|
||
CHƯƠNG III Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Y TẾ
1. THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1945 Vào năm 1918, tại Đà Lạt chỉ có một trạm cứu thương lưu động. Đến năm 1921, trạm xá đầu tiên của Đà Lạt được thành lập, ban đầu mới chỉ là một ngôi nhà gỗ mái lợp tranh. Năm 1922, bệnh viện Đà Lạt được khởi công xây dựng lần lượt đến năm 1938 thì hoàn chỉnh. Ban đầu nhằm mục tiêu chữa trị những bệnh phụ khoa và sau mở rộng với nhiều phân khu chức năng như sau: - Khu hộ sinh (trước năm 1975 người Đà Lạt thường gọi là nhà thương Phương Lan). - Khu khám bệnh và điều trị dành cho người Pháp. - Khu chữa bệnh miễn phí cho người nghèo (thường gọi là nhà thương thí). - Khu chữa bệnh cho viên chức người Việt. - Khu chữa bệnh cho người giàu. Một nhà xác cũng được thành lập riêng biệt trên ngọn đồi gần bệnh viện. Trong giai đoạn này, bệnh viện được một bác sỹ người Pháp làm Quản đốc trông coi chung và từng phân khu có các bác sỹ hay y sỹ người Pháp quản lý trực tiếp. Một số trạm xá khác cũng được hình thành tại Trạm Hành (Arbre Broyé) và Sở Trà Cầu Đất (Xuân Trường) nhưng hiếm khi người Việt được chữa trị mà chủ yếu là phục vụ cho số binh lính khố xanh, các viên chức làm việc tại sở trà. Cũng trong thời gian này, Viện Pasteur Đà Lạt là đơn vị cuối cùng trong hệ thống các viện Pasteur ở Đông Dương được khánh thành vào ngày 1-1-1936. Viện đặt dưới sự điều hành của bác sỹ Souchard – người Pháp. Ngoài việc sản xuất vắc-xin, Viện Pasteur Đà Lạt còn có nhiệm vụ xét nghiệm nước và thực hiện các xét nghiệm về giải phẩu bệnh học, đảm nhiệm công tác xác định sức khoẻ cho người dân ở Cao nguyên Trung Phần. Về xét nghiệm, đến năm 1940, Viện đã kiểm nghiệm được 5.572 mẫu bệnh sốt rét và một số bệnh khác. Hoạt động của Viện Pasteur Đà Lạt trong giai đoạn này đã góp phần tích cực cho việc phòng chống một số bệnh truyền nhiễm và bệnh đường ruột của cư dân địa phương. Năm 1930, doanh trại Courbet được thành lập ở phía đông bắc Đà Lạt (khu vực Chi Lăng ngày nay), trong đó có trại nghỉ dưỡng cho lục quân của quân đội viễn chinh Pháp. Đến năm 1937, quân y viện Catroux cũng được thành lập ở khu vực này (từ năm 1954 đến 1975 là bệnh viện quân y dành cho quân đội của chế độ cũ nên thường được gọi là bệnh viện Trường Võ bị Đà Lạt, hiện nay là bệnh viện của Học viện Lục quân). Vào năm 1942, tại khu vực Học viện Lục quân ngày nay quân đội Nhật xây dựng một quân y viện nhằm phục vụ việc chữa trị cho binh lính Nhật. Đối với cộng đồng dân cư, việc khám chữa bệnh từ những năm đầu thế kỷ dựa vào những cơ sở y tế đã được xây dựng theo nhịp độ gia tăng dân số. Trong thời gian này Đà Lạt có hai tiệm thuốc tây: Pharmacie Barthe về sau bán lại cho ông Võ Đình Dần; Pharmacie Domart về sau bán lại cho ông Hoàng Hy Tuần. Về hiệu thuốc Nam hoặc thuộc Bắc có hiệu thuốc Thế An Đường (tiệm Con Cua mở vào năm 1929) và hiệu thuốc Từ Bồi Xuân là những cơ sở đông y sớm được thành lập. |
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |