NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ TƯ

VĂN HÓA XÃ HỘI

 CHƯƠNG I: VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

THIẾT CHẾ VĂN HÓA VÀ BÁO CHÍ
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

1. VĂN NGHỆ TRUYỀN THỐNG

1.1 Văn học dân gian Cơ Ho

1.1.1 Huyền thoại

“Trời với đất do Brah Yàng sắp xếp, chim với  cá,  anh và em do ngài đặt tên. Yàng Nđu (Yàng Ndu) dựng nên trời đất. Nthưp Nthưr và Lưn Đưn (Lưn Dưn) rèn trời:  trời còn thấp, đất còn non, người  ta dẫm  bên này thì rung bên kia,  đạp bên  kia lại lún bên này. Trời đất dính vào nhau như vợ chồng, Yàng Nđu lấy cây tơnăng brài chống trời lên, phía trên trời không còn non nữa, phía dưới đất mới hết mềm.

Rèn  xong trời đất, Yàng Nđu còn rèn mặt trời để soi sáng ban ngày, rèn thêm mặt trăng để thắp sáng ban đêm. Nhờ làm vậy mà con người mới biết mỗi tháng, mỗi năm… Ngài còn rèn tiếp các vì sao trên trời làm cho bầu trời thêm rực rỡ: có ngôi sao tên là sao Bing theo sát mặt trăng, một ngôi sao khác tên là Tơrwing có hàng tháng để cho mọi người theo đó mà trồng tỉa,  ba là ngôi sao chổi lâu lâu mới có một lần, bốn là Rhai Lề làm cho bầu trời thêm đẹp…

Rèn xong các thứ trên trời, đất còn dư K’Chiêng nặn thêm chim mía, đất  còn thừa  K’Chiêng nặn cọp, beo, rắn rết,…”

Các cư dân bản địa Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung, có tín ngưỡng đa thần. Họ thờ phụng Thần Núi (Yàng Bnơm),  Thần Nước (Yàng Dà),  Thần Rừng (Yàng Bri), Thần Đất (Yàng Ù) mà chức năng, trú sở của thần không phải bao giờ cũng phân định rạch ròi. Có những vị thần ngày nay cư dân ít hoặc không thờ cúng, nhưng vai trò của thần linh trong tín ngưỡng và nghi lễ còn lưu giữ một phần nơi kho tàng huyền thoại. Dưới Thần Nđu có Thần Mặt Trời (Yàng Tơngai), Mặt Trăng (Yàng Kơnhai), Mặt Đất (Yàng Tiah), Bầu Trời (Yàng Trồ) và Sấm Sét (Yàng Dong Rong, Yàng Tơrnaih). Vô số thần linh ngự trị trong thiên nhiên: các ngọn núi, khu rừng, dòng suối, tảng đá, động vật như con cọp, các đồ vật trong buôn hay trong nhà: cổng buôn, dụng cụ, ché rượu,... Ngoài các vị thần (Yàng) còn có ma quỷ () gây ra tai nạn, bệnh tật và chết chóc. Hai vị thần quan trọng nhất là  Thần Núi và Thần Nước. Thần Cây Cối giàu lòng từ thiện chịu trách nhiệm về lúa, bông cải và các vật liệu xây dựng. Theo truyền thuyết của người Cơ Ho, núi Lang Biang do một con heo rừng tạo nên:

“Khởi thuỷ có địa ngục (Brà Ting hay Brah Ting). Ở địa ngục, K’Bùng tạo ra tất cả: đất, đá, động vật, con người. Thế rồi K’Bùng và những nhân vật do K’Bùng tạo nên đi ra khỏi địa ngục để làm nên trời và đất. K’Bùng lấy một cái búa nhỏ rèn thành trái đất, lấy một cái búa ngắn rèn thành trời. Trời đất cưới nhau sinh ra con đàn cháu đống về sau. K’Bùng lấy từ địa ngục lên một trái bầu đựng đất màu mỡ và bảy gùi lớn đựng đất khô khan, đất màu mỡ cho lúa, đất khô khan chỉ là đất hoang sau này. K’Bùng không những tạo ra mặt trời, trăng, sao mà còn làm lục lạc cho ngựa, làm chuông cho trâu... K’Bùng tạo ra con kiến, con rắn, con chim sẻ trắng. K’Bùng cột sợi chỉ vào chân con chim rồi cho bay đi khắp nơi để đánh dấu đất. Chim dừng lại trên một ngọn núi K’Bùng muốn tạo ra. K’Bùng đánh dấu nơi này và tạo ra đỉnh núi Lang Biang. K’Bùng tạo ra con heo rừng giúp mình đắp đất. Heo rừng dùng mõm ủi đất nhiều và khéo đến nỗi Lang Biang trở thành một ngọn núi lớn. K’Bùng tạo nên người khổng lồ ép đất núi tạo ra thác và rắn nước. K’Bùng mang từ địa ngục một gùi nhỏ đựng hạt chuối rừng, một gùi có nắp đựng hạt tre, một gùi có quai đựng hạt cỏ tranh. Ông cũng mang cả hạt của cây mây, cây dứa, các loài thực vật khác. K’Bùng tạo ra con nai. Trở lại mặt đất, ông mang đất sét đỏ tạo ra những con chim sẻ, con ó từ đất đá, con cọp từ bùn lầy, con heo từ lúa khô, con thỏ từ lúa lạnh. K’Bùng tạo ra tất cả, tạo cả con người.

Ngày xưa, cây tre không có mắt và chân tay của con người chỉ là một khối cứng đơ, không cử động được, không khom lưng được. Con của K’Bùng rất mạnh đã điều chỉnh lại chân tay giúp con người đi lại được”.

Người Chil cũng có một truyền thuyết về công trình đắp núi Lang Biang và nguồn gốc của các dân tộc ở Việt Nam:

“Thuở xưa, hai vị thần Nthưp Nthưr và Lưn Đưn đã rèn nên trái đất và dùng phép mầu tạo ra mặt trời, mặt trăng cùng những ngôi sao soi sáng trái đất cả ngày đêm, lấy đất nặn ra một người đàn ông và một người đàn bà, đặt tên là Ha Nghê và K’Nghe để cai quản trái đất. Hai người này kết duyên với nhau, sinh được một đôi trai gái, con trai đặt tên là Ha Đỏ, con gái tên là K’Dong. Lớn lên hai người lấy nhau và sinh rất nhiều con cháu.

Ban đầu, tổ tiên loài người chưa biết làm nhà và sống trong hang đá. Cây cỏ, đất cát, nước nôi chưa xuất hiện, họ sống bằng một thứ thuốc đặc biệt và uống nước của con vẹt. Một hôm, nghe thấy có những tiếng động lạ dưới một hòn đá, họ hè nhau lăn hòn đá sang một bên. Một con cua từ dưới hòn đá bò lên, theo sau là một dòng nước trong suốt chảy ra. Sau đó có rất nhiều vật lạ như lươn cá, tôm,... cùng theo dòng nước bơi ra. Dòng nước ấy chảy suốt ngày đêm, năm này sang năm khác, không bao giờ ngừng. Nước chảy đến đâu xói mòn đá tạo nên đất cát, đồng bằng và sông ngòi, hồ ao, biển cả. Từ ấy có mưa, cây cối mọc lên xanh tốt và muôn loài khác tự nhiên sinh ra.

Loài người rất sung sướng, họp nhau ca hát, nhảy múa bên dòng nước lạ. Về sau, họ biết trồng tỉa để có lương thực và biết nuôi súc vật để cúng tế thần linh. Thời gian sau, loài người quá đông đúc, đất đai trồng tỉa không còn đủ để nuôi sống tất cả, họ phải phân tán đi kiếm các vùng đất mới. Trước khi chia tay đi bốn phương trời, họ họp bàn cùng nhau làm một cái gì thật cao để con cháu dù đi xa đến đâu cũng trông thấy và có thể tìm đường về quê hương cũ. Mọi người đồng ý bắt chước loài mối tha đất đắp ụ để đắp một quả núi thật cao. Công trình đắp núi vô cùng vật vả, đất mềm càng lên cao càng bị lở, họ phải làm giàn giữ đất và đặt ra tục lệ mỗi khi người con gái lấy chồng phải nộp cho nhà trai một chiêng. Chiêng này úp vào quả núi cho thêm vững chắc. Đắp núi xong, họ đặt tên là Lang Biang rồi phiêu bạt khắp bốn phương trời.

Địa danh Lang Biang trong tiếng Lạch đọc là Lơ Mbiêng ( người Pháp ghi là Lang Biang hay Lang Bian), vốn là đất của dòng họ người Lạch cùng tên. Trong một truyện cổ khác của người Cơ Ho còn cho biết về sự tích K’Lang và Ha Biang, núi Voi và sông Đa Nhim:

“Ngày xưa, ở buôn Kon Đố (xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương) có một đôi vợ chồng: người chồng tên là Ha Biang, người vợ tên là K’Lang. Một năm nọ, toàn vùng bị hạn hán, Ha Biang lên đường đi kiện trời, nhưng khi đến núi Găng-reo ở huyện Đức Trọng hiện nay thì bị chết đói. K’Lang lần theo vết cây con do Ha Biang đã bẻ đi tìm chồng. Nhìn thấy xác chồng, K’Lang khóc lóc thảm thiết, vang xa khắp “tám núi, tám sông, tám rừng, tám suối” và bay đến tận trời. Trời liền sai thần mưa trút nước xuống trần gian nhưng K’Lang vẫn tiếp tục khóc cho đến chết. Tiếng khóc của K’Lang làm xúc động con voi đầu đàn. Nó đến che mưa cho K’Lang và Ha Biang, đứng khóc và chết theo Ha Biang và K’Lang. Nước mưa hoà cùng nước mắt của K’Lang và con voi chảy thành sông gọi là sông Đa Nhim (dà: nước; nhim: khóc). Các già làng đặt tên cho ngọn núi ở Kon Đố là Lang Biang và núi Găng-reo là núi Voi”.

Phổ biến ở trong các truyện cổ là hình ảnh bầu nước thiêng. Bầu nước thiêng tự chảy hoặc bị người đi săn bắn thủng, nước ào ra, chảy thành suối, thác, sông nhỏ, sông lớn.

Người Lạch cũng có thêm một số truyện  về sự thành lập núi Lang Biang:

“Ngày xưa, đất trên cao nguyên và vùng đồng bằng đều bằng phẳng, chưa có núi cao như bây giờ. Khi mùa lũ đến, nước biển và nước sông tràn ngập cả đất đai, cây xanh không mọc, đất đai bạc màu. Thần Nđu thấy vậy đã làm phép nâng đất cao thành cao nguyên. Nước biển vẫn tràn lên, thần Nđu liền tạo ra thành nhiều ngọn núi cao thấp nằm gần nhau làm bờ ngăn cản nước, trong đó có hai ngọn núi Lang Biang. Ngăn chặn được nước sông và nước biển, cây cỏ xanh tươi, đất đai màu mỡ, Thần Nđu giao cho Thần Rừng tạo ra loài vật để cho cuộc sống thêm vui.”

Có thể thấy đây đó trong huyền thoại một quan niệm về bảy hay nhiều tầng lớp vũ trụ, về các không gian khác nhau (người Cơ Ho có câu:  bảy tầng trên, ba tầng dưới), nhưng trong huyền thoại của họ tựu trung lại có ba thế giới: thế giới người đang sống, của người chết và của các lực lương siêu nhiên khác.  Cư dân hình dung đó là những vùng/cõi khác nhau được xem như những bon đặc biệt, tuy có thể xa nhau nhưng vẫn liên hệ với nhau, bao gồm bon người thường, bon người thần, bon người chết, bon ma quỷ, đôi khi trong nhiều chuyện kể các bon làng này ở lẫn với nhau.

Mảnh đất rừng thư­a này là kết quả của một cơn giận dữ của chàng Srài - người thần. Vốn là một chàng mồ côi, đi ở đợ, bị trẻ em Lạch chọc ghẹo và xem thường, Srài tức giận nhổ hết cây cối trồng lộn ngư­ợc lại, đốt cháy bảy ngày bảy đêm. Đất Lạch từ đó hết phì nhiêu và chỉ còn lại cỏ và lau lách mọc được. Từ bỏ làng Lạch, Srài đã để lại cho người Lạch chiếc cày giúp cho họ tiếp tục sống lại trên quê cha đất tổ bằng một nghề mới: trồng lúa nước.

Truyện cổ kể rằng Nđu ăn cắp một hạt lúa từ địa ngục đem lên cho mọi người nhưng lúa lại trở về tảng đá, nơi ngự trị của Mẹ Lúa (Me Kòi). Nđu mời Mẹ Lúa cùng đi nhưng bị chặn lối, Mẹ Lúa không lên được. Nđu ra lệnh cho con kiến đào đất để ăn cắp hạt lúa nằm dưới tảng đá. Bảy con kiến làm việc và mang được các giống lúa lên mặt đất. Nđu và Mẹ Lúa dạy con người biết trồng lúa và ăn cơm với thịt nai, heo, trâu, gà, cá.

Thần Lúa (Yàng Kòi) giữ một vị trí đặt biệt là vị thần nuôi dưỡng con người. Thần lúa thường liên kết với thần đất. Thần đất cũng được nhân cách hoá và sánh với người mẹ nên người Lạch thường gọi là Mẹ Đất (Me Ù). Trong lời khấn trong lễ nghi nông nghiệp, người Lạch còn nhắc đến thần Alac Alan

tạo ra đất, trời, con người và muôn vật

tạo ra lợn nái, thóc lúa

tạo ra ché nhỏ

tạo ra ché lớn

tạo ra con bò

tạo ra con trâu

tạo ra chiêng lớn và con trâu nhỏ

tạo ra chiêng lớn và con trâu tơ ”.

Tuy vay mượn, nhưng thần Alac Alan cũng được nhắc nhiều trong truyện cổ và bài cúng của các cư dân Cơ Ho.

Thần K’Bùng  được Nđu sai phái đã dùng đất thần nặn nên người khổng lồ K’Yut. K’Yut làm nhiệm vụ chống trời, đẩy trời xa đất. Cột chống trời được xây tại núi Lang Biang, vốn xưa có thể theo đó mà leo lên làng trời. Nhưng vì sợ loài người lên quấy rầy, nên khi nền trời khô cứng nó mới bị các thần đập phá đi. Các mảnh vỡ văng ra xung quanh tạo nên núi đồi như ngày nay. Lúc đang xây cột trụ trời, thần Bi Đúp đến chọc phá bị thần K’Yut đánh té chết thành núi Bi Đúp. Các con vật cùng tham gia tạo nên cảnh vật trên mặt đất: đàn mối bò từ đồng bằng lên Lang Biang để xây cột trụ trời, nhưng khi gặp con đại bàng để hỏi đường lại bị lừa ở lại Định An, nên từ đó trên cao nguyên Lang Biang không có mối. Mặt đất vốn bằng phẳng được cày xới và xây dựng bởi lợn rừng, thành cao thấp, trồi sụt do con lươn, từ đó sông suối không thể chảy thẳng… Xong công việc, Thần K’Yut uống một bữa thật say, nôn mửa lung tung, dựa vào cột trụ trời và chết tại đó. Ngày nay du khách lên núi K’Yut (đồi Radar) cạnh núi Lang Biang vẫn còn thấy từng tảng đá lổn nhổn trên sườn đồi, mà không biết những thức ăn hoá đá tự ngày nào còn đó. Theo huyền thoại, mặt trăng (kơnhai) và mặt trời (mat tơngai) là anh em. Huyền thoại tìm cách lý giải tính nóng nảy hay dịu dàng, sức nóng hay sự mát mẻ của hai vị thần này liên quan đến việc hình thành ngày và đêm. Sự gặp gỡ của hai vị này tạo ra nhật thực (mang ling mang ta) khiến trời đất tối tăm. Cũng có cách lý giải khác về nhật thực rằng đó là mặt trời và mặt trăng tự tình hay trời đất tối tăm, lạnh lẽo là thời kỳ băng giá. Có nhiều chi tiết đáng chú ý của huyền thoại này, trong đó phải kể tới sự hóa thân của các vị thần ban đầu để sáng tạo các vật dụng cần thiết như muối, sắt, cá. Cùng với sự hóa thân hủy diệt cái cũ cho cái mới ra đời là hành động sáng tạo ra các động thực vật của K’Bùng. Các vật ban sơ này lại tiếp tục làm công việc sáng tạo như thần thánh để làm ra các thứ khác. Cũng có nhiều dị bản nói tới mẹ Ka Jong - mẹ đầu tiên của loài người và mẹ Ka Grun – mẹ trực tiếp của cư dân bản địa đã phát hiện ra lúa, bắp, cà, ớt hay ba chàng trai khổng lồ con của mẹ đã hóa thân thành muối, sắt, cá.

Trong sự hóa thân có chi tiết người hóa động vật (khỉ, vượn, voi) như người hóa voi trong truyện cổ Cơ Ho, Chu Ru. Người không chỉ hóa vật mà còn lấy vật để sinh ra người hoặc vật. Và nhiều khi, vật lại là thầy của người với sự phổ biến của việc khỉ dạy người sinh nở mà hầu như truyện cổ dân tộc nào ở Tây Nguyên cũng có.

Huyền thoại về loài người đầu tiên còn bảo lưu ít nhiều trong kho tàng văn hóa bản địa là sản phẩm do K’Bùng tạo ra, sống trong đất rồi chui lên mặt đất trong một cái hang. Chúng ta được giải thích nguồn gốc của tổ tiên loài người vốn từ một thế giới lộn ng­ược như cách nói của người Cơ Ho và Mạ (Brah Ting) nằm sâu trong lòng đất mà trong huyền thoại người Mnông, Cơ Ho vẫn kể, khi trời đất còn là một, mềm và nhão. Theo niềm tin của cư dân địa phương, loài người ban đầu này đã bị hủy diệt hầu hết. Gần đây, đã sưu tầm được và công bố 7 dị bản huyền thoại  của dân tộc bản địa Lâm Đồng về nguồn gốc tộc người bổ sung cho hàng trăm dị bản  mà giới khoa học công bố ở Việt Nam.

“Trong số những gia đình phân tán đi có sáu chị em gia đình nọ tên là K'Grup, K'Grum, K'Grau, K'Grô, K'Pac, K'Nghê – K'Nga. Con cháu cô K'Grup sinh ra người Chăm, con cháu cô K'Grum sinh ra người Chu Ru, con cháu cô K'Grau sinh ra người Chil, con cháu cô K'Grô sinh ra người Cơ Ho, con cháu cô K'Pac sinh ra người Mạ, còn con cháu cô K'Nghê – K'Nga sinh ra người Kinh. Vì vậy, người Chăm, người Chu Ru, người Chil, người Mạ, người Cơ Ho và người Kinh đều là anh em”.

Các dị bản đều thống nhất khẳng định có ba chị em được sinh ra để về sau phối hợp, sinh thành ba nhóm dân tộc chủ yếu: Kon Prum (Chăm), Kon Cau (Mạ, Cơ Ho, hoặc thêm Chu Ru, Rắc Lây), Kon Yoan (Kinh).

Khả năng huyền thoại tộc người đã có từ lâu, khi tiếp xúc với người Chăm và người Việt, nó được bồi đắp lớp văn hóa mới. Huyền thoại sinh nở con người ở đây không phải là con người nói chung mà là tộc người cụ thể. Đó là câu chuyện về ba người mẹ K'Grup, K'Grum, K'Grau, gọi rút gọn là Rup – Rum – Rau rất phổ biến trên địa bàn Lâm Đồng.

Huyền thoại tộc người liên quan tới huyền thoại đại hồng thủy. Cặp anh em, chị em ruột sống sót được nhờ nấp trong trống, trong thuyền, trên núi ít nhiều nhắc ta nhớ đến hình ảnh bầu – thuyền trong kiểu truyện quả bầu Lào và chung cho Đông Nam Á; thế nhưng, qua thần thoại Lạch, Chil về ông Phy bà Păn chúng ta kiểm chứng được môtíp  trống, như­ nhiều thần thoại của các dân tộc Tây Nguyên vẫn kể. Nguyên nhân nạn đại hồng thuỷ theo người Chil kể lại là do trời nổi  giận vì tội loạn luân (anh em lấy nhau), còn theo người Mạ thì do cô gái phơi lúa không được vì mưa, nên kéo váy và vỗ mông lên trời mà gây ra hoạ.

Đặc biệt thần thoại Lạch còn nhắc lại một thời kỳ giá rét khủng khiếp - mang ling mang ta (thời kỳ tối tăm và giá lạnh), đã làm cho một gia đình trên đ­ường trở về nhà bị hóa đá và dấu vết còn để lại không xa làng  Măng Lin (phường 7, Đà Lạt).

Trong huyền thoại chúng ta còn được nghe kể về cây đa, con đại bàng khổng lồ và sự đánh mất tài năng của con người (hai anh em Tồng và Tàng) do bị đánh cắp mất nước thần đựng trong sừng trâu.

1.1.2 Truyện cổ tích

Truyện cổ tích bao gồm nhiều loại nhưng đáng chú ý là cổ tích về nhân vật mang lốt, nhân vật mồ côi,  nhân vật ma lai và về các loài vật.

Hạnh phúc của mồ côi đa phần là nhờ có sự giúp đỡ của yếu tố thần kỳ. Các Yàng, nhất là Yàng Mặt Trời đã ban cho nhân vật mồ côi các vũ khí thiêng, hạt giống thần, công cụ sản xuất linh nghiệm, thậm chí nhân vật mồ côi vốn là người – thần, như K’Brài. Mặt Trời trong tự nhiên chỉ có một, trong huyền thoại cũng chỉ có một vị thần, nhưng trong cổ tích, thế giới Mặt Trời là một tập hợp nhiều cá thể đầy sức mạnh, có trẻ già, có trai gái, có thủ lĩnh là pơtao mat tơngai (quen dịch là vua Mặt Trời), sống thành bon riêng như là một xứ sở hùng mạnh. Bon Mặt Trời có thể ở trên cao, ở ngoài biển, ở bên kia sông lớn hoặc ở trên cùng của nguồn nước. Trong nhiều truyện cổ tích có hình ảnh bầu thiêng: dây bầu thiêng có thể dài ra hoặc ngắn gần lại, có khi là quả bầu thiêng nở ra hạt giống, lương thực, thực phẩm, là lối hình tượng hóa giấc mơ no đủ, là sợi dây thiêng giúp mồ côi tìm lại người thân. Với sự giúp đỡ hiệu quả và kịp thời nói trên, nhân vật mồ côi đã đổi đời, đã đạt tới hạnh phúc, có nhà dài, chiêng ché, áo quần, lúa gạo, tôi tớ, binh lính, vợ hoặc chồng đẹp. Truyện cổ tích người dân tộc bản địa thường kết thúc có hậu, khác với kết thúc truyện cổ người Việt đôi khi có sự trừng phạt. Truyện cổ tích của cư dân bản địa Lâm Đồng lại thường có sự tha thứ cho các thế lực đã từng làm hại nhân vật mồ côi. Cuối tác phẩm, mồ côi giàu có, hạnh phúc có thể lại cai quản bon làng cũ hay bon làng mới, hoặc vợ chồng mồ côi để lại bon làng giàu có cho cậu cai quản rồi đi về xứ sở mặt trời. Hôn nhân là chi tiết hay gặp trong tác phẩm, là một cách kết thúc truyện mồ côi. Nhân vật mồ côi kết hôn với con cậu, con vua Chăm, con Mặt Trời hay nhân vật mang lốt.

Cổ tích về nhân vật mang lốt chiếm một số lượng lớn trong tư liệu mới sưu tầm cũng như trong tuyển tập của nhiều tác giả đã xuất bản, với hàng trăm dị bản khác nhau. Nhân vật mang lốt tuy phong phú nhưng có thể quy về một số dạng cơ bản như người thường bị dị tật bẩm sinh hay bệnh hoạn; người bị phù phép phải mang lốt; con không cha mang lốt; thần linh mang lốt để thử thách, giúp đỡ con người. Lốt là chi tiết quan trọng để phân biệt các kiểu nhân vật và các kiểu truyện cổ tích. Các dạng thức thường gặp của lốt thể hiện ngay khi đặt tên nhân vật chính, cũng đồng thời là tên tác phẩm như lốt dị dạng có chàng Cùi, chàng Cụt, chàng Ghẻ, chàng Lùn; lốt động vật có chàng Heo, chàng Dê, chàng Trâu, chàng Tôm, nàng Hươu; lốt thực vật như chàng Dưa, nàng Chuối, chàng Đu Đủ, lốt đồ vật có chàng Mâm, nàng Ngà (11 dị bản),…

Nếu nhân vật mồ côi thường phải nhờ vả nhiều vào yếu tố thần kỳ thì nhân vật mang lốt có sẵn trong mình các khả năng thần kỳ, tự cởi lốt đúng lúc để hoàn thiện mà không cần nhờ vả ai khác. Họ không những tìm được hạnh phúc cho mình mà còn mang hạnh phúc tới cho nhân vật mồ côi. Vì thế, hai kiểu nhân vật chính này có liên hệ với nhau rất khăng khít, đồng thời vẫn rất khác nhau. Cái độc đáo là trong cổ tích thường ít hoặc không quan tâm mô tả ngoại hình nhân vật, nhưng cổ tích về người mang lốt lại là truyện có quan tâm đến sự thay đổi ngoại hình, là kiểu truyện duy nhất có nói tới cái đẹp hình thức của con người.

Từ xưa, cư dân Tây Nguyên tin rằng song song với các Yàng phù trợ con người như những phúc thần, còn có một thế lực làm hại con người: người Mạ và Cơ Ho gọi là (ma quỷ).

Trong văn học, có một loại nhân vật ma được gọi là ma lai, hiện lên không chỉ là bóng hay hồn, mà là người, nhưng là người – ma, sống riêng thành bon ma hay sống trà trộn trong bon người, dùng bùa phép, biến hóa để tiếp cận và làm hại người thường, làm cho họ chết ngay hay đau ốm rồi chết dần, dù phải cúng kiến rất tốn kém. Kết thúc phần đầu các cốt truyện là cái chết của nạn nhân, đa số là nhân vật trẻ con hoặc phụ nữ. Trong phần tiếp theo, nhân vật ma lai bị người thân của nạn nhân và cả cộng đồng săn đuổi, tiêu diệt bằng mọi cách.

Thế giới động thực vật trên cao nguyên Lang Biang đều có mặt trong truyện cổ Cơ Ho, nhiều nhất là thỏ, trâu, rùa, rắn, khỉ, hổ, voi,  ngựa, đại bàng,… Các truyện này cũng không phải là truyện loài vật đích thực, mà thiên về truyện ngụ ngôn, vì không chú trọng mô tả tập tính và đời sống loài vật. Các  nhân vật – động vật được chia thành hai loại thông minh và ngu ngốc, như truyện trâu và ngựa ganh tị nhau, bày ra những cuộc thi nhảy xa. Kết quả là con trâu kém trí khôn thua cuộc phải chịu kéo cày từ bấy cho đến nay... Các mẹo lừa được nhân vật thông minh sử dụng liên tục.          

1.1.3 Ca dao - dân ca

Những bài ca dân gian được gộp chung các hình thức mà cư dân bản địa vẫn gọi  là nri (luật tục),   bài cúng (hay bài ca nghi lễ), tam pơtlah long (hát đối đáp, giao duyên hay bài ca tình cảm). Nhà nghiên cứu khó tách những đoạn kể của huyền thoại với ca dao, ngay trong huyền thoại lụt và nguồn gốc tộc người thì cũng có đoạn văn vần giống như ca dao xen vào.

“Núi Rơlé bằng chiêng,

Núi Rơling bằng nong,

Núi Sơpùng bằng khiên,

Núi Pàngbèr bằng mền rơning,

Núi Đăngching bằng một tấm cót…”

Bài ca nghi lễ hay bài cúng được sử dụng một cách phổ biến trong các nghi lễ của cư dân. Cấu trúc của các bài ấy thường có vần, số chữ trong các câu không nhất thiết phải như nhau, số câu trong các bài cũng khác nhau.

Thường người ta sử dụng loại bài ca này trong các lễ cúng để mời gọi thần linh đến chứng kiến tấm lòng của cư dân, mời thần linh về hưởng thụ lễ vật, nhờ thần linh phù trợ cho sức khỏe cộng đồng, xin ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt:

“Này tôi mời gọi hỡi thần linh

Tôi cần thần như sáp ong kết dính khuyết.

Khui rượu cần tôi mời nếm thử

Rượu cần ngon tôi mời thần uống

Hương nhựa trầm tôi mời thần đến.

Hãy đến cả vợ chồng

Cả con rể thần

Cả mẹ và con

Và cả bon thần.”

Nghi lễ là để thực hành tín ngưỡng, bài ca khẩn nguyện hay bài cúng là một phần của nghi lễ. Ở người Lạch, nghi lễ nông nghiệp thực hiện trong năm là từ 4 đến 11 lần, cũng như bài cúng với lời khấn dài ngắn khác nhau, tuỳ theo từng hoàn cảnh và nhu cầu cầu xin của từng gia đình. Nội dung bài ca cũng bộc lộ ngay chính tín ngưỡng đa thần đó của cư dân, nếu ta để ý kỹ thì thấy dù chỉ một câu hay cả đoạn, thần thánh sống thành vợ chồng, gia đình, bon làng đông đúc như con người.

Trong khi đó bài cúng khi thu hoạch chỉ gồm hai nội dung chính là kêu gọi thần linh bảo vệ hạt thóc cho gia đình, đừng để chúng bỏ trốn hay bị phá hại và cầu xin tình thương yêu của thần linh với sự bày tỏ các ước nguyện của mình. Có thể ghép vào nhóm này cả những bài thần chú và văn vần mà cư dân tin tưởng và đọc khấn khi gặp nạn. Dân gian tin rằng khi bị rắn độc hay rết cắn, đọc câu thần chú sẽ có thể thoát chết. Đó là danh sách các loại rắn, như một khi đã coi là thần chú thì việc hiểu hay dịch không còn quan trọng bằng niềm tin.

Có loại  ca dao - tục ngữ (đôi khi còn gọi luật tục - nri) cũng được kể bằng  thơ có vần, có nhịp, đúc kết những phong tục cổ xưa:

“K’Yut đã dạy giết trâu

Nđu chỉ cách dựng buôn làng

K’Tiêng, K’Tàng chỉ cách đẽo cối, bào chày giã gạo

Ka Kòng, K’Yai đặt lễ đính hôn

K’Drốt, Ka Drồi đã trao vòng cưới…”

Hàng loạt nhân vật được liệt kê trong bài trên vốn cũng là những vị thần linh - tổ tiên mà chúng ta đã gặp trong tín ngưỡng và trong huyền thoại. Việc kể tên và công tích của họ không phải là để biết ơn như loại bài ca nghi lễ mà để yêu cầu các thành viên trong cộng đồng bắt chước, noi theo nếp xưa, tục cũ của ông bà. Các nhân vật trên cũng đã từng xuất hiện trong truyện kể khác.

     Luật tục (nri) đã coi các vị thần linh và việc làm của họ là mẫu mực, phải tuân theo. Khi ai đó vi phạm thì coi là vi phạm luật tục, và khi xử tội, người ta lại đọc hay hát bài ca luật tục. Những bài ấy mang sức nặng của truyền thống lâu đời, thiêng liêng, lại được cô đúc trong những công thức chặt chẽ, được thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc, rất gần gũi với tư duy sinh hoạt của cư dân. Dù luật tục truyền miệng nhưng chúng có giá trị củng cố gia đình - dòng họ - bon làng, duy trì trật tự kỷ cương theo cơ chế tự quản.

Về nội dung, mỗi câu đều chứa một nội dung cụ thể, phản ánh một hiện tượng tự nhiên hay xã hội, đúc kết một kinh nghiệm sản xuất hay sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, nghĩa cụ thể, nghĩa đen, nghĩa trực tiếp vẫn là chủ đạo, một số câu gắn với nghĩa bóng, nghĩa gián tiếp. Vì vậy, từng câu ít khi tự đứng một mình độc lập như một tác phẩm mà phải liên kết chặt chẽ với nhau trong một bài khá dài mang tính tổng hợp tri thức thực tiễn, truyền bá kinh nghiệm sống, chúng lại thường ít đứng một mình mà liên kết lại thành một cấu trúc chặt chẽ dưới dạng bài  với vần nhịp khá chuẩn:

“Bon chưa tới đừng nói bon lạ

Rừng không phát chưa chắc rừng Yàng

Nhà cũ không người đừng nghĩ có ma

Yàng cho mắt sáng tỏ

Yàng cho tay làm lúa

Yàng cho tai biết chuyện xưa.”

Ngoài loại bài để cúng và loại bài để xét xử, còn có nhiều bài văn vần khác có thể gọi là bài ca tình cảm, mà đa phần được sử dụng trong hình thức đối đáp giữa nam và nữ. Loại này thiên về việc bộc lộ cảm xúc giữa con người, chủ yếu là người trẻ. Chẳng hạn có bài ca ngợi vẻ đẹp của người con gái:

“Cô gái kia đẹp như lá hành nghiêng

Anh sóc bắt gặp

Cô kia trắng, anh rái cá bắt gặp

Cô kia đẹp, phượng hoàng bắt gặp

Gái mới lớn, heo rừng đâm cây.”    

Vóc dáng con người Tây Nguyên không chỉ được so sánh với những con vật rừng quen thuộc với một cư dân từng sống và “ăn rừng”, mà còn được ví von với hình dáng và màu sắc cây trái:

“Thân con gái như cây rau rịa

Tay con gái như măng mới mọc

Thân con gái như chuối chín trên cây”…

Với những bài ca tình cảm như thế này chủ yếu là để hát, hát trong lễ hội, trên rẫy rừng, bên suối vắng hay trong nhà sàn, hát bày tỏ nỗi lòng, hát chung vui hay tỏ tình thân thiết giữa người nam và người nữ. Loại này có thể được gọi là lah long hay tam pơt với tư cách là bài hát giao duyên, bài hát trao duyên với sự hài hòa với các yếu tố thơ – nhạc và các yếu tố khác như trong môi trường diễn xướng dân gian. Đó là thơ – nhạc dân gian, là tình ca dân gian với tính chất trữ tình thật sự. Trong trường hợp này thì bài ca tình cảm hoàn toàn tương đương với thuật ngữ dân ca mà giới nghiên cứu và công chúng đã từng biết:

“Chiếc cư­ờm đẹp

Chiếc c­ườm đá quý

Trái cây chín trên rừng

Cơm đùm trong giỏ anh phải tự đi tìm

Măng pư­t măng wai, ê ê măng tre dọc bờ suối

Những cô gái, từng đoàn đi làm chòi cao”.

Những câu ca dao mang tính biểu trưng cao với lối nói ví von như­:

“Tôi chìa tay trái xin anh miếng trầu

Tôi đ­ưa tay phải hỏi anh chiếc áo

Tôi đến bên ngựa xin anh lục lạc

Lục lạc kêu rằng ta nên vợ nên chồng.”

Hiện nay càng ít người nhớ đến, cũng như những câu tục ngữ ngày càng khó sưu tầm.

“Gái không chồng làm việc không xong

Trai ch­ưa vợ hay sinh chuyện chẳng lành.”

“Làm nhà cần có gỗ

Đan rổ cần có tre

Làm nghề nông phải dùng nước.”

“Khéo léo lúc trẻ nhỏ,

Giàu có vào tuổi trung niên

Thông minh đến lúc tuổi già.”

Người Cơ Ho nói riêng, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, vốn không có văn tự, nên khi muốn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, họ phải sử dụng lối văn truyền khẩu, nên các hình thức nói kể thiên về văn vần và bắt đầu nghệ thuật âm nhạc của mình bằng lối hát - nói, trong đó yal yau (bài kể chuyện xưa) là tiêu biểu. Ngay cả khi khuyên nhau, các bài luật tục được trình bày theo thể hát nói:

“Chim sáo không ngừng rỉa cánh

Chim le le không rảnh rỉa đuôi

Con ếch trong hang kêu ộp oạp

Con cá dưới hố quẫy lum bum

Con trâu đã trả, chuyện đã xếp rồi

Con trâu đã đền, chuyện đã xếp yên

Cháu không muốn phiền về câu chuyện cũ

Lờ cũ đã rách, rái về mò cá

Ná xưa đã gãy, khỉ lại phá nương.”

Hầu hết các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đều có lối hát yal yau. Yal yau như nguyên nghĩa của nó là ngẫm ngợi chuyện xưa. Yal yau có thể hát từ ngày sang đêm. Có những bài yal yau như là những trường ca hát hai, ba ngày đêm liền như K'Rai – Ka Lin, Sa rơpu mang Yu Mòng – Dòi, K'Tàng Dam Prah. Nhiều cuộc hát yal yau cuốn hút người nghe suốt đêm đến sáng, hết trưa sang chiều, và bao nhiêu ché rượu cần là bấy nhiêu chuyện yal yau được khơi dậy.

Trong các thể loại tiền âm nhạc của người thiểu số Tây Nguyên, gần gũi với yal yau nhất là đơs crih. Đơs là nói, kể, crih là chuyện lạ. Đơs crih là những bài hát mang nội dung lạ. Có thể hiểu đó là những bài lạ mà thay vì kể chuyện thì hát - nói cho nhau nghe trong những cuộc đi xa nhằm rút ngắn dặm đường.

1.2 Nghệ thuật dân gian

1.2.1 Âm nhạc dân gian

Cùng với ca hát, người Cơ Ho còn có nhiều loại nhạc cụ khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè. Công dụng nổi bật của chúng là tạo nền cho các nghi thức tế lễ, phối tấu cùng với ca hát và “chỉ huy” các động tác nhảy múa. Có thể phân chúng ra thành các nhóm dưới đây:

Bộ gõ có các nhạc cụ tiêu biểu là đàn đá (lu gòng), chiêng (cing) và trống (sơgơr). Đàn đá và chiêng là hai loại nhạc cụ khá phổ biến trong cộng đồng người thiểu số. Bộ chiêng người Cơ Ho có sáu chiếc: Cing me (chiêng cái) giữ nhịp, cing rdơn (chiêng cả)  phụ nhịp cho chiêng cái, cing ndơn đổi giai điệu, cing thơ, cing thi trả lời khi chiêng cái gọi. Khi đánh chiêng, người Cơ Ho xếp theo hình vòng cung, theo thứ tự các chiêng kể trên, tay trái đỡ mặt trong, tay phải đánh. Đội hình di chuyển khi ngược khi xuôi, âm thanh trầm bổng, luyến láy được tạo ra nhờ tay chụp, xòe hay xoa mà tạo nên. Riêng trống là loại nhạc cụ phổ biến ở hầu khắp các nhóm cư dân.

 

 Nhạc cụ dân tộc bản địa

Trong nhóm dây, nhạc cụ tiêu biểu nhất thuộc nhóm này là đàn. Đàn được cấu tạo bởi một ống lồ ô (hoặc nứa) với 6 lỗ thoát âm và 6 sợi dây bằng cật tre nứa (ding) hoặc bằng kim loại (tồng). Khả năng diễn tấu của đàn ding cũng rất phong phú. Vì vậy, giống như mbuôt, nhạc cụ này có mặt trong nhiều sinh hoạt khác nhau và nó có khả năng “nói hộ tiếng lòng” cho người sử dụng và thưởng thức, thuộc mọi tâm trạng của con người.

Chiêng là cách gọi theo người Việt. Theo tiếng  Cơ Ho, chiêng là cing. Chiêng không có núm gọi là cing, chiêng có núm gọi là mồng (cồng). Theo người Lạch, chiêng có 36 nhịp đánh khác nhau. Chiêng được sử dụng trong các dịp vui. Cồng, chiêng được liệt vào danh sách những tài sản quý và là tiêu chuẩn để đánh giá giàu nghèo.

1.2.2 Mỹ thuật dân gian

Ở người dân tộc thiểu  số, nghệ thuật tạo hình chưa tách biệt ra thành một lĩnh vực độc lập "chuyên nghiệp", mà nó được kết hợp đan xen, hoà quyện vào trong các vật dụng sinh hoạt hàng ngày do chính họ sáng tạo ra. Quan niệm thẩm mỹ, tình yêu với cái đẹp của các cư dân ở đây được thể hiện chủ yếu qua những sản phẩm thủ công  trên những tấm vải, trên các sản phẩm đan lát, các công cụ lao động bằng sắt trong các đồ đựng bằng gốm, trong việc tạo dáng những con thuyền. Nghề dệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nghệ thuật tạo hình của họ chưa tách biệt thành lĩnh vực độc lập nhưng sản phẩm dệt của họ là những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị cao. Nghề dệt nổi lên là cách phối màu ở các dân tộc Mạ, Cơ Ho. Có thể nói nghệ thuật phối màu truyền thống của họ đã đạt tới mức tinh tế và điêu luyện. Trồng bông và dệt vải đã trở thành lẽ sống của phụ nữ dân tộc ít người. Người Lạch đan chiếu, trang trí vải dệt thổ cẩm, đồ dùng (con dao, hộp đựng thuốc lá, ống điếu,...), đồ trang sức (vòng bạc,...) với những nét thẳng, hình thoi, ô vuông, chữ chi,... hoa văn đa dạng trình bày hình ảnh mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, vảy đồi mồi, cối giã gạo, mỏ chim, bó tranh lợp nhà, cánh con ruồi, răng con trâu, con dế,... Việc sử dụng màu sắc cũng là một chi tiết đáng lưu ý. Trong khi ở người Mạ lấy màu chủ đạo là đen, người  Cơ Ho thiên về màu đỏ. Bố cục của các hoa văn và mảng màu đã vượt ra khỏi tính đăng đối đơn điệu, cứng nhắc, tạo cho người thưởng thức một cảm giác dễ chịu.

Các sản phẩm đan lát cũng là nơi để người thiểu số gửi gắm tình yêu với cái đẹp, đặc biệt là trên những chiếc gùi. Gùi ở các dân tộc vùng này có nhiều kích cỡ. Tuy nhiên, hình dáng và phối trí các mảng hoa văn khá thống nhất. Đó là những chiếc gùi đan theo hình trụ hoặc hình nón cụt. Riêng những chiếc gùi ở người Mạ và người  Cơ Ho thì được bắt khum, "nâu đầu, nâu đuôi" (tạo sự liên tưởng tới những chiếc mai rùa).

Trong cộng đồng người thiểu số Lâm Đồng, nghề rèn tuy hình thành chậm nhưng sớm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Sản phẩm nghề rèn là đồ gia dụng và vũ khí. Chiếc xà gạc lưỡi cắm (wiêh) là một công cụ - vũ khí mang tính nghệ thuật cao. Hình dáng của nó uốn khúc lượn lờ như dòng sông chảy hay cái mỏ chim của chim chơ lao (cơlao). Hình dáng mềm mại này còn có thể quan sát trong những cây lao phóng (ta ndrek) hoặc con dao vẫn thường được dắt lưng ở khố hay có thể thay cho chiếc trâm cài đầu.

 

Sản phẩm đan lát của người dân tộc bản địa

Ở người Cơ Ho, mảng nghệ thuật tạo hình hầu như vắng bóng trong văn hoá truyền thống. Hiện nay, các nhà nghiên cứu chỉ mới biết đến một chi tiết điêu khắc theo môtíp chày - cối ở cột sân nhà và cột kho thóc cũng như một vài mảng đồ hoạ trên các giá thờ mới xuất hiện gần đây, tác phẩm có nhiều trang trí nhất trong lĩnh vực này có lẽ phải kể tới các cây nêu (pơgơng) trong các nghi lễ đâm trâu. Những "cột vũ trụ" này thường có chiều cao khoảng 10 - 12m và được chia làm 3 tầng chính, trong đó 2 tầng dưới được làm bằng thân cây gỗ và ngắn hơn (độ 2,5m cho tầng thứ nhất, 3,5m cho tầng thứ hai), tầng trên cùng là một cây luồng thẳng, cao chừng 6 – 7m và được chia thành 7 tầng nhỏ (mỗi tầng chừng 1m), ở chỗ giao điểm giữa các tầng thường gá vào những tấm gỗ hình tam giác lộn ngược, trên có vẽ hoa văn. Từ những giao điểm này tỏa xuống những tua trang trí làm bằng tre chẻ nhỏ, trông rất đẹp mắt. Hoa văn vẽ trên giá thờ và trên các bộ phận của một lễ đâm trâu là hoa văn hình học.

2.3  Giải trí dân gian

Bên cạnh trò chơi sức khoẻ là loại trò chơi thi (hoặc trò chơi nhanh nhẹn). Trốn tìm là loại trò chơi phổ biến nhất ở hầu khắp địa phương và các dân tộc. Trò chơi thi tài cũng khá phổ biến. Đặc biệt, ở người Lạch, tại những cuộc thi đua ngựa không yên, trẻ em được sự “chỉ huy” của người lớn tiến hành những cuộc đua có tính chất truyền thống. “Kỵ sỹ” là những chú bé can đảm, mưu trí điều khiển những con “chiến mã” không yên vượt qua địa hình đèo dốc để tìm chiến thắng. Người thắng cuộc sẽ được thưởng những món quà xứng đáng. Đua ngựa không yên thường được tổ chức dưới chân núi Lang Biang.

Sinh hoạt văn hoá sôi động nhất trong các cộng đồng người thiểu số và cả người Việt là những dịp lễ hội, lễ được gắn bó chặt chẽ với hội - với các hoạt động nghệ thuật dân gian, trong đó có những trò diễn lễ nghi nhằm tái tạo lại những sinh hoạt xã hội như săn bắt, cầu thần,... Có thể xem lễ hội như một hình thái nghệ thuật tổng hợp giữa ca với vũ, nhạc, giữa thiêng liêng với đời thường, giữa văn nghệ với ăn uống giao lưu cộng cảm. Đồng thời thực hiện chức năng lễ nghi, những trò diễn tả lễ nghi trong bản chất là hành động có giá trị nghệ thuật, nội dung thẩm mỹ tiềm tàng của nó, mặc dầu những người tham gia không có ý thức, khách quan vẫn gây một tác động thẩm mỹ đến con người. Bởi thế cho nên có thể xem đây là những dạng sơ khai của sân khấu dân gian.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng