NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ NHẤT

LƯỢC SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

 

CHƯƠNG II - TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG THỜI KỲ 1930 - 1975

 

1.     PHONG TRÀO CÁCH MẠNG GIAI ĐOẠN 1930 - 1945                 

Năm 1928, Đảng Tân Việt cách mạng, một tổ chức yêu nước đã có cơ sở ở Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Đầu năm 1929, ông Trần Hữu Duyệt, cán bộ Đảng Tân Việt đến Đà Lạt thành lập chi bộ Tân Việt tại một căn nhà thuộc dãy “Nhà thiếc” (nay là nhà số 5A đường Hồ Tùng Mậu). Chi bộ có 3 đảng viên do ông Trần Hữu Duyệt làm Bí thư. Giữa năm 1929, ông Trần Diệm được cử làm Bí thư chi bộ.

Chi bộ Tân Việt Đà Lạt trực thuộc Liên tỉnh Ngũ Trang gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc và Đồng Nai Thượng. Ngay sau khi ra đời, chi bộ Đảng Tân Việt Đà Lạt đã tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng và xây dựng cơ sở trong công nhân, công chức, trí thức. Cuối năm 1929, chi bộ kết nạp thêm một số đảng viên.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Tháng 4 năm 1930, Liên tỉnh Ngũ Trang tổ chức hội nghị ở Tân Mỹ (Ninh Thuận) để công bố việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở các tỉnh Cực Nam Trung Bộ. Theo chủ trương của Trung ương Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, khi giải thể các chi bộ Tân Việt để thành lập các chi bộ cộng sản phải thực hiện ba biện pháp: tăng cường giáo dục để nâng cao trình độ nhận thức cho đảng viên; đưa đảng viên đi “vô sản hoá”; chỉ chuyển những đảng viên đủ tư cách sang chi bộ cộng sản.

Sau khi dự hội nghị ở Tân Mỹ về, ông Trần Diệm triệu tập hội nghị để thực hiện quyết định việc giải thể chi bộ Tân Việt và thành lập chi bộ Cộng sản gồm 3 đảng viên. Hội nghị được tổ chức trên tầng gác căn buồng số 2 nhà xe khách sạn Palace.

Căn phòng số 2 nhà xe khách sạn Palace, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đà Lạt

Từ khi chi bộ ra đời, ảnh hưởng của Đảng đã nhanh chóng lan rộng trong quần chúng, công tác xây dựng Đảng được tăng cường. Để tập hợp được lực lượng quần chúng, chi bộ tổ chức Công hội đỏ trong công nhân các nhà máy, hãng thầu xây dựng, đồn điền, công nhân xe lửa. Ở Trạm Bò (Xuân Thọ) thành lập Hội Tương tế và một số hội ái hữu đồng hương gồm những người cùng quê đến đây làm ăn sinh sống. Ngoài ra còn có hội Phụ nữ, hội Phản đế đồng minh thu hút nhiều hội viên tham gia. Thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng, chi bộ đã từng bước tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng.

Đầu năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa thực dân Pháp đã có ảnh hưởng đến Đà Lạt. Nhiều hãng thầu của Pháp ngưng hoạt động, công nhân thất nghiệp, số người có việc làm cũng chỉ được trả lương rất thấp. Trước tình hình đó, công nhân xây dựng ở hãng Dragages (37 đường Trần Hưng Đạo) bãi công đòi chủ không được sa thải công nhân và giảm lương của những người còn có việc làm. Chính quyền thực dân Pháp không những không giải quyết những đòi hỏi chính đáng của công nhân, mà còn bắt những người lãnh đạo cuộc bãi công và bắt ép công nhân đi làm. Cuộc bãi công tuy thất bại nhưng đánh dấu sự chuyển biến về ý thức, trình độ giác ngộ và có ảnh hưởng đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đà Lạt.

Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng đã tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm. Tối 30-4-1930, cờ đỏ búa liềm được treo ở chợ Đà Lạt, Cầu Đất, truyền đơn xuất hiện trên các đường phố, đồn điền và dọc đường từ Đà Lạt đến Cầu Đất.

Trong ngày 1 tháng 5, chính quyền Pháp ở Đà Lạt huy động lực lượng đi thu cờ, lượm truyền đơn, chặn đường khám xét và truy lùng những người bị tình nghi nhưng không có kết quả.

Mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố ráo riết, nhưng chi bộ Đảng ở Đà Lạt vẫn tích cực hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng và phát triển đảng viên. Đến cuối năm 1930, chi bộ kết nạp được 5 đảng viên mới, cấp trên tăng cường 3 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 11 người và chia làm 2 chi bộ:

-   Chi bộ Palace có 5 đảng viên, do ông Trần Diệm làm Bí thư, hoạt động trong các khách sạn, nhà máy đèn, ngành xe lửa.

-   Chi bộ Cầu Quẹo (đường Phan Đình Phùng hiện nay) có 6 đảng viên, do ông Nguyễn Sĩ Quế làm Bí thư, hoạt động trong công nhân xây dựng, thợ may.

Để duy trì các hoạt động của Đảng và tránh địch khủng bố, tổ chức Đảng ở Đà Lạt xây dựng hai cơ sở bí mật: cơ sở hội họp và in ấn tại nhà ông Kiểm Tỵ ở đường Cầu Quẹo (nay là nhà 221 đường Phan Đình Phùng). Cơ sở liên lạc và mở lớp học tại nhà một đảng viên ở cây số 12 (Trạm Bò) trên đường 11. Tổ chức đảng và số đảng viên ở Đà Lạt tuy còn ít nhưng đều nằm trong các cơ sở kinh tế quan trọng như nhà máy đèn, khách sạn, hãng thầu xây dựng, ngành xe lửa. Trong số 11 đảng viên ở 2 chi bộ có 8 người là công nhân nên việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho công nhân có nhiều thuận lợi.

Trên tuyến đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt, đường hầm xe lửa Cầu Đất là một công trình lớn nhưng chỉ làm bằng thủ công, thiếu phương tiện bảo hộ lao động. Công nhân làm việc nặng nhọc, khí hậu khắc nghiệt lại bị bọn chủ thầu, cai thầu, đốc công bóc lột thậm tệ bằng các hình thức cúp phạt, quỵt lương, trả lương không đúng kỳ. Ngày 4-5-1930, hầm bị sập làm nhiều người chết và bị thương nên công nhân toàn công trường bãi công, đòi cai thầu trả 3 tháng lương còn thiếu. Tên cai thầu hoảng sợ chạy trốn, công nhân tịch thu tài sản   chia cho những người gặp khó khăn, sau đó chặn xe chủ hãng đòi trả lương thay cho tên cai thầu. Trước tinh thần đoàn kết và đấu tranh quyết liệt của công nhân, tên chủ hãng nhận trả cho công nhân một nửa số lương mà tên cai thầu còn thiếu. Cuộc bãi công đã giành được thắng lợi.

Đầu năm 1931, hai chi bộ và các tổ chức quần chúng chuẩn bị truyền đơn để tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Công việc đang được tiến hành thì ngày 6-3-1931 tên công sứ Pháp chỉ huy một toán lính đến bao vây và khám xét cơ sở của Đảng ở đường Cầu Quẹo, bắt 3 đảng viên và trên 30 người nghi vấn có hoạt động cách mạng. Một số đảng viên khác tạm lánh vào Sài Gòn nhưng đến ngày 24-4-1931 cũng bị bắt giải về Đà Lạt. Như vậy, đến cuối tháng 4 năm 1931, các chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng ở Đà Lạt bị tan rã, phong trào công nhân và phong trào cách mạng dần dần lắng xuống. Trong những năm 1932 - 1935 chỉ có một số cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát, không tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản, các ngành kinh tế ở Đà Lạt bắt đầu phục hồi và phát triển. Số lượng người Kinh đến Đà Lạt ngày càng đông nên thành phần xã hội có nhiều thay đổi. Giai cấp công nhân và những người lao động ở Đà Lạt tuy có việc làm nhưng đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn vì lương thấp, trả không đúng kỳ và giá cả đắt đỏ. Lúc này tổ chức Đảng vẫn chưa được khôi phục, nhưng tin tức về phong trào đấu tranh ở trong nước và báo chí công khai của Đảng đã có tác dụng nâng cao nhận thức, ý thức đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đà Lạt.

Tại đồn điền chè Cầu Đất, công nhân thường bị bọn chủ cúp phạt và trả lương không đúng kỳ, nhiều người phải vay tiền nặng lãi của bọn cai ký. Ngày 14-12-1936, hơn 500 công nhân đình công đưa yêu sách đòi chủ phải trả đủ lương và đúng kỳ hạn. Chiều hôm đó yêu sách được chấp nhận, cuộc đình  công thắng lợi nhanh chóng. Phát huy thắng lợi đã giành được, ngày 2-1-1937, gần một ngàn công nhân lại đình công đòi tăng lương. Để bảo vệ quyền lợi cho chủ đồn điền, tên công sứ Đà Lạt chỉ huy lực lượng đến đàn áp, tìm cách chia rẽ và uy hiếp công nhân. Sau 2 ngày đình công, chúng chỉ bắt ép được một số công nhân đi làm, còn phần lớn vẫn tiếp tục đấu tranh, cuộc đình công kéo dài trong 5 ngày.

Như vậy, chỉ trong vòng 19 ngày, công nhân đồn điền chè Cầu Đất đã có hai cuộc đình công lớn. Cuộc đình công sau có quy mô lớn hơn, yêu sách cao hơn cuộc đình công trước, chứng tỏ ý thức đấu tranh và tinh thần đoàn kết của công nhân ngày càng được nâng cao.

Đầu năm 1937, Đảng xuất bản nhiều tờ báo công khai để tuyên truyền đường lối và đưa tin hoạt động của Mặt trận Dân chủ. Tại Đà Lạt, một số công nhân tiên tiến thành lập nhóm Tiến bộ và Hội thanh niên du lịch. Thông qua các hoạt động công khai hợp pháp, nhóm Tiến bộ và Hội thanh niên du lịch từng bước giác ngộ cách mạng cho công nhân, thanh niên, học sinh, quyên góp ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân và phong trào ái hữu ở Đà Lạt.

Được sự tổ chức và lãnh đạo của nhóm Tiến bộ, ngày 27-6-1938, hàng trăm công nhân hãng SIDEC làm việc tại công trường xây dựng dinh nghỉ mát của toàn quyền Đông Dương (nay là Dinh II ở đường Trần Hưng Đạo) và công nhân ngành xây dựng đình công kéo đến Dinh Quản Đạo và đồn cảnh sát đòi giải quyết các yêu sách:

-             Tăng lương 30%;

-             Ngày làm việc 8 giờ;

-             Không được đuổi thợ vô cớ và thả 3 công nhân bị bắt.

Trước khí thế đấu tranh của công nhân, cảnh sát phải thả 3 công nhân bị bắt. Sau 3 ngày đình công, tên công sứ Đà Lạt và chủ hãng điều đình với đại biểu công nhân, nhận tăng lương 10% và làm việc 9 giờ một ngày, nhưng đại biểu công nhân không chấp nhận, đòi phải thực hiện đầy đủ các yêu sách nên cuộc điều đình thất bại.

Công nhân hãng SIDEC tiếp tục nghỉ việc, chủ hãng định lấy công nhân ở nơi khác đến thay thế nhưng không thực hiện được. Sau hơn một tháng đình công, do quỹ cứu tế đã hết nên một số công nhân đi làm lại, một số bỏ đi tìm việc ở nơi khác. Tuy cuộc đình công không giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng sau đó công nhân của hãng và toàn ngành xây dựng Đà Lạt đều được tăng lương 10 - 20% và làm việc 9 giờ một ngày.

Hưởng ứng cuộc đình công của hãng SIDEC và ngành xây dựng Đà Lạt, ngày 3-9-1938, hơn một ngàn công nhân đồn điền chè, công nhân xe lửa và các xưởng cưa ở Cầu Đất đình công đòi tăng lương. Đây là cuộc đình công có quy mô lớn nhất của công nhân Đà Lạt  giai đoạn này.

Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng địa phương, tháng 12 năm 1938, được sự phân công của Ban cán sự Đảng các tỉnh Nam Trung Kỳ, ông Nguyễn Văn Chi lên Đà Lạt tìm hiểu phong trào công nhân, tiếp xúc với nhóm Tiến bộ và Hội thanh niên du lịch. Qua một thời gian tuyên truyền về Đảng cho một số công nhân tiên tiến, tháng 12 năm 1938, ông Nguyễn Văn Chi triệu tập cuộc họp tại sân trường tiểu học Pháp - Việt (nay là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) để thành lập chi bộ Đảng Cộng sản gồm 3 đảng viên. Như vậy, sau hơn 7 năm bị gián đoạn, tổ chức Đảng ở Đà Lạt lại được khôi phục để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Nhiệm vụ trước mắt của chi bộ là duy trì và phát triển các tổ chức quần chúng nửa công khai như nhóm Tiến bộ, Hội thanh niên du lịch, tổ chức hội Ái hữu trong công nhân, tích cực tuyên truyền cách mạng và phát triển đảng viên.

Từ khi có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Đà Lạt phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Giữa năm 1939, Ban vận động thành lập hội Ái hữu ở Đà Lạt được thành lập. Ngày 6-8-1939, Đại hội trù bị thành lập hội Ái hữu thợ mộc được tổ chức với trên 300 người dự. Đại hội nghe báo cáo về tình hình làm việc, đời sống của công nhân và vận động công nhân tích cực tham gia hội Ái hữu để đoàn kết giúp đỡ nhau. Đại hội tán thành thành lập hội Ái hữu thợ mộc, thông qua dự thảo điều lệ và bầu Ban trị sự lâm thời.

Sau đại hội của công nhân thợ mộc, công nhân các ngành nghề khác ở Đà Lạt cũng tích cực tuyên truyền, vận động thành lập hội Ái hữu của mình, nhưng bị thực dân Pháp phát hiện và cấm hoạt động vì chúng cho rằng các hội này do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1-9-1939), thực dân Pháp ra sức khủng bố phong trào cách mạng nước ta và đóng cửa hàng chục tờ báo của Đảng. Trước tình hình đó, chi bộ Đảng họp bàn kế hoạch chống khủng bố và quyết định chuyển hình thức hoạt động công khai và nửa công khai sang hoạt động bí mật, cất giấu tài liệu. Ngày 7-10-1939, một số đảng viên và công nhân tiên tiến trong nhóm Tiến bộ bị bắt. Cuối tháng 10 năm 1939, Chi bộ Đảng ở Đà Lạt không còn nữa, các tổ chức quần chúng ngưng hoạt động, phong trào cách mạng tạm lắng xuống.

Từ năm 1940 đến năm 1944, tổ chức Đảng ở Đà Lạt 3 lần được khôi phục nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nên các cuộc đấu tranh đều mang tính tự phát, không thu hút được lực lượng quần chúng tham gia.

Đầu năm 1945, phong trào cách mạng trong nước lên cao, tổ chức Mặt trận Việt Minh phát triển rộng rãi. Tháng 4 năm 1945, tù nhân ở nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh thắng lợi, Nhật buộc phải thả hết tù chính trị. Tổ chức Đảng trong nhà lao phân công ông Ngô Huy Diễn và ông Nguyễn Thế Tính về Đà Lạt xây dựng cơ sở, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, Uỷ ban Mặt trận Việt Minh Đà Lạt, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời tỉnh Lâm Viên và các đoàn thể cứu quốc lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập tập hợp đông đảo quần chúng tham gia.

Sau khi Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước và một số địa phương khởi nghĩa thắng lợi đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.

Tại Cầu Đất, ông Trịnh Lý đã tập hợp một số công nhân, thanh niên bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 21-8-1945, nhân dân Cầu Đất, Trạm Hành khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng.

Được sự giúp đỡ của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Khánh Hoà, đêm 21-8-1945, Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa được tổ chức tại Đà Lạt. Hội nghị thông qua chủ trương, phương pháp vận động, tổ chức nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23-8-1945.

Công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành hết sức khẩn trương, từ việc phổ biến kế hoạch, tổ chức đội ngũ đến việc may cờ, viết khẩu hiệu đều chạy đua với thời gian. Lực lượng quần chúng được tổ chức theo các phường, ấp gồm các đoàn thể công nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các đội tự vệ, mỗi người tự trang bị cho mình một loại vũ khí thô sơ.

Theo đúng kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 23 tháng 8, hàng ngàn nhân dân mang theo cờ, biểu ngữ kéo về tập trung tại khu vực chợ Đà Lạt (nay là khu Hoà Bình). Từng đoàn công nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão tay cầm dao kiếm, cuốc, nỉa, gậy gộc; các đội tự vệ mặc đồng phục và được trang bị dao găm, mã tấu, lựu đạn. Sau khi tổ chức mít tinh, đoàn biểu tình kéo đến bao vây dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên (nay là nhà số 4 đường Thủ Khoa Huân) và hô vang khẩu hiệu “đả đảo đế quốc chủ nghĩa”, “đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”. Trước sức mạnh của quần chúng, Tỉnh trưởng Ưng An hoảng sợ đem nộp ấn tín, giấy tờ sổ sách cho Uỷ ban khởi nghĩa. Sau đó, đoàn biểu tình kéo đến lấy đồn bảo an, phá cửa nhà lao đón những đồng chí, đồng bào đang bị giam trong xà lim.

Ngày 24 tháng 8, nhân dân Đà Lạt tiếp tục biểu tình kéo đến dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh buộc Tổng đốc Trần Văn Lý nộp ấn tín, giấy tờ cho cách mạng. Sau đó Uỷ ban khởi nghĩa cử các đoàn cán bộ đến tiếp quản các công sở. Tối ngày 24 tháng 8, Uỷ ban khởi nghĩa và những cán bộ tham gia khởi nghĩa họp đánh giá tình hình, đề ra một số công tác trước mắt và thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên gồm 7 thành viên do ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch. Những ngày sau đó, Uỷ ban Việt Minh tỉnh, các đoàn thể quần chúng như: Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và chính quyền cách mạng ở cơ sở được thành lập.

Cùng với nhân dân cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt thắng lợi là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước có quyền quyết định tương lai và vận mệnh của mình. Cách mạng tháng Tám bước đầu đã đem lại những quyền lợi thiết thực mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động hằng mơ ước: xoá bỏ áp bức bóc lột, bình đẳng dân tộc, bình đẳng nam nữ, ngày làm 8 giờ,…

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng