Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau  

Lâm Đồng hiện nay, là một tỉnh có nhiều thành phần dân tộc.

Các dân tộc đó nói theo hai hệ ngôn ngữ: Mã Lai - Đa đảo và Môn-Khơme. Thuộc hệ ngữ thứ nhất gồm người Churu và một ít người Raglai; thuộc hệ ngữ thứ hai, có người Mạ và các nhóm Kơho (Srê, Chil, Lạt, Nộp, Cờdòn).

I. VÀI NÉT VỀ SINH HOẠT KINH TẾ - XÃ HỘI CỔ TRUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA TỈNH LÂM ĐỒNG

Các dân tộc ít người tỉnh Lâm Đồng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt. Nhưng do môi trường địa lý và tác động xã hội của mỗi vùng có khác nhau nên ngành trồng trọt ở từng nhóm có những nét riêng biệt.

Các nhóm sinh sống trên những vùng núi cao, vùng xa xôi hẻo lánh có điều kiện tiếp xúc với các dân tộc khác như người Chil, người Mạ, Cờdòn v.v... đốt rừng làm rẫy là phương thức canh tác chủ yếu. Các nhóm khác cư trú tại những địa bàn tương đối bằng phẳng có nhiều điều kiện thuận lợi để giao lưu với miền xuôi như người Churu, người Srê, người Lạt thì làm ruộng nước là nguồn sinh sống chímh của họ.

Các dân tộc canh tác nương rẫy thường sống du canh, du cư trên những sườn núi cao thuộc cao nguyên Lang Biang và Di Linh như người Chil, hoặc sống bán định cư như người Mạ thuộc lưu vực sông Đạ Đơng...

Hàng năm vào tháng giêng, họ mang heo, gà tới nhà chủ rừng (Tombri) để cúng lễ chọn rừng. Và chừng vài ngày sau, ngưới ta phát những mảnh rừng đã chọn. Phát rẫy là một lao động của tập thể theo tập quán tương trợ (66) lẫn nhau giữa các gia đình.

Cuối tháng ba, đồng bào tiến hành đốt rẫy và vào thượng tuần tháng tư, khi mùa mưa bắt đầu, công việc gieo hạt được thực hiện. Đây là các khâu công việc của từng gia đình. Khi lúa hoặc bắp đã mọc được vài ba lá, họ dựng hàng rào để bảo vệ rẫy và làm cỏ độ vài lần rồi đợi mùa thu hoạch...

Người Mạ, người Chil thường suốt lúa bằng tay và hạt lúa được mang về các kho riêng của từng gia đình. Tuy gọi là "riêng" như vậy, song đồng bào vẫn thường san sẻ số lương thực và thực phẩm dự trữ của mình cho nhau một cách rất tự nhiên, nghĩa là gia đình này thiếu thì cứ việc lấy của gia đình khác mà dùng, không có khái niệm vay hoặc trả. Tập quán tương trợ đó bắt nguồn từ những tàn dư còn rơi rớt lại của chế độ phân phối trong các công xã nguyên thủy (67) có từ thời rất xa xưa của lịch sử xã hội loài người.

Do phương thức canh tác, hình thức cư trú và chế độ phân phối như vậy, đất đai là tài sản chung của mọi thành viên trong làng. Ai cũng có quyền chiếm hữu và hưởng những sản phẩm do lao động của mình làm ra. Nhưng quyền sở hữu đất đai công cộng đó được biểu hiện qua những người đại diện do dân làng cử ra như chủ làng (Kwang bon) hoặc chủ rừng (Tombri). Họ cùng với các gia trưởng (pôhiu) có nhiệm vụ hướng dẫn hoặc phân phối vùng đất canh tác cho từng gia đình...

Với phương pháp đốt rừng làm rẫy, công cụ sản xuất còn thô sơ, (tiêu biểu là gậy chọc lỗ) sản phẩm xã hội còn ít ỏi, chế độ tư hữu ít có điều kiện phát triển, các quan hệ huyết tộc còn rất nặng nề...

Các nhóm trồng lúa nước, thường sống thành từng làng tương đối ổn định như người Churu vùng Đơn Dưong (Dran), người Srê ở Di Linh và người Lạt ở các thung lũng thuộc cao nguyên Lang Biang. Ruộng lúa, thường nhờ vào nước mưa hoặc nguồn nước từ các mương phải nối liền với các nhánh sông ngọn suối trong vùng mà họ đã dày công xây dựng.

Khoảng tháng năm, đồng bào tiến hành cày ruộng và tới tháng bảy, việc gieo lúa được bắt đầu. Theo phương thức canh tác cổ truyền, người ta chỉ sạ lúa, chứ không phải cấy mạ như người Kinh. Sạ xong, đồng bào để cho cây lúa và cỏ dại mọc chen nhau um tùm trên mặt ruộng cho tới ngày thu hoạch...

Khác với nhóm làm rẫy, đồng bào ở đây gặt lúa bằng liềm: gặt xong lúa được đập ngay tại ruộng và quy tắc phân phối, sử dụng sản phẩm xã hội vẫn còn lưu giữ những nét tương tự như đã nói ở trên. Tuy nhiên, ở các nhóm canh tác ruộng nước, những yếu tố của chế độ tư hữu đã bắt đầu nảy nở ở một chừng mực nhất định...

Cùng với trồng trọt trên rẫy và trên ruộng, chăn nuôi gia đình là một sinh hoạt kinh tế phổ biến của các dân tộc bản địa. Bằng cả hai hình thức: thả rong và chuồng trại, đồng bào ở địa phương thường nuôi các loại gia súc như: trâu, bò, dê, ngựa và đôi khi một vài con voi. Đối với các nhóm canh tác trên rẫy, trâu bò không phải dùng để cày bừa mà là để làm lễ hiến sinh; các nhóm canh tác trên ruộng, các gia súc đó đã được sử dụng làm sức kéo. Tuy nhiên, chúng vẫn thường xuyên bị giết thịt một cách rất "oan uổng" trong nhiều lễ nghi nông nghiệp hết sức tốn kém của họ.

Cũng như chăn nuôi, nghề thủ công gia đình là một hoạt động kinh tế quan trọng ở tất cả các nhóm địa phương. Nghề rèn, nghề đan lát đồ dùng gia đình bằng mây, tre là những nghề tương đối phổ biến. Một vài nghề khác như nghề dệt vải, làm thuyền độc mộc, nghề làm gốm... là những nghề mang tính chất đặc thù của từng vùng, từng nhóm hoặc từng dân tộc. Ví dụ người Mạ là một dân tộc nổi tiếng về nghề dệt vải bằng tay, tuy năng suất còn thấp, song vải của họ bền với những hoa văn trang trí rất hài hòa và đẹp mắt chứng tỏ một sự tinh tế và năng khiếu thẩm mỹ nhất định của đồng bào các dân tộc ít người...

Ngoài các hoạt động kinh tế nói trên, trong những khoảng thời gian rảnh rỗi, đồng bào địa phưong thường dùng nỏ săn bắn các loại thú rừng, dùng lao hoặc câu bắt cá ở sông, suối và thu nhặt những sản vật sẵn có của thiên nhiên như mộc nhĩ, nấm hương và các loại rau rừng v.v... Những sinh hoạt kinh tế không thường xuyên và phụ thuộc đó, là tàn dư của loại hình kinh tế săn bắt, hái lượm - tiền thân của loại hình kinh tế sản xuất nói trên.

Thích ứng với loại hình kinh tế đó, các dân tộc ở đây thường cư trú theo từng đại gia đình và cộng đồng làng (len) theo huyết thống...

Đại gia đình do nhiều thế hệ hoặc các gia đình nhỏ hợp thành. Tùy theo trình độ phát triển kinh tế và hoàn cảnh xã hội của từng dân tộc, sau ngày cưới, người chồng đến ở bên đại gia đình của người vợ hay ngược lại. Trong trường hợp thứ nhất con cái sinh ra theo họ phía mẹ; ở trường hợp thứ hai, con cái theo họ phía cha.

Với hai chế độ cư trú như vậy gọi là đại gia đình mẫu hệ, và đại gia đình phụ hệ. Tuy ở một vài trường hợp cá biệt, các gia đình nhỏ đã hình thành, nhất là ở các nhóm làm ruộng, song nhìn chung, trong cơ cấu xã hội cổ truyền của các nhóm địa phương, chế độ đại gia đình vẫn là hình thức phổ biến nhất, đó là các tổ chức cơ sở để tạo thành cộng đồng làng (len) truyền thống.

Về mặt địa lý, làng (bon) là một khoảng đất rộng độ vài ba cây số vuông, trên vùng núi cao hoặc dưới các thung lũng. Giữa các làng có những đường "ranh giới" rõ rệt, đó là con sông, ngọn suối hoặc đỉnh đồi... do các chủ làng bàn bạc quy định với nhau và cứ thế lưu truyền từ đời này qua đời khác. Về mặt xã hội, làng là một công xã thị tộc, nghĩa là mọi người trong làng đều có quan hệ huyết thống rất gần gũi với nhau. Đặc biệt ở các nhóm làm rẫy, làng của họ có khi còn là một công xã gia đình, cả làng cư trú trong một mái nhà duy nhất dài độ bốn năm chục thước. Ví dụ, làng Bơxu (Bơsur) của người Mạ ở xã Đạ Tẻ, huyện Đạ Huoai hiện nay.

Đứng đầu làng là chủ làng (Kwang bon). Đó là một người đàn ông khỏe mạnh, có một độ tuổi nhất định, Điều quan trọng hơn hết là phải hiểu biết phong tục tập quán của làng và của cả dân tộc mình. Ông còn là một người có tài ăn nói, có kinh nghiệm sản xuất, chiến đấu và được mọi người trong làng kính nể. Chủ làng hoặc chủ đất có một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là việc quản lý toàn bộ đất đai, rừng núi, sông, suối thuộc phạm vi làng mình.

Về quyền lợi, chủ làng cũng như mọi người lao động khác, ông ta phải tự lao động để nuôi sống bản thân và gia đình... Nhưng về tinh thần người chủ làng có một uy quyền tuyệt đối đối với mọi thành viên trong làng, những lời khuyên bảo của ông ta được mọi người chấp hành nghiêm chỉnh, ai trái lệnh chủ làng là coi như người đó đã tự mình lìa bỏ cộng đồng làng. Bên cạnh chủ làng, chủ đất, còn có thầy cúng và các gia trưởng v.v... Họ thường được gọi là "tầng lớp trên" trong xã hội truyền thống của các dân tộc bản địa. Sự phân biệt này chủ yếu dựa vào sự khác nhau chút ít về tư liệu sinh hoạt như chiêng, ché, hoặc mức thu nhập lúa gạo do những nguyên nhân: sức lao động và kinh nghiệm sản xuất tạo nên, chứ không phải do kết quả của sự bóc lột đối với người khác.

Với phương pháp đốt rừng làm rẫy hoặc canh tác ruộng nước một cách còn thô sơ cùng với chăn nuôi và nghề thủ công gia đình, bon làng là những đơn vị kinh tế - xã hội mang tính chất tự túc, tự cấp biệt lập với nhau. Nó là những sợi dây vô hình trói buộc con người vào những phong tục tập quán cổ truyền hết sức lạc hậu và là nguyên nhân kìm hãm sự phát triền đối với các dân tộc sống lâu đời tại địa phương.

II. NHỮNG BIẾN ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI Ở VÙNG DÂN TỘC LÂM ĐỒNG TRONG THỜI KỲ THỐNG TRỊ CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN CŨ VÀ MỚI

Sau khi bình định xong nước ta, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt.

Đối với vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng ngay từ đầu, chúng chú ý thực hiện nhiều cuộc điều tra, thám sát về mọi mặt chuẩn bị cho việc khai thác những đất đai màu mỡ tại đây.

Năm 1930. Trung tâm Nông học được thiết lập tại Bảo Lộc, nhằm nghiên cứu khả năng trồng cây công nghiệp, nhất là trà và cà phê ở Lâm Đồng. Bọn thực dân đã khuyến khích các sĩ quan trong quân đội viễn cảnh hồi hưu ở lại Việt Nam cùng các nhà tư bản trồng trọt Pháp đầu tư vốn vào việc khai thác đồn điền.

Lợi dụng những đặc điểm về kinh tế - xã hội, cụ thể là chế độ sở hữu công cộng về đất đai và rừng núi với quyền uy tuyệt đối của tầng lớp chủ đất, chủ làng. Bằng các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ như quà cáp, biếu xén đối với một số người thuộc "tầng lớp trên", các nhà tư bản Pháp đã tiến hành việc cướp đoạt đất đai, nương rẫy của đồng bào các dân tộc ít người để lập nên những đồn điền trà, cà phê và biến họ thành những người làm công cho chúng. Trong đợt điền dã tại làng Minh Rồng Srékăng, một người Mạ đã kể lại với chúng tôi rằng vào năm 1945, một người Pháp đã đem biếu chủ đất K'Đung một thùng rượu, ít cá khô để xin một mảnh đất nhỏ ươm trà. Dần dần ông ta đã chiếm đoạt toàn bộ đất đai nương rẫy của các làng người Mạ tại đây để lập nên đồn điền Minh Rồng rộng 300 ha và biến họ thành những người làm công trong đồn điền của chủ... Tại các đồn điền khác thuộc Lâm Đồng như: Cầu Đất, Trảng Bia, Đăngrếch, Bunbê (Boulbet), Sôven (Chauvel), Đạ Bin, Tứ Quý v.v... trên 6.120 ha đất đai, nương rẫy của đồng bào các dân tộc bản địa đã bị bọn tư bản đồn điền tước đoạt. Một số đồng bào các dân tộc ít người do mất hết phương tiện làm ăn sinh sống đã phải vào làm công tại các đồn điền tư bản kể trên. Ví dụ, đồn điền trà, cà phê Sôven (Chauvel) có 510 người Mạ, đồn điền Bunbê có 200 người Mạ và người Kơho, một đồn điền cà phê của Pháp tại Di Linh đã có bốn làng người Kơho với hơn 600 nhân công làm việc và cư trú tại đây v.v... Và tại tất cả các đồn điền trong tỉnh đều có mặt những công nhân các dân tộc ít người.

Với sự phát triển của các đồn điền tư bản chủ nghĩa, hàng ngũ công nhân các dân tộc ít người ngày một tăng, sự phân công lao động đã xuất hiện (lao động giản đơn và lao động kỹ thuật) chứng tỏ khả năng lao động của đồng bào các dân tộc ít người ở đây là đa dạng.

Công nhân lao động giản đơn ở đồn điền hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Họ phải làm việc quần quật từ 11 đến 12 giờ trong một ngày. Số người lao động như vậy chiếm một tỷ số rất lớn trong toàn bộ nhân công làm việc trong các đồn điền tư bản. Ví dụ, tháng 11 năm 1972, tổng số nhân công tại đồn điền Sôven là 312 người, trong số đó có tới 134 phụ nữ và 78 trẻ em dưới độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ trên 2/3. Tại các đồn điền tư bản khác cũng có hiện tượng tương tự. Đó là một thủ đoạn bóc lột dã man của các nhà tư bản đồn điền đối với công nhân các dân tộc ít người ở địa phương...

Một số công nhân thuộc các dân tộc ít người do sự nỗ lực học tập của họ và sự đào tạo của chủ tư bản, đã trở thành những người lao động có kỹ thuật, lao động gián tiếp như: các cai ký, kỹ thuật viên chăm sóc trà, lái xe, thợ máy kéo, y tá, giáo viên v.v... Một điều đáng lưu ý là trong những năm sống dưới chế độ Mỹ-ngụy, một số công nhân các dân tộc ít người bị chủ lợi dụng và mua chuộc bằng đồng lương, quà cáp, hoặc được giúp đỡ về tiền vốn, phân bón, hạt giống để họ tự khai phá những vùng đất xung quanh các đồn điền làm nên các nương trà tư hữu của mình. Chẳng hạn, vùng xung quanh đồn điền Minh Rồng, thuộc xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lộc có tới trên 142 hộ người Mạ vốn là những người làm công tại đồn điền đã có những nương trà thuộc sở hữu của mình. Tại làng Minh Rồng Srékăng với tổng số 58 hộ, đã có 46 hộ người Mạ có nương trà riêng. Một số người đã mua sắm máy cày, phân bón để phát triển các vườn của họ. Ví dụ: ông K'Bờrút (K'Bruk), một cai ký đồn điền đã có 9 hecta trà riêng và một chiếc máy cày loại lớn; K'Diêm có một ô tô dùng để chở thuê trà tươi đi bán tại các cơ sở chế biến trà trong tỉnh, K'Ben, K'Mol cũng đã có đến bốn năm hecta trà v.v...

Tuy nghề trồng trà của đồng bào các dân tộc ít người ở địa phương đã phát triển đến một chừng mực nhất định, song những vùng chuyên canh đó vẫn là một nền sản xuất nhỏ lẻ thuộc vào giới tư bản đồn điền về tiền vốn, phân bón và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các nhà tư bản đã biến họ thành những lực lượng lao động thường trực để khai thác đồn điền khi cần thiết. Đó là một thủ đoạn bóc lột tinh vi đối với công nhân các dân tộc ít người trong các khu vực đồn điền ở đây.

Việc xuất hiện một đội ngũ những người công nhân đồn điền với sự phân công lao động rõ rệt (lao động giản đơn và lao động kỹ thuật) và những vùng chuyên canh trà, là những yếu tố mới trong đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng . Và đó cũng là một đặc điểm cần chú ý trong giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc ít người ở địa phương.

Cùng với những biến đổi trong vùng đất cây công nghiệp của các đồn điền, ở các vùng khác cũng diễn ra những biến động khá sâu sắc.

Từ những năm 1960 trở đi, để giành lấy quần chúng các dân tộc nhằm biến họ thành hàng rào che chở và nguồn nhân lực bổ sung vào đội quân đánh thuê của chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ-ngụy đã dùng máy bay, xe quân sự, bom, đạn và chất độc hóa học triệt hạ hàng trăm làng mạc, cướp, giết hết trâu bò, lương thực và gom dân vào các trại tập trung, các "ấp chiến lược" ven các tiểu khu, chi khu quân sự, đường giao thông và các thị trấn, thị xã miền núi.

Tại Bảo Lộc và Di Linh, chúng đã dồn hơn 4.000 đồng bào Kơho và Mạ v.v... vào trại tập trung Bắc Ruộng, dồn 33 làng người Nộp (68) vào các "ấp chiến lược" ven thị trấn Di Linh và hơn 30 bon Srê thuộc xã Đinh Trang Thượng vào các ven lộ 20 v.v... ở Đơn Dương, Đức Trọng (Tuyên Đức cũ ) gần 7.000 người Churu bị dồn vào các ấp Kađơn, Kađê, Karái v.v... thuộc các xã Tutra I và Tutra II... Hơn 15.000 đồng bào Chil thuộc các làng cũ như Bonrờm, Conđố, Xiếtmé, Đạté, Liêngbông v.v... Trên những sườn núi cao vùng Đông Bắc cao nguyên Lang Biang, bị chúng dồn về các "ấp chiến lược" quan trọng dọc theo lộ 20, 21B như: Đạme, Đambao, Bờnông-rếch, R'chai, Suối Thông A v.v... Thuộc các xã N'thôn Hạ, Đại Đờn, Đinh Văn, Phú Hội, Thạnh Mỹ và một số xã ấp gần thành phố Đà Lạt.

Cho tới cuối năm 1973, trên địa bàn toàn tỉnh gần 80.000 đồng bào các dân tộc phải sống trong các "ấp chiến lược" của Mỹ-ngụy.

Trong các hàng rào kẽm gai và hố chông mìn của chúng, sáng từ 7, 8 giờ đồng bào mới được mở cổng cho ra, và chiều vào khoảng 3 - 4 giờ đã bị nhốt lại. Nơi ăn chốn ở của họ chật chội và thiếu vệ sinh, vì vậy trong các "trại tập trung", các "ấp chiến lược" vùng các dân tộc ít người các bệnh dịch tả, sốt rét xẩy ra liên miên, có nơi có lúc chỉ trong vòng một tháng trời đã chết hàng chục mạng người như ấp 16, ấp 17, ấp Đạdôn, Đạcun...

Sống trong các trại tập trung đó, đồng bào các dân tộc ít người không được làm rẫy ở xa. Đã thế, chúng còn cho tay chân theo dõi, khống chế và kìm kẹp. Đại đa số nông dân lao động các dân tộc địa phương đã mất hết nưong rẫy, ruộng đồng và phải sống trong đói nghèo cùng cực. Con em của họ hầu hết bị bắt lính, bị sung vào lực lượng dân sự chiến đấu do Mỹ trực tiếp huấn luyện, số còn lại phải làm tề, điệp và phòng vệ dân sự, cầm súng địch đàn áp lại đồng bào mình...

Đó là những tội ác của Mỹ-ngụy đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trước ngày giải phóng.

Đi đôi với chính sách đàn áp, khủng bố, đế quốc Mỹ sử dụng các thủ đoạn lừa bịp, mị dân bằng kinh tế.

Lợi dụng trình độ phát triển và kinh tế - xã hội còn lạc hậu, nhất là cuộc sống thiếu thốn của họ trước đây, tại một số "ấp chiến lược" điển hình như: Đạme, Suối Thông A thuộc vùng Chil, KaĐơn thuộc vùng Churu và Kaminh thuộc vùng Srê v.v... Bằng cái gọi là "chương trình viện trợ kinh tế", Mỹ đã cung cấp phân hóa học, thuốc trừ sâu, máy cày, máy bơm, máy xát gạo... cho nông dân các dân tộc...

Với các phương tiện đó, một bộ phận các dân tộc ít người ở các địa điểm nói trên đã thay đổi phương pháp canh tác cổ truyền của họ. Trên những địa bàn cư trú mới, họ đã sử dụng phân hóa học, làm rẫy định canh, họ còn làm cả ruộng nước với những biện pháp thâm canh mới. Ngoài lúa, ngô và cao lương họ bắt đầu trồng các loại cây chuyên canh khác như: đậu xanh, đậu nành, su su, cải bắp, hành tây, áctisô, bơ và các loại cây ăn quả khác. Nhiều nông dân khá giả đã chở sản phẩm của họ bán tại Sài Gòn, Nha Trang, Phan Rang và các thị trấn, thị xã miền núi, hoặc trực tiếp bán cho lực lượng quân sự Mỹ có mặt tại địa phương. Tại vùng Đơn Dương, một số nông dân Churu đã bàn tới việc tổ chức các hợp tác xã của những người trồng trọt trên quy mô 3.000 hội viên v.v...

Bằng các nguồn thu thập mới, cộng thêm các tài sản cổ truyền (69) tích lũy từ lâu đời như: Chiêng, ché, trâu, bò, dê, ngựa... Đến nay cũng biến thành tiền đã làm cho một số nông dân trở thành khá giả. Nhiều người đã tậu thêm ruộng đất, mua sắm máy móc, phân bón để tiến hành kinh doanh nông nghiệp...

Những biến đổi đó đã dẫn tới hiện tượng ruộng đất và máy móc dần dần lọt vào tay một số người có quyền lực trong hệ thống chính quyền và thần quyền dưới chế độ thực dân mới. Ví dụ ở ấp Đạme, vùng người Chil, ông xã trưởng Ha Dơi có 5 hecta ruộng đất, ấp trưởng Ha Gim có 3 hecta và một xe vận tải; các mục sư Ha Siêng, Ha Phang, Ha Mung, Ha Xô B, Ha Đang v.v... Đều có trên 4-5 hécta ruộng đất và các máy cày loại lớn (69), trong khi đó Ha Thing, Ha Phang... Là những người Chil cùng ấp có từ 5 đến 10 người ăn mà không có nổi 2 sào ruộng đất. Tại Đơn Dương, các viên chức ngụy quyền cấp huyện như: Tu Prông Hiu, Ya Biên, Ya Yú v.v... Đã chiếm đoạt nhiều đất đai, rừng núi của đồng bào Churu và Kơho; các viên chức thấp hơn như: ấp trưởng Ya Ngang đã có 5 hecta ruộng, 2 máy cày, 1 máy xát gạo. Ở ấp Ka Minh thuộc vùng Srê đã sử dụng thường xuyên 7 chiếc máy cày lớn trong nông nghiệp v.v...

Đó là một chính sách lừa mị nhằm lôi kéo nông dân các dân tộc ít người tỉnh Lâm Đồng để củng cố vùng thống trị của Mỹ-ngụy.

Sự lừa mị đó là một mặt thể hiện ở chỗ các công cụ, cơ khí chỉ tập trung tại những "ấp chiến lược" điển hình quanh các căn cứ quân sự và đường giao thông quan trọng của chúng, còn phần lớn tại các địa điểm khác đồng bào các dân tộc ít người vẫn sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Mặt khác, các phương tiện hiện đại đó càng làm tăng thêm sự lệ thuộc của các dân cư sống trong ấp chiến lược với chủ nghĩa thực dân mới. Đó là những hậu quả nặng nề ở các ấp chiến lược trong các dân tộc ít người ở địa phương sau ngày giải phóng...

Tuy vậy, với việc sử dụng các công cụ sản xuất mới đã làm cho sản phẩm lao động trong xã hội ngày càng tăng, các đơn vị kinh tế tự túc, tự cấp trong xã hội cổ truyền bị phá vỡ, chế độ tư hữu và những yếu tố kinh tế hàng hóa đã phát sinh và phát triển đến một mức độ nhất định sự chi phối của quan hệ huyết tộc được nới rộng, chế độ đại gia đình dần dần tan rã, và gia đình nhỏ ra đời và ngày càng trở nên phổ biến trong các "ấp chiến lược" thuộc các vùng dân tộc tỉnh Lâm Đồng...

Với việc thành lập các đồn điền tư bản chủ nghĩa. Các "trại tập trung" và các "ấp chiến lược" nói trên đã làm cho cơ cấu bon làng trong vùng các dân tộc ít người có một sự biến đổi sâu sắc. Nếu như trong xã hội cổ truyền, làng là một công xã thị tộc, hoặc là một công xã gia đình, thì dưới chế độ thực dân mới, làng của họ mang tính chất của một đơn vị hành chính hiện đại. Làng gồm nhiều buôn (nhiều làng cũ), nhiều nhóm và nhiều dân tộc có phong tục tập quán và trình độ phát triển xã hội khác như cùng cư trú. Làng Đạ Me gồm Bon Rom, Xiết Mé, Đạ Tẻ, Liêng Bông v.v... của người Chil, người Thái và người Kinh Làng Suối Thông A, gồm các bon (làng cũ) như: Đa Ka (Đa Kar), Giơng Lô (Djơng Lô), Liêng Bông, Đờ Roông (D'roog) của người Chil, người Tơring, người Srê, người ?đê, người Khơme, người Kinh và người Mỹ lai. Làng Ka Đơn, gồm có bon: Sơmai, Trắclét (Terllet), Bờlác (Bơlah), của người Churu, người Raglai, người Nùng và người Việt. Làng trong đồn điền Bun Sê, có các buôn của người Mạ, người Nộp, người Srê, người Cơdon... Nhiều làng cũ (Bon) bị xé lẻ thành nhiều bộ phận, cư trú tại các địa điểm khác nhau. Làng Liêng Bông của người Chil thuộc vùng Đông Bắc Cao nguyên Lang Biang, dưới thời Mỹ-ngụy, làng bị chia xẻ làm ba bộ phận: một số bộ phận dân cư bị dồn về Đạ Me, một bộ phận cư trú tại Suối Thông A, và một bộ phận thuộc các xã ấp ven thành phố Đà Lạt v.v...

Sự đảo lộn toàn bộ địa bàn cư trú, cơ cấu của làng đã làm cho uy quyền của một số chủ đất, chủ làng dần dần giảm sút, một số khác cùng các con cháu của họ bị Mỹ-ngụy mua chuộc đã trở thành những người nằm trong guồng máy thống trị của chúng như: các nghị viên, "hội đồng sắc tộc", quận trưởng, quận phó, xã trưởng, ấp trưởng và các mục sư, thầy giảng trong nhà thờ Tin lành. Đó là tầng lớp có nhiều đặc quyền, đặc lợi, gắn liền với chủ nghĩa thực dân mới.

Với những biến đổi trong sinh hoạt kinh tế và cơ cấu xã hội trong vùng các dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, nhất là chủ nghĩa thực dân mới đã dẫn đến những khó khăn về mặt chính trị và tư tưởng trên con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội tại vùng nông thôn dân tộc tỉnh Lâm Đồng.

 

III. NHỮNG BIẾN ĐỘNG XÃ HỘI Ở VÙNG DÂN TỘC LÂM ĐỒNG SAU GIẢI PHÓNG

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nguồn cung ứng vật tư, tiếp liệu của Mỹ không còn nữa, các máy móc thiếu nhiên liệu và phụ tùng thay thế. Các công cụ thủ công và sức kéo trâu bò hầu như đã bị tàn phá trong các đợt càn quét trước đây. Với tình hình đó, trong một thời gian đầu các cơ sở sản xuất tại các "ấp chiến lược" và các đồn điền trước đây hầu như bị đình trệ. Lại thêm thiên tai, hạn hán, mất mùa gây nên cảnh đói rét, bệnh tật trong vùng các dân tộc ít người vào những ngày đầu vừa được giải phóng.

Lợi dụng hoàn cảnh đó, bọn Fulrô (71) đã cấu kết chặt chẽ với một số ngụy quân, ngụy quyền trước đây, nhằm thực hiện âm mưu hậu chiến của Mỹ. Một mặt, chúng kích thích vào ý thức tư hữu của một số nông dân khá giả để tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa xã hội; gây chia rẽ giữa đồng bào Kinh và đồng bào Thượng, giữa lương và giáo; gieo rắc tâm lý khâm phục, hàm ơn và trông chờ sự trở lại của Mỹ. Tại một số đồn điền, các cai ký xúi giục, lôi kéo công nhân các dân tộc ít người bỏ việc làm về chăm sóc các nương trà riêng. Ở các "ấp chiến lược" cũ, một vài nông dân khá giả đã cất dấu các phụ tùng máy kéo, vì không muốn bỏ những cỗ máy của mình vào các tập đoàn sản xuất. Họ suy tính, ngần ngại trước con đường tập thể hóa nông nghiệp v.v... Mặt khác, chúng tung một số phần tử xấu chui vào các tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng ở cơ sở đễ phá hoại cách mạng từ bên trong, lôi kéo một số thành niên chạy ra rừng bổ sung vào lực lượng phản cách mạng...

Cùng với những hoạt động phá hoại về mặt chính trị, chúng dùng cả lực lượng vũ trang đột nhập vào các xã ấp, bắt cóc và ám sát cán bộ cơ sở của ta để hù dọa và gây hoang mang trong quần chúng...

Trước tình hình đó, chính quyền cách mạng của nhân dân đã kịp thời trấn áp bọn phản động Fulrô và phát động quần chúng các dân tộc ít người đứng lên hành động cách mạng. Các đội công tác liên ngành, liên cơ quan đã xuống tận các cơ sở sản xuất cùng với đồng bào các dân tộc ít người xây dựng cuộc sống mới. Tại các đồn điền trà, cà phê trước đây, công nhân đã trở lại tiếp tục làm việc. Nhiều tổ đoàn kết, nhiều tập đoàn sản xuất và các hợp tác xã cấp cao liên dân tộc (72) đã được thành lập. Các ngành nghề mới đã được xây dựng như ngành khai thác quế, nhựa thông, rễ thông, ngành trồng rừng v.v... Trên cơ sở đó, đời sống của đông đảo nhân dân lao động các dân tộc ít người dần dần ổn định. Họ bắt đầu nhận ra âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bản chất giai cấp phản động của bọn Fulrô, nhiều bà con đã mạnh dạn tố giác bọn phản động lén lút nằm vùng và kêu gọi con em của mình trở về sum họp cùng với gia đình, thôn xóm.

Với bản chất lao động cần cù và sáng tạo, với truyền thống đoàn kết tương trợ nhau trong sản xuất và chiến đấu chống ngoại xâm, các dân tộc ít người tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua những khó khăn trước mắt cùng với các dân tộc anh em trong cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, loại trừ tận gốc mọi âm mưu của chủ nghĩa thực dân và thế lực phản động quốc tế đã và đang lợi dụng những hạn chế về mặt chính trị, tư tưởng trong vùng dân tộc ít người để tiến hành chiến tranh tâm lý gây hiềm khích giữa các dân tộc, nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm lược của chủ nghĩa bá quyền đại Hán và các thế lực đế quốc đối với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước Việt Nam.

NGUYỄN VĂN DIỆU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHÚ THÍCH

(66) Tập quán vần công tương trợ này người Mạ gọi là "Tom ốp".

(67) J.UI Sê Mê-Nov- Về hình thái khởi thủy của các quan hệ kinh tế-xã hội nguyên thủy. Dân tộc học Xô viết 2.1977.

(68) Nộp và Srê là những nhóm địa phương của người Srê.

(69) Theo điều tra điền dã của chúng tôi, giá trị các tài sản ấy qui thành tiền là :

-1 đồng la lớn giá 500.000đ (cũ)

- 1 đồng la nhỏ : 50.000đ (cũ)

- 1 trâu lớn : 100.000đ (cũ)

- 1 ché cổ : 30.000đ (cũ)

Số tiền này dùng mua sắm máy móc và các phương tiện kinh doanh nông nghiệp tại các "ấp chiến lược" điển hình nói trên.

(70) Ở thôn Đa Me có các máy cày hiệu Massey Ferguson 135 loại 45 mã lực và 75 mã lực. Ở ấp Suối Thông A có 3 loại máy cày: Loại Massey Ferguson 135 của Mỹ; Loại Someca 750 của Mỹ và loại Joh Deere (75 mã lực) của Mỹ.

(71) Fulrô là một tổ chức phản động trong các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

(72) Hợp tác xã Nam Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, có cả người Kinh và người Kơho.

 

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau