ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT |
NIÊN BIỂU ĐÀ LẠT (1893 - 1993)
1893 21.6, Bác sĩ Alexandre Yersin thám sát cao nguyên Lang Biang.
1897 Tháng 7, toàn quyền Paul Doumer cho tìm địa điểm lập nơi nghỉ dưỡng. Bác sĩ Yersin đề nghị vùng cao nguyên Lang Biang.
1897 Tháng 10, đoàn Thouard cùng Cunhac khảo sát Lang Biang.
1898 Lập trạm nông nghiệp và trạm khí tượng ở Đăng Kia.
1898 - 1900 Đoàn Odhéra, Garnier và Bernard nghiên cứu mở đường lên Đà Lạt.
1899 * Tháng 3, Paul Doumer và bác sĩ Yersin lên quan sát cao nguyên Lang Biang.
* Tháng 5, đoàn Guynet làm đường bộ từ Nại lên cao nguyên Lang Biang
* 1.11, P. Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và trạm hành chánh (post administratif) trên cao nguyên Lang Biang.
1900 Dựng nhà đốc lý ở Đà Lạt.
1901 P. Doumer quyết định thành lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
1903 Bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, trạm hành chánh Lang Biang trực thuộc đạo Ninh Thuận.
1906 Đà Lạt được xác định làm nơi nghỉ dưỡng.
1907 Cất lữ quán dành cho khách vãng lai, khách sạn đầu tiên của Đà Lạt (Hôtel du Lac).
1908 Trạm nông nghiệp chuyển từ Đăng Kia về Đà Lạt.
1909 * Đường sắt Tháp Chàm - Xóm Gòn hoàn thành.
* Chuyển trạm khí tượng Đăng Kia về Đà Lạt.
1911 Toàn quyền Albert Sarraut chủ trương xây dựng gấp đường giao thông lên Đà Lạt.
1913 Thông đường Ma Lâm - Di Linh.
1914 Thông đường Di Linh - Đà Lạt.
1916 * 6.1, thành lập tỉnh Lang Biang.
* 20.4, Dụ của Hội đồng nhiếp chính vua Duy Tân về việc thành lập thị tứ Đà Lạt.
* Khởi công xây dựng khách sạn Langbian Palace.
1917 Đoàn Đình Duyệt, thượng thư Bộ công của triều đình Huế, lên Đà Lạt nghiên cứu việc xây dựng hành cung.
1918 Xây nhà máy điện, lập dưỡng viện thừa sai.
1919 Ngăn đập tạo hồ trên suối Cam Ly.
1920 * 31.10, toàn quyền Maurice Long ký nghị định tách cao nguyên Lang Biang và vùng đất phụ thuộc tỉnh Lang Biang, thành lập khu tự trị Đà Lạt.
* Nghị định thành lập Sở điều hành các dịch vụ ở trạm vùng cao Lang Biang và du lịch ở Nam Trung Kỳ.
* Nghị định nâng khu tự trị Đà Lạt lên thị xã hạng hai.
* Hoàn thành đường Phan Rang - Đà Lạt.
* Xây dựng trường Nazareth, bưu điện, kho bạc, nhà máy nước.
1921 * Kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt
* Khánh thành khách sạn Langbian.
1922 Khởi công xây dựng khách sạn Hôtel du Parc.
1923 * Đồ án quy hoạch Đà Lạt của Ernest Hébrard hoàn thành.
* Xây đập thứ hai phía dưới đập xây dựng năm 1919 tạo thành hai hồ nước ở khu trung tâm Đà Lạt.
* Nghị định về việc tổ chức lại thị xã Đà Lạt.
* Dân số Đà Lạt: 1.500 người.
1926 Nghị định về việc tổ chức điều hành hành chánh và ngân sách thị xã.
1927 Xây nhà máy điện, trường Petit Lycée.
1929 * Dời chợ từ vị trí ấp Ánh Sáng lên Khu Chợ (Khu Hòa Bình ngày nay).
* Khởi công xây dựng trường Grand Lycée.
* Lập làng Trường Xuân (Cầu Đất).
1930 * Tháng 4, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên.
* Xây trại lính thủy (trại Courbet).
* Khu vực chung quanh "Chợ Cây" bị cháy.
1931 Khởi công xây nhà thờ lớn.
1932 * 2.5, bão lớn phá hủy 2 đập ngăn suối Cam Ly và đập của nông trại O'Neil.
* Hoàn thành đường sắt Phan Rang - Đà Lạt.
* Khởi công xây dựng nhà ga.
* Hoàn thành đường Sài Gòn - Đà Lạt, sân Golf.
1933 * Kiến trúc sư Pineau hoàn thành đồ án chỉnh trang, mở rộng Đà Lạt.
* Đấu thầu xây đập hồ lớn.
1934 * Xây đập tạo thành Hồ Lớn (Grand Lac).
* Khởi công xây trường Notre Dame du Langbian (Couvent des Oiseaux).
1935 * Xây lại chợ Đà Lạt.
* Khánh thành Trường Grand Lycée (Lycée Yersin).
* Thành lập Công ty du lịch Đà Lạt.
* Đà Lạt có 272 biệt thự.
1936 * Nghị định điều chỉnh quy chế thị xã.
* Khánh thành Viện Pasteur Đà Lạt.
* Xây xong trường Notre Dame du Langbian.
1937 * Hoàn thành chợ Đà Lạt.
* Xây dựng dinh toàn quyền, khu cư xá Saint Benoit, Bellevue.
* Đà Lạt có 378 biệt thự.
1938 * Thành lập ấp Hà Đông.
* Khởi công xây dựng chùa Linh Sơn.
* Khánh thành ga Đà Lạt.
* Công nhân hãng S.I.D.E.C., đồn điền chè đình công.
1939 * Lập trường thiếu sinh quân.
* Dân số : 14.500; 487 biệt thự.
1940 Lập ấp Nghệ Tĩnh.
1941 Xây trường Lasalle Adran.
1942 * Dân số 20.000.
* Kiến trúc sư Lagisquet hoàn tất đồ án quy hoạch thành phố.
* Xây dựng nhà máy thủy điện Ankroét.
* Khánh thành nhà thờ lớn, chùa Linh Sơn.
* Xây xong trường Grand Lycée.
* Khởi công xây khu cư xá Decoux.
1943 Xây dựng đường Prenn mới.
1944 Thủy điện Ankroét hoạt động.
1945 * Dân số :25.800; 1.000 biệt thự.
* Hoàng thân Ưng An làm thị trưởng dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim.
* Tháng 5, ủy ban Mặt trận Việt Minh thành lập.
* 23.8, khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập ủy ban Cách mạng Lâm thời (Chủ tịch: Trần Xuân Biền).
1946 * 28.1, Pháp phối hợp Nhật tấn công 3 phòng tuyến Trại mát, Fimnom, cây số 42 trên đường số 8.
* Tòa đốc lý đổi thành tòa thị chính.
*17.4 -12.5, Hội nghị trù bị cho Hội nghị Fontainebleau tại Đà Lạt.
* Đô đốc D'Argenlieu lập Tây kỳ tự trị.
1947 Lập trường dành cho học sinh Thượng.
1948 Thông tuyến hàng không Hà Nội - Đà Lạt.
1949 Tháng 12, bác sĩ Trần Đình Quế làm thị trưởng Đà Lạt.
1950 * Dụ số 6 (15.4), sắc lệnh số 3QT/TD (25.7) thiết lập Hoàng triều cương thổ.
* Dụ số 4 (10.11) xác định địa giới Đà Lạt.
* Chuyển Trường võ bị quốc gia ở Huế vào Đà Lạt thành Trường võ bị liên quân Đà Lạt.
1951 Tháng 5, nhân dân biểu tình phản đối thực dân Pháp thảm sát 20 tù nhân ở Cam Ly.
1952 * Lập ấp Ánh Sáng, làng Đa Phú.
* Lập trường Bảo Long (sau này là trường Trần Hưng Đạo), Phương Mai (Bùi Thị Xuân).
1953 * Sắc lệnh số 4 (13.4) về chế độ quản lý Đà Lạt.
* Việt hóa tên gọi các đường, địa danh.
1954 * Hiệp định Genève.
* Dân số: 52.000 do làn sóng di cư từ Bắc, Lào và các tỉnh khác đến.
1955 11.3, Dụ 21 bãi bỏ Hoàng triều cương thổ.
1957 8.8, thành lập Viện đại học Đà Lạt.
‼p ALIGN="JUSTIFY" style="text-indent: 30">1958 * Sắc lệnh 261/ NV thành lập tỉnh Tuyên Đức.* Lập Trung tâm nghiên cứu nguyên tử, Giáo hoàng chủng viện Pio X, Thư viện.
* Khánh thành khu du lịch thác Prenn.
1959 Trường võ bị liên quân Đà Lạt đổi thành trường võ bị quốc gia Việt Nam.
1960 * Thành lập Nha văn khố.
* Theo sự vụ lệnh số 68/ VPN, thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức.
1962 Khánh thành sân bay Liên Khương.
1965 Dân số : 73.290.
1966 * 8.3, lập Trường đại học chiến tranh chính trị.
* 4.4, Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ chống Mỹ - Thiệu, đài phát thanh bị đốt.
1967 Lập trường chỉ huy tham mưu.
1968 Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
1970 * Dân số: 89.656.
* 30.3, lực lượng đặc công đánh vào Trường chiến tranh chính trị.
* 3.10, biểu tình, bãi thị chống Nguyễn Văn Thiệu "độc diễn bầu cử".
1975 * 3.4, Giải phóng Đà Lạt.
* 4.4, Đà Lạt trực thuộc tỉnh Tuyên Đức.
*6.5, Đà Lạt thuộc khu 6.
*5.6, Đà Lạt là tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng.
1977 * Xây dựng nghĩa trang liệt sĩ.
* Nạo vét đập Đa Thiện.
* Giải quyết xong nạn mù chữ.
* Trường đại học Đà Lạt hoạt động trở lại.
1981 Hoàn thành đập chính hồ chứa nước Chiến Thắng.
1982 Hoàn thành nhà máy nước Suối Vàng, thay đổi toàn bộ hệ thống ống dẫn nước cỡ lớn trong thành phố.
1985 * Nạo vét hồ Xuân Hương.
* Thành lập trung tâm bồi dưỡng, đào tạo tại chức tỉnh.
1989 Dự án VIE. 89.003 xác định Đà Lạt là một trong các hạt nhân của Tổ chức du lịch quốc tế (OTM).
1991 Công ty du lịch Lâm Đồng liên doanh với DRI nâng cấp khách sạn Palace, sân cù.
1993 * 3.4, thi công công trình nâng cấp chợ Đà Lạt thành Trung tâm thương mại và dịch vụ.
* Bến xe mới Nguyễn Tri Phương hoạt động.
* Kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
HUỲNH
VĂN UYÊN
THÁI THỊ HẠNH
NGUYỄN TUẤN TÀI
*
* *
à Lạt xưa nay không chỉ nổi tiếng về thắng cảnh du lịch, vẻ đẹp của rừng thông, của thác nước... mà còn nổi tiếng về các loại rau, hoa, quả ôn đới, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm của các dân tộc ít người. Có được điều này là nhờ Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Biang tuy chịu ảnh hưởng khí hậu á nhiệt đới gió mùa nhưng có chế độ nhiệt ôn hòa, dịu mát quanh năm.
1. LÂM SẢN
Đặt chân vào cửa ngõ Đà Lạt theo hai ngả của Quốc lộ 20, du khách sẽ nhìn thấy rừng thông chập chùng, rừng tiếp rừng. Với diện tích 15.818 ha, cây thông 3 lá (Pinus Khasya Royle) tạo thành một quần thể liên tục. Có giả thuyết cho rằng nó xuất phát từ Vân Nam (Trung Hoa), theo dãy Trường Sơn và đến "định cư" tại Đà Lạt.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng Đà Lạt, người Pháp đã chú ý khai thác rừng thông ở đây. Cây thông có thể tái sinh một cách dễ dàng trên nền đất Đà Lạt, không đòi hỏi một sự chăm sóc đáng kể nào.
Gỗ thông nhẹ, mềm thuận tiện cho tạo tác, xây dựng nhà ở, đồ mộc gia dụng. Với các công nghệ giấy, ván ép, gỗ diêm, cây thông là một nguồn nguyên liệu quý giá.
Dầu tùng tiêu (chưng cất từ rễ cây thông), tùng hương (chưng cất từ nhựa thông) là những nguyên liệu cần thiết cho công nghệ dệt, cao su, chế tạo sơn, mực in, làm thuốc trừ sâu, thuốc trị bệnh cho người...
Việc khai thác gỗ thông đã được thực hiện từ khoảng năm 1927 (3.000 m3/năm). Đến năm 1931, đã mở được những xưởng chế biến gỗ tại Đà Lạt. Năm 1941 khai thác được 15.000m3, từ năm 1946 -1970 đạt 47.000m3/năm. Kể từ năm 1972, mức khai thác đã tăng gần gấp 3 lần nhưng kèm theo đó là việc đầu tư tái tạo lại rừng không được chú ý vì chiến tranh nên diện tích rừng thông ngày càng giảm. Từ năm 1975 đến nay, việc trồng mới hàng trăm hecta rừng tại Hồ Tiên (Xuân Trường), Xuân Thọ, Mang Linh, hồ Quang Trung, vùng Cam Ly... đã góp phần tái tạo lại một phần rừng thông. Tuy nhiên, việc chặt phá thông đã làm mất đi một số khu rừng thông của Đà Lạt.
Nhựa thông cũng được khai thác từ lâu, nhưng chủ yếu là trên cây thông 2 lá. Riêng thông 3 lá được chú ý khai thác nhựa từ năm 1975 đến nay, sản lượng thu được ở các lâm trường vùng Đà Lạt 1.000 -1.500 tấn/năm, cung cấp một phần nguyên liệu cho các ngành công nghệ khác.
Ngoài công dụng là nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghệ quan trọng, rừng thông còn góp phần điều hòa khí hậu ở cao nguyên Lang Biang, giúp cho không khí ở đây luôn mát mẻ, trong lành.
Bên cạnh đó, rừng Đà Lạt còn có những loài gỗ quý hiếm khác như thông 2 lá dẹp (Ducampopinus krempfii) là một trong những hóa thạch sống của thực vật cổ đại hiện vẫn còn tồn tại và phát triển trong những khu vực riêng biệt; những loài như Bạch tùng (Keteleria davidiana), huỳnh đàn (Cupsessus torulosa), giổi (Dacrydicum pierrei), thông 5 lá (Pinus dalatensis) cũng là những loại cho gỗ có giá trị, nhưng sản lượng không nhiều.
Rừng Đà Lạt với khí hậu nhiệt đới núi cao đã tạo điều kiện để phát triển những loại dược thảo quý khác, hàng năm cung cấp hàng trăm tấn dược liệu sơ chế cho các xí nghiệp dược trong và ngoài nước.
- Thổ phục linh (củ cung) (Smilax glabra) dùng giải độc, bổ thận, trị thấp khớp;
- Đảng sâm (Condonopsis javanica) khai thác quanh năm, có tác dụng kiện tỳ, bổ phế, sinh tân, chỉ khát... hiện đang được dùng sản xuất thành mứt sâm, kẹo sâm;
- Thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) được dùng như loại thuốc bổ tâm, dưỡng phế;
- Thạch xương bồ (Acorus gramineus) có tác dụng khai khiếu, kích thích tiêu hóa...;
- Bổ cốt toái (Drynaria fotunei) ngoài việc lấy dớn dùng trong ngành trồng lan, rễ của nó có tác dụng bổ máu, được ưa dùng trong các vị thuốc Nam và thuốc Bắc...
Rừng Đà Lạt còn là nơi có nhiều thú rừng. Có thể kể : Bò rừng (Bos Banteng), tê giác (Rhinoceros sondaicus), vượn đen (Hylobates concolor), nai xám (Cervus unicolor), nai cà toong (Cervus elldi), sơn dương (Copricornis sumatranensis), tê tê (Manis javanica)... Trước đây, Đa Thiện, Hồ Tiên là những vùng săn bắn lý tưởng của du khách. Những sản phẩm thu được từ sừng tê, vẩy tê tê, các loại cao gạc nai, cao khỉ, mật gấu... được xem là những loại dược liệu quý hiếm.
2. RAU
Với chế độ mưa nắng chia thành hai mùa rõ rệt, do ảnh hưởng của địa hình núi cao nên thiên nhiên Đà Lạt đã ưu đãi cho con người không chỉ những sản phẩm tự nhiên mà còn tạo điều kiện để cho vùng đất này có thể nuôi trồng những sản vật đặc biệt khác.
Trong trồng trọt, các loại rau, hoa quả ôn đới đã thích nghi với các điều kiện khí hậu, thổ nhuỡng ở Đà Lạt và tạo nên những sản phẩm riêng biệt.
Từ năm 1898, một trạm nông nghiệp đã được thành lập ở vùng Dankia (cách Đà Lạt 13 km về hướng Bắc), rộng 16.6706 ha, trồng trọt nhiều loại rau quả ôn đới như: măng tây, xà lách, khoai tây, bắp cải (chou), cải bông (chou fleur), atisô, các loại đậu, hành, cây công nghiệp, cây ăn quả (pom, lê, đào...). Đặc biệt, các loại hoa ôn đới rất thích hợp và phát triển rất tốt như hoa hồng, thược dược, marguerite, cẩm chướng, phong lữ, pensée... đồng thời cũng chăn nuôi một số động vật như bò sữa giống Bretagne, cừu giống lai giữa Ấn Độ - Vân Nam.
Nghề trồng rau ở Đà Lạt phát triển mạnh vào những năm cuối của thập kỷ 30 (1938) khi có đợt di dân đầu tiên vào Đà Lạt, thành lập ấp Hà Đông hiện nay. Từ đó lan rộng ra các ấp Đa Cát, Ánh Sáng, Nghệ Tĩnh, Vạn Thành...
Năm 1959, Trung tâm thực nghiệm rau hoa Đà Lạt được thành lập với mục đích khảo sát những giống rau, hoa nhập nội và chọn lọc những giống có thể trồng trọt được tại Đà Lạt. Trung tâm còn trồng thí nghiệm các giống cây ăn trái xứ lạnh cũng như nghiên cứu các phương pháp cải tiến kỹ thuật canh tác, áp dụng nông cơ, nông cụ, phân bón, thuốc sát trùng ... vào nông nghiệp.
Về rau, Trung tâm thực hiện trên các chủng loại hành tây (Allium cepa), khoai tây (Solanum tuberosum), bắp cải (Brassica oleacea var. Capitata), cải bông (Brassica oleacea var. Botrytis), củ cải đỏ (Radish), củ cải trắng (Raphanus acanthiformis), cần tây (Apium graveolens), cải bắp thảo (Brassica Pe-Tsai), tỏi (Allium sativum), cà rốt (Daucus carota), cà chua (Lycopersicum esculentum), dâu tây (Fragaria chiloesis)... với các giống nhập từ Mỹ, Nhật, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Pháp...
Hoạt động của trung tâm này đã thúc đẩy ngành trồng rau tại Đà Lạt một cách mạnh mẽ.
Năm 1958, Đà Lạt đã xuất cảng rau sang Singapore, chuyến đầu tiên gồm 60 tấn rau các loại. Thị trường rau Đà Lạt còn có Hồng Kông, Indonesia.
Diện tích đất trồng rau của Đà Lạt tăng lên 5.897 ha vào năm 1972, sản lượng 82.213 tấn/năm. Rau cải Đà Lạt đã trở thành những món ăn thông dụng không chỉ trong các gia đình ở Đà Lạt mà còn cho các vùng khác như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, các tỉnh miền Tây Nam Bộ... Rau Đà Lạt ngon, bổ, mang hương vị đặc thù của rau ôn đới. Những chủng loại phong phú, đa dạng, phẩm chất cao, sản lượng dồi dào hiện đang được ưa chuộng trên thị trường trong nước như pố-xôi, poa-rô, xà lách, khoai tây, hồng, cải thảo ngắn ngày, lơ trắng... Rau Đà Lạt còn được dùng làm quà cho người thân sau khi du khách đến tham quan Đà Lạt.
Với điều kiện khí hậu thích hợp, vùng đất Đà Lạt còn là nơi sản xuất những loại hạt giống rau cho các vùng khác như sản xuất hạt giống khoai tây cho đồng bằng Bắc Bộ, hạt cải cho Đài Loan, hạt cà rốt, tần ô cho các vùng đồng bằng và củ giống khoai tây cho cả nước.
Hiện nay diện tích trồng rau của Đà Lạt tuy có giảm so với năm 1972 (khoảng 3.000 ha) nhưng sản lượng rau vẫn tương đối dồi dào, cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng và cũng góp phần xuất khẩu sang nước bạn. Nghề trồng rau tại Đà Lạt ngày càng áp dụng nhiều tiến bộ mới trong lãnh vực công nghệ sinh học, như việc sử dụng giống từ phương pháp nuôi cấy mô đã cho những cây giống đồng đều, mạnh, năng xuất cao, giống chịu được sâu bệnh... Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc sát trùng thế hệ mới ít hoặc không độc hại cho người sử dụng cũng như người tiêu dùng và môi trường ngày càng được phổ biến rộng rãi trên tất cả các vùng trồng rau ở đây.
3. CÂY ĂN QUẢ
Đà Lạt còn có thể trồng được những loại cây ăn quả ôn đới như: hồng, nho, mận, đào, pom.
3.1. Hồng
Cây hồng (Diospyros kaki) có nguồn gốc từ các vùng Nhật Bản, Triều Tiên, được du nhập vào Đà Lạt từ lâu. Năm 1973, Đà Lạt đã có một diện tích trồng hồng khoảng 6ha với 3.000 gốc, sản lượng đạt 9.000 kg/năm. Chủng loại hồng được trồng tại đây khá phong phú:
- Hồng dòn - ngọt với các giống Fuji Banchi, Sanji Maru, Ama Hyskuma, Koshyo...
- Hồng chát có các giống Hachia, Hira Tanenasi, Yocono, Kichong Si, Chungda Banchi, Oblong China...
Trái hồng được thu hoạch vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Khi thu hái cũng như khi ủ chín đòi hỏi phải cẩn thận và nhẹ nhàng vì trái rất dễ bị vết thâm, như thế sẽ làm giảm giá trị. Những loại hồng nước thường giá rẻ hơn hồng dẻo hoặc hồng dòn từ 8 đến 10 lần nhưng ngược lại nó cho năng suất trên một cây rất cao (có thể đạt từ 300-400 kg/cây trồng trên 10 năm). Hiện nay, việc ghép cây hồng từ khi mới trồng hoặc phương pháp ghép tháp trên cành của những cây lớn đã cho phép thu được sản phẩm tốt và sớm hơn.
Ngoài việc sử dụng ăn tươi, trái hồng còn được chế biến thành hồng khô, rượu hồng... Từ 5 kg hồng tươi, sau khi sấy, ép, ủ.... sẽ thu được khoảng 1 kg hồng khô. Quá trình chế biến hồng khô cũng dòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận khi sấy, ép, đặc biệt là khâu để ủ cho lên mốc trắng. Nếu lên mốc đều, trái hồng sẽ có giá trị cao; ngược lại, khi bị mốc xám hoặc đen thì coi như bị hư không có giá trị nữa. Trái hồng khô khi chế biến thành công sẽ có hương vị đặc biệt, dự trữ được lâu, thường dùng trong các dịp tết để làm quà.
3.2 Mận
Mận Đà lạt (Prunus Salicina) do ông Louis Pierre nhập vào Việt Nam từ năm 1933 và sau đó đưa lên trồng tại Đà Lạt khi thành lập Trạm Dankia. Nông trại trồng mận đầu tiên được thành lập ở đèo Prenn với qui mô khá lớn. Hiện nay những vùng trồng mận nhiều của Đà Lạt là Trại Hầm, Trạm Hành (Xuân Trường) với nhiều chủng loại khác nhau. Các giống hiện nay được biết là giống Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ, mận Trại Hầm, mận Pháp (Rine Claude, Rosa Saupa )... năng suất bình quân 30 - 50 kg trên một cây.
Trái mận khi thu hoạch có thể dùng ăn tươi (mận ngọt) hoặc để dùng chế biến thành những mặt hàng có giá trị khác như mứt mận, rượu mận ... rất được du khách hâm mộ. Đặc biệt xí muội mận tuy là một sản phẩm thông thường nhưng là một mặt hàng tiêu dùng khá phổ biến và thích hợp với mọi người.
3.3 Đào
Với những nguồn gốc du nhập khác nhau, hiện nay còn có thể biết được các giống đào: Ai Lao (đào Vạn Tượng), Vân Nam, Nectarine, Florida... cũng như mận, đào (Prunus persicae) thường được thu hoạch để ăn tươi hoặc chế biến thành mứt, rượu đào... Đặc biệt, cây đào còn được người dân địa phương dùng để trang trí trong những ngày Tết. Màu sắc hoa đào đẹp, nhẹ nhàng, thanh nhã, dáng cây đào càng cằn cỗi thì càng làm cho nó trở nên đẹp và thanh thoát hơn.
3.4 Pom
Nhắc đến cây ăn quả, không thể không đề cập đến cây pom Đà Lạt (Prunus Malus). Trước đây cây pom đã trở thành một loại cây đặc trưng của vùng khí hậu ôn đới Đà Lạt. Hiện nay chủng loại giống pom với nhiều nguồn gốc khác nhau. Được trồng ở Cam Ly, Thái Phiên, Chi Lăng, Đa Thiện... Pom tuy sản lượng không cao, trái không lớn, nhưng chất lượng khá, thịt chắc, dòn, ngọt (so với pom nhập nội thịt xốp nhiều nước ...), vẫn được người tiêu dùng sành điệu ưa chuộng.
3.5 Dâu tây
Cùng với các loại cây ăn quả trên, dâu tây (Fragaria chiloesis) cũng được xem là một sản phẩm đặc biệt của Đà Lạt. Các giống dâu tây trước đây cũng được trồng thử nghiệm khi thành lập trạm Dankia. Hiện vẫn còn hai giống: giống thường gọi là giống địa phương với màu sắc trái hồng nhạt, có mùi thơm; giống dâu Mỹ màu đỏ đậm nhưng mùi thơm nhạt. Dâu tây được chế biến thành những sản phẩm như: mứt, kẹo, rượu, sirô...
4. CÂY CÔNG NGHIỆP
Trên vùng đất Đà Lạt còn có thể trồng các loại cây công nghiệp như trà, cà phê...
4.1 Trà
Sở trà Cầu
Đất được người Hà Lan thành lập từ năm 1922 với diện tích có thể canh
tác là
400 ha. Năm 1930, Sở trà được chuyển cho công ty P.I.T (Plantation
Indochinoise de Thé) của Pháp, năm 1962 nhượng lại cho Công ty trà Việt Nam.
Sở trà Cầu Đất chủ yếu sản xuất trà đen để xuất sang thị trường châu Âu (Anh), một phần nhỏ khác thì chế biến thành trà xanh để tiêu thụ trong nước. Trà đen là loại trà được lên men, có màu nâu đậm, trà xanh không lên men nên không bị đổi màu.
Hiện nay, Sở trà Cầu Đất vẫn tiếp tục chăm sóc và khai thác những lô trà đã trồng trước đây, đồng thời tiếp tục phát triển thêm diện tích kèm theo việc cải tạo giống theo những qui trình mới.
4.2 Cà phê
Cây cà phê (Coffea) được trồng vào Đà Lạt vào những năm 1930 với các giống: Typica, Catura, Bourbon, Mokka. Những vùng trồng nhiều là Tà Nung, Cam Ly, Xuân Trường... Theo thống kê năm 1972 vùng Đà Lạt - Tuyên Đức có diện tích trồng cà phê là 520 ha, với sản lượng thu hoạch là 120 tấn/năm. Hiện nay việc canh tác cây cà phê có giảm sút nhưng chất lượng cà phê Arabica Mokka của vùng Đà Lạt vẫn còn là một loại cà phê đặc biệt được ưa chuộng trong và ngoài nước.
Quá trình chế biến cà phê rang tại Đà Lạt đã hình thành từ năm 1954. Việc chế biến đòi hỏi nhiều công phu, thời gian cũng như các loại nguyên phụ liệu. Trước năm 1975, Đà Lạt có 5 cơ sở chế biến cà phê nổi tiếng: Lễ Ký, Cao nguyên, Tùng, Đà Lạt và Sao, phục vụ cho nội tiêu.
4.3 Nấm
Nghề trồng
nấm ăn chỉ mới hình thành từ năm 1970. Các giống chủ yếu là Đông Cô, nấm
mỡ
(A. Bisporus). Hiện nay các nhà trồng nấm mỡ phát triển mạnh và
được đầu tư cao, tuy rằng nấm Đông Cô luôn luôn đắt hơn.
Triển vọng mở rộng nghề nấm ra ngoài nhân dân rất khả quan, đang thu hút sự chú ý của những doanh nhân lớn.
5. Cây dược thảo
Bên cạnh những loại cây trồng có giá trị cao, Đà Lạt còn trồng những loại dược thảo đặc biệt, phục vụ cho nhu cầu chế biến thuốc dùng cho con người.
5.1 Canh-ki-na
Năm 1925 Sở canh nông Trung Phần và Viện Pasteur đã trồng Canh-ki-na (Quinquina) tại vùng Lang Hanh và vùng Lang Biang nhỏ (Xuân Thọ), sau đó phát triển thêm ở Tà Nung.
Vỏ canh-ki-na là một loại dược liệu quý. Thành phần chính trong vỏ là 20 loại alcaloid, chia thành hai nhóm là alcaloid dẫn xuất của quinolein và quinidin. Tác dụng của nó bao gồm nhiều loại khác nhau: hạ sốt, tiêu hóa, tác dụng lên hệ tim mạch, hệ thần kinh (kích thích ở liều nhẹ), sát trùng (liều đậm đặc), tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét...
Ngoài việc chiết xuất các loại alcaloid dùng làm dược liệu, canh-ki-na còn được dùng để chế biến thành rượu bổ canh-ki-na dùng cho phụ nữ khi sanh sản.
5.2 Atiso
Cây a-ti-sô (artichaut) hiện được trồng nhiều ở Thái Phiên, Sào Nam, Tây Hồ... Các giống phổ biến hiện nay là Grosvert de Laon (artichaut parisien) và Violet hâtif du Midi.
A-ti-sô có tác dụng lợi tiểu, tạo mật, giảm cholesterole, kích thích và bảo vệ tế bào gan, ngừa việc xơ cứng động mạch, mất ngủ. Các sản phẩm chế biến từ a-ti-sô hiện đang dùng rộng rãi như hoàn a-ti-sô, rượu bổ a-ti-sô, Cynaphytol, Hephytol... Ngoài ra còn dùng để ăn tươi (bông) hoặc nấu nước uống như một loại nước giải khát thông dụng (rễ, thân, lá phơi khô)...
5.3 Dược thảo khác
Đà Lạt còn du nhập thêm những loại dược thảo khác từ miền bắc vào sau năm 1975 như đương quy (Angelica sinensis), bạch chỉ (Angelica duhuria), sinh địa (Rehmannia glutinnosa), hà thủ ô (Streptocanlou juventas), xuyên khung (Ligusticum wallichii)...những loại dược thảo này đã cung cấp hàng trăm tấn nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến dược liệu trong nước.
6. HOA
Lần đầu tiên đến Đà Lạt, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước hàng trăm loại hoa của vùng nhiệt đới núi cao với nhiều nguồn du nhập từ nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Úc và các vùng khác ở châu Phi, Nam Mỹ...
Nhiều loại hoa được trang trí nhà ở, trồng trên ban công, ở công viên, ven lối đi, trong vườn kiểng... như các loại cô-cơ-li-cô (Papaver rhocus), xác pháo (Salvia), mãn đình hồng (Hibiscus syriacus), cúc sao nháy (Cosmos), thược dược (Dahlia rosea), thu hải đường (Begonia), thiên lý (Telosma cordata), hồng ri (Cboma pulmeas)... Một số loại hoa khác đẹp, dễ trồng, thích hợp với mọi giới, có giá trị cao trên thương trường cũng đã được trồng trọt với qui mô lớn như : hoa lay-ơn với các màu trắng, vàng, đỏ sậm... Hoa lys màu trắng thanh nhã với nhiều giống nhập của Nhật, Pháp, Đài Loan; hoa cẩm chướng màu hồng đỏ, hồng, vàng... với nguồn nhập từ Trung Đông; hoa hồng với nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau từ trắng đến hồng, vàng, đỏ tươi, đỏ nhung... có hương thơm nhẹ nhàng đã thu hút mọi người. Một số khác, tuy không trồng nhiều nhưng cũng trở thành nhiều loại hoa cắt cành như Marguerite, Olympe, Gerbera, cẩm tú cầu, cúc nhật, cúc bất tử... với nhiều màu rực rỡ. Hàng năm Đà Lạt thu hàng triệu cành hoa các loại, phục vụ cho nhu cầu trong nước, đặc biệt trong các dịp tết nguyên đán, lễ hội... Ngoài ra, hoa ngắn ngày Đà Lạt còn được xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu, ASEAN...
Nói tới hoa Đà Lạt, không thể bỏ qua hoa lan Cymbidium. Đà Lạt là nơi có nhiều loài địa lan sinh trưởng và nhiều loài địa lan ngoại nhập. Với khoảng 300 giống địa lan nhập nội, màu sắc thay đổi đa dạng, cấu trúc hoa đẹp... hàng năm Đà Lạt đã cung cấp từ 30.000 đến 40.000 cành. Các loại địa lan tự nhiên Đà Lạt được biết khoảng 12 loài với nhiều dạng khác nhau, được người Pháp đưa về nước và thực hiện các phép lai cũng như các phương pháp đa bội hóa nhằm tạo ra những loại lan nhân tạo lớn, đẹp, đáp ứng nhu cầu của những người trồng lan. Hiện nay, các nước ở gần Việt Nam cũng đang chú rất nhiều về lan tự nhiên, đặc biệt là mặc lan (Cymbidium ensifolium), tử cán (Cymbidium poilanei), thanh lan (Cymbidium cyperfolium)... những loài hoa này mang đặc điểm nhẹ nhàng thanh khiết, có hương thơm thích hợp cho việc trồng trong nhà để trang trí.
Ngoài hàng chục loài địa lan, rừng Đà Lạt còn là nơi có nhiều loại phong lan tự nhiên khác. Một số kết quả nghiên cứu từ năm 1986 đến nay cho Đà Lạt có khoảng 300 loài lan tự nhiên, phong phú nhất là các loài trong các chi Dendrobium, Eria, Bulbophyllum, Coelogyne... Đăc biệt còn có những loài khác khá hiếm như hồ điệp (Phalaenopsis manii), lan vani (Vanilla grandifolia), hài (Paphiopedilum appletonianum)... Phong lan Đà Lạt phong phú về chủng loại, đa dạng về cấu trúc, màu sắc, thường nở từ tháng 11 đến tháng 5. Những loài lan quý được khai thác nhiều như lông tu, kim diệp, thủy tiên các loại, long nhãn, cẩm báo, bò cạp, hài, lọng, long châu...
Từ những năm 1990, Liên hiệp khoa học sản xuất Đà Lạt đã thực hiện một số phép lai giữa các loài tự nhiên để chọn tạo giống mới, đồng thời áp dụng phương pháp gieo hạt giống trong ống nghiệm để duy trì nguồn lan của địa phương. Cũng trong những năm gần đây, Đà Lạt đã phát hiện được cây lan Cymbidium insigne var. dalatensis (hồng lan Xuân 88) với cấu tạo màu sắc hoàn toàn đặc biệt so với những giống lan đã biết. Loài lan tự nhiên này được lai với các giống nội nhập và cho cây con, hiện nay còn đang tiếp tục nhân giống, trồng và chọn lọc.
Bên cạnh những loại hoa, Đà Lạt còn là nơi có những loài cây kiểng có giá trị như loài đỗ quyên núi, trường sinh, trà mi... Một số những loại kiểng lá cũng được quan tâm để trang trí như thiết mộc lan, tai tượng đỏ, phất dũ, trầu bà, các loại lá khảm... Gần đây, một số loại khác được dùng để tạo dáng theo kiểu cây cổ thụ (bonsai) như đa, bồ đề, sanh, si, tùng...
7. CHĂN NUÔI
Đà Lạt còn là nơi thích hợp để chăn nuôi những gia súc như bò sữa, cừu, thỏ... Trước đây, vùng này đã có những nông trại của người Pháp chăn nuôi một số giống gia súc như nông trại của Oneil, thành lập ở Cam Ly, nuôi bò sữa thuần chủng giống Ayrshire.
Đàn thỏ Đà Lạt cũng được nuôi từ lâu với những giống nhập từ Pháp và một số nhập từ vùng châu Âu. Ngoài việc cung cấp nguồn thịt, lông thỏ được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành thuộc da và từ đó tạo nên những sản phẩm thủ công như nón lông thỏ, khăn quàng lông, thú nhồi bông... và các kỷ vật khác.
8. THỦ CÔNG, MỸ NGHỆ
Cùng với những sản phẩm từ tự nhiên và do bàn tay con người tạo ra trong trồng trọt chăn nuôi, Đà Lạt còn là nơi sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc sản như các mặt hàng chế tác trên gỗ bạch tùng, hàng chế tác trên tre, nứa, hàng đan thêu, mài đá mỹ nghệ...
8.1 Cưa lộng, chạm bút lửa
Những mặt hàng chế tác trên gỗ xuất hiện ở Đà Lạt từ lâu, đáng kể nhất phải nói đến các sản phẩm cưa lộng. Với một lưỡi cưa nhỏ bé, một phiến gỗ bạch tùng mỏng, nghệ nhân đã có thể sáng tác được những tác phẩm nghệ thuật.
Xuất hiện sau cưa lộng nhưng ngày càng có nhiều triển vọng, trở thành mặt hàng có giá trị cao là những tác phẩm được sáng tác bằng nghệ thuật chạm bút lửa. Ngày nay, việc phối hợp giữa tài nghệ thuật của nghệ nhân và các thành tựu của ngành điện - điện tử đã làm cho các mặt hàng chế tác trên gỗ bạch tùng tăng thêm giá trị và thu hút được sự chú ý đáng kể của du khách.
8.2 Nghề đan len
Từ năm 1965, Đà Lạt đã thành lập những xưởng đan len tư nhân, hàng năm sản xuất từ 1 - 1,2 triệu sản phẩm, phục vụ cho thị trường nội địa. Cùng với những loại len nhập nội và len do Công ty Vĩnh Thịnh cung cấp, qua tay của những người thợ đan (chủ yếu là giới nữ Đà Lạt) đã tạo nên những sản phẩm đẹp, thích hợp với yêu cầu thẩm mỹ của giới tiêu dùng như áo len, nón len, khăn choàng, găng tay, vớ trẻ em... Những năm sau giải phóng, ngành đan len Đà Lạt có cơ hội phát triển mạnh, những sản phẩm đan len được xuất cảng sang các nước ôn đới châu Âu, Nhật, Đài Loan... Với tay nghề ngày càng được nâng cao, sản phẩm sản xuất được cải tiến nhiều về mẫu mã, thích hợp cho từng vùng đặt hàng, ngành đan len Đà Lạt ngày càng thu hút được sự chú ý của khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời giải quyết được nhu cầu lao động của nhân dân.
8.3 Nghề thêu
Nghề thêu ở Đà Lạt cũng đã được chú ý khá lâu, trước đây chưa trở thành một nghề lớn, hiện nay đã thu hút khá nhiều nhân công nữ. Các sản phẩm được sản xuất như khăn tay, khăn trải giường, áo gối, tranh thêu lụa... được xuất sang thị trường Đông Âu. Nghề thêu được phát triển mạnh từ khi có những tác phẩm thêu nghệ thuật, thể hiện được tài năng của người nghệ nhân trên khung vải với những sợi chỉ thêu đầy màu sắc.
8.4 Đặc sản của dân tộc ít người
Những sản phẩm của đồng bào dân tộc ít người cũng đã góp phần làm phong phú thêm những đặc sản của địa phương.
Rượu cần là một trong những sản phẩm đặc thù của cư dân bản địa. Rượu cần (tơrnơm) là một thức uống truyền thống độc đáo, có mùi thơm dịu đặc trưng, không có mùi cồn, vị ngọt, không đắng, có màu đỏ như hổ phách trong suốt. Việc chế biến qua nhiều giai đoạn công phu, phức tạp. Nguyên liệu là gạo, bắp, men ủ được lấy từ rễ cây canh (dong). Thông thường, sau khi cho vào ché, một tháng sau có thể dùng được, nhưng rượu cần để càng lâu thì uống càng ngon. Rượu cần thường dùng trong các lễ hội của người dân bản địa. Hiện nay, người dân tộc ít người vùng Đà Lạt đã sản xuất rượu cần bán ra thị trường nhưng với số lượng không đáng kể. Đây là một loại thức uống bổ dưỡng, mọi lứa tuổi, mọi giới đều có thể dùng được; nếu phát triển mạnh, nó sẽ trở thành mặt hàng đặc biệt đối với du khách khi đặt chân đến Đà Lạt.
Một sản phẩm khác cũng được du khách trong và ngoài nước chú ý nhiều là những sản phẩm dệt thủ công của người Chil. Nguyên liệu để dệt là bông vải, thuốc nhuộm được lấy từ những loài thực vật tự nhiên. Việc dệt vải cũng tốn khá nhiều công phu như đánh bông, xe sợi, chế tạo thuốc nhuộm, ngâm sợi, nhuộm sợi... Dụng cụ để dệt thành một tấm vải lớn là vài thanh gỗ và vài thanh tre vót mỏng. Trên những tấm vải dệt bằng phương pháp thủ công này, người dân bản địa đã xen vào đó những nét hoa văn đặc sắc tương phản rõ rệt.
Cư dân vùng Lạc Dương còn dệt chiếu lát với nguyên liệu là cây cói. Việc chuẩn bị các nguyên liệu cũng như các loại phẩm nhuộm cũng phức tạp không kém việc dệt vải. Chiếu lát được dùng trong các dịp cúng bái, lễ hội hoặc lót giường. Tấm chiếu lát có thể dài hoặc ngắn tùy theo yêu cầu.
Những sản phẩm khác như ná, gùi, bầu đựng nước... hiện nay đã trở thành những sản phẩm mang tính chất trao đổi, mua bán hay những vật kỷ niệm của du khách khi đến Đà Lạt.
NGUYỄN
VĂN TỚI
NGUYỄN TRUNG TRỰC
TRẦN THỊ KIM DUYÊN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dalat Cymbidium, Liên hiệp khoa học - sản xuất Đà Lạt, 1988.
2. Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt muôn hoa, Khoa học phổ thông, TP. Hồ Chí Minh, Xuân 1990.
3. Trung tâm thí nghiệm và cây giống rau hoa Đà Lạt.
4. Hoa Đà Lạt (phúc trình), Trường trung học nông lâm súc Bảo Lộc, 1974.
5. Trần Thiện Tâm, Ngành đan len tại Đà Lạt (phúc trình), Viện đại học Đà Lạt, 1974.
6. Trần Kim Huệ, Sở trà Cầu Đất (Phúc trình), Viện đại học Đà Lạt, 1974.
7. Tập san Sử Địa, 1972, Số 23 -24.
8. Cải tiến nông nghiệp.
9. Chấn hưng kinh tế.
10. Catologue Lecoufle - Vacherot, 1983, 1984,1986,1988.
11. Bloemen Bureau, Holland, 1990.
PGS. PTS. NGUYỄN MỘNG SINH
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
rung tâm nghiên cứu nguyên tử xuất hiện trên địa bàn thành phố Đà Lạt vào những năm 60, với lò phản ứng hạt nhân TRIGA-MARK-II công suất 250kW do hãng General Atomic (Mỹ) chế tạo. Kiến trúc của Trung tâm được phỏng theo mô hình nguyên tử Hydrô. Công trình thiết kế này của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tạo cho trung tâm nét độc đáo hiếm có trên thế giới và góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt.
Những biến cố chính trị xảy ra liên tục từ năm 1965 đến năm 1975 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến sự phát triển tiếp tục và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của Trung tâm như một cơ sở nghiên cứu về năng lượng nguyên tử. Với việc tháo gỡ các thanh nhiên liệu hạt nhân và thu hồi về Mỹ vào đầu tháng 3.1975, lò phản ứng hạt nhân TRIGA - MARK - II chấm dứt sự tồn tại của mình như một thực thể độc lập và hoàn chỉnh. Trung tâm nghiên cứu nguyên tử bị tê liệt hoàn toàn.
Sau khi nước nhà được thống nhất trọn vẹn, trên cơ sở lực lượng cán bộ khoa học đã được đào tạo chuẩn bị từ nhiều năm trước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Nhà nước ta đã quyết định thành lập Viện nghiên cứu hạt nhân quốc gia với bộ phận rất quan trọng của nó là Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, ngay từ năm 1977, cán bộ khoa học của Viện đã làm việc với chuyên gia Liên Xô khôi phục, mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Sau khi thông qua thiết kế kỹ thuật, công trình này được coi là một trong những công trình đặc biệt của sự hợp tác hữu nghị Việt - Xô trong thời kỳ đầu khôi phục đất nước sau chiến tranh, là công trình trọng điểm của Nhà nước trên đất Lâm Đồng.
Dự tính triển khai trong vòng hai năm, công trình được khởi công vào tháng 5.1982 với các mục tiêu chính phải đạt được là:
- Nâng công suất lò phản ứng hạt nhân lên 500kW với việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân do Liên Xô chế tạo;
- Lắp đặt mới toàn bộ hệ thống công nghệ bảo đảm hoạt động vận hành và khai thác an toàn lò phản ứng;
- Xây dựng lắp đặt mới hệ thống kiểm soát an toàn, giám sát và bảo vệ môi trường khu vực, hệ thống công nghệ xử lý thải, ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Đầu tháng 11 năm 1983, đã có thể lắp đặt các thanh nhiên liệu vào vùng hoạt động của lò phản ứng. Sau thời gian khởi động vật lý và khởi động công suất thắng lợi, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được phép chính thức hoạt động từ ngày 20 tháng 3 năm 1984. Với thành tựu nói trên, Phân viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được đổi tên thành Viện nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Viện năng lượng nguyên tử quốc gia.
Nhà nước giao cho Viện nghiên cứu hạt nhân các nhiệm vụ sau:
- Vận hành an toàn và khai thác sử dụng có hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cùng các kỹ thuật hạt nhân khác nhằm giải quyết thiết thực những vấn đề khoa học kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
- Góp phần tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ, tạo ra những tiền đề cho việc phát triển đi lên của ngành năng lượng nguyên tử, chuẩn bị đón đầu những khả năng, vận hội đưa điện nguyên tử vào cơ cấu sử dụng năng lượng của đất nước;
- Trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về nguyên tử tầm cỡ của Việt Nam, có tiềm lực, khả năng tham gia vào hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế trong các lãnh vực chuyên ngành.
Trong gần mười năm qua, hoạt động của Viện đã cố gắng bám sát vào những nhiệm vụ, mục tiêu đó và đã đạt được những thành quả đáng kể.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động an toàn với chỉ tiêu trung bình 1.400 - 1.500 giờ mỗi năm. Phần lớn số giờ chạy lò được dùng để sản xuất chất phóng xạ. Tổng lượng chất phóng xạ đã tăng từ 5 curi trong năm 1984, đạt con số kỷ lục 200 curi năm 1990 và dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu hiện nay cỡ 150 curi mỗi năm. Hơn 90% lượng chất phóng xạ được sản xuất là phục vụ cho y tế để chẩn đoán và điều trị bệnh. Với mục đích đó và được sự đồng ý của Bộ y tế, sự hợp tác của nhiều bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố, Viện đã trợ giúp cho sự hình thành và phát triển, hoạt động của nhiều khoa y học hạt nhân. Ngoài lĩnh vực y tế, các nguồn đồng vị phóng xạ, hợp chất đánh dấu do Viện sản xuất đã và đang được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, trong xác định quan hệ đất - phân - cây trồng, trong kiểm tra chất lượng bằng phương pháp không hủy thể, trong đánh giá sa bồi ở cửa sông và hải cảng.
Thế mạnh của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt không chỉ được khai thác để điều chế chất phóng xạ. Một tập hợp đa dạng các kỹ thuật phân tích định lượng nguyên tố bằng các phương pháp hạt nhân và các phương pháp có liên quan đã được nghiên cứu áp dụng và phát triển. Trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 mẫu các loại được các phòng thí nghiệm của Viện phân tích định lượng phục vụ việc lập các bản đồ địa chất, đánh giá tài nguyên khoáng sản, chất lượng nguyên vật liệu công nghiệp, tính chất đất đai canh tác và trạng thái môi trường.
Viện nghiên cứu hạt nhân có quyền tự hào là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu áp dụng kỹ thuật chiếu xạ ở Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển công nghệ chiếu xạ trong thực tiễn. Bên cạnh việc dùng lò phản ứng để tiến hành kỹ thuật pha tạp vật liệu cho đơn tinh thể Silic, Viện sử dụng nguồn Co-60 với cường độ phóng xạ 16.000curi để nghiên cứu kích thích đột biến giống cây trồng, khử trùng dụng cụ y tế và các chế phẩm sinh học, bảo quản nông sản thực phẩm, cải biến tính chất vật liệu polymer, chế tạo vật liệu composite, lưu hóa bức xạ cao su thiên nhiên v.v... Các kết quả nghiên cứu thu hoạch được trong lĩnh vực này đang chờ đợi được áp dụng trên quy mô lớn cho các nguồn chiếu xạ công nghiệp.
Viện đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú trong sửa chữa, bảo hành, chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân, vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động của mình vừa cung cấp cho bên ngoài. Rất nhiều thiết bị loại này đang phục vụ đắc lực cho các khoa y học hạt nhân ở các bệnh viện đa khoa trong nước. Các hợp đồng cung cấp thiết bị do Viện chế tạo đang được triển khai thực hiện.
Tính từ tháng 3 năm 1984, qua gần mười năm khai thác sử dụng lò phản ứng, Viện nghiên cứu hạt nhân đã thực sự trưởng thành về nhiều mặt. Được sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước, sự giúp đỡ có hiệu quả của cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thông qua nhiều dự án hợp tác kỹ thuật, Viện đã có được một tiềm lực về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ, vừa cho phép thực hiện những nhiệm vụ hiện nay, vừa tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.
Thực vậy, các cán bộ khoa học đầu đàn của Viện đã và đang chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng cấp Nhà nước thuộc các chương trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân. Trong các phòng thí nghiệm, các phòng nghiên cứu của Viện đã và đang thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ các chương trình hợp tác và liên vùng do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế tổ chức và phối hợp. Viện đã góp phần chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho mình và cho đất nước thông qua việc tham gia giảng dạy chuyên đề ở Trường đại học Đà Lạt, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, làm luận văn tốt nghiệp, tổ chức các lớp huấn luyện quốc gia và một số hội thảo khoa học khu vực. Viện đã được Bộ Giáo dục đào tạo công nhận là một đơn vị đào tạo sau đại học. Trong số cán bộ khoa học đang làm việc ở Viện có 3 người đã bảo vệ thành công luận án khoa học trước các hội đồng quốc gia, 3 cán bộ được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư và 5 cán bộ được phong học vị Phó tiến sĩ sau khi bảo vệ luận án ở nước ngoài. Nhiều kết quả nghiên cứu của Viện được báo cáo giới thiệu trong các hội nghị chuyên ngành ở trong nước và trên thế giới, được công bố trong các tập san khoa học và được đánh giá là các công trình khoa học nghiêm túc có giá trị.
Bên cạnh các thuận lợi đã nói phải nhắc đến khó khăn, khi nêu những thành tích, thắng lợi phải thừa nhận những vấp váp, khiếm khuyết và thất bại. Đó là những mặt luôn luôn tồn tại trong thực tế và càng không thể không có ở một cơ thể đang phát triển, một tổ chức đang hoạt động. Vấn đề mang tính chất sống còn là biết nhìn nhận đánh giá thực tế một cách cầu thị, sáng suốt, trung thực và biết rút ra những bài học cần thiết. Viện nghiên cứu hạt nhân đã và đang làm việc đó với bản lĩnh của mình như một tập thể khoa học đã ít nhiều được thử thách tôi luyện qua hoạt động thực tiễn và trong bối cảnh phát triển sống động của đất nước.
Trong những năm tiếp theo, về cơ bản, những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Nhà nước sẽ giao cho Viện sẽ không thay đổi. Yêu cầu phát triển của đất nước có thể đặt ra cho Viện những trọng trách lớn hơn khả năng thực tế hiện nay. Ngoài những nhiệm vụ chung, hoạt động của Viện sẽ phải gắn chặt hơn nữa vào việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng. Tập thể các nhà khoa học, kỹ thuật của Viện sẽ luôn coi đó là nghĩa vụ, là vinh dự của mình.
TRƯƠNG NGỌC XÁN
ắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố trong 100 năm qua, chợ Đà Lạt cũng đã trải qua nhiều giai đoạn đổi thay .
Năm 1929, dân số Đà Lạt khoảng 2.000 người, công sứ Chassaing cho cất một ngôi chợ bằng cây, lợp tôn gọi là "Chợ Cây" tại khu chợ để dân chúng có nơi tụ họp sinh hoạt, mua bán, thay thế cho khu họp chợ ở ấp ánh Sáng trước đó.
Năm 1937, dân số Đà Lạt đã tăng lên 6.500 người. Sau đó trận hỏa hoạn lớn, các dãy phố bằng ván xung quanh chợ đều bị thiêu rụi. Công sứ Lucien Auger quyết định giao cho Công ty xây dựng SIDEC thiết kế đồ án và thi công xây cất một ngôi chợ mới bằng gạch khang trang tại khu chợ, vừa để thay thế ngôi chợ cây, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố lúc bấy giờ. Ngôi chợ này đã có một thời được coi là biểu tượng của "Xứ hoa đào", cũng như chợ Bến Thành là biểu tượng của "Hòn ngọc Viễn Đông"!
Ngay mặt tiền ngôi chợ có gắn một tấm huy hiệu của thành phố, trong đó có chạm hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc Lạch, một con cọp và một câu châm ngôn chữ La Tinh chiết tự từ chữ DALAT: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (có nghĩa là: cho người này niềm vui, cho kẻ khác sự mát lành).
Báo L'Asie nouvelle illustrée số 56 năm 1937 đã viết về ngôi chợ: "Ngôi chợ này tuy kiến trúc giản dị, nhưng rất độc đáo". Ngôi chợ đã trở thành một hình ảnh thân yêu, một kỷ niệm không phai mờ trong ký ức của người Đà Lạt xưa!
Sau hiệp định Genève 1954, dân số Đà Lạt đã tăng vọt lên 53.390 người, một phần vì ngôi chợ không còn đáp ứng được sinh hoạt mua bán gia tăng của dân chúng địa phương, một phần vì ngay sát trung tâm thành phố, bên cạnh phố xá, cạnh các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như hồ Xuân Hương, Đồi Cù, các ngôi biệt thự xinh đẹp thơ mộng... lại có một đầm xà lách son (cresson) hoang phế, sình lầy, mất vệ sinh làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, nên thị trưởng Trần Văn Phước quyết định cho xây dựng tại đây một ngôi chợ mới để thay thế ngôi chợ cũ. Đây là ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam! Toàn bộ thiết kế ngôi chợ do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức và các kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm, phần thi công xây dựng do nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu phụ trách.
Chợ Mới Đà Lạt hiện nay được khởi công xây cất từ năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960. Khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ở Pháp về, ông đã được mời tham gia chỉnh trang chợ Mới. Ông thiết kế một cầu thang nối liền từ khu Hòa Bình vào lầu 2 chợ và hệ thống đường xá, nhà phố chung quanh chợ.
Riêng về ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, chính quyền địa phương đã nhờ hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết kế cải tạo lại thành Rạp hát Hòa Bình (nay là Rạp 3 tháng 4) với các cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh như hiện nay. Năm 1993, dân số Đà Lạt đã tăng lên 120 ngàn người nên ngôi chợ hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị. Vả lại, ngôi chợ này cũng đã xuống cấp khá nhiều, do đó chính quyền địa phương đã quyết định cho nâng cấp ngôi chợ, xây dựng nối tiếp thêm để trở thành Trung tâm thương mại và dịch vụ, đánh dấu công trình kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Công trình này do ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Ngân hàng Việt Hoa tại quận 5 TP. Hồ Chí Minh hợp tác đầu tư.
Phần thiết kế đồ án do Xí nghiệp khảo sát thiết kế xây lắp thuộc Bộ thương mại với hai kiến trúc sư Lê Văn Rọt, Trần Hùng và kỹ sư Võ Hùng thực hiện. Trong quá trình duyệt đồ án, chính quyền địa phương có mời kiến trúc sư Ngô Viết Thụ lên Đà Lạt tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Công trình khởi công từ ngày 3.4.1993. Tổng dự toán ban đầu là 25 tỷ đồng.
Công trình hoàn thành có tổng diện tích là 21.627m2, trong đó phần thương mại và dịch vụ chiếm 13.071m2 và phần khách sạn 8.556m2. Sau khi hoàn thành Trung tâm thương mại và dịch vụ gồm 3 khối:
Khối A (ngôi chợ hiện nay): Cải tạo nâng cấp, nhưng không thay đổi mặt tiền và các dịch vụ; xây dựng thêm tầng lửng để mở rộng diện tích buôn bán hoa, đặc sản... ở tầng dưới, hàng vải quần áo... ở tầng trên; thiết kế thêm một thang cuốn cho khách bộ hành lên xuống.
Khối B (nối tiếp với chợ hiện nay) gồm hai tầng:
- Tầng dưới bán cá, thịt và rau quả.
- Tầng trên bán hàng ăn.
Khối C là một khách sạn cao 10 tầng trong đó:
- Ba tầng dưới phục vụ cho khu thương mại và dịch vụ của ngôi chợ;
- Bảy tầng trên là khách sạn, nhà hàng, siêu thị, vũ trường...
Trong khối C có lắp một thang máy ở khu vực khách sạn.
*
Hy vọng Trung tâm thương mại và dịch vụ Đà Lạt khi hoàn thành sẽ là một công trình kinh tế, kiến trúc độc đáo, làm tôn thêm vẻ đẹp của một thành phố du lịch vốn có nhiều cảnh quan và kiến trúc nổi tiếng.
Mục lục sách | Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng |