Muc luc

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 1993

lexandre John Emile Yersin sinh ngày 22.9.1863 tại Lavaux, một vùng quê thuộc hạt Vaud, nước Thụy Sĩ: cha là người Thụy Sĩ, mẹ là người Thụy Sĩ gốc Pháp. Mồ côi cha, từ khi mới chào đời, Yersin đã trải qua thời niên thiếu tại thị trấn Morges nằm bên bờ hồ Léman xinh đẹp.

Sau một thời gian học đại học ở Lausanne (Thụy Sĩ), Marburg (Đức), Yersin sang Paris để học tiếp ngành y khoa và chính tại đây, ông được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm phố Ulm do nhà bác học Louis Pasteur sáng lập. Năm 1894, Yersin khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch và sau đó trở thành một nhà bác học nổi tiếng thế giới. Là người Thụy Sĩ, nhập quốc tịch Pháp vào đầu năm 1889, nhưng trong phần lớn cuộc đời, Yersin lại sống và làm việc tại Việt Nam. Ông mất ngày 1.3.1943 tại Nha Trang, thọ 80 tuổi, và được an táng tại trại Suối Dầu, cách Nha Trang khoảng 20 km về phía Tây Nam.

Vai trò của bác sĩ Yersin đối với sự hình thành đô thị Đà Lạt có thể được xét đến trên hai vấn đề: thám hiểm cao nguyên Lang Bian và khai sinh đô thị Đà Lạt.

CAO NGUYÊN LANGBIAN TRƯỚC 1983

Cao nguyên Lang Bian trước năm 1983 là địa bàn cư trú của các tộc người Thượng, đông nhất là người Lat (Lạch). Trong toàn bộ vùng rừng núi Nam Trung Bộ, đây là vùng khó thâm nhập nhất đối với các nhà thám hiểm. Từ đồng bằng ven bờ biển miền Trung đi lên, người ta phải vượt qua tầng cao nguyên thứ nhất (với độ cao trung bình từ 900 đến 1.000m) trước khi lên đến cao nguyên Lang Bian (với độ cao trung bình 1.500m).

Người Chăm là những người đầu tiên tiếp xúc với các tộc người Thượng trên đất Lâm Đồng, và có thể đã đặt chân đến cao nguyên Lang Bian. Nhưng cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu công phu nào được thực hiện, do đó chúng ta vẫn chưa thể kết luận về vấn đề này một cách khoa học.

Về dấu vết của người Việt trên cao nguyên Lang Bian, một số tài liệu cho thấy người Việt có thể đã biết đến hoặc đã đặt chân đến cao nguyên này. Vào cuối năm 1880, một nhà thám hiểm người Pháp là bác sĩ Paul Néis, trên đường đi thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Bộ, có ghé đến phủ Bình Thuận. Quan tuần phủ người Việt ở đây đã nói với Néis rằng "người Việt biết rõ về núi Lang Bian, (...) biết đó là nguồn của con sông chảy qua Biên Hòa", nhưng vị quan này từ chối không chịu giúp nhà thám hiểm đi đến nơi đó [15.14]. Trong hồi ký Bảy tháng nơi xứ Thượng [20], bác sĩ Yersin có kể lại việc gặp gỡ hai nhóm người Việt trên đất Lâm Đồng. Đó là nhóm của Tong Vit Ca, một người Việt nhận khoán việc thu thuế ở vùng cao nguyên; và nhóm chính trị phạm do Thouk cầm đầu. Tài liệu của Yersin cho thấy người Việt vào thời đó (nhất là những người thu thuế, buôn bán, trộm cướp, chính trị phạm...) vẫn thường xuyên lui tới vùng cao nguyên bên dưới, xung quanh Đà Lạt (với độ cao trung bình từ 900 đến 1000m). Do đó, khả năng người Việt đặt chân đến cao nguyên Lang Bian không phải là không thể có.

Vấn đề đặt ra là: trước khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, người Việt đã biết về cao nguyên Lang Bian đến mức nào? Người Việt đã từng thám hiểm vùng đất này hoặc đã có ý định khai thác vùng đất này hay chưa?

Người Việt đầu tiên có ý định thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông (1827-1884).

Nguyễn Thông quan niệm Sơn Quốc là toàn bộ vùng rừng núi ở nước ta. Ông đặc biệt chú ý đến phía Đông Nam của Sơn Quốc, vì vùng này "không có bãi xa truông rậm nguy hiểm, không bị đầm lớn sông dài chia cách". Ông đề nghị "nên chiếm lấy đầt ấy để mở rộng bờ cõi, cày lấy ruộng ấy để thêm nhiều lương thực" [Khai sơn quốc nghị ; 3, 243].

Nguyễn Thông bắt đầu quan tâm đến việc khẩn hoang vùng Sơn Quốc từ năm 1867. Lúc này, cả sáu tỉnh Nam Kỳ đều rơi vào tay quân Pháp, ông cùng một số sĩ phu "tị địa" ra Bình Thuận bằng đường biển (đây là lần tị địa thứ hai, lần tị địa thứ nhất là vào năm 1861 - sau khi đại đồn Kỳ Hòa và tỉnh Biên Hòa thất thủ). Ở Bình Thuận, Nguyễn Thông đã cùng một số bạn người Nam Kỳ bàn bạc việc tìm kiếm căn cứ địa để liên lạc với Biên Hòa. "Ông tổ chức việc đi thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Bà Dần, ghi địa hình, địa thế, khả năng khai hoang v.v... Ông chưa làm được gì thì lại đổi về Khánh Hoà (Nha Trang) rồi sau đó đi Quảng Ngãi và Huế" [1, 96].

Mặc dù kế hoạch bị bỏ dở, Nguyễn Thông vẫn tiếp tục ôm ấp ý đồ khẩn hoang vùng rừng núi Nam Trung Bộ. Năm 1876, triều đình Huế chuẩn y kế hoạch lập đồn điền, khẩn hoang vùng Sơn Quốc của ông và sang năm sau (1877), bổ nhiệm ông vào chức vụ dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thông "vào tới tỉnh lỵ, thì liền mắc bệnh thổ huyết, chết đi sống lại, nhưng vẫn cố sức tới dự hội đồng khám đất lập đồn khẩn được xong xuôi". [Ngọc Sơn thọ doanh chí; 3, 230].

Cuộc hội khám của Nguyễn Thông ở vùng Sơn Quốc được thực hiện vào năm Tự Đức thứ 30 (tức 1877), vào lúc sức khoẻ của ông đã yếu. Từ ngày 11.5 đến ngày 8.6 âm lịch, đoàn thám hiểm do ông và Trương Gia Hội (tuần phủ Thuận Khánh) chỉ đạo đã tiến hành khảo sát địa hình vùng La Ngư. Toàn bộ quá trình khảo sát đã được Nguyễn Thông trình bày lại trong bài "Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng Thượng du" [Nghĩ thỉnh thượng du đồn khẩn sự nghi sớ ; 2, 192-208].

Kế hoạch khẩn hoang vùng La Ngư - Bà Dần của Nguyễn Thông về sau bị triệt bãi vì áp lực của Soái phủ Nam Kỳ (tức Phủ thống đốc Nam Kỳ). Lúc ấy sức khoẻ của Nguyễn Thông đã suy; từ đó đến cuối đời, ông không còn có dịp thực hiện kế hoạch hằng mơ ước.

Bản đồ lưu vực sông La Ngà

Vấn đề đặt ra là xác định địa bàn thám hiểm của Nguyễn Thông. Trong bài sớ nêu trên, Nguyễn Thông viết: "Đất La Ngư, phía đông bắt đầu từ rặng núi Ông, phía Tây đến núi Cà Tong, phía Bắc đến bờ sông La Ngư, phía Nam đến núi Ông, ruộng khai khẩn ước chừng trên 3000 mẫu". [bdd; 2, 194]. Vùng La Ngư chính là thung lũng Tánh Linh ven sông La Ngà, thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Bà Dần, theo chúng tôi, là làng Bà Giêng trên bản đồ ngày nay, nằm ở phía Đông Nam Tánh Linh. Căn cứ vào phần tiểu dẫn của bài thơ "Dữ Nam lai chư nhân vãng La Ngư mưu hưng điền chính" (Cùng những người từ trong Nam ra đến La Ngư tính việc làm ruộng), chúng ta thấy Nguyễn Thông dùng tên La Ngư để chỉ đoạn sông La Ngà từ Biển Lạc (Lạc Hải) trở về thượng nguồn [2, 119-120]. Vùng La Ngư - Bà Dần do đó có khi còn được gọi là La Ngư - Biển Lạc.

Đặc biệt, từ ngày 21.5 đến 22.6 âm lịch, một bộ phận do Nguyễn Văn Trị dẫn đầu đã tách khỏi đoàn để khảo sát các làng Thượng (Man sách) ở ven sông Dã Dương. Bài sớ nêu trên viết: "Ngày mùng 8 tháng 6 thì đến sông lớn Đà Đàn, rộng khoảng năm sáu mươi trượng, nước đục ngầu, giữa các đảo dài. Người Man gọi nước là "Đà", gọi lớn là "Đàn", cũng như người Việt nói là "sông lớn". Đà Đàn, người Việt gọi là sông Dã Dương, hạ lưu là sông lớn Thần Quy".[2, 197]. Sông Dã Dương chính là thượng lưu của sông Đồng Nai, trên bản đồ còn được gọi là Da Dung. Đảo dài chính là cù lao nằm giữa nơi hợp lưu của hai dòng sông Đạ Huoai và Đồng Nai. Từ đảo dài đến xã Thanh Sơn, sông Đồng Nai được gọi là sông Thần Quy; còn từ xã Thanh Sơn (nơi hợp lưu giữa sông La Ngà và sông Đồng Nai) xuôi về hạ lưu được gọi là sông Phước Long.

Cách đây bảy năm, có tác giả nêu giả thuyết "Nguyễn Thông đã tìm ra Đà Lạt trước Yersin 25 năm" [5]. Đây là một giả thuyết mơ hồ, thiếu căn cứ khoa học. Tác giả đã phạm nhiều sai lầm về phương pháp nghiên cứu và lẫn lộn các vị trí địa lý: coi đất La Ngư ở Bình Thuận là đất Đà Lạt - Lâm Đồng, coi đoạn sông Da Dung chảy ngang vùng Đạ Huoai là sông Đạ Đờn (ý nói đoạn sông Da Dung chảy ngang vùng Đức Trọng - Lâm Hà ngày nay). Đáng tiếc là trong nhiều năm liền, một vài nhà nghiên cứu đã ủng hộ thuyết này, gây nhiều ngộ nhận không đáng có.

Như vậy, Nguyễn Thông là người Việt đầu tiên đặt vấn đề thám hiểm và khai thác vùng rừng núi Nam Trung Bộ. Nhưng do bị thúc bách bởi nhu cầu chống ngoại xâm, ông đã tập trung sự chú ý vào vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Biên Hoà và Bình Thuận thời đó. Địa bàn thám hiểm chủ yếu của ông là vùng đất nằm giữa ba con sông: La Ngà, Đồng Nai và Đạ Huoai. Bộ phận đi xa nhất của đoàn thám hiểm đã đặt chân đến phía cực Nam của tỉnh Lâm Đồng, thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai ngày nay.

Về phía người Pháp, ngay từ khi chiếm được sáu tỉnh Nam Kỳ (1867), họ đã quan tâm đến việc thám hiểm miền Đông Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Gần bốn năm sau cuộc thám hiểm của Nguyễn Thông họ đã thâm nhập vào vùng sâu nhất của cao nguyên Nam Trung Bộ.

Bác sĩ Paul Néis, y sĩ hạng nhất của hải quân Pháp, là một trong những nhà thám hiểm người Pháp đầu tiên thâm nhập vào vùng người Thượng ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Sau chuyến khảo sát vùng người Thượng ở xung quanh Bà Rịa, (tháng 5 và tháng 6 năm 1880), ông đã thực hiện hai chuyến thám hiểm ở vùng Nam Trung Bộ.

Chuyến thám hiểm thứ nhất diễn ra từ ngày 1.11.1880 đến ngày 8.1.1881. Địa bàn thám hiểm chủ yếu là vùng đất nằm giữa ba con sông: La Ngà, Đồng Nai và Đạ Huoai (gần trùng với địa bàn thám hiểm của Nguyễn Thông). Vượt qua dãy núi Tion-lay (tức Crong Laê) gần đèo Bảo Lộc ngày nay, ông dự định đi đến núi Lang Biang, vì người Thượng cho biết đây là đầu nguồn của sông Đồng Nai. Nhưng do đồng hồ ngưng chạy, không thể đánh giá chính xác lộ trình, thêm vào đó là tình trạng sức khỏe sa sút của một số người trong đoàn tùy tùng, Néis buộc phải thay đổi lộ trình, đi đến phủ Bình Thuận, sau đó trở lại Sài Gòn bằng đường biển [15, 5-14].

Từ ngày 11.2 đến giữa tháng 4 năm 1881, nhờ sự giúp đỡ của một tù trưởng người Mạ (Tioma) ở vùng hữu ngạn sông La Ngà tên là Patao, bác sĩ Néis đã thực hiện chuyến thám hiểm thứ hai đến tận đầu nguồn sông Đồng Nai. Cùng đi với Néis là một trung úy thủy quân lục chiến phụ trách về trắc địa tên là Albert Septans.

Báo cáo về chuyến thám hiểm này được viết xong vào đầu tháng 8 năm 1881 và được công bố trong năm. Qua báo cáo, chúng ta được biết đoàn thám hiểm đã rời dãy núi Tion-lay đi về phía Đông Bắc và chừng 11 ngày sau, gặp một dãy núi với hai ngọn: Delmann (tức Dam Han, hay Quan Du) và Mnil. Đây là điểm nút của một loạt ngọn đồi có cây cối; các ngọn đồi đó được nối tiếp về phía Đông bắc bởi "một cao nguyên thứ hai trơ trụi, bao gồm một loạt các quả đồi hoàn toàn trọc, có độ cao trung bình từ 30 đến 40m. Cao nguyên đó được bao quanh về phía Bắc bởi một dãy núi có hình dáng độc đáo, dễ nhận ra từ xa, phần phía Tây trơ trụi, phần phía Đông có rừng; đó là núi Lang Bian. Chính đó là đầu nguồn của sông Đồng Nai mà cho đến nay, vẫn chưa được biết đến". [16, 17-18].

Trong số các làng đoàn đã đặt chân đến, có một làng đáng chú ý: làng Late, nơi đoàn đã cư trú từ 16 đến 20.3.1881. Theo mô tả, làng này nằm cách điểm hình thành của dòng Da Dong (tức Da Dung) chừng 10 km, với một thác nước cao 4-5m, và nhiều ghềnh đá; nơi đây sông rộng trung bình 10m, sâu 1m, lòng sông lởm chởm đá [16, 19]. Làng Late nằm trên cao nguyên Lang Bian, nhưng ở phía Dankia - Ankroêt chứ không phải phía Đà Lạt ngày nay.

Chuyến thám hiểm của bác sĩ Néis và trung uý Septans đã mở đường cho nhiều nhà thám hiểm khác đi vào vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, như A. Gautier (1882), L. Nouet (1882), Humann (1884),... Đáng chú ý hơn cả là chuyến thám hiểm của thiếu tá Humann đến vùng đầu nguồn sông La Ngà, từ ngày 4.2 đến ngày 15.3.1884 [12]. Trong hồi ký "Bảy tháng nơi xứ Thượng", Yersin nhiều lần nhắc đến Néis và Humann và đã biết đến bản đồ của Humann.

Yersin biết đến Néis và Humann trước hay sau chuyến thám hiểm năm 1893 và đã thừa hưởng thành quả của hai nhà thám hiểm này đến mức nào? Đó là vấn đề cần được tiếp tục làm rõ. Nhưng với những chứng cứ nêu trên, chúng ta có thể tạm thời kết luận: Paul Néis và Albert Septans là hai nhà thám hiểm đầu tiên đã tìm ra cao nguyên Lang Bian. Sự kiện này xảy ra trước cuộc thám hiểm của Yersin 12 năm. Tuy vậy, cuộc thám hiểm này chỉ được biết đến trong giới các nhà thám hiểm, chưa được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Hơn nữa, lúc này người Pháp còn đang bận tâm với việc chinh phục toàn bộ Đông Dương, do đó, cuộc thám hiểm của Néis và Septans nhanh chóng chìm vào quên lãng.

BÁC SĨ YERSIN VÀ CHUYẾN THÁM HIỂM NĂM 1893

Trước khi trở thành một nhà bác học danh tiếng và dành toàn bộ tâm lực cho nghiên cứ khoa học, Yersin đã dành nhiều năm lao vào các cuộc thám hiểm.

Vào đầu năm 1890 làm việc tại Viện Pasteur Paris. Ông đã tốt nghiệp trường y, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa, và đã có một vài công trình nghiên cứu ký tên chung với bác sĩ Emile Roux - người cộng sự nổi tiếng của L. Pasteur. Một tương lai rạng rỡ đang mở cửa ra trước mắt chàng thanh niên 27 tuổi này. Nhưng lòng say mê những chân trời mới lạ đã thúc đẩy ông rời khỏi phòng thí nghiệm. Yersin xin vào làm việc tại hãng tàu biển Messageries Maritimes với hy vọng sẽ được đến các xứ thuộc địa. Ngày 21.9.1890, ông lên tàu tại cảng Marseille để sang Việt Nam [14, 85].

Từ hạ tuần tháng 10 năm 1890, bác sĩ Yersin làm y sĩ phục vụ trên tuyến đường Sài Gòn-Manila: đến tháng 4 năm 1891, ông chuyển sang làm y sĩ trên tàu "Saigon", hoạt động trên tuyến đường biển Sài Gòn - Hải Phòng. Cuộc sống trên tàu hơi buồn tẻ, nhất là đối với một y sĩ. Để giết thì giờ, Yersin tập làm quen với khoa hàng hải. Ông đặt mua từ Pháp một máy kinh vĩ (théodolite) và trong lúc rảnh rỗi, ông tập sử dụng máy trên bến Nhà Rồng ở Sài Gòn.

Nha Trang là một trong những trạm dừng của tàu "Saigon". Ngay từ lúc đầu, cảnh đẹp của Nha Trang đã hấp dẫn Yersin. Rặng núi cao ở chân trời phía Tây quyến rũ ông, làm nảy sinh dự định táo bạo: dùng đường núi để đi từ Nha Trang đến Sài Gòn trong vòng mười ngày!

Ngày 29.7.1891, Yersin và người hầu được phép của thuyền trưởng rời tàu "Saigon". Theo lời khuyên của công sứ Pháp ở Nha Trang, Yersin dùng ngựa đi vào Phan Rang. Tại đây, ông hỏi thăm đường qua một vị linh mục người Pháp đã từng lánh nạn ở vùng núi phía Tây trong thời kỳ cấm đạo4. Đáng tiếc là vị linh mục này chỉ nhớ về cuộc lánh nạn một cách mơ hồ và khuyên Yersin vào Phan Rí để tìm người dẫn đường. Yersin đi theo đường cái quan vào Phan Rí. Vị quan người Việt ở địa phương tìm giúp cho ông một người hướng dẫn thông thạo các đường mòn dẫn đến dãy Trường Sơn.

Ngày chủ nhật 3.8.1891, Yersin cùng với người hầu và bốn phu khuân vác đi vào vùng núi. Lương thực mang theo chỉ có vài hộp thịt bò muối và vài hộp bánh quy khô, cộng thêm một số lương thực do các quan chức ngưòi Việt ở Phan Rí cung cấp thêm. Lúc đó đang vào mùa có gió mùa Tây Nam, mỗi ngày đều có mưa rào lớn. Yersin đi theo đường mòn từ làng Kalon ở chân núi qua Ta Ly đến Ta La (vùng phụ cận Djiring). Nơi đây, ông thấy không thể tiếp tục đi được nữa, vì cuộc hành trình đòi hỏi ít nhất từ 9 đến 10 ngày đi bộ trong khi đã cận ngày ông phải lên tàu đi Bắc Kỳ. Mặt khác, ông đang lâm vào tình trạng khá tồi tệ: giày vớ rách bươm, dáng vẻ mệt mỏi. Do đó, ông quyết định đi đến địa điểm gần nhất là Phan Thiết: từ đó ông trở về Nha Trang bằng ghe và kịp lên tàu đi Quy Nhơn {14, 99-100; 21}.

Chuyến thám hiểm bất thành năm 1891 không làm Yersin nản chí, ngược lại còn kích thích lòng say mê mạo hiểm nơi ông. Cuối năm 1891, ông rời hãng tàu Messageries Maritimes để thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên của mình.

Từ 28.3.1892 đến 9.6.1892, Yersin thực hiện một cuộc thám hiểm từ Nha Trang, băng qua vùng cao nguyên Daklak để đến Stung Treng- nằm bên bờ sông Mékong (thuộc địa phận nước Cam-pu-chia). Cuộc thám hiểm này được thực hiện theo yêu cầu của đại úy Cupet, một thành viên của phái bộ Pavie.

Tháng 10 năm 1892, Yersin đi Paris để đưa các kết quả khảo sát cho đại úy Cupet, đồng thời tìm cách vận động để được tiếp tục thám hiểm. Nhờ sự giúp đỡ của một số người quen (nhất là nhà bác học L.Pasteur và người bạn thân của ông là giáo sư Emile Duclaux), Yersin được Bộ giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện một nhiệm vụ khảo sát khoa học {14, 111-113}.

Bài hồi ký "Bảy tháng nơi xứ Thượng" {20}, giúp chúng ta hình dung được cuộc thám hiểm năm 1893 như sau:

Từ nước Pháp trở lại Sài Gòn vào tháng 1 năm 1893, Yersin đến gặp toàn quyền De Lanessan. Ông này chính thức giao cho Yersin nhiệm vụ khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Ngoài ra, Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi v.v... Địa bàn thám hiểm được chỉ định là "một vùng ở Nam Trung Kỳ, nằm giữa bờ biển và sông Mékong, là vùng đầu nguồn của các con sông Đồng Nai và Sé-Bang-Kane".

Cùng đi với Yersin có ông Wetzel, một trong những người gác rừng giỏi nhất ở Nam Kỳ, cũng là một thợ săn voi và tê giác rất gan dạ. Về phía nhân sự người Việt, có bốn người dân Sài Gòn: Bảy (người đã từng đi thám hiểm cùng Yersin năm 1892) và ba người phụ bếp do chính ông này chọn. Vật dụng được đựng trong nhiều chiếc rương nhỏ, chủ yếu bao gồm những vật dụng dùng để trao đổi với ngưới Thượng. Về dụng cụ thám hiểm, Yersin mang theo một máy kinh vĩ (théodolite) và ba thời kế (chronomètre) nhằm để xác định vị trí trong khi đi thám hiểm. Yersin cũng mang theo một số thuốc chủng bệnh đậu mùa để chủng ngừa cho dân các vùng ông đi qua.

Ngày 24.2.1893, Yersin rời Sài Gòn để thực hiện chặng đường đầu tiên: từ Sài Gòn đi Phan Thiết, băng qua vùng Tánh Linh. Theo gợi ý của Lanessan, Trà Cú hay Tánh linh sẽ là điểm mà con đường bộ trong tương lai sẽ đi qua.

Yersin gặp Wetzel ở Biên Hoà. Đoàn thám hiểm đi Tân Uyên bằng xe hơi, sau đó thuê thuyền độc mộc để đến Trị An. Đoạn đường Trị An - Trà Cú là đoạn đường gian lao đầu tiên của đoàn thám hiểm, được thực hiện bằng xe gỗ do trâu kéo, xuyên qua những khu rừng nhiều gỗ quý, nhất là bằng lăng.

Từ Trà Cú đi Tánh Linh phải đi bộ trong rừng ba giờ đồng hồ. Tánh Linh là một làng Chăm, gồm khoảng một chục xóm nhỏ nằm trong một cánh đồng lúa. Dòng suối Lạc tưới cho cánh đồng Tánh Linh, vào mùa mưa làm cho cả cánh đồng ngập nước7. Ở Tánh Linh, Yersin tiến hành chủng ngừa bệnh đậu mùa cho dân làng và cả những người Thượng ở các làng lân cận.

Ngày 18.3 Wetzel trở lại Sài Gòn, còn Yersin tiếp tục đi Phan Thiết. Con đường mòn từ Tánh Linh đi Phan Thiết chạy vòng qua phía Nam rặng núi Ông, phải đi bộ mất một ngày rưỡi. Không có làng mạc nào trên đoạn đường này. Lúc nghỉ đêm, để đề phòng cọp, đoàn thám hiểm phải làm một vòng lửa bảo vệ xung quanh địa điểm cắm trại.

Từ Phan Thiết, Yersin đi Nha Trang bằng đường cái quan để gặp công sứ Lenormand, sau đó trở lại Phan Rí. Nơi đây, theo yêu cầu của các quan địa phương, ông đã tiêm chủng cho 1.200 trẻ em người Việt và người Chăm.

Sáng ngày 8.4.1893, ông rời Phan Rí để thực hiện chặng đường thứ hai: Phan Rí - Tánh Linh, băng qua vùng núi. Lần này, đoàn lữ hành rất đông đảo: có đến 80 dân phu, 6 ngựa cưỡi và cả một con voi. Đoàn đi qua làng nào cũng làm mọi mgười kinh ngạc. Từ Phan Rí, Yersin đi đến làng Kalon-Madai, một làng Chăm nằm ở chân núi, vốn là một địa điểm giao lưu quan trọng giữa vùng núi và vùng xuôi. Từ Kalon, có hai con đường lên cao nguyên. Một con đường qua Ta Ly đến Ta La (hai ngày đường), chính là con đường Yersin đã dùng để lên cao nguyên vào năm 1891. Ông chọn con đường thứ hai, một con đường phải trèo dốc liên tục dẫn đến làng Lao Gouan (một ngày đường). Đây là một làng Thượng nằm sát vùng người Chăm. Cư dân trồng lúa nước và nói được cả tiếng Thượng lẫn tiếng Chăm8.

Đoàn thám hiểm được đón tiếp khá nồng hậu trong một ngôi nhà làng (maison commune) nằm hơi cách xa làng. Cũng như ở các làng Thượng khác, Yersin được đãi rượu cần trong nghi lễ cầu Yan (Giàng). Ở Lao Gouan, Yersin gặp Tong Vit Ca, một người Việt nhận khoán việc thu thuế ở các tổng người Thượng trực thuộc Phan Rí. Tong Vít Ca được mô tả là một người rất hà khắc, người Thượng rất sợ ông ta. Ông này tỏ ý muốn tháp tùng Yersin đến Ta La.

Ngày 14.4 đoàn rời Lao Gouan tiến về phía Bắc, vượt dòng Da Gnine (tức Da Nhim) - một trong hai nhánh chính của sông Đồng Nai, sau một ngày đi bộ, Yersin đến làng Rioung, nằm gần nhánh thứ hai của sông Đồng Nai: Da Dong (tức Da Dung). Rioung (có thể là làng Riong Bolieng ngày nay) là một làng Thượng chuyên sống về nghề rèn, một điểm giao lưu quan trọng vào thời đó. Cao nguyên xung quanh Rioung trơ trụi, những đàn nai đông đảo thường chạy qua đó. "Nếu từ Rioung, người ta tiếp tục đi về phía Bắc, điạ hình sẽ trở nên rất nhấp nhô và dâng cao dần cho đến núi Lang Bian. Núi này, cao hơn 2.000m, đã được các ông Néis và Umann thám sát. Đó là nơi phát nguyên của sông Đồng Nai"9.

Lộ trình của A. Yersin

Yersin hoãn cuộc khảo sát núi Lang Bian vào giai đoạn sau và tiếp tục đi về phía Tây Nam, với sự hướng dẫn của Tong Vit Ca.

Để đi đến Ta La, đoàn thám hiểm phải đi qua một số làng lớn (Kla Kar, Con Tan và La Ra) - nằm giữa một vùng cao nguyên trơ trụi phủ toàn cỏ tranh.

Ngày 25.4 Yersin đến Ta La "Diện mạo của cao nguyên thay đổi. Cao nguyên bao gồm rất nhiều ngọn đồi ngăn cách những thung lũng nhỏ. Dưới các thung lũng này là những ruộng lúa hoặc những thảm cỏ mịn và dày, rất tươi tốt mặc dù đang là mùa khô hanh". Rừng thông phủ dày các ngọn đồi. Rất nhiều làng mạc nằm thật ngoạn mục ở sườn đồi trong mỗi thung lũng. Ông chánh tổng cư trú ở Ta La, nơi có ngôi nhà làng dành cho khách lạ. Cạnh đó là dòng Da Riame, một chi lưu của sông La Ngà. "Dòng nước này tưới và làm phì nhiêu các ruộng lúa, chảy quanh co giữa những ngọn đồi".

Ta La nằm ở vùng phụ cận Djiring (Di Linh) là nơi Yersin đã từng đến vào năm 1891. Người Thượng ở vùng này rất giàu, có những đàn trâu đông đến vài trăm con. Họ có tục lệ đâm trâu vào những dịp lễ lớn, và cứ mỗi con trâu bị giết, lại dựng cạnh nhà một cây nêu bằng tre cao khoảng 20 mét, được neo chặt bằng những sợi dây chão làm bằng mây trang trí cờ đuôi nheo. Trong một vài làng, Yersin đếm được tới 30 cây nêu. "Nhìn từ xa, người ra tưởng chừng nhìn thấy cả một hạm đội trong một hải cảng". Yersin dừng chân ở Ta La vài ngày và sùng ngựa đi xem vùng phụ cận. Ở gần làng Ia Lane có một mỏ thiếc lộ thiên nằm trong dãy núi Bréan (tức Braian) {24-50}.

Trên đường đi từ Rioung đến Ta La, Yersin phát hiện hàng chục người Việt không có giấy tờ mà ông nghi là tay chân của Tong Vit Ca, nằm trong một tổ chức chuyên cho người Thượng vay nặng lãi. Ông bắt giữ những người này và gửi thư cho phó công sứ Phan Thiết để cử lính lên nhận bàn giao họ.

Từ giã Tong Vit Ca ở Ta La, Yersin tiếp tục cuộc hành trình. Đi qua làng Yane - làng quan trọng cuối cùng trên cao nguyên, ông xuống thung lũng sông La Ngà, đến làng Droum (có lẽ là làng Kondroum ngày nay). Đêm hôm trước cọp đã vồ hai người Thượng ngay giữa ban ngày. Từ Droum, ông vượt sông La Ngà để đến làng Tô La, nơi Humann đã đến vào năm 1884. Có một loạt làng mang tên Tô La nằm cách xa nhau. Men theo hữu ngạn sông La Ngà, cuối cùng ông vượt sông một lần nữa ở gần Barth Nui (Bác Nui) để trở về Tánh Linh.

Trước khi thực hiện chặng đường thứ ba, từ ngày 22.5 đến ngày 28.5 Yersin tiến hành khảo sát kỹ vùng hữu ngạn sông La Ngà từ Bác Nui đến Cao Cang để xem xét khả năng mở đường qua vùng này. Ông xác định con đường bộ trong tương lai không thể đi qua vùng này vì cánh đồng nơi đây ngập nước vào mùa mưa và cư dân quá thưa thớt.

Ngày 30.5.1893, Yersin lên đường thực hiện chặng đường thứ ba: từ Tánh Linh đi Phan Rang bằng một con đường núi khác với chặng trước. Ông đã gửi trả về Phan Thiết con voi, người quản tượng và một người Việt vì những người này bị sốt nặng, không thể tiếp tục hành trình. Khác với lộ trình trước, lần này ông đi theo tả ngạn sông La Ngà để trở lại Droum.

Kể từ khi Yersin ghé qua làng Droum lần trước đến nay, tại đây cọp đã vồ ba người Thượng nữa. Từ Droum, đoàn thám hiểm vượt sông La Ngà để trở qua bờ bên phải. Sau khi đi qua một loạt các làng đều mang tên Tô La, đoàn thám hiểm đến Tia Lao, một địa điểm đã được ghi trên bản đồ của Humann. Từ Tia Lao, Yersin đi về phía Bắc, hướng đến núi Tadoum (tức Tadoung).

Voi trong chuyến thám hiểm năm 1893
Ảnh: A. YERSIN

Ngày 11.6, ông đến Bross, nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía Bắc là ngọn núi Tadoung. "Ngọn núi này nhìn từ xa tựa như một chiếc mũ lớn nhọn đầu đặt trên cao nguyên, nằm cạnh một thứ mê lộ gồm các đỉnh cao và các thung lũng sâu, dưới đáy các thung lũng là những dòng nước lạnh ngắt. Người ta tưởng chừng đang ở vùng núi Alpes." Yersin đã băng qua mây mù và mưa để leo lên đỉnh núi cao nhất. Rừng khá rậm, ông phải trèo lên cây để quan sát, nhưng những màn mưa dày đặc không cho phép ông định vị một cách chính xác.

Từ Tadoung, Yersin xuống núi để trở lại Rioung. Để lại hành lý nơi đây, ông cùng với bốn người phu khuân vác lên đường thám hiểm vùng núi Lang Bian.

Lộ trình từ Rioung đến Lang Biang dài hai ngày đường. Qua hai trang nhật ký hành trình số 117 và 118 do H. Jacotot công bố {13}, chúng ta được biết lộ trình như sau:

Từ Rioung, Yersin đi đến bờ sông Da N'Tâme (tức Da Tam), một chi lưu của sông Da Nhim. Ngược dòng Da Tam, ông đi đến các làng Kréan (gần núi Mnil), Brenne (tức Prenn, gần thác Prenn); sau đó đi về phía Tây-Bắc, rồi bắt đầu leo núi. Sau gần một giờ leo núi, ông bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lang Bian. Lúc này là 15g30 ngày 21.6.1893. Trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3g30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi).

Trong hồi ký, ông mô tả như sau "(...) Khoảng 15 đến 20 km trước khi đến chân núi chúng tôi ra khỏi rừng và thấy mình đang đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ toàn cỏ. Mặt đất như những lượn sóng dài làm cho ta có cảm tưởng đang đi trên một đại dương bị xao động bởi những đợt sóng khổng lồ. Dãy Lang Biang sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đến gần. Trong những cánh đồng bao la ấy, ta dễ tính sai cự ly. Dưới đáy thung lũng, đất màu đen và có than bùn. Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng một trăm mét, rồi vụt bỏ chạy ra xa, ngoái đầu lại nhìn chúng tôi một cách tò mò". {20, 183} .

Trang nhật ký của A. Yersin ngày 21.6.1893

Bản thảo hồi ký của A. Yersin

Vào lúc 15g45 cùng ngày, Yersin vượt qua dòng suối Cam Ly để đi về phía Tây - Bắc. Ông đến làng Deung vào lúc 17g55, sau đó vượt dòng Da Dong (tức Da Dung) và đến 18g15 thì đến làng Dan Dia (Dan Ya) hay Lang Ia (Lang Ya).

Trong hồi ký, Yersin mô tả về cao nguyên Lang Bian như sau: "Vùng đất này cư dân thưa thớt, một vài làng của người M'Lates (...) được tập trung ở chân núi; nơi đó họ làm những ruộng lúa nước rất đẹp (...). Người M'Lates nói tiếng Chăm cũng thạo như tiếng Mạ. Phụ nữ xoi vành tai thật rộng để nong vào đó những vành tròn hay treo vào đó những ống thiếc hình xoắn ốc rất nặng. Người ta tiếp tôi trong căn nhà làng. Mỗi già làng mang tới vò rượu cần của mình. Có đến sáu vò rượu xếp hàng dài trước mặt tôi; may thay người ta không yêu cầu tôi phải thưởng thức hết." {20, 183}.

Sau một đêm nghỉ lại ở Dankia, sáng hôm sau Yersin vượt dòng Da Dung để trở lại Deũng, sau đó đến làng Ankroët. Bằng một lộ trình khác với lộ trình đến, ông rời Lang Bian trở lại Rioung. Cơn mưa lớn làm cho các con dốc trở thành trơn trượt, các dòng suối nhỏ trở thành sông lớn, rất nguy hiểm khi vượt qua. Trong khi ông vắng mặt, ở Rioung, cọp suýt vồ mất một con ngựa ngay giữa nơi cắm trại.

Yersin rời Rioung đi đến thung lũng Da Nhim để trở về Phan Rang. Thung lũng này là một vùng giàu có, đông người qua lại, với những ruộng lúa và nhiều làng mạc. Chính trên đoạn đường này đã xảy ra cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa Yersin với nhóm Thouk.

Nhóm Thouk gồm khoảng 30 người với 5 thủ lĩnh, trong đó Thouk là chủ chốt. Họ được trang bị súng trường và gươm giáo. Sáu ngày trước đó, họ từ Phan Rí lên cao nguyên, đi qua Kalon, Ta Ly, Ta La, Lao Gouan. Khi đến Bô Kraan, thông qua già làng, họ được biết Yersin sắp đến đây. Họ rời bỏ Kraan để tránh Yersin và một vài người đi đoạn hậu đã từ trong rừng bắn hai phát súng vào đoàn thám hiểm nhưng không trúng, Yersin đến Bô Kraan lúc 8 giờ sáng và bắt được một người chậm chân trong nhóm Thouk. Qua người này, Yersin được biết kế hoạch của Thouk là đến Phan Rang vào chiều hôm sau, giết quan phủ, cướp súng và tàn sát ngưới Pháp. Chàng thanh niên Yersin (lúc đó mới 30 tuổi) tự thấy mình có trách nhiệm phải đuổi theo những "tên cướp" ấy để "nếu có thể, bắt những kẻ chỉ huy làm tù binh". Ngày hôm sau, Yersin để đoàn thám hiểm ở lại Bô Kraan, giao cho Bảy canh giữ người tù. Ông chọn ba người Việt cùng đi. Họ mang theo ba khẩu súng trường, một khẩu súng lục và đạn dược.

Cuộc truy tìm nhóm Thouk kéo dài một ngày ròng rã, từ 10 giờ sáng đến tận đêm, qua các làng Diom, La Klot, Dagnepen ở vùng núi, đến tận các làng P'Hô, P'Hô Tân Ngâm ở đồng bằng. Cuộc chạm trán diễn ra vào khoảng hơn 10 giờ đêm tại P'Hô Tân Ngâm, một làng Chăm nằm gần một nhánh của sông Phan Rang. Kết quả là Yersin bị thương: chân phải bị vỡ xương mác, ngực bị đâm một mũi giáo, nửa ngón cái của bàn tay trái bị chặt đứt. Về phía nhóm Thouk, có một người bị Bếp (thợ săn voi cùng đi với Yersin) bắn chết, hai người bị thương nặng, một chết đuối trong khi chạy trốn, vài người bị bắt; còn đại bộ phận đều chạy tán loạn.

Yersin gửi một người Thượng để liên lạc với nhóm của Bảy còn ở lại Bô Kraan, còn ông thì được khiêng bằng võng về Phan Rang ngay trong đêm. Trên đường đi, ông bị Thouk nấp trong rừng bắn hai phát súng lục nhưng không trúng. Vào khoảng 7 giờ sáng hôm sau, nhóm người khiêng ông lại lọt vào giữa một đàn voi. Một con voi cái và một con voi con nhắm vào họ chạy tới. Các phu khiêng võng hoảng sợ bỏ chạy. Bỏ Yersin nằm lại trong võng, Yersin suýt bị voi dẵm, nhưng may thay, vào phút chót, con voi mẹ lại đi chệch ra khỏi đường mòn.

Ngày 26.6 Yersin đến Phan Rang với nhiều thương tích. Ông được biết "toán cướp" của Thouk chính là những tù nhân chính trị ở BìnhThuận đã nổi loạn, giết quan ám sát người Việt và sau khi tổ chức nổi đậy ở tỉnh không thành công, đã cướp kho bạc và trốn vào vùng núi. Ngày 5.7 Thouk bị bắt ở Khánh Hoà và sau đó bị chém đầu. Yersin có đến dự buổi hành hình và sau đó, trong lá thư gửi cho mẹ, ông tỏ ý thán phục con người can đảm, không sợ chết này {14, 121}.

Sau khi bình phục, từ 19.7 đến 19.8, Yersin đến thăm M'Siao, một tù trưởng người Bih ở vùng Daklak mà ông đã quen trong chuyến thám hiểm năm 1892. Ngày 8.9 ông rời Nha Trang, theo đường cái quan trở lại Phan Rang. Từ nơi đây, ông lên vùng cao nguyên để kiểm tra lại kết quả khảo sát, sau đó trở lại Tánh Linh. Từ Tánh Linh, ông trở lại Biên Hoà, kết thúc chuyến thám hiểm dài bảy tháng. Con đường mà Yersin khảo sát đã được thi công xong vài kilômét đầu tiên.

So với chuyến thám hiểm của Néis, chuyến thám hiểm của Yersin có nhiều ưu thế hơn. Với thời gian khảo sát dài hơn, được trang bị phương tiện đầy đủ hơn. Yersin có thể đo được chiều cao so với mặt biển, xác định được toạ độ các điểm đi qua, ước lượng được các khoảng cách... Sau chuyến đi, ông đã dành thời gian soạn thảo các báo cáo, vẽ bản đồ. Vào cuối năm 1983, ban biên tập tờ Revue Indochinoise Illustrée đã dựa vào tài liệu do Yersin cung cấp để viết một bài báo công bố kết quả của chuyến thám hiểm {24}.

Thành công của chuyến thám hiểm đã góp phần nâng cao uy tín của Yersin. Ngày 28.12.1893, Hội đồng Thuộc địa đã thuận cấp kinh phí cho ông thực hiện chuyến thám hiểm thư ba: từ Nha Trang qua vùng Tây Nguyên, Hạ Lào đến tận Đà Nẵng (từ 12.2. đến 7.5.1894).

Đến Đà Nẵng vào thượng tuần tháng 5.1894, Yersin được biết trong thời gian ông vắng mặt, chính phủ Pháp đã ra lệnh cho Toàn quyền Đông Dương cử ông đến Vân Nam để đối phó với bệnh dịch hạch. Nhận thấy bệnh dịch hạch đang xảy ra ở Hương Cảng nặng hơn. Yersin đã tìm cách vận động để được đi đến nơi đây. Ông đến Hương Cảng vào ngày 15.6.1894 và chính tại thành phố này, giữa một bầu không khí chết chóc, Yersin đã phát hiện ra vi trùng bệnh dịch hạch vào đêm 20.6.1894. Phát minh này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Yersin. Những yêu cầu cấp bách của y học đã buộc ông phải từ bỏ lòng say mê phiêu lưu mạo hiểm. Thay vào đó là một sự say mê bền bỉ đối với công tác thực nghiệm khoa học mà ông đã nuôi dưỡng cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.

BÁC SĨ YERSIN VÀ SỰ KHAI SINH ĐÀ LẠT

Trong chuyến thám hiểm năm 1893, Yersin chỉ lưu lại cao nguyên Lang Biang một thời gian ngắn (chưa đến một ngày đêm). Đầu năm 1894, ông lại có dịp lên đây một lần nữa. Lần này, Yersin đi từ Nha Trang đến Dankia bằng một lộ trình mới. Lộ trình này tách xa dần con đường cái quan, men theo gần vùng núi, băng qua các thung lũng được vạch nên bởi các chi lưu của sông Phan Rang.

Sau khi đã vượt qua một ngọn đèo cao (Yersin ước lượng là 1.200m), ông đến Diom - một làng trên cao nguyên Dran (Đơn Dương). Từ Diom, ông đến Dankia, có lẽ theo ngõ đường mòn Prenn. Dankia là điểm khởi đầu của chuyến thám hiểm thứ ba: băng qua cao nguyên Daklak, Kontum, đến tận Attopeu (Hạ Lào) và kết thúc tại Tourane (Đà Nẵng ) {23}.

Hai lần tiếp xúc với cao nguyên Lang Biang - tuy ngắn ngủi đã để lại trong tâm hồn bác sĩ Yersin những ấn tượng mạnh mẽ. Khí hậu mát mẻ, trong lành và vẻ đẹp tự nhiên của vùng này đã hấp dẫn ông, gợi cho ông nhớ lại quê hương Thụy Sĩ thuở thiếu thời.

Mặc dù bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng của cao nguyên Lang Biang, nhưng vào thời kỳ đó, chắc hẳn Yersin vẫn chưa ngờ rằng vùng đất này sẽ có một tượng lai rạng rỡ. Vào những năm 1893-1894, chính quyền Pháp ở Đông Dương chưa nghĩ đến việc thành lập các trạm điều dưỡng ở vùng núi. Họ chỉ chú ý đến việc mở đường giao thông, khai thác tài nguyên vùng núi hoặc chinh phục các bộ tộc người Thượng để củng cố cho sự bền vững của chế độ thuộc địa.

Sáng kiến thành lập các trạm nghỉ mát vùng núi ở Đông Dương bắt nguồn từ toàn quyền Paul Doumer khi ông này đến nhậm chức vào năm 1897. Doumer đã học kinh nghiệm này từ những người thực dân Hà Lan ở Indonesia và nhất là từ người Anh ở Ấn Độ. Trong hồi ký Đông Dương thuộc Pháp, ông viết: "Trong tất cả các thuộc địa vùng nhiệt đới được cai trị một cách hợp lý, người ta quan tâm đến việc tìm ra những vùng đất có khí hậu gần giống với khí hậu châu Âu để người da trắng có thể bảo tồn hay phục hồi sức lực. các trạm điều dưỡng (station sanitaire) ấy được sử dụng làm địa điểm nghỉ mát để khôi phục sức khỏe cho những người bị buộc phải cư trú ở những nước có khí hậu kém lành mạnh; chúng được dùng làm nơi đặt các công sở, các cơ quan, các đạo quân không bắt buộc phải bố trí ở các nơi khác" {11, 336}.

Trong một lá thư gửi cho thống sứ Bắc Kỳ và khâm sứ Trung Kỳ đề ngày 23.7.1897, Doumer đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với địa điểm xây dựng trạm điều dưỡng như sau: "có độ cao tối thiểu 1.200m, dồi dào nguồn nước, đất có thể canh tác được, có khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng"{17, 59}.

Hồi ký của Doumer cho biết nhiều cuộc tìm kiếm công phu và kéo dài ở nhiều địa điểm đã không thành công; nhưng có một địa điểm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra, nhờ sự chỉ dẫn của Yersin: đó là cao nguyên Lang Biang {11, 336-337}. Trong một bài hồi ký, đăng trên tạp chí Indochine vào năm 1942, Yersin cũng cho biết ông có nhận được từ Doumer một lá thư, qua đó Doumer yêu cầu ông giới thiệu một địa điểm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, Yersin đã giới thiệu cao nguyên Lang Biang {22, 4}.

Viện bảo tàng Pasteur ở Paris vẫn còn giữ được hai văn bản liên quan đến vấn đề này. Văn bản thứ nhất là lá thư của bác sĩ Yersin gửi toàn quyền Doumer đề ngày 19.7.1897. Qua lá thư này, chúng ta được biết theo yêu cầu của Doumer, Yersin đã gửi cho ông này các bản thảo và bản đồ liên quan đến hai cuộc thám hiểm 1893 và 1894 {26}. Văn bản thứ hai là một tờ giấy có tiêu đề của Toàn quyền Đông Dương. Ở mặt sau của tờ giấy, Doumer viết bằng bút chì: "Hãy chép lại cho tôi, trong các báo cáo của Yersin về các xứ Thượng, những gì liên quan đến vùng Lang Biang". Một nét chữ khác ghi thêm: "Đã thực hiện, 17.8.97". Một nét chữ thứ ba ghi thêm: "Có cần phải giữ lại các nguyên bản (bản thảo và bản đồ) về chuyến đi của ông ấy hay gửi trả lại cho ông ấy sau khi đã nghiên cứu" Doumer đã gạch dưới chữ "giữ lại" và ghi thêm ở phía trên một chữ "có" (Oui) {14, 118}. Hai văn bản này cho thấy Doumer đã đích thân nghiên cứu các tài liệu của Yersin về cao nguyên Lang Biang vào hạ tuần tháng 8 năm 1897.

Tháng 10 năm 1897, toàn quyền Doumer cử một phái đoàn khảo sát lên cao nguyên Lang Biang, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard. Nhiệm vụ của phái đoàn là khảo sát một con đường từ bờ biển lên cao nguyên này. Hoạt động trong vòng một năm (cho đến tháng 10 năm 1898), phái đoàn Thouard đã đi đến kết luận rằng không thể làm một con đường trực tiếp từ Nha Trang, và đề nghị chọn một lộ trình từ Phan Rang lên cao nguyên, băng qua thung lũng sông Đa Nhim. Phái đoàn cũng đề nghị khảo sát một tuyến đường từ Sài Gòn, men theo thung lũng sông Đồng Nai, để tránh các bờ núi dốc đứng. Do đề nghị này, một số phái đoàn đã được cử làm nhệm vụ khảo sát tuyến đường Sài Gòn - Đà Lạt trong thời gian 1898-1990 (các phái đoàn Odhéra, Garnier và Bernard) {10, 306, ghi chú}.

Một trạm thử nghiệm được thành lập ở Dankia, với một trạm quan sát khí tượng và một vườn rau. Những kết quả khảo sát ban đầu đã thuyết phục được Doumer. Ông quyết định phải đích thân lên cao nguyên để xem xét tại chỗ.

Chuyến đi lên cao nguyên Lang Biang của toàn quyền Doumer diễn ra vào hạ tuần tháng 3.1899. Yersin kể lại về chuyến đi này như sau:

Sau khi đã hẹn với bác sĩ Yersin, Doumer đến cửa Nại (Phan Rang) bằng soái hạm Kersaint, Yersin từ Nha Trang dùng ngựa trạm để đến nơi hẹn. Cùng với sĩ quan tùy tùng Langlois, công sứ Nha Trang và một người Việt, Doumer và Yersin đã dùng ngựa để đi đến Krong Pha ngay trong ngày. Nghỉ đêm tại Krong Pha, sáng sớm hôm sau đoàn khảo sát vượt đèo Ngoạn Mục (Bellevue) để đến Dran vào khoảng 10 gờ sáng. Sau đó, đoàn đi theo con đường đỉnh nối liền Dran và Đà Lạt ngày nay vào lúc 10 giờ đêm. Hôm sau, Doumer và đoàn tùy tùng đi Đankia. Tại đây ông kiểm tra hoạt động của trạm thử nghiệm và trình bày với mọi người về dự kiến xây dựng trạm điều dưỡng trong tương lai: "Trạm điều dưỡng này sẽ nằm trên một tuyến đường sắt xuất phát từ Sài Gòn đi lên vùng núi đến tận Đà Lạt, sau đó trở xuống Quy Nhơn". Sáng hôm sau, đoàn lại lên đường trở lại Phan Rang. Doumer nghỉ qua đêm ngay trên bãi biển Ba Ngòi. Hôm sau, soái hạm Kersaint đến đón ông, còn Yersin trở lại Nha Trang bằng đường bộ {22}.

Chuyến đi của Doumer và Yersin lên cao nguyên Lang Biang có ý nghĩa quyết định đối với việc thành lập trạm điều dưỡng. Ngay sau chuyến đi, vào tháng 4 năm 1899, toàn quyền Doumer cử một phái đoàn lên cao nguyên do đại úy Guynet làm trưởng đoàn. Phái đoàn này hoạt động từ tháng 5.1899 đến tháng 6.1900, với nhiệm vụ làm một con đừng đi từ Phan Rang lên Dankia. Đường từ Phan Rang đến Xóm Gòn là đường lớn, xe hơi có thể chạy được. Từ Xóm Gòn lên Dankia (qua Dran, Cầu Đất, Đà Lạt) là một mã lộ (sentier muletier) nhỏ hơn, nhưng cũng thuận tiện cho việc đi lại {18}.

Cuối năm 1899, Doumer ký một văn kiện quan trọng; nghị định ngày 1.11.1899. Điều 1 của nghị định ghi: "Nay thành lập ở Trung Kỳ một khu hành chính được gọi tên là tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) và bao gồm lưu vực phía trên của sông Đồng Nai, được giới hạn bởi biên giới của Nam Kỳ và của Lào.

Toà công sứ của tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng được đặt tại Djiring, và hai trạm hành chính (poste administratif) được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang" {15}.

Nghị định ngày 1.11.1899 có thể được xem là văn kiện chính thức về việc thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.

Trong việc khai sinh Đà Lạt, trước đây đã có tác giả đề cao vai trò của bác sĩ Etienne Tardif, một thành viên của phái đoàn Guynet (1899-1900). Chúng ta hãy xem xét lại điểm này:

Nguyên vào năm 1949, Tardif cho xuất bản cuốn sách Sự khai sinh Đà Lạt. Trong tác phẩm này, Tardif cho biết ông có soạn một báo cáo y tế (rapport médical) phân tích tỉ mỉ những ưu thế của Đà Lạt so với Dankia, nhất là về mặt y tế, vệ sinh. Căn cứ vào báo cáo này, đại úy Guynet đã tìm cách thuyết phục toàn quyền Doumer. Phân vân vì trước đây Yersin đề nghị đặt trạm điều dưỡng tại Dankia, Doumer quyết định phải đích thân lên xem xét tại chỗ. Sau chuyến đi này, ông đã quyết định chọn Đà Lạt làm địa điểm đặt trạm điều dưỡng {19}.

Tin vào tài liệu này, trong một bài viết công bố năm 1971, Hãn Nguyên đã đánh giá bản báo cáo của Tardif là "rất quan trọng, đã quyết định sự khai sinh Đà Lạt thay vì Dankia" {4, 275}.

Sự thật như thế nào?

Theo mô tả của Tardif, chuyến đi của Doumer diễn ra vào khoảng tháng 4 năm 1900. Cùng đi với ông chỉ có một sĩ quan tùy tùng. Vào một buổi sáng, từ Dran, ông đã một mình đi lên cao nguyên, không có hộ tống và cũng không báo trước, làm cho mọi người một phen hốt hoảng.

Như vậy, chuyến đi mà Tardif mô tả là một chuyến đi khác, không phải là chuyến đi của Doumer cùng với bác sĩ Yersin.Theo chúng tôi, chưa đủ căn cứ để xác định đây là một chuyến đi có thật. Hồi ký Đông Dương thuộc Pháp của Doumer không hề nhắc đến chuyến đi này. Cunhac, một thành viên của phái đoàn Guynet, khi trả lời phỏng vấn vào năm 1944, cũng không nói gì đến chuyến đi này {6}. Và điều đáng nói hơn cả là chính bản thân Tardif, trong cuốn Phái đoàn Lang Biang {18} xuất bản vào năm 1902, cũng tuyệt nhiên không nói gì đến chuyến đi của Doumer, đến việc Doumer chọn Đà Lạt thay cho Dankia. Bản Báo cáo y tế xuất hiện trong cuốn sách này dưới dạng một chương (chương VI), nhưng Tardif không hề gọi nó là báo cáo y tế, cũng không nói gì đến việc Doumer đã từng đọc báo cáo.

Đọc hồi ký của Doumer, chúng ta không thấy ông nhắc gì đến bác sĩ Tardif, đến bản báo cáo y tế, đến chuyến đi lên cao nguyên năm 1900. Ông chỉ nói đến việc thành lập trạm điều dưỡng (station sanitaire) trên cao nguyên Lang Biang, không nói gì đến địa danh Đà Lạt. Ngay cả địa danh Dankia cũng chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên một tấm bản đồ đính kèm. Chúng ta có thể tin rằng: trong suốt thời gian nhậm chức ở Đông Dương (1897-1902), toàn quyền Doumer chưa quyết định dời địa điểm từ Dankia về Đà Lạt.

Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng hàng đầu là việc chọn cao nguyên Lang Biang làm địa điểm đặt trạm điều dưỡng. Dankia được chọn vì đó là đông dân nhất trên cao nguyên hồi cuối thế kỷ XIX. Còn việc chọn Đà Lạt thay cho Dankia chỉ là vấn đề phụ thuộc, bởi lẽ hai địa điểm này chỉ cách nhau 15km. Cho nên không thể chấp nhận ý kiến của bác sĩ Tardif tự đánh giá minh là người sáng tạo Đà Lạt (créateur de Dalat).

Trong thực tế, việc chọn Đà Lạt thay cho Dankia là cả một quá trình phức tạp, kéo dài nhiều năm sau đó. Qua một bài báo của L.G.Pineau {17, 61}, chúng ta được biết có ba ý kiến đề xuất chọn Đà Lạt. Đó là ý kiến của A.Capus - giám đốc Nông nghiệp và Thương mãi Đông Dương (30.3.1900); của tướng Beylié - trưởng tiểu ban khảo sát việc xây dựng một trại lính tại vùng núi Lang Biang (tháng 5.1903) và của Paul Champoudry - viên chức hành chính làm nhiệm vụ thị trưởng Đà Lạt (12.3.1906)18.

Như vậy, Tardif chỉ là một trong những người góp phần vào việc hình thành Đà Lạt. Ông đã tham gia vào công trình làm con đường đầu tiên lên cao nguyên, là một trong những người tích cực đề xuất chọn Đà Lạt thay cho Dankia. Các tác phẩm của ông, nhất là cuốn Phái đoàn Lang Biang (1902), là những tác phẩm có giá trị, giúp chúng ta hình dung được diện mạo của cao nguyên Lang Biang vào đầu thế kỷ, hiểu được công trình làm đường đầy gian khổ để xây dựng Đà Lạt. Nhưng những điều ông đã viết thêm trong cuốn sách xuất bản năm 1949 là chưa đáng tin cậy; và đánh giá như Hãn Nguyên là đề cao quá mức vai trò của bác sĩ Tardif, không phù hợp với những gì ông đã làm cho Đà Lạt.

Quyết định thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang đã tạo điều kiện làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của vùng này.

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tập trung vào việc làm đường giao thông lên cao nguyên. Đến năm 1920, du khách đã có thể lên Đà Lạt bằng hai tuyến đường. Trên tuyến thứ nhất, du khách có thể dùng xe lửa để đi đến Ma Lâm (một làng nhỏ gần Phan Thiết): sau đó dùng xe hơi để đi Đà Lạt, qua ngả Djiring (Di Linh). Trên tuyến thứ hai, du khách từ Sài Gòn hay Ba Ngòi có thể dùng xe lửa đến Tháp Chàm, sau đó sử dụng đường sắt Lang Biang để đi Krong Pha, một chi lưu của sông Phan Rang. Từ ga Krong Pha, du khách sẽ dùng xe hơi đi Đà Lạt, qua Dran, Fimnom. Những phương tiện thô sơ (như ngựa, kiệu, võng...) dần dần được thay thế bằng những phương tiện giao thông hiện đại hơn {8, 23-39}.

Hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho Đà Lạt phát triển nhanh chóng. Vào năm 1893, vùng Đà Lạt ngày nay hầu như hoang vắng; cư dân ở đây đã chuyển đi nơi khác, có thể vì lý do dịch bệnh19. Một số làng mạc của người Lat tập trung chủ yếu ở phía Tây - Bắc, lớn nhất là làng Dankia. Đến đầu năm 1916, Đà Lạt vẫn còn là một khu thị tứ nhỏ với độ 8 căn nhà gỗ (chalet) tập trung hai bên bờ dòng Cam Ly, được sử dụng làm các công sở chính. Chỉ có 9 phòng khách sạn phục vụ du khách, đến cuối năm này mới nâng lên được 26 phòng. Gần suối Cam Ly còn có một làng người Việt do những người thợ và thương nhân dựng lên; những người này xuất thân từ những phu trắc địa {9, 254}. Nhưng đến cuối năm 1923, khi đồ án thiết kế đầu tiên (đồ án Hébrard) hoàn thành. Đà Lạt đã có 1.500 dân. Và đến cuối năm 1942, khi J.Lagisquet hoàn thành đồ án thiết kế của ông, Đà Lạt đã đạt con số hai vạn dân {7}.

Như vậy, từ một vùng rừng núi cư dân thưa thớt, còn đang ở trình độ thấp kém của thời kỳ công xã nguyên thủy, Đà Lạt đã phát triển một cách nhảy vọt thành một đô thị hiện đại. Có thể nói nếu không có nhu cầu xây dựng trạm điều dưỡng của người Pháp để từ đó phát triển dần thành một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng thì Đà Lạt ngày nay có thể cũng chỉ là một vùng quê hẻo lánh hoặc một thị trấn thuộc loại trung bình như thường thấy ở các vùng rừng núi nước ta.

Bước phát triển nhảy vọt của cao nguyên Lang Biang bắt đầu từ ngày 21.6.1893. Đó cũng là điểm khởi đầu của quá trình hình thành đô thị Đà Lạt, trong đó nổi bật lên vai trò của nhân vật mà chúng ta đang xem xét.

Năm 1893, bác sĩ A.Yersin đã có công thám hiểm cao nguyên Lang Biang và giới thiệu nó với công chúng rộng rãi. Bốn năm sau (1897). Ông đã tích cực đề xuất với toàn quyền Doumer chọn nơi này làm địa điểm xây dựng trạm điều dưỡng. Và sau cùng, bằng chuyến đi lên cao nguyên với toàn quyền Doumer (1899), ông đã tham gia quyết định việc thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.

Vào năm Yersin được 72 tuổi, toàn quyền Robin đã gửi thư cho ông để thông báo về quyết định đặt tên trường trung học Đà Lạt (lycée de Dalat) là trường trung học Yersin. Trong lá thư này, Robin gọi Yersin là "người phát minh" (inventeur) ra Đà Lạt {27}. Dù có đồng ý với cách gọi này hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng: bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất đối với sự khai sinh Đà Lạt.

Mỗi hiện tượng, sự kiện lịch sử đều có hai mặt. Đô thị Đà Lạt lúc đầu là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân Pháp, phục vụ cho lợi ích của người Pháp ở thuộc địa. Nhưng mặt khác, nó cũng là sản phẩm của nền văn hoá Pháp, thành quả của nền văn minh công nghiệp thế kỷ XX. Những tuyến đường sắt, đường bộ, những đồ án thiết kế, những công trình kiến trúc độc đáo, những thắng cảnh nhân tạo ... đều là những sản phẩm văn minh đáng cho chúng ta trân trọng, giữ gìn và phát huy. Người dân lao động Kinh cũng như Thượng đã đổ bao mồ hôi, nước mắt để xây dựng nên những công trình này. Nhưng trước hết, chúng cũng là những công trình của trí tuệ. Trong số các nhà trí thức đã góp phần làm nên Đà Lạt, không thể vì định kiến mà bỏ qua những trí thức nước Pháp đã góp phần làm cho vùng đất này trở thành một đô thị đẹp nổi tiếng.

Và trong tất cả những gương mặt tiêu biểu của giới trí thức nước Pháp mà chúng ta phải đánh giá đúng công lao và trân trọng thành quả của họ, không thể không nhắc đến bác sĩ A. Yersin, nhà bác học - nhà thám hiểm - nhà nhân văn. Đó là một con người kỳ lạ, đã bằng trí tuệ, tài năng và lòng nhân ái của mình, vượt qua bức tường của những định kiến, lòng hận thù và sự nghi kỵ, tạo nên một nhịp cầu thông cảm giữa hai dân tộc Pháp và Việt.

MAI THÁI LĨNH
NGUYỄN HỮU TRANH
TRƯƠNG NGỌC XÁN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Bùi Quang Tung, Thân thế và thơ văn Nguyễn Thông, Sử Địa, Sài Gòn, 1966, số 3,tr 93-98.

2- Cao Tự Thanh - Đoàn Lê Giang, Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở văn hoá thông tin Long An xuất bản, 1984.

3- Ca Văn Thỉnh - Bảo Định Giang, Nguyễn Thông - con người và tác phẩm, Nxb TP.HCM, 1984.

4- Hãn Nguyên, Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893-1954), Sử Địa, Sài Gòn, 1971, số 23-24, tr. 256-290.

5- Nguyễn Diệp, Ai là người đầu tiên thám hiểm và tìm ra Đà Lạt - Lâm Đồng?, Du lịch Lâm Đồng Đà Lạt, 1986, số 1, tr.12-15.

6- A.Baudrit, La naissance de Dalat, Indochine, 1944 (10 Février), No 180, pp. 23-24.

7- A.Berjoan, Dalat L' effort francais en Indochine, Indochine, 1943 (Janvier), No 126, pp. II-V.

8- Pierre Bouvard - F.Millet, La chasse au Lang-Bian, Bergerac, Paris, 1920.

9- Le Chemineau, Le Langbian, Revue indochinoise, 1916 (Mars-Avril), No-4, pp. 245-261.

10- L.Constantin, Le sanatorium du Langbian, Revue indochinoise, 1916 (Mars-Avril), No 3-4, pp 305-328.

11- Paul Doumer, L'Indochine francaise (souvenirs), Vuibert et Nony, Paris, 1905.

12- Humann, Excursion chez les Mois indépendants, Excursions et reconnaissances, t..VIII, Imprimerie du Gouvernement (Cochinchine francaise), Saigon, 1884, pp 27-42.

13- Henri Jacotot, Le Docteur Alexandre Yersin - Esquisse de ce qu 'il fut et de ce qu'il fit, B.S.E.I, 1944 (ler trimestre), No 1 (réimprimé par I.N.D.E.O. Saigon, 1960).

14- Henri H. Mollaret - Jacqueline Brossollet, Alexandre Yersin ou le vainqueur de la peste, Fayard, Paris, 1985.

15- Paul Néis, Rapport sur une excursion faite chez les Mois, Excursions et reconnaissances, t. IV, Imprimerie du Gouvernement (Cochinchine francaise), Saigon, 1881 (réimprimé en 1897), pp. 5-14.

16- Paul Néis et Albert Septans, Rapport sur un voyage aux sources du Dong-Nai, Excursions et reconnaisances, t. IV, op.cit, pp 15-80.

17- L.G.Pineau, Dalat- capitale administrative de I'Indochine?, Revue indochinoise juridique et économique, 1937, No 2.

18- Etienne Tardif, La mission du Lang Bian (1899-1900). Ogeret et Martin , Vienne, 1902.

19- Etienne Tatdif, La naissance de Dalat (Annam) 1899-1900; Ternet-Martin, Vienne, 1949.

20- A.Yersin, Sept mois chez les Mois, Variétés sur les pays mois, Gouvernement de la Cochinchine, Saigon, 1935, pp. 166-205.

21- A.Yersin, Premier contact avec les pays mois de l'Annam, Indochine, 1942 (23 Juillet), No 99, pp.1-3.

22- A.Yersin, Premières reconnaissances du plateau du Langbian, Indochine, 1942 (6 Aout), No 101, pp. 4-6.

23- A.Yersin, De Nhatrang à Tourane par les plateaux mois (1), Indochine, 1943 (15 Avril), No 137, pp. 3-9.

24- Les Mois de la Cochinchine et du Sud - Annam, Revue Indochinoise Illustrée, 1893 (Nov...), No 4, pp. 42-51.

25- Bulletin administratif de l'Indochine, 1899.

26- Lettre du Docteur A.Yersin au Gouverneur général P.Doumer, 19 Juillet 1897, Musée Pasteur, Paris.

27- Lettre du Gouverneur général Robin au Docteur A.Yersin, 11 Mai 1935, Musée Pasteur, Paris.

28- Lettres du Docteur A.Yersin à sa mère: 17 Janvier 1894, 11 Décembre 1897, 12 Mai 1898, 29 Mars 1899 (Documents du Professeur Henri H. Mollaret).

Dau trang Muc luc

Thien nhien Da Lat

Nội dung chính

Mục lục sách

Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng