NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

DU LỊCH

 

1.  THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1945

1.1     Giai đoạn trước năm 1914

Năm 1897, bác sỹ  Alexandre Yersin đã đề xuất với toàn quyền Paul Doumer chọn cao nguyên Lang Biang để thành lập nơi nghỉ dưỡng trên vùng cao cho bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Toàn quyền Paul Doumer đã ghi nhận đề nghị này và nhanh chóng quyết định đích thân ông đến cao nguyên Lang Biang để xem xét thực tế và sau đó quyết định triển khai thực hiện dự định ban đầu.

Khi còn ở Hà Nội, Paul Doumer đã cho thiết lập một chương trình đầu tư xây dựng đầu tiên cho Đà Lạt. Theo chương trình này, Đà Lạt sẽ nhanh chóng trở thành nơi nghỉ dưỡng cho công chức, binh lính và những kiều dân người Âu; một đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ các công trình cơ sở hạ tầng phát triển, với những công trình kiến trúc được làm cơ quan hành chính, dịch vụ, doanh trại quân đội,… Tuy nhiên, đến năm 1902, Paul Doumer thuyên chuyển về nước nên chương trình xây dựng Đà Lạt của ông bị bỏ dở vì không được tiếp tục cung cấp nguồn kinh phí, những công trình xây dựng bị ngưng lại.

Đến lúc này, Đà Lạt chỉ còn mươi căn nhà tranh nghèo nàn, đơn sơ và cư dân Đà Lạt chủ yếu vẫn là những nhóm tộc người bản địa (Lạch, Chil, Srê) và một số ít ỏi người Âu là trắc địa viên, thợ săn, người đi công tác hay du lịch, một nhóm nhỏ người Kinh là phu làm đường được di cư đến đây. Thời gian bị lãng quên này kéo dài hơn 10 năm, tuy vậy cũng trong giai đoạn này Toàn quyền Paul Beau vẫn cử nhiều phái đoàn tiếp tục nghiên cứu thêm về Đà Lạt.

Năm 1901, ông Paul Champoudry được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, ông đã thiết lập một họa đồ tổng thể phát triển Đà Lạt. Cũng vào năm này, Hội đồng Quốc phòng Đông Dương họp ở Đà Lạt và quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm nơi nghỉ dưỡng.

Tháng 5 năm 1903, một phái đoàn do tướng De Beylié dẫn đầu đã đến Đà Lạt. Trước đây ông đã được giao nhiệm vụ đi khảo sát tìm hiểu nhiều nơi để thiết lập một doanh trại quân đội và làm nơi nghỉ dưỡng cho binh lính. Ông đã quyết định chọn Đà Lạt vì nơi đây có điều kiện tự nhiên tốt nhất để thiết lập một doanh trại quân đội cho 3.500 – 4.000 binh lính người Âu đồn trú.

Năm 1907, một lữ quán cho khách vãng lai được xây dựng, đây là khách sạn đầu tiên của Đà Lạt. Khách sạn ban đầu có tên là Sala, kế đến đổi tên thành Hôtel Desanti và cuối cùng khi Hồ Lớn được hoàn thành vào năm 1919, đổi thành tên Hôtel du Lac (Khách sạn Hồ) ở khu vực Khách sạn Hàng không trên đường Hồ Tùng Mậu ngày nay. Vào giai đoạn này, Hôtel du Lac là một quần thể kiến trúc gồm nhiều nhà nghỉ biệt lập nhỏ có mái hiên  rộng (nhằm phục vụ cho hộ gia đình đến nghỉ dưỡng, du lịch), nằm rải rác trong một công viên hoa rộng rãi tiếp giáp với hồ. Giá thuê phòng tại Hôtel du Lac 15 đồng mỗi ngày (không kể rượu nho) và giá cho thuê tháng từ 60 đến 200 đồng tuỳ theo loại phòng. Tiền xe đi về và lưu trú mất khoảng 130 đồng cho một người và 240 đồng cho mỗi gia đình không có con nhỏ đi theo cho mỗi chuyến nghỉ dưỡng hoặc du lịch trong thời gian khoảng 20 ngày ở Đà Lạt.

 

 Hôtel du Lac (1946)

 

Năm 1911, Toàn quyền Albert Sarraut quyết định đẩy nhanh các chương trình xây dựng đường giao thông đến Đà Lạt. Năm 1913, ông cho tiến hành xây dựng con đường từ Phan Thiết lên Đà Lạt qua Djiring và yêu cầu công trình này phải được hoàn tất vào cuối năm sau.

Năm 1914, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ khiến người Pháp và một số người Âu không thể trở về bản quốc, họ đã tìm đến Đà Lạt để nghỉ dưỡng, nhất là vào mùa hè. Trong năm này, đoạn đường bộ từ Djiring đến Đà Lạt đã được thông xe và chiếc ô tô đầu tiên từ Phan Thiết đã đến được Đà Lạt trong vòng một ngày. Đây là một thời gian kỷ lục vào lúc bấy giờ và là sự kiện có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển vùng đất cao nguyên Lâm Viên sau này.

Từ năm 1915, nhiều du khách đã đến Đà Lạt bằng ô tô và Hãng ô tô Lang Bian (SACL) thuộc chi nhánh của Công quản đường sắt Miền Nam tổ chức đưa du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, săn bắn,… Đây là cơ sở làm dịch vụ lữ hành đầu tiên tại Đà Lạt.

1.2     Giai đoạn từ 1915 đến 1939

Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của những người Âu ngày càng tăng, năm 1915 đã có khoảng bốn năm chục căn nhà gỗ được xây dựng gấp rút.

Khách sạn Langbian Palace có quy mô lớn với đầy đủ tiện nghi do ông Julien khởi công xây dựng năm 1916 và hoàn thành vào năm 1922 (nay là Sofitel Dalat Palace). Khách sạn có 30 phòng sang trọng, giá cả mỗi phòng đôi khoảng từ 13 đồng đến 22 đồng/ngày-đêm (đơn vị đồng bạc Đông Dương). Cùng năm 1922 khởi công xây dựng Hôtel du Parc (khách sạn Hoa Viên, nay là khách sạn Novotel Dalat).

Một khách sạn tư nhân nhỏ hơn cũng được xây cất trên ngọn đồi nhìn xuống Hồ Lớn - khách sạn Henri IV (khu vực Trường Tiểu học Hùng Vương hiện nay) do ông Daniel Courrèges làm chủ đứng ra đầu tư xây dựng vào năm 1921.

Ngày 31-10-1920, Toàn quyền Maurice Long ký Nghị định thành lập thị xã Đà Lạt, nâng khu tự trị Đà Lạt lên thành một thị xã hạng hai trực thuộc chính quyền Đông Dương với những quy chế rộng rãi, Sở Nghỉ dưỡng Lang Biang và Du lịch Nam Trung Kỳ cũng được thành lập.

Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long giao cho kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập “Đồ án chỉnh trang tổng quát” để quản lý việc xây dựng phát triển ở Đà Lạt.  Theo đồ án này, Đà Lạt sẽ là thành phố nghỉ mát trên cao và là thủ đô trong tương lai của Đông Dương. Vì vậy, khi đồ án được thông qua, một bản điều lệ quản lý trật tự đô thị được ban hành kèm theo, trong đó có nhiều điều luật về quản lý xây dựng, quản lý bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị Đà Lạt với những quy định rất chặt chẽ và khoa học.

 

 Khách sạn Palace (1922)

 

Năm 1932, đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được hoàn thành. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và phát triển vùng đất cao nguyên này, chính quyền thuộc địa đã cho xây dựng nhà ga Đà Lạt và thông đường bộ từ Sài Gòn đến Đà Lạt đi qua ngã Blao, số lượng du khách lên Đà Lạt vào năm này đã vượt quá 10.000 người. Về hàng không, sau 3 năm được khởi công xây dựng với tốc độ khẩn trương, đến năm 1933 phi trường Liên Khương đã hoàn tất công việc xây dựng giai đoạn đầu với đường băng dài 700 mét, lúc này phi trường chỉ tiếp nhận được những máy bay có trọng tải khoảng vài tấn.

Năm 1935, do nhu cầu phát triển về du lịch nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lâm Viên ngày càng tăng, để đáp ứng yêu cầu khuếch trương kỹ nghệ du lịch ở Đà Lạt, Công ty Du lịch được thành lập với hơn 80 thành viên, xuất bản sách giới thiệu Đà Lạt và vùng phụ cận viết bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp và Hà Lan, phổ biến rộng rãi ở Viễn Đông và châu Âu.

Từ năm 1937 đến 1939, các khu cư xá Saint Benoit, Bellevue, Decoux (Cité des Pics) được đầu tư xây dựng.

Năm 1938, khánh thành nhà ga hỏa xa. Lúc bấy giờ thời gian đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ, nên lượng du khách của cả ba miền đất nước đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt ngày càng đông; các phòng của khách sạn được du khách đặt thuê từ nhiều tháng trước.

1.3     Giai đoạn 1939 - 1945

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, người Pháp trở về quê hương nghỉ phép khó khăn nên lên Đà Lạt, việc mở rộng thành phố đã trở nên cấp thiết, đòi hỏi nhà cầm quyền phải có kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng thành phố Đà Lạt.

Đầu năm 1940, Toàn quyền Decoux giao cho kiến trúc sư J. Lagisquet chủ trì nghiên cứu xây dựng đồ án chỉnh trang và phát triển thành phố Đà Lạt. Năm 1943, đồ án được Toàn quyền Decoux chấp thuận và ban hành kèm theo một chương trình địa dịch với các chức năng của thành phố là: “Trung tâm hành chính trung ương, trạm nghỉ mát vùng cao, thành phố nghỉ dưỡng, trung tâm được tuyển chọn cho thanh niên, trung tâm văn hóa tinh thần”.

Trong tờ trình ngày 8-12-1942, kiến trúc sư Lagisquet đã đánh giá: “Không ai có thể phủ nhận Đà Lạt chiếm một vị trí thuận lợi ở Viễn Đông. Khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho Đà Lạt thành một nơi có thể không nơi nào sánh được. Đà Lạt có thể trở thành một nơi nghỉ mát lớn nhất ở Viễn Đông”.           

Trước năm 1945, ở Đà Lạt người ta có thể dễ dàng thuê ô tô và ngựa, nhưng ở đây tản bộ vẫn là một thú vui lớn vì khí hậu mát mẻ quanh năm. Từ trung tâm Đà Lạt, du khách đi bộ, lái xe hay cưỡi ngựa trên ba tuyến đường vòng dài 3km, 7km và 11km đi đến thác Cam Ly và ngang qua những khu rừng tuyệt đẹp. Đi theo đường vòng 99 điểm ngoạn cảnh (đường vành đai săn bắn hay còn được gọi là đường vòng Lâm Viên), du khách gặp được nhiều đàn cà tông đã quen thuộc với ô tô. Cũng từ Đà Lạt, du khách đi ô tô đến điểm đầu tiên trên đường Đà Lạt – Dankia. Từ sáng sớm, du khách dùng ngựa hay kiệu đi trong khoảng 1 giờ rưỡi và tiếp tục đi bộ khoảng 45 phút (đoạn đường này tuy ngắn nhưng rất dốc) đến đỉnh đầu tiên trong 5 đỉnh của dãy núi Lang Biang. Từ đây du khách có thể nhìn thấy phong cảnh tuyệt đẹp của vùng Dankia và những hoành sơn đầu tiên của Đắc Lắc. Tiếp tục đi trên con đường nối các đỉnh núi, du khách đến đỉnh cao nhất trong dãy. Tuy 2 giờ leo núi thật vất vả nhưng dùng bữa ăn trưa trên đỉnh núi này, được hít thở không khí trong lành và mát rượi khiến cho du khách quên đi nỗi gian truân thời gian vừa qua. Leo núi Lang Biang, thời gian tốt nhất trong năm là từ tháng 11 đến tháng 3; vào thời điểm khác thời tiết thường mưa, ẩm ướt và đỉnh núi thường bị mây mù bao phủ.

Du lịch bằng xe hơi theo tuyến đường Đà Lạt – Fimnom – Dran – Đà Lạt mất khoảng 2 giờ 45 phút. Trước hết, xe xuống đèo Prenn đến Fimnom quẹo trái ngang qua đồn điền cà phê (khu vực Bắc Hội sau này) và đi dọc theo thung lũng phì nhiêu của sông Đa Nhim (khu vực Thạnh Mỹ, Lạc Xuân ngày nay). Từ Dran, xe lên đèo đến Trạm Hành. Trên chặng đường này, du khách nhìn thấy đường sắt răng cưa chạy trên triền dốc là đoạn đường sắt có hệ thống răng cưa duy nhất ở nước ta.

Tuyến đường Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang là một một trong những tuyến đường miền núi đẹp nhất ở Đông Dương. Trên chặng đường từ Ngoạn Mục ngang qua Trạm Hành dài 42 km, xe đi mất khoảng 1 giờ. Trên đoạn đèo Ngoạn Mục dài 20 km, du khách say mê ngắm cảnh Trường Sơn từ hoành sơn cuối cùng của cao nguyên Lang Biang chạy tới tận miền duyên hải ở phía đông. Đặc biệt, trên đầu đèo Ngoạn Mục, một nhà vọng cảnh được xây cất lên giúp cho du khách từ trên cao ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp trải dài dưới tầm mắt.

Tuyến đường Đà Lạt – Buôn Ma Thuột có thể đi bằng xe trong mùa khô. Sau khi đi được 148 km, xe dừng lại bên hồ Lak trong xanh. Tiếp tục sau một chặng đường dài 45 km đi qua giữa những vùng săn bắn, xe đến Buôn Ma Thuột.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng