||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |