Trang trước || Mục lục || Trang sau |
|
ĐÀ
LẠT THÀNH PHỐ RAU VÀ CÂY TRÁI |
|
Không
ít người gọi Đà Lạt là "nhà mát" là "kho lạnh" dự trữ
khổng lồ của xứ sở mặt trời. Song cái lạnh ở Đà Lạt khác hẳn
cái lạnh miền ôn đới, hàn đới cũng không giống cái lạnh của
Sa Pa, Tam Đảo, Hà Nội... cái lạnh ở Đà Lạt là cái lạnh tạo
nên sự mát mẻ thoải mái, giúp cho tuổi thọ và thời gian sinh trưởng
của cỏ cây kéo dài, giữ cho hoa lâu tàn, cho lá xanh tươi, cho
con người thảnh thơi trong bầu không khí tốt lành. Nhiệt độ ôn
hòa, kết hợp với lượng mưa vừa phải, ánh mặt trời rực rỡ
quanh năm, đất đai giàu có và màu mỡ tạo cho Đà Lạt những
triển vọng to lớn để xây dựng thành vùng chuyên canh rau, hoa và
cây trái phục vụ nhu cầu tiêu dùng to lớn ở trong nước và xuất
khẩu.
Ngoài
thông và hoa, các vườn rau cũng là cảnh trí đặc sắc nên thơ
góp phần làm đậm thêm bức tranh tuyệt mỹ do thiên nhiên và con
người khắc họa nên cho Đà Lạt. Không chỉ ở ngoại vi mà ngay
trong các khóm phường nội thị, trong vườn rau và hoa và cây trái
san sát xen nhau. Rau trải dài theo các thung lũng, vắt ngang các sườn
đồi. Những luống cải bắp màu xanh mốc chạy vòng vèo theo đường
bình độ, kế tiếp những luống cà rốt đỏ tươi xen màu lá xanh
non, hoa su-lơ trắng tròn như những đĩa xôi đầy ụ lèn giữa chùm
lá xám xanh. Lớp này kế tiếp lớp kia chạy suốt từ lưng chừng
ngọn đồi thoai thoải chạy dài xuống bờ suối tạo thành những nấc
thang dài khoảng mười lăm,
hai mươi mét cắt ngắn các sườn đồi. Đồi nọ nối tiếp đồi
kia, rau, hoa và cây nối nhau liền liền đua nhau khoe sắc, khoe màu
tươi tốt. Mỗi sáng mỗi chiều chăm bón, tưới tắm cho rau, nhìn
những luống rau mỡ màng, mỗi ngày mỗi xanh tốt phổng phao, vươn
lên rực rỡ hồn hậu đáng yêu như gương mặt trẻ thơ khiến cho
lòng người rộn ràng một niềm tin yêu khôn xiết. Thiên nhiên,
con người và cuộc sống bỗng hiện lên tươi đẹp lạ thường. Phút
chốc mọi nỗi nhọc nhằn đều tan biến hết chỉ còn đọng lại sâu
đậm một niềm vui khó tả.
Trồng
rau đã trở thành ngành sản xuất truyền thống của Đà Lạt. Nó
phát triển cùng với sự phát triển của thành phố. Cội nguồn của
nghề trồng rau ở đây gắn kết sâu đậm từ những kinh nghiệm
được hun đúc qua bao
đời của nghề rau làng Láng, Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá - Hà Nội.
Từ một làng rau ở ấp Hà Đông, với diện tích rất ít ỏi buổi
ban đầu chừng vài, ba chục hecta nhằm thực nghiệm và cung cấp
rau tươi cho các quan thuộc địa người Pháp đã phát triển ra
nhiều nơi khắp các trang ấp. Giờ đây rau xanh Đà Lạt
đã cung cấp cho các tỉnh miền Nam.
Rau
là một mặt hàng tươi sống, cồng kềnh, khó bảo quản và tốn
nhiều công vận chuyển. Đường từ Đà Lạt về Sài Gòn khá xa, dài
trên 300km, lại chuyển đổi qua hai vùng khí hậu hoàn toàn khác
nhau. Nhiệt độ ngày giữa hai vùng thường chênh nhau 10độ C, có
khi chênh tới 15độ C. Đưa rau từ một vùng cao mát mẻ xuống một
vùng nóng bức, làm sao giữ cho rau khỏi thối rữa, dập nát là cả
vấn đề. Chỉ cần một ách tắc nhỏ đủ làm cho hàng chục tấn
rau đổ đi mỗi ngày. Năm 1976, năm được mùa bắp cải đồng thời
cũng là năm rau bị ứ đọng và thối rữa nhiều vô kể. Có ngày
phải đổ đi hàng ngàn tấn rau. Cũng vì vật chẳng mấy khi rau
Đà Lạt được đưa đến thẳng tay người dùng mà thường phải
vòng qua nhiều khâu trung gian, giữa chủ xe, chủ thầu với các nhà
buôn lớn, nhỏ đủ hạng, đủ cỡ. Bởi vậy giá bán cuối cùng
đến tay người dùng thường đắt lên gấp tư năm đến mười lần
so với giá gốc tại Đà Lạt.
Cách
thức làm rau ở Đà Lạt không giống Hà Nội. Người Hà Nội sản
xuất rau chủ yếu bằng cách sử dụng thế mạnh về sức lao động dồi
dào của mình. Mọi công việc từ khâu làm đất đến trồng tỉa
chăm bón đều là lao động thủ công. Trên những mảnh vườn nho
nhỏ xinh xinh trong các làng ven sông Tô Lịch, quanh hồ Tây, người
nông dân Hà Nội sử dụng nhuần nhụy những công cụ thô sơ như
cày, bừa, cào cuốc... Họ bón cho rau chủ yếu bằng phân chuồng,
phân bắc, nước tiểu có kết hợp phần nào với đạm, lân, kali.
Việc tiêu thụ rau, đưa rau ra thị trường cũng bằng đôi vai, bằng
xe đạp thồ. Ai đã từng sống ở Hà Nội hẳn không quên những cô
gái bán rau làng Láng, Ngọc
Hà, Nghi Tàm, Mai Động. Những nét mặt trái xoan làn da trắng mịn
hồng lên dưới vành nón nghiêng nghiêng, chân bước thoăn thoắt
theo đà nhịp chiếc đòn gánh trên vai. Những cô gái nổi tiếng
là mau mắn nhưng cũng khá chanh chua. Từ sớm tinh mơ, khi tiếng gà
gáy đầu eo óc trong thôn ngõ, trong cái thầm lặng của cảnh đêm
chưa tàn đã rậm rịch không khí một ngày mới đang bắt đầu. Các
bà, các cô tíu tít kĩu kịt nào cải bắp, cải xanh, nào su lơ,
su hào, nào cà chua, cà rốt, bí bầu. Mùa nào thức nấy từ các
nẻo đường ngoại ô xăm xăm chạy về các chợ.
Còn
ở Đà Lạt lại khác hẳn. Cái mà Hà Nội dư thừa thì lại chính
là chỗ thiếu nhất của Đà Lạt: Đà Lạt thiếu sức lao động.
Để tận dụng thế mạnh về đất đai, về những điều kiện tự nhiên,
về nghề trồng rau của mình, Đà Lạt phải sớm tận dụng con
đường cơ giới hoá và hiện đại hóa. |
|