NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG II

DÂN CƯ

 

1.  SỰ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ ĐÀ LẠT

Ngay từ khi mới thành lập, Đà Lạt đã nhanh chóng trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng và du lịch được nhiều người biết đến. Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để xây dựng một thành phố mới nên cùng với các cư dân bản địa, một nhóm không nhỏ cư dân các vùng khác của Việt Nam và cả người Âu, Hoa,… đã từng bước xây dựng Đà Lạt như ngày nay.

Cộng đồng cư dân Đà Lạt phát triển theo quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Dân số Đà Lạt không những thay đổi theo tự nhiên mà còn tăng hoặc giảm theo cơ học từ những biến động của lịch sử, chính trị cùng những đổi thay của cơ cấu tổ chức hành chính.

1.1 Giai đoạn 1900 - 1914

Bác sỹ Alexandre Yersin đến cao nguyên Lang Biang ngày 21-6-1893 đã nhận xét: “Vùng đất dân cư thưa thớt, một vài làng của người Lạch (M’Lates) được tập trung ở chân núi. Nơi đó người ta làm ruộng lúa nước rất đẹp. Người Lạch nói tiếng Chăm cũng thạo như tiếng Mạ. Phụ nữ xoi vành tai thật rộng để nong vào đó những chiếc hình xoắn ốc rất nặng. Người ta tiếp tôi trong căn nhà làng. Mỗi già làng đem tới vò rượu cần của mình. Có đến sáu vò rượu xếp thành hàng dài trước mặt tôi, may thay người ta không yêu cầu tôi phải thưởng thức hết.”

Sau nhiều lần điều tra, Toàn quyền Paul Doumer và các cộng sự đã thiết lập một chương trình xây dựng ở vùng rừng núi Nam Tây Nguyên Việt Nam một thành phố nghỉ dưỡng với trung tâm là Dankia – Suối Vàng. Theo chương trình này, Đà Lạt sẽ là một thành phố toàn vẹn với những trụ sở hành chính hoạt động về mùa hè và những quy hoạch kiến trúc hạ tầng như đường giao thông, trường học, doanh trại quân đội, khu giải trí… Tuy nhiên, đến năm 1902, Paul Doumer  phải chuyển về Pháp nên chương trình xây dựng Đà Lạt của ông bị dở dang vì nguồn kinh phí đã bị cắt. Đến lúc này, cư dân Đà Lạt vẫn là những nhóm người thiểu số Lạch, Chil và một nhóm nhỏ người Việt di cư lên đây từ trước đó.

Đến năm 1906, Đà Lạt một lần nữa được chọn làm nơi nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh sỹ Pháp, nhưng trung tâm được chuyển về vùng hồ Xuân Hương ngày nay. Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Beau đã quyết định xây dựng tại đây một lữ quán dành cho khách vãng lai, xây xong vào năm 1907. Đồng thời, cũng trong năm này, người Pháp đã chuyển trạm khí tượng và trạm nông nghiệp từ Dankia về Đà Lạt. Thời kỳ này, ở Đà Lạt, ngoài các nhóm cư dân bản địa còn có các công chức Pháp, khách viễn du người Âu. Đặc biệt, người Việt đã bắt đầu đến nhiều hơn so với trước, họ là những nhà buôn, tù nhân, người giúp việc trong các phái đoàn nghiên cứu…

Năm 1908, một người Pháp tên là Pierre Duclaux đã đến cao nguyên này và mô tả lại như sau:

“Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách… Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tuỳ tùng… Cư dân phải chống lại cọp beo có rất nhiều ở khắp vùng…”

Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914), mọi hoạt động xây dựng Đà Lạt vẫn chưa có gì đáng kể nhưng đây là bước khởi đầu để hình thành cộng đồng dân cư Đà Lạt trong giai đoạn kế tiếp.

1.2 Giai đoạn 1915 - 1939

Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ đã gây khó khăn đối với người Âu trong việc trở về quê hương vào những dịp nghỉ hằng năm.

Ngày 6-1-1916, tỉnh Lang Bian được thành lập. Ngày 20-4-1916, Hội đồng Nhiếp chính của triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Với các quyết định hành chính trên, Đà Lạt không những có cơ hội mở mang cơ sở hạ tầng mà còn là điều kiện để tăng nhanh về dân số. Năm 1915, nhiều người Âu đã đến Đà Lạt. Đồng thời, người Việt cũng đến định cư ở đây.

Trong giai đoạn này, Đà Lạt đã có nhiều cơ sở hạ tầng rất quan trọng được đầu tư xây dựng thu hút nhiều người Kinh lên Đà Lạt thi công các công trình.

Đồ án quy hoạch Đà Lạt được kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard bắt đầu thực hiện từ năm 1921 và đến tháng 8-1923 thì hoàn thành. Theo đó, kiến trúc sư Ernest Hébrard có dự định xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo đồ án quy hoạch của E. Hébrard, Đà Lạt ngoài các công sở, khu quân sự,… còn có các khu dân cư như: khu dân cư người Việt ở phía tây bắc thành phố với “khu Việt Nam, khu Việt Nam nới rộng, khu Việt Nam dự kiến, khu Việt Nam dự kiến nới rộng…”. Thực hiện đề án này, nhiều cơ sở hạ tầng từ Đà Lạt nối liền với các địa phương khác được hình thành như nối liền đường bộ Đà Lạt – Sài Gòn vào năm 1932, khai thông đường bộ Đồng Nai Thượng – Đắc Lắc năm 1937, hoàn thành hệ thống nhà ga xe lửa và đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt năm 1938.

Việc mở mang đường sá, xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Đà Lạt đã tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư từ khắp nơi đổ về Đà Lạt để định cư, du lịch và nghỉ dưỡng. Dân số Đà Lạt đã tăng lên một cách đáng kể từ 1.500 người năm 1923 lên 5.500 người năm 1935,  9.000 người năm 1938 và 11.500 người năm 1939 (trong đó có 600 người Pháp).

1.3 Giai đoạn 1940 – 1945

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào ngày 1-9-1939 đã làm cho các viên chức và binh lính người Pháp ở Đông Dương khó  có điều kiện trở về quê hương. Tại Việt Nam, người Pháp vốn không quen với khí hậu nóng bức nên trong những dịp nghỉ, họ lên thành phố Đà Lạt quanh năm mát mẻ. Toàn quyền Decoux cũng chọn Đà Lạt làm nơi làm việc vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Trước áp lực gia tăng dân số và các điều kiện khác, đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt dựa trên ý tưởng của kiến trúc sư Pineau được kiến trúc sư J. Lagisquet bắt tay thực hiện kể từ ngày 8-1-1942. Theo đồ án này, Đà Lạt tiếp tục được mở rộng về phía nam, tây và tây bắc. Trong đó, khu trung tâm vẫn nằm ở phía nam Hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) với các khu giải trí, khu chợ, trường học,… Bên cạnh đó, các cơ sở về giáo dục, y tế, giao thông, điện … cũng được tiếp tục phát triển trong giai đoạn này. Đáng chú ý là công trình đường Prenn mới đã được thay thế cho đường Prenn cũ (đường Khe Sanh, Mimosa ngày nay); nhà máy thuỷ điện Ankroet được khởi công.

Trước 1945, ở nội thành Đà Lạt hình thành hai khu vực cư dân cơ bản là phía bắc suối Cam Ly và phía nam suối Cam Ly. Ở cả hai khu vực này đều có người Việt sinh sống. Ở phía bắc suối Cam Ly, người Việt sống tập trung trong làng Đa Lạc, Cây số 4 (Đa Thuận, Hai Bà Trưng, La Sơn Phu Tử) Cây số 6 (Đa Thành), … Ở khu vực phía nam suối Cam Ly, người Việt sống tập trung tại Tân Lạc, Trại Hầm, Suối Cát (Xuân An), Nam Thiên,… Đồng thời, nhóm cư dân người Việt là công chức sống xen kẽ ở gần các khu bệnh viện, nhà ga, Sở Địa dư, Trường Yersin, Viện Pasteur,… Nếu cư dân người Việt sống tập trung ở hai khu vực bắc và nam suối Cam Ly thì người Hoa vốn hành nghề bán buôn nên hầu như chỉ sống tập trung ở khu vực Cầu Quẹo (đường Phan Đình Phùng) và quanh khu chợ (nay là khu Hòa Bình). Trong khi đó, người Pháp chủ yếu sống trong các khu biệt thự nằm ở phía nam suối Cam Ly và trong cư xá Bellevue, Decoux. Trong giai đoạn này, dân số Đà Lạt bắt đầu tăng lên khá nhanh: 13.000 người năm 1940 lên 20.000 người năm 1942, 21.000 người năm 1943 và 25.500 người vào năm 1944.

1.4 Thời kỳ 1945 - 1954

Các biến cố chính trị liên tục xảy ra trong vòng hai năm 1945 và 1946 đã làm cho cục diện cuộc chiến tranh Đông Dương có sự thay đổi một cách cơ bản.

Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (đêm 9-3-1945), tại Đà Lạt, Nhật đưa quân chiếm đóng nhiều nơi, đồng thời đào nhiều hầm hào công sự ở những vị trí quan trọng, dự trữ lương thực, thực phẩm và ráo riết bắt lính, bắt xâu. Giai đoạn này có đến 600 viên chức và kiều dân Pháp bị bắt tập trung ở hai cư xá Decoux và Bellevue khiến cho cư dân Đà Lạt càng thêm hoang mang.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, nội các Trần Trọng Kim ra đời ngày 17-4-1945, Đà Lạt được giao cho người Việt Nam quản lý. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, vua Bảo Đại thoái vị tại Huế ngày 30-8-1945. Trước đó, ngày 25-8-1945, tại Đà Lạt, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên đã được thành lập. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, Pháp chiếm lại Sài Gòn và Đà Lạt một lần nữa rơi vào tay người Pháp.

Thực hiện chủ trương của Uỷ ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên, một bộ phận dân chúng Đà Lạt đã lánh về Cầu Đất, Đơn Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc trở về quê cũ làm ăn. Do đó đến năm 1946, dân số của Đà Lạt chỉ còn lại rất ít: chỉ khoảng 5.200 người. Người Pháp phải gọi Đà Lạt là “thành phố quạnh hiu”.

Khi trở lại chiếm đóng Đà Lạt, thực dân Pháp tìm mọi cách để đưa các hoạt động kinh tế – xã hội trở lại bình thường. Bộ máy chính quyền ở Đà Lạt đã được tổ chức lại, Tòa Đốc lý được đổi thành Tòa Thị chính cùng với việc thành lập hội đồng kỳ mục ở các phường. Chính quyền ở Đà Lạt một mặt ráo riết đàn áp những người bị tình nghi hoạt động cách mạng hoặc có hành động phá rối, mặt khác cũng ra sức kêu gọi dân chúng hồi cư.

Từ năm 1946 trở đi, tình hình chiến sự ở Đà Lạt và vùng ven đã không cho phép người Pháp và người Việt tự do đi lại như trước kia.

Từ năm 1947 đến đầu năm 1949, khi giao thông đã trở lại bình thường thì dân số Đà Lạt mới trở lại ổn định, người từ nhiều nơi dần quay về Đà Lạt. Tuy nhiên, sự kiện này không kéo dài bởi một thỏa hiệp được ký ở Paris giữa Bảo Đại với Pháp về vấn đề Đà Lạt và Tây Nguyên. Theo thỏa hiệp này, Pháp nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia “độc lập và thống nhất”; nhưng trên thực tế, bởi một sự mặc cả giữa Bảo Đại và Bollaert, Pháp khuyên triều đình Huế nên tách Tây Nguyên thành một đơn vị hành chính riêng. Theo đó, ngày 14-4-1950, Bảo Đại ra Dụ số 6 – QT/TD lập nên “Hoàng triều Cương thổ” và chọn Đà Lạt làm trung tâm. Sau đó, ngày 10-11-1950, Bảo Đại tiếp tục ra Dụ số 4 – QT/TD với nội dung sửa đổi địa giới hành chính thị xã Đà Lạt và sáp nhập một phần tỉnh Lâm Viên vào tỉnh Đồng Nai Thượng. Bởi sự thay đổi đó, kể từ đây, người Kinh không còn tự do lên định cư ở Đà Lạt như trước. Mặc dầu vậy, chỉ vài năm sau đó, khoảng cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt nhất nên dân chúng ở các tỉnh lân cận đã đổ về Đà Lạt để tị nạn chiến tranh.

Đây có thể xem là giai đoạn có rất nhiều biến động về dân cư của thành phố Đà Lạt. Dân số Đà Lạt vào tháng 3 - 1948 là 18.513 người. Cuối năm 1952, Đà Lạt có 25.041 người, trong đó 1.217 người Âu (không kể quân nhân), 752 người Hoa, 22.232 người Kinh, 840 nguời dân tộc bản địa.

1.5 Thời kỳ 1954 - 1975

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết. Pháp rời khỏi Đông Dương và Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Bắc và Nam. Ngày 11-3-1955, Ngô Đình Diệm ra Dụ số 21 giải thể Hoàng triều Cương thổ để sáp nhập Đà Lạt vào Cao nguyên Trung Phần do đại biểu tại Cao nguyên Trung Phần phụ trách. Từ đây, mọi người dân được tự do đến Đà Lạt cư trú. Vì Đà Lạt vẫn được xem là địa bàn chiến lược quan trọng ở  Nam Tây Nguyên nên chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cấp tốc thiết lập nơi đây một hệ thống hành chính khá hoàn chỉnh. Trong hệ thống này, trên hết là Thị trưởng với bộ máy giúp việc gồm các Ty Nội an và Quân vụ, Hành chính, Tài chính, Kinh tế, Vệ sinh, Trung tâm Huấn luyện và Tu nghiệp, Văn phòng,… Bên cạnh đó còn có Hội đồng tư vấn đô thị bao gồm những người có chức tước và có quyền lực về kinh tế (các nhà thầu khoán, các nhà buôn). Về tổ chức hành chính, Đà Lạt được chia thành 10 khu phố, xã Liên Hiệp và ấp Thái Phiên. Mỗi khu phố gồm có nhiều ấp, mỗi ấp đều có ấp trưởng trực tiếp quản lý mạng lưới liên gia có từ 10 đến 30 hộ gia đình đặt dưới sự giám sát của liên gia trưởng về mọi mặt hành chính cũng như an ninh trật tự.

Bởi vậy, chỉ trong vòng hơn hai năm từ 1954 đến 1956, dân số Đà Lạt đã tăng vọt từ trên 25.000 người lên 58.958 người, trong đó một bộ phận dân cư rất quan trọng bổ sung vào dân số Đà Lạt trong giai đoạn này là dòng người di cư từ miền Bắc vào theo chính sách di dân của chính quyền miền Nam, cùng với làn sóng người miền Trung đến lập nghiệp.

Ngày 19-5-1958, Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 261/NV thành lập tỉnh Tuyên Đức và cắt một phần lãnh thổ Đà Lạt nhập vào tỉnh Tuyên Đức nên dân số Đà Lạt đã giảm xuống còn 43.000 người.

Trong những năm 1960, dân số Đà Lạt gia tăng điều hòa: từ 73.000 người năm 1965 lên 89.656 người năm 1970. Từ năm 1970 trở đi, bởi tình hình chiến sự ngày càng ác liệt nên cư dân Đà Lạt cũng có sự biến động đáng kể, đến năm 1975 dân số Đà Lạt chỉ còn 85.833 người.

1.6 Thời kỳ từ năm 1975 đến nay

Ngày 3-4-1975, Đà Lạt được giải phóng. Một trang sử mới của thành phố trên cao nguyên Lang Biang đã được mở ra.

Những ngày đầu giải phóng, dân số Đà Lạt bị tụt xuống một ít vì những người phục vụ trong quân đội, trong bộ máy chính quyền của chế độ cũ và một số người trở về quê quán; một bộ phận dân cư người Đà Lạt đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, dân số Đà Lạt đã được bổ sung nhờ chính sách tăng cường cán bộ từ miền Bắc, miền Trung vào cùng với việc tập trung ổn định cư dân vùng nông thôn, mở rộng địa giới Đà Lạt ra khu vực Thái Phiên (1975), Xuân Trường, Xuân Thọ (1979), và đặc biệt là sáp nhập thêm xã dân tộc ít người Tà Nung vào thành phố Đà Lạt.

Từ năm 1975 đến nay, địa giới hành chính thành phố Đà Lạt được mở rộng, nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập, kinh tế - xã hội phát triển nên có sự gia tăng dân số cơ học đáng kể. Năm 1981, dân số Đà Lạt tăng lên 98.437 người. Đến năm 1982, Đà Lạt vượt lên ngưỡng 100.000 dân. Năm 1990 : 120.261 người. Theo thống kê ngày 1-4-1999, dân số Đà Lạt là 160.663 người, đến năm 2007 là 197.013 người.

Biến động dân số thành phố Đà Lạt

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng