Muc luc

     

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 1993

1. ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ

1.1 CON NGƯỜI

gười Lạch (hay còn viết Làc, Lat, M'Lates) [ 21,183] là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kơ ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. "Lạch", theo tiếng địa phương, có nghĩa là "rừng thưa" dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay.

Với người Chil bao quanh vùng rừng thông hỗn giao và lá rộng từ phía Tây Bắc đến Đông Bắc cao nguyên, một cư dân làm rẫy (sa bri: ăn rừng), người Lạch có quan hệ nguồn gốc gần gũi về mặt ngôn ngữ [25,27], sự trùng hợp về dòng họ[26], về phong tục tập quán [2;30;31]. Họ cùng chung sống với nhau từ lâu trên địa bàn này, lúc vui, lúc buồn [2;30] được kể lại nhiều trong các truyền thuyết và tồn tại cho đến ngày nay qua hiện tượng xâm canh [4], hôn nhân và sự tiếp xúc ngôn ngữ khá thú vị [27].

Cũng như nhóm Srê ở phía Tây Nam và ở cao nguyên Di Linh, người Lạch chiếm cứ vùng thung lũng ven suối để trồng lúa nước (sa srê: ăn ruộng), nhưng lại xa dần người bà con gần gũi này do địa bàn cư trú trên độ cao tách biệt và do điều kiện tiếp xúc buôn bán sau này với các nhóm cư dân khác.

Trong truyền thuyết của các cư dân cùng nhóm ngôn ngữ: Lạch, Chil, Srê, Mạ, Kơdòn, Nộp, Mnông, Stiêng (Nam Ba na) ở phía cực Nam Tây Nguyên, chúng ta thường được nghe kể về nguồn gốc tổ tiên chung của họ, về một đấng tạo hóa là thần Ndu[12;12;26], về nạn đại hồng thủy; và trong phạm vi hẹp hơn, về sự tích núi Lang Bian.[26]

Dấu vết tiếp xúc với nền văn hóa Chăm pa khá đậm nét, đặc biệt thông qua người Chu ru và xa hơn người Raglai lên định cư từ xa xưa ở vùng Đơn Dương. Việc các nhóm cư dân hệ ngôn ngữ Malayopolynésien chen vào các ngôn ngữ Mon -Khmer, làm tách đôi nhóm ngôn ngữ Ba Na ở Việt Nam thành hai khu vực biệt lập, còn được kể lại trong truyền thuyết các cư dân bản địa về một cuộc chiến tranh dai dẳng dành đất đai, kéo dài cho đến đầu thế kỷ trước ở phía Bắc Tây Nguyên [31;13]. Từ quan hệ láng giềng chuyển dần sang quan hệ phiên thuộc, "Văn hóa Chăm pa"đã mang đến cho các cư dân Nam Tây Nguyên, trong đó có người Lạch, nghề làm ruộng lúa nước, phá vỡ dần tính bền vững của tổ chức xã hội cổ truyền theo làng khép kín [13]. Vương quốc Chăm pa mà có giai đoạn người Chu ru trị vì, với dự tính ban đầu muốn biến vùng này thành vành đai chặn sự tranh chấp của người Khmer [3;31] đến sự xâm chiếm do nhu cầu mở rộng lãnh thổ đang bị thu hẹp dần về phía Bắc bởi phong kiến Việt Nam, để lại trong nhiều truyền thuyết về những cuộc đụng độ quân sự với người Mạ [11], người Chil, về việc đóng thuế, hay đi làm xâu cho người Chăm [26]. Quan hệ giữa người Lạch và Chu ru là mật thiết hơn cả, giữa họ dễ dàng có quan hệ hôn phối, để trở thành họ hàng như giòng họ Liêng Hot, hay trở thành một nhóm trung gian mà thời kỳ hiện đại không còn biết xếp họ vào Lạch hay Chu ru như người Tơwach.[27]

Chúng ta thường được nghe kể về cuộc hôn nhân đầy trắc trở nhưng diễm tình giữa chàng Choi Kơho và công chúa Chăm Nai Tơlui [10;1,953], hay cuộc hôn nhân vì liên minh quân sự giữa K'Bùng với công chúa Hé (Chăm) [11]. Quan hệ buôn bán, láng giềng và đến quan hệ hôn nhân làm cho mối hận thù xưa lãng quên theo quá khứ, mất dần theo hình bóng của vương quốc Chăm pa đã qua, chỉ giữ lại cho họ tình yêu, tình hữu nghị: "Chúng ta và người Chăm, anh em cùng một mẹ!" (Ndri - Tục lệ pháp)[13,952]. Dấu ấn của sự tiếp xúc văn hóa này để lại trong ngôn ngữ Lạch nói riêng và ngôn ngữ Kơho nói chung một lớp từ vựng khá lớn vay mượn từ các ngôn ngữ Chăm pa về nghề lúa nước, những thuật ngữ và quan niệm về thiết chế và tổ chức xã hội, vốn xa lạ với tổ chức cổ truyền của cư dân Đông Nam Á cổ, những khái niệm trừu tượng của một xã hội có đẳng cấp và truyền thống văn tự [14;24].

Nền văn hóa Pháp đến với người Lạch còn sớm hơn cả người Việt, đặc biệt là khi Đà Lạt được hình thành để trở thành nơi nghỉ dưỡng, du lịch. Trước đó, đối với chính quyền phong kiến Việt Nam, miền sơn động này được điều hành thông qua trung gian người Chăm, Chu ru, "xa lạ và bất phục tùng" như tự thủa xưa. Người Lạch, cũng chính nhờ vậy, trở thành nhóm người đầu tiên và sau này cùng với người Srê, Chu ru thành trung gian cho các cuộc tiếp xúc của người Chăm, Việt và Pháp với các cư dân khác trên vùng đất này.

1.2 ĐẤT LẠCH

Địa bàn cư trú chính của người Lạch là thành phố Đà Lạt và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) ngày nay. Tên gọi thành phố cũng bắt nguồn từ đó: Đạ Lạch (đất người Lạch, đất người ở rừng thưa). Căn cứ vào các địa danh, đặc biệt là các thông tin hồi cố mà chúng tôi có được, chúng ta dễ dàng hình dung địa vực cư trú của họ.

Về phía Bắc, ta có thể lấy đầu nguồn các con suối sau dãy Lang Biang, đổ vào sông Da Deung (Hồ Đan Kia) kéo dài đến Ankrọt về phía Tây. Phía Đông là con suối Da Sar làm ranh giới đất Lạch với các buôn người Chil: Đơng Tiêng Liêng, Rhàng Groi, Par Smếch, Yô Mnang (xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương) kéo thẳng xuống Trại Mát (Đà Lạt). Ranh giới phía Tây ta có thể kẻ đường chéo từ Ankrọt, nơi hợp lưu con suối Da Myut, Da M'Lot vào Da Deung chếch theo hướng Đông Nam theo chân núi Yô Lu Ruas (Núi đá Voi) đến gần chân núi M'Nil. Về phía cực Nam, ta có thể lấy thác Prenn làm ranh giới.

Ruộng Lạch được canh tác theo các con suối chia thành sáu khu vực:

- Dọc các con suối đổ vào Da Deung (hồ Suối Vàng và Đan Kia, trung tâm xã Lát);

- Khu hợp lưu các con suối từ Lang Biang, Láp Bê Bắc xuống Da Sar (đồn điền Da Sar cũ);

- Từ Học viện lục quân men theo con suối đổ vào hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly (con suối mang tên Đạ Lạch);

- Ven suối Tría;

- Ven suối Prenn;

- Dọc suối Cam Ly (phi trường Cam Ly).

Trên vùng đất rộng lớn, với cư dân ít ỏi, người Lạch sống và canh tác theo từng buôn nhỏ (trên dưới chục ngôi nhà) nhưng tên đất vẫn được gọi theo một số dòng họ: Bon Yô, Bon Ding, Đa Gút, Lơm M'Biêng, Bon Nơr, Krajănh. Đây như một biểu hiện sự nghi nhận công lao những người, những dòng họ khai phá đầu tiên.

Buôn làng xưa được xây dựng gần nguồn nước, không xa nơi canh tác. Ngay trên địa bàn Đà Lạt hiện tại, người Lạch vẫn còn có thể chỉ cho ta những địa điểm buôn cũ của ông bà tổ tiên mình, như ở đồi Trường cao đẳng sư phạm Lâm Đồng (Bon Đơng), Học viện lục quân (Rhàng Bon Yô), ấp Hồng Lạc (Klir Towach), Bệnh viện Lâm Đồng, ấp Mỹ Lộc (Đa Gút), chân thác Cam Ly (Rhang Pang M'ly), sân bay Cam Ly (Mang Ling) v.v...

Sống tương đối cố định trên một vùng đất của buôn làng, nhưng người Lạch trong suốt chiều dài lịch sử không ít lần dời làng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, Bon Đa Gút được ông Kơ M'Lơi, một hậu duệ của dòng họ này, kể lại lộ trình di chuyển theo thứ tự thời gian như sau: Bệnh viện Lâm Đồng (Yô Brah Sét) - Suối Tía (Da Bla, Da Tria) - ấp Mỹ Lộc (Đăng Ba Sơn Kô) - Đa Phú (Pnar huy) - Ankroet - Dang gia (Đan Kia) - Bon Dơng (Trung tâm xã Lát). Khi chuyển đến Ankroet ở chung với nhiều buôn khác, có ông Brài lấy với là bà Nàng, đưa vợ về bên ngoại (tức là bên nội theo cách hiểu của người Việt) để kế thừa phần đất của cha mẹ để lại và lập nên làng Mang Ling (ngọn đồi đó vẫn còn mang tên ông: Đăng Brài - Tông) [27]. Một buôn khác ở trường cao đẳng sư phạm Lâm Đồng dời làng tách thành hai nhóm, một nhóm theo lộ trình Học viện lục quân Đà Lạt (R'Hàng Bon Yô) - ấp Thánh Mẫu - Ankroet (R'Hàng Kroet) - Đơn tiêng đê (trung tâm xã Lát); nhóm thứ hai: Trường cao đẳng sư phạm Lâm Đồng - dọc suối Prenn (Bon Mho Prềnn) - Đơng Kriang (Định An). Bà Nga Mho Prềnn thuộc dòng họ này kể lại rằng, tổ tiên của bà ở Đà Lạt được 7 đời, thì mới chuyển xuống Định An.

Nhiều buôn (dòng họ lớn) bị li tán, phải bỏ đi xa vì sự thù hận, như Đa Gút, bị bệnh dịch hoành hành, như Bon Nơr phải dời đi trong đêm đổi họ thành Chil (Chil mup, Chil tiêng Kla), vì chiếm đất xảy ra đụng độ, như buôn ở đất Bon Ding, sau trận chết hàng trăm người phải để lại một nghĩa địa (phía Bắc Thung lũng Tình yêu) với tên gọi khủng khiếp trong truyền thuyết (Boic Sré Mạ Chạ Srèng Hòng) [26] như làng Lơm M'biêng bỏ hẳn xuống Đơn Dương, và vì công nợ, bán đất như Bon Mho Prềnn v.v... Những tai họa như vậy, dồn dập và liên miên đã xô đẩy các buôn làng người Lạch vào một góc phía Tây Nam, nối dài với người Srê tạo thành một vệt dân cư làm ruộng từ Ankrọt qua Tà Nung xuống Lâm Hà, Đức Trọng đến Di Linh, nên khi người Pháp đặt chân lên cao nguyên Lang Biang cũng chỉ gặp được một vài làng người Lạch [17,35], hay chỉ thấy những"người con của rừng thông" (cau n'ho) là người Chil [19].

2. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT

Người Lạch (hay còn viết là, Lat, M'Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Koho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang "Lạch", theo tiếng địa phương có nghĩa là "rừng thưa" dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống hướng Tây Nam bao gồm cả thành phố Đà Lạt hiện nay.

Trong suốt hời kỳ lịch sử, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Lạch đã trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt muông thú, đi buôn...

2.1. Trồng trọt và chăn nuôi

Trong các loại hình kinh tế của người Lạch, trồng lúa nước được coi là hàng đầu. Ruộng Lạch tập trung ở các thung lũng, ven suối và phụ thuộc vào thời tiết, nên chỉ canh tác một vụ trong năm. Trong quá khứ, người Lạch chọn đất nơi sình lầy có sẵn nước, nhưng dần dần qua kinh nghiệm cho thấy những nơi đó năng suất thấp, và nhờ học hỏi kinh nghiệm thủy lợi của người Churu, nên họ chuyển sang địa bàn cao hơn, làm ruộng bậc thang (sré are: ruộng cao). Nông lịch được tính thành những thời đoạn như sau (tính theo dương lịch):

1. Từ tháng giêng đến tháng tư: giai đoạn nghỉ ngơi, đi buôn bán và làm những công việc khác. Chỉ cày ải vào tháng ba, khi thời vụ chuyển vào mùa mưa (mhiu do rah).

2. Giai đoạn gieo lúa ở 6 tháng (kuê me: lúa mẹ): trỉa bắp chiếm trọn tháng tư và năm, lúc này làm đất, thủy lợi, gieo trồng.

3. Gieo lúa ngắn hạn (kuê mắc: lúa 4 tháng) và tháng 6 và tháng 7.

4. Tháng 8: Gieo đợt lúa cuối cùng, loại lúa ngắn hạn 3 tháng (kuê con: lúa con).

5. Tháng 9 và 10 (khepor gloh: tháng giáp hạt) vào rừng kiếm thêm thức ăn, thu hoạch các lương thực phụ như bắp, đậu bí v.v...

6. Tháng mười một (hro): Bắt đầu thu hoạch.

7. Tháng chạp (lenggêl towel): thu hoạch xong.

Song song với các giai đoạn nói trên, trước đây có những nghi lễ nông nghiệp tương ứng càng ngày càng giảm bớt dần. Các giống lúa Lạch năng suất không cao. Kỹ thuật canh tác thời xa xưa khi còn chọn vùng sình lầy để canh tác là thủy lậu, suốt lúa bằng tay, Dần dần, các dụng cụ được cải tiến: cày gỗ, cuốc, chuyển lên cày sắt, dùng sức kéo của trâu và gặt lúa bằng liềm. Những kinh nghiệm xem thời tiết qua kỳ sinh trưởng của động vật được để lại từ thời kỳ làm rẫy, cách xem sao sau này, kỹ thuật làm đất (cày ải, phơi ải), làm thủy lợi tưới tiêu thuận tiện, ngâm giống trước khi sạ, dùng phân bón đã chứng tỏ sự thuần thục của người Lạch trong việc nông tang ở một trìng độ nhất định.

Các loại cây lương thực khác như bắp, khoai, bầu, bí, ớt v.v... được trồng ở rẫy (mir), như một loại vườn trên sườn đồi trọc. Trước đây việc chọn rẫy - vườn được tiến hành vào mùa khô cùng cả làng, do ông chủ đất đứng ra điều hành, như một thời xa xưa họ đã chọn rẫy. Ngoài ra rau và cây ăn trái vào thời kỳ hiện đại được trồng xung quanh nhà ở, trở thành vườn như ở người Việt.

Bổ sung cho nền kinh tế trồng trọt, người Lạch chăn nuôi trâu, ngựa, heo, chó, dê, gà,vịt và sau này có bò. Trâu là gia súc đầu bảng trước đây và sau này, không chỉ để giết thịt trong những lễ hiến sinh, mà còn là sức kéo và vật định giá trong buôn bán. Trong khi đó bò được nuôi chỉ nhằm cung cấp thịt cho những bữa ăn và tiệc tùng thường nhật. Tất cả đều được thả rong trong một thời gian dài lịch sử, qua mãi sau này do nhu cầu bảo vệ và sử dụng phân bón, người Lạch đã sớm biết xây cất chuồng trại.

Nuôi ngựa là một đặc điểm độc đáo của người Lạch. Có một thời thịnh vượng của chăn nuôi ngựa, bởi chúng trở thành phương tiện đi lại, chuyên chở thích hợp ở vùng đồi núi khúc khuỷu nhấp nhô, chúng còn là hàng hóa để buôn bán với các cư dân khác, có lúc đổi được ba bốn con trâu. Thời kỳ này bình quân mỗi gia đình có từ 5 - 10 con. Giống ngựa Lạch khoẻ ít bệnh, dễ chữa trị. người lạch cưỡi ngựa rất giỏi, nhờ ngựa họ đi buôn bán được khắp nơi quanh vùng, để lại những dấu chân Lạch "tròn" trên cao nguyên Lang Biang (*)

2.2 Các nghề phụ khác

Truyền thuyết Lạch giải thích người Chil là thợ rèn giỏi, bởi vì bà Ka Tông chỉ truyền cho họ một nghề đó. Nhưng đó chỉ làsự giải thích sau này của các nghệ nhân dân gian Lạch, chứ thực ra, chúng ta vẫn còn nghe được những truyền thuyết về lửa sắt được lấy ra từ Brah? Ting (làng dưới đất) và nghề rèn của các nhóm cư dân Kơho. Cũng như vậy, sự mai một của nghề dệt ở Lạch, so với người Mạ đầu thế kỷ, hoàn toàn do điều kiện buôn bán thuận tiện của người Lạch.

Tuy là cư dân nông nghiệp, quen tự cung tự cấp, với quan niệm "trọng nông ức thương" như bao cư dân Đông Nam Á cổ khác, nhưng người Lạch sớm chấp nhận một nghề phụ mới: buôn bán, và coi đó là một nguồn thu nhập quan trọng, bù vào khoản thiếu hụt lớn do kinh tế sản xuất và chiếm đoạt không đáp ứng được. Do có quan hệ đặc biệt như đã nói ở trên với các cư dân buôn bán khác như Chàm, Chu ru, người Lạch sớm được độc quyền "lưu thông phân phối" ở vùng cao nguyên Lang Biang với các cư dân Chil, Mnông. Họ đã những trạm nghỉ và buôn bán ở Lạch Đừng (Đầm Ròn, huyện Lắc), ở Lang kanh (Láng Tranh), gọi là những hiu chung (thương trạm).

Khi vương quốc Chăm pa bị tan rã, việc buôn bán của người Lạch kéo dài về phía Đông từ Đơn Dương xuống Phan Rang, Nha Trang vì nhu cầu muối và sắt của các dân cư đòi hỏi cấp bách và mở rộng sang phía Tây Bắc, tận Campuchia. Mùa khô, khi công việc đồng áng rảnh rỗi, họ tổ chức thành từng nhóm hai ba chục người, có khi cả gia đình với chiếc gùi trên vai. Một chuyến buôn có thể kéo dài từ 15 - 20 ngày, xuống biển họ mang những sản phẩm của cao nguyên: gạc nai, ngà voi, dây mây, nghệ, hạt ngo (thông), có khi lùa thêm trâu, ngựa để chuyên chở về với muối, sắt và đồ trang sức thích mắt. Với muối, sắt, họ có thể đổi với bà con cư dân lân cận gạo, vải, dụng cụ sản xuất và đổi với người Khmer chiêng ché... Đơn vị định giá thường dùng trâu, chẳng hạn ở vùng người Chil một con trâu đổi 30 miếng sắt, một chén muối tương đương với một gùi gạo (40kg)...

Đóng vai trò thương nhân, người Lạch hiểu rằng: "làm đất phải cuốc hết ngày, đi buôn phải giao du khắp chốn" và chính vì vậy họ thu được những "sàng khôn" của thiên hạ trên mỗi "đỗi đàng". Làm một nghề bán chuyên nghiệp nhưng đã trở thành truyền thống của người Lạch. Đến đầu thế kỷ này, họ đã tích lũy không ít kinh nghiệm: cho nợ những khách hàng quen, dùng mối lái và luôn trả thù lao cho họ ngay cả những khi thua lỗ, giữ chữ tín như một thương nhân chân chính, làm cho việc buôn bán tuy không thành nghề nghiệp chính, nhưng đã thấm sâu vào văn hóa của người Lạch. Nghi lễ cúng Yàng trước và sau một chuyến buôn, dùng bói toán để hỏi thần Ghè trước một chuyến đi... Chính vì vậy, người Lạch đã có một thời được các cư dân láng giềng khen tặng về sự thông minh. Những chuyến buôn như vậy là một lần du lịch, mang lại cho họ những điều thú vị, không ít điều đã trở thành truyền thuyết và truyện cổ tích vẫn thường được kể lại.

Chính vì buôn bán mà những nghề rèn, dệt và chế tác vật dụng mang tính chất tự cung tự cấp khác của người lạch bị mất dần, nhưng lại khuyến khích những nghề sản xuất ra hàng hóa. Đó là nghề đan cói. Đan lát ở người Lạch được phân công khá rõ ràng: đàn ông đan gùi, nong, nia, đồ đựng thóc gạo, phụ nữ đan cói. Các sản phẩm cói chiếu (bêl), mũ (dươn), túi đựng thức ăn (plơ) được trao đổi và buôn bán khắp nơi. Người phụ nữ Lạch được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những ai khéo tay được kính trọng, dấu hiệu "biết đan" trở thành một tiêu chuẩn đánh giá trong cộng đồng. Những cây cói (tơyông) được thu nhặt từ vũng lầy ở địa phương, chọn thành kích cỡ phơi khô, sau đó chuốt với (ôt tơyông), đem ngâm với nước (tram tơyông), phơi lại (prơ tơyông) đem để chỗ mát mẻ cho mềm lại rồi mới đan. Kỹ thuật nhuộm màu dựa vào chất liệu tự nhiên, từ cây duêch rừng (hay trồng ở vườn). Kỹ thuật đan khá sắc sảo, các hoa văn hình học được trang trí có giá trị thẩm mỹ cao. Chiếu lạch bền, gấp không bị gẫy, đẹp bởi sự mềm mại, hoa văn thanh nhã nhưng rất nổi, đặc biệt là Bêl bang (loại chiếu người Lạch dùng che người chết). Điều đáng tiếc nghề đan cói do điều kiện hiện tại đang thoái hóa và mất dần trong nền kinh tế thị trường.

2.3 Kinh tế chiếm đoạt

Ba hình thức chính của kinh tế chiếm đoạt là săn bắt, hái lượm và khai thác lâm sản (những sản phẩm sẵn có của thiên nhiên) còn lưu giữ những đặc điểm thô sơ, đơn giản từ thời nguyên thủy. nó đóng góp một phần quan trọng cho bữa ăn hàng ngày của người Lạch. Cao nguyên Lang Biang rộng lớn, tương đối bằng phẳng với các đồi cỏ xen lẫn, vốn là những nơi sinh sống của những bầy thú, do đó càng khuyến khích hoạt động săn bắn. Để săn bắt thú người Lạch dùng bẫy: bẫy sập (che raoh), bẫy đập (dier sat), bẫy chặt (dier ah), bẫy thòng lọng (dier xkơ), bẫy nút (dier xetap) hoặc bắn bằng cung, bằng ná, phóng lao. Các loại bẫy này thường bắt được heo rừng, mang, nai, thỏ và các loài thú bộ móng guốc nhỏ khác. Người Lạch còn dùng bẫy nhựa để săn bắt chim.

Hình thức săn bắt tập thể hoạt động khá nhộn nhịp và phong phú. Chỉ huy thường là những người thợ săn giỏi, chủ của bầy chó săn. Tốp đi săn chia thành hai nhóm, nhóm săn đuổi cùng bầy chó dồn con thú chạy theo những tuyến rừng dự định. Trong tay cầm những lao nhọn, họ la hét, huýt chó, tiếng chó sủa vang động cả một góc rừng. Nhóm thứ hai gồm những thợ săn dũng cảm và kinh nghiệm đón sẵn những nơi dự định thú sẽ sẽ chạy qua để tiêu diệt con thú. Cũng có thể họ dò tìm được đường đi ăn của con thú, đào hầm sâu cắm chông (rộng 4x5m, sâu 1,5-2m) dồn đuổi thú sập hầm để bắt. Những hình thức này dùng để săn các thú lớn như trâu rừng, gấu, hổ nai... Kết quả được chia công bằng cho mọi thành viên tham gia: những người có công như người chỉ huy, chủ bầy chó, người đâm thú đầu tiên bao giờ cũng được phần hơn. Riêng đầu thú dành cho người chủ chốt như biểu hiện kính trọng, bởi vì nó lại được dùng để chiêu đãi mọi người sau một chuyến đi săn thành công.

Đánh bắt cá được tiến hành ở các dòng suối vùng đầm nước (tơnô) bằng nhiều phương tiện khác nhau: đó (pàn), gậy chọc (kơyikô), rổ xúc (car char ka), vó (du) và sau này có thêm lưới. Công việc này thường xuyên hơn săn bắt thú, phụ nữ và trẻ em đều tham gia được. Ngoài phương cách trên, người ta suốt cá bằng một thứ cây độc, hay phương pháp bít đầu nguồn.

Công việc hái lượm thức ăn rừng dược "chuyên môn hóa" cho phụ nữ và trẻ em. Thức ăn rừng Lang Biang rất phong phú về rau (kon siêu, bepse, mpar, mber, chuối rừng, đọt mây, cà đắng và nhiều loại nấm...), cộng với rau vườn nên bữa ăn nào của người Lạch cũng có món làm thức ăn chính.

Nghề khai thác rừng trước hết là gỗ, tre để xây dựng nhà ở, chuồng trại, đan lát và chế tác các dụng cụ gia dụng. Nhiều loại lâm sản như mây, ngo, một số cây thuốc được khai thác thành sản phẩm trao đổi buôn bán. Y học dân tộc của người Lạch từ thời xa xưa cũng khá phong phú, đang bị mai một dần vì sớm tiếp xúc với một nền y học tân tiến hơn của người Chàm và người Pháp.

2.4 Sinh hoạt vật chất

Người Lạch ở theo từng buôn làng, một số tổ chức về hội cổ truyền các dân cư dân miền Thượng. Việc đời, dựng buôn, như chúng ta đã biết với nhiều nguyên nhân và mục đích khác nhau, đều do chủ làng đôi khi là Hội đồng già làng quyết định. việc chọn địa điểm xây dựng làng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gần nguồn nước, gần nơi canh tác, địa thế bằng phẳng, gần đường đi... Có hai cách chọn đất làm nhà: để bảy hạt gạo và bảy hòn than xuống đất lấy chén đậy lại, đặt một chén nước đầy bên cạnh. Qua đêm, nếu thấy voi, thì mảnh đất "có ma", sẽ không ai dám làm nhà vì sợ tai họa, rủi ro; hoặc rót bốn chén nước đầy, đậy bằng lá porlăn, hôm sau bị voi, cũng phải bỏ. Nếu phải chọn sang đúng vùng đất của buôn khác thì trước đó phải có thủ tục sang nhượng hay mua bán, và kết thúc phải có một lễ cúng Yàng để ngài làm chứng cho sở hữu chủ mới. Đường đi thường chạy vào giữa làng và nhà cất hai bên. Xung quanh được rào bằng tre nứa khá dày vừa để giữ cho gia súc khỏi đi ra ngoài, vừa để bảo vệ chúng và buôn làng khỏi sự tấn công của thú dữ. Nhà tốt nhất là nhà quay về hướng Đông, "phía bắt đầu của sự sống" như người Lạch vẫn quan niệm.

Cây nêu

Nhà dài của người Lạch

Nhà ở của người Lạch có hai dạng: Nhà sàn và nhà sạp, theo cách nói của giáo sư Từ Chi. Nhà sàn thường là của gia đình giầu có và khá giả trong buôn. Nhà lợp tranh hai mái uốn, có vách phên nghiêng ra ngoài nẹp tranh để chống cái lạnh. Trước đây các nhà sàn thường được dựng cao hơn để phòng thú dữ, phí trước cửa thường có cầu thang rộng, tuy không bằng các cầu thang của các cư dân Bắc Tây Nguyên. Lên xuống bằng một cầu thang buộc dây hay một cây gỗ có khắc bậc. Người nghèo do ít có điều kiện chuẩn bị nên hay làm nhà sàn thấp hoặc nhà trệt có vách hoặc hai mái úp xuống đất. Hình thức nhà dài của người lạch (đại gia đình) sớm bị phá vụn, nhưng chưa triệt để như người Ba Na. Kiểu nhà sạp, kiểu nhà một cửa ra vào, không gian trong nhà tối là một loại kiến trúc điển hình nhà ở của các cư dân Nam Tây Nguyên. Sàn nhà hoặc sạp ngủ và sinh hoạt có thể ghép gỗ hoặc lát lồ ô đập phẳng. Kỹ thuật lắp nhà cổ truyền rất đơn giản: dùng cốt ngoạm dể đặt cây hay cột khấc và dùng dây mây buộc lại. Mỗi một gia đình đều tự tìm kiếm vật liệu xây dựng trong những ngày rảnh rỗi, chỉ đến khi dựng nhà thì bà con dân làng đến làm giúp, như một nghĩa vụ của mỗi thành viên đối với cộng đồng. Khi vào rừng lấy gỗ, gặp con đỏ hay con vượn kêu thì phải bỏ; bằng không, sẽ bị tai họa (cháy nhà, tật bệnh)

Mặt bằng sinh hoạt không có vách ngăn, dù có nhiều hộ gia đình. Mỗi gia đình có thể có một bếp ăn phía sau ở vách đối diện với cửa là hàng chè, giỏ đựng đồ đạc và bàn thờ cúng tổ tiên. Phía trên bếp, người Lạch thường dùng làm gác để đựng thức ăn dự trữ và kho trữ lúa. Đối với gia đình nhiều hộ thì bếp chính là của chủ nhà (pô hiu), các bếp của các gia đình khác (hộ gia đình) được sắp xếp theo vai vế và quan hệ trực thuộc kéo dài đến tận vách. Người con trai chưa có gia đình thường nghỉ ở phòng khách, ngay trung tâm nhà, đối diên với cửa ra vào khách đến thường ngủ chung ở khu vực này và được các hộ (tiếp) góp cơm, thức ăn cho hộ trong nhà, hộ chịu trách nhiệm tiếp khách. Mọi sinh hoạt của gia đình ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách) đều diễn ra xung quanh bếp lửa của mỗi gia đình. Cha mẹ về già thường ở với con út. Khi số khẩu trong gia đình tăng lên, ngôi nhà có thể được cơi nới thêm. Nhưng nếu muốn tách thành nhà riêng, phải được sự thỏa thuận của gia đình và đồng ý của chủ nhà. ngôi nhà mới cất cạnh ngôi nhà mẹ mình.

Thức ăn của người Lạch thường được chuẩn bị ngày 3 bữa cơm, canh trước kia đều nấu trong ống nứa và sau đó mới có nồi đất, nồi đồng và gang thay thế. Các món được chế biến khô để cho tiện ăn bốc. canh là một món rau được trộn với tấm thường bỏ thêm ớt, không có gia vị nào khác. Thịt cá cũng được kho, luộc hay nấu với cây chuối non.

Thức uống là nước suối được mang về và đựng trong trái bầu, trong các ghè. Rượu cần (tơrnơm) là đặc sản của các cư dân Thượng nói chung, các chế biến tương đối giống nhau: từ các nguyên liệu như gạo, ngô, sắn... trộn với các men. Khác nhau chỉ là các nguyên liệu men được chế biến từ các cây rừng địa phương nên hương vị rượu cần mỗi nơi một khác. Thuốc lá cũng được người Lạch trồng và chế biến.

Y phục của người Lạch rất đơn giản: tất cả đều cởi trần, đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn. Khi vải còn khó tìm, họ đã dùng vỏ cây rừng ngâm cho hết nhựa, gấp đôi lại khoét cổ và ống tay khâu lại bằng dây mây để làm áo chống rét. Do điều kiện hiếm hoi nguyên liệu bông sợi, nghề dệt của người lạch vì vậy cũng không phát triển, họ phải mua lại vải của người Chil, Mnông, Chăm sau này. Người đàn ông đóng một chiếc khố dài bằng ba sải tay Lạch (mỗi sải từ 50-60cm), rộng hơn một gang, có hoa văn theo dải dọc, quấn vòng quanh bụng, luồn qua háng, để cho hai đầu khố qua phía trước và phía sau mông. người phụ nữ mặc váy hở quấn quanh người một vòng và giắt cạp. Váy của họ thường màu đen bố cục hình dải màu trắng viền dọc tấm vải. Khi trời lạnh, Người Lạch quấn thêm một chiếc chăn (ùi). Trang sức là những vòng cổ, vòng tay, cườm và khuyên căng tai. Tục cà răng căng tai của người Lạch đã được bỏ sớm nhất [29]. Tất cả đều búi tóc lên đỉnh đầu dùng dây thắt. Người giầu có quấn thêm khăn hoặc đồ trang sức mà họ cho là đẹp.

(* ) Câu ngạn ngữ "Lac wil, Cil pơng" (Lạch tròn, Chil vuông) được giải thích như vậy.

3. ĐỜI SỐNG TINH THẦN

3.1 Xã hội người Lạch

"Những thăng trầm vào thời xa xưa đã đưa người Lạch cũng như các cư dân Thượng đến giữa vùng rừng núi, áp đặt cho họ một khung cảnh hoang dã và tự nhiên. Họ buộc phải chọn một cách ứng xử nước đôi trước tự nhiên: đối phó với môi trường chung quanh và thích ứng với nó, một thái độ mềm dẻo đã ăn sâu trong từng nếp sống của họ".[5,4]

Khung cảnh núi rừng trùng điệp và kỳ bí với địa thế hiểm trở đã buộc họ phải co cụm lại thành những nhóm nhỏ, sống theo những buôn làng độc lập và tự trị. Buôn Lạch (bon) cũng như bao buôn làng Thượng khác, một đơn vị cổ truyền của cư dân nông nghiệp, nó không giống như "bị khoai tây"như nông thôn Tây phương (theo cách nói của K. Marx), mà là một công xã nông thôn theo phương thức sản xuất châu Á. Bị cách bức bởi núi rừng, buôn làng người Lạch vận hành độc lập với những tập tục bình đẳng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giữ lại cho họ những phẩm chất tốt đẹp luôn có nguy cơ bị "hoang dã hóa". Buôn là một tổ chức xã hội hay là một thế giới trong cảm quan của họ. Đó là một vùng cư trú, vùng canh tác rẫy hoặc ruộng, một vùng tự nhiên mà họ vẫn thường khai thác và xa hơn nữa là khu rừng thiêng nơi trú ngụ của thần linh, nơi ít ai được đặt chân đến và là biên viễn xa nhất của thế giới thu nhỏ mà họ đang sống. Đứng đầu của một buôn là chủ buôn (kuang bon) là người tài ba (cau jak: một người làm ăn giỏi), nhưng quan trọng hơn là biết ăn nói, có tài hùng biện, biết kể chuyện hay và thông thạo lịch sử, phong tục, tập quán của dân tộc. Ông vừa là người ghi chép nền văn hóa dân tộc không có văn tự đó vừa là người điều hành dân làng thực thi và viết tiếp những trang sử mới của dân tộc. Nhiệm vụ của chủ buôn là quản lý và điều hành công việc chung của buôn: chọn chia đất canh tác, dời làng, hòa giải, xử kiện, ghi nhớ ranh giới của buôn để tranh biện và bảo vệ lãnh thổ khi bị xâm chiếm; khi cần đứng ra tổ chức những cuộc chiến tranh giành đất.

Dòng họ (mpol) xuất hiện ở người Lạch rất muộn. Trong các truyền thuyết lịch sử, ông bà tổ tiên(mộ pàng), những anh hùng văn hóa của người Lạch vẫn được con cháu nhắc đến với những tên riêng không có họ [26]. Dòng họ ban đầu trùng với tên gọi của buôn như Bon Yô, Đa Gút, Lơm M'Biêng... thường sống chung trong một nhà sàn dài hàng chục mét như lời kể của các già làng. Một phần vì sự xuất hiện buôn bán nô lệ, phần khác vì sự tan vỡ của các nhà dài, sự xuất hiện của những bà con xa đến cư trú, nên thành phần các buôn không còn thuần chất huyết thống của một dòng họ như trước. Chủ họ (pô mpol) thường được chọn là người đàn ông, chồng người đàn bà uy tín ở trong họ. Cách chọn lựa cũng như chọn người chủ làng, bởi vì chủ họ của những dòng họ lớn trong làng thường được nghiễm nhiên bầu làm chủ buôn.

Gia đình (hiu: nhà) có hai loại: tiểu gia đình (gia đình một bếp: vợ chồng và con cái chưa trưởng thành) và đại gia đình (gia đình của nhiều hộ). Mỗi gia đình đều có chủ nhà (pô hiu). Các ông chủ nói trên (chủ làng, chủ họ, chủ nhà) thường thay mặt cộng đồng của mình để giải quyết các vấn đề xã hội. Trên thực chất họ chỉ là những người thừa hành một ý chí tập thể đã được bàn luận công khai và dân chủ trước mọi thành viên của cộng đồng.

Các thành viên của buôn làng luôn luôn phải ý thức về trách nhiệm của mình: củng cố sự bền vững và đoàn kết của dòng họ, buôn làng; giữ gìn đất rừng, nguồn nước, những tài sản được coi là của chung, tuân thủ và thực hiện tự giác các luật tục truyền thống, trân trọng và chấp hành ý kiến của chủ họ, chủ làng. Họ có quyền bày tỏ ý kiến về công việc chung của buôn làng, tham gia lựa chọn người đứng đầu họ, làng buôn; khai thác và canh tác trên vùng đất của buôn...

Tất cả những luật tục đó đều nhằm bảo vệ và hun đúc ý thức cộng đồng: chúng ta là con cháu của tổ tiên, chúng ta phải tôn trọng và giữ gìn di sản của họ:

"Con trâu chết còn cặp sừng

Cha mẹ chết còn con cái

Sau anh là em

Sau cậu là cháu

Và cả ngay sau các con là dấu vết của ông bà".[27]

Tòa án phong tục được diễn ra quanh ché rượu cần long trọng và trang nghiêm như bao trùm lên trên hết thảy là một tình thương yêu đoàn kết:

"Việc tầm thường thì dùng ghè nhỏ

Việc lớn hơn dùng ghè cao hơn

Việc quan trọng thì giết heo dê

Anh em mình đứng về một phía..."[10;26]

Hình phạt đáng sợ nhất, hơn cả cái chết, là bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Ý thức tự giác của mọi thành viên là hệ quả của nếp sống Thượng. Từ nhỏ đã quen với lao động, con trai theo cha tập những công việc của đàn ông, con gái theo mẹ lấy củi hái rau, tập đan lát và được mọi người ứng xử "bằng nhau" trong phân chia thành quả lao động. Ai cũng có phần như nhau: dù lớn hay nhỏ mọi người đều làm hết sức mình.

Người mẹ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Lạch, luôn luôn được kính trọng trong một xã hội nông nghiệp cổ truyền. Từ "mẹ" (me) trong tiếng Lạch còn có nghĩa là to lớn, quan trọng như gung me, cing me (đường cái, chiêng cái), các vị thần quan trọng như thần đất đai (Yang the), Thần lúa (Yang kuê) là những vị nữ thần. Họ hoàn toàn xứng đáng như vậy. Ngoài những công việc chính trong lao động sản xuất, người mẹ hàng ngày phải giã gạo, lấy nước, vào rừng kiếm củi, thức ăn và chuẩn bị các bữa ăn, họ phải thức khuya dậy sớm hơn những thành viên khác trong gia đình. Quan trọng hơn, họ phải chăm sóc con cái - một chức năng không ai thay thế được.

Xã hội Lạch đã bắt đầu có những phân hóa giàu nghèo. Người giàu (cau pas) là những người do sức mình gây dựng nên cơ nghiệp, được đánh giá từ ngôi nhà cho đến các chiêng, ghè xếp trong nhà. Những người nô lệ được coi như một món hàng, nhưng trong gia đình họ lại được đối xử như những thành viên bình đẳng.

3.2 Phong tục, tập quán

Sống trong cộng đồng và giữa thiên nhiên, con người phải tự đặt ra những cách ứng xử. Thiên nhiên đối với người Lạch không phải vô tri (bởi vì đã có một thời con người cũng như muôn vật còn nói chuyện được với nhau như trong chuyện cổ tích vẫn kể). Bên cạnh con người vẫn còn một lực lượng siêu nhiên hằng tồn tại, trú ngụ trong những khu rừng hoang dại, trên những đỉnh núi cao rậm rạp và hiểm trở, trong những hang thẳm khe sâu. Đây là các Yang và Chạ (ma, quỷ), một lực lượng chi phối cuộc sống thường nhật của con người. Cao nhất là thần Ndu - đấng tạo hóa của muôn loài, đến thần sét, thần núi Lang Biang... Và gần gũi hơn là thần núi, thần nước, thần nhà, thần ghè... thậm chí có những dòng họ, những gia định thờ những ông thần riêng, mà theo họ đấy là những nơi thiêng liêng trong những giấc mơ họ thấy được (họ Chil ở Bơnơm đơm xu, Bon Yô ở thác Pàng Chạ (suối Đạ Sar), Liêng Hót ở Da Pla (chân núi Lang Biang).[26]

Người Lạch tin rằng mọi sự may rủi trong cuộc đời của họ: từ thiên tai đến bệnh tật, tai nạn đều do các vị thần và ma quỷ can thiệp vào. Vừa kính trọng, vừa cầu cạnh, người Lạch bao giờ cũng tổ chức những nghi lễ long trọng để cầu thần linh đứng cạnh và bảo vệ, giúp đỡ mình.. Ngoài ra, họ phải thực hiện một hệ thống kiêng cữ khá rườm rà, trong từng cử chỉ, hành vi ứng xử với tự nhiên và con người. Chẳng hạn phải luôn giữ lửa trong bếp, khi nấu ăn không được nói chuyện, sản phụ kiêng thịt tươi, thầy phù thủy kiêng thịt heo, củi thì không chụm đằng ngọn trước, không dùng củi gần nhà vì đó là củi bẩn, bắt tay phải, đi qua mọi người đang ngồi thì phải khom lưng xuống, không chỉ tay vào mặt nhau khi tranh cãi v.v... Sau này, có thể do tiếp xúc với văn hóa Chăm pa (?), ở người Lạch đã xuất hiện một lớp người có khả năng tiếp xúc với lực lượng siêu nhiên: cau gru (thầy phù thủy). Thầy phù thủy (pô gru), thầy cúng (pô jâu) trở thành một lớp người quan trọng tong xã hội Lạch, họ tham gia điều hành các kỳ tế lễ trong buôn làng. Họ vừa chữa bệnh bằng thuốc và bằng pháp thuật, bởi họ "có những quyền năng hơn người": dùng bùa phép để giải trừ ma quỷ, có phù chú cùng những vật cúng tế để giảm bớt những cơn thịnh nộ của thần linh, có bùa ngải để trừng phạt hay giúp đỡ những người khác chinh phục lẫn nhau, có khả năng phát hiện ra ma lai và khi cần họ đứng ra chịu sự thử thách trước thần linh và buôn làng. Những biểu hiện tôn giáo định kỳ nhất là những lễ nghi nông nghiệp. Xen vào đó có những lễ nghi bất chợt, như ăn mừng chiến thắng hay hòa giải với làng thù địch, tế lễ vì thiên tai, dịch bệnh. Các gia đình cũng có thể tổ chức một vài nghi lễ theo sự kiện đòi hỏi của riêng gia đình mình.

Các lễ nghi nông nghiệp của người Lạch mặc dù có ít hơn người Srê làm lúa nước hay người Mạ, Chil làm rẫy, nhưng cũng gắn chặt theo các khâu lao tác: [26,27]

1. Gieo lúa (chê dùng): cúng một con gà và một ghè rượu

2. Khi lúa trổ bông (nhô dùng): cúng lớn hơn, giết heo hoặc dê và một ghè rượu, cầu mong thần lúa phù hộ cho được mùa, không bị thiên tai...

3. Đạp lúa: Người ta mổ một con gà cắm trên đồng lúa cho đến khi đạp xong. Ngoài ra, còn cúng thêm heo gà với vài ghè rượu cần, mời bà con đến ăn uống ca hát vui chơi, sau đó lấy lúa. Ngày hôm sau mới chính thức đạp lúa.

4. Cho lúa vào kho (lèn kuê): thường cúng hai trứng gà và một nắm lúa bày lên mâm để mời thần lúa (Yang kuê).

Trong suốt thời gian thu hoạch, chủ nhà phải thực hiện một số kiêng cữ như: không tắm giặt, không ăn thịt nai (vì nai hay phá lúa, sợ lúa giận bỏ đi), không ăn thịt lươn (vì sợ trơn tuột mất lúa), không ăn con nòng nọc (vì sợ lúa bị teo khi nấu, lúa lép...) Các thứ đồ coi là dơ bẩn như gùi đi lấy củi, rổ xúc tép không được mang vào sân lúa. Chúng ta hãy nghe một bài cúng lúa như sau:

"Ơ lúa

Mặt trời đã mọc 

Mời về ăn cơm 

Mặt trời đã cao 

Mời về uống rượu 

Cụm lại một chỗ

Ở mãi với ta

Những lúa đứt đầu

Những lúa khô ráo

Lúa vãi dọc đường

Về đây tất cả ..." [28]

 

Khi mùa màng đã thu hoạch xong, cả làng tổ chức lễ đâm trâu (sa rơpu) để tạ ơn thần linh, đặc biệt là thần Ndu. Thần núi Lang Biang được người Lạch cúng tế vào dịp dời làng hay khi bị thiên tai, địch họa. Người Lạch coi đây là thần hộ mệnh của buôn làng. Ngoài những gia súc được hiến sinh, trên mâm cúng có một chiếc rìu với ba chén nước. Nghi lễ được tổ chức dưới chân núi Lang Biang. Việc tổ chức lễ hội sau vụ thu hoạch thường kéo dài nhiều ngày, được người miền xuôi gọi là Tết Thượng. Các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để tế lễ. Lễ được tổ chức ở ngoài trời trước nhà chủ hiến tế hay chủ làng, có cây nêu được trang trí sắc sỡ và buộc trâu vào đó, dàn cồng chiêng được huy động cùng mọi người nhảy múa. Thịt trâu được xẻ ra và chia cho từng gia đình, tổ chức ăn uống theo từng nhà, máu con trâu được dùng để bôi vào trán mọi người như một sự cầu phúc. Dĩ nhiên mỗi nhà tùy theo khả năng có thể mổ thêm heo gà để cho bữa tiệc thêm phần thịnh soạn. Các thành viên ở trong buôn sẽ đến từng gia đình để chung vui, trước hết là những bà con thân thích, sau đó đến những người láng giềng thân cận. Sau cuộc tế lễ này, lúa mới được đưa ra sử dụng và bắt đầu những công việc như làm nhà, chuyển làng...

Hôn nhân ở người Lạch theo chế độ mẫu hệ nên gọi là tục bắt chồng, dù rằng để đến với hôn nhân người con trai vẫn thường chủ động làm quen với các cô gái. Có những quy định chung như anh em cùng dòng họ không lấy nhau (tính theo họ mẹ) và những qui định riêng như không lấy người dòng họ thù địch, bị nghi là malai. Ở người Lạch đã có một thời cấm kết hôn giữa những dòng họ như Liêng Hót và Đa Gút, Liêng Jrăng và Krajăng, Đa Gút và Pan Ting... [2,153]. Tốt nhất vẫn là:

"Mài rìu, mài xà gạc thì tìm đá cứng

Đặt bẫy bắt chim nên tìm lối mòn

Lấy vợ lấy chồng con cô con cậu"

 

"Bỏ ruộng thì đói

Cắt váy thì nghèo

Bỏ con cô con cậu thì thành đầy tớ"[30]

Hôn nhân giữa những người cùng buôn cho đến nay vẫn còn phổ biến, nhưng ở người Lạch, như chúng ta đã biết, do nhiều nguyên nhân, việc lấy người khác buôn, khác dân tộc, được cởi mở và không bị cấm đoán ngặt nghèo như xưa. Trường hợp vợ hoặc chồng bị chết, sau một năm người sống mới có quyền lập gia đình. Tục nối dây vẫn còn tồn tại. Việc li dị do Hội đồng già làng xét xử thường được cho phép khi một trong hai người ngoại tình hay thiếu trách nhiệm với gia đình con cái. Người gây ra thiệt hại đó phải bồi thường. Người phạm tội ngoại tình bị phạt rất nặng, hai đến ba con trâu (dĩ nhiên có những ghè rượu kèm theo!). Nếu không thực hiện, thì mọi tai họa xảy ra đối với làng năm đó người này phải gánh chịu.

Tục cưới xin của người Lạch cho đến nay càng trở nên đơn giản: họ nhà gái cùng đi với 3 -4 người, trong đó có một người có tài ăn nói làm ông mai (cau dut) đến nhà trai để dạm hỏi. Nếu bị từ chối, họ sẽ đi lại nhiều lần cho đến khi đồng ý, và sau đó tiếp tục làm lễ vấn danh với bà con họ hàng nhà trai. Trong những lần như vậy người con gái cùng đi với gai đình: mọi sự trao đổi giữa hai gia đình đều diễn ra công khai trước mặt cô dâu và chú rể. Cuộc liên hoan đưa chú rể đến nhà gái cũng chỉ gồm 3-4 người từ nhà trai gọi là lễ pô jâng (nhấc chân) cũng rất gọn nhẹ. Mọi sự trao đổi quan trọng giữa hai họ là đám cưới lớn (tam lir) sau hai năm chung sống với nhau, khi họ đã kịp sinh con đẻ cái. Đám cưới bao giờ cũng vui vẻ, cặp vợ chồng hẹn thầm với nhau gắng sống như lời chúc của cha mẹ trước thần linh:

"Hôm nay cho con trai con gái cùng chung sống

Như trâu thấy nhà để về chuồng

Hãy ăn ở đến già

Hãy làm lụng cùng nhau

Sống đến bạc đầu

Tâm tình không chán

Đừng lang thang như con bướm với hoa

Sống cho đến khi lưng còng

Đi làm biết chỗ để về

Đi rẫy biết nơi mình ở

Đi rừng vẫn nhớ nhà..." [26]

Đám tang của người Lạch cũng như đám tang của người Thượng Tây Nguyên. "Dứt khoát trả người chết về với núi rừng không hề nuối tiếc viện đến hình thức thờ phụng tổ tiên", từng cộng đồng người Thượng vẫn giữ người thân của mình trong một không gian áp sát không gian người đang sống để có đủ thời gian tỏ hết tình thương mến lần cuối. Tỏ bằng lễ vật hàng ngày, cả bằng mọi khả năng trí tưởng tượng thẩm mỹ từ tượng mả và trang trí trên nhà mả cho đến tiếng chiêng nhịp múa". [5,15]

Cuộc chia tay với người đã mất thật long trọng và thường kéo dài 2 -3 ngày trở lên. Ngày đầu đám tang mổ trâu uống rượu, chiêng trống đánh theo nhịp dồn dập, người khóc theo một nhịp điệu nhất định như một bài văn vần ca ngợi công đức của người chết, bày tỏ nỗi thương tiếc của mình và tay rung lục lạc theo điệu ứng khẩu của từng người. Người chết được hưởng một phần của cải mà gia đình chia cho, họ vẫn được chăm sóc trong những ngày tiếp theo bằng những lần cúng cơm. Sau 7 ngày, người sống phải quay về với xã hội của mình và không bao giờ quay lại nơi chôn người chết để thăm viếng. Trong một thời xa xưa, sau một lễ bỏ mả (bơ thi), người ta có thể cải táng người chết đem chôn vào mộ chung của dòng họ. Khi an táng, người ta cúng thêm một con gà trống làm cho nó chết dần với quan niệm cho là để hồn người chết nhập vào đó khỏi quay về làng gây phiền nhiễu người sống. Chủ nhà nhờ bà con vào rừng chặt cây đóng quan tài và trang trí lên đó bằng hình vẽ sặc sỡ, người chết được bó vào cái chiếu có trang trí hoa văn trông rất đẹp (bêl dang) và được đưa về nghĩa địa (liêng boic) phía mặt trời đi nghỉ sau một chu kỳ chiếu sáng.

3.3 Ngôn ngữ và văn nghệ

Tiếng Lạch là một phương ngữ Kơho, rất gần gũi với các ngôn ngữ Mnông, Stiêng, Mạ... thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Ba Na dòng Mon Khmer, ngữ hệ Nam Á (Austroasiatique). Tiếng Lạch cũng như các ngôn ngữ cùng nhóm còn lưu giữ những nét xưa của một ngôn ngữ Đông Nam Á cổ, trước thời kỳ tiếp xúc giữa dòng Mon Khmer và Tày Thái.

Người Lạch do tiếp xúc với nhiều cư dân khác trong vùng nên nói khá thành thạo các ngôn ngữ Mạ, Mnông, Chu ru, Chăm [21], một hiện tượng song ngữ khá thú vị cho những nhà nghiên cứu. Mọi sự ghi chép văn hóa dân tộc đều được thông qua con đường truyền miệng nên tiếng nói của người Lạch cũng là ngôn ngữ thơ ca uyển chuyển, vần điệu, đầy nhạc tính và hình tượng.

Người Lạch cũng như những người Thượng không có văn tự khác luôn tư duy bằng tai (chứ không bằng đầu như người phương Tây, hay bằng bụng như người Việt). Những nghệ nhân biết nhiều truyện cổ tích là những người "ghe gen nau tam tor" (có nhiều truyện trong tai), là những "tôr git nau yau" (cái tai biết cách ngôn). Không chỉ có chuyện cổ tích, mà các luật tục, gia phả các dòng họ và các sự kiện lịch sử quan trọng được kể theo thể loại văn vần thậm chí khi kể nghệ nhân còn hát thành bài. Nền văn nghệ dân gian của người Lạch rất phong phú về thể loại và nội dung.

Chúng ta hãy nghe một câu hát:

"Tap pôp jrang jrang

Gurmang rơklưm

Prit tưm rơhiêng

Piêng pất blơ mi jôi mi di

Băng pưt băng wai rhê băng glê dưt sơ diêng

Pơtiêng uruh jrong tưm"

 

"Chiếc cườm đẹp

Chiếc cườm đá quí

Trái cây chín trên rừng

Cơm đùm trong giỏ anh phải tự đi tìm

Măng pưt măng wai, ê ê măng tre dọc bờ suối

Những cô gái, từng đoàn đi làm chòi cao"

Qua những chuyện kể, chúng ta có thể biết được nguồn gốc về các dân tộc, sự hình thành nên muôn vật, được giải thích những kiêng cữ, tục lệ, những đặc điểm và những sai biệt giữa con người và con người với các động vật... Qua thần thoại Lạch, chúng ta kiểm chứng được một thời "đại hồng thủy" làm cho loài người bị chết gần hết, chỉ còn lại hai người chui vào trống sống sót, như nhiều thần thoại của các dân tộc Tây Nguyên vẫn kể. Chúng ta được giải thích nguồn gốc của tổ tiên loài người vốn từ một thế giới lộn ngược như cách nói của người Mạ (Brah Ting) nằm sâu trong lòng đất mà trong huyền thoại người Mnông vẫn kể, khi trời đất còn là một, mềm và nhão. Họ chui ra, chống trời lên cao, làm ra mặt trời để chiếu sáng ban ngày, tạo ra mặt trăng để thắp sáng ban đêm. Những người tổ tiên đầu tiên ấy còn sáng tạo ra muôn loài. Mặt đất vốn bằng phẳng được cày xới và xây dựng bởi những con vật như heo rừng, con lươn... mà thành cao thấp, từ đó mới có núi rừng sông suối. Đặc biệt thần thoại Lạch còn nhắc lại một thời ký giá rét khủng khiếp - mang ling mang ta (thời kỳ tối tăm và giá lạnh), đã làm cho hai mẹ con trên đường trở về nhà bị hóa đá.

Mảnh đất rừng thưa này là kết quả của một cơn giận dữ của chàng Srài - người thần. Vốn là một chàng mồ côi, đi ở đợ, bị trẻ em Lạch chọc ghẹo và xem thường, Srài tức giận nhổ hết cây cối trồng lộn ngược lại, đốt cháy bảy ngày bảy đêm. Đất Lạch từ đó hết phí nhiêu và chỉ còn lại cỏ và lau lách mọc được. Từ bỏ làng Lạch, Srài đã để lại cho người Lạch chiếc cày giúp cho họ tiếp tục sống lại trên quê cha đất tổ bằng một nghề mới: trồng lúa nước. Và đến những truyện trâu và ngựa ganh tị nhau, bày ra những cuộc thi nhảy xa. Kết quả là con trâu kém trí khôn thua cuộc phải chịu kéo cày từ bấy cho đến nay...

Đáng tiếc những câu ca dao như:

"Tôi chìa tay trái xin anh miếng trầu

Tôi đưa tay phải hỏi anh chiếc áo

Tôi đến bên ngựa xin anh lục lạc

Lục lạc kêu rằng: ta nên vợ nên chồng" [29]

không còn được nhớ. Hay như, cũng ít ai trong thế hệ chúng ta biết được những câu tục ngữ:

"Gái không chồng làm việc không xong

Trai chưa vợ sinh chuyện chẳng lành"

 

"Làm nhà cần có gỗ

Đan rổ cần có tre

Làm nghề nông phải dùng nước"

 

"Khéo léo lúc trẻ nhỏ,

Giàu có vào tuổi trung niên

Thông minh đến lúc tuổi già"

Người Lạch có những bài ca kể nhiều và nhiều nữa về một thời xa xưa bi hùng của người Lạch đang bị quên lãng dần, đang bị chìm dần đi sau những tiếng sập sình của những điệu nhạc hiện đại.

Âm nhạc và hội hoạ của người Lạch cũng đang bị lu mờ bởi nền nghệ thuật hiện đại phương Tây đang tràn ngập khắp nơi. Dàn cồng chiêng sáu chiếc hay như các nhạc cụ kơmbuat (kèn ống bầu), cêng kơrla (đàn ống tre), sơgơr (trống)... thỉnh thoảng mới được dùng đến rền vang như tiếng thở dài của một nền văn hóa đang bị thờ ơ.

4. NGƯỜI LẠCH HÔM NAY

(Thay lời kết)

Người Lạch hôm nay vẫn sống trên mảnh đất cũ của tổ tiên mình ngày nay đang bị thu hẹp dần vì những áp lực của sự phát triển xã hội. Dân số tăng lên ít nhiều, từ 800 người (1940) lên 2.700 người hiện nay, tập trung chính là ở Xã Lát (Lạc Dương): 2.411 người (387 hộ). Số còn lại ở rải rác nhiều nơi, nhưng tập trung nhất vẫn là Đà Lạt, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương (khoảng 300 người).

Trong suốt thời kỳ lịch sử, do tiếp xúc với nền văn hóa phát triển hơn, đặc biệt là văn minh phương Tây trước đây và người Kinh sau này, người Lạch đã bỏ nhiều hủ tục lỗi thời, cởi mở hơn trong sự tiếp thu các nền văn hóa mới. Điều đáng tiếc là một nền văn hóa cổ truyền phong phú và hấp dẫn, nhiều truyền thống nhân văn quí báu cũng chính vì thế mà bị lãng quên dần và thậm chí bị coi là "quá khứ lạc hậu". Ngôn ngữ và văn hóa người Lạch nói riêng và của các cư dân Thượng nói chung đã và đang là đề tài hấp dẫn của giới nghiên cứu khoa học xã hội trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, nó là vốn văn hóa vô cùng quí báu của dân tộc ta và nhân loại, đáng được nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát huy. Một điều cấp bách được đặt ra là đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng có kế hoạch đầu tư nghiên cứu và khai thác di sản văn hóa đó, và nếu cần kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức văn hóa quốc tế.

Đời sống kinh tế của người Lạch tuy đã khác xưa, nhưng vẫn còn quá thấp nếu so với mức sống chung hiện tại. Hằng ngày họ vẫn sống lầm lũi bên mảnh ruộng ngày một ít hơn trên mỗi đầu người, với kỹ thuật canh tác thô sơ; các ngành kinh tế phụ có một thời quan trọng như buôn bán, nuôi ngựa, đan cói... bị suy thoái. Thiết nghĩ, phải có nghiên cứu khoa học để giúp cho người Lạch nói riêng và các cư dân Thượng xung quanh Đà Lạt nói chung tổ chức lại đời sống kinh tế cho phù hợp với địa bàn một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng phát triển trong tương lai.

Trước mắt theo thiển ý của chúng tôi, hai vấn đề cần giải quyết là:

1. Qui hoạch Đà Lạt theo đúng vùng đất người Lạch xưa (cao nguyên Lang Biang) để giữ gìn đầu nguồn cho các trung tâm thủy điện Đa Nhim, Trị An; bảo vệ cho môi trường thiên nhiên của một vùng tiểu khí hậu ôn đới độc đáo đang có nguy cơ bị hư hại.

2. Thu hút các cư dân Thượng nói chung và người Lạch nói riêng vào nền kinh tế chung của Đà Lạt ? dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể là:

- Nghiên cứu và bảo tồn các di sản văn hóa cổ truyền đặc sắc của người Thượng, khai thác để phục vụ cho một nền văn hóa đa dân tộc của Đà Lạt. Chẳng hạn như, phục hồi ngành dệt vải cổ truyền của người Mạ, dệt cói của người Lạch, đan gùi của người Mạ và Chil v.v... có cải tiến phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng. Nền văn hóa dân gian với truyền thống văn nghệ cồng chiêng nếu biết khai thác thì sẽ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch bằng ngựa, "văn hóa" rượu cần cũng góp phần kích thích kỹ thuật chế biến rượu cần và nghề nuôi ngựa phát triển.

- Cố gắng giữ gìn một số khu vực du lịch ở Đà Lạt gần với trạng thái tự nhiên và xã hội của cao nguyên Lang Biang xưa, phát triển chúng thành những trung tâm văn hóa các dân tộc Nam Tây Nguyên - một bảo tàng ngoài trời về thiên nhiên và xã hội Tây Nguyên.

NGUYỄN TUẤN TÀI
ĐOÀN NAM SINH - LIÊNG HOT HASUE
PHÙNG KHẮC CƯỜNG - NGUYỄN HỮU TRANH

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), H.,1984

2. Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, Đà Lạt,1983.

3. Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, 1985.

4. Những kết quả nghiên cứu kinh tế xã hội Lâm Đồng, Đà Lạt,1989.

5. Hoa văn các dân tộc Gia Lai - Ba Na, Pleiku,1986.

6. Cửu Long Giang, Toan ánh, Cao nguyên miền Thượng, Sài Gòn, 1974.

7. Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt năm xưa, Đà Lạt, 1993.

8. Nguyễn Tuấn Triết, Người Raglai ở Việt Nam, 1991.

9. Tạ Văn Thông và Võ Quang Nhơn, Truyện cổ Kơho, H.,1984

10. Aitoh D., L'oeuvre de M.Pavie en Indo-chine (1879 -1895),La géographie, BSG, Tome VI, No 2, 1902, p. 7.790

11. Boublet J., Le Pays de Maa - Domaine des génies, BEFEO, Vol. LXII, 1967.

12. Boublet J., Modes et techniques du Pays Ma, Bulletin de la société des études indochinoises, S.,Tome XXXIX, No 2, 1964.

13. Dambo, Les populations montagnardes du Sud Indochinois, France - Asie, S., No 49 -50, 1950.

14. Dournes J., Dictionnaire francais - Koho - Roglai - Vietnammien, 1953.

15. Dournes J., La religion des montagnards du Haut - Donnai. BSEI, S., Tome XXIII, No 2, 1984, pp. 33 -99

16. Dournes J., Structure sociale des montagnards du Haut - Donnai: Tribu des riziculteurs, BSEI,S., Tome XXIII, No 2, 1984, pp. 101 -106.

17. Gabrielle M. Vassal, On and off duty in Annam, London, 1910.

18. Guilleminet P., Dictionnaire Bahnar - Francais, 1959.

19. Marcel Ner, Le pays et les hommes, L'Asie nouvelle illustrée, S., 1937, No 56, p. 23 -28

20. Pierre Carrau, Du commerce et de L' agriculture chez les Mois, Excursions et reconnaissances, 1986, No 5, p. 270 -293.

21. Yersin A., Sept mois chez les Mois, Variétés sur les pays Mois, Gouvernement de la Cochinchine, S., 1935.

22. Efimov A.Y., Âm vị học lịch sử các ngôn ngữ Nam Ba Na, M., 1990 (chữ Nga).

23. Shinkarev V.N., Quan niệm về lực lượng siêu nhân ở cư dân Thượng miền Nam Việt Nam (chữ Nga - bản đánh máy),1992.

24. Bảng từ đối chiếu Việt - Chil - Lạch (1500 từ), Khoa ngữ văn Đại học Đà Lạt.

25. Truyện cổ Mạ, Chil (Tư liệu điền dã), Khoa ngữ văn Đại học Đà Lạt.

26. Tư liệu điền dã nhóm đề tài "cư dân bản địa", Liên hiệp khoa học -sản xuất Đà Lạt.

27. Tư liệu điền dã ngôn ngữ học (Mạ, Chil, Lạch), Khoa ngữ văn Đại học Đà Lạt.

28. Động từ Kơho - Việt (Tư liệu điền dã), Khoa ngữ văn Đại học Đà Lạt.

29. Trần Phú Hùng, Bước đầu tìm hiểu người Lạch ở thôn Bon Đơng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Luận văn tốt nghiệp), Đại học Đà Lạt, 1991.

30. Đoàn Ngọc Khôi, Các dân tộc ít người ở xã Tà Nung, Đà Lạt (Luận văn tốt nghiệp).

31. Tư liệu điền dã ngôn ngữ học và văn học dân gian Ba Na ở Gia Lai - Kon Tum, Khoa ngữ văn Đại học Đà Lạt. 

Dau trang Muc luc

Thien nhien Da Lat

Nội dung chính

Mục lục sách

Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lâm Đồng