NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

ALEXANDRE YERSIN

                                                                    NGUYỄN HỮU TRANH

 

Alexandre John Émile Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại một vùng miền núi thuộc tổng Vaud, huyện Lavaux, tỉnh Morges ở phía tây nước Thụy Sĩ.

Yersin là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Cha của Yersin là một người Thụy Sĩ, giáo viên dạy môn Sinh học tại trường trung học Morges, thích nghiên cứu côn trùng học, từ trần ba tuần trước khi Yersin ra đời. Mẹ là người Pháp, quê quán ở Paris.

Năm 20 tuổi, Yersin học ngành y tại Lausanne (Thụy Sĩ), sau đó tiếp tục học tại Marbourg (Đức) và tốt nghiệp đại học Paris (Pháp) với luận án Tiến sĩ y khoa về bệnh lao.

Từ năm 1886, Yersin làm việc tại Viện Pasteur Paris và cộng tác với bác sĩ Roux tìm ra độc tố của vi khuẩn bệnh bạch hầu.

Năm 1889, Yersin nhập quốc tịch Pháp.

Trong những năm miệt mài nghiên cứu tại Viện Pasteur, Yersin đã chứng tỏ một thiên tài hiếm có, một con người giàu nghị lực, thông minh, ham tìm tòi, học hỏi. Tương lai tươi sáng mở ra trước mắt Yersin, nhưng Yersin lại hướng về những chân trời mới, muốn tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại: “Tôi luôn luôn mơ ước thám hiểm, khám phá đất lạ; khi còn trẻ, ta luôn luôn tưởng tượng những điều kỳ lạ sẽ đến, không có gì là không thể không làm được”.

Thế rồi, vào năm 1890, Yersin bất ngờ tạm rời bỏ ngành vi trùng học, sống đời thuỷ thủ và nhà thám hiểm, mở đầu một quãng đời khác thường kéo dài hơn 50 năm.

Trước hết, Yersin nhận làm bác sĩ trên một con tàu của Hãng Vận tải đường biển đến Viễn Đông. Sau 6 tháng hoạt động trên tuyến đường Sài Gòn - Ma-ni-la (Phi-líp-pin), Yersin chuyển sang làm việc trên con tàu “Sài Gòn” chạy từ Sài Gòn đến Hải Phòng và ngược lại.

Ngay trong chuyến đầu tiên nhìn thấy Nha Trang, phong cảnh Nha Trang đã quyến rũ tâm hồn Yersin. Yersin dự định đi bằng đường bộ từ Nha Trang đến Sài Gòn bằng cách trước tiên đi về hướng tây đến tận dãy Trường Sơn, sau đó đi theo hướng tây - nam để đến Sài Gòn. Yersin tính sẽ thực hiện chuyến đi ngang qua vùng rừng núi hoàn toàn chưa được biết đến trong 10 ngày, đủ thời gian để lên tàu trước khi tàu nhổ neo về lại Hải Phòng.

Vào một ngày tháng 7 năm 1891, tàu cặp bến Nha Trang. Yersin liền đến gặp ông Lenormand - sĩ quan hàng hải, công sứ tỉnh Khánh Hoà - đang ở trong một mái nhà tranh trên bờ biển, gần một làng chài. Lenormand rất quan tâm đến ý định của Yersin, sẵn sàng giúp đỡ Yersin và nhờ các viên quan của thành Diên Khánh tìm cho Yersin một người dẫn đường. Nhưng không một người dân nào ở đây có gan mạo hiểm lên đến dãy Trường Sơn, một vùng rừng núi được coi như bất khả xâm phạm! Lenormand khuyên Yersin thay đổi ý định, nên tiếp tục đi theo con đường cái quan đến Phan Rang, nơi ấy có thể có những đường mòn dẫn đến Trường Sơn.

Yersin cưỡi ngựa đi trên đường cái quan lúc đó chỉ là một con đường mòn và đến Phan Rang trong thời gian ngắn nhất. Trước đây, để tránh đàn áp tôn giáo, một linh mục truyền giáo ở Phan Rang đã trốn lên miền Thượng trong vùng rừng núi phía tây. Linh mục truyền giáo chỉ nhớ mang máng về lần trốn lên xứ Thượng và khuyên Yersin tiếp tục cuộc hành trình đến Phan Rí, ở đó chắc chắn Yersin sẽ tìm được người dẫn đường lên vùng rừng núi.

Yersin tiếp tục đi đến Phan Rí. Viên quan địa phương tìm ngay cho Yersin một người biết rõ những nẻo đường tiến sâu vào dãy Trường Sơn. Không đợi đến ngày hôm sau, Yersin cùng một người hướng đạo khởi hành ngay từ giữa trưa.

Cuối cùng, hai người đi đến vùng Djiring (Di Linh ngày nay). Dân làng cho biết có thể tiếp tục cuộc hành trình đến Sài Gòn nhưng cần ít nhất từ 9 đến 10 ngày đường. Ngày kia, tàu lại nhổ neo ra miền Bắc, Yersin không thể đi tiếp nữa, phải ra bờ biển ngay. Yersin được biết Phan Thiết là một địa điểm gần nhất, chỉ cách một ngày đường.

Tối hôm sau, Yersin đến Phan Thiết. Tại trạm thu thuế, Yersin được tiếp đãi chân tình. Người trạm trưởng cho Yersin một đôi giày ống thay thế cho đôi giày cũ đã bị rách tả tơi từ khi lên đến đỉnh đèo. Yersin lên một chiếc thuyền buồm ra Nha Trang và đến trạm thu thuế Nha Trang ở Chụt.

Đêm hôm đó, tàu “Sài Gòn” cũng đến Nha Trang, Yersin kịp lên tàu đúng lúc tàu sắp nhổ neo lên đường đi Quy Nhơn.

Về đến Hải Phòng, Yersin phải chịu một trận sốt rét ngã nước kéo dài suốt thời gian tàu dừng lại ở cảng này.

Năm 1892, khởi hành từ Ninh Hoà, Yersin lên Đắc Lắc.

Ngày 9-6-1892, Yersin đến Stung Treng trên bờ sông Mê Công.

Sau một thời gian ở Paris, Yersin lại mong muốn tiếp tục thám hiểm, ông viết trong hồi ký:

“Khi ta trở về với đời sống văn minh, ta vội quên nhanh nỗi mệt nhọc, gian lao, thiếu thốn trong chuyến thám hiểm. Nhưng rồi ta lại nuối tiếc cuộc sống mạo hiểm đầy những trường hợp bất ngờ, và ít nhà thám hiểm nào lại bằng lòng với chuyến thám hiểm đầu tiên. Tôi không bị loại khỏi quy luật này. Vừa mới khỏi bệnh kiết lị mắc phải trong chuyến đi năm 1892, tôi tìm mọi cách xin được tiến hành một chuyến đi mới với nhiệm vụ khoa học.

Nhờ sự giúp đỡ của người thầy lỗi lạc của tôi là Pasteur và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngày 24-12-1892, tôi rời bến Marseille đi Sài Gòn. Chuyến đi khảo sát chủ yếu thám hiểm một vùng ở Nam Trung Kỳ nằm giữa bờ biển và sông Mê Công, đầu nguồn của sông Đồng Nai và Xê Băng Can.

Vừa mới tới Sài Gòn, tôi đến trình diện với ông toàn quyền. Ông De Lanessan muốn chuyến đi của tôi đạt được kết quả thiết thực. Ông muốn tiếp tục ở Trung Kỳ những công việc ông đã bắt đầu thực hiện ở Bắc Kỳ và ông dự định xây dựng nhiều đường sá giúp cho giao thông được dễ dàng, cho phép tiến sâu vào nội địa, thương mại được thuận tiện và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Ông giao cho tôi nghiên cứu một dự án đường sá đi từ Sài Gòn tiến vào xứ Thượng; con đường này sẽ đi về phía Bắc để tới một địa điểm thuận tiện nhất trên bờ biển Trung Kỳ.

Tôi phải trình bày lại hiện trạng tài nguyên của xứ sở này, khả năng chăn nuôi, nghiên cứu lâm sản, tìm kiếm những khoáng sản có thể khai thác trong núi rừng.”

Ngày 24 - 2 - 1893, Yersin đi xe từ Sài Gòn đến Biên Hoà, còn những người Việt dùng thuyền tam bản chở hành lý ngược dòng sông.

Ngày 28 tháng 2, đoàn người đi xe trâu từ Trị An đến Trà Cú.

Ngày 18 tháng 3, Yersin tiếp tục đi từ Tánh Linh đến Phan Thiết.

Từ Phan Thiết, Yersin đi trên con đường cái quan đến Nha Trang để trình diện với công sứ Lenormand rồi trở về Phan Rí.

Ngày 8 tháng 4, từ sáng sớm, đoàn gồm 80 người khuân vác, 6 con ngựa, 1 con voi khởi hành lên miền núi. Đoàn đi từ Kalon-Madai (tỉnh Bình Thuận) đến Riong (thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ngày nay) vào ngày 14 tháng 4. Nếu tiếp tục đi về hướng đông - bắc, Yersin sẽ đến cao nguyên Lang Biang nhưng Yersin trở lại Tánh Linh, dời chuyến thám sát Lang Biang sang thời gian sau.

Ngày 22 tháng 5, đoàn men theo thung lũng sông La Ngà, vượt sông Đạ Đờng, đến núi Tà Đung (thuộc tỉnh Đắc Nông). Sau khi leo núi Tà Đung, Yersin đến Con Tan và Riong. Yersin để đồ đạc lại ở Riong và cùng với bốn người khuân vác thám sát Lang Biang.

3 giờ 30 chiều ngày 21-6-1893, Yersin đến cao nguyên Lang Biang. Yersin chỉ ngủ lại đêm ở Đăng Kia, rồi trở về Riong dưới một cơn mưa tầm tã.

Rời Riong, Yersin men theo thung lũng sông Đa Nhim và đến Phan Rang.

Cuối năm 1893, Yersin lại lên cao nguyên Lang Biang, thám hiểm cao nguyên Đắc Lắc, A-tô-pơ (Lào) và ngày 7-5-1894 đến Đà Nẵng.

*

Năm 1890, bác sĩ Albert Calmette thiết lập chi nhánh Viện Pasteur ở Sài Gòn.

Năm 1894, bệnh dịch hạch lan tràn trên khắp miền Đông Trung Quốc. Bác sĩ Calmette đề nghị Yersin đi Trung Quốc để nghiên cứu tại chỗ bệnh dịch hạch.

Ngày 15-6-1894, Yersin đến Hồng Công và gặp một đối thủ - bác sĩ Kitasatô - đã đến Hồng Công trước Yersin 3 ngày. Bác sĩ người Nhật này đã nổi tiếng về công trình khoa học tìm ra vi trùng bệnh uốn ván.

Yersin dựng một túp lều tranh bên cạnh bệnh viện và làm việc trong điều kiện thiếu thốn. Chỉ sau 5 ngày làm việc, ngày 20-6-1894, ông đã tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch. Qua hệ thống bưu điện của Anh, ông gửi những ống nghiệm đựng trực trùng sang Pháp. Trực trùng bệnh dịch hạch đến Viện Pasteur Paris nguyên vẹn và được xác minh, mang tên Yersin (Yersinia pestis).

Năm 1895, Yersin thành lập Viện Pasteur ở Nha Trang và điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch.

Một năm sau, bệnh dịch hạch tái phát ở Trung Quốc, Yersin lại sang Trung Quốc và cứu được nhiều người thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo đã giết 50 triệu người từ thời thượng cổ.

Yersin trở về Nha Trang. Một cuộc đời mới bắt đầu. Nhiều vấn đề được đặt ra.

Nhận thấy thành phố Nha Trang xây dựng trên một vùng cát trắng không tiện mở rộng những cánh đồng cỏ để nuôi ngựa dùng cho việc điều chế huyết thanh, ông khai phá vùng Suối Dầu, cách Nha Trang hơn 10 km về hướng nam, thành lập một trại chăn nuôi và trồng trọt.

Theo gương các bậc tiền bối, ông lao vào nghiên cứu huyết thanh trị bệnh dịch hạch cho trâu bò. Từ đó, Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu vi trùng động vật và các bệnh nhiễm trùng gia súc.

Trong một chuyến dừng chân tại Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a, Yersin rất chú ý đến việc trồng cao su. Năm 1897, ông bắt đầu trồng cao su ở Suối Dầu và 8 năm sau, năm 1905, hãng Michelin (Pháp) nhận được 1.316kg mủ cao su đầu tiên. Quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su, ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hoá. Tại đây, những biện pháp chọn giống, cạo mủ và làm đông mủ cao su được nghiên cứu có hệ thống đã giúp rất nhiều cho những người trồng cao su ở Đông Dương.

Thời gian trôi qua… Trại chăn nuôi và trồng trọt tại Suối Dầu ngày càng mở rộng. Yersin nhận chức viện trưởng 2 viện Pasteur ở Sài Gòn và Nha Trang.

*

Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer được chứng kiến những nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) tổ chức tốt và nhận thấy binh sĩ đóng tại các địa điểm trên độ cao từ 1000m lên đến 2000m, có khí hậu giống như ở châu Âu, không bị mắc những bệnh ở vùng nhiệt đới. Doumer rất mong muốn tìm một hay nhiều nơi tương tự dành cho công chức và binh sĩ Pháp mệt mỏi, đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng nung người ở đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe. Doumer nêu ra bốn điều kiện cần thiết cho một nơi nghỉ dưỡng: độ cao tối thiểu 1.200m, nguồn nước dồi dào, đất đai trồng trọt được, khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng.

Ngày 19-7-1897, Alexandre Yersin gửi thư đến Toàn quyền Paul Doumer đề xuất cao nguyên Lang Biang.

Tháng 3 năm 1899, Doumer gửi điện tín cho bác sĩ Yersin báo tin ông sẽ đến Phan Rang trong vòng 48 giờ và sẽ cùng Yersin leo núi lên cao nguyên Lang Biang.

Lúc bấy giờ, con đường cái quan từ Nha Trang đến Phan Rang chỉ là một con đường mòn không có cầu bắc qua sông. Yersin liền cưỡi ngựa đi suốt ngày đêm, chỉ dừng lại ở các trạm đặt cách nhau từ 15 đến 20km. Ngày 25-3-1899, Yersin đến Nại (gần Phan Rang) đúng lúc tàu Kersaint  cặp bến.

Doumer nghỉ trong giây lát ở tòa công sứ Phan Rang, sau đó cùng đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi ngay, định chiều hôm ấy đến chân núi, cách Phan Rang khoảng 40km.

Ngựa của Doumer phi nước đại. Nhờ giống ngựa tốt, Yersin đuổi kịp Doumer và đến Krongpha khi trời chập choạng tối.

Yersin dựng lều, lấy ra hai cái giường xếp và vài lon đồ hộp. Mãi đến khuya, đoàn tuỳ tùng và hành lý mới đến nơi.

Sáng hôm sau, khi trời vừa sáng, đoàn người bắt đầu leo núi. Con đường đèo thật gập ghềnh và hiểm trở, mọi người phải dắt ngựa đi bộ. Họ đến Dran vào lúc 10 giờ. Trên cao nguyên, chưa có một người Việt nào sinh sống. Dran chỉ là một buôn Thượng mà dân cư đều bị bệnh sốt rét hoành hành. Sau khi tắm sông và vội vàng ăn trưa, họ lại lên đường đi tiếp chặng cuối.

Trước khi đến Trạm Hành, đoàn người lại dắt ngựa trên đoạn đường đèo, nhưng từ Trạm Hành đường đi dễ dàng hơn, họ tiếp tục lên yên.

Khi Doumer, đại úy Langlois và Yersin đến ven cao nguyên thì trời đã tối. Cả ba người bám sát nhau vì một lý do chính là trong đêm tối, chưa quen với địa hình, họ có thể bị lạc. Vào lúc 10 giờ, họ tới đồn lính ở vị trí Đà Lạt hiện nay. Đó là một mái nhà tranh đơn sơ. Ông Garnier - trưởng đồn - đang ngủ bỗng choàng dậy trước sự có mặt của khách lạ vì chưa được báo tin trước. Vào lúc 1 giờ khuya, đoàn tuỳ tùng đến. Viên công sứ Nha Trang nói với giọng hãi hùng: “Tôi nghe tiếng cọp gầm, tôi nhận ra tiếng cọp mà!”.

Từ sáng sớm, đoàn người khởi hành tiến đến Đăng Kia. Trời lạnh, trên đường đi họ gặp rất nhiều con cà tông.

Ở Đăng Kia, Doumer thanh tra trạm nông nghiệp và khí tượng, trình bày dự án thành lập nơi nghỉ dưỡng tương lai nằm trên đoạn đường xe lửa đi từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến cao nguyên Lang Biang rồi xuống Quy Nhơn. Về sau, dự án không thực hiện được vì khi khảo sát thiết kế, các kỹ sư nhận thấy gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật hơn là thiết lập một đường xe lửa ven biển với một nhánh đường sắt phụ từ Phan Rang lên Đà Lạt.

*

Năm 1902, Yersin ra Hà Nội để thành lập trường đại học y khoa Đông Dương và làm hiệu trưởng đầu tiên.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hòa Lan chiếm độc quyền sản xuất quinin, phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét. Yersin gieo thử hạt canh-ki-na ở Suối Dầu và Đăng Kia. Ông gặp thất bại hoàn toàn ở Suối Dầu, nhưng ở Đăng Kia cần tốn nhiều công sức.

Năm 1917, Yersin trồng cây canh-ki-na ở Hòn Bà - một ngọn núi gần Suối Dầu. Lúc đầu cây tăng trưởng tốt nhưng về sau chết dần vì đất đai không thích hợp.

Tháng 7 năm 1923, những cây canh-ki-na tốt nhất ở Hòn Bà được ông đem lên trồng ở Dran và thu được kết quả tốt. Ông tiếp tục trồng trên cao nguyên Lang Biang nhỏ (Xuân Thọ ngày nay) và Djiring.

Năm 1936, cây canh-ki-na được trồng với quy mô lớn ở Lán Tranh và Djiring, thu hoạch được 30 tấn vỏ với tỷ lệ quinin sunfat 7,42%. Năm 1938, thu được 21 tấn vỏ với tỷ lệ quinin sunfat cao hơn (8,5%).

*

Năm 1924, Yersin giữ chức tổng thanh tra các viện Pasteur ở Đông Dương.

Năm 1933, ông làm viện trưởng danh dự viện Pasteur ở Paris.

Ngày 28-6-1935, trường trung học Yersin được khánh thành ở Đà Lạt, Yersin trở về Đà Lạt lần cuối cùng trước khi mất. Nhân dịp này, đáp lại lời phát biểu của một học sinh, ông đã trình bày cảm tưởng khi lần đầu đặt chân lên cao nguyên Lang Biang:  

“Tôi rất cảm động về cảm tình các em dành cho tôi. Các em hãy tin chắc rằng tôi rất quý mến các em.

Các em tập họp quanh tôi làm cho tôi trẻ lại và gợi nhớ đến thời xa xưa. Ngày ấy, là một học sinh trẻ tuổi, tôi thường táo bạo mơ mộng đến một tương lai đầy mạo hiểm mà hoàn cảnh cho phép tôi thực hiện.

Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Biang vào tháng 6 năm 1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn chưa ai biết đến.

Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Biang chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão.

Không khí mát mẻ làm cho tôi quên đi nỗi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy lên chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh tươi như một cậu học trò nhỏ...” 

*

Trong thời gian  sống ở xóm Cồn  (Nha

 Trang), ông là một người hàng xóm đôn hậu, thường giúp đỡ những cụ già và những người chài lưới, thương yêu trẻ con. Là một nhà nhân văn mẫu mực, ông sống rất giản dị, giàu lòng nhân ái, được dân làng thân mật gọi là ông Năm.

Trong những năm cuối đời, Yersin vẫn say mê nghiên cứu khoa học, hoa lan, ngành thiên văn, vô tuyến điện, đã để lại cho nhân loại 55 công trình khoa học. Vài tuần trước khi mất, tuy bệnh ngày càng tăng, ông vẫn còn tiếp tục theo dõi mực thuỷ triều.

Ngày 1-3-1943, Yersin thanh thản qua đời, hưởng thọ 80 tuổi, để lại một niềm thương tiếc sâu sắc. Hàng ngàn người dân Nha Trang đã đưa linh cữu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Suối Dầu, ảnh ông được thờ trong chùa Long Tuyền và Linh Sơn ở Khánh Hoà.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng