NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

NÔNG NGHIỆP

 

2.  ĐẤT VÀ SỬ DỤNG ĐẤT TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

2.1 Phân loại và sử dụng đất đai

Trước năm 1975, các nghiên cứu về đất đai tại Đà Lạt đã nhận xét thổ nhưỡng ở đây không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, muốn canh tác có hiệu quả phải thực hiện các biện pháp cải tạo đất.

Theo các nghiên cứu trước 1975, Đà Lạt có 4 nhóm đất chính:

- Loại đất podzolic vàng đỏ.

- Loại đất podzolic phức tạp trên phù sa cổ.

-  Loại đất núi phức tạp, phần lớn là đất podzolic vàng đỏ.

-  Loại đất latosol nâu đỏ trên đá huyền vũ.

Các nghiên cứu này nhận định phần lớn đất sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt đều thuộc loại podzolic vàng đỏ. Do kém dinh dưỡng khoáng tự nhiên nên trong quá trình canh tác nông dân phải sử dụng một lượng phân bón rất lớn.

Người sản xuất thích sử dụng loại đất podzolic hơn đất latosol do khả năng giữ nước của đất podzolic tốt và độ thông thoáng cao hơn nên cây trồng dễ phát triển.

Sau năm 1975, các nghiên cứu về đất đai tại Đà Lạt được thực hiện một cách cụ thể hơn.

Năm 1978, Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp và Trường Đại học Tổng hợp thiết lập bản đồ tỷ lệ 1/25.000, phân chia đất Đà Lạt thành 5 nhóm đất chính là đất phù sa, đất đỏ vàng, đất dốc tụ, đất lầy và đất mùn vàng đỏ trên núi, trong đó nhóm đất đỏ vàng, đất phù sa và đất dốc tụ được  sử dụng để sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ chủ yếu.

 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÝ TÍNH CỦA CÁC LOẠI ĐẤT TẠI ĐÀ LẠT

Loại đất

Thành phần cơ giới

Tầng dày (cm)

Gley

Màu sắc chủ đạo

Đất phù sa suối

Cát pha thịt, nhẹ

>100

Yếu

Xám, nâu

Nâu đỏ trên bazan

Thịt trung bình, nặng

>100

Vệt

Nâu đỏ

Nâu đỏ trên đaxit

Thịt trung bình

70-100

 

Nâu đỏ, đỏ nâu

Nâu vàng trên đaxit

Thịt trung bình

50-100

 

Nâu vàng

Đỏ vàng trên phiến sa

Thịt trung bình, nhẹ

50-100

 

Đỏ vàng, vàng đỏ

Đỏ vàng trên phiến sét

Thịt trung bình, nặng

30-100

 

Vàng đỏ

Vàng đỏ trên granit

Thịt trung bình, nhẹ

>70

TB

Vàng đỏ

Dốc tụ

Thịt trung bình, nhẹ

>100

Nặng

Xám nâu, nâu đen

Trên cơ sở các nghiên cứu vào năm 1987 về đặc điểm lý tính của đất đai tại Đà Lạt cho thấy đất có khả năng canh tác nông nghiệp chiếm 10.998 ha.


 

Mức độ thích nghi của cây trồng trên các loại đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt được đánh giá như sau:

- Đất phù sa thuận lợi cho sản xuất các loại rau cải, lúa, ngô.

- Đất nâu đỏ thuận lợi cho cây công nghiệp (cà phê), cây ngắn ngày (khoai tây).

- Đất nâu vàng thuận lợi cho sản xuất hoa cắt cành và a-ti-sô.

- Đất đỏ vàng thuận lợi cho sản xuất hoa, a-ti-sô, rau cải, chè, cây ăn quả.

- Đất vàng đỏ thuận lợi cho cây rau, cây ăn quả và cây lương thực.

Năm 2000, thành phố Đà Lạt đã thực hiện phân tích 250 mẫu đất đại diện cho các vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Kết quả phân tích thổ nhưỡng Đà Lạt năm 2000 trên 250 mẫu đại diện cho thấy đất Đà Lạt có những đặc điểm độ mùn thấp, pH nằm ở mức trung bình thấp (chua), các nguyên tố khoáng đa lượng, trung lượng và vi lượng đều ở mức thấp. Do đó, để tổ chức sản xuất rau hoa có hiệu quả thì phải sử dụng một lượng lớn phân bón bổ sung, trong đó bổ sung các loại phân hữu cơ là một biện pháp cấp thiết nhằm duy trì các tính chất cơ học và độ keo của đất.

Theo bản đồ đất thành phố Đà Lạt tỷ lệ 1/25.000 được lập trên cơ sở kế thừa tài liệu và bản đồ đất đai tỷ lệ 1/100.000 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp có bổ sung, toàn thành phố Đà Lạt được xác định có 5 nhóm đất chính với 12 đơn vị phân loại đất sau:

· Nhóm đất phù sa gồm có đất phù sa chua, đất phù sa gley (diện tích 423,64 ha).

· Nhóm đất gley gồm đất gley chua (diện tích 353,45 ha).

· Nhóm đất đỏ gồm đất đỏ chua tầng mặt nhiều mùn, đất đỏ chua giàu mùn, đất đỏ chua nghèo bazơ (diện tích 1.358,75 ha).

· Nhóm đất xám gồm đất xám rất chua sỏi sạn, đất xám đỏ vàng, đất xám giàu mùn tích nhôm, đất xám tầng mặt giàu mùn rất chua và đất xám (diện tích 35.213,08 ha).

· Nhóm đất đen gồm đất đen giàu mùn (diện tích 557,94 ha).

Phần còn lại là đất khác và sông suối ao hồ.

So sánh đặc điểm các loại đất ở Đà Lạt với đặc điểm đất đai của Lâm Đồng cũng như tiêu chuẩn đánh giá chung của Việt Nam, đất đai của Đà Lạt có độ phì nhiêu tương đối khá, diện tích đất bị thoái hóa chiếm tỷ lệ rất nhỏ, các đất thích hợp cho phát triển nông nghiệp phân bố khá tập trung, thuận lợi cho tổ chức khai thác và bảo vệ. Tầng dầy đất khá sâu, độ dốc lớn cùng với lượng mưa có cường độ lớn nên đất dễ bị rửa trôi và xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa nếu không được bảo vệ tốt và sử dụng hợp lý, khả năng giữ nước và dinh dưỡng của đất không cao, cần đặc biệt chú trọng biện pháp bảo vệ và nâng cao hàm lượng hữu cơ trong đất.

2.2 Phân bố các vùng sản xuất

Từ khi phát triển nghề trồng rau hoa, diện tích canh tác rau cải tại Đà Lạt phát triển khá nhanh với 12,3 ha năm 1938 đã tăng lên 814,63 ha năm 1968. Các vùng canh tác cũng được mở rộng đến nhiều khu vực trong thị xã Đà Lạt. Hầu hết các vùng đều sản xuất các loại rau cải như cải bắp, cải thảo, cải bông, xà lách, cà rốt, khoai tây,…

Trong thời gian này, sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt chưa có sự phân vùng một cách rõ rệt nhưng cũng đã bắt đầu hình thành một số khu vực sản xuất:

-        Khu vực Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Đa Cát: chủ yếu là rau cải các loại.

-        Khu vực Thái Phiên, Nam Hồ: sản xuất a-ti-sô, hoa glayơn, lys, cúc, marguerite.

-        Khu vực Xuân Thọ, Trại Mát: cà rốt, một ít các loại rau cải khác.

-        Khu vực Xuân Trường: chủ yếu là chè, cây ăn trái, hoa glayơn.

-        Khu vực An Bình, Quảng Thừa: chủ yếu là rau cải, cây ăn trái.

Trong giai đoạn 1975-1985, sản xuất nông nghiệp Đà Lạt đã bắt đầu có sự phân vùng sản xuất theo kế hoạch. Trong thời gian đầu, hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp Đà Lạt tập trung vào sản xuất cây lương thực (khoai lang, sắn, giong riềng),  chỉ còn một số vùng có ưu thế vẫn tiếp tục sản xuất rau cải. Do vậy sản lượng rau cải Đà Lạt trong những năm này thấp hơn những năm trước 1975.

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp Đà Lạt năm 1987 đã xây dựng các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp một cách cụ thể dựa trên điều kiện khí hậu, tính chất cơ học của đất đai, tập quán canh tác của nhân dân địa phương và phương hướng mục tiêu của kế hoạch phát triển sản xuất. Từ các căn cứ trên, nông nghiệp thành phố Đà Lạt được phân chia làm 3 tiểu vùng:

Tiểu vùng 1 gồm xã Tà Nung. Loại đất chủ yếu là nâu đỏ trên bazan và vàng đỏ trên đaxit, có tầng dầy trên 100cm, độ dốc 5-200, cây trồng chính là cà phê và cây lương thực.

Tiểu vùng 2 gồm 12 phường (từ phường 1 đến phường 12). Loại đất chủ yếu là đỏ vàng trên phiến sa, vàng đỏ trên granit và đất phù sa sông suối, có tầng dầy 70-100cm, độ dốc 3-200, cây trồng chính là rau cải, cây dược liệu, hoa cắt cành.

Tiểu vùng 3 gồm 2 xã Xuân Thọ và Xuân Trường. Loại đất chủ yếu là đỏ vàng trên phiến sa, nâu đỏ trên đaxit, có tầng dầy trên 100cm, độ dốc 5-250, cây trồng chính là cà phê, chè, cây ăn quả, cây rau.

Quy hoạch ngành nông lâm nghiệp thành phố Đà Lạt năm 1997 xác định lại các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đặc điểm tự nhiên của khu vực, không tác động quá mức vào hệ sinh thái nông nghiệp bằng các biện pháp canh tác để đạt mục đích cao trong sản xuất.

Thực hiện phát triển nông nghiệp theo các định hướng trên, đến năm 2000, tại Đà Lạt đã dần dần hình thành các vùng sản xuất cây trồng chủ yếu như sau:

-        Phường 3, 10: cà phê và cây ăn trái đặc sản.

-        Phường 4, 5, 6: rau cải, hoa cắt cành, cây có củ.

-        Phường 7, 8, 9, 11, 12: rau cải, hoa cắt cành, dâu tây.

-        Xuân Thọ, Xuân Trường: cây có củ, cà phê, chè.

-        Tà Nung: cà phê, cây lương thực.

Kết quả kiểm tra tháng 10-2001, diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt là 9.767,79 ha, trong đó hộ gia đình cá nhân đang quản lý sử dụng 9.326,11 ha; các tổ chức kinh tế trong nước 300,07 ha; các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh với nước ngoài 45,42 ha; UBND phường, xã 91,02 ha; các tổ chức kinh tế khác 5,17 ha. Diện tích đất nông nghiệp tại các phường xã vùng ven (phường 7, 8, 11, 12) và vùng nông thôn (3 xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung) chiếm tỷ lệ 73% với 7.509,39 ha.


 

Vùng rau hoa Vạn Thành, Cam Ly (2006)

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng