|
|
ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT |
hiên nhiên của Đà Lạt vốn là một vùng, phong cảnh tự nhiên miền núi tuyệt đẹp được kết hợp hài hòa với những công trình sáng tạo của con người. Từ đầu thế kỷ này, Đà Lạt được lựa chọn xây dựng theo dạng một thành phố - vườn giữa những rừng thông với màu lá xanh tươi là những đỉnh núi hùng vĩ của rặng Lang Biang (cao hơn thành phố 700-900m) chế ngự mọi tầm nhìn từ thành phố. Dựa theo các sườn đồi là các tòa nhà xinh xắn với tường vôi, ngói đỏ, hình khối đa dạng ẩn hiện khi trên cao, khi dưới thấp dọc theo các trục lộ. Toàn bộ bức tranh đó được tô điểm thêm bằng hình ảnh phẳng lặng của mặt nước hồ tạo thành một bức tranh thủy mặc làm rung động lòng nguời.
Bài toán quan trọng hàng đầu trong lịch sử quy hoạch và phát triển TP. Đà Lạt là xây dựng được một thành phố sinh động, sung túc và đủ điều kiện tiện nghi cho cư dân và du khách mà vẫn bảo vệ được giá trị của phong cảnh thiên nhiên.
1- CÁC YẾU TỐ HÌNH KHỐI TẠO THÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Các yếu tố hình khối chủ yếu trong bức tranh phong cảnh của Đà Lạt tạo nên sự xúc cảm cho con người bao gồm: địa hình của đồi núi, mặt nước của suối hồ, màu xanh của rừng thông và kiến trúc độc đáo của công trình xây dựng.
1.1 YẾU TỐ ĐỊA HÌNH
Cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) với bề rộng 12 km có địa hình rất đặc biệt bao gồm những chuỗi đồi thoai thoải dạng cong tròn nhấp nhô, xen kẽ nối tiếp nhau trải dài 18 km đến tận chân rặng núi Lang Biang hùng vĩ án ngự ở phía Bắc như một tấm phông màu xanh thẫm. Sư xâm thực, nhất là sự xói mòn mãnh liệt của các dòng nước; đã mài dần mặt đất, đưa cốt liệu từ vùng đồi cao xuống vùng thung lũng thấp làm địa thế trở nên bằng phẳng hơn.
Đặc trưng của địa hình Đà Lạt là những hình khối chủ yếu, ổn định; chúng chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những khu vực riêng biệt, rõ nét và tạo nên những chuỗi phong cảnh phong phú, đa dạng. Trong việc xây dựng thành phố trước đây, người ta đã tôn trọng nguyên tắc bảo vệ địa hình tự nhiên; việc áp dụng biện pháp san nền để biến đổi địa hình dốc thành bãi đất bằng đã không được áp dụng trên quy mô lớn.
Các quả đồi cao nhất với rừng thông xanh ngắt quanh năm, mà từ đó người ta có thể quan sát được toàn cảnh của thành phố, đã được chọn lựa để xây dựng những công trình dinh thự, tôn giáo uy nghi, sang trọng:
* Biệt điện số 1: cao độ 1.550,00; phía Đông của TP.
* Biệt điện số 2: cao độ 1.539,50; phía Đông Nam và trông thẳng xuống hồ Xuân Hương, trước đây được xây dựng làm dinh của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.
* Biệt điện số 3: cao độ 1.539,00; phía Tây Nam của TP, trước đây là dinh của Hoàng đế Bảo Đại.
* Đồi "Ngọc Hoàng": cao độ 1.551,00; khu vực dự kiến để xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương theo đồ án quy họach năm 1923 của E. Hébrard, đến nay vẫn còn bỏ trống.
* Dinh tỉnh trưởng cũ: cao độ 1.532; án ngữ trung tâm Chợ Đà Lạt, mà ngày nay là Đài truyền hình Lâm Đồng.
* Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế: cao độ 1.548,20; phía Bắc của TP.
* Lăng Nguyễn Hữu Hào (cha vợ của vua Bảo Đại): cao độ 1.523,00; ở phía Tây của TP và trông xuống thác Cam Ly.
Với diện tích đất rộng lớn bao trùm hẳn một ngọn đồi, các công trình dinh thự nêu trên là một quần thể kiến trúc với tòa nhà chính đồ sộ, kiêu hãnh nằm trên điểm cao nhất; bao bọc xung quanh có hệ sân đường ngoạn cảnh, vườn hoa, bồn nước... dẫn dắt công trình hoà nhập vào khung cảnh thiên nhiên. Các tòa dinh thự này với màu tường sáng, chiếm lĩnh trên các đỉnh cao, ẩn hiện các rặng thông dày với màu lá xanh tươi là những điểm nhấn, điểm chấm phá trong bức tranh phong cảnh tổng thể của thành phố.
Các trung tâm công cộng về hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại... (tòa hành chánh, bưu điện, nhà thờ, trường học, chợ, công sở...) được bố trí trên những ngọn đồi hay những khu đất rộng rãi và bằng phẳng nhằm xây dựng hệ thống giao thông dễ dàng thuận lợi với những đại lộ lớn, thẳng và ít dốc (như trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Chi Lăng, Phan Đình Phùng...). Ngoài ra, do không phải cải tạo địa hình nên các trung tâm này mặc dù chiếm những không gian lớn cũng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.
Việc xây dựng các khu biệt thự rất được chú trọng do sự hòa nhập hoàn toàn của công trình kiến trúc vào thiên nhiên, với địa hình và rừng thông được giữ hầu như nguyên vẹn. Người ta đã sắp xếp các tòa biệt thự với nhiều tầng nhiều cấp theo sát đường đồng mức để bám lấy địa hình mà không phải phá hủy nó. Do lấy thiên nhiên làm nền, làm không gian chính của cảnh quan nên người ta đã khống chế phạm vi xây dựng ở mật độ rất thấp so với diện tích phân lô rất lớn.
Các khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố được bố trí cho khu vực dân cư làm nông nghiệp. Đất đai được phân lô đủ lớn để sản xuất và dựng nhà, do đó tính chất thành phố - vườn vẫn được tìm thấy tại khu vực này, (ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu...). Do đặc tính của việc sản xuất nông nghiệp, người dân cần thửa vườn rộng và phẳng để tưới tiêu và chăm bón nên đã cải tạo địa hình dốc thành những thửa đất dạng bậc cấp đi từ các thung lũng lên các sườn đồi bao quanh. Trong chừng mực nào đó, việc cải tạo này dưới các thung lũng thấp không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. Nhưng một khi phương thức canh tác này phát triển không kiểm soát được trong tầm nhìn của cảnh quan chính hay lan tràn vào lưu vực các suối chính thì nó thật sự trở thành một hiểm họa to lớn. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho hồ Mê Linh và hồ Vạn Kiếp đã hoàn toàn mất dạng và một phần của hồ Xuân Hương đã trở thành bãi đất bồi với cỏ mọc và trâu bò có thể qua lại được.
BẢNG 1*
Loại công trình |
Diện tích phân lô |
Mật độ xây dựng |
Biệt thự loại A |
>2.000m2 |
<10% |
Biệt thự loại B |
1.500m2 |
15% |
Biệt thự loại C |
1.000m2 |
20% |
Nhà biệt lập loại D |
800m2 |
25% |
Nhà biệt lập loại E |
200-500m2 |
30% |
Nhà phố loại F,G |
80-100m2 |
60-70% |
* Số liệu ghi nhận trước năm 1970
Trong chương trình sử dụng đất từ năm 1942 đến nay, để giải quyết việc di dân của người Việt, người ta đã thực hiện ý định bố trí khu ngoại ô của thành phố cho cư dân lao động sản xuất nông nghệp. Khu vực này trước đây được kiểm soát chặt chẽ trong một ranh giới nhất định. Trong một khoảng không gian rộng hình rẻ quạt về phía Bắc của thành phố, các quả đồi đẹp và hoang sơ từ hồ Xuân Hương đến tận rừng núi Lang Biang đã được giữ gìn để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên. Một vài công trình quốc gia như Lò phản ứng hạt nhân, Giáo hoàng học viện, Trường đại học Đà Lạt hình thành trong thập niên 1950-1960 trên những quả đồi có độ cao trung bình, thấp thoáng giữa những rặng thông đã tô điểm thêm vào bức tranh phong cảnh tĩnh mịch đó những nét chấm phá sinh động.
1.2 YẾU TỐ MẶT NƯỚC
Giữa các quả đồi là các thung lũng có nhiều suối nhỏ mà dòng suối quan trọng nhất chảy qua Đà Lạt là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ năm 1900, kỹ sư Rousselle đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước nhân tạo. Hồ Xuân Hương đã được thành hình một phần vào năm 1919 khi đắp xong đập thứ nhất, năm 1923 hồ được mở rộng, và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay sau khi xây dựng đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ. Từ đó đến nay việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố, và là những công trình kỹ thuật có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên.
Năm 1923 E. Hébrard đã đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo, mỗi hồ nước là một nhân trung tâm của một phân khu chức năng, theo dòng Cam Ly kể từ thượng lưu sẽ gồm:
* Hồ Than Thở: ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh, đã cùng với các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình nổi tiếng.
* Một hồ nước dự kiến tạo thành tại khu vực giữa Chi Lăng và Thái Phiên, là tâm điểm của Trung tâm hành chính trung ương.
* Hai hồ nước nhỏ dự kiến giữa khu vực trường học ở phía Nam và trại lính ở phía Bắc (khu vực phía Bắc Cô Giang ngày nay).
* Hồ Xuân Hương: rộng lớn nhất và tồn tại đến ngày nay, là bố cục của một công viên trung tâm. Các khách sạn du lịch và khu giải trí được bố trí ở bờ phía Nam, vườn hoa, sân golf và khu dự kiến phân lô biệt thự ở bờ phía Bắc. Bố cục chính của khu vực này đã được tổ chức theo đồ án của E. Hébrard, J. Lagisquet và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể cho tới ngày nay, ngoại trừ việc dự kiến xây dựng biệt thự đã không được thực hiện do e ngại sẽ làm hủy hoại tầm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp về phiá Lang Biang.
* Hồ nước cuối cùng được dự kiến trước khi dòng suối chảy đến thác.
Mặc dù không được thực hiện trọn vẹn, sáng kiến này đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nếu được thực hiện trong tương lai, sáng kiến này sẽ làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của đất đai xung quanh các hồ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong thành phố (Xem bản đồ E. Hébrard).
Tính đến nay, tại TP Đà Lạt đã xây dựng được 8 hồ lớn nhỏ với:
- Tổng diện tích lưu vực (TDTLV): 50km2
- Tổng diện tích mặt nước (TDTMN): 121 ha
- Tổng dung tích hồ (TDTH) : 6,16 triệu m3 nước.
(Không kể đến 2 hồ đã bị bồi lắng hoàn toàn là Vạn Kiếp và Mê Linh).
Nếu tính cả các hồ thuộc vùng phụ cận mà quan trọng nhất là các hồ: Dankia, Suối Vàng, Tuyền Lâm thì TDTLV là 100km2, TDTMN: 756 ha, TDTH: 18,24 triệu m3 nước.
Như vậy, tỷ lệ của diện tích mặt nước so với tổng diện tích đất của cao nguyên là khoảng 4%, một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với những thành phố khác.
Ngoài công dụng cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, điều hoà nước tưới cho nông dân, suối và hồ nước là trung tâm của các thắng cảnh: không cảnh đẹp nào của Đà Lạt mà thiếu vắng hình ảnh phẳng lặng và thoáng mát của mặt nước. Nó phản chiếu cảnh vật, làm tăng chiều cao không gian, điều hòa vi khí hậu, tạo bầu không khí trong lành và cảm giác thanh bình cho du khách.
Hồ Xuân Hương là bố cục chính của vùng trung tâm, nơi quần tụ của công trình khách sạn, công trình công cộng, khu thể thao, nhà thủy tạ tại bờ phía Nam. Khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Biang. Điạ hình khu vực lồi lõm, đường vòng trên bờ quanh co ẩn khuất sau những rặng cây đã tạo nên cảm giác thú vị cho người ngoạn cảnh và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn.
Nhà thủy tạ (La Grenouillère) có kiến trúc đơn giản với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng, dứt khoát và thanh mảnh, được quét màu vôi trắng như nổi lên giữa màu xanh của quang cảnh thiên nhiên, đó là điểm nhấn không thể thiếu được tạo thêm sự duyên dáng cho mặt hồ.
Trong đồ án năm 1943 của KTS J. Lagisquet, người ta đã dự trù bố trí một công viên dạng bậc cấp từ Biệt điện số 2 đến hồ Xuân Hương, bao gồm những vườn hoa, cây cảnh, bể và thác phun nước, và các lối đi cho người thưởng ngoạn. Nếu thực hiện được dự án này, Đà Lạt sẽ có thêm một phong cảnh đặc sắc, liên hoan bao gồm kiến trúc nguy nga của dinh thự, có cây cảnh và vườn hoa rực rỡ trải dài từ trên đồi cao đến mặt hồ.
1.3 YẾU TỐ VỀ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH
Trong địa hình bằng phẳng, việc quy hoạch theo ô bàn cờ là giải pháp tối ưu về nhiều phưong diện. Để tạo hình cho đô thị trong trường hợp này người ta phải dùng đến các biện pháp: đắp đất tạo đồi, đào hồ tạo mặt nước, mở các quảng trường để tạo thành các không gian biến động.
Thành phố Đà Lạt với địa hình không bằng phẳng đã tạo thành những không gian linh động, biến đổi không ngừng trên mỗi bước đi.
Từ trên đường Trần Hưng Đạo, giữa rừng thông cao vút, khi nhìn qua phía Bắc ta sẽ có một phong cảnh kỳ ảo: dãy Lang Biang xanh thẫm hiện ra ở cuối chân trời với hình dáng hùng vĩ, mềm mại làm nền cho toàn cảnh bức tranh, gần hơn và dưới thấp là những quả đồi tròn ẩn hiện nhấp nhô, và đây đó là những rặng thông soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Phong cảnh này lại được lặp lại nhiều lần với nhiều hình thái khác nhau trên các đoạn đường cao như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh...
Từ trung tâm thành phố, ta đã thấy xa xa ẩn hiện đỉnh tháp chuông của nhà thờ Chánh Toà trên những rặng thông. Khi vừa bước chân qua khỏi khúc quanh của dốc Lê Đại Hành, ta bất ngờ diện kiến một công trình sừng sững và cao vút. Tiếp sau sự ngạc nhiên đầy thích thú là cảm giác tôn kính và sự ngưỡng mộ đối với một công trình kiến trúc đặc sắc. Để giữ vẻ trang nghiêm, ngoài hình dáng kiến trúc đối xứng theo chủ nghĩa kiến trúc cổ điển, công trình còn được án ngữ bằng một đảo giao thông trước mặt tiền, để tránh cho đường lộ hướng trực tiếp vào cổng nhà thờ.
Vượt qua đèo Prenn giữa rừng thông san sát, vừa đến cửa ngõ thành phố tại bến xe, ta đã được thưởng ngoạn một tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố: từng lớp nhà xếp trên nhau và trải dài xuống thung lũng, ẩn hiện trong màu xanh của cây và sương khói. Về đêm, bầu trời dường như tràn xuống dưới chân du khách với muôn ngàn ánh sao lấp lánh, ở thành phố đồng bằng ta chỉ thấy được điều này từ trên máy bay.
1.3.1 Dinh thự
Đà Lạt có các dinh thự lớn là Biệt điện số 1, 2 và 3. Đây chính là nơi để nghỉ mát và làm việc được xây dựng theo dạng cung điện dành cho các nguyên thủ quốc gia.
- Dinh 1 là một quần thể công trình lớn xây dựng trên một diện tích đất hơn 60 ha, ngôi nhà chính là một tòa nhà một hầm, một trệt, một lầu, mái lợp ngói đỏ, hình thức mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX. Hai hàng cây cao có thân trắng xốp ven lối vào công trình nổi bật trong nền rừng thông sẫm. Giữa con đường là một đảo hoa xoay đến công trình chính, mặt bằng công trình đối xứng với lối vào ở giữa và hệ thống cầu thang, hành lang trổ ra hai bên. Quanh đó là một số biệt thự lớn khác (nhà cận vệ quân, ngự lâm quân, các nhà phục vụ...) và một hệ thống sân vườn, bể cảnh, đường đi dạo đã tạo thành một quần thể hoàn chỉnh.
- Dinh 2 và Dinh 3:
Khác với trường phái học viện của công trình trên, đây là những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc ở châu Âu lúc bấy giờ (1920-1930) do Le Corbusier và Gropius đề xướng. Lúc này, kiến trúc đã bắt đầu phi đối xứng và đi vào yếu tố hình khối, bố cục tự do. Đây là những công trình đồ sộ với mái bằng, hình khối, bố cục tuy cân đối nhưng không đối xứng, có cùng một thời điểm xây dựng 1933-1938. Mặt bằng được bố cục tương đối hiện đại, toàn bộ tầng trệt dành cho các phòng làm việc và tiếp khách gắn với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn. Ở đây, không gian kiến trúc bên trong và bên ngoài hoà lẫn vào nhau quanh các lối đi và cửa sổ kính bằng khung thép rất lớn, hoặc qua các sân vườn có cột trụ bao quanh để tạo thành những không gian chuyển tiếp.Toàn bộ phận lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình. Hai công trình này đều có sảnh lớn vươn ra làm mái che để đón khách khi xe đỗ, đây là một phương pháp thể hiện mới tại thời điểm nhằm tạo thêm sự uy nghi, bề thế cho công trình.
Hình thức kiến trúc ở hai công trình này cũng bắt đầu khác, chủ yếu đi vào bố cục hình khối chứ ít đi vào chi tiết. Mặt bằng linh động, lồi lõm tạo thành những mảng hình khối lớn.
1.3.2 Biệt thự
Biệt thự được phân chia thành nhiều hạng theo diện tích phân lô của đất xây dựng - Biệt thự tiêu chuẩn cao (DTPL>1.500m2) là nơi ở hay nghỉ mát dành cho tầng lớp thượng lưu trước đây, gồm các khu Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du... đều nằm xa trục đường chính. Các ông trình được bố trí cách xa nhau từ vài chục đến vài trăm mét.
Tầng hầm được xây dựng theo địa hình với nền nhà rất cao (> 40cm) và thường có cầu thang được bố trí ngoài trời để vào tầng trệt. Tầng trệt có sảnh, tiền sảnh và phòng khách rộng rãi, độ cao tầng rất lớn (có khi đến 6m). Tầng trên là các phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình hay terrasse...
Cũng như dinh thự, các biệt thự này được xây dựng theo hai thể loại:
- Thể loại thứ nhất theo trào lưu cổ điển được xây dựng nhiều vào thời kỳ đầu với bố cục mặt bằng đơn giản, thường đi sâu vào các chi tiết mặt đứng. Nhà mái ngói có độ dốc lớn, mặt bằng đơn giản có nguồn gốc từ kiểu kiến trúc xứ lạnh miền Bắc nước Pháp, loại biệt thự này thể hiện ở cách trình bày cầu kỳ của các chi tiết mái, cầu thang, chi tiết trang trí trên cửa sổ, cửa đi, và đặc biệt là những hoa văn ở những vòm cuốn giả trên cửa có tính nghệ thuật cao.
- Thể loại thứ hai với bố cục mặt bằng tự do và linh động, được bố trí tùy theo địa hình hay chức năng sử dụng, đã tạo thành hình khối công trình đa dạng hơn: mái nhà được lợp ngói hoặc làm mái bằng bêtông cốt thép, kiểu dáng tương tự kiến trúc miền Nam nước Pháp hay miền Địa Trung Hải, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Loại này được xây dựng về sau và phát triển cho đến nay, kiến trúc hướng vào nghệ thuật tạo hình khối và tổ chức sân vườn chung quanh. Ở đây, không gian ở và môi trường tự nhiên đã được xử lý bằng những trung gian như mái hiên, vườn cảnh... tạo thành một hệ thống không gian liên tục.
Mỗi một biệt thự là một đóa hoa kiến trúc xinh đẹp và cả thành phố là một vườn hoa lớn với những trục đường biệt thự muôn hình muôn vẻ. Những tòa nhà này với kiểu dáng phong phú có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều thể loại kiến trúc nhà ở của nhiều địa phương của nước Pháp:
- Kiến trúc vùng Normandie (phía Tây Bắc nước Pháp): Kiểu nhà mái ngói lớn với phần đuôi được bẻ góc, có tường xây đá chẻ đến hệ cửa sổ và phần bên trên xây gạch để lộ các khung sườn gỗ.
- Kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp): Kiểu nhà mái lợp bản thạch (ardoise) có tường xây đá chẻ với tường hồi có viền xây cao hơn mái.
- Kiến trúc vùng Pays Basque (phía Tây Nam nước Pháp): Có tường hồi quay ra mặt tiền với khung sườn nổi và có mái vươn rộng ra khơi tường.
- Kiến trúc vùng Savoie (phía Đông Nam nước Pháp): Đặc điểm như kiến trúc vùng Pays Basque nhưng tầng dưới được xây, còn tầng trên được đóng bằng gỗ và có balcon rộng...
Ngoài ra, thành phố cũng có các khu biệt thự hạng vừa (DTPL < 1.000m2) và các nhà biệt lập có sân vườn (DTPL<500m2) là loại công trình được phổ biến tại trung tâm thành phố, dành cho tầng lớp trung lưu, công chức trước đây như các trục: Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Bùi Thị Xuân... Nhà có mặt bằng đơn giản, mái lợp ngói, tường xây gạch quét vôi, có nơi làm bằng gỗ theo thiết kế điển hình (trước 1954). Để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của đồi núi, tất cả các công trình kiến trúc đều được xây dựng theo khoảng lùi quy định, nhờ khoảng cách này đường vào nhà dễ dàng với độ dốc nhỏ, cũng như tạo được một khoảng sân làm vườn hoa trước mỗi công trình.
1.3.3 Kiến trúc trường học
Đa số các ngôi trường lớn ở thành phố Đà Lạt đều có phong cách kiến trúc tương đối giống nhau. Mặt bằng ổn định gồm các dãy lớp học, một hoặc hai tầng. Đa số đều lợp mái ngói và console gỗ có nguồn gốc từ kiến trúc địa phương của Pháp, console có những chi tiết gia công rất công phu vừa để đỡ mái ngói vươn ra, vừa để trang trí. Đặc biệt, trường Lycée Yersin là một kiểu kiến trúc độc đáo về trường học hiếm thấy ở nước ta, mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân bên trong rất lớn và bằng dấu nhấn mạnh mẽ là tháp chuông lợp bản thạch vươn cao giữa rặng thông và hướng về mặt nước hồ Xuân Hương.
Toàn cảnh
Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
(Trường Trung học Yersin cũ)
1.3.4 Công sở và công trình công cộng
Đại bộ phận các công sở ở thành phố Đà Lạt đều là những biệt thự lớn có sân vườn, công viên rộng rãi bao quanh, với hình thức kiến trúc đối xứng, trang nghiêm và có mặt bằng đơn giản.
Nha địa dư (hiện nay là Xí nghiệp bản đồ II) là một thí dụ điển hình của công trình kiến trúc đồ sộ có hình khối vuông vức với mái ngói cao, mặt tường bằng khối xây gạch đá tạo cho ta một cảm giác uy nghi, quyền lực. Tòa nhà được bố trí với hành lang giữa, hai dãy phòng làm việc ở hai bên và chính giữa là cầu thang, tiền sảnh.
Nằm bên cạnh Đồi Cù ẩn mình trong cây xanh, Giáo hoàng học viện Pio X là một công trình tân kỳ đã giải quyết thành công mối tương quan giữa kiến trúc và cảnh quan. Để bảo đảm được nhu cầu của hàng trăm người vừa sinh hoạt vừa học tập. KTS. Tô Công Văn đã thiết kế một khối nhà bốn tầng và một khối khác hai tầng bên nhau, toàn bộ diện tích đất còn lại (hơn 80%) được dành cho các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, sân thể dục thể thao, đường giao thông và đi dạo.
1.3.5 Nhà ở khu dân cư làm nông nghiệp
Nhà liền vườn là dạng kiến trúc nông thôn Việt Nam rất phổ biến trong khu ngoại ô thành phố và quây quần lại thành từng làng xóm (hay còn gọi là "ấp") mang tính địa phương của quê quán cư dân. Ấp của người Việt tại Đà Lạt quy tụ dọc theo các đường lộ ngoài khu trung tâm và phát triển sâu đến các dòng suối của khu vực. Đó là quần thể nhà ở kết hợp với vườn sản xuất các loại hoa, rau quả cho Đà Lạt. Các ấp nông nghiệp này hiện nay chiếm một bộ phận đất đai lớn của Đà Lạt (trên 20% diện tích thành phố).
Nhà ở là những ngôi nhà nền đất cao đến 40cm, có bố cục số gian lẻ thường là ba gian, có kết cấu khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói hay tôn. Nhà thường có hiên phía trước, có khi ở đầu hồi hoặc quanh nhà, đó là không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà, có tác dụng che nắng mưa, để đón khách hay nghỉ ngơi. Ngôi nhà thường được bố trí giữa vườn cây ăn quả, có sân rộng trước nhà cùng với mái hiên, dàn cây phong lan, cây kiểng, hòn non bộ tạo thành một tiểu cảnh mô phỏng thiên nhiên cô đọng và hữu tình.
Ta có thể quan sát một khu dân cư đặc trưng loại này tại ấp Hà Đông, Đa Thiện, Tùng Lâm hay Nam Hồ. Ở đây, nhà ở mang tính chất nhà vườn, diện tích cho mỗi lô đất từ 1.500m2-3.000m2 khoảng 100m2-200m2 đất dành cho nhà ở, nhà kho, công trình phụ và lối đi, còn lại là vườn cây ăn quả và rau hoa Đà Lạt.
Kiến trúc của từng công trình rất đơn giản, được xây dựng theo dạng nhà nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, đây lại là một bức tranh đặc sắc ngoạn mục.
Từ trên quốc lộ 20, qua đoạn núi cao trên đường đi Trại Mát, ta quan sát được toàn bộ thôn ấp nằm dưới thấp với phần đất trồng rau rộng lớn dạng bậc thang chạy dài xuống tới đáy thung lũng với dòng suối nhỏ và hồ chứa nước. Đây đó là những mái nhà xinh xinh, nhỏ bé được che khuất một phần bởi những vườn cây ăn quả. Hiện còn rất nhiều vùng đất trống tương tự ven thành phố hội đủ những điều kiện để phát triển cho cư dân làm nghề nông, việc thành lập các thôn ấp như trên là một định hướng tốt đẹp góp phần giải quyết việc gia tăng dân số cho thành phố.
1.3.6 Nhà phố và nhà liền căn
Nhà phố trước đây chỉ được quy hoạch trong các trung tâm thương mại sử dụng để buôn bán và để ở, được xây dựng liên kế thành từng dãy 6-8 căn có từ 1-2 tầng lầu. Mặt bằng nhà là hình chữ nhật (rộng từ 4-5m, dài từ 12-16m) không đòi hỏi diện tìch đất lớn và có mật độ xây dựng 60-70% diện tích đất. Hiện nay, loại nhà này có khuynh hướng phát triển tràn lan, kể cả ngoài các khu thương mại do áp lực của sự khan hiếm đất xây dựng, điều này gây phương hại đến bộ mặt kiến trúc của thành phố do hình khối đơn điệu và nghèo nàn, mật độ xây dựng quá cao nên thiếu sân vườn và chỉ có điều kiện tối thiểu về chiếu sáng, thông gió tự nhiên.
1.4 YẾU TỐ CÂY XANH TRONG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CỦA THÀNH PHỐ
Nói đến cao nguyên Lang Biang, người ta liên tưởng ngay đến rừng thông và thác nước. Rừng thông bao quanh Đà Lạt là rừng tùng loại (forêt de conifères) chiếm một diện tích rất lớn, ngoài ra cũng có nhiều rừng cây diệp loại (forêt de feuillus) như: giẻ, sồi...
Đà Lạt là một thành phố được hình thành giữa rừng thông. Sau quá trình xây dựng, những rặng thông còn lại đã được giữ gìn và trở thành cây xanh đô thị. Màu xanh của rừng thông đã là bức nền chính luôn gắn liền với mọi bức tranh của thành phố, tôn cao các phối cảnh đẹp của kiến trúc công trình và cũng che giấu những bề mặt xấu. Thông thường màu đỏ và màu xanh là hai màu tương phản khó hài hoà, nhưng trong bức tranh phong cảnh, màu đỏ gạch của mái ngói lại tạo thành những điểm nhấn ấm áp, nổi lên trong màu xanh thẫm của nền rừng thông.
Tỷ lệ xây dựng của toàn thành phố thường không quá 15% diện tích đất, một phần còn lại chính là rừng thông được giữ lại làm vườn cảnh, cây xanh công trình. Ngoài ra trong trung tâm thành phố, người ta đã dành một số khoảng đất trống được bảo vệ làm công viên. Đây là các rừng thông nhỏ liên hoàn lại thành mảng cây xanh cho toàn thành phố, tạo cho khung cảnh vẻ tĩnh mịch của rừng núi cao nguyên.
Ngoài thành phố là vùng đất rộng lớn về phía bắc được dành riêng để bảo tồn rừng cảnh quan phục vụ săn bắn, ngoạn cảnh và du lịch... nhiều khoảng trống khác được dành cho khu thể thao, cắm trại, công viên hay bất kiến tạo. Tổng cộng diện tích này lên đến 10.000 ha, chiếm 60% diện tích thành phố (theo đồ án quy hoạch của J. Lagisquet). Điều này nhằm bảo vệ những giá trị tự nhiên của thắng cảnh Đà Lạt, chống lại sự khai phá thái quá của con người.
2- VẤN ĐỀ KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TRONG NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT
Trong 100 năm qua, từ một vùng cao nguyên hoang dã, cư dân thưa thớt, Đà Lạt đã trở thành một thành phố nổi tiếng có trên mười vạn dân với mạng lưới kỹ thuật hạ tầng rộng khắp và những công trình kiến trúc đa dạng.
Lịch sử quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt có thể chia ra thành những giai đoạn sau đây:
2.1 Giai đoạn hình thành trạm nghỉ dưỡng vùng cao (1900-1922)
Vào những năm 1897-1899, khi quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng theo đề nghị của Bác sĩ Yersin. Toàn quyền Doumer đã quyết định đặt trạm nghỉ dưỡng tại Dankia, cách Đà Lạt 15km về phía Bắc - Tây Bắc.
Nhưng đồng thời với việc xây dựng các tuyến giao thông các cơ sở hạ tầng ban đầu, đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị chọn Đà Lạt thay vì Dankia.
Trong một điệp văn bàn về địa điểm xây dựng một trạm nghỉ dưỡng tại Lang Biang (30.3.1900). A. Capus - Giám đốc Nha nông nghiệp và thương mại Đông Dương - đã nêu rõ những ưu điểm của Đà Lạt: độ cao 1.500m, hoàn toàn thoáng đãng, tầng đất ngầm thẩm thấu trên nền đá hoa cương, có bóng mát của rừng từng loại. Có thể nhìn bao quát toàn thể cao nguyên và toàn dãy núi ở phía chân trời.
Năm 1902, trong một tác phẩm nhan đề "Phái đoàn Lang Biang" (La mission du Lang Biang). Bác sĩ E.Tardif đã phân tích những ưu thế của Đà Lạt so với Dankia, có thể tóm tắt như sau:
* Về địa hình: Đà Lạt ở độ cao trung bình 1.500m bao gồm những dãy đồi bằng phẳng có độ dốc thoai thoải, với lớp đất sét mỏng phù hợp cho việc trồng trọt. Trong khi đó, Dankia thấp hơn 100m, tức nằm trong lòng chảo giữa Đà Lạt và rặng núi Lang Biang, chỉ gồm những đồi núi nhỏ với độ dốc lớn và những thung lũng lầy lội có lớp đất sét quá dày nên ít thấm nước. Do các ưu thế đó, Đà Lạt có các điều kiện về vệ sinh, cấp thoát nước và xây dựng đường sá tốt hơn Dankia.
* Về khí hậu: Không khí Đà Lạt thoáng mát, trong lành và ít ẩm, trong khi Dankia nằm bên sườn núi Lang Biang có nhiều gió ẩm, mưa rào và sương mù kéo dài tới 9-10 giờ mới tan.
* Về cảnh quan và thảo mộc: Dankia có nhiều đồi cỏ xanh và tầm nhìn bị giới hạn trong lòng chảo, trong khi Đà Lạt lại có rất nhiều rừng thông với mùi hương thơm của nhựa lan tỏa khắp nơi và tầm nhìn bao quát được toàn cảnh cao nguyên với rặng núi Lang Biang hùng vĩ trải rộng phía chân trời.
* Nguồn vật liệu xây dựng: ở Đà Lạt gần hơn so với Dankia.
Cuộc tranh luận về địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng đã được giải quyết vào năm 1906, dưới thời Champoudry làm thị trưởng. Vốn là một trắc địa viên và từng làm Chủ tịch Hội đồng thị chính Paris, Champoudry đã sơ phác một họa đồ quy hoạch và phân lô cho thành phố Đà Lạt. Do có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đô thị, ông đã thiết lập dự án theo phương pháp "zoning"(phân khu), thể hiện được ranh giới giữa những khu có chức năng khác nhau và dự trữ đất cho các công trình tương lai với những đặc đểm sau:
- Trung tâm công cộng và hành chính hợp thành một khu.
- Trung tâm thương mại thiết lập gần chợ và trung tâm thành phố (trong vùng này còn có khách sạn và khu casino). Nhà ga được dự trù ở gần địa điểm hiện nay và cạnh đó là trụ sở bưu điện.
- Đường sá được thiết kế với bề rộng 20m cho đường chính, 16m và 12m cho đường hạng 2.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, người Pháp không thể về nghỉ hè tại châu Âu đã lên nghỉ tại Đà Lạt với lượng người đông hơn. Đà Lạt đã trở thành trạm nghỉ dưỡng nổi tiếng và khoảng năm chục căn nhà gỗ đã được dựng lên gấp rút, nhịp độ xây dựng tăng lên với những công trình xây dựng, giao thông quan trọng: Hôtel du Langbian Palace, Hôtel du Parc, đường nội thị, Hồ Lớn Đà Lạt (nay là hồ Xuân Hương), quốc lộ Phan Rang lên Đà Lạt, bưu điện, trường Nazareth, ngân khố, nhà máy điện, nhà máy nước...
Trước sự phát triển này, chính phủ Đông Dương nhận thấy cần phải có một "Đồ án chỉnh trang tổng quát" để điều hành việc phát triển Đà Lạt. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long đã giao trách nhiệm thiết lập đồ án cho kiến trúc sư Ernest Hébrard, một kiến trúc sư từng tham gia trùng tu thành phố cổ Salonique (ở Hy Lạp).
2.2 Giai đoạn phát triển thành phố (1923-1954)
Năm 1923, Hébrard hoàn tất đồ án, theo đó Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao. Đây là lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cứu một cách công phu.
Thành phố được bố trí với diện tích vừa phải khoảng 30.000 ha (bề ngang 7 km theo hướng Đông Tây, bề sâu 4,3km theo hướng Nam Bắc) chiếm 14% diện tích cao nguyên. Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000-50.000 dân. Ngoài phạm vi thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ, với con đường Vòng Lâm Viên làm đường giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn.
Vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố đã được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng của tác giả là thiết lập một thành phố phong cảnh: thành phố trong rừng cây và rừng cây trong thành phố. Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Dòng suối Cam Ly được tôn tạo tích cực để trở thành một trục cảnh quan hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống 6 hồ nhân tạo lớn, nhỏ có các trục đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng như đã trình bày trong phần trên.
Nằm về phía Đông Bắc và cách ly hẳn với trung tâm thành phố là Trung tâm hành chánh trung ương bố trí xung quanh một hồ nhân tạo (dự kiến tại khu vực Thái Phiên và Chi Lăng ngày nay).
Nối với quốc lộ là trục đường xương sống của thành phố, kéo dài từ nhà ga đến thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình khu vực (Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú ngày nay). Trung tâm công cộng và hành chính của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục lộ, ngoài ra còn có ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh, nhà thờ, trường học, thư viện, khách sạn hạng 2, khu thương mại người Âu, văn phòng du lịch ...
Xa hơn về phía Tây Nam là Dinh Toàn quyền và cạnh đó là Viện điều dưỡng.
Khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp được tập trung ở phía Nam suối Cam Ly (đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Huyền Trân Công Chúa ngày nay) được phân lô thành 3 hạng (>2.300m2; < 2.300m2; >700m2).
Khu vực dành cho người Việt Nam được bố trí một phần về phía nhà ga, về phía Đông và tập trung nhất ở khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ (giới hạn bởi đường phân thủy qua đồi Dinh Thị Trưởng đổ về suối Phan Đình Phùng) gồm có : chợ, trường học, chùa, công viên, lò sát sinh, khu cư dân... Khu cư dân này được dự trù với nhiều nhà biệt lập và hạn chế những dãy nhà liền căn, loại nhà chỉ được cho phép xây cất trong khu thương mại.
Về công trình kỹ thuật có đường xe lửa và nhà ga được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, cạnh đó là khách sạn, kho hàng, khu tiều công nghệ và công xưởng. Kèm theo đó là các giải pháp về cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý rác, nghĩa địa, lò sát sinh...
Lộ giới và khoảng cách bắt buộc từ ranh giới đất đến mặt tiền công trình (còn gọi là khoảng lùi) đã được quy định cho từng cấp hạng đường (bảng 2)
BẢNG 2
Loại trục đường |
Lộ giới (m) |
Khoảng lùi (m) |
Trục chính nhà ga Cam Ly |
20 |
5 |
Đường cấp I khu dân cư |
18 |
5 |
Đường cấp I khu thương mại |
18 |
0 |
Đường cấp II khu dân cư |
13 |
4 |
Đường cấp II khu thương mại |
13 |
0 |
Đường cấp III |
8 |
4 |
Luật lệ xây dựng trong Đà Lạt được áp dụng chặt chẽ với các quy định về sử dụng đường và quy định về xây cất công trình ban hành ngày 26.7.1923 và ngày 1.6.1923.
Sau khi Đà Lạt có định hướng để phát triển, một số công trình xây dựng và giao thông quan trọng đã được thực hiện:
- Trong các năm 1932, 1938 đã hoàn tất các công trình giao thông quan trọng đường Đà Lạt- Sài Gòn, đường sắt răng cưa đi từ Phan Rang lên Đà Lạt và nhà ga xe lửa. Do các điều kiện vận tải phát triển nên các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... được vận chuyển dễ dàng đến Đà Lạt, không những đáp ứng được khối lượng xây dựng khổng lồ của thành phố mà còn đáp ứng được những đòi hỏi đa dạng về chất liệu của những công trình mỹ thuật cao.
- Các trục đường nội thị chính, khu trung tâm công cộng, khu thương mại người Việt, khu biệt thự người Âu, nhiều trường trung tiểu học nội trú quy mô lớn, doanh trại quân đội, nhà máy nhiệt điện (đường 3 tháng 2 ngày nay), nhà máy nước hồ Than Thở... đã được xây dựng.
Tuy nhiên đồ án E.Hébrard với ý đồ quá lớn không phù hợp với thực tế. Dự kiến Đà Lạt là thủ đô Đông Dương đã không trở thành hiện thực. Toàn quyền chỉ nghỉ mát mỗi năm một hay hai tháng trong một căn nhà tầm thường, không một cơ quan trung ương nào được dời về Đà Lạt. Do đó, những nguồn vốn to lớn để xây dựng chuỗi hồ, khu hành chánh trung ương đã không được đầu tư vào Đà Lạt.
Trong quá trình thực hiện đồ án, nhiều vấn đề thực tế đã phát sinh như sau:
- Hồ Xuân Hương đã thật sự trở thành trung tâm chính của Thành phố, cho nên việc phân lô biệt thự ở phía Bắc hồ sẽ đe dọa đến tầm nhìn viễn cảnh về phía núi Lang Biang,
- Khu phân lô dành cho người Âu cũng như khu vực dự kiến dành cho người Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ thập niên 30 đã phát triển ngoài dự kiến của E.Hébrard những khu biệt thự Saint Benoit, Cité Decoux, Cité Bellevue... và ấp Việt Nam như: Hà Đông, Nghệ Tĩnh... có khuynh hướng phát triển về phía Bắc.
- Khu vực rừng cảnh quan phục vụ du lịch và các khu nhượng địa trong trung tâm chiếm một diện tích quá lớn làm trở ngại việc phát triển các trung tâm khác.
Do các vấn đề nêu trên, việc thực hiện đồ án E. Hébrard cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp với thực trạng.
Vào năm 1933, kiến trúc sư Pineau trình bày một nghiên cứu mới về thành phố Đà Lạt: Đà Lạt trước mắt chưa là thủ đô hành chánh hay nghỉ hè của Đông Dương, thành phố nên tự giới hạn lại như một trạm nghỉ mát để chờ đợi sự phát triển trong tương lai và đề ra những định hướng bảo vệ cảnh quan thành phố;
- Mở rộng hồ nước và các công viên.
- Khu vực xây dựng phải phù hợp với cảnh trí và điều kiện khí hậu của địa phương.
- Bảo vệ tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên về phía rặng núi Lang Biang bằng cách thành lập một vùng bất kiến tạo ở phía Bắc Đà Lạt. Một số ý tưởng của Pineau đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt là cảnh quan đã được giữ gìn với những khoáng địa rộng rãi, để chờ đón những dự án đầu tư lớn trong tương lai.
Vào năm 1940, kiến trúc sư H.Mondet trình bày một "tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt". Ông có nhận xét về Đà Lạt lúc đó như sau; "Đà Lạt kéo dài quá mức từ Tây sang Đông, về cơ cấu chưa thành một thể thống nhất". Nguyên nhân do việc xây dựng thường bám dọc theo các trục lộ lớn và do sự lo ngại quá mức khi người ta muốn bảo vệ cảnh quan bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng rộng lớn ở trung tâm thành phố.
Đây cũng chính là bài toán khó nhất phải giải quyết trong các đề án quy hoạch tiếp theo của Đà Lạt: xây dựng và phát triển thành phố, nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan.
Do vậy, kiến trúc sư Mondet đã đề nghị một phương án không kéo dài thành phố nữa, mà tổ chức họp nhóm lại, mở rộng ra bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm.
Công tác chỉnh trang được chia thành bốn phần:
- Về giao thông, đề nghị giữ nguyên hướng tuyến, chiều rộng đường nội thị chỉ cần mở rộng tầm nhìn các khúc quanh, bố trí lại một số nút giao thông chính và chuyển lối vào từ đèo Prenn đến Đà Lạt ở vị trí mà du khách khi đặt chân đến Đà Lạt sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố.
- Về vệ sinh môi trường, đề nghị tập trung chỉnh trang hai bờ suối Cam ly, có biện pháp dẫn dòng hợp lý hơn khi nước thoát ra từ hồ và xây dựng thêm hồ nước tại vị trí thung lũng gần nhà ga.
- Các khu vực khoáng địa được tôn trọng và được tổ chức thành những công viên, câu lạc bộ, sân thể thao, vườn trẻ... sao cho vẫn bảo đảm được tính chất bất kiến tạo của các khu vực đất này.
- Các trung tâm công cộng, hành chánh được dự kiến bố trí và hợp nhóm lại.
- Trung tâm giải trí và thể thao gồm có: sân golf, hồ nước, sân tennis, câu lạc bộ, thủy tạ, vườn trẻ, khu casino, công viên... sẽ được bố trí tại bờ phiá Nam Hồ Lớn.
Qua bản tiền dự án, KTS. H. Mondet đã đóng góp được nhiều ý kiến phù hợp với thực tế và hữu ích trong công tác chỉnh trang thành phố Đà Lạt và đã được các nhà quy hoạch kế tục chọn lọc trong các đồ án sau này.
Kể từ năm 1939, Đà Lạt bắt đầu phát triển trở nên thịnh vượng.
Do chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, liên hệ với bên ngoài bị đình trệ, thời gian lưu trú ở Đông Dương của người Âu kéo dài đã khiến dòng người đổ xô về Đà Lạt ngày càng đông. Những số vốn không sử dụng ở Nam Bộ đã được đầu tư vào Đà Lạt. Thị trường mua bán đất thành phố trở nên sôi động, những biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. Nhà máy thủy điện Ankroet trên sông Da Dung cùng nhiều trường học, tu viện, nhà thờ, và nhiều công trình công cộng khác... đã được triển khai xây dựng trong giai đoạn này.
Nếu trong năm 1939 có 59 giấy phép xây dựng được cấp thì đến năm 1942 đã lên đến 300 giấy phép và toàn thành phố đã có 728 biệt thự. Dân số cũng đồng thời gia tăng nhanh chóng lên đến 20.000 vào cuối năm 1942.
Mặc dù Đà Lạt đã là một thành phố xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng lớn và có nhiều khu vực được xây dựng hoàn hảo, thành phố trở nên chật hẹp do dự phát triển quá độ và vô trật tự, một vài khu vực dân cư được dựng lên một cách vội vã và tạm bợ.
Trước tình hình đáng báo động này, chính quyền Đông Dương quyết định phải thiết lập ngay một "đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt" Để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hoà. Những biện pháp bảo vệ cảnh quan và trật tự đô thị được áp dụng để chờ đợi ngày công bố đồ án chỉnh trang: bãi bỏ những nhượng địa trong vùng nội thành, giám sát các hầm đá, bổ sung các quy định về phân lô ở vùng vành đai và trong tỉnh Lang Biang, bãi bỏ khái niệm về vùng ngoại ô.
Công tác lập đồ án quy họach chỉnh trang được giao cho Nha quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương nghiên cứu thực hiện do KTS J.Lagisquet chủ trì nhóm nghiên cứu đồ án. Ngày 27.4.1943, đồ án chỉnh trang mới của Đà Lạt đã được Toàn quyền Decoux chấp thuận và ban hành áp dụng kèm theo một chương trình địa dịch (chương trình sử dụng đất).
Đồ án chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt đã được nghiên cứu theo những định hướng tổng quát, từ đó ban hành các chương trình, quy chế cụ thể có tính pháp lý để thực hiện và để phát triển thành phố một cách hài hòa hợp lý từ tổng thể đến mỗi chi tiết.
Đồ án của J.Lagisquet ra đời cho đến nay vừa tròn 50 tuổi, nhưng trong một bối cảnh phát triển kinh tế có nhiều điểm tương đồng với ngày nay, việc nghiên cứu kỹ lưỡng đồ án này sẽ giúp chúng ta chọn lọc được những giải pháp bổ ích đóng góp cho những đồ án tương lai về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết mối liên hệ giữa đô thị và cảnh quan.
Cũng như H.Mondet, J. Lagisquet thấy rằng Đà Lạt có hình thể quá mảnh mai, khu gia cư lại không có bề sâu. Thành phố thiếu sức sống, không có trung tâm hấp dẫn thu hút dân chúng. Những khu vực thương mại, những trung tâm hành chánh thì phân tán và hầu như không đáp ứng được nhu cầu lúc đó.
Theo đồ án, Trung tâm thành phố được dự kiến tại bờ phía Nam hồ Xuân Hương và Đà Lạt sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung xung quanh 2 trục chính của thành phố và sự phát triển được dự trù dọc phía Nam suối Cam Ly, về hướng Tây và Tây bắc.
1) Trung tâm hành chánh được tập trung lại theo trục chính. Toàn bộ các cơ quan đầu não được bố trí quanh hồ Xuân Hương tạo nên một hạt nhân trung tâm: bờ phía Đông là Văn phòng Toàn quyền (khu nhà nghỉ Công đoàn ngày nay). Tòa thị sảnh ở bờ phía Bắc (nhà nghỉ Hương Trà), phía Nam là Dinh Toàn quyền (Dinh 2).
2) Trung tâm thương mại được phân tách thành hai khu vực: khu thương mại Việt Nam tại khu Hòa Bình và đường Nguyễn Chí Thanh, khu thương mại người Ấu trên đường Trần Phú (bưu điện ngày nay). Giữa hai khu vực này dự kiến sẽ xây dựng một chợ mới tại ấp Ánh Sáng.
3) Khu vực khách sạn giới hạn bởi đường Hồ Tùng Mậu và Trần Phú, có tầm nhìn trực tiếp và lý tưởng về phía hồ và dãy Lang Biang, gần đó là khu casino và câu lạc bộ (khu thao trường).
4) Một khu bệnh viện mới được dự trù ở Tây Nam thành phố để đảm đương nhiệm vụ mà bệnh viện cũ không còn đáp ứng đủ.
5) Các trường học được phân đều trong thành phố và những cơ sở chính được dự phòng đất đủ rộng để phát triển.
6) Trung tâm văn hoá được thiết lập ngay ở trung tâm thành phố bao gồm thư viện, trường Viễn Đông bác cổ và Nhà bảo tàng dân tộc học.
7) Khu dân cư được dự trù nới rộng:
- Diện tích xây dựng khu người Âu sẽ được mở rộng đến 540 ha, gồm khoảng 2.200 lô đất gần các trung tâm công cộng của thành phố.
- Vấn đề về khu cư dân Việt Nam đã được quan tâm giải quyết bằng nhiều phương án, những khu cư dân này cho đến lúc đó chỉ được bố trí ở những khu nhà tạm, khu phụ của thành phố. Những vùng đất mới sẽ được phân lô cho cư dân tùy theo tính chất nghề nghiệp của họ.
Trước tiên là một khu thương mại với những dãy nhà phố quây quần xung quanh chợ, tiếp đến là khu biệt thự song lập và nhà liên kế dành cho công chức và thợ thủ công là những người do việc làm vẫn được bố trí gần trung tâm thành phố.
Cuối cùng, một vùng đất rộng ở vành đai thành phố về phía Tây Bắc và Đông Nam đã được xác định cho những thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn (hướng Bạch Đằng và hướng đi Trại Mát) mà ở đó sẽ quần tụ những người làm nông nghiệp hay nghề thủ công. Trong vùng này, cho phép mỗi cư dân có thể được phân một khoảng đất để trồng trọt, vừa nuôi sống gia đình vừa cung cấp rau, hoa, quả cho thành phố. Như thế, đặc tính của thành phố-vườn (Cité-jardin) cũng được thể hiện. Người dân có thể tùy ý xây cất theo dạng nhà của miền quê Việt Nam mà không hề ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của toàn thành phố. Đất đai được sung dụng cho dân lao động Việt Nam làm nông nghiệp có diện tích đủ tiếp nhận một số dân gấp 5 lần số đương thời tức 75.000 người.
8) Cảnh quan về phía dãy núi Lang Biang được bảo vệ bởi những khoảng trống rộng lớn hình rẽ quạt cốc từ hồ Xuân Hương hướng về phía bắc. Một phần đất trong những khoảng trống đó được dành cho các hoạt động công cộng hay du lịch ngoài trời mà không ảnh hưởng đến tính chất bất kiến tạo của khu vực bao gồm: công viên, sân golf, sân thể thao, sân cắm trại cho thanh thiếu niên, sân bay. Một công viên được dự trù tại vị trí của Đồi Cù I phía Bắc hồ Xuân Hương sẽ là giao điểm của các đường trục của Dinh II, Văn phòng Toàn quyền và nhà Thủy Tạ.
Xa hơn về phía Bắc là các khu rừng cảnh quan phục vụ du lịch với ranh giới đã được xác định lại, được chia thành 2 khu vực:
- Một khu vực rừng bảo tồn thực vật phía tây Bắc, tuyệt đối cấm khai thác để bảo vệ cảnh quan của dãy Lang Biang.
- Một khu vực lâm trường khác sẽ chấp nhận việc khai thác tỉa một cách đều đặn và hợp lý mà vẫn bảo vệ được cảnh quan.
Về chức năng của thành phố, đồ án đã làm rõ và nổi bật các đặc tính riêng của Đà Lạt là: Trung tâm hành chánh trung ương, Trạm nghỉ mát vùng cao, Thành phố nghỉ dưỡng, Thành phố trường học, Trung tâm được tuyển chọn dành cho thanh niên, Trung tâm văn hoá tinh thần. Đồ án đã căn bản đề ra được những biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng và bức xúc của đô thị Đà Lạt như: giải quyết sự mâu thuẫn giữa tính chất tập trung của đô thị và tính chất tản mạn của thành phố-vườn, bố cục các phân khu chức năng của thành phố mạch lạc và phù hợp với thực tế hơn, xác định được cụ thể phạm vi các khoảng trống và những khu vực bất kiến tạo để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, có định hướng giải quyết nhà ở cho người di dân ngày càng đông hơn bằng nhiều thể loại nhà ở phù hợp với nghề nghiệp của họ.
Đồng thời với đồ án chỉnh trang, một kế hoạch thực hiện kéo dài 6 năm đã được Toàn quyền chấp nhận. Kể từ năm 1943, thành phố Đà Lạt nhờ có ngân sách trung ương hỗ trợ nên đồ án đã được triển khai thực hiện.
Kế hoạch áp dụng cho năm 1943 và 1944 đã được nghiên cứu bởi Tổng thanh tra Công chánh, bao gồm công tác xây dựng những đường lộ, các công trình công cộng và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình tương lai theo họa đồ quy hoạch.
Dựa trên nền tảng đó, Đà Lạt được phát triển về mọi phương diện, đạt tới mức cực thịnh thời Pháp thuộc vào năm 1944.
Các cơ sở công cộng được xây cất như Lãnh địa Đức Bà, Nha địa dư, Cư xá công chánh, bưu điện, Chùa Linh Sơn, Linh Quang với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm kiến trúc cảnh quan Đà Lạt. Năm 1945, Đà Lạt đã có trên 1.000 biệt thự với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhà máy thủy điện Ankro
ët công suất 3.000kW bắt đầu hoạt động từ năm 1944.- Đường sá cũng được cải tiến, Đà Lạt lúc đó có khoảng 94km đường và dự kiến sẽ đạt tới 140 km, đèo Prenn được mở theo tuyến mới. Việc lập ấp trồng rau được phát triển với các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940), dân số tăng nhanh từ 13.500 người (1940) đến 25.500 người (1945).
Từ năm 1945-1954, tình hình chính trị bất an, giao thông bị trở ngại, dân số luôn bị xáo trộn bởi các cuộc tản cư. Năm 1949, Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 15.4.1950, Đà Lạt thuộc Hoàng Triều Cương Thổ và hạn chế sự nhập cư người Việt. Công việc xây dựng phát triển trong giai đoạn này theo đồ án của J. Lagisquet không có kết quả đáng kể ngoại trừ một số khu nhà ở và một số trường học.
2.3- Giai đoạn 1954-1975
Từ năm 1954 đến 1963, thời kỳ Ngô Đình Diệm làm tổng thống tại miền Nam, vấn đề xây dựng các công trình công cộng tại Đà Lạt được quan tâm đáng kể.
Đà Lạt là nơi nghỉ mát, một trung tâm giáo dục lý tưởng từ trung đến đại học, một nơi tổ chức huấn luyện quân sự, phát triển các trường tôn giáo và tu viện cũng như là nơi sản xuất rau hoa đặc sản cung cấp cho toàn vùng. Nhằm ổn định số người di dân mỗi ngày một gia tăng, một số ấp nông nghiệp mới được hình thành như ấp Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Thái Phiên, Đa Thiện...
Trong khi chờ đợi soạn thảo đề án chỉnh trang mới cho Đà Lạt, đồ án J. Lagisquet và chương trình địa dịch năm 1943 dường như đã được tham khảo để giải quyết nhu cầu xây dựng. Công tác xây cất các cơ sở công cộng, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, huấn luyện quân sự... được tính toán trên các phần đất công sản còn lại. Có thể kể đến một số công trình lớn đã được xây dựng trong giai đoạn này như sau: Chợ mới Đà Lạt (diện tích xây dựng : 5.400m2), khu Hoà Bình, Giáo hoàng học viện, Trường võ bị, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở, Nha địa chính đề ra giải pháp cho phép người dân được khai thác tạm thời những lô đất đã được phân lô thuộc các thôn ấp. Đồng thời cơ quan Kiến ốc cục đã xây dựng nhiều căn nhà cho thuê hay trả góp.
Có thể nói, bộ mặt thành phố Đà Lạt đã được bổ sung bằng các công trình kiến trúc dáng dấp hiện đại, với đường nét thanh mảnh hơn và sử dụng đá rửa để trang bị mặt tiền nhà. Nhiều công trình đã góp phần tôn cao vẻ đẹp của thành phố nhưng cũng có những công trình xây cất vội vã không phù hợp với cảnh quan, nhưng đây là thời kỳ được ghi nhận có khối lượng xây dựng tương đối lớn kể từ khi thành phố do người Việt điều hành.
Việc xây cất từ thời kỳ này trở về sau, dù từng đồ án thiết kế công trình được xem xét phê duyệt, nhưng không được định hướng rõ trên một ý đồ quy hoạch tổng thể, nên đã có những công trình ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên cũng như sự phát triển cân đối của toàn thành phố.
Từ 1963 đến 1975, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội không ổn định, nhất là sau năm 1965 khi Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến tại Việt Nam. Việc tôn tạo cảnh quan đô thị và phát triển quy hoạch thành phố hầu như dừng lại, chỉ tập trung xây dựng các công trình quân sự hay phục vụ lợi ích trước mắt như:
- Các trung tâm huấn luyện quân đội, cảnh sát, trạm radar ở núi Bà, mở rộng sân bay Cam Ly...
- Nhiều khách sạn, nhà hàng mọc dày đặc chiếm những khoảng trống ở khu trung tâm.
- Làng cô nhi SOS, trung tâm trẻ em khuyết tật, trường Lasan, trường Don Bosco.
- Đắp đập, xây dựng các hồ: hồ Dankia, Đa Thiện 1, 2, 3.
- Dự án đầu tư khai thác trung tâm nghỉ mát hồ Suối Vàng và dự án cải tạo nguồn nước cho thành phố là những sáng kiến mới nhưng chưa được triển khai thực hiện.
Vào năm 1967, vấn đề môi trường sinh thái của Đà Lạt đã được các nhà chuyên môn báo động và đến năm 1973 đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt đang được thiết lập, trong đó nhấn mạnh về các biện pháp bảo vệ suối ở Đà Lạt, nhất là các lưu vực của hồ Xuân Hương.
Vấn đề xây cất bất hợp pháp và chiếm đất làm vườn đã lan tràn dưới nhiều hình thức làm tổn thương nghiêm trọng vẻ mỹ quan của thành phố. Có hai hình thức chủ yếu: do các giới chức có quyền thế chiếm đất trống dự trữ và do thương phế binh (quân đội Sài Gòn) hay người tản cư chiếm đất xây cất nhà ở ngay tại khu vực trung tâm, với những loại nhà bằng ván lợp tôn kiểu ổ chuột (xuất hiện nhiều sau Tết Mậu Thân 1968 và nhất là vào cuối năm 1971).
2.3 Giai đoạn từ 1975 đến nay
Từ sau giải phóng và đất nước được thống nhất, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ, của tỉnh Lâm Đồng, có ranh giới mở rộng đến 417 km2. Dân số năm 1975 là 85.833 người, đến nay đã lên đến trên 130.000.
Công tác xây dựng cải tạo thành phố đã được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm ngay từ những ngày đầu. Năm 1977, Đoàn quy hoạch Bộ xây dựng đã trình bày "Sơ phác quy hoạch chung thành phố Đà Lạt", bao gồm nhiều tập thuyết minh và các sơ đồ kèm theo. Tiếp đó, từ năm 1983, cơ quan chuyên môn địa phương là ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Đà Lạt với một số vấn đề thực tế hơn.
Tháng 3.1985, Đoàn quy hoạch trung ương do KTS. Trần Ngọc Chính dẫn đầu đã đến Đà Lạt, phối hợp với các chuyên viên ủy ban xây dựng cơ bản để làm luận chứng kinh tế - kỹ thuật quy hoạch và cải tạo Đà Lạt.
Nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ dân sinh đã được xây cất đáng kể như: nhà máy nước Suối Vàng, hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm, Nghĩa trang liệt sĩ, hồ Thống Nhất, Nhà văn hóa thiếu nhi, cải tạo và nâng cấp Đồi cù, mở mang một số khu phân lô nhà ở (như tại đường 3/2...).
Còn lại là công tác cải tạo sửa chữa nhà ở, hay xây dựng xen cấy do nhân dân tự làm. (Số giấy phép xây dựng trong năm 1990 là 260, và năm 1992 là 379. Tốc độ gia tăng là 145% trong 2 năm).
Từ 1991 đến nay, Đoàn quy hoạch của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ xây dựng do KTS. Vũ Kim Long chủ trì đang tiến hành thiết lập đồ án "Điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt", theo tinh thần chỉ thị số 19/CT ngày 22.1.1991 của HĐBT về việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý đô thị.
Nói chung đồ án quy hoạch chung Đà Lạt đã được thiết lập nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn chưa có đồ án nào đủ sức thuyết phục và được thông qua. Thành phố Đà Lạt đang phải gánh chịu những áp lực về khối lượng công trình xây dựng ngày càng tăng trong tình trạng không có đồ án quy hoạch chỉnh trang. Công tác giải quyết xây dựng công trình đương nhiên gói gọn trong phạm vi nghiên cứu đơn lẻ và rất chủ quan. Nhiều vấn đề thực tiễn có tính chất quyết định của thành phố càng lúc càng trở nên phức tạp.
- Hạ tầng kỹ thuật thành phố bị xuống cấp trầm trọng.
- Khu dân cư phát triển không giới hạn làm thu hẹp và đảo lộn bố cục vùng cảnh quan. Các cụm rừng thông ngay trong thành phố bị chặt phá rất nhiều để xây dựng nhà cửa, làm vườn trên các đồi quanh Dinh thị trưởng cũ, đồi xung quanh các khu Dinh I, II, III, đồi Cảnh sát dã chiến, đồi thông xung quanh các khu biệt thự Cité Decoux, Saint Benoit, đồi Tùng Nguyên... Các hồ nước tiếp tục bị bồi lắng nghiêm trọng hơn (hồ Xuân Hương, hồ Than Thở). Nhiều vùng đất trong khu vực bất kiến tạo, các khoảng trống bảo vệ tầm nhìn cảnh quan bị chiếm dụng xây cất bất hợp pháp.
- Bố cục thành phố thiếu cân đối do sự tập trung quá mức vào khu trung tâm mà chưa có biện pháp mở mang phát triển khu vành đai để thu hút dân cư và các nguồn vốn đầu tư.
Kiến trúc cảnh quan của TP. Đà Lạt là một bức tranh có sắp xếp theo một bố cục, không theo dạng hình học nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc về sư phối hợp giữa 4 yếu tố hình khối: địa hình tạo khối và bộ khung của cảnh, mặt nước tô điểm cho cảnh và tạo sự tĩnh mịch tác động đến nội tâm con người, cây xanh là màu nền của bức tranh và là bộ lọc không khí chống bụi bặm và tiếng ồn, kiến trúc là nét nhấn, nét chấm phá của phong cảnh và là tiện nghi sinh sống của con người.
Về địa hình, cần bảo vệ những điểm cao và các đường cong của các ngọn đồi là hình dạng căn bản của cao nguyên, tránh sự cải tạo khai phá đất (san ủi mặt bằng, khai thác hầm cát đá...), cần có quy định về một khoảng trống bất kiến tạo đủ rộng để bảo vệ tầm nhìn về phía dãy núi Lang Biang là tấm phông chính của mọi bức tranh phong cảnh của Đà Lạt. Ngoài ra cũng cần có chương trình cải tạo các vùng trũng ẩm thấp trong khu trung tâm thành những vùng đất hữu dụng (công viên, khu gia cư...).
Về mặt nước, việc duy trì và xây dựng thêm nhiều hồ nhân tạo sẽ càng tô điểm phong cảnh và tạo được nhiều hạt nhân trung tâm của khu chức năng (khu công cộng, dân cư, du lịch...), cần có biện pháp tuyệt đối bảo vệ lưu vực các suối chính chống sự ô nhiễm và bồi lắng: thành lập chương trình tái định cư đồng bào sinh sống dọc theo lưu vực suối Cam Ly, đồng thời với chương trình dài hạn nạo vét phục hồi các hồ đã tồn tại.
Về cây xanh, tuyệt đối không khai thác cây xanh và rừng Đà Lạt. Trong thành phố, thông là cây xanh đô thị, và ở khu ngoại vi, rừng thông phục vụ du lịch, ngoạn cảnh, săn bắn, cắm trại, bảo vệ lưu vực các sông Đồng Nai, Đa Nhim... Cần quy định ranh giới cụ thể của rừng bảo tồn với những quy định nghiêm ngặt không cho phép xây cất, trồng trọt, khai thác lâm sản và khoáng sản, làm nhà máy...
Về kiến trúc công trình, phải tái khẳng định tính chất thành phố công viên, thành phố - vườn.
Họa đồ quy hoạch, phân lô xây dựng TP. Đà Lạt phải xác định thật rõ ràng ranh giới các phân khu chức năng. Khu danh lam thắng cảnh, khu công sở, khu biệt điện, khu biệt thự các hạng A, B, C..., khu nhà biệt lập, nhà song lập, khu nhà phố, khu nhà có vườn, khu thương mại, khu chung cư, khu công cộng, công viên, khu thể thao, du lịch, khoảng trống bất kiến tạo...
Kích thước lô đất phải được phân chia phù hợp với từng loại công trình để có được không gian trống kèm theo, dành cho vườn hoa cây cảnh hay để tạo sự thoáng đãng cho tầm nhìn cảnh quan chung. Để cụ thể hóa không gian trống kèm theo, cần phải có những quy định có tính chất bắt buộc cho từng loại công trình về mật độ tối đa của công trình được phép xây dựng trong lô đất và khoảng cách tối thiểu tính từ ranh giới lô đất đến công trình.
Tuyệt đối không cho phép xen cấy lẫn lộn các dạng nhà khác nhau trong cùng một phân khu hay chia cắt đất đã được phân lô hợp lý để xây dựng thêm công trình.
Hiện nay và trong tương lai, vấn đề giải quyết nhà ở cho cư dân của thành phố là bài toán nan giải nhất, nhưng cần phải được ưu tiên giải quyết để tránh sự lan tràn tự phát gây nguy hại đến các vùng cảnh quan của thành phố. Để tăng quỹ nhà ở, chúng ta có thể đa dạng hóa các trung tâm dân cư, trên nguyên tắc tạo thành các quần thể công trình - công viên hay công trình-vườn biệt thự các loại, nhà biệt lập có sân vườn, nhà vườn, quần thể nhà ở cao tầng có công viên bao quanh...
Quan trọng nhất và hơn bao giờ hết là đồ án cải tạo, chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, sớm được ban hành kèm theo một chương trình sử dụng đất và điều lệ quản lý được duyệt, có tính chất pháp lý để thực hiện. Có như vậy, thành phố Đà Lạt mới có điều kiện để được phát triển cân đối, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn là di sản độc đáo cần được chăm sóc và tôn tạo.
Đất đô thị là một tài sản vô giá chỉ có mất đi mà không thể tự sinh ra được. Giá trị của đất đô thị Đà Lạt không giới hạn trong phạm vi các khu dân cư hay thương mại, mà có giá trị ngay cả tại những khu rừng thông hay khoảng đất trống còn hoang sơ không có người ở, nó mang lại cho chúng ta môi trường trong lành, cảnh quan xinh đẹp và những nguồn lợi tức lớn lao từ ngành du lịch. Ngoài ra, quỹ đất còn là nguồn vốn để giữ gìn và phát triển đô thị bằng giá trị cho thuê sử dụng đất, thông qua những chương trình hợp lý mà vẫn bảo đảm được sự hài hòa của kiến trúc cảnh quan của thành phố.
Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu để phụ họa vào việc giữ gìn bức tranh phong cảnh và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt. Những nét trên không phải là những sáng kiến mới được khám phá, mà thực tế đã được nhà quy hoạch và quản lý đô thị đặc biệt là các kiến trúc sư người Pháp, và sau đó là người Việt, nghiên cứu công phu và thực hiện thành công tại Đà Lạt, tạo nên những di sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Lẽ nào chúng ta không tìm cách chọn lọc và áp dụng những thành quả đó để giữ gìn, tôn tạo và phát triển thành phố chúng ta ngày thêm đẹp hơn?
KS. NGUYỄN VINH
LUYỆN
KTS. TRẦN CÔNG HÒA
KTS. NGUYỄN PHÁP
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Đặng Thái Hoàng, Lịch sử nghệ thuật quy hoạch đô thị, Nxb Khoa học và kỹ thuật, H.,1992.
2- Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan đô thị, Nxb Xây dựng H.,1991.
3- Nguyễn Khởi, Kiến trúc Việt Nam, các dòng tiêu biểu, 1992.
4- Tập san Sử Địa, 5., 1971, Số 23-24.
5- A.Berjoan et J. Lagisquet, Les réalisations d'urbanisme à Dalat, H., Indochine, 1943, No164-165.
6- Ernest Hébrard, Futur plan de Dalat, H., 1923.
7- Etienne Tardif, La mission du Lang Bian (1899-1990), Ogeret et Martin, Vienne, 1902.
8- J.Lagisquet, Rapport de présentation, 1942.
9- L.G. Pineau, Dalat, capitale administrative de l'Indochine?, Revue indochinoise juridique et économique, H., 1937, No 2.
10- Physionomie de Dalat en 1937, L'Asie nouvelle illustrée, S., 1937, No 56.
Mục lục sách |
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng |