Trang trước || Mục lục || Trang sau |
|
VƯỜN
BÍCH CÂU VÀ NHỮNG LOÀI HOA QUÝ |
|
Men
theo bờ hồ Xuân Hương đi dọc đường Trần Quốc Tuấn, vượt qua
chiếc cầu, từ đó nước hồ chảy vào suối Cam Ly, vòng bên phải
lần theo đường Nguyễn Thái Học và tiếp đó là đường Bà Huyện
Thanh Quan, đi miết lên phía bắc, vườn Bích Câu nằm cạnh một
con suối nhỏ kẹp giữa hai ngọn đồi. Một bên là đồi Sân Cù,
cao 1.508 mét và bên kia, ngọn đồi khác cao 1.503 mét. Trên đồi
lúp xúp những lùm cây nhỏ xen một vài khóm thông thưa và đây
đó những mảng rừng xanh còn sót lại. Vườn Bích Câu nằm chênh
chếch ở chân đồi, nơi có con suối nhỏ đổ vào hồ.
Vườn
không rộng lắm nhưng có bao nhiêu là hoa đẹp. Bước vào công
viên, dọc hai bên lối đi là những luống hoa Tú Cầu. Nó còn những
tên gọi khác nôm na nhưng nghe rất hấp dẫn: hoa Bút Tiên, hoa Mâm
xôi đang mùa nở rộ. Loài hoa, luôn thay đổi màu sắc có bông rất
to. Mỗi bông là cả một chùm hoa lớn đến nỗi chiếc cành trở thành
quá mảnh mai cứ chao đảo hoài trước mỗi làn gió thoảng. Dưới
ánh sớm ban mai, những cụm hoa chen chúc làm sáng cả một mẩu vườn
trông cứ như những nạm ngọc long lanh muôn ngàn tia sáng hồng, sắc
tía. Tú cầu vừa rực rỡ muôn màu lại vừa mộc mạc đậm đà tràn
đầy một sức sống tiềm tàng của nhựa đất, hương trời. Không
phải chỉ có ở vườn Bích Câu mà Tú Cầu còn được trồng ở
nhiều nơi: trong mỗi vườn, tại các câu lạc bộ. Hoa trồng trong
các chậu cảnh đặt trước phòng khách của ủy ban, của Ty nông
nghiệp, Chi cục thống kê, khách sạn Đà Lạt, Palace, Duy Tân, Ngọc
Lan v.v... Tú Cầu được trồng rất nhiều ở trước nhà ga. Có lẽ
không đâu bằng Đà Lạt, tú cầu được trồng rất nhiều và đẹp
đến thế!
Men
theo một lối đi nhỏ, qua khỏi những căn nhà xinh xinh, có lẽ là
nhà đón khách, núp bóng dưới rặng cây Hồng trà, một loại cây
cảnh giống như cây liễu lả lướt xõa làn tóc mềm mại buông dài
gần chấm đất đung đưa trước gió. Chẳng hiểu vì đâu loại cây
này lại được gọi là "Hồng". Nom nó thật quá xa lạ với các
loại Hồng mà ta thường gặp. Một dàn Mống rồng đầy hoa, chìa
những cành vàng rực phe phẩy như vẫy gọi như mời chào du khách
đừng vì quá vội đến khu vườn chính mà quên sự có mặt của
chúng. Và lạ thay người nào đi qua cũng nâng khẽ cành hoa đưa
sát vào mũi thơm nhẹ đài hoa rồi khẽ khàng buông cành rảo bước.
Nhìn hoa lòng tôi chạnh nhớ tới mấy câu trong bài thơ ? Hoa Mống
rồng mùa thu? của Võ Thanh An:
"Lại
nhớ nhau khi mỗi lúc thu về
Náo nức con đò
Náo nức bờ đê
Dòng nước xoáy cuốn theo bao bèo bọt
Hoa Mống rồng chín ở đâu mà thơm như mít mật
Hơn một lời thề hoa lại đến dâng hương..."
Trong
vườn, những luống hoa dăng hàng thẳng tắp. Nào Trà Mi, Thông xà,
nào Lồng đèn, Đỗ Quyên, nào Hồng, nào Cúc, Thược Dược, Lay-
dơn, Xác pháo, Cốt mốt, Păng xê v.v.. Không sao kể xiết! Có những
tên hoa nghe rất lạ: Britgit Bac dot, Vanda, Parisbii, Odorata, Côcơlicôv.v..
Côcơlicô mảnh mai óng ả, sắc hoa vàng tươi nom rất đẹp mắt
chỉ nhìn thấy hoa đã những muốn nâng niu. Còn hoa Xu xi ở đây
thì có đến mấy loại khác nhau. Có loại cánh đơn màu vàng nhạt,
có loại màu đậm hơn cánh kép. Có những loại vừa mới nhập vào
ta từ đất nước xa xôi. Đến đây hoa hòa nhập ngay với cuộc sống
tốt lành của cao nguyên, đang đua sắc cùng bao loài hoa khác. Mỗi
luống là một dòng hoa tất cả đều vươn cành khoe sắc. Thật khó
có thể phân biệt được hoa nào đẹp hơn hoa nào. Tôi chợt nảy
ra ý nghĩ so sánh và hỏi người bạn đi cùng:
-
Anh thích nhất loại hoa nào?
-
Bây giờ thì tôi chỉ thích có được bông Hồng vàng kia để tặng
chị - Anh bạn tôi nói đùa và đưa tay chỉ mấy khóm hồng phía
trước. Cô bạn gái đi cạnh, nghe vậy cũng góp vui: - còn em chỉ
thích Hồng nhung, màu sắc của nó mới thắm rực làm sao. Tôi bỗng
nhớ tới một câu phương ngôn không biết đọc được ở đâu ?
Về sắc đẹp và khẩu vị không nên tranh cãi hơn thua?. Còn ở
nước ta, Nguyễn Du cũng đã nói lời bất hủ ? Người buồn cảnh
có vui đâu bao giờ?. Nghĩ vậy nên tôi bỏ ý định tìm hiểu
xem hoa nào đẹp nhất. Quả vậy, tùy lứa tuổi và tùy tâm trạng
ở mỗi lúc mỗi nơi mà người ta chọn để trao gởi cho nhau hoa này
hay loài hoa khác. ở Hà Nội đã trở thành tục lệ, trong ngày cưới
chú rể tặng cô dâu bó hoa Lay-dơn trắng. Khác với Hà Nội, ở Sài
Gòn, Đà Lạt... cô dâu lại thích ôm bó Hồng bạch kết tua dài.
Còn nếu như ở Hà Nội, các cụ coi việc sưu tầm hoa Phong Lan là
niềm vui của tuổi già thì ngược lại ở Đà Lạt phần đông các
cụ thích trồng và ngắm Địa Lan. Hoa Hồng biểu tượng của tình
yêu và sắc đẹp được giới thanh niên ưa chuộng hơn cả. Còn các
cụ thích Cúc và Lan. Không biết tự bao giờ mà nhân dân ta từ
nam lên bắc bắc đều dùng hoa Huệ phúng viếng ma chay. Trong các
đền chùa cổ kính, trên các bàn thờ tổ tiên bên cạnh bát hương,
lư trầm bao giờ cũng có bó Huệ trắng trong một màu thanh khiết,
hương thơm dịu, hắt hiu, gợi niềm nhớ tiếc dến nao lòng.
Ở vườn Bích Câu, Thông xà, Trà mi trồng
thành hàng. Hai loại cây này nghe đâu phải mất mười lăm, hai mươi năm mới
cao được một, vài mét. Bán rất đắt tiền. Một bồn hoa, những người chịu
chơi, dám bỏ hàng trăm "đô" để mua cho các quý phu nhân. Thường ở những
nhà khách lớn và nơi giao tế người ta phải mua một chục ngàn đồng một gốc
Hồng trà hoặc Bạch trà để trang trí. Lần đầu tiên ở Đà Lạt tôi được biết
loại Trà mi đỏ. Còn Hồng thì có đến năm, bảy loại khác nhau: Hồng nhung,
Hồng đào, Hồng phấn, Hồng bạch và thật dến ngỡ ngàng khi đứng trước vẻ đẹp
lạ lẫm của những bông hồng đen, hồng tím. Có ai đó vừa ngắm hoa vừa thích
thú ngâm nga, ghép thêm vần cho bài thơ "Thơ
xuân nói chuyện hoa" của Tế Hanh:
"Không
chỉ có hoa hồng - hồng
Mà
còn hoa hồng - đỏ
Còn
nữa hồng - trắng sữa
Còn
nữa hồng - vàng
Vẫn
còn... còn nữa.
Đà
Lạt còn có hồng - xanh
Hồng
- tím
Hồng
- đen"
Ở Việt Nam ta, có lẽ hồng nhung được ưa chuộng hơn cả.
Hồng nhung Đà Lạt vừa to bông, hương thơm dịu. Mỗi ngày lễ, tết,
mỗi bông giá hàng trăm đồng. Hồng vàng cũng đẹp lắm. Chả vậy
mà vẫn thường nảy ra những cuộc tranh luận: hồng nhung và hồng
vàng hoa nào dẹp hơn? Khách châu Âu thường chọn mua hồng vàng.
Sắc màu vương giả, thanh
cao của nó thường gợi niềm quý mộ. Còn hồng bạch ít khi thiếu
mặt trong lễ cưới. Nó được dùng để kết vòng cho các cô dâu
và cài lên ngực áo các chàng rể mới. Ở châu Âu người ta gọi
hồng bạch là "Maries" có nghĩa là "cô dâu" là "hoa cưới".
Trước đây, riêng hồng mỗi năm bán thu về hàng chục triệu dồng,
đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các gia đình trồng hoa. Chẳng
biết đã có ai may mắn được dịp so sánh hoa hồng Đà Lạt với
những bông hồng thuộc "xứ sở hoa hồng" hay chưa? Có điều chắc
chắn nếu xét riêng về thời khí và đất đai của Đà Lạt, thì
những đều kiện trồng hồng ở Đà Lạt không thua kém về bất cứ
phương diện nào so với Bungari. ở đây còn một loài hoa nữa rất
lạ mắt và đẹp gọi là cây lễ bạn. Trên chiếc cành rất thẳng,
tròn vươn cao những chiếc lá hình lưỡi mác giống như một chùm
sáng xanh tia ra các phía. Dưới vòm lá có năm bông hoa quây tròn,
chúc ngược lên màu đỏ rực. Mỗi bông hoa có sáu tràng hoa đỏ,
hằn lên đều đặn những dường gân mảnh màu vàng tươi tựa những
chiếc đèn chùm bóng kính đỏ vàng. ở phần đáy phủ một lớp lông
tơ màu huyết dụ có dính điểm ở những chấm sáng tròn lung linh
như những ánh sao nhỏ xíu. Một chùm nhụy hoa vươn dài phóng ra
tia vàng làm cho nhành hoa trở nên lộng lẫy rực sáng như cả bảy
sắc cầu vồng đều quy tụ tại đây, trên một nhành hoa.
|
|