ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT |
ằm trên cao nguyên Lang Biang, trước đây Đà Lạt là vùng rừng núi hoang vu, rải rác một vài buôn làng người Thượng. Qua 100 năm xây dựng và phát triển, Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch với nhiều dáng vẻ của châu Âu.
Ấn tượng tốt đẹp đã để lại trong lòng du khách khi đến thăm Đà Lạt là: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc, môi trường, những đặc sản rau, hoa, quả và con người.
Đà Lạt bước vào năm 2000 với định hướng: trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa và phát huy thế mạnh đặc sản vùng ôn đới, hàng thủ công, tiểu thủ công nghiệp.
1. ĐÀ LẠT TRUNG TÂM DU LỊCH VÀ NGHỈ DƯỠNG
1.1 Sơ lược về sự phát triển du lịch Đà Lạt
Vào năm 1893, cao nguyên Lang Biang đã ghi vào ký ức của Bác sĩ Alexandre Yersin với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Năm 1897, toàn quyền Paul Doumer mong muốn tìm địa điểm để xây dựng một trạm nghỉ dưỡng ở vùng cao có không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, Yersin đã giới thiệu vùng cao nguyên Lang Biang. Từ đó, Đà Lạt bắt đầu một bước ngoặt lịch sử cho đến ngày nay.
Trong thời kỳ đầu, nhiều phái đoàn nghiên cứu quân sự, y tế, công chánh đã khảo sát cao nguyên Lang Biang, sau đó người ta bắt đầu xây dựng những cơ sở hạ tầng cho một trạm nghỉ dưỡng.
Năm 1907, xây dựng một lữ quán đầu tiên bằng gỗ cho khách vãng lai, tiền thân của Khách sạn Hồ (Hôtel du Lac). Từ năm 1914 đến 1918, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Trước yêu cầu nghỉ dưỡng của người Âu ở Đông Dương, các công trình xây dựng được tiếp tục đầu tư: Langbian Palace (1916), nhà máy điện, dưỡng viện thừa sai (1918), trường học Nazareth, bưu điện, kho bạc, nhà máy nước (1920), Hôtel du Parc (1922).
Từ năm 1923 đến 1940 tốc độ xây dựng đựơc đẩy nhanh, Đà Lạt bắt đầu thật sự chuyển mình thành một thành phố nghỉ mát với 427 biệt thự (năm 1939) và 3 khách sạn lớn: Langbian Palace có 30 phòng sang trọng và hiện đại, Hôtel du Parc có 70 phòng, khách sạn Desanti gồm nhiều nhà nhỏ nằm rải rác ven bờ hồ, nhà lớn nhất mang tên Hôtel du Lac. Bệnh viện, trường học, hệ thống điện nước, đường sá cơ bản hoàn thành. Năm 1935, Công ty du lịch được thành lập, tháng 12.1936 xuất bản sách giới thiệu du lịch ở Đà Lạt và vùng ven, viết bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Hà Lan, phổ biến rộng rãi khắp Viễn Đông.
Từ năm 1940 đến 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra, du khách đổ xô lên Đà Lạt, thành phố được mệnh danh là "thủ đô mùa hè". Mỗi năm toàn quyền Decoux làm việc ở đây 6 tháng. Đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt của kiến trúc sư Lagisquet được triển khai nhanh chóng. Số biệt thự được xây trong vòng 5 năm bằng 30 năm trước, đến năm 1945 vượt qua con số 1.000. Số du khách tăng từ 1.729 (4.1940) lên đến 2.610 người (4.1944).
Năm 1947, đường hàng không Đà Lạt được khởi công, hoàn thành năm 1948, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Từ năm 1954 đến 1975, các biệt thự, khách sạn, trường học, cơ sở nghiên cứu, chùa, nhà thờ... tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, đã tạo cho sinh hoạt văn hóa Đà Lạt ngày càng đa dạng. Năm 1961, Đà Lạt trở thành mục tiêu của chương trình cổ động du lịch "Viếng thăm Đông Dương" của Nha quốc gia du lịch. Lúc này, ở miền Nam có 3 nơi du lịch là Nha Trang, Vũng Tàu và Đà Lạt. Nhưng về nghỉ mát, chỉ có Đà Lạt là nơi yên tĩnh nhất.
Từ năm 1975 đến nay, thành phố Đà Lạt được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch đối ngoại của cả nước và nằm trong 3 tuyến của 16 tuyến du lịch cấp quốc gia. Theo dự án VIE 89.003, Tổ chức du lịch quốc tế (OMT) đã xác định Đà Lạt là hạt nhân du lịch của vùng số 3, một trong 4 vùng của cả nước. Trước yêu cầu của du lịch, khách sạn, nhà trọ mọc lên rầm rộ. Hiện nay, mỗi năm du khách đến Đà Lạt đã hơn 2 lần dân số và ngày càng tăng, năm 1991 có 221.177 lượt khách, năm 1992 đã tăng lên 261.305. Riêng du khách nước ngoài tăng từ 14.318 lượt khách (1991) lên 29.874 lượt khách (1992).
Như vậy, qua quá trình lịch sử, Đà Lạt được xây dựng và phát triển với mục đích không phải là trung tâm thương mại hoặc trung tâm kỹ nghệ, mà là một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng. Chức năng đó được xuyên suốt từ ngày đầu tiên xây dựng Đà Lạt đến hôm nay. Chỉ đáng tiếc, qua các giai đoạn, các chương trình, dự án đều chưa được thực hiện trọn vẹn.
Hiện nay, trước xu hướng "trở về với thiên nhiên", với phong trào "du lịch xanh" trên thế giới, trước sự phát triển mạnh mẽ về du lịch ở khu vực Đông Nam Á, và trước nhịp sống ngày càng tăng trong cả nước, trọng điểm là vùng Đông Nam Bộ (trong đó có Đà Lạt), đặc biệt là tam giác tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Lạt cần vươn lên đón bắt bước tiến của thời đại.
1.2 Đà Lạt và sự hấp dẫn của thiên nhiên
Khi đời sống công nghiệp ngày càng phát triển, vốn quý về môi trường với thắng cảnh thiên nhiên và khí hậu mát mẻ, trong lành là điều hấp dẫn nhất đối với du khách.
1.2.1 Khí hậu:
Trung tâm Đà Lạt ở 11o57 vĩ độ Bắc, với độ cao trung bình 1.500m, trong vùng nhiệt đới gió mùa, với nhiệt độ trung bình nhiều năm 18oC. Đây là điều ngạc nhiên, thích thú với du khách.
Trong những năm gần đây, nhiệt độ tối cao tuyệt đối là 31oC (2.1991), nhiệt độ tối thấp là 5,1oC (1.1977), biên độ nhiệt trung bình tháng là 3,9oC, biên độ giữa ngày và đêm là 9oC.
Nhiệt độ trung bình của Đà Lạt theo các mùa của các nước phương Tây:
- Mùa Xuân: Tháng 3 -4 -5: 18,8oC
- Mùa Hạ: Tháng 6 -7 -8: 18,7oC
- Mùa Thu: Tháng 9 -10 -11: 17,9oC
- Mùa Đông: Tháng 12 -1 -2: 16,1oC
BẢNG SO SÁNH NHIỆT ĐỘ
Nhiệt độ |
Trung bình năm |
Tháng lạnh nhất |
Tháng nóng nhất |
Hà Nội |
23,4 |
16,5 (tháng 1) |
28,8 (tháng 6) |
Huế |
25,1 |
19,7 (tháng 1) |
29,4 (tháng 6 -7) |
TP. Hồ Chí Minh |
26,9 |
25,8 (tháng 1) |
28,9 (tháng 4 ) |
Đà Lạt |
18,0 |
15,6 (tháng 1) |
19,5 (tháng 5) |
Đà Lạt có độ ẩm tương đối 85%, không khí loãng thích hợp nghỉ dưỡng (áp suất không khí bình quân 650 mmHg), thoáng gió. Sương mù tạo cho Đà Lạt một dáng vẻ riêng, thành phố như chìm trong hư ảo.
So sánh các trung tâm nghỉ mát ở Viễn Đông, Đà Lạt có nhiều ưu điểm.
|
Cao độ bình quân (m) |
Nhiệt độ (oC) |
Vũ lượng mưa bình quân năm (mm) |
Số ngày mưa bình quân năm (ngày) |
||
Tối cao |
Tối thiểu |
Bình quân |
||||
Đà Lạt (Việt Nam) |
1.500 |
31 |
5 |
18 |
1.755 |
170 |
Darjiling (Ấn Độ) |
2.006 |
29 |
3 |
12 |
3.055 |
150 |
Simla (Ấn Độ) |
2.140 |
34 |
6 |
12 |
1.780 |
99 |
Baguio (Philippin) |
1.650 |
28 |
9 |
18 |
2.100 |
195 |
Khí hậu Đà Lạt có tính chất đặc thù. Nền nhiệt tương đối ôn hòa, mát mẻ quanh năm, là tiềm năng vô cùng quí giá để phát triển thành một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng.
1.2.2 Cảnh quan tự nhiên:
Từ đồng bằng du khách đi bằng hai ngã đường bộ đến Đà Lạt sẽ cảm thấy như leo theo một "chiếc thang" lên trời xanh và sẽ cảm nhận nét độc đáo của thiên nhiên. Khi bước vào thành phố, du khách sẽ thấy ngay những dãy đồi tròn, dốc thoải lượn sóng nhấp nhô, chung quanh được bao phủ bởi các dãy núi cao hùng vĩ, hướng Bắc có dãy núi Lang Biang 5 đỉnh màu xanh thẳm, đỉnh cao nhất 2.165m như một đặc trưng của Đà Lạt. Du khách ưa thích leo núi, ngắm cảnh Đà Lạt từ trên tầng cao hãy đặt chân lên đó. Khi xuống núi có thể mang theo những tặng phẩm của rừng như hoa, cây cảnh làm kỷ niệm.
Du khách sẽ cảm thấy thoải mái với sinh cảnh thực vật, với những đồi cỏ, những rặng thông. Rừng thông Đà Lạt có 10 loài trong số 11 loài của cả nước. Đặc biệt có loại thông hai lá dẹp và lõa tùng (Psilotum nudium), một hecta rừng thông hàng năm sinh ra lượng oxy bằng ba lần rừng cây lá rộng. Rừng Đà Lạt còn là nguồn tài nguyên về cây cảnh, lan rừng, dược thảo, nơi trú ngụ của các loài động vật như cọp, nai... Ngoài cảnh quan ra, rừng Đà Lạt cũng là nơi có thể tổ chức để nghiên cứu khoa học, điền dã, thảo nguyên là nơi cắm trại lý tưởng.
Dưới những đồi núi có những con sông, suối lượn quanh gặp địa hình phân cắt tạo nên vô số ghềnh thác lớn nhỏ là nơi lý thú hấp dẫn nhiều du khách. Thác Cam Ly chỉ cách thành phố chưa đấy 2 km, thác Prenn đã từng làm cảnh chính cho nhiều bộ phim, quanh vùng thác Ankrorét là những đồi cỏ mượt mà, nơi có thể xây dựng thành khu du lịch lớn. Những khu vực phụ cận thành phố còn có những thác hùng vĩ, xinh đẹp như thác Thiên Thai 7 tầng, thác Uyên Ương, thác Hang Cọp... và dọc theo quốc lộ 20 về phía Nam có thác Gougah, thác Pongour (thời Hoàng triều cương thổ được mệnh danh là "An Nam đệ nhất cảnh"), thác Liên Khương, thác Đạ Mri...
Trên cao nguyên Lang Biang còn có các mạch nước nóng ở xã Đạ Tông, cách Đà Lạt chưa đầy 50km và suối nước lạnh ở Đa Lơ Nghịt, xã Lát chỉ cách Đà Lạt 20 km, là những nơi có thể tổ chức, khai thác phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.
1.2.3 Vai trò vị trí địa lý
Thành phố Đà Lạt gần các trung tâm công nghiệp, thương mại lớn, các khu chế xuất ở miền Nam với đường giao thông thuận tiện, nên có nhiều thuận lợi phát triển du lịch.
Khoảng cách theo đường bộ Đà Lạt với một số địa phương như sau:
Đà Lạt - Nha Trang |
210km |
Đà Lạt - TP. Hồ Chí Minh |
305km |
Đà Lạt - Vũng Tàu |
387km |
Đà Lạt - Bến Tre |
408km |
Đà Lạt - Cần Thơ |
500km |
Đà Lạt - Đà Nẵng |
830km |
Đà Lạt - Hà Nội |
1.488km |
Đà Lạt - Hải Phòng |
1.385km |
Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Nha Trang có thể tạo thành một vòng du lịch khép kín, có thành phố, núi rừng và bãi biển.
1.2.4 Điều kiện vệ sinh
Môi trường tự nhiên ở Đà Lạt, mặc dầu có bị tàn phá ít nhiều do bàn tay con người, nhưng vẫn là nơi có không khí trong lành.
Nhờ có địa thế vùng cao, thảm thực vật bao phủ, Đà Lạt là nơi phát sinh của những con sông, suối cung cấp nguồn nước sinh hoạt ít bị ô nhiễm.
Đồi núi nơi đây đã tạo ra một sự yên tĩnh cần thiết cho du lịch nghỉ dưỡng.
Đà Lạt tự nó là một bảo tàng tự nhiên hấp dẫn với du khách qua các dạng hình du lịch: tham quan, dã ngoại, nghỉ dưỡng, thể thao, cắm trại, nghiên cứu khoa học... Với cảnh vật đó, bàn tay con người làm tăng giá trị hay ngược lại.
1.3 Đà Lạt và sự hấp dẫn nhân tạo
1.3.1 Cảnh quan kiến trúc
Qua các thời kỳ phát triển, kiến trúc tổng thể Đà Lạt hài hòa với thiên nhiên. Trước năm 1954, các công trình được xây dựng theo một định hướng nhất định, được điều khiển và quản lý hết sức chặt chẽ từ nội dung đến hình thức bằng những văn bản pháp lý. Tổng thể kiến trúc ở đây phù hợp với thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, thành phố trong rừng và thành phố - vườn. Các công trình kiến trúc đa dạng, thẩm mỹ tạo điều kiện hấp dẫn du khách.
Các biệt thự xây dựng trước năm 1954 mang dáng vẻ của kiến trúc châu Âu vào cuối thế kỷ XIX rất hấp dẩn với khách châu Á và gợi nhớ cố hương đối với người châu Âu.
Ở nông thôn, lối kiến trúc Việt Nam với 3 gian 2 chái, bố trí hài hòa với những vườn rau xanh tươi, tạo thành những điểm hấp dẫn.
Thấp thoáng sau những hàng cây là những ngôi chùa với những đường cong cổ kính pha nét tân kỳ của các miền đất nước, những ngôi nhà thờ, tu viện...
Đường giao thông ở Đà Lạt không chỉ là cơ sở hạ tầng đưa du khách đến các điểm du lịch, mà còn là một cảnh quan. Nếu các ngã đường bộ dẫn đến Đà Lạt đã tạo nên cho du khách biết bao cảnh đẹp, thì trong thành phố, những con đường uốn lượn, lên xuống, hoặc quanh các thung lũng cũng gây nhiều ấn tượng tốt cho nhiều người. Có những lúc đang đi dưới rặng thông thì bỗng dưng một bức tranh của thành phố được vén mở gây nhiều xúc cảm trước mặt mọi người. Thú bách bộ ở Đà Lạt cũng là một loại hình du lịch.
Các công trình hồ, đập vừa phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vừa tạo và giữ môi trường sinh thái gắn với khung cảnh thiên nhiên tạo nên nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Thung lũng Tình yêu, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng, hồ Xuân Hương... Từ đó, có thể tạo nên nhiều loại hình du lịch phong phú.
Cảnh quan kiến trúc tổng thể cùng với thiên nhiên đã vẽ nên một bức tranh tươi đẹp. Từ đó, toàn cảnh Đà Lạt làm xao xuyến lòng người.
1.3.2 Sự hấp dẫn của thành phố hoa và hàng đặc sản
Ngoài rừng, ven đường và trước nhà,... Đà Lạt lại được những bông hoa tươi thắm tô điểm. Nơi đây, có nhiều loài lan rừng lẫn lan lai tạo, hoa hồng, hoa lys, hoa glaieul,...bốn mùa hoa nở. Thú vị biết bao trước một biệt thự xinh xắn lại có vườn hoa kiểng nhiều màu sắc được cắt tỉa công phu.
Rau, quả ôn đới là niềm mong ước của du khách xứ nóng, không những là món ăn ngon hợp khẩu vị mà còn là quà biếu cho người thân sau một chuyến du lịch.
Hàng mỹ nghệ, sản phẩm thủ công của người Thượng, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng thắm tình quê hương.
1.4 Vẻ đẹp văn hóa của Đà Lạt
Cộng đồng cư dân Đà Lạt được hội nhập từ các vùng văn hóa tiêu biểu: Bắc, Trung, Nam tạo nên một phong cách riêng cho người Đà Lạt. Đó là vẻ đẹp hiền hòa, mến khách, thanh lịch đã được nhiều du khách cảm nhận.
Sự hình thành một trung tâm giáo dục trong quá khứ tạo một nét "trí thức" trong sinh hoạt xã hội của Đà Lạt.
Môi trường xã hội mang nhiều tính chất văn hóa, không có cảnh ồn ào, tất bật của thành phố công ngiệp, bầu không khí bình thản, nhàn nhã rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng.
Văn hóa của làng quê Việt Nam từ nhiều miền đất nước đã len lỏi vào Đà Lạt tạo nên những xóm làng không xa trung tâm; nếu được xây dựng, sẽ trở thành những điểm tham quan du lịch.
Ven các sườn đồi, đỉnh đồi, chùa chiền, nhà thờ và tu viện ở Đà Lạt tạo cho khung cảnh nơi đây trang nghiêm, thoát tục. Du khách lui tới để vãn cảnh, để tìm một chút gì thanh thản, tan lắng trong tâm hồn.
Văn hóa của người Thượng ở Đà Lạt nói riêng và Tây Nguyên nói chung không chỉ hấp dẫn các độc giả, mà còn là sự đòi hỏi khách quan của nhu cầu văn hóa thế giới hiện đại muốn "trở về nguồn", để tìm thấy tính nhân văn phương Đông cổ xưa.
Đà Lạt có khả năng lưu giữ nét văn hóa cổ truyền của nhiều vùng khác nhau, lại vừa là nơi dễ hội tụ để hình thành nên một nền văn hóa đa dạng.
1.5 Khả năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Lạt
Đà Lạt vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, mặc dù hiện nay một số cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Việc xác định lại vị trí "Trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng" của Đà Lạt trong những năm gần đây từ các cấp chính quyền và các tổ chức quốc tế tạo cho thành phố một bước chuyển mình. Đã có nhiều dự án và đề tài nghiên cứu liên quan đến hướng phát triển du lịch ở Đà Lạt, nhưng rất tiếc chưa có một quy hoạch tổng thể và quy hoạch du lịch.
Đối với dạng du lịch miền núi Đà Lạt, kết hợp với phong trào du lịch trên thế giới, chúng ta có thể tổ chức các loại hình du lịch:
- Du lịch tham quan: Tổ chức những điểm tham quan đa dạng, đặc sắc như: các thắng cảnh, di tích văn hóa, cơ sở nghiên cứu khoa học. Xây dựng lại một vài chiến khu cũ. Xây dựng bảo tàng dân tộc, vườn lan quốc gia, vườn thú thiên nhiên, những mô hình kinh tế vườn, làng quê Việt Nam.
- Du lịch dã ngoại, thể thao và nghiên cứu: Tổ chức thành các tuyến du lịch vào các vùng Suối Vàng, núi Bà, Tà Nung, Xuân Trường, Tuyền Lâm. Tổ chức các loại hình sinh hoạt trên các hồ. Quy hoạch vùng cắm trại, thể thao. Xây dựng bảo tàng thiên nhiên ở các vùng rừng nguyên sinh như Datanla, núi Bà.
- Nghỉ dưỡng du lịch: Chức năng của Đà Lạt ngay từ đầu khi thành lập là nơi nghỉ mát, dưỡng sức. Trong suốt quá trình phát triển, việc nghỉ dưỡng vẫn được thể hiện. Cần đầu tư sửa chữa và quy hoạch những khu biệt thự. Xây dựng mới những khu điều dưỡng, khai thác các suối nước lạnh và mạch nước nóng.
Mục tiêu phát triển du lịch miền núi cần phải có các chính sách và tổ chức:
- Bảo vệ không khí trong lành, chống bụi và chất độc.
- Bảo vệ nguồn nước sạch.
- Quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư cho các biện pháp sinh học để bảo vệ thực, động vật và môi trường.
- Định hướng cho các loại hình "du lịch xanh".
- Đầu tư cho du lịch nghỉ dưỡng.
- Tổ chức quản lý kinh doanh du lịch.
- Đào tạo nhân viên nhằm phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.
Với tiềm năng, chính sách và qui hoạch hợp qui luật chắc chắn Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của đất nước.
Từ những ngày đầu, khi người Pháp quyết định thành lập tại cao nguyên Lang Biang một nơi nghỉ dưỡng cho đến khi phát triển thành một đô thị phồn vinh, Đà Lạt đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục và nghiên cứu khoa học khá qui mô so với tuổi đời của thành phố này.
Vấn đề giáo dục ở thành phố Đà Lạt được đặt ra để đáp ứng yêu cầu chủ quan của một số người có trách nhiệm qua từng thời kỳ, nhưng bất luận họ là ai cũng bị thu hút bởi những yếu tố tự nhiên không thể nơi nào có thể thay thế được. Đó là khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, thiên nhiên tươi đẹp và tĩnh lặng. Hơn thế, do vị trí địa lý đặc biệt, Đà Lạt nằm ở gần các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của miền Nam và điều kiện giao thông tương đối thuận lợi (đường bộ, đường sắt, đường hàng không) đã góp phần cho sự hình thành trung tâm văn hóa, giáo dục và nghiên cứu khoa học của khu vực.
Vào những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ này, từ những ngôi trường Pháp rồi Pháp - Việt đầu tiên cho đến nay là một hệ thống trường học hoàn thiện từ mẫu giáo, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học và trên đại học. Đồng thời các trung tâm nghiên cứu và các cơ sở văn hóa lần lượt ra đời.
2.1
Vài nhận xét về hoạt động văn hóa, giáo dục
và nghiên cứu khoa học tại Đà Lạt
2.1.1 Giáo dục:
Trường học ở Đà Lạt cùng với sự kiến thiết đô thị được hình thành vào những năm đầu thập kỷ 20, lúc đầu chỉ mới ở cấp sơ học, tiểu học cho đến cuối thập niên 30 đã khép kín lên đến bậc trung học. Vào thập kỷ 50 và những năm đầu thập kỷ 60, nền giáo dục tại Đà Lạt lại tiếp tục phát triển thành một hệ thống nhiều cơ sở nghiên cứu đào tạo tương đối hoàn thiện (hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng giáo viên từ nhiều nguồn đào tạo đã hội tụ về đây có đủ khả năng đảm nhận công việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, sinh viên), nó được khép kín từ bậc tiểu học cho đến đại học và trên đại học trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn hóa - xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học tự nhiên và thần học.
Với hệ thống trường lớp nêu trên, trong thời Pháp thuộc, Đà Lạt đã không những có đủ khả năng thu nhận học sinh ở tại địa phương mà còn thu hút nhiều học sinh ở các khu vực khác trong nước về đây học tập. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, sự thu hút vẫn còn rất hạn chế vì bị ảnh hưởng bởi chương trình giáo dục rập khuôn theo Pháp, có chọn lựa kỹ thành phần nên chưa được mở rộng ra các thành phần cư dân người Việt.
Sau Hiệp định Genève, trong giai đoạn 1954 - 1975, hệ thống giáo dục đào tạo và nghiên cứu tại Đà Lạt rất đa dạng và tương đối hoàn chỉnh, trong đó có các loại hình trường trung, tiểu học và đại học nội trú rất tiêu biểu và khá hấp dẫn. Từ những năm 60, nền giáo dục ở Đà Lạt đã thực hiện chương ttrình giáo dục Việt Nam, mở ra những điều kiện khá thuận lợi cho con em các tầng lớp lao động người Việt học tập. Nền giáo dục của Đà Lạt trong giai đoạn này có tính đại chúng.
Về hình thức đào tạo, ngành đại học Đà Lạt trong một vài lĩnh vực đã chiếm vị trí đi tiên phong trong toàn miền Nam như Trường chính trị kinh doanh, Giáo hoàng chủng viện (Chủng viện Pio X), các đại học quân sự.
Ngoài những trường thuộc bậc trung tiểu học phổ thông, Đà Lạt còn có những trường trung học mang tính chất dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu khoa học và hệ thống thư viện đã góp phần củng cố vai trò trung tâm văn hóa, giáo dục của Đà Lạt.
Trong giai đoạn này, Đà Lạt trở thành một trung tâm giáo dục lớn của miền Nam. Nền giáo dục Đà Lạt lúc này hấp dẫn bởi những ưu thế sau:
* Không khí học đường của Đà Lạt được đảm bảo nhờ khí hậu ôn hòa, xã hội ít bị tác động bởi những biến động chính trị, quân sự..., mà các thành phố khác đang vấp phải. Hệ thống trường học dày đặc (so với tổng số cư dân) nên không khí "trí thức" của Đà Lạt trở thành lưới chắn ngăn chặn sự du nhập "văn hóa lai căng" tầm thường đang tràn ngập thị trường văn hóa lúc bấy giờ.
* Đội ngũ giáo viên có chất lượng cao là niềm tự hào của nền giáo dục Đà Lạt, làm cho sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh. Nguyên nhân của vấn đề này bắt đầu từ ý đồ của giới thượng lưu thời Pháp muốn có thầy giỏi cho con em mình đến sự lựa chọn giáo viên cho Đà Lạt trong giai đoạn sau, với các loại hình trường tư thục được mở ra tạo sự cạnh tranh và tạo sức hút các giáo viên giỏi về đây giảng dạy.
* Nhiều loại hình đào tạo hấp dẫn, phong phú cùng tồn tại nhằm đào tạo học sinh phổ thông và chuyên nghiệp, đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, sự phạm... đã làm cho ưu thế giáo dục, đào tạo của Đà Lạt được nâng cao.
Ngay từ sau ngày miền Nam được giải phóng, chính quyền đã có kế hoạch đưa những cơ sở vật chất của hệ thống trường học và các cơ sở nghiên cứu tại Đà Lạt phục vụ mục tiêu đào tạo, nghiên cứu của khu vực và của cả nước. Việc tái hoạt động của Trường đại học Đà Lạt, cùngvới sự mở thêm các trường mới như Trường trung học y tế, Trung tâm đào tạo tại chức... là sự phát triển tất yếu của nhu cầu địa phương và là sản phẩm của một nền giáo dục mới, nền giáo dục toàn dân.
Nền giáo dục mới ngày càng khuyến khích và mở rộng hệ thống thông qua chủ trương đa dạng hóa nền giáo dục tại tỉnh nhà: các trung tâm giáo dục đào tạo chính trị, quản lý kinh tế, hướng nghiệp và hành chính có chuyên môn từ bậc trung học đến đại học được thành lập. Sự nghiệp giáo dục Đà Lạt chẳng những giúp cho nhân dân địa phương luôn luôn nâng cao trình độ văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của mình mà còn góp phần đào tạo một đội ngũ chuyên viên khoa học khá quan trọng cho đất nước, đặc biệt là cho các địa phương trong khu vực phụ cận: Tây Nguyên, miền Trung và miền Đông Nam Bộ.
2.1.2 Cơ sở nghiên cứu khoa học
Trong quá khứ, Đà Lạt sớm hình thành một số cơ sở nghiên cứu khoa học của cả nước. Trước hết phải kể đến Viện Pasteur, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử (thuộc Nguyên tử lực cuộc), là những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn từ trước đến nay. Sau đó, là Nha văn khố quốc gia, Nha địa dư quốc gia, Nha nghiên cứu ngư nghiệp, Trung tâm thực nghiệm rau - hoa, chi nhánh Thư viện quốc gia, Trường Viễn Đông Bác cổ, Trường quốc gia hành chánh, Trường kiến trúc...
Sau ngày thống nhất đất nước, ngoài việc duy trì và mở rộng hệ thống trường lớp phổ thông ở các cấp tiểu học và trung học, đáng chú ý là sự tái hoạt động của Trường đại học Đà Lạt, Viện nghiên cứu hạt nhân, Viện vắc - xin, Phân viện sinh học nhiệt đới tại Đà Lạt, Cục bản đồ (nay là Xí nghiệp Bản đồ 2), Học viện lục quân, Trường cao đẳng sư phạm, Xí nghiệp giống rau... Với mục tiêu nghiên cứu, đào tạo phong phú phù hợp với quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, các cơ sở giáo dục, khoa học trên địa bàn Đà Lạt đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế xã hội của khu vực nói chung và tỉnh nhà nói riêng.
2.1.3 Các hoạt động văn hóa ở Đà Lạt
Hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Đà Lạt bản thân cũng đã hàm chứa nội dung văn hóa. Mặc khác, quá trình xây dựng Đà Lạt ngay từ ban đầu theo đồ án qui hoạch của kiến trúc sư Hébrard (1923), kiến trúc sư Lagisquet (1943), các đồ án vào thời chính quyền cũ và chính quyền cách mạng sau này nhằm xây dựng trên cao nguyên Lang Biang một công viên khổng lồ, có những công trình kiến trúc tiêu biểu như Viện đại học, Trường cao đẳng sư phạm, Viện nghiên cứu hạt nhân, Cung văn hóa thiếu nhi, Đài liệt sĩ... và hàng ngàn ngôi biệt thự với nhiều kiểu dáng độc đáo được xây dựng hài hòa với núi rừng, suối hồ tạo nên một cảnh quan kiến trúc đô thị đạt trình độ nghệ thuật và thẩm mỹ cao mà nhiều nơi khác không thể có được. Như vậy, Đà Lạt ngày nay, bản thân nó cũng là một thành phố văn hóa, chứa đựng bên trong là những hoạt động văn hóa rất phong phú.
* Nhà văn hóa thiếu nhi
Nhà văn hóa thiếu nhi Đà Lạt tọa lạc trên khuôn viên 4,5 hecta, với diện tích xây dựng khoảng 2,2 hecta, là một công trình kiến trúc khá quy mô. Đây là nơi sinh hoạt, nâng cao trình độ văn hóa, thể thao, âm nhạc, hội họa... cho lớp tuổi nhi đồng, thiếu niên của địa phương, góp phần đáng kể vào mục tiêu đào tạo lớp người kế thừa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước có kiến thức văn hóa cần thiết và kỹ năng chuyên môn nhất định...
* Nhà bảo tàng tỉnh Lâm Đồng
Đặt tại tòa nhà cổ kính trên đỉnh đồi ở trung tâm thành phố, Nhà bảo tàng sưu tập và trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị liên quan đến công sức, trí tuệ và bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân ở Đà Lạt và Lâm Đồng. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, sẽ trở thành một cơ sở văn hóa có tầm cỡ ở Tây Nguyên.
* Hệ thống phát thanh - truyền hình
Đà Lạt đã có đài phát thanh từ năm 1949, là một trong bốn đài sớm nhất của cả nước. Vào đầu thập kỷ 70, Đà Lạt đã có hệ thống tiếp sóng truyền hình (đài radar tại Cầu Đất) hiện vẫn tiếp tục được duy trì. Ngày nay, Đà Lạt là nơi được thiết trí trung tâm kỹ thuật truyền hình của tỉnh Lâm Đồng và khu vực phụ cận.
* Hệ thống dịch vụ nhiếp ảnh (kể cả nhiếp ảnh nghệ thuật) của Đà Lạt phát triển khá cao. Đà Lạt là một thành phố dân không đông nhưng trước đây đã có hàng chục buồng chụp, tráng rọi ảnh, ngày nay đã có gần mười cơ sở in tráng ảnh tự động (Minilab) và hơn 500 thợ nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Trong quá khứ, một số nhà nhiếp ảnh nghệ thuật của Đà Lạt đã được nhiều giải trong nước và quốc tế. Ngày nay, ảnh thắng cảnh của Đà Lạt gần như thường xuyên có mặt trên các sách báo lớn của cả nước.
Ngoài những sinh hoạt văn hóa, học tập, nghiên cứu khoa học, du lịch nghỉ dưỡng, Đà Lạt còn có một tiềm năng có thể khai thác, đó là Đà Lạt thích hợp cho các hội nghị, hội thảo. Trong thời gian qua, Đà Lạt có "cái duyên" là nơi được chọn để tổ chức những hội nghị chính trị và hội thảo về văn hóa, khoa học, kinh tế có tính quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như:
- Hội nghị trù bị cho Hội nghị Fontainebleau (1946).
- Hội nghị tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
- Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ Tịch (1990).
- Hội thảo phương pháp giảng dạy tiếng Pháp do Lãnh sự Pháp và Cơ quan trao đổi văn hóa Pháp với nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Trường đại học Đà Lạt tổ chức vào tháng 8 năm 1991.
- Hội thảo về quy trình bầu hiệu trưởng và công tác quản lý của các trường đại học các tỉnh phía Nam tổ chức tại Trường đại học Đà Lạt năm 1992.
- Hội thảo về kinh tế thị trường do nhóm giáo sư của Hoa Kỳ phối hợp với Trường đại học Đà Lạt tổ chức vào năm 1990 và vào tháng 7 năm 1993.
Thêm vào đó, các cơ sở kỹ thuật hạ tầng như hệ thống đường sá, nhà cửa, công trình kiến trúc tương đối hoàn thiện và hệ thống khách sạn, nhà hàng tại Đà Lạt phong phú đa dạng cũng đã góp phần tạo điều kiện cho Đà Lạt trở thành nơi hội họp, điểm giao lưu văn hóa nghệ thuật và sáng tác của các giới văn nghệ sĩ..., nơi tổ chức trại hè thanh - thiếu niên hàng năm của phong trào hướng đạo, các sinh hoạt giao lưu văn hóa của sinh viên...
2.2 Đà Lạt - một trung tâm văn hóa trong tương lai
Tuy còn khiếm khuyết ở mặt này mặt khác, nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng hoạt động giáo dục, văn hóa, nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt không thu hẹp và dừng lại trong phạm vi thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, mà trái lại ngay trong quá khứ cũng như hiện tại các hoạt động đó đã vươn rộng ra phạm vi khu vực và cả nước.
Đà Lạt trong một tương lai không xa sẽ trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực phía Nam là một khả năng hiện thực.
*
Chức năng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động văn hóa của thành phố sẽ gắn bó mật thiết với chức năng nghỉ dưỡng du lịch và sẽ bổ trợ cho nhau. Mặt khác, giữa giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng sẽ có sự gắn bó khắng khít với nhau.
Khai thác hết năng lực các cơ sở trường học hiện có, tổ chức nhiều loại hình giáo dục có tính đa dạng, tổ chức lại các cơ sở này theo hướng liên kết đào tạo với các cơ quan hợp tác quốc tế nhằm thực hiện phương pháp "du học tại chỗ" để thu hút lực lượng học sinh ở các đô thị khác trong nước về đây học tập; đồng thời tổ chức loại hình các trường nội trú, bán công, dân lập... là một sự phát triển cần thiết. Trong tương lai, Đà Lạt cũng là nơi có khả năng tổ chức được các trường học dành cho những học sinh là người nước ngoài theo gia đình đến Việt Nam công tác hay làm ăn lâu dài.
*
Với những tiềm năng "văn hóa" sẵn có, Đà Lạt sẽ có thêm những cơ sở phục vụ các hoạt động văn hóa cho nhân dân địa phương và du khách. Chẳng hạn như xây dựng các khu văn hóa dân tộc, các khu sinh hoạt thanh thiếu niên, thành lập hệ thống thư viện...
* Xây dựng khu văn hóa dân tộc
Đà Lạt là một thành phố tọa lạc ở Nam Tây Nguyên, điều kiện lịch sử khá phong phú cho phép thành lập nơi đây một truing tâm nghiên cứu và một viện bảo tàng văn hóa dân tộc. Đây là nơi tập trung, trưng bày, nghiên cứu những đặc trưng văn hóa có chọn lọc và được cách điệu của các dân tộc nói chung và các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng. Mục đích hoạt động của trung tâm này nhằm bảo tồn, củng cố và nâng cao các nghệ thuật văn hóa của cộng đồng các dân tộc của nước ta để tránh mai một. Trong đó, đặc biệt chú trọng phục hồi các ngành nghề thủ công cổ truyền như dệt vải, đan cói, đan gùi, làm các dụng cụ âm nhạc... và các nghệ thuật văn hóa cồng chiêng, các lễ hội cổ truyền và trình diễn âm nhạc có tính đặc trưng của Tây Nguyên.
* Hình thành khu văn hóa thanh - thiếu niên
Từ lâu, kể từ thời Pháp thuộc cho đến các giai đoạn chính quyền Việt Nam, tại Đà Lạt đã được thiết lập những khu vực dành riêng cho các sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, cho đào tạo, huấn luyện, giao lưu văn hóa nghệ thuật... dưới hình thức các "trại trường". Vì vậy, cần có kế hoạch tái lập loại hình văn hóa này, đồng thời cải tổ chương trình hoạt động của các cơ sở văn hóa phục vụ cho thanh thiếu niên trong tình hình đổi mới phù hợp với sự phát triển trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, nên hợp nhất các trung tâm văn hóa thanh, thiếu niên hiện nay thành một trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên. Mục đích hoạt động của trung tâm này là nơi đào tạo, rèn luyện văn - thể - mỹ có tính tổng hợp và hiện đại. Ngoài ra, nơi đây là điểm tụ hội cho lứa tuổi thanh thiếu niên trong nước cũng như quốc tế sinh hoạt và giao lưu, trao đổi về văn hóa giữa các dân tộc cho mục tiêu hòa bình...
* Tái lập hệ thống thư viện
Khi nói đến hoạt động du lịch nghỉ dưỡng hoặc đào tạo, nghiên cứu mà không chú trọng đến một hệ thống thư viện là một thiếu sót lớn. Do đó, nhằm phục vụ với chất lượng ngày càng cao nhu cầu của con người nói chung và nghiên cứu nghỉ dưỡng nói riêng, ở Đà Lạt cần phải tái lập hệ thống thư viện, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người đọc bằng những điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của nước nhà và khu vực.
*
Cần xây dựng các cơ sở văn hóa khác như nhà hát lớn, cung hội nghị có sức chứa trên 1.000 người, sân bóng đá, sân quần vợt, bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển hệ thống thông tin liên lạc trong nước và quốc tế một cách hoàn chỉnh, thành lập nhà xuất bản, tổ chức nhiều nhà sách hay hiệu sách cỡ lớn, xây dựng hệ thống thư viên lớn, ấn hành tạp chí "Văn hóa du lịch Đà Lạt"...
* Với điều kiện thiên nhiên lý tưởng, cần có kế hoạch thiết lập một trung tâm thể dục - thể thao với những điều kiện cần thiết và tương đối hiện đại về cơ sở vật chất. Chú trọng đến việc thiết trí các khu luyện tập, nhà thi đấu, trang thiết bị chuyên dùng và đặc biệt là đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, thầy thuốc chuyên khoa chữa trị các bệnh tật trong lĩnh vực này.
* Duy trì, tôn tạo và nâng cấp mở rộng các cơ sở vật chất hệ thống trường - viện - cơ sở nghiên cứu hiện có của Đà Lạt lên ngang tầm với các cơ sở có tiêu chuẩn cần thiết của các nước tiên tiến.
* Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu bằng phương pháp thu hút lực lượng nhân tài trong và ngoài nước có trình độ thích ứng về cộng tác tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Đà Lạt nhằm tạo điều kiện thu hút những sinh viên, học sinh địa phương khác trong nước và ngoài nước về đây thụ huấn, học tập và nghiên cứu... Theo kinh nghiệm về giáo dục, nghiên cứu của các nước trên thế giới, để thu hút nguồn lợi kinh tế từ lĩnh vực này, người ta đặc biệt chú trọng đến loại hình liên kết đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu học tập và nghiên cứu qua hình thức "du học tại chỗ".
* Phối hợp hoạt động của các trường - viện - cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn nhằm gắn chặt hơn nữa công tác đào tạo - nghiên cứu với đời sống văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước nói chung và địa phương nói riêng. Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, đặc biệt tại các tỉnh từ miền Trung trở vào và các khu chế xuất ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu ăn, ở của lực lượng sinh viên học sinh từ khu vực vừa nêu, ngoài những cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ cho công tác giáo dục, tại Đà Lạt nên có kế hoạch tái lập hoặc xây dựng mới các khu cư xá nội trú dành cho sinh viên, học sinh, đồng thời, có kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ có trình độ tay nghề cũng như kiến thức thích ứng cho loại hình hoạt động này.
* Mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các trường học, trung tâm nghiên cứu khoa học trong cũng như ngoài nước để từng bước đưa hệ thống trường - viện - cơ sở nghiên cứu khoa học tại Đà Lạt hội nhập vào sinh hoạt hiện đại để làm tiền đề cho Đà Lạt trở thành trung tâm hội thảo khoa học của cả nước và quốc tế trong tương lai.
*
Việc xây dựng mới các cơ sở văn hóa du lịch là rất cần thiết. Nhưng không phải chỉ có thế, vấn đề trước tiên và lâu dài ở đây chính là việc tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa du lịch. Phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của Đà Lạt, sự liên kết chặt chẽ với các địa phương bạn trong khu vực, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, cùng những chương trình đầu tư nước ngoài để phát triển nhanh các hoạt động văn hóa.
Đẩy mạnh việc hình thành trung tâm văn hóa Đà Lạt, phát huy bản sắc tốt đẹp của cộng đồng cư dân Đà Lạt vừa góp phần làm phong phú cho hoạt động văn hóa - du lịch của tỉnh và cả nước, vừa là bức rào chắn hết sức cần thiết đối với những loại hình du lịch "nguy hiểm" và văn hóa "độc hại" xâm nhập từ bên ngoài một khi tình hình kinh tế xã hội ở địa phương phát triển.
3. ĐÀ LẠT: TIỀM NĂNG SẢN XUẤT CÂY ĐẶC SẢN VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
Thiên nhiên Đà Lạt không chỉ thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch và hình thành trung tâm văn hóa mà còn tạo điều kiện để Đà Lạt sản xuất được nhiều đặc sản nổi tiếng, đặc biệt là rau - hoa - quả ôn đới, các mặt hàng tiểu - thủ công nghiệp.
Rau hoa Đà Lạt, đã có mặt trên thị trường các tỉnh lỵ miền Trung từ Huế, Đà Nẵng... dần về phía Nam, cho đến tận các tỉnh lỵ đồng bằng Nam Bộ. Vào mùa hè, miền Trung nóng bức, nhiệt độ lên tới 38oC - 39oC cộng với gió mùa Tây Nam khô nóng nhưng rau hoa Đà Lạt vẫn được phát triển, những cành hoa glaieul, lys, hoa hồng, hoa đồng tiền... từng chuyến hàng rau cải, cà rốt, sú lơ... như những sản phẩm trái mùa quý hiếm vẫn len lỏi đến tận từng gia đình. Người ta biết về Đà Lạt và nghe về Đà Lạt như một xứ sở thần tiên với khí hậu mát mẻ, rau quả tươi tốt quanh năm, nhưng số người có điều kiện để lên Đà Lạt vẫn còn ít.
Nhiệt độ trung bình Đà Lạt từ 18oC - 20oC, rất phù hợp để phát triển các giống rau - hoa - quả ôn đới. Vì vậy, từ khi đặt chân đến cao nguyên Lang Biang, người Pháp đã thiết lập Trạm khí tượng và Trại thí nghiệm nông nghiệp tại Dankia.
Về dược liệu, Đà Lạt có nhiều loài dược thảo phát triển ở vùng rừng nhiệt đới núi cao, đã cung cấp hàng năm một khối lượng đáng kể cho việc chế biến dược phẩm như: thiên môn dương, thổ phục linh, bổ cốt toái, thạch xương bồ... Các cây dược thảo khác cũng đã được trồng và phát triển tốt ở Đà Lạt như: canh-ki-na, a-ti-sô, đương quy...
3.1 Rau - hoa - quả
Từ Trại nông nghiệp tại Dankia (1898) cho đến 40 năm sau (1938), nghề trồng rau mới bắt đầu phát triển mạnh có qui mô ở vùng nội thị với sự hình thành ấp Hà Đông trên diện tích canh tác khoảng 70ha. Việc phát triển rau dần dần được tăng lên và nhân rộng ở các khu vực lân cận như Nghệ Tĩnh, Đa Thiện... Lượng rau ghi nhận được tăng từ 183 tấn (1930) lên 63.845 tấn (1971). Cho đến sau ngày giải phóng, sản lượng rau đã tăng lên 81.198 tấn (1978), nhưng do cơ chế và việc sản xuất cung ứng vật tư không kịp thời, sản lượng rau Đà Lạt đã giảm đáng kể, năm thấp nhất chỉ có 23.789 tấn (1981). Mãi đến năm 1989 (sau khi có nghị quyết 10) sản lượng mới bắt đầu tăng lên con số 40.000 tấn/năm. Ngày nay, diện tích gieo trồng đã tăng lên trên 2.000 ha với sản lượng hàng năm từ 50-60 ngàn tấn.
Trong những năm trước giải phóng (1958-1962), rau Đà Lạt đã xuất khẩu sang các thị trường Singapore, Indonesia và Hongkong, nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với các nước, do phương pháp bảo quản chưa tốt và chi phí vận chuyển lớn, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém và giá thành cao. Rau Đà Lạt dừng lại ở phạm vi nội tiêu từ Huế đến các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt nhất là thị trường Sài Gòn tiêu thụ trên 80% tổng sản lượng hàng năm. Năm 1993, Đà Lạt bước đầu tham gia xuất khẩu rau sang Nhật, Singapore.
Nếu so về quy mô với các địa phương khác trong cả nước thì sản lượng rau Đà Lạt không lớn, chỉ bằng 50% vụ Đông Xuân ở Thành phố Hồ Chí Minh (120.000 tấn) và thấp so với ngoại thành Hà Nội ở vụ đông. Nhưng rau Đà Lạt có ưu thế là phong phú về chủng loại, trải đều trong năm về sản lượng và phẩm chất có phần tốt hơn.
Phát triển sản xuất rau Đà Lạt phải dựa trên mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế nghỉ dưỡng và du lịch của thành phố, do đó cần làm thế nào để nghề trồng rau không những không làm tổn hại đến cảnh quan môi trường, mà còn tăng thêm giá trị cho ngành kinh tế này.
Để đạt được mục tiêu trên, trước tiên phải xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch phân vùng kinh tế nông nghiệp gắn với quy hoạch tổng mặt bằng kiến trúc đô thị, tạo cho đô thị một số vườn sản xuất hoa ở khu trung tâm và vùng ven như ở khóm Ánh Sáng, Đa Thiện, Thái Phiên...
Trên thế giới, thú chơi hoa mỗi nước có một đặc trưng riêng. "Vườn hoa kiểu Nhật Bản, kiểu Trung Quốc là phong cảnh hữu tình, có liễu rũ, có chim hót, có đá tảng ven dòng suối nhỏ. Ở Ấn Độ, ở Ai Cập, nhiều thành phố có công viên kiểu Nhật Bản, Trung Quốc, Công viên nước Anh thì cây cỏ dường như mọc tự nhiên, um tùm và xum xuê. Công viên nước Pháp thì hoa màu rực rỡ, cây cỏ được xén ngay thẳng"[9]. Ở Đà Lạt, dường như có sự pha lẫn đôi nét kiến trúc vườn hoa cây cảnh giữa Pháp và Trung Quốc, đã tạo nên khủng cảnh Âu - Á trên thành phố này.
Về mặt kinh tế, Đà Lạt có thể trồng đại trà các loại hoa như: hoa hồng, lyly, lys, glaiuel, cẩm chướng... vừa để sản xuất hoa cắt cành, vừa sản xuất các giống bán cho các địa phương khác. Song song với việc trồng các loại hoa trên, người trồng hoa Đà lạt còn có kinh nghiệm trong việc trồng cây kiểng (bonsai) như: trường sinh, si, bồ đề, đa... là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Việc đầu tư sưu tầm giống, chăm sóc, tạo dáng đòi hỏi công phu, thời gian kéo dài mới đạt được sản phẩm nghệ thuật xuất khẩu.
Nói đến hoa Đà Lạt, chúng ta không thể nào quên nói đến lan Cymbidium. Đây là giống hoa quý đã và đang hấp dẫn các nước trên thế giới sản xuất hoa cành xuất khẩu như ở Nhật, Hà Lan (Tổ hợp the Dutch Growers, Association KNOP), Australia... Mặc dù ở các vùng ôn đới điều kiện trồng hoa lan khó khăn và chi phí lớn hơn nhiều so với Đà Lạt, phải dùng nhà kính khổng lồ và cần một số nhiệt lượng sưởi ấm vào mùa đông, lan mới ra hoa được. Điều đáng nói là lan Cymbidium xuất khẩu của Đà Lạt chưa thấy xuất hiện ở Đông Nam Á, nói lên điều kiện thiên nhiên đặc biệt của Đà Lạt, trong đó loài Cymbidium hoang dã đã phát triển tốt. Hai loài quan trọng nhất là Cymbidium insigne (Hồng lan) và Cymbidium erythostylium (Bạch hồng) là hai loài độc đáo ở Việt Nam chỉ có ở Đà Lạt.
Hoa Đà Lạt có nhiều giống, loài. Hiện có trên 100 loại hoa nhập từ Pháp và các nước. Hoa thân mộc như: Mimosa, Anh đào, Phượng tím..., hoa thân thảo như Đồng tiền, Coquelicot, Xác pháo... tô điểm cho cảnh quan, trang trí biệt thự, khách sạn, đường phố, công viên. Hoa hồng, Glaieul, Lys... có giá trị kinh tế cao có thể xuất khẩu và nội tiêu vào các dịp lễ hội, trang trí, nhà hàng khách sạn... Phong lan và lan Cymbidium là những đặc sản của Đà Lạt. Từ năm 1978, Cymbidium Đà Lạt bắt đầu tham gia xuất khẩu sang thị trường Liên Xô, một ít qua Tiệp và Singapore, bước đầu 3.000 cành (1978), có những năm cao điểm lên trên 32.000 cành (1989 -1990) trên tổng sản lượng 65.000 cành. Đến năm 1990, do tình hình biến động ở Liên Xô và Đông Âu, thị trường hoa lan Đà Lạt chững lại, chỉ tiêu thụ nội địa và một ít xuất sang thị trường châu Á.
Vì vậy, trong tương lai, Đà Lạt cần phải đầu tư cho một số vườn hoa lan với quy mô lớn, được trồng và quy hoạch bố trí hài hòa xen lẫn cây cảnh, tạo nên cảnh quan vừa phục vụ du lịch tham quan, vừa sưu tập nghiên cứu lai tạo giống, vừa sản xuất hoa cắt cành để trở thành một trung tâm xuất khẩu hoa có tầm cỡ Đông Nam Á. Các hộ dân có điều kiện mặt bằng xây dựng mô hình sản xuất gia đình là nguồn vệ tinh cung cấp đáng kể cho nguồn Cymbidium xuất khẩu, làm cho việc sưu tập hoa ngày càng phong phú về chủng loại và lớn về sản lượng.
Như vậy, ở trung tâm Đà Lạt có còn sản xuất rau không? Về vấn đề này, cần phải xem xét kỹ lượng đến nhiều khía cạnh như: môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, thảm thực vật... Có thể vườn rau Đà Lạt theo thời gian sẽ xa dần trung tâm nội ô, nhưng việc chuyển đổi quy hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng kéo theo các vấn đề về tập quán sản xuất, đời sống kinh tế, lao động... Định hướng cho sự phát triển trên cơ sở khả thi là từ những khả năng và tiềm lực của bản thân nghề trồng rau, cộng với việc quy hoạch mở rộng các khu sản xuất ở vùng ngoại ô thành phố để từng bước đưa diện tích trồng rau ra vùng ven thành phố và mở rộng sản xuất rau ở Đơn Dương, Đức Trọng, hướng đến Đà Lạt là trung tâm sản xuất giống rau các loại để cung cấp cho nhu cầu của các địa phương khác trong cả nước.
Song song với việc phát triển rau, cần dựa trên cơ sở tăng cường chuyên môn hóa từ sản xuất đến tiêu thụ, từ kỹ thuật đến các biện pháp kinh tế, từ quy hoạch bố trí sản xuất đến chủng loại phù hợp với cung - cầu tại mỗi giai đoạn lịch sử. Vấn đề phát triển sẽ phải theo xu hướng thâm canh với đầu tư kỹ thuật để đạt chất lượng cao. Việc phát triển du lịch sẽ đòi hỏi những thực phẩm, những món ăn không dễ tìm thấy ở nơi khác với chất lượng tốt và phương pháp chế biến phù hợp. Như vậy, ưu tiên cho việc trồng trọt những loại rau đặc hữu Đà Lạt với giống, công nghệ mới phù hợp với nhu cầu và trình độ người tiêu thụ. Có chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường, sử dụng những chế phẩm sinh học trong nông - lâm nghiệp, Chương trình nâng cao chất lượng đang được Công ty sinh học hữu cơ Việt Nam tại Đà Lạt (Bio - Organics VN) thực hiện với phương án sử dụng các loại phân hữu cơ và thuốc trừ sâu vi sinh (thay vì phân vô cơ và hóa chất trừ sâu trước đây). Mức độ sử dụng hóa chất trong trồng trọt trước ngày giải phóng thấp hơn, chính vì vậy mà từ năm 1969, tạp chí Development and Resources số tháng 6 đã nhận định: "Chất lượng rau Đà Lạt đạt chuẩn rau quốc tế". Để phục hồi sản phẩm rau đạt chất lượng tiêu chuẩn xuất khẩu phải thông qua việc cải thiện giống, kỹ thuật canh tác, nhất là các giống khoai tây, cà rốt, sú lơ...
Du khách đến Đà Lạt cần thỏa mãn ước mơ nhìn thấy tận mắt những cây ăn trái đặc sản Đà Lạt. Như vậy nói đến kinh tế vườn, không thể thiếu được vườn cây ăn trái đặc sản cùng với một số cây ăn trái khác, xen lẫn hoa, cây kiểng, phong lan... để tạo nên một nông viên đặc trưng cao nguyên phục vụ cho khách du lịch tham quan. Đến đây, du khách vừa thăm viếng vừa thưởng thức những sản phẩm đặc hữu Đà Lạt bao gồm: các loại trái cây như hồng, mận, pom, đào, bơ..., các món ăn uống với hương vị cao nguyên như thỏ, thịt rừng, rượu cần... cùng với những dịch vụ bán hàng lưu niệm Đà Lạt.
Với những đặc trưng về địa hình canh tác cao nguyên (ruộng bậc thang), cần xây dựng mô hình kinh tế vườn kiểu mẫu, áp dụng các biện pháp thủy lợi hóa tưới phun tự động, vừa phục vụ sản xuất, vừa tạo cảnh trí trong vườn cây.
3.2 Tiểu - thủ công nghiệp
Cùng với việc sản xuất rau - hoa - quả, Đà Lạt còn có một truyền thống về sản xuất một số mặt hàng tiểu công nghiệp và thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm của ngành tiểu - thủ công nghiệp Đà Lạt ngoài tính chất tiêu dùng còn mang tính nghệ thuật riêng của từng địa phương như: đan, thêu, may, thủ công mỹ nghệ.
Trong thời gian qua, các ngành hàng trên đã thu hút một lượng lao động khá lớn, giải quyết một cách hữu hiệu tình trạng thất nghiệp của thành phố. Các sản phẩm của một số ngành hàng đã đạt trình độ xuất khẩu, mang lại một số ngoại tệ đáng kể. Đan thêu từ 122.943 sản phẩm với ngoại tệ thu được 538.087 RUP/USD (năm 1988) lên 301.440 sản phẩm với ngoại tệ thu được 1.078.363 USD (năm 1992). Sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn giữ ở mức trung bình 32.000 sản phẩm/năm. Hiện nay, ở Đà Lạt, ngành đan len đang được phát triển mạnh và có triển vọng, đội ngũ có tay nghề cao lên đến 2.500 người.
Về nghề thêu, sau một thời gian ngưng hoạt động, đến năm 1992, một cơ sở thêu tranh nghệ thuật với 20 nghệ nhân có trình độ bước đầu khôi phục và chuyển hướng mặt hàng, chủ yếu tập trung cho những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tuy sản phẩm làm ra không nhiều nhưng có giá trị lớn, đáp ứng được thị hiếu nghệ thuật và có khả năng xuất khẩu trực tiếp.
Về hàng thủ công mỹ nghệ, nhờ có nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng, giá cả thấp, xưa nay tranh cưa lọng và tranh chạm bút lửa là hai sản phẩm nghệ thuật tạo hình được nhiều người ưa chuộng đã có một thời thành hàng xuất khẩu sang các thị trường Đông và Tây Âu.
Ngoài những ngành hàng trên, Đà Lạt còn có khả năng chế biến hàng nông sản địa phương như mứt mận, mứt dâu, hồng khô, trà a-ti-sô...
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cộng với lực lượng tay nghề truyền thống khá lớn, Đà Lạt phù hợp với việc phát triển ngành tiểu - thủ công nghiệp. Vì vậy, cần đầu tư và có chính sách để khuyến khích phát triển.
Thị trường hiện nay của ngành đan len là Nhật, Đài Loan, Nam Triều Tiên. Trong tương lai, sẽ định hướng phát triển sang thị trường các nước châu Âu và khu vực lân cận.
Đà Lạt là thành phố có nền kinh tế chưa phát triển, lại là khu vực du lịch chưa định hướng đầu tư trong tương lai. Do vậy, việc phát triển các loại hình sản xuất nhỏ trong công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn là công nghiệp hiện đại. Hơn nữa, Đà Lạt có nhiều tiềm năng về lao động tay nghề, ngành hàng này không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại, không nhất thiết phải sản xuất tập trung. Đây là loại hình sản xuất rất linh hoạt và dễ thích nghi với điều kiện ở Đà Lạt.
Những điều trình bày ở trên mới chỉ là những dự phóng của chúng tôi về một Đà Lạt tương lai. Khả năng thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, những lập luận khoa học thiển cận của chúng tôi cũng chỉ mang tính gợi mở, đòi hỏi phải được xem xét nghiêm túc về mặt khoa học, bởi chúng ta biết về Đà Lạt chưa được bao nhiêu. Nói cách khác, cần phải tiếp tục đầu tư công tác nghiên cứu khoa học để vạch cho Đà Lạt những chương trình phát triển thực tiễn và cụ thể hơn.
Trước ngưỡng cửa năm 2000, Đà Lạt chỉ còn thời gian ngắn để bước sang thế kỷ mới. Dự kiến to lớn về tương lai không thể làm cho chúng ta quên đi những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt:
* Cần có những biện pháp kịp thời để bảo vệ và phát huy những tài sản của quá khứ để lại. Khôi phục và trả lại chức năng các di tích kiến trúc, bảo vệ và duy tu các vùng danh lam thắng cảnh đến nay đang bị ô nhiễm, xuống cấp. Bảo tồn rừng thông hiện nay đang bị phá dần để sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản, khai thác khoáng sản... gây tác hại đến khí hậu, môi trường, xói mòn đất, phong cảnh thiên nhiên.
* Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật: hệ thống đường sá, cấp nước và xử lý nước thải, cấp điện, chiếu sáng công cộng... cần được chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Đồng thời, bằng nhiều biện pháp đầu tư, xây dựng mới một số công trình phục vụ hoạt động cho các trung tâm, các khu sản xuất... theo quan điểm kế thừa và hiện đại để đáp ứng tính chất đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên.
* Cơ sở kinh tế - xã hội của thành phố còn ở mức độ kém phát triển, cần đầu tư để góp phần giải quyết các vấn đề dân sinh như dân số và lao động, việc làm và thu nhập, phát triển sản xuất...
* Sớm có quy hoạch về đô thị Đà Lạt theo chiến lược kinh tế đã được vạch ra. Quy hoạch đô thị là quy hoạch xây dựng kiến trúc, quy hoạch các khu vực kinh tế, quy hoạch dân cư, bao gồm các vấn đề:
- Kiến trúc phải phù hợp, không phá vỡ địa hình tự nhiên; giữ gìn các di tích kiến trúc, các khu dinh thự, biệt thự.
- Cải tạo các vùng bị ô nhiễm, chỉnh trang các khu nhà ổ chuột.
- Chống xói mòn bồi lấp các hồ, phát triển cây xanh nội ô, bảo vệ đai rừng xung quanh thành phố và các thắng cảnh thiên nhiên .
- Xây dựng các quy chế quản lý đô thị.
- Quy hoạch các khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
- Không để cho sự phát triển dân số làm gia tăng mật độ dân cư, đô thị hóa phá vỡ sự cân bằng giữa thiên nhiên và kiến trúc, làm hại đến tài nguyên du lịch.
Nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển thành phố trong tương lai, việc đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng là một việc làm cần thiết. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị dự kiến phát triển như sau:
* Giao thông
Phát triển 7 hướng tuyến nhằm phá vỡ thế thành phố "ngõ cụt" vào Đà Lạt với hướng chính là Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh. Khôi phục tuyến Đà Lạt - Prenn, mở ra hai ngõ vào thành phố. Khôi phục và nâng cấp tuyến Đà Lạt - Phan Rang. Xây dựng tuyến Đà Lạt - Tà Nung - Lâm Hà - Đắc Lắc và mở ra tuyến Đà Lạt - hồ Dankia - hồ Lắc, Đà Lạt - rừng Đơng Tiêng Liêng - rừng Khánh Sơn - bãi biển Nha Trang.
Khôi phục ga Đà Lạt và tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang, tăng sức hấp dẫn du lịch Đà Lạt - bãi biển Ninh Chữ. Nâng cấp sân bay Liên Khương trở thành sân bay du lịch liên quốc gia khi có điều kiện, khôi phục lại sân bay Cam Ly dùng cho các loại máy bay nhỏ, thể thao. Nâng cấp bến xe liên tỉnh thành bến xe hiện đại.
Hiện tại thành phố có trên 300 km đường, trong đó có 95 km đường nhựa, còn lại là đường đất và cấp phối, có hơn 5.200 m cống thoát nước các loại đã được xây dựng từ lâu. Hầu hết các tuyến có độ dốc lớn, mặt đường, cống, mương rãnh đang xuống cấp nghiêm trọng, khả năng chịu tải và thoát nước không còn phù hợp. Hệ thống chiếu sáng không còn đủ cho giao thông ban đêm. Cần có kế hoạch nâng cấp mặt đường các đường phố chính, cống rãnh thoát nước mưa, nước thải, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, giải tỏa các công trình xây dựng lấn chiếm lộ giới.
* Nước
Nhà máy nước Suối Vàng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho thànhh phố với công suất 25.000 m3/ngày đêm đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện tại. Để đáp ứng cho nhu cầu dùng nước trong tương lai, cần phải đầu tư nâng công suất nhà máy nước Suối Vàng. Mạng lưới đường ống cần đặt thêm tại các khu xây dựng mới, mở rộng đường ống chính cho các khu thị tứ, thay thế hệ thống cũ.
* Điện
Lưới điện Suối Vàng - Đa Nhim là nguồn cung cấp điện chính cho thành phố. Nguồn điện đến nay đã được đưa đến tận vùng nông thôn, đến cả vùng đồng bào dân tộc Tà Nung, Lạc Dương... Tuy vậy, mạng lưới điện cần được cải tạo và xây dựng thêm một số tuyến mới để đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
* Không gian kiến trúc đô thị
Dựa vào đặc điểm thiên nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, quá trình lịch sử và thực trạng thành phố, việc phát triển đô thị có thể kế thừa các đồ án quy hoạch thời Pháp của E. Hébrard (1923) và Lagisquet (1943). Đất đô thị phát triển theo các trục đường phố chính, lấy thung lũng hồ Xuân Hương làm trung tâm, các dải rừng thông, thung lũng nông nghiệp, các đồi cỏ, hồ, suối... xen kẽ tạo thành không gian xanh thiên nhiên. Khu trung tâm có ý nghĩa toàn thành phố, khu này đã hình thành và tập trung đầy đủ các yếu tố đặc trưng của Đà Lạt: phong cảnh, trung tâm thương nghiệp dịch vụ, du lịch, hành chính..., các công trình văn hóa, khách sạn... Bên cạnh khu trung tâm, nhiều cụm trung tâm với chức năng nhỏ cần được mở ra theo các đường phố nối đến các điểm danh lam thắng cảnh ven đô thị. Đồng thời, mở rộng thành phố theo hướng Bắc, Nam, Tây Nam, xây dựng cụm trung tâm và khu du lịch mới ở vùng xã Lát, Dankia, núi Bà, Tà Nung, hồ Tuyền Lâm, đường 20 cũ (sở Lance).
Đà Lạt muốn phát triển đâu chỉ có thể bằng ý chí mà phải bằng hành động thực tế, đầu tư trí tuệ, công sức và ngân sách rất lớn của địa phương, trung ương và các đầu tư nước ngoài. Đà Lạt cần được đầu tư phát triển hơn nữa để xứng đáng với chức danh: trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng, văn hóa và nghiên cứu khoa học.
NGUYỄN
DANH HẢI
HOÀNG ĐỨC LIỄU - HỒ THANH HUÂN
- ĐẶNG QUANG KHÔI - NGUYỄN VĂN VINH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thiện Tống, Bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau, Trung tâm bồi dưỡng bách khoa TP. Hồ Chí Minh, 1991.
2. Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt năm xưa, Ban khoa học và kỹ thuật Lâm Đồng, Công ty bách hóa tổng hợp Lâm Đồng, Đà Lạt, 1993.
3. Trương Trổ, Đà Lạt 100 năm, những điều cùng suy nghĩ, 1993 (tài liệu đánh máy).
4. Đặng Nghiêm Vạn, Cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển ngành du lịch thành phố Đà Lạt, 1990 (tài liệu đánh máy).
5. Nguyễn Định, Nghề trồng hoa lan, cây cảnh tại Đà Lạt, 1990 (bản thảo).
6. Bùi Văn Anh, Phương hướng phát triển vùng rau Đà Lạt, 1992 (luận văn tốt nghiệp đại học).
7. Nguyễn Tùng Châu, Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (1993 - 2000) (đề án khoa học), Đà Lạt, 1993.
8. Đà Lạt văn hóa, JUC.VN, Sài Gòn, 1971.
9. Tô Hoài, Muôn sắc hương, Thiếu niên tiền phong, Xuân 1993.
10. Số liệu thống kê kinh tế - xã hội 1976 - 1992, Phòng kế hoạch - thống kê Đà Lạt.
11. Michael M. Coltman, Tiếp thị du lịch, Trung tâm dịch vụ đầu tư và ứng dụng khoa học kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 1991.
12. Jean Michael Strosino, Vietnam , guide de voyage, Alticoop Edition, Nice, 1989.
13. J. Lagisquet, Rapport de présentation, 1942.
14. Dalat touristique, L'Asie nouvelle illustrée, Sài Gòn, 1937, No 56.
15. Come and see Czechoslovakia, Government committee for tourism in Czech Socialist Republic, 1986.
16. Asian delight vacations, Pacific delight tours, 1990.
17. Mystical Malaysia, Masmara travel and tour, 1992.
Mục lục sách | Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng |