Trang trước  ||  Mục lục  || Trang sau

 

QUÀ tẶng vô giá cỦa tẠo hóa

 

Sự chênh lệch độ cao giữa bề mặt cao nguyên Lâm Viên và các bề mặt thấp hơn ở kề bên, sự tồn tại các vách cao nguyên dốc đứng với các ngọn thác và chùm thác không chỉ có sức hấp dẫn đối với các nhà du lịch mà còn được các nhà khoa học, các nhà kinh tế để mắt tới từ lâu. Không nói, ai cũng hiểu rằng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội cần điện đến mức độ nào. Trong điều kiện thiên nhiên nhiệt đới gió mùa ẩm, nước ta là xứ sở của những dãy núi và những dòng sông. Trong ngôn ngữ Việt Nam hai từ "núi" và "sông" ghép lại với nhau đã trở thành từ đồng nghĩa với "Tổ quốc". Nhân dân ta vẫn thường nói non sông ta, giang sơn, gấm vóc của ta chính là theo nghĩa đó. Mặc dầu nước ta có nhiều bể than lớn, song loại tài nguyên này đâu phải là vô tận, trong khi nguồn nước "trời cho" lại vô cùng phong phú nên thủy điện phải là nguồn điện năng quan trọng bậc nhất. Trong kỹ thuật thủy điện thì năng lượng của dòng nước được tạo ra từ độ chênh cao mực nước. Do đó đập nước là một bộ phận phải nghĩ tới trước tiên. Chúng ta đã xây dựng đập Thác Bà cao 44 m, coi như một công trình thí nghiệm. ở đây đã có bao nhiêu vấn đề hóc búa về kỹ thuật đã được đặt ra và đã được xử lý. Hiện nay đập thủy điện Sông Đà có quy mô cực lớn, cao 128 m là do sức người tạo nên. Phải thấy rằng những con số hàng chục, hàng trăm mét độ cao của các đập thủy điện là những công trình không nhỏ về sức người, sức của và thời gian. Thực ra đập Thác Bà là kết quả của cả một quá trình "dời núi, lấp sông". Còn đập Sông Đà là một "công trình thế kỷ", là cuộc đọ sức vô cùng gay go, ác liệt và là sự chiến thắng vinh quang của hàng ngàn, hàng vạn các nhà khoa học, các chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân Việt Nam và Liên Xô trước thiên nhiên...

Trong khi đó ở vùng núi và cao nguyên Tây Nguyên hùng vĩ này thiên nhiên đã tạo dựng sẵn cho chúng ta những độ chênh cao mực nước tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét. Lẽ nào chúng ta có thể bỏ qua nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá này !

Tại sườn đông nam của cao nguyên, dọc theo quốc lộ 11 người ta đã lợi dụng độ chênh cao giữa Đơn Dương (1.018 m) và Crông-pha (210 m), nối liền hai dòng Đa Nhim và Crông-pha chênh nhau tới 800 m theo độ cao, tạo ra một nguồn thủy năng lớn cung cấp cho nhà máy thủy điện Đa Nhim. Tât nhiên vấn đề xử lý kỹ thuật ở đây hoàn toàn không đơn giản. Qua đèo Ngoạn Mục tới Đơn Dương là một nơi nghỉ chân, tham quan rất thú vị. ở đây, tại nơi hợp lưu giữa sông Đa Nhim và sông Crông-lét người ta đã đắp một cái đập dài 1.460 m với chiều ngang đáy đập rộng 180 m, mặt đập rộng 6 m, chiều cao đập 38 m, nối liền hai triền núi granit có đỉnh cao 1.500 m, tạo thành một hồ nước rộng chừng 10-11 km2, dung tích khoảng 165 triệu nét khối nước. Từ đáy hồ người ta đã đào một đường hầm thủy áp dài tới 5 km, đường kính 3,5 m, xuyên qua lòng núi đá granit rắn chắc đưa nước sông Đa Nhim từ sườn tây về sườn đông, đến đầu dốc Eo Gió. Từ đây nước được truyền vào hai ống thủy áp bằng hợp kim sáng loáng, có đường kính trên 1 m, qua chiều dài 2.040 m xuống đến Crông-pha. Lượng nước lớn, chảy tập trung trong lòng ống thủy áp có độ dốc 46 độ đã tạo ra một thủy lực lớn làm chuyển động một hệ thống bốn tuốc bin của bốn máy phát điện có công suất mỗi máy 40.000 kw. Trên các tấm ảnh chụp chắc chắn không thể lẫn nhà máy thủy điện Đa Nhim với các nhà máy thủy điện khác bởi sự hiện diện của hai đường ống thủy áp đặc biệt của nó.

Khách tham quan công trình thủy điện Đa Nhim ngoài mục đích tham quan kinh tế công nghiệp còn được thỏa mãn cả nhu cầu tham quan cảnh đẹp. Toàn cảnh hồ Đa nhim là một sự kết hợp hài hòa giữa trời mây, non, nước tạo nên một thắng cảnh khó có thể so sánh với một nơi nào khác. Cảnh hồ trên núi này dễ làm cho những người đa cảm liên tưởng tới các đêm trăng thanh gió mát, trong cái tĩnh mịch gần tuyệt đối của trần gian như xuất hiện một bầy tiên nữ diễm kiều trong những bộ xiêm y trắng muốt của những cánh thiên nga.

Thị trấn Đơn Dương đông vui, nhộn nhịp, mang dấu hiệu của một sự chuyển tiếp khá lý thú giữa cái "Đà Lạt" và "không Đà Lạt". Những dãy phố san sát các cửa hàng, cửa hiệu, các quán giải khát, các tiệm cà phê... Tất cả đều dang rộng tay đón chào khách thập phương một cách hồ hởi, nhiệt tình. ở đây người ta không trương các khẩu hiệu "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" nhưng thái độ phục vụ của những người bám hàng rõ ràng là đã gây được thiện cảm của những người mua. Qua phát âm của người thị trấn Đơn Dương dễ phát hiện ra họ chính là dân của tứ phương tụ hội...

 

Trang trước  ||  Mục lục  || Trang sau
Về đầu trang