Muc luc

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 1993

uá trình hình thành và phát triển Đà Lạt cũng là quá trình hình thành truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Lạt. Trong cuộc vận động cách mạng, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của cả dân tộc, Đà Lạt chẳng những cũng có những đóng góp nhất định so với các quê hương trung dũng kiên cường mà còn có những nét khá độc đáo.

Hòa mình trong công cuộc mở mang xây dựng đô thị nghỉ mát theo qui hoạch của người Pháp, với lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, công nhân thợ thuyền các hầm mỏ, đồn điền, xây dựng đường sá, nhà cửa tại thành phố Đà Lạt đã không ngừng vùng lên đấu tranh chống bất công, áp bức, giành quyền làm chủ về tay nhân dân.

1. NHỮNG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP
THỜI KỲ BAN ĐẦU ĐẾN CUỘC KHỞI NGHĨA THÁNG 8.1945

- Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã viết về đoàn người làm phu ở Đà Lạt như sau:

"Trên đường đi lên cao nguyên Lang Biang, đi lên rừng xanh, núi đỏ, nơi mà thần chết đang chờ, từng người dân đi tạp dịch hoặc đi phu trưng tập, lương thực thiếu thốn, có ngày không có một hột cơm vào bụng, họ đã bỏ trốn từng đoàn hoặc nổi đậy chống lại, và mỗi khi như thế là bị bọn lính áp giải, đàn áp ghê rợn, xác họ rải khắp dọc đường".

Với hoàn cảnh khốn khó và điều kiện khắc nghiệt như vậy, muốn tồn tại, những đoàn người "tứ cố vô thân"từ bốn phương quy tụ về đây phải thương yêu đùm bọc, gắn bó sống chết không rời để tạo nên một sức mạnh đoàn kết đấu tranh. Chẳng những đấu tranh với thiên nhiên mà phải đấu tranh với xã hội một cách quyết liệt chống lại sự áp bức bóc lột để giành quyền sống vốn có của con người.

Đó là môi trường tốt để những hạt giống cách mạng nẩy mầm và phát triển.

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đà Lạt được thành lập rất sớm, vào tháng 4.1930 đã tổ chức các Công hội Đỏ trong công nhân, thành lập các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Hội ái hữu, Hội tương tế. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5, chi bộ lãnh đạo các tổ chức quần chúng tham gia các hoạt động nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân. Tối 30.4.1930, cờ đỏ búa liềm được treo ở chợ Đà Lạt và Cầu Đất, truyền đơn xuất hiện trên các đường phố, dọc đường 11 và khu vực đồn điền chè Cầu Đất. Lần đầu tiên nhìn thấy cờ đỏ búa liềm và truyền đơn của Đảng Cộng sản, nhân dân Đà Lạt rất tin tưởng và có cảm tình vì biết rằng Đảng lãnh đạo toàn dân đánh đổ đế quốc phong kiến, xóa bỏ áp bức bóc lột.

Tại công trường làm đường hầm xe lửa Cầu Đất, công nhân làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, hàng trăm người bị chết vì tai nạn lao động, bệnh tật; bọn chủ hãng, cai thầu lại thường xuyên quỵt lương, trả lương chậm, ngược đãi và đánh đập công nhân rất dã man. Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột thậm tệ đó, ngày 4.5.1930, hàng trăm công nhân bãi công đòi trả đủ lương, đuổi bắt tên cai thầu và tịch thu tài sản chia cho công nhân nghèo. Trước sức mạnh đấu tranh của công nhân, chủ hãng phải nhượng bộ, nhận trả 50% số lương còn nợ công nhân. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức và tinh thần đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân Đà Lạt.

Ngày 1.5.1938, tại khu rừng Cam Ly, nhóm Tiến bộ và Hội thanh niên du lịch tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Trên 300 người dự mít tinh được nghe về lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế lao động, sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Cuộc đấu tranh kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đà Lạt đoàn kết đấu tranh để đòi những quyền lợi chính đáng của mình.

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN HÃNG THẦU SIDEC

Trước tình hình đời sống của công nhân ngành xây dựng ngày càng khó khăn, nhóm Tiến bộ đã lãnh đạo và tổ chức công nhân đấu tranh. Ngày 27.8.1938, trên 1.000 công nhân xây dựng và công nhân của hãng thầu Sidec đình công đưa yêu sách: tăng lương 30%, ngày làm 8 giờ và không được đuổi thợ vô cớ. Sau 3 ngày công nhân đình công, công sứ Đà Lạt và chủ hãng đồng ý tăng lương 10% và ngày làm việc 8 giờ. Nhưng đại biểu công nhân không chấp nhận, đòi giải quyết các yêu sách. Sau hơn 1 tháng đình công, tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn nhưng công nhân xây dựng Đà Lạt đã được tăng lương từ 10 đến 20% và ngày làm việc 8 giờ. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn, thể hiện ý thức và tinh thần đoàn kết của công nhân ngành xây dựng, đồng thời tranh thủ được sự biểu tình, ủng hộ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.

Phát huy những thắng lợi của các cuộc đấu tranh trên đây, từ năm 1936 đến 1939, tại Đà Lạt, đã diễn ra 17 cuộc đấu tranh trong đó có 8 cuộc bãi công bãi thị, có cuộc biểu tình lớn với 1.000 -2.000 người tham gia. Các cuộc đấu tranh đã tạo nên khí thế chống Pháp đòi dân chủ, giành chính quyền, bảo vệ tự do ngày càng cao, có khả năng chuyển các cuộc đấu tranh cách mạng lên cao trào.

CUỘC KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TẠI ĐÀ LẠT NGÀY 23.8.1945

Đêm 13.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Tin tức nhiều địa phương giành chính quyền thắng lợi đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.

Được sự giúp đỡ của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa, ngày 21.8.1945, hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa ở Đà Lạt, nhất trí thành lập Ủy ban khởi nghĩa và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23.8.1945.

Tại Cầu Đất, tuy chưa có sự chỉ đạo của cấp trên nhưng do nhanh chóng nắm bắt được tình hình nên ngày 23.8.1945, lực lượng công nhân, thanh niên và nhân dân ở đây đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Theo đúng kế hoạch, sáng ngày 23. 8.1945, nhân dân Đà Lạt kéo về tập trung tại khu vực chợ (nay là khu Hoà Bình). Lực lượng gồm có: công nhân, thanh niên, phụ nữ được tổ chức thành từng đoàn tay cầm dao kiếm, cuốc nĩa, gậy gộc, các đội tự vệ mặc đồng phục, trang bị vũ khí thô sơ. Khu vực trung tâm thị xã náo nhiệt, rợp cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ. Được lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, hàng nghìn người đã kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng và hô vang khẩu hiệu "Đả đảo đến quốc chủ nghĩa, Mặt trận Việt Minh muôn năm". Trước khí thế cách mạng của quần chúng, tỉnh trưởng Ưng An phải đem nộp ấn tín và sổ bộ cho đại  biểu Ủy ban khởi nghĩa.

Lấy xong dinh tỉnh trưởng, đoàn biểu tình tiếp tục đến đồn bảo an, buộc đồn trưởng Quản Trang giao đồn, nộp kiếm và giấy tờ; sau đó kéo sang phá cửa nhà lao, thả hết tù nhân và đón hai đồng chí Ngô Huy Diên và Nguyễn Thế Tính đang bị Nhật giam trong xà lim trở về với phong trào.

Ngày 24.8.1945, nhân dân Đà Lạt tiếp tục biểu tình chiếm dinh tổng đốc Lâm Đồng - Bình Ninh và một số công sở khác. Tối 24.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa họp đánh giá tình hình, đề ra công việc trước mắt và bầu cử Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên gồm 7 đồng chí do đồng chí Phan Đức Huy làm chủ tịch. Sau đó, Ủy ban Việt Minh tỉnh và các tổ chức quần chúng như công nhân, thanh niên, phụ nữ cũng được thành lập.

Ngày 3.10.1945, hàng ngàn nhân dân Đà Lạt mang vũ khí tập trung tại khu vực chợ, mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, sau đó kéo đến bao vây một số công sở quân Nhật còn chiếm giữ như: nhà máy đèn, Viện Pasteur, bưu điện, ngân hàng. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức, nhưng suốt hai ngày đêm, nhân dân Đà Lạt đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Nhiều đồng bào, đồng chí anh dũng hy sinh. Đó là những tấm gương tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của nhân dân Đà Lạt.

Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại đối với phong trào cách mạng Đà Lạt, góp phần cùng cả nước tổng khởi nghĩa thắng lợi, đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Với thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám, nhân dân Đà Lạt từ người nô lệ thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cách Mạng Tháng Tám đã đem lại những quyền lợi thiết thực mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động hằng mong ước gần hơn 40 năm qua: xóa bỏ áp bức bóc lột, nam nữ bình đẳng, bỏ thuế thân, ngày làm 8 giờ... Tuy những quyền lợi đó mới được thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc và trở thành động lực tinh thần của nhân dân Đà Lạt cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới.

2. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN ĐÀ LẠT
TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ

Từ sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 cho đến năm 1975, ở Đà Lạt lúc nào cũng có hai đại biểu cho hai chính quyền đối lập. Các yếu tố của một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã thể hiện khá rõ nét.

Vị trí Đà Lạt đối với Pháp đã trở nên quan trọng thực sự. Ngoài chức năng nghỉ dưỡng và du lịch, toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã cho rằng Đà Lạt là "miền đất dung thân", muốn xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Đông Dương. Cả Pháp và Mỹ đều nhìn nhận Đà Lạt là mục tiêu quan trọng đối với miền Nam và Đông Dương cả hai mặt chính trị và quân sự, cho nên họ phải cố sức để giữ vững Đà Lạt làm hậu phương an toàn. Cả Pháp và Mỹ đều tăng cường nhân vật lực cho Đà Lạt, thực lực của họ hoàn toàn ở thế áp đảo so với lực lượng cách mạng của ta gấp nhiều lần.

Đối với cách mạng, Đà Lạt tuy là một thành phố biệt lập trên một chiến trường "cô lập" nhưng giữ một vị trí hết sức quan trọng, có tầm chiến lược, nhất là về chính trị đối với cả Nam Tây Nguyên và Nam Đông Dương. Khác với nhiều thành phố khác, chiến trường Đà Lạt không có đồng bằng, không có hậu phương, thiếu chỗ dựa trực tiếp để tiến hành đấu tranh cách mạng. Chiến trường ở đây không diễn ra sự chà xát giành dựt từng tất đất mà là chiến trường gây cơ sở cách mạng, giành dựt từng con tim, con tim người lao động, con tim người trí thức, người buôn bán ở chợ Đà Lạt. Cái thuận lợi to lớn ở đây chính là nhân dân, là cộng đồng cư dân Đà Lạt, tuyệt đại bộ phận là những người lao động đến đây từ những quê hương cách mạng, là những người tù khổ sai, những người tham gia cách mạng bị khủng bố chạy về đây. Cũng chính mối quan hệ với nhiều địa phương khác của cư dân Đà Lạt đã xóa đi một phần nào tính "cô lập"về thông tin liên lạc với cả nước. Cái thuận lợi nội tại này nghiễm nhiên đã trở thành chỗ dựa, là hậu phương của chiến trường, là mảnh đất tốt để ươm trồng hạt giống cách mạng.

Truyền thống cách mạng sẵn có của nhân dân Đà Lạt đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cả thế và lực trong suốt 30 năm chống Pháp và Mỹ.

2.1 Thời kỳ chống pháp

Sau khi đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, ngày 27.1.1946, thực dân Pháp đưa một lực lượng lớn lên chiếm lại hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Ngày 28.1.1946, thực dân Pháp phối hợp với quân Nhật tấn công vào ba phòng tuyến của quân cách mạng ở Trại Mát, Phi Nôm và cây số 42 trên đường số 8.

Tại phòng tuyến Trại Mát, bọn địch đã bị đánh trả quyết liệt, nhưng do lực lượng của ta không cân sức nên phải rút dần xuống Cầu Đất, các cơ quan dân chính và nhân dân kiên quyết thực hiện "vườn không nhà trống", tản cư xuống Ninh Thuận. Lực lượng cách mạng rút lui vào hoạt động bí mật để tiếp tục vừa lo vùng hậu cứ ở Ninh Thuận, mở các đường dây, nội thị theo phương thức kết hợp giữa công khai với bí mật để đưa phong trào quần chúng lên những bước mới.

Từ ngày 17.4 đến ngày 12.5.1946, hội nghị trù bị giữa Việt Minh và Pháp đã diễn ra tại Đà Lạt để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao giữa Việt Nam và Pháp ở Fontainebleau. Mặc dù thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn cản, theo dõi chặt chẽ, nhưng phái đoàn của ta vẫn tìm cách gặp gỡ nhân dân để nói rõ tình hình đất nước và kêu gọi nhân dân tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp.

Học giả Hoàng Xuân Hãn, thành viên của phái bộ Việt Minh trong đại hội trù bị Đà Lạt, đã tả cảnh Đà Lạt và bày tỏ nổi lòng của mình như sau:

"Núi Đà Lạt xa quanh mình uốn éo

Lửng lưng đồi, ai khéo vẽ rừng thông

Mặt hồ xanh, mây bạc bóng gương hồng

Trên cỏ lục, lối hồng đang uốn khúc

Ngắm cảnh tay người, thêm tấm tức

Gẫm mình việc nước vẫn đeo đai!

Giữ non sông, thao lược đã không tài

Nêu sứ mệnh, một vài câu biện luận

Thấy lẽ mạnh ép hèn, sôi nổi giận

Tuốt gươm thù, toan quyết trận phong ba.

Nhớ ra đã có nghị hòa!"

Để đẩy mạnh phong trào cách mạng tại địa phương, trong năm 1947, ban cán sự cực nam và ủy ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên đã tăng cường nhiều cán bộ lên hoạt động tại Đà Lạt. Các đội công tác thường xuyên bám sát dân để tuyên truyền đường lối của Đảng, chống mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch và xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng. Một số cán bộ hoạt động hợp pháp đã tìm cách làm việc ở nhà máy đèn, nha địa dư, khách sạn Palace...

Sau một thời gian tuyên truyền vận động quần chúng, phong trào Đà Lạt đã có bước chuyển biến mới, cơ sở cách mạng được xây dựng rộng khắp. Tại nhà máy đèn, tổ chức công đoàn được thành lập với trên 20 đoàn viên làm nhiệm vụ vận động công nhân tham gia ủng hộ kháng chiến, tổ chức treo cờ, rải truyền đơn. Ở Sở địa dư, cơ sở bên trong đã cung cấp nhiều tài liệu và tin tức có ý nghĩa chiến lược cho Trung ương để kịp thời đối phó với những âm mưu, thủ đoạn của địch, đồng thời lấy một số vũ khí, thuốc chữa bệnh gởi ra chiến khu. Trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, đường dây liên lạc vẫn được vững vàng, bảo đảm an toàn việc vận chuyển lương thực, tài liệu và đưa đón cán bộ lên Đà Lạt.

Nhằm tăng cường sự chỉ đạo đối với phong trào Đà Lạt, tháng 1.1950, Ban cán sự Cực Nam quyết thành lập Thị ủy Đà Lạt do đồng chí Phan Như Thạch làm bí thư và thành lập Ban cán sự huyện Chiến Thắng (khu vực từ Trại Mát đến Cầu Đất) do đồng chí Nguyễn Duy Vân làm bí thư. Đây là sự kiện quan trọng về tổ chức và chỉ đạo, là nhân tố quyết định đưa phong trào cách mạng địa phương phát triển lên một bước mới.

Do sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng bộ tại chỗ và vận dụng đúng phương châm phương thức hoạt động nên đến cuối năm 1950, trên các địa bàn đã xây dựng được trên 2.000 cơ sở cách mạng, hàng trăm thanh niên, học sinh thoát ly ra chiến khu tham gia kháng chiến.

Tại chợ Đà Lạt, phong trào phụ nữ Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức. Chị em buôn bán đã đấu tranh đòi giảm thuế và vận động tham gia ửng hộ kháng chiến, tiếp tế ra chiến khu, điển hình là cuộc vận động "áo mùa đông chiến sĩ" với hàng trăm áo len, quần áo, thuốc men chuyển ra chiến khu. Chính chị em là những người giữ vững đường dây liên lạc với Phan Rang, Sài Gòn. Phong trào phụ nữ chợ Đà Lạt có ảnh hưởng rất lớn đến tầng lớp nhân dân của thị xã.

*

ĐỘI CẢM TỬ QUÂN TIÊU DIỆT THANH TRA MẬT THÁM HAAZ
VÀ HAI MƯƠI TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ BỊ XỬ BẮN

Với lực lượng được tăng cường và số thanh niên, học sinh thoát ly ra càng ngày càng đông, đầu năm 1951, Thị ủy Đà Lạt thành lập đội cảm tử Phan Như Thạch gồm 36 cán bộ, chiến sỹ, có 13 tổ cảm tử hoạt động trong nội ô và 5 đội vũ trang tuyên truyền làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian.

Chấp hành chủ trương của Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng, lực lượng cảm tử và các đội vũ trang tuyên truyền vừa tích cực xây dựng cơ sở vừa đẩy mạnh diệt ác trừ gian. Nhiều tên mật thám ác ôn, chỉ điểm có nhiều nợ máu với nhân dân bị trừng trị.

Lập thành tích kỷ niệm 61 năm ngày sinh của Bác Hồ, ngày 11.5.1951, đội cảm tử đã tiêu diệt tên Haaz - thanh tra mật thám Pháp - ở biệt thự 17 Huỳnh Thúc Kháng Đà Lạt. Để trả thù cách mạng và trấn an binh lính, lúc 19 giờ cùng ngày, địch đưa 20 tù nhân tại nhà lao Đà Lạt đi bắn tại khu rừng Cam Ly, 19 người đã hy sinh, chỉ còn chị Nguyễn Thị Lan bị thương nặng sống sót.

Trước sự trả thù hèn mạt, dã man của kẻ địch, hàng ngàn nhân dân Đà Lạt xuống đường biểu tình lên án hành động tàn bạo, đòi trừng trị những kẻ gây tội ác, đòi bồi thường cho các gia đình nạn nhân và bảo đảm tính mạng cho chị Nguyễn Thị Lan. Sự kiện này làm chấn động dư luận nước Pháp. Những nghị sĩ trong Đảng Cộng sản Pháp đưa vấn đề ra chất vấn trước quốc hội, đòi phải chấm dứt ngay những tội ác đối với các nước thuộc địa.

Đêm 18.5.1951, lực lượng cảm tử quân đột nhập vào thị xã rải truyền đơn, treo cờ, dán áp phích. Suốt ngày 19.5, chợ không họp, các cửa hiệu đóng cửa, đường phố vắng người đi lại. Điều đó đã thể hiện ý thức cách mạng và tình cảm sâu sắc của tầng lớp nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu.

Nhằm đối phó với các hoạt động của ta và đàn áp phong trào cách mạng, địch điều một tiểu đoàn com -măng -đô từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Đội cảm tử quân đựơc giao nhiệm vụ tiêu diệt bọn này. Đêm 17.6.1951, tiểu đội cảm tử dấu quân ở nhà xác bệnh viện. Trong khi đồng chí lãnh đạo đội là Trần Thái đang liên lạc với đồng chí Sinh - cán bộ tình báo - nắm tình hình tại nhà số 9 Hai Bà Trưng thì đại đội com - măng - đô đến bao vây căn nhà, định bắt sống các chiến sĩ cảm tử. Quyết không để bị địch bắt, hai đồng chí đóng chặt cửa, rút lên lầu đốt tài liệu, sau đó mở cửa ném lựu đạn, dùng súng ngắn tiêu diệt bọn địch đang bao vây căn nhà. Sau 30 phút chiến đấu, hai đồng chí đã tiêu diệt 6 tên và anh dũng hy sinh bằng hai viên đạn cuối cùng. Khi đưa hai thi hài về nhà xác bệnh viện, địch phát hiện tiểu đội cảm tử đang dấu quân tại đây. Tuy ở trong địa thế bị bao vây nhưng các chiến sĩ cảm tử đã dũng cảm vượt ra khỏi nhà xác, vừa chiến đấu vừa rút lui. Đồng chí Nguyễn Lại, tiểu đội trưởng, anh dũng hy sinh. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức nhưng các chiến sĩ cảm tử đã tiêu diệt 4 tên địch, thoát khỏi vòng vây và trở về chiến khu.

Được tin ba đồng chí anh dũng hy sinh, hàng ngàn dân Đà Lạt bất chấp khủng bố, đe dọa của kẻ thù, kéo đến nhà xác bệnh viện thăm viếng suốt ba ngày liền và tiễn đưa ba người con ưu tú về nơi an nghỉ cuối cùng.

Cuối năm 1953, địch bắt bà Xu Nguyên - một cơ sở cách mạng trung kiên đã tiếp tế nhiều năm cho cách mạng. Bà bị đánh đập tra tấn dã mang nhưng vẫn không khai một lời cho đến hơi thở cuối cùng. Trước hành động dã man, tàn bạo của kẻ địch, cơ sở cách mạng ở Đà Lạt đã vận động nhân dân biến đám tang thành cuộc biểu tình chính trị có lực lượng thanh niên và tự vệ hỗ trợ. Các tổ chức cách mạng, các đội công tác đã tổ chức truy điệu để tỏ lòng khâm phục một cơ sở cách mạng đã anh dũng hy sinh.

Mặc dù sống trong vùng địch kìm kẹp, khủng bố, nhưng nhân dân Đà Lạt vẫn luôn hướng về cách mạng, nhiều gia đình đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, tiếp tế lương thực và các mặt hàng thiết yếu ra chiến khu. Nhiều cơ sở cách mạng bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không hề khai báo, một lòng trung kiên với cách mạng. Những cử chỉ cao đẹp đó là nguồn cổ vũ, động viên mọi cán bộ chiến sĩ vượt qua khó khăn gian khổ ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, theo sự chỉ đạo của Ban cán sự Cực Nam, Thị ủy Đà Lạt và các cán bộ chiến sĩ các đội xây dựng cơ sở hành quân xuống chiến khu Lê Hồng Phong để thực hiện việc chuyển quân tập kết, kết thúc 9 năm kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng anh dũng. Đảng bộ và nhân dân Đà Lạt đã góp phần đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Thắng lợi đó thể hiện tinh thần yêu nước và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân Đà Lạt đã được giác ngộ, tôi luyện trong đấu tranh cách mạng để giành độc lập tự do.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Đà Lạt tạo ra một tiền đề, một sức mạnh mới cả thế và lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

*

2.2 Thời kỳ chống Mỹ

Hiệp định Genève được ký kết, nhân dân Đà Lạt phấn khởi đón mừng hòa bình và mong muốn được sống trong độc lập tự do. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, đi ngược lại lợi ích của nhân dân ta. Một lần nữa, nhân dân Đà Lạt cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm đầy hy sinh gian khổ nhưng rất anh dũng tự hào.

Được sự chỉ đạo của cơ sở bên trong, tháng 8.1955, trên 300 tiểu thương chợ Đà Lạt bãi thị, cử đại diện gặp thị trưởng, đưa kiến nghị đòi thi hành Hiệp định đình chiến, đòi Mỹ không được can thiệp vào miền Nam và giải quyết một số yêu sách. Thị trưởng Đà Lạt cử đại diện ra thương lượng và hứa giải quyết một số yêu cầu của chị em: giảm thuế chợ, cho nhân dân được tự do đi lại buôn bán.

Thực hiện chương trình mở mang, giành dân, chống âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược của địch, lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Đức, thị xã Đà Lạt đã nhiều lần đột nhập vào các ấp Xuân Thành, Xuân Sơn, Đất Làng... tiêu diệt địch, vũ trang tuyên truyền, kêu gọi nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Bên trong thị xã, các đơn vị tiến công địch ở nhiều vị trí quan trọng như sân bay Cam Ly... đã có tác động đến phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

CUỘC ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ NĂM 1966

Để trực tiếp lãnh đạo phong trào phụ nữ chợ, ngày 8.3.1964 chi bộ mang tên "8 tháng 3" được thành lập tại chợ Đà Lạt. Đó là hạt nhân nồng cốt lãnh đạo chị em buôn bán ở chợ tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chính trị. Tháng 3.1964, hàng ngàn chị em bãi thị suốt 7 ngày và kéo đến dinh thị trưởng đưa kiến nghị đòi hủy bỏ việc tăng thuế chợ. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, chính quyền địch buộc phải hủy bỏ quyết định này. Tháng 5.1965, chi bộ chợ và cơ sở bên trong vận động hàng ngàn đồng bào tẩy chay cuộc bầu cử Hội đồng thị xã, đòi chính quyền địch phải bán gạo cho nhân dân và có những biện pháp cải thiện đời sống. Do nội dung đấu tranh phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nên thu hút đông đảo đồng bào các ấp vùng ven tham gia, buộc địch phải chấp nhận một số yêu sách.

Hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân Huế, Đà Nẵng, một số cơ sở cốt cán trong lực lượng sinh viên, học sinh chuẩn bị phát động một cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Trước tình hình đó, chi bộ chợ và cơ sở cách mạng cũng tích cực vận động đồng bào và quần chúng hưởng ứng, tham gia cuộc đấu tranh. Tối 27.3.1966, Ban chấp hành "Lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ" cùng đại diện chị em buôn bán ở chợ, công nhân, công chức họp bàn chương trình hành động, thành lập "Lực lượng nhân dân, sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ", bầu Ban chấp hành mới để lãnh đạo phong trào.

Mục tiêu đấu tranh là đòi Mỹ tôn trọng chủ quyền của người Việt Nam, đòi tự do dân chủ, giảm giá sinh hoạt. Từ ngày 28.3 đến đầu tháng 5.1966, hàng ngàn lượt người đã tham gia các cuộc biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa ..., lực lượng sinh viên, học sinh tổ chức đêm không ngủ, tuyệt thực tại khu Hòa Bình. Đỉnh cao của phong trào là những cuộc biểu tình của hàng nghìn người kéo đến tiểu khu, Tòa hành chính Tuyên Đức, Tòa thị chính Đà Lạt đấu tranh trực diện với ngụy quyền. Lực lượng đấu tranh đã chiếm Đài phát thanh, chiếm trụ sở hợp tác xã rau làm trụ sở của Ban chấp hành. Chùa Linh Sơn là nơi nương tựa, hội họp của ban lãnh đạo đấu tranh.

Đây là một cuộc đấu tranh chính trị thực sự với quy mô chưa từng có, có đông đảo tăng ni và đồng bào Phật tử tham gia. Lực lượng tranh đấu đã làm chủ một nửa thành phố (khu vực phía Bắc hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo) trong gần 3 tháng ròng rã. Lực lượng tranh đấu có 5 thanh niên hy sinh, 37 người bị thương và hàng trăm người bị bắt.

Cuộc đấu tranh năm 1966 là một cuộc biểu dương lực lượng, một cuộc diễn tập lớn của hàng vạn quần chúng đấu tranh bằng bạo lực chính trị, một cuộc đấu tranh vang dội trong cả nước.

CUỘC TỔNG TẤN CÔNG XUÂN MẬU THÂN 1968

Đêm 31.1.1963, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công địch trên 3 hướng: Tây Nam, Tây Bắc, Đông Nam thị xã Đà Lạt.

Ở hướng Tây Nam, ta chiếm phần lớn tiểu khu, Viện Pasteur, 9 sở, ty. Ngày hôm sau, địch phản kích quyết liệt nên các đơn vị phải rút ra, trụ lại các ấp vùng ven. Trên hướng Tây Bắc, các đơn vị đánh vào tỉnh đoàn bảo an, dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát; sau đó rút ra khu vực Đa Cát, bám trụ đánh địch suốt 12 ngày đêm, hỗ trợ nhân dân các ấp Đa Cát, Đa Phú nổi dậy giành chính quyền, làm chủ, thành lập chính quyền cách mạng. Trên hướng Đông Nam, các đơn vị đánh địch ở Trại Hầm, ga xe lửa, nha địa dư, làm chủ khu vực trường Yersin trong hai ngày, sau đó rút ra vùng ven.

Sau khi củng cố và tăng cường lực lượng, từ ngày 17.2 đến ngày 1.3, các đơn vị bước vào đợt hai của chiến dịch, tiến công nhiều vị trí quan trọng của địch trong thị xã. Trước tình hình địch tăng cường phòng giữ và phản kích quyết liệt nên đến ngày 21.2 phần lớn lực lượng ta rút ra hoạt động ở vùng nông thôn.

Cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Đà Lạt là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chống Mỹ của nhân dân thành phố. Nó tạo một bước nhảy vọt cả thế và lực, chất lượng và số lượng của phong trào cách mạng, của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và tạo điều kiện cho những thắng lợi vang dội sau này.

Suốt cả năm 1969, cả ba thứ quân dồn dập tấn công địch, nhất là lực lượng vũ trang mật trong thành phố hoạt động một cách anh dũng kiên cường.

Tháng chạp năm 1969, nữ biệt động thành Lê Thị Hòa đã đặt mìn phá hủy tòa nhà chính củaTrung tâm viễn thông Đà Lạt, địch bị chết và bị thương 22 tên, trong đó có 5 cố vấn Mỹ, toàn bộ máy móc bị phá hủy. Lê Thị Hòa được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Quân khu 6.

Nhiều trận đánh biệt động khác do lực lượng bên trong thực hiện như trận ám sát hụt tên tỉnh trưởng Lộ Công Danh tại nhà ga xe lửa trong buổi ra mắt Lực lượng phòng vệ dân sự, làm cho 8 tên bị thương và trận đánh diệt tên Bá - phó ty cảnh sát đặc biệt Đà Lạt, trận đánh diệt sĩ quan cố vấn Mỹ tại khách sạn Ngọc Lan...

Những trận đánh của biệt động đã làm cho chính quyền ngụy ở thị xã vô cùng khốn đốn, lo lắng hoảng sợ, cho rằng Cộng sản có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu và tấn công bất cứ lúc nào, tinh thần của binh lính sĩ quan và bộ máy tề ngụy tại Đà Lạt sa sút thấy rõ, khí thế quần chúng cách mạng càng được dâng cao.

CHIẾN DỊCH TK

Thực hiện một yêu cầu chính trị của trên, với mật danh của đợt hoạt động này là TK, lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt khẩn trương triển khai phương án chiến đấu. Chiến dịch TK tấn công vào Đà Lạt được thực hiện trên 3 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc và phía Nam thị xã. Đêm 20.5.1970, các đơn vị đồng loạt nổ súng vào những mục tiêu đã định. Ở khu vực Giáo hoàng chủng viện và Lãnh địa Đức Bà, ta trụ lại đánh địch suốt hai ngày đêm. Ở một số nơi trong thị xã, nhân dân nổi dậy truy bắt bọn tề điệp ác ôn, dựng chướng ngại vật trên đường nhằm ngăn cản các cuộc phản kích của địch, tiếp tế cho các đơn vị trụ lại đánh địch.

Chiến dịch TK tấn công vào Đà Lạt đã giành được thắng lợi quan trọng, không những có ý nghĩa đối với phong trào cách mạng ở địa phương mà còn ảnh hưởng đến các chiến trường khác trong khu vực và toàn miền vì năm 1970, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố đã cơ bản chận đứng được các cuộc tấn công lớn của Việt Cộng vào các thành phố, thị xã. Dư luận thế giới ca ngợi thắng lợi và ý nghĩa quan trọng của chiến dịch này. Báo Le Monde (Pháp) cho rằng: "Diễn biến, kết quả cuộc tiến công vào Đà Lạt là một ví dụ nổi bật nhất từ trước tới nay của sự phối hợp hành động giữa những bộ phận tiến công từ bên ngoài và những bộ phận xâm nhập vào bên trong thị xã".

CUỘC ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ CHỐNG BẦU CỬ ĐỘC DIỄN 1971

Phối hợp với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị cũng có nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống khủng bố, chống bắt lính. Ngày 26.4.1970, hơn 700 sinh viên Đại học Đà Lạt tổ chức hội thảo tại giảng đường Spellman, bãi khóa để phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp sinh viên học sinh, đòi quyền tự trị đại học. Tháng 7.1970, sinh viên lại đấu tranh chống chủ trương "Quân sự hóa học đường". Sinh viên kéo đến Phòng huấn luyện quân sự học đường đuổi 6 tên sĩ quan ngụy, đốt toàn bộ hồ sơ và một hình nộm mang quân phục "quân sự học đường".

Nhằm vạch trần bộ mặt thối nát, tàn bạo của chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu, từ ngày 27.9 đến ngày 3.10.1971, hàng ngàn nhân dân Đà Lạt xuống đường đấu tranh chống cuộc bầu cử độc diễn ngày 3.10. Thị ủy Đà Lạt chỉ đạo cơ sở cốt cán hoạt động trong các tổ chức công khai hợp pháp như : Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Tổng đoàn học sinh Đà Lạt, Đoàn sinh viên Phật tử và Mặt trận bảo vệ văn hóa dân tộc, thống nhất nội dung và chương trình đấu tranh. Tối 27.9, sinh viên học sinh tổ chức hội thảo với chủ đề "Sinh viên học sinh trước hiện tình đất nước". Sáng 28.9, các tổ chức công khai hợp pháp tiến hành cuộc hội thảo với chủ đề "Nhận định về cuộc bầu cử độc diễn ngày 3.10". Dự hội thảo còn có đại diện sinh viên học sinh Sài Gòn, Giáo hội Phật giáo và một số nhà báo ở Sài Gòn. Những người dự hội thảo nhất trí thành lập ủy ban nhân dân Đà Lạt - Tuyên Đức chống bầu cử bịp bợm, ra bản tuyên bố chung đòi hủy bỏ cuộc bầu cử, kêu gọi nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử.

Từ 29.9 đến 2.10, lực lượng đấu tranh tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mỗi ngày có 3 buổi phát thanh phản đối trò hề bầu cử bịp bợm của Mỹ - Thiệu, kêu gọi đồng bào không đi bỏ phiếu. Lực lượng sinh viên học sinh tổ chức 10 tổ xung kích mở chiến dịch "Nói với đồng bào" tỏa đi các đường phố và khu vực chợ, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, phân phát bản tuyên bố chung.

Để đối phó với các cuộc biểu tình lớn, địch tập trung lực lượng chốt chặn những con đường vào trung tâm thị xã. Tình hình Đà Lạt hết sức căng thẳng. Ngày 3.10.1971, lực lượng đấu tranh tuy không tổ chức được những cuộc biểu tình lớn, nhưng toàn thị xã bãi khóa, bãi thị, phần lớn nhân dân không đi bỏ phiếu, những người bị bắt buộc đi bầu cử tìm cách bỏ phiếu không hợp lệ.

Cuộc đấu tranh chống bầu cử độc diễn ngày 3.10 đã tập hợp được nhiều tổ chức công khai hợp pháp và đông đảo quần chúng tham gia, trong đó lực lượng nòng cốt là sinh viên học sinh, một lần nữa thể hiện tinh thần đoàn kết và truyền thống đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.

*

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhân dân Đà Lạt tổ chức nhiều cuộc mít tinh mừng hòa bình. Cơ sở cốt cán bên trong hướng dẫn sinh viên học sinh tổ chức các cuộc hội thảo, hoạt động văn nghệ và ra một số tập san công khai với chủ đề "Quê hương với hòa bình", "Chính sách hòa hợp dân tộc". Những tập san của đoàn sinh viên Phật tử, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống đều tái bản các văn kiện của Hiệp định và phát hành rộng rãi trong nhân dân.

Nhằm mở rộng các hình thức tập hợp quần chúng, Thị ủy Đà Lạt chủ trương hình thành các tổ chức công khai hợp pháp và đưa cơ sở cốt cán vào các tổ chức đó để lãnh đạo phong trào. Ngoài các tổ chức đã có, còn lập thêm ủy ban đòi thi hành hiệp định Paris, mặt trận cứu đói, ủy ban nhân dân chống tham nhũng, Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù. Hoạt động của các tổ chức đã có sự tác động hỗ trợ lẫn nhau và được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú nên không những tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia mà còn lôi kéo, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của một số ngụy quân ngụy quyền. Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá vùng bàn đạp và các ấp vùng ven, nhưng các đội công tác vẫn kiên trì bám địa bàn để đánh địch và xây dựng thực lực cách mạng. Đến cuối năm 1974, trong vùng địch kiểm soát, ta đã xây dựng được hàng trăm cơ sở, một số lõm chính trị ở các ấp vùng ven vẫn phát huy tốt tác dụng.

Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường đã làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, những điều kiện để giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi. Ngày 30.12.1974, Thị ủy Đà Lạt họp đánh giá tình hình và đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm đưa phong trào cách mạng địa phương phát triển lên một bước mới. Ngày 13.1.1975, Thị ủy mở lớp tập huấn công tác đô thị cho cán bộ, đội trưởng các đội công tác để phổ biến tình hình nhiệm vụ mới và phổ biến kế hoạch nổi dậy giành thắng lợi khi thời cơ đến.

MÙA XUÂN 1975 - ĐÀ LẠT GIẢI PHÓNG

Sau khi ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũ, quân địch ở Đà Lạt hoang mang cực độ, tinh thần suy sụp. Trong những ngày 27, 28 tháng 3, truyền đơn của Mặt trận Giải phóng kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa được tung ra khắp thành phố. Tối 31.3.1975, địch đốt các kho đạn ở núi Bà, sân bay Cam Ly, Trường võ bị và rút chạy khỏi Đà Lạt.

Sáng ngày 2.4.1975, Ban cán sự thành phố được thành lập, cơ sở cốt cán và lực lượng sinh viên học sinh được tổ chức thành từng nhóm tỏa đi chiếm lĩnh và bảo vệ cho nhà máy, công sở quan trọng, kêu gọi đồng bào không đi di tản, tuyên truyền 12 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, kêu gọi binh lính nộp vũ khí.

Ở các ấp vùng ven, lực lượng vũ trang và các đội mũi công tác khẩn trương vào tiếp quản, thành lập chính quyền cách mạng ở xã Xuân Trường, Trại Mát vào ngày 1.4 và ở các ấp Sào Nam, Tây Hồ, Tự Phước, Đa Thành ngày 2.4.1975. Chiều ngày 2.4, tại khu vực trung tâm Hòa Bình, đã xuất hiện lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Sáng ngày 3.4.1975, lúc 8 giờ 20 phút, cờ Giải phóng tung bay trên Tòa hành chính, cơ quan đầu não của chính quyền địch tại địa phương, đánh dấu giờ phút lịch sử: tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt hoàn toàn được giải phóng.

Ngày 3.4.1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Đà Lạt đã giành được thắng lợi trọn vẹn, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm và hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới.

Yếu tố đưa đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng thành phố Đà Lạt tháng 4.1975 là do các thắng lợi liên hoàn của các chiến trường bạn, nhất là trận đánh tan 3 cuộc phản kích của lực lượng địch ở Tuyên Đức từ Đà Lạt xuống cứu Di Linh. Đó là thời cơ "Hai mươi năm có một". Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất, mà yếu tố nội tại của lực lượng cách mạng Đà Lạt, sức mạnh của nhân dân đã góp phần to lớn cho thắng lợi.

Khi hồi tưởng lại cuộc tháo chạy tối 31.3.1975, một số người trong bộ máy ngụy quân ngụy quyền Đà Lạt - Tuyên Đức kể lại rằng: "Lúc bấy giờ, chúng tôi nhìn đâu cũng thấy: Việt Cộng", bên ngoài và bên trong hàng rào dinh tỉnh trưởng đều có "Việt Cộng". Tỉnh thị trưởng Đà Lạt đã âm thầm cùng chỉ huy trưởng Trường võ bị rút trước, không hề ban bố một lệnh rút lui chính thức nào. Từng cơ quan đơn vị, không ai bảo ai, tự lo tháo chạy... Chiều ngày hôm sau, cùng gặp nhau ở Krongpha, Phan Rang, thì mới biết họ chống lệnh "tử thủ đến cùng" như mình".

Thời cơ mới đã làm tăng thêm sức mạnh của quần chúng, thay đổi hẳn tương quan lực lượng. Quân địch tự giật sập cầu Đại Ninh để chận đường tiến quân của cách mạng, rồi sau đó cũng đã rút lui vô điều kiện. Một điều cũng thật là độc đáo, hiếm có trong chiến tranh là giải phóng một thành phố có tầm cỡ như Đà Lạt, nhưng điện, nước không hề bị mất lấy một giờ. Trong một số công sở, nhiều công nhân viên chức là cơ sở cách mạng nội thành mặc nhiên tiếp quản công sở một cách gọn gàng, bảo vệ cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu gần như nguyên trạng, ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc tháo chạy. Có một vài vụ cướp phá xảy ra ở chợ, kho lương thực, nhưng lực lượng tự vệ bên trong đã tổ chức dẹp ngay. Chính quyền cách mạng ở nhiều cơ sở, khóm ấp, khu phố đều đồng loạt ra mắt nhân dân trong ngày 2.4.1975. Nha địa dư đã hoạt động ngay để in ảnh Hồ Chủ Tịch và các bản đồ quân sự phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.

Nếu không có những cuộc diễn tập trong các giai đoạn trước, không có sẵn tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng thì chắc Thắng lợi mùa Xuân 1975 tại Đà Lạt sẽ không trọn vẹn và tuyệt vời đến thế!.

Mười tám năm rồi, mười tám năm Đà Lạt thanh bình, hoa Đà Lạt đã được trồng nhiều hơn và nhiều loại khác đua nhau nở. Xin chọn mỗi loại một cành dâng lên Đài liệt sĩ. Mong những người đã nằm xuống hãy nhận cho những đóa hoa này.

TRƯƠNG TRỔ
NGÔ XUÂN TRƯỜNG

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985.

2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930 -1945), Đà Lạt, 1981.

3. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1945 -1954), Đà Lạt, 1984.

4. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1954 -1975), Đà Lạt, 1990.

5. Lịch sử Đảng bộ Đà Lạt, 1989, 1993.

6. Các văn kiện của Ban cán sự Cực Nam, Khu ủy Khu 6, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Tuyên Đức (Lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

7. Các hồi ký của những đồng chí hoạt động cách lạng lão thành tại Đà Lạt. (Lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

8. Trần Ngọc Trác, Một vài suy nghĩ về truyền thống và phong cách người Đà Lạt (Tài liệu đánh máy), 1993.

9. Các tài liệu tiếng Pháp về bác sĩ Yersin (lưu trữ tại Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt).

10. Những mùa hoa phong lan, Tỉnh hội phụ nữ Lâm Đồng xuất bản, 1985.

11. Tập san Sử Địa, Sài Gòn, 1971, Số 23 -24

 

 

Dau trang Giao duc DL nam 2000

Nội dung chính

Mục lục sách

Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng