Muc luc

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 1993

1. KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH
CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT

ừ buổi đầu khai sinh cho đến nay, nhiều thế hệ người dân bản địa (Lạch, Chil, Srê...), Việt, Âu, Hoa..., với bàn tay, khối óc của mình, đã từng bước xây dựng nên thành phố Đà Lạt.

Cư dân thành phố Đà Lạt phát triển theo quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Có thể khái quát sự hình thành cộng đồng cư dân thành phố Đà Lạt theo những giai đoạn sau:

* Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1914

* Từ năm 1915 -1939

* Từ năm 1940 -1945

* Từ năm 1946 -1954

* Từ năm 1954 -1975

* Từ năm 1975 đến nay

1.1 Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1914

Với mục đích muốn tìm một nơi dành cho công chức và binh lính Pháp mệt mỏi đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng bức ở vùng đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe, theo đề nghị của Bác sĩ Yersin, toàn quyền Paul Doumer đã chọn cao nguyên Lang Biang làm nơi nghỉ dưỡng (sanatorium). Nhưng năm 1902, P. Doumer về Pháp, dự án của ông bị ngưng lại, kinh phí bị cắt, những công trình xây dựng dở dang. Ở Đà Lạt chỉ còn vài viên chức Pháp.

Năm 1906, Đà Lạt được xác định làm nơi nghỉ dưỡng. Năm 1907, xây dựng lữ quán dành cho khách vãng lai. Năm 1909, trạm khí tượng và trạm nông nghiệp được chuyển từ Đankia về Đà Lạt. Trong thời gian này, ở Đà Lạt, ngoài cư dân bản địa, còn có vài khách viễn du người Âu đi công tác hoặc trắc địa viên, những người thợ săn hoặc một vài khách du lịch rất hiếm hoi. Những người Kinh định cư đầu tiên ở Đà Lạt là những tù nhân, những người đi buôn, những người giúp việc trong các phái đoàn nghiên cứu... Tù nhân là những người thay vì phải lưu đày ở Lao Bảo hay Côn Lôn thì bị đưa lên Đà Lạt để khai phá đất hoang, xây dựng nhà cửa, đường sá.

1.2 Từ năm 1915 đến năm 1939

Thế chiến thứ nhất (1914 -1918) bùng nổ đã gây khó khăn cho những người Âu trở về quê hương nghỉ hè hàng năm. Năm 1915, một làn sóng người Âu đầu tiên đã lên Đà Lạt.

Tháng 11.1915, toàn quyền Roume quyết định đánh thức Đà Lạt dậy sau một giấc ngủ dài hơn 10 năm. Hệ thống đường sá phát triển mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.

Ngày 6.1.1916, tỉnh Lang Biang được thành lập.

Ngày 18 tháng 3 năm Duy Tân thứ 10 (20.4.1916), Hội đồng nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt.

Những quyết định về đơn vị hành chính mới này giúp cho Đà Lạt tăng nhanh nhịp độ phát triển.

*

Tháng 8.1923, công trình thiết lập đồ án qui hoạch Đà Lạt của kiến trúc sư Ernest Hébrard hoàn thành, dự kiến xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương.

Năm 1926, khu tự trị Lang Biang trở thành thị xã Đà Lạt.

Về phía Tây Bắc và Đông Nam thành phố, cư dân người Việt thành lập các làng Trường Xuân, xã Xuân Trường (1929) [6,5], ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940)...

Từ năm 1933 đến năm 1938, hoàn thành nhiều công trình giao thông. Lúc bấy giờ đi từ Đà Lạt đến Hà Nội chỉ mất 48 giờ nên số du khách ở miền Bắc đến nghỉ hè ở Đà Lạt rất đông. Các buồng trong khách sạn được khách đặt thuê từ nhiều tháng trước.

Trong giai đoạn này, người Việt từ các nơi đến Đà Lạt để làm công nhân cầu đường, xây dựng nhà cửa, đồn điền của các chủ thầu Pháp, Việt, một số khác buôn bán, làm vườn, trồng các loại rau, hoa quả ôn đới. Dân số tăng nhanh: 1.500 người (1923), 9.000 người (1938), 11.500 người (1936).

1.3 Từ năm 1940 đến năm 1945

Ngày 1.9.1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Một lần nữa, các viên chức Pháp không thể trở về quê hương mà phải ở lại Đông Dương lâu hơn khiến cho họ đổ xô lên Đà Lạt nghỉ mát. Từ năm 1942, Đà Lạt trở thành "Thủ đô mùa hè", toàn quyền Decoux thường làm việc ở Đà Lạt từ tháng 5 đến tháng 10 vào mùa nóng.

Dân số tăng nhanh trong thời kỳ này: 13.000 người (1940), 20.000 người (1942) [9, 8 -9], 21.000 người (1943), 25.000 người (1944) [2].

Trước năm 1945, ở nội thành Đà Lạt hình thành hai khu vực dân cư: phía Bắc suối Cam Ly và phía Nam suối Cam Ly.

Phần lớn người Việt sống ở khu vực phía Bắc suối Cam Ly.

Người Hoa buôn bán dọc đường Cầu Quẹo và quanh khu chợ (Place du marché: nay là khu Hòa Bình ).

Người Pháp phần lớn sống trong những biệt thự ở phía Nam suối Cam Ly và Hồ Lớn, một số ít ngưới Pháp sống ở phía Bắc suối Cam Ly, trong cư xá Decoux.

1.4 Từ năm 1946 đến năm 1954

Từ năm 1945 trở đi, tình hình bất an, sự giao thông khó khăn. Việc di dân lên Đà Lạt bị ngưng trệ, dân số Đà Lạt bị chựng lại.

Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Đà Lạt được hưởng những ngày độc lập, tự do, nhưng không được bao lâu phải bước vào một cuộc chiến đấu mới.

"Sau khi chiếm lại Đà Lạt, Pháp tìm mọi cách để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường. Bộ máy chính quyền được tổ chức lại, Tòa đốc lý được đổi thành Tòa thị chính, các phường - xã thành lập Hội đồng kỳ mục. Ngoài ra còn có cơ quan mật thám và các cơ quan Cao ủy phủ. Họ thừa nhận Đà Lạt "thành phố hiu quạnh" và kêu gọi nhân dân, công nhân hồi cư, nhất là công nhân nhà máy điện: mặt khác ra sức khủng bố những người tình nghi hoạt động cách mạng hoặc có hành động phá rối. Thực hiện chủ trương của Ủy ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên, các cơ quan, đoàn thể và phần lớn nhân dân Đà Lạt tản cư xuống Cầu Đất (Entrerays), Đơn Dương (Dran) hay đi Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), một số khác trở về quê cũ nên đến đầu năm 1946, dân số Đà LẠT CHỈ CÒN 5.200 NGƯỜI Ủy ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên, các cơ quan, đoàn thể và phần lớn nhân dân Đà Lạt tản cư xuống Cầu Đất (Entrerays), Đơn Dương (Dran) hay đi Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), một số khác trở về quê cũ nên đến đầu năm 1946, dân số Đà Lạt chỉ còn 5.200 người"
[ 5,46 -47].

Cuối năm 1947, dân Đà Lạt mới hồi cư. Tính đến tháng 3.1948, toàn Đà Lạt có 18.513 người
(Việt: 15.000 người), Kơ Ho: 827 người, Hoa: 807 người, Pháp: 1.897 người); dân số cứ tiếp tục tăng đều khi sự giao thông trở lại bình thường. Ngày 14.4.1950, Bảo Đại ra Dụ số 6 -QT/TD lập Hoàng triều cương thổ và chọn Đà Lạt làm trung tâm. Ngày 10.11.1950, Bảo Đại ra Dụ số 4 -QT/TD sửa đổi địa giới thị xã Đà Lạt và sáp nhập một phần tỉnh Lâm Viên vào tỉnh Đồng Nai Thượng (làng Manline và làng Trại Mát đều hoàn toàn nhập vào tỉnh Đồng Nai Thượng).

Do sự thay đổi về tổ chức hành chính nên sự nhập cư bị hạn chế.

Đến cuối năm 1952, dân số Đà Lạt: 25.041 người, trong đó có 840 người Kơ Ho, 752 người Hoa, 1.217 người Âu [10].

Vào cuối năm 1953 đầu năm 1954, chiến tranh đã đạt đến mức độ khốc liệt nhất trong giai đoạn quyết định nên dân chúng tại các tỉnh lân cận đến Đà Lạt tị nạn chiến tranh ngày càng đông.

1.5 Từ năm 1954 đến năm 1975

Trước tháng 7.1954, dân số Đà Lạt chỉ khoảng 25.000 người. Sau một thời gian hòa bình lập lại, vào cuối năm 1954, dân số tăng lên 52.000 người và giữa năm 1955 là 53. 390 người. Hiện tượng dân số tăng nhanh như vậy là do đồng bào miền Bắc di cư (đến tháng 10.1954 tiếp nhận 3.567 người và đến cuối năm 1955 lên đến 15.456 người [ 7,144,159], cùng với làn sóng người từ các tỉnh vùng tự do Liên khu 5 (Nam, Ngãi, Bình, Phú) chạy vào tránh lánh sự trả thù và khủng bố của địch.

Đến năm 1956, dân số Đà Lạt bị giảm sút một cách đột ngột từ 53.390 người (1955) xuống còn 23.744 người.

Những nguyên nhân đưa đến sự đột biến dân số này là:

- Một phần đông dân chúng từ các tỉnh lân cận đến tị nạn chiến tranh, thấy tình hình tạm yên đã trở về nguyên quán;

- Một số công nhân đồn điền là dân các nơi đến làm việc, có cả những người miền Bắc, thấy tình hình yên ổn trở về thăm quê nhà;

- Đội ngự lâm quân của cựu hoàng Bảo Đại giải tán;

- Một số trại định cư di chuyển đến các tỉnh khác vì không đủ điều kiện sinh sống.

Nhưng đến năm 1957, dân số Đà Lạt lại gia tăng rất nhanh từ 23.744 người trong năm 1956 lên đến 60.966 người với những nguyên nhân sau:

- Một số dân chúng từ phương xa đến lập nghiệp tại Đà Lạt, sau hiệp định Genève đã về quê thăm nhà và khi trở lại Đà Lạt đã mang theo một số bà con thân thuộc lên làm ăn;

- Dụ số 21 ngày 11.3.1955 bãi bỏ chế độ Hoàng triều cương thổ. Từ đây mọi người dân Việt được tự do lên Đà Lạt, nhưng mãi một năm sau Dụ này mới có ảnh hưởng thực tế. Vì thế, một số rất đông dân chúng ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đổ xô lên Đà Lạt. [4,145]

Theo đà phát triển dân số, trong giai đoạn này (1955 -1957), các ấp mới cũng được hình thành: Tùng Lâm (1955), Thánh Mẫu (1955), Thái Phiên (1956), Đa Thiện (1956), Chi Lăng (1957), Phát Chi (1957), Du Sinh (1960).

Ngày 19.5.1958, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 261/NV thành lập tỉnh Tuyên Đức, cắt một phần lãnh thổ cùng dân số Đà Lạt sáp nhập vào tỉnh Tuyên Đức mới thành lập (ấp Thái Phiên, xã Liên Hiệp). Do vậy dân số Đà Lạt đã giảm từ 60.690 người xuống 49.000 người.

Từ năm 1960 đến năm 1969, dân số Đà Lạt gia tăng điều hòa: 73.290 người (1965), 89.656 người (1970).

Từ năm 1970 trở đi, do tình hình chiến tranh ngày một ác liệt, một số thanh niên phải đi lính, một bộ phận dân chúng về các vùng phụ cận (các huyện ở Lâm Đồng) hay về quê cũ và khi Đà Lạt giải phóng (3.4.1975), một bộ phận dân cư nữa chuyển đổi nơi cư trú nên Đà Lạt vào năm 1975 chỉ còn 85.833 người.

1.6 Từ năm 1975 đến nay

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với sự tăng dân số chung của cả nước, thêm vào đó cán bộ các ngành từ miền Bắc, Trung vào công tác cùng với gia đình đã làm cho Đà Lạt tăng nhanh về dân số.

Dân số Đà Lạt tăng từ 85.833 người (1975) lên 98.437 người (1981) và đến năm 1982, Đà Lạt đã vượt qua ngưỡng cửa thành phố có trên 100.000 dân, năm 1992 là 120.559 người.

 

2. CÁC THÀNH PHẦN DÂN CƯ

2.1 Cư dân bản địa (Lạch, Chil, Srê) ở xã Tà Nung

Từ Đà Lạt, con đường dốc quanh co dài 17 km theo hướng Tây Nam sẽ dẫn đến vùng đất Tà Nung.

Những dãy núi và các đồi thấp dần đã tạo nơi đây có dáng dấp địa hình lòng chảo, với khu cư dân sống trên vùng đất tương đối bằng phẳng với độ cao 1.000 m.

Trong cộng đồng dân cư ở đây, 3 dân tộc Lạch, Chil, Srê chiếm đa số và định cư từ lâu.

Srê là một tộc người thiểu số đã đến vùng đất này không biết từ bao giờ. Người ta ước đoán rằng cách đây 4 -5 thế kỷ, vào thời kỳ hưng thịnh của Vương quốc Chăm pa, người Srê đã hiện diện và sinh sống ở đây. Người Chăm đã tiến hành những cuộc chiếm đất và cai trị. Một bộ phận người Srê không chịu nổi ách thống trị tàn bạo nên đã di cư về Phitôkhang (Di Linh). Người Srê là nguồn cư dân đầu tiên có nguồn gốc bản địa lâu đời ở Tà Nung (bon T’R’ Nũn). Đơn vị cư trú của người Srê là bon. Bon cũ có tên là T’R’ Nũn gắn liền với sự hình thành vùng đất và tên gọi của xã Tà Nung hiện nay.

Lối sống của người Srê là lối sống định cư luân khoảnh trên một địa bàn nhất định. Người Srê canh tác ruộng nước đồng thời vừa trồng lúa rẫy với trình độ kỹ thuật tiến bộ hơn nên cuộc sống đã ổn định và phát triển.

Sau một thời gian dài du canh du cư, một bộ phận người Chil từ vùng đất gần Đa M’Rong lần lần theo hướng Đông - Nam đặt chân đến R’Hàng Đang (Tây Bắc Tà Nung) vào năm 1934. Họ cư trú và làm rẫy tại đây sau khi đã xin phép chủ bon T’R’ Nũn.

Vào năm 1955, số người Chil này chuyển xuống cư trú ở vùng đất T’R’ Nũn. Đến năm 1965, người Chil lại chuyển xuống vùng Đinh Văn cư trú, một số ở lại vì có quan hệ hôn nhân với người Srê.

Năm 1965, ở đây xảy ra nạn cháy nhà do vô ý, cả làng đếu bị đói trong một năm. Cùng lúc chính quyền Sài Gòn đã đẩy mạnh cuộc chiến tranh giành dân nên ngoài một số hoạt động cách mạng còn ở lại, đa số người Chil chuyển cư ra vùng Cam Ly (thị xã Đà Lạt ) bao gồm nhiều dòng họ khác nhau.

Sau năm 1975, Tà Nung là một đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Lạt, và được qui hoạch thành vùng định canh định cư của đồng bào dân tộc ít người. Người Chil bao gồm nhiều dòng họ khác nhau ở bon Đơn K’Nớ, Đạ Long, Đạ Cháy, N’Thôl Hạ trước đây bị dồn về Cam Ly được đưa vào vùng Tà Nung để ổn định cuộc sống.

Mặt khác, người Lạch ở vùng Mang Ling được đưa vào vùng Tà Nung 2 vào tháng 10.1978. Năm 1982, theo qui hoạch của Ban kinh tế mới định canh định cư, họ chuyển ra vùng Tà Nung 1 cư trú trong một cộng đồng mới gồm Srê, Chil, Lạch với cuộc sống chuyên canh lúa nước, hoa màu, cùng cây cà phê.[ 1,11 -17]

Xã Tà Nung có diện tích 55,91 km2 . Dân số toàn xã hiện nay là 1953 người, trong đó cư dân bản địa chiếm 2/3 tổng dân số bao gồm Chil: 587 người, Lạch: 347 người, Srê: 290 người.

2.2 Người Đà Lạt gốc miền Bắc

Trong cộng đồng cư dân thành phố Đà Lạt, trước hết phải kể đến một thành phần cư dân khá đông đảo từ các tỉnh phía Bắc đến định cư tại Đà Lạt. Tuy họ đến Đà Lạt với những mục đích khác nhau trong những giai đoạn khác nhau, song chính họ đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển của Đà Lạt trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngược dòng thời gian để tìm hiểu về những người Đà Lạt gốc miền Bắc, chúng tôi được biết một trong những nhóm người đầu tiên vào sinh sống ở Đà Lạt là nhóm người đi làm công cho trại chăn nuôi bò Dankia. Vào những năm 1931 -1932, 40 hộ người Bắc, người Huế và người Quảng đã di chuyển đến Đà Lạt. Họ làm công và sinh sống tại trại chăn nuôi bò Dankia. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), chính quyền sở tại buộc các hộ này phải chuyển về sống tại vùng đất mà sau khi ổn định được họ đặt tên là làng Đa Phú. Kể từ khi có chủ trương mãi đến năm 1950, họ mới rời khỏi Dankia và đến năm 1952 làng Đa Phú mới chính thức được thành lập với 3 ấp: Tây Thuận, Trung An và Đông Hòa. Trong ấp Đông Hòa hầu hết là người Thiên Chúa giáo, còn hai ấp Tây Thuận và Trung An hầu hết là dân Quảng Ngãi đến Đà Lạt cư trú. Vì vấn đề nguồn gốc cư dân nên hai ấp này về sau là một trong những vùng cơ sở cách mạng. Những năm sau, 3 ấp trên lại được nhập thành ấp Đa Phú. Trong thời gian đầu sau khi lập ấp, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng môn, khoai, bắp và cho đến năm 1955 -1956 mới bắt đầu trồng rau.

Ấp Hà Đông

Năm 1936, ông quản đạo Trần Văn Lý thấy Đà Lạt đất rộng người thưa, khí hậu mát mẻ nhưng rau quả hiếm, đã bàn với các ông Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Định và một vài viên chức có thế lực can thiệp với chính phủ thực hiện di dân ở Bắc vào Đà Lạt. Lớp cư dân đầu tiên của ấp là 33 người thuộc các làng: Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Tây Tựu và Vạn Phúc (thuộc tỉnh Hà Đông). Họ đến Đà Lạt để trồng rau và lập nên ấp Hà Đông vào năm 1938. Nằm ở phía Tây thành phố, ấp được lập trên một vùng đất có địa hình thoai thoải, với một con suối chảy qua.

Từ năm 1939 -1942, ví thiếu nhân công nên một số người ở các tỉnh miền Bắc như : Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... được các chủ vườn thuê vào làm công. Một số những người làm công sau này sau khi mãn hạn đã ở lại ấp lập nghiệp luôn, có 16 gia đình ở trong ấp thuộc loại này.

Từ sau năm 1954, ấp Hà Đông không còn thuần túy của người miền Bắc nữa, mà có thêm những người miền Trung và người miền Nam đến cư ngụ; tuy nhiên cư dân miền Bắc vẫn chiếm đa số. Ở ấp Hà Đông, người Quảng Ngãi đến cư ngụ rất nhiều vì nghề làm vườn thích hợp, tiền công phải chăng, nhiều chủ vườn có nhà trống cho họ ở nhờ, dân trong ấp sẵn sàng chấp nhận họ đến cư ngụ tại ấp, không phân biệt địa phương, chủ thợ [3,96 -97].

Ấp Nghệ Tĩnh

Ông Phạm Khắc Hòe, người Nghệ Tĩnh, quản đạo Lâm Viên thấy dân ấp Hà Đông làm ăn được nên đã cùng ông Nguyễn Thái Hiến đưa những người thân quen của mình ở Nghệ An - Hà Tĩnh vào Đà Lạt lập nghiệp. Họ vào Đà Lạt từng nhóm và đi theo từng đợt khác nhau. Khi vào đến Đà Lạt, tất cả những nhóm người này được ông Phạm Khắc Hòe qui tụ giúp đỡ bố trí nơi ở. Ấp Nghệ Tĩnh được thành lập năm 1940 với diện tích 36 ha. Đa số di dân trong ấp ban ngày đi làm thuê trong các công sở, chiều về vỡ đất khai hoang trồng thêm rau. Đất đai được mở rộng, họ dần dần chuyển sang nghề làm vườn, sản phẩm chủ yếu là cây a -ti -sô và một số loại rau ôn đới. Lúc mới vào, tuy còn nghèo khó nhưng bà con vẫn góp tiền vào xây dựng đình (1941).

Từ năm 1954 về sau, vì lý do an ninh, một số dân từ miền Trung đã lưu lạc đến cư ngụ tại ấp, đi làm công cho những người trong ấp.

p Đa Thiện

Vùng đất Đa Thiện rộng 500 ha, xưa là nơi có rất nhiều thú rừng. Năm 1956, ấp Đa Thiện được thành lập, thành phần cư dân gồm:

- Người của các ấp khác đến khai phá (trong số đó có 55 người nguyên là cư dân của ấp Hà Đông)

- Những cựu nhân viên trong ủy ban hành chính khu phố 9.

- Những người khác sang lại với giá rẻ đất của những người được cấp mà không tự khai khẩn được.

Ngoài ra còn một nhóm người ở Đức Ninh (Thái Bình) vì công vụ hay di dân đã đưa nhau đến ấp Đa Thiện để lập nghiệp, chuyên nghề trồng rau.

Các ấp khác

Năm 1954, một số trại định cư của người Thiên Chúa giáo di cư được thành lập ở Đà Lạt: Du Sinh, Thánh Mẫu, Đa Minh.

Tháng 11 năm 1954, khoảng 30 đến 40 hộ người Hà Đông, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam Ninh... quen biết với linh mục Bửu Dưỡng đã qui tụ lại lập trại định cư Du Sinh, cho đến năm 1960 mới gọi là ấp. Cư dân ở ấp này sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau; công chức, buôn bán, đốt than, làm thuê... Sau ngày giải phóng có thêm 20 gia đình người Quảng nhập cư tại dây.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1955, dưới sự hướng dẫn của linh mục Mạnh Trọng Bích, khoảng 400 giáo dân của làng Nghị Yên, Cầu Khống thuộc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) di dân vào Đà Lạt.

Ngày 22.5.1955, họ có mặt tại Đà Lạt và lập trại định cư tại Thánh Mẫu. Sau đó, họ đã mua lại khu đất này của Sở canh nông và lập nên ấp Thánh Mẫu, lúc đầu họ khai phá đất để trồng khoai, bắp rồi dần dần chuyển sang nghề trồng rau.

Cũng vào thời điểm này, 3.000 giáo dân gốc Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh được linh mục Đỗ Ngọc Bích dẫn đến ngọn đồi thông cuối khóm Nam Thiên, lập nên trại định cư Đa Minh. Đến năm 1957, vì điều kiện sinh sống khó khăn, trại định cư bị giải tán, khoảng 2.000 người bỏ xuống tỉnh Đồng Nai, chỉ còn khoảng 1.000 người kiên trì ở lại, họ là những cư dân nay thuộc khóm Nam Thiên.

Năm 1957, linh mục Mai Đức Thạc đem giáo dân người gốc Phát Diệm đến vùng Cầu Đất lập nghiệp. Số giáo dân lúc đó khoảng 80 hộ, chùng 600 người. Khi mới đến, đa số đi làm công cho Sở trà Cầu Đất. Vì ở vào địa thế bất lợi, chung quanh toàn là rừng thông, thời tiết quanh năm lạnh lẽo, đất đai lại không thuận tiện cho việc trồng trọt, đời sống dân chúng nghèo nàn, nhiều người đã lần lượt bỏ đi nơi khác, có lúc không còn quá 20 hộ ở lại, nhà cửa, vườn tược được bán cho người tứ xứ.

Ngoài ra, cũng có những nhóm người miền Bắc đến Đà Lạt rồi nhập cư vào những ấp đã được thành lập trước như ấp Tùng Lâm. Năm 1949, có một số gia đình người Kinh, từ Huế qua Lào rồi trở về Việt Nam, lập ấp ở vùng đất thuộc cây số 7 (trên đường nối liền TP. Đà Lạt với xã Lát, huyện Lạc Dương ). Năm 1954, người Bắc nhập cư vào ấp, đa số là người Thạch Bích (Hà Đông - Hà Nội) được các linh mục đưa đến hai trại là : Tùng Lâm và Kim Thạch, sinh sống nhờ vào việc đi làm thuê cho những người Huế vào trước đó. Dần dần họ khai phá đất và chuyển sang nghề làm vườn và trồng chủ yếu là hành, khoai tây, bắp sú [8].

*

Từ năm 1957 đến năm 1975, những người miền Bắc đến định cư ở Đà Lạt hầu như không đáng kể, chỉ có một số ít từ các tỉnh khác đến hoặc một số cán bộ cách mạng được tổ chức điều vào công tác ở địa bàn Đà Lạt - Tuyên Đức.

Sau ngày đất nước thống nhất, dân số Đà Lạt lại biến động một lần nữa. Đà Lạt tiếp nhận người từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, công tác, trong đó có một số cán bộ bổ sung cho các ngành, gia đình các cán bộ , chiến sĩ, lực lượng vũ trang, học sinh các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng sư phạm, đại học. Những người đi xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng chuyển đến sinh sống tại Đà Lạt và một số khác vì kế sinh nhai xin nhập cư Đà Lạt.

2.3 Người Đà Lạt gốc Thừa Thiên - Huế

Sau 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm làm việc ở các đồn điền, công sở khai thác mãn hạn, những người lao động Việt Nam thường tìm đất đã khai hoang, lập nghiệp tại Đà Lạt; rồi từ đó bà con quen biết từ quê nhà mò tìm đến và xây dựng ấp làng.

Vào những năm 1926, 1927, những công nhân đầu tiên ở Sở trà Cầu Đất đã nhen nhúm ý định lập làng Trường Xuân. Trong số 11 vị đầu tiên đứng ra xin lập làng có cả những người Thừa Thiên - Huế.

Khác với luồng cư dân lập ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh hoặc Du Sinh, Vạn Thành, Thánh Mẫu, Tùng Lâm... hành trình của nguồn cư dân Thừa Thiên - Huế vào Đà Lạt là những cuộc hành trình lẻ tẻ, đầy gian khổ. Vào những năm 1930, phương tiện chủ yếu là đi bộ, từ Thừa Thiên - Huế vào Đà Lạt phải đi bộ mất khoảng một tháng trời. Sở dĩ người dân Thừa Thiên - Huế bỏ quê hương đến Đà Lạt lập nghiệp vì họ muốn tránh lánh sự tàn phá của chiến tranh, muốn thoát khỏi chế độ tô thuế nặng nề, họ muốn tìm một vùng đất mà thiên nhiên và khí hậu ưu đãi con người. Thế rồi sau một thời gian chịu khổ xây dựng và ổn định cuộc sống, họ trở lại thăm quê nhà và cùng với những người đồng hương lên Đà Lạt xây dựng quê hương mới.

Nguyên quán "đồng hương" là yếu tố quan trọng để hình thành cộng đồng cư dân như ấp Ánh Sáng, Thái Phiên. Ngoài ra, người Đà Lạt gốc Thừa Thiên - Huế còn sinh sống ở khu Hòa Bình, các đường phố và rải rác trong các phường xã.

Ấp Ánh sáng

p Ánh Sáng là một tụ điểm dân cư đầu tiên của người Thừa Thiên - Huế. Vườn rau tươi của ấp Ánh Sáng hôm nay, cách đây hơn 50 năm còn là nơi cư ngụ của 5,6 gia đình làng Kế Môn, Phước Yên với một vài mái chòi đơn sơ, trong đó 3 anh em Cao Quang Kỳ, Cao Quang Chướng (đã qua đời) và ông Cao Xá là những người đầu tiên khai phá vùng đất ven suối này.

Lúc đầu chỉ có những mảnh vườn nhỏ trên mô đất cao, về sau những hố sâu được người dân bồi đắp dần để trở thành những vườn rau mới.

Năm 1945, tình hình bất an vì chiến tranh, giao thông khó khăn nên việc di dân bị ngưng lại. Năm 1946, dân chúng Đà Lạt tản cư , trên vùng đất ấp Ánh Sáng chỉ còn lại vài gia đình. Mãi đến cuối năm 1947, dân bắt đầu hồi cư cùng một số người từ Thừa Thiên - Huế trở lại nơi này, năm 1952 đã có 36 gia đình cư ngụ.

Nhờ sự giúp đỡ của thị trưởng Cao Minh Hiệu và trưởng khu phố 1 Cao Quang Tể, năm 1952, ấp Ánh Sáng được thành lập. Với tiếng máy gầm của 2 xe ủi đất hoạt động liên tục trong 20 ngày đêm, vườn đồi ven suối trở thành dãy đất bằng phẳng, 36 ngôi nhà dần dần được dựng lên theo quy cách, hình thành nên một khu phố nhỏ xinh xắn, mỗi hộ được chia một lô đất 12m x 7,5m, nhà chữ A, mái ngói, vách gỗ, hệ thống hai dãy nhà cách nhau một lối đi, nhà cách nhau 4m. Dòng điện về ấp Ánh Sáng vào năm 1953.

Do ảnh hưởng của tình hình chính trị rối ren ở các đô thị miền Nam vào năm 1963, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, cuộc chiến ác liệt ở Trị -Thiên, người dân đã từ giã cố đô Huế vào Đà Lạt khá đông, ấp Ánh Sáng hính thành dãy nhà thứ 3.

Bên cạnh sự nhộn nhịp của một khu phố nhỏ với khoảng 240 hộ đang sinh sống, cư dân ấp Ánh Sáng vẫn còn giữ một số nét phong tục cổ xưa: Đình ấp Ánh Sáng - nơi cư dân thờ "thần điền bổn thổ" (Thành Hoàng) - đã được thành lập ngay sau khi ấp được xây dựng.

Cũng như các ấp, làng khác người Thừa Thiên - Huế sinh sống ở ấp Ánh Sáng có ban tang lễ đảm đương công việc mai táng... Ở đây, tục lệ ma chay mặc dù đã có những thay đổi nhưng những bữa tiệc cổ hậu đã sau khi tang lễ là một hình thức đáp nghĩa vẫn còn nguyên vẹn.

Ấp Thái Phiên

Năm 1954, được sự đồng ý của thị trưởng Cao Minh Hiệu, ông Nguyễn Phương Miễn - một người Việt sống ở Xiêng Khoảng (Lào) - đã tiến hành tổ chức cho 40 hộ đồng bào sống ở Lào về Đà Lạt, năm đầu ở Sào Nam (gọi là xóm di cư Lào), và năm 1955 phần lớn ở Thái Phiên. Số cư dân này bắt tay ngay vào việc khẩn hoang, xây dựng nhà cửa và lập ấp Thái Phương. Trong năm 1955 và 1956, một số người Thừa Thiên - Huế ở ấp Ánh Sáng bị giải tỏa trong đợt làm chợ mới đã về Thái Phiên xin cấp đất làm vườn và dần dần đưa gia đình, bà con của họ về làm ăn. Năm 1956, ấp Thái Phiên được thành lập. Từ năm 1965 -1970, nông thôn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị chiến tranh tàn phá nên một bộ phận cư dân của các tỉnh này đã nhập cư ở Thái Phiên. Năm 1969, Thái Phiên đã tiếp nhận 150 hộ. Dân số hiện nay (1993) của ấp Thái Phiên tương đối đông với 700 hộ gồm trên 4.000 nhân khẩu.

Lúc mới tới lập ấp, các nguồn cư dân sống riêng lẻ, phân chia thành khu vực riêng biệt, nhưng cuộc sống của người lao động đã đem lại cho họ một sự thông cảm, hòa đồng, thương yêu nhau nhanh chóng. Đất lành chim đậu, chỉ một thời gian ngắn, ấp Thái Phiên đã có những đồi rau xanh ngát xen lẫn với những vườn hoa tươi thắm và trở thành một vùng đất lý tưởng của những người làm vườn.

2.4 Người Đà Lạt gốc Nam, Ngãi, Bình, Phú

Ngoài các thành phần cư dân trên, cư dân Đà Lạt gốc Nam, Ngãi, Bình, Phú (NNBP) đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt.

Luồng cư dân đầu tiên của NNBP là những người phu cầu đường quốc lộ 1,11, 20 và chặng đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt. Vào những năm 1920, các sở thầu người Âu cũng như những đồn điền tuyển mộ nhân công. Năm 1927, Sở trà Cầu Đất (Société des plantations indochinoises de thé de l’Arbre Broyé) được thành lập, công trình xây dựng đường sá đang trong giai đoạn hoàn thành nên Cầu Đất đã trở thành nơi thu hút nhiều lao công và công nhân đồn điền, trong đó thanh niên NNBP chiếm đa số. Năm 1929, làng Trường Xuân được thành lập là một trong những làng người Việt đầu tiên của thành phố Đà Lạt. Khi đã có làng, cuộc sống bước đầu được ổn định, người NNBP thường xuyên trở lại quê nhà đưa gia đình và người đồng hương vào định cư lập nghiệp. Cũng vào khoảng thời gian này, người NNBP từng toán lẻ tẻ vào Đà Lạt để khai hoang lập nghiệp: Trại Hầm, Tân Lạc, Xuân Thọ, Trại Mát... làm công cho trại chăn nuôi bò sữa Dankia, giúp việc trong các gia đình người Pháp, tham gia xây dựng các công trình kiến thiết.

Luồng cư dân thứ hai của NNBP là những người làm đường quốc lộ 20 và công nhân Sở mủ ngo tại Lang Hanh. Sau thời gian hợp đồng, những người NNBP nhập cư Đà Lạt hoặc quận Dran - Fyan (nay là huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương).

Những năm sau đó, người dân NNBP tiếp tục di dân lẻ tẻ vào Đà Lạt lập nghiệp và hình thành những khu cư dân Saint Jean (1936), Nam Hồ (1938), Nguyễn Siêu (1940); mỗi khu gồm vài ba chục nóc nhà, sinh sống bằng nghề làm vườn.

*

Sau hiệp định Genève, người NNBP nhập cư Đà Lạt ngày một đông, chủ yếu là dân Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sở dĩ người Quảng vào Đà Lạt sinh sống vì những lý do sau:

* Kinh tế: Nông dân thiếu đất màu mỡ để canh tác, nên họ phải tìm đến những nơi trù phú tìm kế sinh nhai, trong đó Đà Lạt là nơi họ đến đông nhất. Những người khó khăn nhất làm công những nhà vườn, về sau mua đất cất nhà riêng, khai phá đất hoang, một số rất ít người giàu có thì sang vườn và lập nghiệp ngay.

Những người có tay nghề bậc thợ làm công cho các chủ thầu và ít lâu sau cũng có không ít người trở thành chủ thầu.

* An ninh: Hầu hết dân chúng các miền quê xa xôi hẻo lánh bỏ nhà cửa lên tỉnh lỵ lánh cư, bị thất nghiệp, khiến họ phải đến các tỉnh lân cận kiếm việc. Nghề làm vườn khá thích hợp với họ mà lại dễ tìm, do đó nhiều người lên Đà Lạt.

Số người này nhập cư vào Đà Lạt sống rải rác khắp các phường xã ở thành phố. Tuy vậy cũng có từng nhóm người sống tập trung ở một số địa phương nhất định như người Quảng Nam vào ở Cầu Đất, Xuân Thọ, Sào Nam, Thái Phiên, Đa Lợi; người Quảng Ngãi vào ở Xuân Thành, Trại Mát, Đa Thiện, Ngũ Lộ.

* Chính trị: Một số cán bộ cách mạng do yêu cầu công tác hoặc bị lộ để tránh lánh sự khủng bố của kẻ địch nên phải vào Đà Lạt. Họ làm thuê cho những gia đình khá giả, sau đó có chút vốn liếng, họ mua lại vườn, đưa gia đình vào lập nghiệp và tiếp tục hoạt động cách mạng.

2.5 Người Hoa

Vào những năm đầu thế kỷ 20, những thương gia người Hoa bắt đầu đến Đà Lạt, lúc đầu cung cấp hàng hóa phục vụ dân địa phương, dần dần định cư luôn tại Đà Lạt. Năm 1935, số người Hoa định cư tại Đà Lạt là 333 người; đến năm 1944, cũng không tăng giảm bao nhiêu (360 người) và được phân chia thành nhiều ngành nghề như: buôn bán (52,60%), lao công (17%), giúp việc (25%), làm vườn (5,40%). Năm 1952, có 752 người Hoa sinh sống ở Đà Lạt. Với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, những biến động về mặt kinh tế xã hội, người Hoa ở Đà Lạt đã hòa nhập vào cộng đồng người Việt, góp phần xây dựng được bộ mặt thành phố Đà Lạt như hôm nay.

Người Hoa ở Đà Lạt hiện nay có 2.385 người thuộc 6 bang: Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ (Hắc Cá) và Sơn Đông.

Họ sống tập trung ở phường 1, phường 2 và xã Xuân Trường, số còn lại sống rải rác ở các phường 3 đến 11, sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, dịch vụ, các ngành tiểu thủ công nghiệp.

2.6 Người Pháp ở Đà Lạt trước năm 1954

Những người Pháp đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lang Biang là những nhân viên trong các phái đoàn nghiên cứu. Năm 1898, phái đoàn Thouards về lại vùng biển, ông Missigbrod ở lại lập một khu vườn rau cải và chăn nuôi một ít gia súc. Đây là những bước đầu tiên của nông trại Dankia. Sau đó, song song với chương trình mở mang của chính phủ, ngoài những viên chức, binh sĩ cùng gia đình phục vụ trong các công sở, trường học của Pháp tại Đà Lạt, còn có những người Pháp đến khai phá và thành lập các nông trại như trại chăn nuôi Dankia, Sở trà Cầu Đất, nông trại Cam Ly..., mở mang khách sạn.

Số người Pháp ở Đà Lạt không ngừng tăng lên: 470 người năm 1935, 750 người năm 1940, 1.130 người năm 1944, 1.217 người năm 1952, nhưng sau đó giảm dần: 608 người năm 1955. Số du khách tối đa cũng tăng từ 1.729 người (4.1940) lên đến 2.610 người (4.1944).

3. CÁC LOẠI HÌNH CƯ TRÚ

Từ khi Đà Lạt chính thức được xây dựng để trở thành nơi nghỉ dưỡng, sự hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc đã diễn biến rõ nét. Từ các điểm quần cư cư trú rời rạc phụ thuộc vào thiên nhiên của cư dân bản địa là tộc người Lạch, từng bước hình thành một hệ thống quần cư từ trung tâm thành phố (khu vực hồ Xuân Hương ) lan rộng đến các vùng ngoại vi. Từng ấp, từng khu các vùng chuyên canh rau đã xuất hiện phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, tâm lý và tập quán sinh hoạt của từng thành phần người ở các địa phương khác đến (Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Ánh Sáng, Đa Thành, Đa Cát, Vạn Thành, Đa Phú, Xuân Thọ...). Từ đó các loại hình cư trú của cư dân Đà Lạt chỉ bao gồm hai hình thức chủ yếu: loại hình cư trú ngoại thành và loại hình cư trú nội thành. Tuy mang tính đa dạng, nhiều hình nhiều vẻ do sự sự khác biệt về địa hình, thành phần kinh tế và trình độ phát triển khác nhau, nhưng toàn bộ hệ thống quần cư Đà Lạt lại thể hiện một tính thống nhất trên đặc điểm chung của môi trường tự nhiên và khí hậu. Quá trình phát triển phù hợp với bản sắc văn hóa chung của địa phương đang từng bước cải biến trong cơ cấu và loại hình theo sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, của sự tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật và sự đổi mới trong nền kinh tế xã hội. Tất cả đều nằm trong sự vận động của quá trình đô thị hóa, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế địa phương.

3.1 Các loại hình cư trú ngoại thành

11,6% cư dân Đà Lạt sống ở ngoại thành, hoạt động chủ yếu trong nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Khu vực này có hai loại hình cư trú gồm khóm ở các phường và thôn ở các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung. Các loại hình đó vừa gắn liền với đặc điểm tự nhiên, đặc điểm sản xuất của từng địa bàn, đồng thời phản ảnh đặc thù văn hóa của cộng đồng người cư trú tại địa phương đó.

Loại hình cư trú ngoại thành Đà Lạt là loại hình cư trú kết hợp nông nghiệp với thủ công nghiệp. Riêng các địa bàn có rừng thì sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động sản xuất có tỷ trọng hàng hóa cao hơn nơi khác. Qui mô thôn, khóm khá lớn, nhà cửa khang trang, trật tự, hệ thống đường sá thuận lợi giao lưu với nội thành, tiện cho việc phát triển kinh tế và sinh hoạt văn hóa.

Đặc biệt ở một số khu vực ngoại thành thuộc phường 5 và xã Tà Nung, số lượng người dân tộc Kơ Ho có tỷ lệ cao nhất trong toàn thành phố, quần cư cố định, hoạt động nông lâm nghiệp, có đời sống kinh tế văn hóa cao hơn so với các vùng sâu.

3.2 Loại hình cư trú nội thành

Thành phố Đà Lạt hiện nay là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng. Trong những năm gần đây, dân số nội thành tăng lên rất nhanh, chiếm tỷ lệ 88,4% dân số cả thành phố. Quá trình đô thị hóa đang đi lên từ từ với chức năng là trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Xuất phát từ nhiều chức năng như trên, các loại hình cư trú nội thành cũng rất phong phú bao gồm các hoạt động đa dạng phù hợp với nó.

3.3 Các điểm cư dân mới

Sau năm 1975, với chính sách di dân khai phá các vùng đất mới để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên, dần dần ở địa phương đã xuất hiện một số loại hình cư trú mới. Đó là các nông, lâm trường, cùng với điểm dân cư mới được tổ chức có kế hoạch, qui mô lớn:

+ Vùng định canh định cư Tà Nung dành cho đồng bào bân tộc ít người và một phần người Kinh từ các phường 4, 5 và 6 đến lập nghiệp.

+ Thôn R’Chai, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng. Vào đầu năm 1978, thành phố đã đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Tà In. Sau khi xây dựng hoàn chỉnh, thành phố đã bàn giao lại cho huyện Đức Trọng để thành lập xã Đà Loan.

Các điểm dân cư mới đã làm thay đổi diện mạo cư trú của thành phố, và ảnh hưởng đến sự biến động dân số ở Đà Lạt.

4. DÂN SỐ

4.1 Dân số và mật độ dân số Đà Lạt

Vào những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt chỉ có khoảng hơn 100 người Việt định cư tại đây và 30 năm sau (1923) dân số lên đến 1.500 người, 50 năm sau (1942) đạt 20.000 người. Khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt thì dân số Đà Lạt có 25.800 người. Vào năm 1946, dân số Đà Lạt chỉ còn 5.200 người. Vào tháng 7.1954, dân số Đà Lạt lên đến 52.000 người, lên 53.390 vào năm 1955 và đến năm 1956 lại giảm sút đột ngột, dân số chỉ còn 23.744 người. Sau đó lại tăng rất nhanh đạt 60.960 người vào năm 1957 và lại giảm xuống còn 49.000 người vào năm 1958. Từ những năm 1960 đến 1970, dân số gia tăng điều hòa: năm 1965: 73.290 người, năm 1970: 89.656 người.

Sau ngày giải phóng, theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, số dân của Đà Lạt vào năm 1975 còn 85.833 người.

Theo kết quả điều tra dân số của Ban chỉ đạo điều tra dân số Đà Lạt thì Đà Lạt có số dân 91.937 người, so với toàn tỉnh Lâm Đồng là 388.256 người.

Theo kết quả điều tra dân số ngày 1.4.1989 thì Đà Lạt có số dân 116.052 người, so với toàn tỉnh Lâm Đồng là 659.440 người.

Năm 1979, Đà Lạt có số dân là 91.937 người là thành phố đông dân nhất của tỉnh Lâm Đồng (chiếm gần 1/4), mật độ dân số là 220 người /km2. Huyện có số dân đông sau Đà Lạt là Đức Trọng chiếm 20% dân số toàn tỉnh, huyện có số dân ít nhất là Lạc Dương chiếm 3,8% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số chỉ có 8 người/km2.

Đến năm 1989, dân số Đà Lạt tăng hơn với số dân là 116.052 người chiếm 18% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số là 278,3 người/km2. Trên địa bàn toàn tỉnh, mật độ dân số Đà Lạt cao nhất so với các huyện do chức năng về kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật của thành phố.

Tại thành phố, sự phân bố dân cư không đồng đều giữa thành thị và nông thôn. Dân cư tập trung đông ở thành thị lên đến 102.678 người chiếm tỷ lệ 88,4%, số dân ở nông thôn chỉ có 13.374 người chiếm tỷ lệ 11,6%. Tại các phường trung tâm thành phố (phường 1, phường 2), mật độ dân số rất cao: phường 1 với mật độ dân số 5.317 người/km2, phường 2 là 10.203,2 người /km2, trong khi đó tại các phường vùng ven và các xã mật độ dân số thấp.

BẢNG 1:

THỐNG KÊ CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC TẠI ĐÀ LẠT
(Theo tài liệu Tổng điều tra dân số lần thứ II ngày 1.4.1989 của Ban chỉ đạo điều tra dân số TP. Đà Lạt)

STT

Dân số

Số người

01

Kinh

112.476

02

Tày

91

03

Thái

102

04

Hoa

1.779

05

Khơ -me

14

06

Mường

6

07

Nùng

88

08

Gia - Rai

1

09

Ê-Đê

4

10

Kơ Ho

1.407

11

Chàm

7

12

Hrê

1

13

M’Nông

20

14

Thổ

5

15

Mạ

12

16

Châu - ro

7

17

Chu - ru

8

18

Người nước ngoài

4

 

Dân số toàn thành phố

116.052

 

 

BẢNG 2: DIỆN TÍCH, DÂN SỐ, MẬT ĐỘ

 

 

Số TT

Các phường, xã

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số
(người/ km2)

01

Phường 1

1,07

11.007

5.317,0

02

Phường 2

1,24

12.652

10.203,2

03

Phường 3

21,84

9.969

456,4

04

Phường 4

28,83

10.015

347,3

05

Phường 5

39,07

8.808

225

06

Phường 6

2,85

9.395

3.296,4

07

Phường 7

36,45

7.951

218,1

08

Phường 8

11,62

7.038

605,6

09

Phường 9

5,07

8.293

1.635,7

10

Phường 10

10,12

8.624

852,1

11

Phường 11

16,56

4.991

301,3

12

Phường 12

13,85

3.935

284,1

13

Xã Xuân Thọ

43,32

4.001

92,5

14

Xã Xuân Trường

128,20

7.420

57,8

15

Xã Tà Nung

55,91

1.953

34,9

 

Toàn thành phố

417,00

116.052

278,3

 

4.2 Kết cấu dân số

4.2.1  Kết cấu dân số theo độ tuổi

    Cơ cấu lứa tuổi của dân số Đà Lạt được thể hiện qua tháp tuổi. Đáy tháp tuổi rộng chứng tỏ thành phần trẻ chiếm phần quan trọng trong dân số Đà Lạt. Số dân dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ khá lớn là 33,5%. Điều này thể hiện rõ dân số Đà Lạt thuộc loại trẻ hay Đà Lạt có cấu trúc dân số trẻ. Đây cũng là một đặc điểm chung của dân số cả nước. Số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao (61,8%), trong đó ta thấy lực lượng lao động trẻ từ 16 -25 tuổi chiếm đa số. Điều đó chứng tỏ lực lượng lao động trẻ của địa phương thật dồi dào nhưng vấn đề sử dụng triệt để nguồn lao động này còn tùy thuộc sự phát triển cơ sở vật chất và kinh tế địa phương.

Ở các nước đã phát triển, số người trong độ tuổi lao động thường có tỉ lệ từ 56-58% so với tỉ lệ trẻ con là 16 -22%. Như vậy so với các nước này, một người lao động ở Đà Lạt phải nuôi số trẻ em nhiều gấp 2 lần, chưa kể đến số người thất nghiệp tại địa phương còn khá đông.

Trong khi đó, số người ngoài tuổi lao động chỉ chiếm tỉ lệ 4,7%; dù số tuổi thọ tương đối cao nhưng tỉ lệ người ngoài tuổi lao động thấp. Với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, chủ yếu là nghề làm vườn, những người già vẫn có khả năng lao động phụ để góp phần trong kinh tế gia đình. Ngoài ra, số người già còn có kinh nghiệm trong sản xuất, trong quản lý kinh tế, xã hội và còn là mối giây thắt chặt tình cảm gia đình và quan hệ thôn xóm. Trong điều kiện tiến bộ của y học, tuổi thọ người già sẽ tăng thêm và tỉ lệ người già sẽ lớn hơn. Vấn đế đặt ra cho địa phương là chăm sóc và sử dụng lớp người già hợp lý để gạt bỏ tư tưởng coi người già là gánh nặng trong gia đình và gánh nặng cho xã hội tại địa phương.

Dân số Đà Lạt trẻ nên số nữ ở độ tuổi sinh đẻ mỗi năm một đông. Vì vậy nếu không giảm tỉ lệ sinh thì số dân lại sẽ tăng nhanh trong thời gian sắp đến.

4.2.2 Kết cấu dân số theo các ngành và các khu vực kinh tế

Cho đến nay do có sự thay đổi trong cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế - xã hội nên sự phân bố lao động trong các khu vực kinh tế đã có nhiều chuyển biến phù hợp với tình hình mới trong cơ chế thị trường.

Năm 1992, số lao động được phân bố trong từng khu vực kinh tế tại thành phố Đà Lạt như sau (Bảng 3):

BẢNG 3:

PHÂN BỐ LAO ĐỘNG TRONG TỪNG KHU VỰC KINH TẾ

 

Khu vực kinh tế

Tổng số

Nữ

Quốc doanh

16.805

8.153

Công ty hợp doanh

18

5

Tập thể

23.178

11.364

Cá thể

9.589

5.254

Tổng số lao động

49.587

24.776

Qua đó cho thấy khu vực kinh tế cá thể đã dần dần phát triển trong cơ chế thị trường, hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Số lao động nữ trong các khu vực kinh tế ngày càng đông đã nói lên sự xâm nhập của giới lao động nữ vào mọi hoạt động kinh tế của địa phương. Số lao động tại địa phương được phân bố cụ thể trong các ngành nghề như sau (Bảng 4):

BẢNG 4: PHÂN BỐ LAO ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH NGHỀ

(Số liệu do Phòng tổ chức, lao động và thương binh - xã hội TP. Đà Lạt cung cấp)

 

STT

Các ngành kinh tế

Số lao động

Nữ

01

Công nghiệp

9.609

5.031

02

Xây dựng

1.848

281

03

Nông nghiệp

19.579

8.775

04

Lâm nghiệp

997

335

05

Giao thông vận tải

1.496

97

06

Bưu điện, thông tin liên lạc

188

86

07

Thương nghiệp

7.457

5.607

08

Các ngành sản xuất

75

13

09

Sự nghiệp nhà ở, sinh hoạt và du lịch

842

358

10

Khoa học

463

196

11

Giáo dục - đào tạo

3.168

2.279

12

Văn hóa nghệ thuật

346

123

13

Y tế, bảo hiểm xã hội, thể dục thể thao

703

470

14

Tài chính, tín dụng

195

132

15

Quản lý nhà nước

1.804

655

16

Không sản xuất vật chất

652

275

17

Không xác định

165

63

Ngành nông nghiệp chiếm ưu thế tại địa phương, tập trung đông đảo lực lượng lao động, chiếm một tỷ lệ rất lớn so với các ngành khác, đã thể hiện rõ sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của thành phố; nhưng tỷ lệ này mất cân đối so với tỷ lệ lao động trong ngành lâm nghiệp. Lâm nghiệp là một thế mạnh và là tiềm năng tương đối lớn trong nền kinh tế địa phương, như vậy cần phải làm tốt công tác giao đất giao rừng cho các hộ gia đình thu hút các dân tộc ít người ở địa bàn rừng núi làm công tác lâm nghiệp. Khu vực sản xuất vật chất chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số lao động, nhưng các ngành mang tính chất công nghiệp có tỷ lệ không lớn cho thấy trình độ công nghiệp hóa ở địa phương chưa cao.

Khu vực các ngành không sản xuất vật chất chỉ chiếm 10% trong tổng số lao động nhưng là những ngành có tầm quan trọng trong việc chuẩn bị cho sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giáo dục đào tạo, bồi dưỡng ngành nghề cho lớp người lao động hiệntại và lớp người thay thế trong tương lai, đặc biệt là làm quản lý xã hội, quản lý các ngành kinh tế và phát triển nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Chính vì những ý nghĩa to lớn như vậy đòi hỏi phải có sự phân bố lao động hợp lý cho từng khu vực và từng ngành khác nhau.

4.2.3 Kết cấu dân số theo giới tính

Cùng với sự gia tăng dân số thì cơ cấu giới tính của dân số cũng có nhiều thay đổi. Thống kê dân số Đà Lạt năm 1989 cho thấy tỉ lệ nam thấp hơn tỉ lệ nữ. Kết cấu giới tính của thành phố Đà Lạt có cùng đặc điểm với kết cấu giới tính của cả nước (tỉ lệ nam thấp hơn tỉ lệ nữ). Điều này nói lên cán cân nam nữ trong dân số nước ta bị ảnh hưởng rất rõ của chiến tranh trong thời gian trước. Sau chiến tranh, tỉ lệ chết của nam giảm xuống nhưng tỉ lệ nam ở địa phương vẫn còn thấp hơn tỉ lệ nữ. Các dân tộc ít người ở Đà Lạt cũng có tỉ lệ nữ cao hơn tỉ lệ nam.

Đặc điểm kết cấu về giới tính đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của thành phố. Các cơ sở phục vụ cho nhu cầu ngành nghề của nữ giới chiếm ưu thế và được đặc biệt quan tâm. Riêng ở vùng nông thôn, lao động nữ chiếm đa số.

4.3 Tình hình tăng dân số và những vấn đề trước mắt

 

BẢNG 5: DÂN SỐ TĂNG HÀNG NĂM (Từ 1975 đến 1990)

 

Năm

Số dân

Năm

Số dân

1975

85.833

1983

104.257

1976

87.362

1984

107.237

1977

89.825

1985

110.444

1978

94.369

1986

114.255

1979

91.937

1987

120.103

1980

95.201

1988

122.208

1981

98.437

1989

116.052

1982

102.151

1990

120.559

Qua kết quả điều tra năm 1989, tỷ lệ sinh tổng cộng của toàn quốc là gần 4 con đối với một phụ nữ. Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt có tỷ lệ sinh tổng cộng cao nhất bằng 120% so với toàn quốc, tức là gần 5 con đối với một phụ nữ. Đà Lạt, Lâm Đồng là nơi nằm trong nhóm có tỷ lệ sinh cao nhất nước. Mức độ sinh ở địa phương đã giảm đi trong những năm gần đây, mức độ sinh ở nông thôn cao hơn thành thị khá nhiều.

So sánh với toàn quốc thì ở Đà Lạt, Lâm Đồng có tỷ lệ chết cũng tương đương. Điều này chứng tỏ Đà Lạt, Lâm Đồng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc ít người, tỷ lệ chết vẫn còn cao.

BẢNG 6: TỶ LỆ SINH, TỶ LỆ CHẾT

VÀ TỶ LỆ TĂNG DÂN SỐ TỰ NHIÊN CỦA ĐÀ LẠT

 

Năm

Tổng số sinh

Tỷ lệ sinh

Tỷ lệ chết

Tăng tự nhiên

1990

2.371

2,26%

0,40%

1,86%

1991

2.949

2,31%

0,47%

1,84%

1992

2.884

2,25%

0,46%

1,79%

Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của thành phố Đà Lạt đã có chiều hướng giảm trong những năm gần đây.

Từ năm 1985 -1986, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình bắt đầu thực hiện tại thành phố Đà Lạt, nhưng đến năm 1988 phong trào này mới thực sự được đẩy mạnh (được sự hỗ trợ của Bệnh viện phụ sản thành phố Hồ Chí Minh), do đó tỷ lệ sinh vào những năm sau này có phần giảm sút đáng kể so với các vùng khác trong tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, một số người di chuyển từ vùng kinh tế mới về sống ở Đà Lạt không hợp pháp đã gây không ít khó khăn cho Phòng y tế Đà Lạt trong việc thống kê tỉ lệ tăng dân số hàng năm.

Hiện nay cùng với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của toàn tỉnh, thành phố Đà Lạt đã có những biện pháp tích cực để đạt chỉ tiêu kế hoạch trong năm 1993 là giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,79% xuống còn 1,75%.

5. LỜI KẾT

Khác với các thành phố của Việt Nam từ nông thôn trù phú lên thị trấn, thị xã rồi đến thành phố, Đà Lạt từ chỗ chỉ có dân bản địa là đồng bào Lạch, với rừng núi hoang vu, hiểm trở, từ khi được chọn làm nơi nghỉ dưỡng với qui chế của thành phố, Đà Lạt mới thu hút dân cư từ mọi miền đất nước về hội tụ. Cộng đồng cư dân trẻ của Đà Lạt có trình độ học vấn khá, đời sống sung túc. Nếu tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tốt thì cộng đồng này sẽ có những đóng góp lớn cho xã hội.

Một trong những khó khăn lớn nhất khi tìm hiểu về Đà Lạt là sự biến động dân số. Dân số Đà Lạt không gia tăng theo tỉ lệ sinh hay tỉ lệ chết (gia tăng tự nhiên) mà lại đột tăng đột giảm theo những biến cố lịch sử, biến động chính trị, các đợt di dân, nhập cư, cùng những đổi thay của cơ cấu tổ chức hành chính (gia tăng cơ học).

Quan tâm đến vấn đề dân cư, dân số Đà Lạt là cái nhìn mang tính chiến lược. Sự phân bố dân cư không đều trên toàn địa bàn thành phố, tỷ lệ tăng dân số, nhất là tăng cơ học cao, đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương, cho nên việc hạn chế nhập cư, thiết lập khu dân cư mới, khống chế tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và cơ học là rất cần thiết. Trong quy hoạch, cần tính đến số du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng hàng tháng, hàng năm cộng với dân số sở tại để bảo đảm thế cân đối của một đô thị, diện tích ở, diện tích nhà, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường...

Các vùng ven và các xã có mãi lực thấp dẫn đến nhiều hạn chế cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, việc cải thiện cuộc sống cho nhân dân ở các vùng này cần được đặc biệt quan tâm để xoá dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, giảm mật độ dân số quá cao ở một số phường trong nội thành.

NGUYỄN THÁI XUÂN - NGUYỄN THANH TÙNG
- CAO VĂN THANH - HÀ THỊ HƯƠNG LIÊN
- LÊ THỊ THANH VÂN - HUỲNH TÂN TIẾN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Ngọc Khôi, Các nhóm dân tộc ở Tà Nung, thành phố Đà Lạt, Trường đại học Đà Lạt.

2. Hãn Nguyên, Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893 -1954), Sử Địa, Sài Gòn, 1971, số 23 -24.

3. Nguyễn Nhân Bằng, ấp Hà Đông, Sử Địa, Sài Gòn, 1971, số 23 -24.

4. Phạm Văn Lưu, Khái lược về sinh hoạt nhân văn và kinh tế của Đà Lạt, Sử Địa, Sài Gòn, 1971, số 23 -24.

5. Thành ủy Đà Lạt, Dự thảo lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Lạt (1930 -1975), 1989.

6. Ban chi ủy xã Xuân Trường, Sơ thảo truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Xuân Trường (1929 -1990), 1990.

7. Phủ tổng ủy di cư tỵ nạn, Cuộc di cư lịch sử tại Việt Nam, Sài Gòn, 1958.

8. Lịch sử sơ lược của giáo phận Đà Lạt và các giáo xứ, giáo sở trong giáo phận, Đà Lạt, 1991.

9. Documentation sur la ville de Dalat, 1948.

10. Monographie de Dalat, Mairie de Dalat, 1953.

 

Dau trang Nguoi Lach Phong cach nguoi Da Lat

Nội dung chính

Mục lục sách

Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng