NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

VỀ PHONG CÁCH ĐÀ LẠT

                                                                               HỒ TẤN TRAI

 

Tại câu lạc bộ Ba Đình ở Hà Nội mà một số người coi như đó là câu lạc bộ phù phiếm vì số người này đến đó không phải để bơi lội hay rèn luyện thân thể mà chủ yếu là uống bia và nói chuyện phiếm, tôi được nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện thời sự xã hội đến chuyện phòng khuê vua chúa, chuyện địa ngục thiên đường. Một buổi chiều, có dịp ngồi gần nhà báo họ Trương, tôi nghe anh nói: 

Ra về nhớ cảnh, nhớ người

Một lần tương ngộ suốt đời không quên.

Anh Trương kể chuyện anh đi chơi Đà Lạt như chuyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, chuyện tiên cảnh giữa trần ai. Nào chuyện hồ xanh thác trắng; cái thú nhìn sương mù buổi sáng trên hồ Xuân Hương, đi chơi thác Prenn nhìn trời tuôn nước đến thác Đa Tanla biến tiên, nơi xưa kia các nàng tiên trên núi xuống tắm, vì thác nằm dưới lũng sâu, cây lá um tùm, một nơi tắm kín đáo "Thang lan rủ bức, trướng hồng tẩm hoa", chính anh bị hấp dẫn bởi huyền thoại cũng đã ngủ lại đó một đêm, ngủ bằng nóp, loại nóp hiện đại bằng cao su anh mang từ nước ngoài về. Nào chuyện đồi cao lũng thấp; anh đi chơi Thung lũng Tình Yêu, trưa nắng nghỉ dưới rặng thông, có chụp tấm ảnh trong đó có mấy thiếu nữ xinh đẹp, anh khoe tấm ảnh và liên hệ cảnh Marcel (Marcel Proust) đi chơi với các thiếu nữ đang xuân và tưởng tượng như mình đang sống giữa những nữ thần. Anh đến Đồi Cù ngồi dưới gốc thông hít thở không khí trong lành thoảng hương thông ấm áp dễ chịu. Anh tiếc chưa có dịp trèo lên đỉnh núi Bà (Pic Lang Bian), song mắt anh luôn hướng tới quả núi hùng vĩ có hai cái đỉnh gần kề nhau như hai bầu vú thiên nhiên mang nguồn sống bất tận, anh bỗng liên hệ truyền thuyết bà Âu Cơ từ giã Lạc Long Quân đem 50 người con gái lên núi và tự hỏi: Phải chăng đó là tượng đài Mẹ Âu Cơ. Việt Nam ta có núi Vọng Phu, song chưa thấy có một tượng đài tương xứng với hình ảnh mẹ Việt Nam, người mẹ đã sinh ra nhiều thế hệ ngoan cường có sức mạnh, có khả năng trải qua gian nan thử thách để tồn tại và phát triển 4.000 năm với những bước đi tới vững chãi hào hùng. 

Nói nhiều về cảnh đẹp Đà Lạt, anh Trương không quên nhắc đến con người Đà Lạt: merveilleux! merveilleux ! (kỳ diệu ! kỳ diệu !). Anh dùng tiếng Pháp, anh là cộng tác viên của tờ báo Pháp (Humanité). Anh nhắc lại với nỗi nhớ bạn hữu, hình ảnh một thanh niên lái Honda đưa anh đi chơi một số nơi xa thành phố, vừa lái xe, vừa thuyết minh, lúc nào cũng vui vẻ nhiệt tình, thật là hiền, thật lịch sự, thật dễ thương, nói chuyện với anh, chàng thanh niên Đà Lạt xưng "con" ngọt xớt, đi tới nơi, về tới chốn, cần mẫn chu đáo. 

Nghe anh Trương nói chuyện, anh em chúng tôi náo nức được đi Đà Lạt một chuyến, tưởng chừng như nếu không đi, không biết Đà Lạt thì đến lúc nào đó phải nằm xuống thì sẽ không yên lòng.

Vậy là sau đó tôi có dịp đến làm việc ở Đà Lạt. Trăm nghe không bằng một thấy; có nhìn thấy tận mắt, có tiếp cận với cảnh, với người, có nhân thân cảm nhận thì mới nói ra được. Nói ra cảm nhận của mình về một nơi cảnh đẹp người hiền là một điều thú vị, một hạnh phúc, dù điều mình nói ra đã có người khác nói rồi.

Đà Lạt là tiên cảnh giữa trần ai, đúng như anh Trương nói. Ai cũng biết đấy là cách nói ẩn dụ, tức là nói ngoa, thế nhưng những người đến Đà Lạt nói như vậy, người ở Đà Lạt lâu cũng nói vậy, và tôi, người đến sau, chưa hiểu sâu về Đà Lạt cũng cảm nhận như vậy, dù tôi đã nghe, đã thấy thành phố này có cái hay cái đẹp của nó, đồng thời có những yếu kém khuyết tật của nó. Đâu có gì lạ, đây là hiện thực Việt Nam, và Việt Nam sau những năm dài anh hùng kháng chiến anh dũng và tài giỏi, đã rơi vào tình cảnh khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt, kể cả mặt tinh thần và đạo đức. Nay ta đang đổi mới, cố gắng vượt qua khủng hoảng, đang có những tiến bộ nhanh rất đáng khích lệ, tuy nhiên công cuộc đổi mới là một quá trình cần có quyết tâm và có thời gian, cho nên có chuyện nghịch thường là trong một cuộc họp, một cuộc hội thảo, ta có dịp nghe đồng thời những ý kiến ca ngợi tốt đẹp và những ý kiến phê phán, kêu ca về Đà Lạt xuống cấp. Hai loại ý kiến khác nhau đều có cơ sở thực tế và đều mang ý nghĩa tích cực, người kêu ca về Đà Lạt xuống cấp thì mong muốn ngăn chặn tình trạng xuống cấp, người ca ngợi Đà Lạt không tiếc lời vì cảm thấy rợp ngợp về cảnh đẹp, người hiền Đà Lạt và vô cùng ngạc nhiên về sự khác nhau rất xa về mặt tinh thần đạo đức giữa Đà Lạt với nhiều thành phố khác ở Việt Nam. 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta hay nói đến phong cách Đà Lạt. Nói phong cách là nói cái đã định hình, cái có tính tương đối bền vững của một cá nhân, một dân tộc, một miền đất. Ở đây nói phong cách Đà Lạt là nói những nét tính tình nổi rõ nhất ở người Đà Lạt. Vậy thử xem những nét đó ra sao, do đâu mà có, ý nghĩa và tác dụng của nó đối với đời sống hiện nay và đối với những diễn biến trong tương lai gần với công cuộc đổi mới.

Hiền hoà, lịch sự, giàu lòng từ ái và tinh thần hành thiện, đó là nét nổi rõ ở người Đà Lạt, bên cạnh những nét được xem như hằng tính mang tính truyền thống của mỗi người Việt Nam: yêu nước và anh dũng giữ nước, đoàn kết tương thân tương ái. 

Người Đà Lạt tự thấy vui mừng được sống giữa những con người hiền hoà lịch sự. Do đâu mà có được những tính tình đó ? 

Có thể dựa vào lý luận tam tài (thiên, địa, nhân) của phương Đông để phân tích. Theo lý luận này, thiên (trời) là linh hồn vạn vật, địa (đất) là nguồn sống vạn vật, nhân (người) là cái đạo làm cho vạn vật trở nên sinh động. Nói về nhân tố người, cũng có thể tham khảo thêm ý niệm về cái căn tính địa lý - dân tộc - văn hóa (identité géoethnoculturelle) để phân tích tính tình người Đà Lạt.

Nói phong cách người Đà Lạt tức nói phong cách người Việt Nam ở Đà Lạt, đó là người Việt Nam mang sẵn tính cách truyền thống Việt Nam, đồng thời mang những tính tình mới hình thành trong quá trình sinh sống ở Đà Lạt, chịu tác động của thiên nhiên, địa lý, con người Đà Lạt. Nói phong cách Đà Lạt, tức nói phong cách người Việt Nam đã có một quá trình Đà Lạt hoá. 

Thiên nhiên, khí hậu Đà Lạt có tầm quan trọng lớn trong việc quy định tính tình người Đà Lạt. Những thác nước hùng vĩ từ núi cao đổ xuống, chảy qua những thảm đá, tràn xuống những lũng sâu làm thành những hồ lớn thơ mộng như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện hay những hồ nhỏ hơn, những con lạch nước tưới cây. Những đồi thông bạt ngàn, cây thông đứng thẳng giữa trời, hiên ngang phong cách người quân tử, với lá thông che mát, hương thông mang tính thanh lọc khí thở, với sóng tùng dìu dặt đu đưa làm êm dịu tâm hồn người, chưa nói chuyện thông là nguồn lợi kinh tế lớn, là rừng vàng của Đà Lạt - Lâm Đồng. Những loại cây ăn quả, cây hoa tốt tươi, quả to và giàu chất dinh dưỡng như quả hồng, quả táo, quả bơ, hoa thì sắc màu đa dạng, có hoa trồng và hoa dại, nhiều giống hoa lạ, làm cho người đi đường vui mắt, quên mỏi chân, thích đi tản bộ. Hoa lan phong phú, nhiều loại (phong lan, địa lan) có vẻ đẹp quyến rũ du khách, cũng là nguồn thu lợi của Đà Lạt.

Khí hậu Đà Lạt mát mẻ, một ngày như có bốn mùa (sáng, trưa, chiều, tối), nhiệt độ có khác nhau, nói chung dễ chịu như có cái máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ cho toàn thành phố.

Đất Đà Lạt màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác, cho sản xuất vật phẩm nuôi sống con người. Đất trồng rau, trồng hoa, trồng cây ăn trái ở Đà Lạt tương đối dễ làm và đem lại thu nhập khá, nhờ đó thao tác lao động của người trồng rau cũng tương đối nhẹ và năng suất không thấp (nhiều người dùng máy cày, tưới nước bằng máy bơm, đi giày cao su, mang găng tay khi lao động). Sản phẩm làm ra thường có xe chuyển đi; canh tác thuận lợi, đời sống người dân khấm khá lên. Tình hình đó ảnh hưởng tốt tới tinh thần đạo đức người trồng, đến thái độ vui vẻ, cởi mở, hiếu khách của họ. 

Thái độ người sản xuất ảnh hưởng tới thái độ người vận chuyển, người mua đi bán lại, kể cả những người bán hàng ở chợ và những người khác. Khách từ nơi khác đến lỡ đường xin quá giang xe, lắm khi người lái xe không lấy tiền, khách mua hàng ngoài chợ sơ ý đưa thừa tiền hay bỏ quên tiền, quên túi thường được trả lại, nét thật thà lịch sự đó làm cho người mới đến Đà Lạt vui và yên tâm.

Quan hệ giữa viên chức cơ quan Nhà nước với dân chúng cũng ít phiền toái hơn nhiều nơi khác. Quan hệ đó nói chung là có lý, có tình. Tình hình này có quan hệ với lịch sử hình thành đô thị ở Đà Lạt, một thành phố được tạo dựng trước tiên nhằm đáp ứng yêu cầu nghỉ dưỡng, sau đó có thêm yêu cầu đào tạo cán bộ, yêu cầu du lịch. Bộ máy quan chức hành chính được cấu trúc theo yêu cầu đó tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ giữa giới cầm quyền và dân chúng, quan hệ này vừa có tính chất cai trị chuyên chính, vừa có tính chất giáo dục, hỗ trợ, tính chất sau nổi rõ và xu hướng trở thành tính chất được quan tâm phát huy, có sự khác biệt so với nhiều nơi khác trong nước. 

Góp phần vào sự hình thành nét hài hoà của người Đà Lạt, không thể quên nói đến vai trò của người dân tộc thiểu số và của những tu sĩ tôn giáo khác nhau.

Đà Lạt có người dân tộc thiểu số. Công lao của người dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển tổ quốc Việt Nam rất lớn, đó là điều đã có trong truyền thuyết cũng như trong thực tế. Ngày nay ở Đà Lạt, anh em người dân tộc tiếp tục góp phần tích cực vào đời sống xã hội và quản lý xã hội, đáng nói ở đây cái chất phác thật thà của người dân tộc thiểu số góp phần tích cực vào tính hiền lành thật thà của người dân Đà Lạt nói chung. 

Đà Lạt có nhiều người đến tu. Đà Lạt với cảnh đẹp thiên nhiên khác thường, với cảnh núi rừng yên vắng, với sức hấp dẫn lạ lùng của những thắng cảnh kiểu Tô Đông Pha "mù toả Lô Sơn khói Chiết Giang" chính là miền đất hứa của người đi tu, đi ẩn. 

Tu sĩ ở Đà Lạt thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đã cho thấy vai trò tích cực của họ trong việc làm từ thiện, truyền bá tinh thần đạo đức, góp phần thăng bằng hóa đời sống kinh tế và đời sống văn hóa đạo đức. Không nói ở đây về những chuyện ma giáo, tu sĩ dỏm mà thời nào cũng có, ở đâu cũng có, tôi nghĩ rằng tu sĩ ở Đà Lạt tu trì dưới hình thức khác nhau, kể cả hình thức tự lập am thất, tịnh xá tự tu tự dưỡng, hầu hết là người có ý thức góp phần vào việc nâng cao đạo đức con người, không chỉ lo độc thiện kỳ thân mà còn lo cứu nhân độ thế, theo cách riêng của mỗi người. Nhìn đôi mắt sáng trong phản chiếu lòng ưu nhân ái đức của nhiều tu sĩ, tôi bỗng liên hệ tới cái không khí tốt đời đẹp đạo của thời Lý Trần, một thời thịnh trị hiếm có ở nước ta, cũng là một thời đoàn kết tôn giáo "tam giáo đồng nguyên". Ngày nay các tôn giáo ở Việt Nam không chỉ có ba (Nho, Phật, Lão) mà có nhiều hơn, tất cả đều đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề đặt ra không chỉ là phát huy tự do tín ngưỡng mà còn kiếm tìm biện pháp thích hợp khích lệ các tu sĩ phát huy yêu nước và tu thân, tu thân và hành thiện, tu sĩ cùng toàn dân ra sức làm cho người dân bớt khổ đau, đất nước thịnh vượng. Lâu nay, các tu sĩ đã hành đạo theo phương hướng này thì nay càng nên phát huy mạnh hơn trong tình hình mới.

Vậy ở Đà Lạt, con người còn giữ được nhiều cái hồn nhiên thật thà, cái tính thiện, lòng nhân ái. Đà Lạt là miền đất hiếm có, nơi có sự gần gũi giữa lời nói và hành vi cư xử, với hoạt động xã hội chính trị, với truyền thống nhân nghĩa Việt Nam, là miền đất cảnh đẹp người hiền.Từ khi hình thành đến nay, qua 100 năm phát triển, Đà Lạt trải qua nhiều thay đổi, song nói chung không có những đổ vỡ xáo trộn lớn về đời sống. Nhưng từ nay về sau, chuyện gì sẽ xảy ra? Và trong tương lai gần, khi mà nước ta đang mở ra làm bạn với tất cả các nước? 

Cả nước mở ra, Đà Lạt cũng mở ra và với tính cách một thành phố du lịch có tầm quan trọng riêng, Đà Lạt không chỉ sẽ thu hút người trong nước mà cả người nước ngoài, Đà Lạt đã có những công ty liên hợp kinh doanh với người nước ngoài và hình thức hợp tác sẽ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn. 

Mở ra hợp tác như vậy đương nhiên có lợi, đồng thời có lo. Về cái lợi thì cũng dễ thấy như chúng ta thấy ở công trường nâng cấp Đồi Cù. Đồi Cù vốn rất đẹp, nay lại càng đẹp hơn, cách điệu hóa, tôn tạo lên trình độ một sân golf tầm quốc tế. Trước mắt, cả ngàn người hàng ngày có việc làm. Nhưng bên cạnh cái lợi có cái lo. Lo cho dân ta có người nhẹ dạ có thể bị ảnh hưởng bởi thói hư tật xấu của những người nhiều tiền thích ăn chơi trác táng, lo cho tình trạng tha hóa vì đồng tiền đã diễn ra ở nhiều nơi. Đương nhiên, người nước ngoài đến cũng có nhiều người đem tài năng, kiến thức mới đến nước ta, đem lối sống nhân văn trình độ cao đến với Đà Lạt như đã có tấm gương sáng của bác sĩ Yersin mà chúng ta kính cẩn tưởng niệm nhân 100 năm Đà Lạt. Đồng thời người nước ngoài đến cũng có người đem theo bệnh tật đến, như ta thấy, bệnh Sida, mối nguy lớn cũng từ người nước ngoài mang đến.

Do đó, ngay từ đầu, ta cần đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, đề cao tính chủ thể Việt Nam, đề cao nhân cách, truyền thống tốt đẹp Việt Nam trong tình hình mới. Tranh thủ thời cơ làm cho người dân no ấm, đất nước thịnh vượng, đồng thời không tự để rơi vào khủng hoảng mới như đã diễn ra ở nhiều nước.

Giữ gìn lối sống lành mạnh đức hạnh Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc, cái gốc Việt Nam: 

Gốc đã tươi, hoa quả cũng tươi.

Có luân thường đạo lý mới ra người.

Trong tinh thần đó, những người trẻ tuổi cần coi trọng những thành tích của hai cuộc kháng chiến vừa qua, niềm tự hào riêng của Việt Nam mà nhiều nước không có. Thành tích đó có ý nghĩa tích cực lâu dài đến nghìn đời sau, không nên vì thấy nước ta nghèo, nước bạn giàu mà coi nhẹ công lao của người đi trước. Cũng trong tinh thần đó, trong quá trình tiếp tục đổi mới, những người trẻ tuổi cần lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm của người già, kính trọng người già, người có công, tránh thái độ vong ân bội nghĩa. Người trẻ sẽ dần dần thay người già gánh vác trách nhiệm trong giai đoạn mới có nhiều thuận lợi song không ít khó khăn thử thách. Hãy tỏ ra xứng đáng. 

Trong khi hợp tác với người nước ngoài, cần nhớ rằng lối sống Việt Nam khác lối sống phương Tây; phương Tây coi trọng cá nhân là đúng, nhưng họ có xu hướng tôn thờ cá nhân đến mức cực đoan, coi thường cuộc sống gia đình, đó là không hay, trong khi đó thì ở Việt Nam, vai trò của gia đình lại rất quan trọng đối với cuộc sống cá nhân, đối với quá trình tu dưỡng trưởng thành của cá nhân. Lối sống Việt Nam cũng có cái riêng khác lối sống các nước láng giềng Đông Nam Á. Ta làm bạn với họ, hợp tác với họ, khiêm tốn học những cái hay của họ, tránh xa những cái không hay, không hợp với ta. Trong công cuộc mở ra hợp tác với nước ngoài, ta có những khó khăn mới và những thuận lợi, một trong những thuận lợi cơ bản là phong cách sống tốt đẹp của người Đà Lạt. 

Đà Lạt là viên ngọc quý của Việt Nam. Đà Lạt là hoa hậu, càng trưởng thành càng xinh đẹp, càng hòa nhã lịch sự, rộng lượng bao dung. Đồng thời Đà Lạt luôn giữ lối sống trung hiếu, kiên trinh, giàu ý chí và nghị lực như mẹ Âu Cơ hiện ra với chúng ta dưới vóc dáng Núi Bà hiên ngang kiêu hãnh dưới bầu trời đẹp lộng lẫy nơi miền đất Cao nguyên Việt Nam. 

Đà Lạt, 1993

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng