ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT |
ự nghiệp giáo dục của một địa phương thường gắn liền với sự hình thành và phát triển của địa phương đó. Cùng với Đà Lạt, sự nghiệp giáo dục của thành phố trên cao nguyên này đã trải qua nhiều bước thăng trầm với biết bao đổi thay nhưng ngày càng khởi sắc.
Ngày 1.3.1920, ngôi trường đầu tiên của Đà Lạt được thành lập, đó là một ngôi trường Pháp mang tên École Francaise. Lúc đầu, trường chỉ có hai lớp: lớp mẫu giáo lớn (douzième) và lớp 1 (cours enfantin). Trường phát triển dần, đến năm 1930 có các lớp 1 (enfantin), 2 (préparatoire), 3 (élémentaire), lớp dạy đàn pi-a-nô (piano), tiếng Anh (Anglais), lớp dạy đánh máy chữ (dactylographie). Sau đó trường đổi tên thành trường Nazareth (trường Thăng Long ngày nay).
Cùng với thời gian này, cụ Bùi Thúc Bàng mở trường đầu tiên cho con em người Việt Nam. Trường chỉ là một ngôi nhà gỗ với ba phòng học đơn sơ ở phía sau Cinéma Eden (nay là rạp chiếu bóng Ngọc Lan). Đến năm 1930, trường tiểu học bổ túc Đà Lạt (École Primaire complémentaire de Dalat), tiền thân của trường Đoàn Thị Điểm ngày nay, được thành lập, toàn bộ học sinh của ba lớp học đầu tiên nói trên được chuyển vào trường này.
Khi cư dân Đà Lạt tăng lên, nhất là người Âu, binh lính, quan chức người Việt đến làm việc, chính quyền Pháp đã cho mở thêm hai trường công lập : Petit Lycée, Grand Lycée.
Năm 1935, Trường Couvent des Oiseaux được khai giảng, lúc đầu là vườn trẻ mẫu giáo, sau đó phát triển lên thành bậc tiểu học và trung học. Trường còn có tên là Notre Dame du Langbian. Từ năm 1939, Trường thiếu sinh quân Đà Lạt (École D'enfants de troupe de Dalat) được thành lập.
Năm 1944, để tránh hiểm họa chiến tranh, người Pháp đã cho chuyển Trường kiến trúc Hà Nội vào Đà Lạt, được vài tháng thì ngưng hoạt động vì các biến cố lúc bấy giờ. Đến tháng 2.1947, trường được mở lại. Năm 1948, trường đã trở thành một trường kiến trúc địa phương tại Đà Lạt và trực thuộc Trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Paris (É'cole nationale supérieure des beaux arts de Paris). Năm 1950, trường được chuyển về Sài Gòn.
Trong thời gian này, một bộ phận của Trường Viễn Đông Bác Cổ cũng được dời từ Hà Nội vào Đà Lạt.
Vào những năm đầu thập niên 1940 và những năm đầu thập niên 1950, nhiều trường công lập, tư thục ra đời như các trường : Tuệ Quang, Trần Quốc Toản, Lê Thánh Tôn, Tinh Hoa, trường dành cho học sinh người Thượng (Ecole des montagnards du Langbian), trường Tân Sanh dành cho con em người Hoa (nay là trường Đoàn Kết) và hai trường trung học công lập đầu tiên của thành phố dạy theo chương trình Việt là trường Bảo Long và trường Trung học Việt Nam
Sau năm 1954, một số lượng lớn người ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đà Lạt lập nghiệp, số trường lớp được mở ra ngày càng nhiều hơn, từ vườn trẻ - mẫu giáo, tiểu học đến đại học, công lập cũng như tư thục với nhiều loại ngành nghề đào tạo:
Về hành chính, nhằm mục đích đào tạo cấp tốc đội ngũ công chức hành chính cao cấp thay thế dần viên chức hành chính người Pháp, Trường quốc gia hành chính được thành lập năm 1952 tại Đà Lạt với cách thức mô phỏng theo Trường quốc gia hành chính ở Pháp.
Về quân sự, có Trường võ bị quốc gia Đà Lạt (1959), Trường đại học chiến tranh chính trị (1966), Trường chỉ huy và tham mưu (1967).
Về dạy nghề có các trường: Kỹ thuật La san, Franciscaine, Trường nông lâm súc ở Đa Thiện.
Trường tư do các tổ chức tôn giáo quản lý có các trường: Bồ Đề, Trí Đức, Thụ Nhân, Couvent des Oiseaux, Adran, Thiên Hương, Minh Đức, Trinh Vương, Vinh Sơn, Thánh Phao Lồ, Viện đại học Đà Lạt. Các trường tư thục tư nhân gồm có các trường Hiếu Học, Việt Anh, Văn Học, Văn Khoa. Về thần học có Giáo hoàng học viện Pio X, hàng chục tu viện của các dòng tu.
Vào những năm đầu thập niên 1970 có thêm Trung tâm giáo dục Hùng Vương, trường bán công Quang Trung, trường Bình Dân và một hệ thống các trường tiểu học cộng đồng.
Bên cạnh đó còn có Trung tâm Hội Việt - Mỹ, Trung tâm văn hóa Pháp chuyên dạy về ngoại ngữ Anh, Pháp văn.
Đến năm 1975, theo thống kê của Phòng giáo dục Đà Lạt, toàn thành phố có 56 trường phổ thông, trong đó có 41 trường cấp 1, 15 trường cấp 2 và 3.
Ngoài hệ thống trường lớp nói trên, cũng cần kể đến hệ thống các thư viện phục vụ cho giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đó là: Thư viện Đà Lạt, Thư viện Viện đại học Đà Lạt, Thư viện các trường quân sự, Thư viện Giáo hoàng học viện Pio X, Thư viện Nha địa dư quốc gia, Thư viện Viện Pasteur và Nha văn khố quốc gia.
Như vậy, Đà Lạt vào thời điểm 1975, dân số chỉ có 85.883 người, mà có đến 65 ngôi trường với nhiều loại hình đào tạo, các trung tâm văn hóa, viện nghiên cứu. Điều đó chứng tỏ giáo dục - đào tạo ở Đà Lạt không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân địa phương mà còn đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu của con em nhân dân các tỉnh lân cận, các địa phương khác trong cả nước và các nước Campuchia, Lào và Thái Lan.
Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), chính quyền đã có kế hoạch sắp xếp lại trường lớp. Các trường tư được chuyển vào hệ quốc lập, mở rộng mạng lưới nhà trẻ và các trường mẫu giáo, chú trọng việc phát triển trường lớp tại các vùng ven như Trại Mát, xã Xuân Trường, xã Tà Nung mới được nhập vào Đà Lạt. Vì không còn loại trường nội trú, một số trường tập trung ở trung tâm thành phố không có đủ học sinh được sử dụng vào mục đích khác như trường kỹ thuật La San, trường Petit Lycée, trường Franciscaine.
Với hệ thống giáo dục mới, mọi con em của nhân dân Đà Lạt, nhất là thành phần lao động nghèo, đều được đến trường học tập và Nhà nước hầu như bao cấp hoàn toàn. Tuy nhiên, chế độ bao cấp không kham nổi với thời gian, nên một số trường lớp không được thường xuyên tu sửa, đã xuống cấp một cách trầm trọng như các trường Trần Hưng Đạo, Lycée Yersin.
Hiện nay, hệ thống trường lớp Đà Lạt như sau:
- Ngành học mầm non: 15 trường và 1 nhà trẻ;
- Ngành học phổ thông và giáo dục bổ túc: 38 trường;
- Giáo dục chuyên nghiệp: 3 trường, 3 trung tâm đào tạo dạy nghề, 1 cơ sở dạy nghề;
- Sư phạm và bồi dưỡng: Trường cao đẳng sư phạm với 3 hệ mầm non, trung học và cao đẳng;
- Trường nội trú dành riêng học sinh dân tộc thiểu số;
- Trung tâm đào tạo tại chức;
- Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và cán bộ quản lý giáo dục.
Ngoài các trường học do Sở giáo dục Lâm Đồng và Phòng giáo dục Đà Lạt quản lý, trên địa bàn Đà Lạt còn có Trường Đảng, Đại học Đà Lạt, Học viện lục quân, Trường kế toán - tài chính, Trường hành chính...
Song song với việc phát triển trường lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh cũng tăng dần lên. Bên cạnh đội ngũ giáo viên người Việt, những giáo viên người Pháp, người Bỉ, người Đức cũng đã tham gia giảng dạy ở các trường Lycée Yersin, Adran, Couvent des Oiseaux, Kỹ thuật La San. Các thầy cô trên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các thế hệ học sinh ở Đà Lạt và nhiều địa phương khác đến Đà Lạt học tập.
Khi các trường đại học và cao đẳng mở ra thì Đà Lạt là nơi hội ngộ của các giáo sư danh tiếng trong và ngoài nước đến góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố. Vào thời kỳ 1954 -1975, Đà Lạt thường xuyên có hàng trăm giáo sư với nhiều trình độ, học vị cao, tham gia giảng dạy thường xuyên, có nhiều vị đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng từ các viện đại học trong nước như Viện đại học Huế, Sài Gòn, Cần Thơ hoặc ở các viện đại học nước ngoài.
Sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, Nam Bắc thống nhất, một số lớn các nhà trí thức, giáo sư đã tập trung về Sài Gòn hoặc đi ra nước ngoài. Trong giai đoạn này, số giáo viên còn ở lại Đà Lạt không đáp ứng được yêu cầu của các trường. Vì vậy, để có đủ giáo viên giảng dạy, ngành giáo dục - đào tạo đã tuyển thêm giáo viên chưa qua sư phạm hoặc nhận giáo viên miền Bắc chi viện.
Từ năm 1975 đến năm 1985, Đà Lạt thiếu giáo viên giảng dạy. Để bù đắp sự thiếu hụt đó, ngành giáo dục đã tích cực đào tạo giáo viên từ 3 trường sư phạm: Trường sư phạm mầm non, Trường trung học sư phạm và Trường cao đẳng sư phạm; đồng thời nhận cán bộ giảng dạy, giáo sinh sư phạm mới ra trường của các trường đại học sư phạm trong nước. Số lượng cán bộ giảng dạy, giáo viên, những người nghiên cứu khoa học được tăng dần lên. Tuy nhiên chất lượng giảng dạy của giáo viên trong khoảng thời gian 1975 -1985 không đồng đều, việc đào tạo chưa được chuẩn hóa. Từ năm 1985 trở lại đây, đội ngũ thầy cô giáo dần dần được ổn định, chất lượng giảng dạy có chiều hướng khá hơn.
Mặc dù qua nhiều giai đoạn biến động của lịch sử đất nước, Đà Lạt vẫn là nơi có sức thu hút các giáo viên, các nhà trí thức đến làm việc. Đà Lạt hiện có trên 2.000 giáo viên, cán bộ giảng dạy, những người nghiên cứu khoa học với các trình độ kỹ thuật từ kỹ thuật viên đến phó tiến sĩ, tiến sĩ của nhiều ngành. Đây là một vốn quí làm nền tảng cho một trung tâm giáo dục - đào tạo.
Số học sinh vào năm 1920 là con em người Pháp, con em các viên chức và binh lính người Việt. Các em chỉ học ở bậc tiểu học. Đến năm 1928, trường Petit Lycée mở lớp đầu tiên của bậc trung học. Vào giai đoạn này, Đà Lạt đã thu hút học sinh của khắp các xứ Đông Dương. Đặc điểm nổi bật của học sinh đến học tại Đà Lạt là ở nội trú.
Các trường do các dòng tu Thiên Chúa giáo quản lý đều có khu nội trú cho học sinh ở xa đến học và cả một số học sinh có gia đình ở Đà Lạt cũng ở nội trú. Khu nội trú của nam sinh và nữ sinh được tổ chức riêng biệt. Số lượng học sinh nội trú tại các trường ở Đà Lạt luôn luôn có chiều hướng tăng.
Về trang phục học sinh, tất cả các trường trung học đều có quy định đồng phục riêng cho trường. Học sinh các trường kỹ thuật có thêm đồng phục khi học thực hành nghề. Từ năm 1954 đến năm 1975, khi có nhiều sinh viên học sinh từ các nơi về Đà Lạt học tập đông đảo thì phong trào học tập của sinh viên học sinh rất sôi nổi. Bên cạnh việc chăm lo học tập, học sinh sinh viên còn quan tâm đến tình hình đất nước. Phong trào học sinh sinh viên Đà Lạt bãi khóa, biểu tình, tuyệt thực chống chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu diễn ra sôi động không kém thành phố Huế và Sài Gòn.
Nhìn chung, học sinh sinh viên Đà Lạt trước năm 1975 có tinh thần tôn sư trọng đạo, biết kính nể thầy cô giáo, giữ gìn trường lớp và đường phố.
Số sinh viên theo học bậc đại học ở Đà Lạt trong niên khóa 1974 -1975 là trên 9.000 sinh viên, trong đó sinh viên tại chỗ chỉ chiếm 15%, còn 7.000 sinh viên là của 30 tỉnh thành miền Nam đến học.
Số học sinh phổ thông và học kỹ thuật của các tỉnh ngoài đến học tại Đà Lạt và lưu trú tại các ký túc xá chiếm 30% tổng số học sinh của các trường trung học ở Đà Lạt.
Từ năm 1975 đến năm 1985, do việc tuyển sinh vào đại học nặng phần lý lịch, việc tổ chức ở bậc trung học chạy theo chỉ tiêu, đồng lương của người có học ít ỏi và đời sống xã hội có nhiều khó khăn, nên tâm lý học sinh sinh viên có những thay đổi nhất định. Trong bối cảnh đó, học sinh sinh viên Đà Lạt vẫn giữ được những bản sắc tốt đẹp, tuy nhiên thái độ, động cơ học tập, nỗ lực phấn đấu có phần lắng xuống, ít sôi nổi. Từ năm 1986 trở lại đây, học sinh sinh viên chăm lo học tập hơn trước và có chú ý đến tư cách tác phong. Hiện nay, không chỉ riêng Trường đại học Đà Lạt, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đón nhận sinh viên từ các huyện trong tỉnh, các tỉnh, thành phố lân cận, mà các trường phổ thông cũng đã có học sinh nơi khác về học.
Trong 18 năm qua, hàng ngàn học sinh sinh viên của các ngành y tế, sư phạm, hành chính, quân sự, khoa học cơ bản... đã ra trường phục vụ cho xã hội, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước nói chung và Đà Lạt nói riêng ngày càng vững mạnh. Số lượng học sinh sinh viên hiện nay đang ngồi trên ghế nhà trường từ mầm non đến đại học ở Đà Lạt là trên 35.000 em. Số học sinh phổ thông ngoài thành phố đến học ở Đà Lạt là trên 1.000 em. Số sinh viên theo học tại Trường đại học tổng hợp Đà Lạt từ năm 1977 đến năm 1992 là 4.875 sinh viên, trong đó có 4.143 sinh viên ở các tỉnh thành khác trong nước đến học, chiếm tỷ lệ 85%, sinh viên tại địa phương chỉ chiếm 15%.
Trong giai đoại từ 1920 đến 1954, các trường phổ thông ở Đà Lạt đều thực hiện chương trình rập khuôn của Pháp. Từ tên gọi các lớp học, bậc học, đến môn học đều dùng rất nhiều tiếng Pháp. Về sau, các môn học được dạy bằng tiếng Việt. Trong môn sinh ngữ, học sinh chọn tiếng Anh hay tiếng Pháp làm sinh ngữ chính.
Ở bậc tiểu học, chương trình chú trọng các môn: Tập đọc, tập viết, chính tả, toán Pháp, thủ công, vẽ, thể dục. Ở bậc trung học đệ nhất cấp có môn Việt văn, Lịch sử, Địa lý, Vạn vật, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh ngữ, Công dân, Giáo dục, Vẽ, Nhạc, thể dục, nữ công gia chính. Có trường dạy thêm cả môn Hán văn. Ở bậc trung học đệ nhị cấp, học sinh học thêm sinh ngữ 2. Lúc bấy giờ, tất cả các trường trung học đệ nhị cấp đều dạy theo chương trình phân ban và gồm 4 ban:
- Ban khoa học thực nghiệm, thường gọi là ban A, chú trọng ba môn Vạn vật, Vật lý, Hóa học.
- Ban toán, thường gọi là ban B, chú trọng Toán, Vật lý, Hóa học.
- Ban văn chương, thường gọi là ban C, chú trọng môn Việt văn, Sử ký, Sinh ngữ 1, Sinh ngữ 2.
- Ban cổ ngữ, thường gọi là ban D, chú trọng các môn Việt văn, Sinh ngữ 1, Sinh ngữ 2, Cổ ngữ (Hán học, Tiếng La tinh...).
Các môn chú trọng có hệ số cao; tùy theo môn, hệ số điểm có thể từ 2 đến 5, các môn còn lại có hệ số 1. Khi lên lớp đệ nhất (lớp 12), thay vì học Việt Văn, học sinh học Triết gồm có Luận lý học, Tâm lý học, Đạo đức học.
Từ năm 1954 đến 1975, nền giáo dục được cải tổ: chuyển ngữ ở bậc đại học, mở Trung tâm giáo dục Hùng Vương, chuyển một số trường tiểu học thành trường cộng đồng, gắn chương trình giảng dạy với sinh hoạt xã hội địa phương.
Sau năm 1975 có sự đổi mới rất lớn về nội dung chương trình giáo dục. Các bộ môn xã hội như Văn, Sử và Đạo đức được nhận định và truyền thụ theo quan điểm mới. Một vấn đề mà nhiều thầy cô giáo và phụ huynh học sinh ở Đà Lạt quan tâm nhất là việc xóa bỏ phân ban ở bậc trung học và việc ghép cấp 1 với cấp 2 ở các trường phổ thông cơ sở. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nghiên cứu và tổ chức phân ban trở lại; việc tách cấp 1 ra khỏi cấp 2 hình thành trở lại bậc tiểu học, bậc trung học đã sớm được thực hiện.
Theo quyết định số 426/TTCP ngày 27.10.1976, Trường đại học Đà Lạt đã được Chính phủ xác định là một trong 4 trường khoa học cơ bản của cả nước. Từ năm 1987, Trường đã chuyển sang chức năng đào tạo đa ngành với những chương trình giảng dạy khác nhau, thu hút ngày càng đông sinh viên đến Đà Lạt học tập.
Về mặt đào tạo nghề ghiệp cho thanh niên, các chương trình dạy nghề của các trường chuyên nghiệp và các trung tâm, cơ sở dạy nghề ngày càng được mở rộng. Hiện nay Đà Lạt hiện đào tạo trên 30 nghề ở các mức độ khác nhau, từ thợ bậc 1 đến bậc 4.
Các chương trình giáo dục thường xuyên như xóa nạn mù chữ, phổ cập tiểu học, giáo dục bổ túc đã được thực hiện có hiệu quả. Toàn thành phố đã được công nhận phổ cập tiểu học. Phong trào học ngoại ngữ, học bổ túc văn hóa đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Trải qua 73 năm, từ ngày có hai ngôi trường đầu tiên cho đến nay, Đà Lạt đã đào tạo được nhiều thanh niên có kiến thức và tâm huyết góp phần xây dựng không riêng gì cho Đà Lạt, mà còn cho nhiều địa phương khác. Có biết bao thanh thiếu niên xuất thân từ các trường trung học và Viện đại học Đà Lạt đã tỏa đi khắp bốn phương trời và đạt được những thành tích cao trong học tập, lao động và sáng tạo.
Với khí hậu trong lành, ôn hòa, cảnh quan tươi đẹp, tĩnh lặng, Đà Lạt rất phù hợp với sinh hoạt trí thức, văn hóa. Nếp sống của Đà Lạt luôn bình yên, ít biến động bởi những biến cố chính trị, ít bị cuốn hút bởi những tệ nạn xã hội, rất thuận lợi cho việc nghiên cứu và học tập.
Đà Lạt đã là nơi có nhiều loại hình đào tạo: từ khoa học cơ bản đến quân sự, chính trị, kinh tế, kiến trúc, hành chánh, sư phạm, nông nghiệp. Đà Lạt cũng qui tụ nhiều thầy cô giáo có tài năng và đức độ, trong và ngoài nước đến giảng dạy cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên.
Phong cách hài hòa, thanh lịch, mến khách, nếp sống có văn hóa của cư dân Đà Lạt một phần có nguồn gốc sâu xa từ nền giáo dục này.
Chúng ta tin rằng Đà Lạt ngày càng xứng đáng là một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và nghỉ dưỡng của Việt Nam và Đông Nam Á. Những thành tựu đã đạt được trong những ngày qua sẽ là tiền đề quý báu cho ngày mai.
NGUYỄN
THÁI XUÂN
PHẠM VĂN VĨNH
LÊ VĂN DŨNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lữ Phương, Cuộc xâm lăng văn hóa của đế quốc Mỹ ở Miền Nam Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981.
2. Thiên Giang, Trần Kim Bảng, Tìm hiểu tâm lý trẻ em, Sài Gòn, 1957.
3. Võ Thuần Nho, Hà Thế Ngữ, Hoàng Ngọc Di, 35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, Hà Nội, 1980.
4. Hồ Hữu Nhật, Phong trào đấu tranh chống Mỹ của giáo chức, học sinh, sinh viên Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, 1984
5. Nguyễn Văn Y, Nhà giáo, Viện khoa học Giáo dục Sài Gòn, 1970.
6. Giáo dục cộng đồng, Bộ giáo dục, Sài Gòn, 1971.
7. Trần Văn Quế, Sư phạm thực hành, Trung tâm học liệu Bộ giáo dục, Sài Gòn, 1969.
8. Đây đại học, Phong trào thanh niên Công giáo đại học Việt Nam, 1970.
9. Chỉ nam sinh viên, Viện đại học Đà Lạt, 1973 -1974.
10. Kim Định, Triết lý giáo dục, Thanh Bình, Sài Gòn, 19650
11. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ - con người và di thảo, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1988.
12. Quản trị học đường và thanh tra học đường (tài liệu in ronéo).
13. Chương trình tiểu học, Bộ giáo dục , Sài Gòn, 1968.
14. Nghiêm Đằng, Vũ Uyên Văn, Hành chánh học, Hội nghiên cứu hành chánh, Sài Gòn, 1967.
15. Nguyễn Gia Tường, Luân lý chức nghiệp nhà giáo , Bộ giáo dục, Sài Gòn 1967.
16. Nguyễn Văn Lê, Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1984.
17. Roger Gal, Histoire de l'éducation, Presses universitaires de France, Paris, 1961.
18. Roger Gal, L'enseignement du francais en lecons de pédagogie, P.U.F., Paris, 1959.
20. Palmarès, Collège d'Adran, 1941 -1966.
21. Dalat, centre universitaire, L' Asie nouvelle illustrée, Saigon, 1937, No 56.
Mục lục sách |
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng |