Trang trước Mục lục Trang sau  

Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong công tác bảo vệ thực vật đối với cây chè là cần thiết. Tuy nhiên bên cạnh đó, nó còn gây ra những tác động tiêu cực như tăng giá thành, ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm chè và môi trường sống. Chính vì thế, sử dụng thuốc trừ sâu trên chè sao cho hợp lý là một vấn đề cấp thiết.Đề cập tới vấn đề này, các tác giả đã đưa ra những khuyến nghị xác đáng, mà chúng tôi cho rằng trong công tác bảo vệ thực vật ngành chè cần quan tâm.
 

1. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU HÓA HỌC TRÊN CHÈ

ối với cây chè, sâu hại chủ yếu cần phải phòng trừ hiện nay gồm bọ xít muỗi (Helopeltis sp), rầy xanh (Chlorita Flavescens), bọ cánh tơ (physothrips setiiventris), nhện đỏ (Metatetrany- chus bioculatus). Việc sử dụng các loại thuốc hóa học để bảo vệ cây chè với qui mô ngày càng lớn và tốc độ ngày càng nhanh. Mức sản xuất thuốc trừ dịch hại phát triển không ngừng, đặc biệt ở các nước phát triển (không những sử dụng trong nước mà còn bán sang các nước đang phát triển). Chỉ riêng nhóm thuốc lân hữu cơ hiện nay đã có hàng trăm loại. Trên chè, trong những năm qua đã dùng chủ yếu là nhóm thuốc lân hữu cơ và Carbamat như Wofatox, Bassa, Bi 58, Monitor, Nuvacron, Dimicron, Kelthane... Từ năm 1990 trở lại đây phần lớn chuyển sang dùng nhóm thuốc Peretroit, kết hợp dùng Padan, Trebon.

Trong quá trình mở rộng diện tích trồng chè (có vùng đã lên tới 500- 700ha), cùng với việc thâm canh tăng năng suất, cân bằng sinh học một phần bị phá vỡ, sâu bệnh trên chè ngày càng tăng, mức độ phá hại ngày càng lớn, dẫn đến xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc hóa học.

2. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU TRÊN CHÈ HIỆN NAY

Trong điều kiện hiện nay, công tác bảo vệ thực vật đối với cây chè cần giải quyết theo hướng sau:

Không sử dụng các loại thuốc hóa học bền vững như Monitor, Wofatox, Kelthane, 666, DDT, Thiodan, Nuvacron, Dimicron, Kindane. Thay vào đó sử dụng các loại thuốc ít bền vững hơn, đảm bảo sau khi sử dụng, chúng bị phân hủy thành sản phẩm đơn giản trong thời kỳ sinh dưỡng của cây và không tồn dư trong sản phẩm chè.

Thay thế thuốc có độ độc tố cao bằng thuốc ít độc với người và động vật máu nóng. Ngoài độ độc cấp tính, cần chú ý đến tác động lâu dài ở nồng độ thấp đối với người và động vật. Đặc biệt cần chú ý mức dư lượng thuốc cho phép tối thiểu theo qui định của FAO trong sản phẩm chè sau khi chế biến.

Cần xây dựng một bộ thuốc mới trên chè bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, đặc biệt là xuất khẩu. Hiện nay nên sử dụng các loại thuốc nhóm Peretroit như polytrin, Karate, Sherpa. Nhóm thuốc này có hiệu lực tiêu diệt sâu hại nhanh, ít độc, thời gian phân hủy nhanh (sau phun 7 ngày, chè có thể hái được). Song cần chú ý là nhóm thuốc này nhanh gây kháng thuốc đối với rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi và sâu ăn lá khác, vì vậy không nên dùng quá 2 lần phun liền nhau. Một điểm nữa là nhóm thuốc này thường hay gây bùng nổ số lượng sâu hại sau khi dùng nhiều lần, đặc biệt là nhện đỏ và nhện trắng trên chè. Do đó, trong 1 năm chỉ dùng vài lần khi sâu hại thành dịch nặng, sau đó chuyển sang dùng thuốc khác như Padan, Trebon, comite (nên dùng luân phiên các loại thuốc này).

Thuốc Padan đã được dùng để trừ sâu tơ hại rau cải ở Đà Lạt từ năm 1972, sau đó được dùng để trừ sâu đục thân và cuốn lá lúa; sâu trên đậu đỗ, rau, chè, táo, cam, chanh, hồng. Thuốc có thể thấm sâu vào mô thực vật nên giết được sâu đục thân lúa, trừ được những sâu xâm nhập về sau.

Trên chè, thuốc padan được sử dụng để trừ rầy xanh, bọ cánh tơ và nhóm sâu ăn lá như sâu róm, bọ nẹt, sâu cuốn búp, sâu chùm, sâu kèn. Khi sử dụng Padan trên chè, hàm lượng nước trong búp chè giảm nên búp chè có màu xanh vàng, phù hợp với tiêu chuẩn búp chè tươi. Các nước trồng chè ở đông Nam á và châu Phi đều dùng Padan để trừ sâu trên chè như một loại thuốc chính. Padan là loại thuốc trừ sâu sinh học, ít độc đối với người và động vật máu nóng, hiệu lực trừ sâu cao ngay cả đối với những loại sâu đã kháng thuốc khác.

Nhiều năm qua các xí nghiệp chè đã áp dụng hình thức khoán đến người lao động. Việc làm đó gây ra tình trạng không quản lý được việc sử dụng các loại thuốc cấm sử dụng trên chè, làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng chè. Chủ trương của Tổng công ty chè Việt Nam trong việc thành lập các tổ phun thuốc trừ sâu tại các xí nghiệp để khắc phục tình trạng này là hoàn toàn đúng đắn.

Những qui định về thời gian cách ly khi hái chè cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm chè.

3. NHỮNG BIỆN PHÁP CẦN THIẾT NHẰM TĂNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU TRÊN CHÈ

a. Phải hết sức tiết kiệm thuốc, chỉ sử dụng khi cần thiết. Kịp thời dập tắt dịch bệnh khi chúng mới phát sinh, tránh tình trạng để phát thành dịch bệnh mới dùng thuốc, khi đó sẽ tốn nhiều thuốc và hiệu quả thấp.

b. áp dụng hệ thống phòng trừ tổng hợp trên chè (trong đó có cả biện pháp hóa học). Chú ý bảo vệ các thiên địch của rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ... trên chè. Luân phiên sử dụng các loại thuốc, không nên chỉ dùng một loại thuốc cho một loài sâu từ đầu đến cuối năm. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc đã cấm trên chè.

c. Phải có những qui định cụ thể về thời gian cách ly của từng loại thuốc khi sử dụng trên chè và cần chú ý tới mức sử dụng thuốc mà FAO đã qui định.

d. Xây dựng các lực lượng chuyên trách, các đội phòng trừ sâu bệnh để hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các loại thuốc đã cấm.

PTS. NGUYỄN VĂN HÙNG
VŨ THẾ DÂN

Viện nghiên cứu chè

Biên tập: Đặng Ngọc Bảo

  Trang trước Mục lục Trang sau