NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

NÔNG NGHIỆP

 

4. CÁC LOẠI GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI

4.1   Giống cây trồng

4.1.1 Giống rau

Trong những năm 1930, các giống rau nhập từ Pháp sang đã được trồng tỉa và cho kết quả rất tốt : xà lách (Salade laitue à couper améliorée parisienne), đậu Hà Lan (Petit pois Express à longue cosse, Mange tout, roi des Carouby), cải bắp (Chou coeur de boeuf moyen, Chou Express, Chou de Noel, Chou quintal d’Alsace), dâu tây (Fraisiers de quatre saisons, Vicomtesse Héricart de Thurty), cải bông (Chou-fleur d’Alger, Chou-fleur Merveille de toutes saisons), cà rốt (Carotte rouge demi-longue de Chantenay, carotte rouge de Saint Valéry).

Năm 1948, do ảnh hưởng chiến tranh, hạt giống rau từ các nước nhập khẩu về Đà Lạt bị hạn chế và không đủ cung cấp cho sản xuất. Tại ấp Hà Đông, giống cải bắp trồng bằng “tuya” (bouture) được phát hiện và kỹ thuật này đã phổ biến khắp các vùng sản xuất rau của thị xã Đà Lạt, giúp nông dân phần nào chủ động về cây giống để sản xuất và nó tồn tại đến những năm trước 1980.

Năm 1959, với việc hình thành Trung tâm Thực nghiệm rau hoa Đà Lạt, hàng loạt giống rau đã được phóng thích và phục vụ thiết thực cho vùng rau Đà Lạt.

Sau năm 1970, nguồn hạt giống rau nhập khẩu vào miền Nam Việt Nam tương đối dồi dào và đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất ngày càng tăng của Đà Lạt. Tuy nhiên, các giống rau như cà rốt, cải bông, các loại rau cải thông thường khác được nông dân tự làm giống và sử dụng. Các loại được nhập khẩu chủ yếu là cải bắp, cải thảo, ớt xanh,… và một số loại rau cao cấp khác (như pố xôi, cần tây,…).

Năm 1977, một số hạt giống rau được chuyển vào từ miền Bắc đã góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm hạt giống rau tại Đà Lạt (năm 1977 nhập nội 4 tấn giống cải bắp, cải bắc thảo chủ yếu phục vụ cho vùng rau Đà Lạt).

Thông báo khảo sát giống rau của Đoàn Điều tra Nông nghiệp Tây Nguyên (Trường Đại học Nông nghiệp I), phối hợp với Ty Nông nghiệp Lâm Đồng và Phòng Nông nghiệp Đà Lạt đã ghi nhận Đà Lạt có những giống rau sau:

· Họ thập tự: cải bắp NS-Cross; cải bông Tứ Quý, cải bông cao; cải ngọt; cải canh; cải làn; cải bắc thảo; cải thước; cải củ Hà Lan.

· Họ đậu: đậu Hà Lan; đậu ván; đậu côve Mỹ; đậu côve trắng; đậu côve đen; đậu Canh Nông.

· Họ hành tỏi: tỏi Phan Rang; poarô tỏi, poarô hành; hành Red Creole, Tropicana Red, Granex; Early Grane, Texas Early, Grano 502.

· Họ cà: cà trắng; cà tím; cà dại; ớt; khoai tây Patronet, Cosima, Desirée, Askersegen; cà chua Mỹ, cà chua thịt, cà chua nhớt, cà pháo.

· Họ hoa tán: cần tây; xà lách; rau mùi; cà rốt nilông, cà rốt nọc.

· Họ cúc: tần ô; pố xôi; xà lách Pháp,…

Báo cáo đánh giá tổng kết công tác giống rau 1979-1983 tại thành phố Đà Lạt đã nhận định Đà Lạt có điều kiện phù hợp để sản xuất một số giống rau phục vụ cho nhu cầu sản xuất rau thương phẩm của các địa phương khác trong cả nước. Các giống rau có thể làm giống tại Đà Lạt là củ cải thước, củ cải Hà Nội, củ cải Thái Lan, cải bông, cải xanh, cải trắng, đậu côve, cải bắp Lạng Sơn, cải bắp số 5, su hào Hà Giang.

Trong những năm 1987-1991, Phòng Nông nghiệp Đà Lạt tiến hành khảo nghiệm tập đoàn giống cải bắp và cải thảo của Công ty Tohoku (Nhật Bản) gồm 6 giống cải bắp CR-100, TH-8260, Early Shogun, Shogun, TH-7450, TH-3920 và 3 giống cải bắc thảo C-55, FS-60, R-70. Công tác khảo nghiệm đã chọn lọc được 2 giống cải bắp Early Shogun, Shogun và 1 giống cải thảo FS-60 phù hợp với điều kiện sản xuất tại Đà Lạt. 

Trong thập niên 1990, các cơ quan nghiên cứu khoa học của địa phương cũng đã nghiên cứu các giống rau mới để đưa vào sản xuất nông nghiệp. Các giống khoai tây Atzimba (012),  CFK-69.1 (06), Utatlan (07), Rosita – 114,... (của Trung tâm Khoai tây Quốc tế CIP), các giống cải bắp Green Coronet, Green Crown; các giống cải bắc thảo Chorus, Tempest, W-60, WR-70 (Công ty Takii Seed – Nhật Bản); cải bắp Shogun (Tohoku – Nhật Bản); cải bắp Paris (Pháp), Grand 11, A-28 (Công ty Chitai - Thái Lan); cải thảo TN-35, 304 (Công ty Trang Nông); hành tây Yellow Granex, Red Creole C5 (Mỹ); dền đỏ Green Top, Detroit Dark Red Morse’s Strain, Tezier,… đã đáp ứng cho nhu cầu giống của địa phương trong những thời gian nhất định.

Từ năm 1996, một số giống rau cao cấp khác đã được sản xuất thành công trên các vùng rau của Đà Lạt như giống rau Lollo Rossa, Romaine, Oakleaf Green, Asparagus, Broccoli, Fenel, Leeks, Red Cabbage, Red Radish, Batavian Green, Big Frisee, Ice Berg, Slearole, Rocket Arugula, Mache, French Bean, Brasil, Chives, Parsley, Dill, Tartagon, Thyme, Button Mushroom, Chery Tomato,…

Cải bắp (Brassica oleracea var. capitata L., họ Cruciferae, còn được gọi là bắp sú (chou pommé), là cây rau chiếm diện tích canh tác chủ yếu tại Đà Lạt trước đây và hiện nay.

 

Có nhiều giống cải bắp được trồng tại Đà Lạt xuất phát từ các công ty hạt giống Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan,… trong đó giống cải bắp của Nhật Bản được trồng nhiều nhất vì thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Đà Lạt, có khả năng kháng được một số loại nấm bệnh phổ biến,  năng suất cao và ổn định.

Năm 1960-1975: giống chủ yếu của hãng Takii  và Tokita là NS-cross, KY, KK-cross, OS-cross, AS-cross, MS-cross,…

Sau 1975 : NS-cross (Takii)

Từ 1985 đến nay: Shogun, Green Coronet, Green Crown, Green Rocket F1, VL90 F1, VL186 F1, Cape Horn F1,…

Giống đã được trồng thử nghiệm tại Đà Lạt: T70, A72, A90, Resit Lake, Dragon, Paris, Grand 11, Early Shogun, N0 5,…

Cải bắp trồng quanh năm tại Đà Lạt, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Năng suất bình quân trong vụ đông xuân có thể đạt đến 900-1.100 tạ/ha, vụ hè thu đạt 600-750 tạ/ha.

Cải thảo (Brassica Pe-tsai Bailey L., họ Cruciferae) còn gọi là cải bắc thảo, là cây rau thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Đà Lạt và dễ canh tác nên được sản xuất với quy mô khá lớn. Hầu hết các địa phương đều có trồng cải thảo.

Các giống trồng trọt có xuất xứ từ các nước Nhật, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, trong đó giống cải thảo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan được ưa chuộng hơn.

Năm 1960-1970: Champion, Nagaoka King, Ideal Market, 60 days, Wonder Cron, Crown, Pungchu, Karah New N01, Myojyo, New Bulam,…

Từ 1975 đến nay: Chorus, Tempest, Tokita Kingdom, Green Rocket, T65, 304, TN35, Tropical Delingt F1, Tropical Emperor F1,…

Cải thảo được trồng trọt quanh năm tại Đà Lạt, tập trung vào vụ đông xuân hàng năm. Năng suất bình quân 500-600 tạ/ha.

Cải bông (Brassica oleracea var. Botrytis L.,) còn gọi là sú lơ (chou-fleur). Diện tích canh tác hàng năm chiếm khoảng 10%. Hầu hết ở các địa phương trong thành phố đều có trồng cải bông. Cây cải bông thích hợp trồng trong vụ đông xuân, hiện nay đã được nhân dân canh tác quanh năm với nhiều giống khác nhau xuất phát từ Pháp, Nhật, Mỹ.

Từ 1960: Fengshan Late của Đài Loan.

Từ 1975: Bổ sung giống Tứ Thời từ miền Bắc Việt Nam.

Từ những năm 1990:

Cải bông trắng: Snowball-Early, Alba, White Flash, Snow Crown, Snow King 65, Snow Prince, Snow March, White Corona F1,…

 Cải bông trắng

Cải bông xanh (Broccoli): Avella, Southern Star, 1919F1-Thiram, Broccoli Marathon, Green Magic,…

Hiện nay đã có nhiều giống ngắn ngày với thời gian canh tác khoảng 75-90 ngày (cải bông xanh). Năng suất của cải bông trắng  750 - 900 tạ/ha, cải bông xanh 60-80 tạ/ha.

Khoai tây (Solanum tuberosum L., họ Solanaceae) được trồng thử nghiệm từ những năm đầu khai phá và về sau được trồng ở nhiều nơi trong thành phố.

Từ 1980 trở về trước, cây khoai tây chỉ có thể trồng được trong vụ đông xuân nhưng hiện nay đã có thể trồng quanh năm tại Đà Lạt với quy mô từ 350-500 ha/vụ. Cây khoai tây trước 1980 được trồng chủ yếu từ củ giống. Từ 1980 đến nay, cây giống được sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô thực vật.

Trước 1975: Patrones (Hà Lan), Cosima (Tây Đức) sử dụng từ năm 1963; Tondra (Tây Đức), Desirée (Hà Lan) được sử dụng từ năm 1968.

Từ 1980-1995: Atzimba, I.1035, CFK 69-1, Utatlan 69, P3, Rosita 114, Kennebec, Greta, Kerpundi,… có nguồn gốc từ Mexico, Mỹ, Pháp.

Giống phổ biến hiện nay: 06 (CFK 69.1), 07 (Uatatlan), PO3.

Từ năm 1980-1990, có hơn 100 giống khoai tây được lưu giữ tại ngân hàng giống của địa phương (Trạm nuôi cấy mô thực vật thành phố Đà Lạt và Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây) bằng kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật.

 

Cây khoai tây trồng trong vụ hè thu có thời gian sinh trưởng ngắn hơn trong vụ đông xuân. Năng suất bình quân hiện nay trong vụ đông xuân đạt 150-180 tạ/ha. Vụ hè thu kém hơn, từ 100-120 tạ/ha.

Cà rốt (Daucus carota L., họ Umbelliferae) thích hợp nhất trên đất bazan. Địa phương canh tác cà rốt có hiệu quả cao và tốt nhất ở Đà Lạt là xã Xuân Thọ, Cam Ly, Đa Thiện. Người sản xuất cũng đã tự để giống để dùng cho vụ sau.

Trước 1960: Giống Rouge de Saint Valéry, Demi-Longue de Chantenay.

Sau 1960: Half Long Nantes, Royal Chantenay, Rouge Longue Obtuse de Colma.

Từ 1975: Victoria, Royal cross, Super VL, Kuroda,…

Những giống mới nhập nội trong những năm 1975 đến nay khá nhiều, mặc dù có chất lượng cao hơn nhưng chưa phổ biến do có năng suất thấp và chưa thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Năng suất bình quân 350-400 tạ/ha.

 

Xà lách (Lactuca sativa var. capitata L., họ Asteraceae) là một loại cây rau ngắn ngày nổi tiếng của Đà Lạt, có thời gian sinh trưởng ngắn nên rất thích hợp cho việc trồng xen với những chủng loại cây rau khác. Cây xà lách không kén đất nên có thể trồng trên nhiều vùng đất khác nhau và trồng được quanh năm.

 

Trước 1960: Salade laitue à couper améliorée parisienne.

Từ 1960: Butter Lettuce CLS 808, Lettuce Marina, Lettuce Mini Star, Full Heart NR65, Endive N0 138,…

Từ 1998: Nhiều giống xà lách mới được nhập nội và được gieo trồng theo phương thức sản xuất rau chất lượng cao với nhiều màu sắc khác nhau như Lolo Rossa, Romaine, Oakleaf Green, VL800, GR-603, Lion seed, Lettuce Ultima, Curon Tropica,…

Xà lách có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 45-55 ngày, năng suất bình quân 20 tạ/ha.

Cần tây (Apium graveolens, L., họ Umbelliferae) là loại rau ăn lá được trồng trọt khá phổ biến tại Đà Lạt do rất thích hợp với những vùng đất thấp, ẩm. Cần tây được trồng nhiều tại các phường 7, 8, 9, 12,… Cây có thời gian sinh trưởng 60 - 75 ngày nhưng thời gian gieo giống khá dài 55 - 60 ngày.

Từ 1960: Utah 52-70, Tall Utah 54-70.

Giống được trồng hiện nay là giống Florida của Mỹ.

Hành tây (Allium cepa L., họ Liliaceae). Các địa phương trồng nhiều hành tây ở Đà Lạt là Phước Thành, Thánh Mẫu, Kim Thạch, An Sơn, Quảng Thừa, Cam Ly. Hành tây thích hợp với những vùng đất thoáng, pha cát, nhất là đất phù sa sông suối.

Từ 1960: Texas Early Grano 502, Granex, Red Creole, Yellow Dessex,…

Các giống hành mới: VL-201 F1, VL-215 F1, Onda Vistra…

Cây tỏi (Allium sativum L., họ Liliaceae) cũng là một chủng loại được trồng trọt nhiều trong những năm trước 1980 với các giống Si-lou White leaf, Hsuehchia Softsltem, Annan Very Early, Tzutung Black Leaf,…

Poarô hành hiện đang được trồng nhiều tại Phước Thành và Kim Thạch. Giống được sản xuất hiện nay là Kyoto Market, Large Long Summer,…

Đậu Hà Lan (Pisum sativum L., họ Leguminosae) được canh tác nhiều nhất tại Phước Thành, Thánh Mẫu.

Giống trước đây được nhập từ các nước Mỹ, Đài Loan, Pháp với các giống Mammoth Melting Sugar, Tai Chung N09 & N010, Merveille de Kelvedon. Người sản xuất tự để giống và tiếp tục gieo trồng cho các vụ sau. Hiện nay các giống này đã trở thành giống địa phương.

Trong những năm 1990, một số giống đậu Hà Lan có xuất xứ từ Đài Loan, Mỹ được đưa vào trồng thử nghiệm tại Đà Lạt (Garden Pea, Edible Pod,…), nhưng hầu hết đều không thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và cho năng suất thấp hơn so với giống đã được thuần hoá trước đây nên không được người sản xuất ưa chuộng.

Đậu Hà Lan có thể trồng quanh năm tại Đà Lạt nhưng vụ đông xuân cho hiệu quả cao hơn vì ít bị nấm bệnh gây hại. Một vụ trồng đậu Hà Lan có thể thu hoạch từ 10-12 lứa trái, năng suất bình quân 1,2-1,5 tấn/ha.

Củ dền (Beta vulgaris, họ Chenopodiaceae) còn gọi là củ cải đỏ. Củ dền là một loại nông sản được trồng phổ biến tại Đà Lạt, chủ yếu là trồng xen với những loại cây rau khác với các giống : Green Top Banching, Beet, Ferry Morse, TN9,…

Củ cải trắng (Raphanus acanthiformis Morel., họ Cruciferae) là một loại nông sản phổ biến tại Đà Lạt từ những năm trước 1990. Hiện nay vẫn còn sản xuất nhưng quy mô không lớn với các giống: Mine Early Long White, Winter Queen, Mino Early White, 40 Days, Jumbo Scralat…

Rau pố xôi  (Spinacia olerceae, họ Cruciferae) là một loại rau ngắn ngày nổi tiếng của Đà Lạt, được trồng quanh năm, nhiều nhất là khu vực Thánh Mẫu và Nguyên Tử Lực, giống phổ biến hiện nay là của Nhật Bản: HN225, Orient, Green Boy, Dash, Anna,…

 

 

4.1.2 Giống hoa

Ngoài các loại đã phổ biến và trở thành các giống  truyền thống của địa phương như lys trắng, glayơn, hoa hồng,… trong những năm 1990, các giống hoa đồng tiền (gerbera) cũng được di nhập vào Đà Lạt và trồng trọt nhiều ở vùng hoa Thái Phiên với các giống có màu đỏ đậm, đỏ lửa, vàng, hồng phấn,… Trong thời gian này có trên 25 giống hoa hồng được nông dân tự thử nghiệm tại vùng Cam Ly (phường 5) và đã chọn lọc được giống hoa hồng xanh, đỏ Ý, đỏ Hà Lan,….

Năm 1984, chương trình nghiên cứu về cây địa lan Đà Lạt (Cymbidium) được khởi động. Với kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật, hàng trăm ngàn cây địa lan cấy mô với các giống quý hiếm đã được nhân nhanh và phục vụ kịp thời cho nhu cầu giống của địa phương. Theo thống kê năm 1988 của Trạm nuôi cấy mô thực vật Đà Lạt (thuộc Ban Khoa học - Kỹ thuật Đà Lạt), vào thời điểm này, Đà Lạt có trên 250 giống địa lan Cymbidium nhập nội, có 9 loài tự nhiên với trên 25 biến chủng có giá trị về mặt di truyền, có thể làm nguồn ban đầu để lai tạo giống mới. Ngoài ra, Đà Lạt còn có khoảng 300 loài lan tự nhiên thuộc khí hậu nhiệt đới núi cao, có giá trị về mặt sưu tập khoa học và di truyền chọn giống, trong đó đáng kể nhất là các loài thuộc chi Dendrobium, Paphiopedilum, Coelogyne, Bulbophyllum,

Từ sau năm 1995, các giống hoa cắt cành mới được di nhập và thử nghiệm thành công đã góp phần làm phong phú thêm chủng loại hoa cắt cành tại địa phương. Ước tính đến đầu năm 2000, Đà Lạt có khoảng 60 giống cúc, 20 giống đồng tiền, 15 giống cẩm chướng, 10 giống hoa hồng, 4 giống ngàn sao và trên 10 chủng loại hoa khác.

Hoa lan là một trong những cây hoa đặc sắc, được trồng từ lâu. Đến những năm 1960, việc nhập nội đã mang lại cho Đà Lạt những chủng loại, giống hoa lan mới.

Các giống lan nhập nội vào Đà Lạt thuộc các chi: Cattleya, Cymbidium, Dendrobium, Paphiopedilum,  Oncidium, Odontoglossum, Vanda, với trên 300 giống. Các giống Bengal Bay Golden Hue, Suva Royal Velvet, Sayonara Raritan, Balkis, Eliotte,… được nhập nội từ những năm 1960 cho đến nay vẫn còn được ưa chuộng và trồng khá nhiều tại các vườn lan.

Từ năm 2000, một số giống lan vùng nhiệt đới và á nhiệt đới cũng đã trồng thành công tại Đà Lạt như giống lai trong chi Hồ điệp (Phalaenopsis), Hoàng y Mỵ Nương (Oncidium), Lan nhện (Odontoglassum),…

Các loài lan nội địa cũng đã được sưu tập và trồng phổ biến tại Đà Lạt  từ những năm 1940 cho đến nay. Các loài lan được ưa chuộng tại các vườn lan Đà Lạt  là Long tu (Dendrobium primulinum Lindl.) Kim điệp (Den. chrysotosum Lindl. var. Delacourii Gagn.), Thủy tiên trắng (Den. farmeri Paxton.), Thủy tiên vàng (Den. thyrsiflorum Reichb.f.), Thủy tiên mỡ gà (Den. densiflorum Wall.), Long nhãn kim điệp (Den. fimbriatum Hook. var. oculatum Hook.), Giả hạc (Den. superbum Reich. in Walp.), Ý thảo (Den. gratiotissimum Reichb.f.), Các loại Lọng (Bulbophyllum sp.), Tuyết ngọc (Coelogyne psectrantha Gagn.), Hàm lân (Coelogyne  lawrenceana Rolfe), Mỹ dung dạ hương (Vanda denisoniana Bens. et. Reichb.f.), Tóc tiên (Vanda watsonii  Rolfe), Cẩm báo (Vandopsis parishii (Veitsch) Reichb.f.),  Huyết nhung (Renanthera imschootiana Rolfe.), Bò cạp (Renanthera evrardii Guillaum.), Hồ điệp (Phalaenopsis manii Reichb.f.), Vân hài (Paphiopedilum callosum Kerchove), Kim hài (Paphiopedilum villosum (Lindl.) Pfitz.), Hồng dâu (Aerides lawrenceana), Hạc đỉnh (Phajus tankervilleae (Ait.) Bl.).


 

Hoa glayơn (Gladiolus x Gandavensis Van Houte, Gladiolus communis L, họ Iridaceae). Hoa glayơn có nguồn gốc từ Trung Âu, Tây Á và Nam Phi, được trồng nhiều ở Đà Lạt vào khoảng năm 1955. Vùng sản xuất nhiều hoa glayơn của Đà Lạt là Trường Sơn, Xuân Thành, Tự Phước, Sào Nam,… và còn rải rác ở nhiều địa phương khác trong thành phố.

Giống glayơn trước đây có nhiều màu khác nhau:

· Màu trắng: Maria Goretti, Princesse des neiges.

· Màu vàng: Gold Dust, Hopman’s Glory , Vinks Glory.

· Màu đỏ: Johan Van, Pride of Holland, Sans Souci, Cardinal Spellman, Hawaii, Johan Strauss.

· Màu hồng: Spic An Span, Alfred Nobel, Jenny Lind, Picardie.

· Màu tím: Gustave Mahier, Mabel Violet, Memorial Day.

· Các loại khác; Polygone, Benares, Pactuolus, Gratia, Abu Hassan.

Giống glayơn nhập nội từ 1990 chủ yếu từ Hà Lan:

· Màu vàng: Marrakech.

· Màu đỏ: Dunkel Rot,  Mozambique.

· Màu tím: Bleu-violet.

· Màu hồng: Bono’s Memory, Glorianda.

Giống hoa glayơn đang được trồng tại Đà Lạt là Carqueranne, T-609, Jackson Ville Gold, White Goddes; Oscar,…

Hoa glayơn có thể trồng quanh năm ở Đà Lạt nhưng không thể trồng lặp 2 vụ liên tiếp. Hàng năm Đà Lạt cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 1,5 – 2 triệu cành hoa glayơn.

Hoa hồng (Rosa hybrida Hook., họ Rosaceae) được trồng ở Đà Lạt từ khá lâu. Năm 1958, nông dân Đà Lạt đã nhập các giống mới để khai thác hoa cắt cành. Những vùng trồng nhiều hoa hồng tại Đà Lạt là Nguyên Tử Lực, Thánh Mẫu, Thái Phiên, Vạn Thành, An Sơn, Quảng Thừa,… và rải rác ở nhiều khu vực khác.

Giống hoa hồng được trồng trong những năm 1960:

· Màu đỏ: Numéro un, Schweitzer, Rouge Meillend, Michele-Meillend, Hélène Valabrugne, Charles Mallerin, Brigitte Bardot, Brunner.

· Màu hồng: Caroline Testout, Betty Uprichard.

· Màu vàng: Québec, Mme A.Meilland, Hawaii, Diamont.

· Màu trắng: Reine des neiges, Sterling Silver.

· Hai màu: J.B. Meilland, Mme Dieytoné, Président Herbert Hoover.

· Giống làm rào trang trí: Primevière, Gloire de Dijon, Climbing, Caroline Testont, Étoile de Hollande,…

Giống hoa hồng được nhập nội trong những năm 1990:

· Màu đỏ: Grand Galla, Amadeus, Red Velvet.

· Màu vàng: Pailine, Alsmeer Gold.

· Màu trắng: Suprême de Meillend, Vivinne.

· Các màu khác : Sheer Bilss, Jacaranda, Troika,…

Các giống hoa hồng đang được trồng phổ biến tại Đà Lạt:

· Màu trắng :  Eskimo, Bianca, Vanilla, Vendela.

· Màu vàng:   Frisco, Golden Gate, Gold Strike, Sunbeam.

· Màu cam:    Circus, Kiss Orange, Chesea.

· Màu hồng:   Aquarius, Kiss Pink, Saphir, Arifa.

· Màu đỏ:       Rode, First Red, Red Corvett, Sacha.

Hồng tỷ muội: Alegria, White Lydia, Sereno, Suncity, Macarena, Lydia, Lovely Lydia, Red Micado,...

Hiện nay kỹ thuật canh tác hoa hồng được nâng lên rất nhiều với việc tổ chức canh tác trong nhà có mái che, áp dụng kỹ thuật trồng trực tiếp không qua công đoạn ghép cành,…  nên chất lượng hoa rất tốt và đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu dùng. Hàng năm Đà Lạt cung cấp cho thị trường khoảng 80-100 triệu cành hoa hồng.

Hoa lys (Lilium longiflorum Thunb. họ Liliaceae). Hoa lys được trồng tại Đà Lạt từ năm 1940 với các giống gốc Pháp chuyển từ  Hà Nội vào. Từ 1970, Đà Lạt đã nhập giống lys từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Giống Nhật Bản có nhiều màu khác nhau nhưng chỉ có màu trắng là thích hợp và còn tồn tại đến nay. 

Hiện nay có nhập thêm những giống lily (lys màu) như Corsage, Destiny, Sisi, Tiber, Sorbonne,… được trồng theo quy mô trang trại.

Vùng canh tác nhiều hoa lys của Đà Lạt là Xuân Trường, Sào Nam, Chi Lăng, Thái Phiên, Đa Thiện.

Hàng năm Đà Lạt cung cấp khoảng 15-20 triệu cành hoa lys, lily cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Hoa cúc (Chrysanthemum sp., họ Asteraceae) được trồng làm cảnh tại Đà Lạt từ lâu nhưng thực sự trở thành sản phẩm kinh tế từ năm 1995. Cho đến nay có khoảng trên 70 giống hoa cúc được trồng với mục đích cắt cành tại Đà Lạt. Giống hoa cúc hiện nay chủ yếu xuất phát từ Hà Lan và du nhập vào Đà Lạt với nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay không thể xác định tên thương phẩm của từng chủng loại cúc được trồng tại Đà Lạt. Các giống cúc trồng tại Đà Lạt có thể chia theo các nhóm sau:

- Nhóm đại đoá:

Hoa đơn: Màu vàng, trắng, đỏ, tím đỏ. Hoa lớn 6-7cm, cánh kép. Giống hoa: Hibiki, Zembra.

Hoa chùm: Màu cam, vàng nghệ, vàng chanh, trắng... Hoa 4-5 cm, cánh kép. Giống hoa: Euro, Mona Lisa Yellow, Vesuvio Yellow, Fiji Orange.

- Nhóm hoa nhỏ:

· Cúc Tổ ong: Màu trắng, vàng, vàng nghệ, xanh két, đỏ đậm, tím...Nhụy dạng tổ ong, nhiều hoa. Hoa 2-2,5cm. Giống hoa: Jo Spithoven, Samos, Puma Sunny, Ibis Sunny.

Cúc Vạn thọ: Màu trắng, vàng, cam, đỏ. Cánh kép phân bố kiểu hoa vạn thọ. Hoa 3-5cm. Giống hoa: Feeling Grenn, Cheeks.

Cúc Pingpong: Màu trắng, vàng. Cánh kép. Hoa toả đều 3-5cm. Giống hoa: Pingpong Golden, Pingpong Super.

Cúc Cánh mai: Màu tím, hồng, đỏ, vàng nhạt, vàng đậm, vàng cháy, trắng, cam, cam đậm, nâu nhạt,… Hoa 1-2 lớp cánh. Nhụy dạng hoa marguerite. Hoa 2,5-3cm. Giống hoa: Wimbledon, Lineker Salomon, Lineker Amber, Lineker Yellow, Grand Splendid,…

· Cúc Cánh quỳ: Màu tím, vàng. Hoa 1 lớp cánh mỏng. Hoa 4-5cm. Giống hoa: Lineker Dark, Grand Salomon, Managua,…

- Nhóm cúc tia: Vesuvio, Vesuvio Yellow, Delianne Yellow, Shamrock, Biarritz, Sabrina,…

Diện tích canh tác hoa cúc cắt cành tại Đà Lạt đã gia tăng rất lớn trong những năm 1997-2000, chiếm khoảng 40-50% diện tích sản xuất hoa cắt cành của địa phương. Hoa cúc chủ yếu được trồng trong nhà che plastic và sản xuất quanh năm. Hàng năm Đà Lạt cung cấp cho thị trường tiêu dùng 300-350 triệu cành hoa cúc các loại.

Hoa cẩm chướng (Dianthus caryophyllus L., họ Caryophyllaceae). Trước đây hoa cẩm chướng được trồng làm cảnh trang trí. Từ năm 1975 đã có sản xuất hoa cắt cành. Vùng sản xuất hoa cẩm chướng hiện nay là Vạn Thành, Thái Phiên, Nguyên Tử Lực, Đa Thiện, Phước Thành, Đa Quý,…

Hiện có khoảng trên 20 giống được trồng trọt với mục đích cắt cành. Các giống trồng trọt hiện nay được chia theo nhóm sau:

· Nhóm hoa chùm: Màu đỏ, hồng, trắng, kem,… Hoa nhỏ, cành thấp 30-40cm, mắt nhặt. Thời gian sinh trưởng 18-24 tháng. Giống hoa: Furore, Peachy Furore, Light Pink Barbara, Scarlet King, Barbara, Dark Pink Barbara, Windows, Ibriza, Bosanka, White Natalia, Optima, Andaluz.

· Nhóm hoa đơn: Màu đỏ, hoa lớn, cánh cao 70-80 cm, mắt thưa, ít chồi, thời gian sinh trưởng 15-18 tháng. Giống hoa  : Tundra, Orange Tundra, Jamaica, Harlem, Essiana, Solo, Tessino, Scarlet Queen, Gaudina, Tahiti, Pink Dona,...

· Màu hồng, vàng, trắng, cam, kem, vàng viền đỏ, hồng viền tím, đỏ viền trắng, hồng viền trắng,… Hoa lớn, cành cao 65-75cm, mắt thưa, nhiều chồi, thời gian sinh trưởng 18-24 tháng.

Hoa cẩm chướng có diện tích canh tác không lớn, chủ yếu trồng trong nhà có mái che plastic. Hàng năm Đà Lạt cung cấp khoảng 0,3-0,5 triệu cành hoa cẩm chướng các loại.

Các loại hoa cắt cành khác

Hoa đồng tiền (Gerbera jamosonii Bolus et Hook., họ Asteraceae) là giống hoa được trồng khá phổ biến tại Đà Lạt trước 1975 với mục đích cắt cành, có nhiều màu khác nhau (vàng, cam, đỏ, hồng,…). Năm 1980 Đà Lạt có nhập thêm một số giống cánh kép từ  Hà Nội. Từ 1997 đã nhập nội trên 20 giống của Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó giống của Hà Lan cho chất lượng cao nhất với nhiều màu khác nhau. Giống hoa: Magarita, Atlas, Debora, Guadra, Orinoco, Red Bull, Lilabella, Sarinah, Samson, Margarita, Mandolin, Moonira, Golden Serena, Tambre, Popov, Maroussia, Jaska, Magnum, Janet, Amarou, Oilila, Miss Rebecca, Rosalin, Marathon. Marmara, Pleasure, Ilcarus, Duella, Essandre, Ave Maria, Thalassa, Viva,...

Hoa Ôlempơ (Gazon d’Olympe, Gerbera jamosonii Bolus et Hook., họ Asteraceae) thường gọi là Salem, là giống được trồng khá phổ biến tại Đà Lạt, thích hợp trồng trong vụ đông xuân hàng năm, xuất hiện tại Đà Lạt trước 1975. Hoa Ôlempơ có nhiều màu như hồng, vàng, tím, trắng, da cam,…

Sao tím, sao trắng (Limonium latifolium, họ Plumbaginaceae) được nhập vào Đà Lạt từ năm 1995, được dùng để trang trí kèm với các loại hoa khác.

Hoa hồng môn (Anthurium sp., họ Araceae) là giống hoa thường được dùng làm cảnh trước 1990 với các loại cơ bản là Tiểu hồng môn, Đại hồng môn và Môn trắng. Từ 1995 hoa hồng môn đã được trồng trọt với quy mô lớn nhằm mục đích cắt cành. Năm 1999 đã nhập nội khá nhiều giống với nhiều màu sắc và cấu trúc khác nhau. Giống hoa: Tropical, Safari, Amigo, Neon, Monet, Champion, Midori, Carnaval, Marshall, Dorado, Nexia, Acropolis, Fiorino.

Hoa cát tường (Eustoma grandifolium) là giống hoa mới được gây trồng tại Đà Lạt từ 1998. Năm 2005 đã gieo trồng trên 20 ha với các giống Saphire Pink, Avila Purple, Balboa White, Saphire Blue, Saphire White.

4.1.3 Atisô

Đà Lạt còn là địa phương nổi tiếng về cây dược liệu atisô.

Cây atisô (Cynara scolymus L., họ Compositae) là một loại cây trồng đặc sản của Đà Lạt, rất thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Đà Lạt và cho năng suất cao. Vùng trồng nhiều atisô ở Đà Lạt là Thái Phiên và Sào Nam.

Trước năm 1975, giống aitsô được trồng là Gros Vert de Laon, Violet Hâtif. Công tác nghiên cứu về giống atisô cũng đã được chú trọng từ sau năm 1985. Bên cạnh giống đã có trước năm 1975 đã trở thành giống địa phương, năm 1992 Phòng Nông nghiệp Đà Lạt đã tiến hành thử nghiệm thêm các giống mới nhập nội từ Pháp bao gồm Salanquet, Carizou, Violette. Các giống này đã được phóng thích ra sản xuất.

4.1.4 Cây ăn trái

Hồng ăn trái (Diospyros kaki L.f. họ Ebenaceae) được trồng tại Đà Lạt khoảng năm 1958. Các địa phương có diện tích trồng hồng nhiều là phường 3, 4, 9,10,11, Xuân Thọ, Xuân Trường.

Hiện nay ở Đà Lạt có các giống hồng phân biệt nhau qua hình dạng, màu sắc và chất lượng quả.

Hồng dòn, ngọt: Fuju Banchi, Chira, Matzumoto Wase Fuju, Sanji Maru, Ama Hyakuma, Koshyo,… (Nhật Bản).

Hồng chát: Hachiya, Hira Tanenashi Yocono, Nishi Suchi, Japan Long Square, Chiro (Nhật Bản), Oblong China, China Conical (Trung Quốc), Sakock Si, Tan Sung Si, Kichong Si, Chungda Banshi, Ky Ungean Banshi, Susi ( Triều Tiên), Fujusi (Úc), Saron (Israel),…

Những giống hồng chọn lọc từ các vườn hồng đã có trước đây: Hồng trứng Lốc, Hồng vuông Tám Hải,…

Mùa vụ thu hoạch hồng chính ở Đà Lạt từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Sản lượng hồng thu hoạch khoảng 4.500-5.000 tấn. Phần lớn là dùng ăn tươi, một lượng nhỏ dùng chế biến làm hồng khô, hồng ngâm và rượu hồng.

Cây mận (Prunus salicina Lindl., họ Rosaceae) được trồng trên cao nguyên Lang Biang khi thành lập nông trại Dankia. Cây mận được canh tác nhiều tại Trại Hầm, Trạm Hành và rải rác ở các nơi khác trong thành phố.

Các giống mận có trước 1975: Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ, mận địa phương, Rine Claude, Rosa Saupa,  Formosa, Puneau d’Autriche, Damas,… có nguồn gốc từ Trung Quốc, Pháp, Đài Loan, Áo.

Khoảng năm 1995, một số nông dân đã di thực giống mận Tam Hoa từ miền Bắc và trồng thử nghiệm thành công tại Đà Lạt. Cây mận Tam Hoa được ghép trên gốc đào cho kết quả rất tốt.

Mận Đà Lạt được dùng ăn tươi, làm mứt, xí muội, làm rượu,… Mùa mận chính của Đà Lạt từ tháng 3-6 hàng năm.

Cây đào (Prunus persica Stokes, họ Rosaceae) đã được trồng tại Đà Lạt từ lâu, hiện nay không có vùng nào chuyên canh đào nhưng hầu hết ở các địa phương trong thành phố đều có trồng đào.

Các giống đào có ở Đà Lạt là đào Ai Lao (Vạn Tượng), Vân Nam, Nectarine, Florida.

Sản lượng đào Đà Lạt không lớn, sản phẩm trái chỉ dùng để ăn tươi và một ít làm mứt. Tuy nhiên người dân Đà Lạt có tập quán dùng cành đào để chưng trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Tháng 8 - 1997, ông Bùi Văn Lời đã di thực giống đào Nhật Tân về trồng tại Đà Lạt  nhằm mục đích khai thác hoa phục vụ cho ngày Tết hàng năm.

Dâu tây (Fragaria Ananasssa Z, họ Rosaceae) là một loại cây ăn trái quan trọng của Đà Lạt.

Các giống trồng trước 1975 có nguồn gốc từ Pháp gồm: Fraisiers de quatre saisons, Vicomtesse Héricart de Thurty.

 Madame Moutot: Quả rất lớn, màu đỏ tươi, thịt quả đỏ hồng, ít chua, vị ngọt, mùi thơm, năng suất khá cao.

Docteur Morère: Cây tốt, sinh trưởng và phát triển khá mạnh, quả lớn, tròn, màu đỏ đẹp, có kẻ giữa quả, thịt quả cứng và ngọt, có thể vận chuyển đi xa được.

Ngoài ra còn có các giống nhập từ Mỹ như Cambridge Latepine, Cambridge Favorite, Wiltgourd, Lolano, Shasta, Rival, Vigora, Fresno, Tahara và Lassen.

Các giống trồng sau 1975 được du nhập từ nhiều nguồn khác nhau như Đài Loan, Mỹ, Pháp,… Các giống mới có chất lượng cao, trái to, màu sắc đẹp, thơm:  Selva, Caliso,  Sequoita, Fan, Allstars, Ozare, Quinault.

Năm 1996, Công ty PAC Việt Nam đã liên doanh với Pháp, đưa vào thử nghiệm nhiều giống dâu tây như Angelique, Belrubi, Gorella, Selva, Tarma, Aliso, …

Trong những năm 2000-2001, các hộ chuyên canh dâu tây tại Đà Lạt vẫn trồng các loại dâu có xuất xứ không rõ ràng về nguồn gốc, được gọi chung là “Dâu Pháp” hay “Dâu Xuân Hương”. Các giống này được nhân giống bằng thân bò.

Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt đã nghiên cứu lai tạo chọn lọc và nhân giống 30 dòng dâu tây mới trên cơ sở các giống dâu tây đã trồng tại Đà Lạt.

Diện tích sản xuất dâu tây tại Đà Lạt năm 2005 đạt 110ha, với sản lượng thu hoạch trên 1.300 tấn.

Các loại cây ăn trái khác

Ngoài những giống cây ăn trái trên, Đà Lạt còn có những giống cây ăn trái mang nguồn gốc ôn đới như pom, lê. Các giống cây ăn trái được du nhập nhiều nhưng do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên năng suất cũng như chất lượng sản phẩm không cao vì vậy không được chú ý phát triển.

Ngoài ra, một số giống cây ăn trái đã được trồng thử nghiệm tại Đà Lạt: mơ chùa Hương, quýt Địa Trung Hải,… Các giống cây ăn trái này sinh trưởng khá tốt, đã cho quả trên vùng đất này.

Một số giống ổi Thái Lan, bưởi Hà Nội, bưởi Năm Roi, sapôchê Mêhicô, mận Ấn Độ, bơ Úc, cam không hạt, quýt không hạt,… đã được trồng thử nghiệm và đang tiếp tục theo dõi khả năng sinh trưởng.

Nhiều giống cây ăn trái mới cũng đã được các tổ chức và cá nhân trồng trọt thử nghiệm, tiếp tục chọn lọc để hình thành bộ giống cây ăn trái cho Đà Lạt. Các thử nghiệm giống cây ăn trái được thực hiện từ 1995 và theo đánh giá bước đầu đã có trên 10 giống thuộc nhóm cây có múi tỏ ra thích hợp với điều kiện Đà Lạt.

4.1.5 Cây công nghiệp

Chè (Camellia sinensis (L.) O.Kuntze, họ Camelliaceae) là cây công nghiệp được trồng tại Đà Lạt vào năm 1922 khi thành lập đồn điền chè Cầu Đất  với quy mô khai khẩn là 1.000 ha.

Sở trà Cầu Đất trong giai đoạn đầu do người Hà Lan khai phá, năm 1930 được giao cho công ty PIT (Plantation Indochinoise de Thé) của Pháp. Năm 1962 được chuyển giao cho Công ty Trà Việt Nam. 

Sở trà Cầu Đất được chuyển giao qua nhiều giai đoạn và hiện nay thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Chè Lâm Đồng thực hiện cổ phần hóa năm 2005. Diện tích hiện nay là 245 ha.

 

Các giống chè được trồng tại Sở trà Cầu Đất trước 1975: chè Assam, Shan, Bạch Mao, Chè Tourane.

Các giống chè hiện nay:

- Giống chè Assam, Tourane: Năng suất thấp, khoảng 3-4 tấn/ha/năm.

- Giống chè Shan: Năng suất 6-7 tấn/ha/năm, được trồng mới từ năm 1987-1988.

- Giống chè TP14 và LĐ 97 là 2 giống chè cành của Trung tâm giống chè Bảo Lộc, được đưa vào trồng tại Nhà máy chè Cầu Đất từ năm 1997. Năng suất 12-14 tấn/ha/năm.

- Chè Ô Long gồm các giống: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Tứ Quý, Ô Long thuần,… do một số công ty nước ngoài đầu tư trồng từ năm 1998 tại Xuân Trường. Đến năm 2005, diện tích cây chè Ô Long đã đạt đến 214 ha.

Chè Cầu Đất được đánh giá là chè có chất lượng rất cao, được chế biến thành chè đen, chè  xanh, chè cao cấp (Ô Long) phục vụ cho xuất khẩu.

Cà phê chè (Coffea arabica L., họ Rubiaceae). Cây cà phê  được nhập nội và trồng tại Việt Nam vào khoảng năm 1850 và bắt đầu trồng ở Tây Nguyên vào khoảng năm 1925. Tại Đà Lạt, cây cà phê được trồng vào khoảng năm 1930. Các địa phương trồng đầu tiên là Xuân Trường, Trại Hầm, từ đó bắt đầu mở rộng sang các vùng khác.

Đối với cây cà phê, ngoài các giống truyền thống, năm 1986, công tác chọn lọc đã được thực hiện và đã di nhập về địa phương các giống cà phê có tính kháng bệnh như Portugual, Catura, Catimore,…

Giống cà phê được trồng chủ yếu tại Đà Lạt là các giống cà phê chè với các chủng:

· Coffea arabica L. var. Typica: Được thay thế bởi các giống có chất lượng cao hơn.

· Coffea arabica L. var. Bourbon: Cây thấp, phân cành mạnh, hạt nhỏ, vị thơm ngon.

· Coffea arabica L. var. Catura: Thân lùn, sai quả, năng suất cao, chống chịu tốt, hạt nhỏ, phẩm chất thường.

· Coffea arabica L. var. Mokka: Thân nhỏ, năng suất thấp nhưng thơm ngon đặc biệt.

Trong những năm gần đây chủng cà phê Catimore được gây trồng rộng rãi, cây thấp, phân cành mạnh, hạt lớn, thời gian thu hoạch sớm.

Ngoài các giống cà phê trên, Đà Lạt còn có một địa phương canh tác cà phê Robusta là xã Tà Nung.

Hiện nay, Đà Lạt có trên 3.000 ha cà phê với sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 5.000 tấn nhân.

4.1.6 Cây lương thực

Lúa: Đà Lạt không có nhiều diện tích canh tác lúa.  Các vùng sản xuất lúa chính là ở Măng Lin (phường 7) và xã Tà Nung.

Hiện nay diện tích canh tác lúa tại Măng Lin (ruộng lớn, ruộng nhỏ của đồng bào dân tộc) đã được chuyển đổi sang sản xuất rau hoa. Phần diện tích còn lại vẫn sản xuất lúa nước với các giống truyền thống của đồng bào dân tộc  ở Tà Nung. Giống lúa của đồng bào dân tộc có các loại: Koi Kòn (4 tháng), Koi Me (6, 7 tháng). Các giống lúa mới như Nhị Ưu, Thần Nông,… được đưa vào sản xuất từ những năm 1998-2000.

Bắp: Cây bắp ở Đà Lạt có diện tích canh tác không lớn. Các giống bắp của đồng bào dân tộc cũng là những giống truyền thống như bắp nếp, bắp đá. Các giống mới như DK-888, DK-999 cũng được sử dụng phổ biến từ những năm 1995.

Chuối nước (giong riềng) trong những năm 1975-1990 là cây lương thực quan trọng, dùng để lấy bột, hiện ít được trồng.

Khoai lang là cây lương thực quan trọng của địa phương trong những năm 1975-1985. Các giống khoai lang được du nhập từ các địa phương khác gồm có giống vỏ trắng ruột trắng, vỏ trắng ruột vàng, vỏ đỏ ruột vàng, vỏ đỏ ruột trắng, vỏ vàng ruột vàng,… giống khoai lang Mỹ, khoai lang Dương Ngọc vỏ trắng ruột tím nhạt,…

Hiện nay khoai lang ít được trồng trọt do giá trị kinh tế không cao bằng các loại cây trồng khác và chủ yếu được trồng trên đất đồi dốc trong mùa mưa hàng năm.

1.2   Động vật nuôi

4.2.1 Giống bò

Trước năm 1975, ngoài giống bò ta được nuôi rải rác ở các địa phương vùng ven như Cam Ly (phường 5), An Bình (phường 3), Đa Phú (phường 7), Trại Hầm (phường 10),… Đà Lạt còn có các giống bò nhập từ nước ngoài :

Bò Jersey là giống bò sữa, có khoảng 10-15 con được chăn nuôi tại phường 9, mức độ khai thác sữa bình quân 5-7 lít/con/ngày. Đây là giống bò được nhập nội từ Pháp thông qua Trung tâm bò sữa Cái Sắn. Bò Jersey có tầm vóc nhỏ, được nuôi theo phương thức chăn thả.

Bò Hà Lan thuần chủng do Sở Nông nghiệp Lâm Đồng nhập từ Trung tâm giống Ba Vì đưa về nuôi trong các hộ gia đình tại các phường 7, 8, 9, 10,… Đây là giống bò sữa cao sản. Từ 1983-1989, đàn bò có 200 -250 con.

Bò Hà Lan F1 là kết quả lai giữa bò vàng Phú Yên, bò lai Sind được phối giống Hà Lan. Bò Hà Lan F1 có cơ cấu đáng kể trong đàn bò sữa của thành phố Đà Lạt. Bò có màu lông đen pha trắng hoặc đen tuyền. Năng suất sữa 10-12 lít/ngày.

Từ năm 2001-2005, với chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa, Đà Lạt đã nhập nội 103 con bò sữa Hostein Freisian từ Úc và 3 con bò sữa HF cao sản từ Mỹ. Năng suất sữa của bò sữa nuôi tại Đà Lạt thời điểm này đạt 5.800-6.000 kg/con/chu kỳ.

Bò lai Sind là kết quả của sự lai giống giữa bò ta và tinh phối giống Sind. Bò lai Sind được cải thiện tầm vóc, con cái trưởng thành có trọng lượng trên 200 kg.

4.2.2 Giống lợn

Đàn lợn cũng được đầu tư về con giống để cải tạo chất lượng. Ngoài giống lợn Yorkshire, sau năm 1975, Đà Lạt đã nhập thêm các giống mới từ Thành phố Hồ Chí Minh như giống lợn Danish Landrace, Duroc, Pietrain,… Các giống lợn trong nước cũng được đưa vào Đà Lạt từ năm 1978 như lợn Quảng, lợn Móng Cái,…

Yorkshire trước 1975 được nuôi chủ yếu ở Trại lợn (phường 8) và Trại gà Scala. Lợn Yorkshire có 2 giống Yorkshire Large White và Yorkshire Middle White. Sau 1975, giống lợn này được chăn nuôi nhiều tại Đà Lạt với nguồn giống từ các trại chăn nuôi của Thành phố Hồ Chí Minh.

Landrace có nguồn gốc từ Đan Mạch, được chăn nuôi tại Đà Lạt sau năm 1975.

Duroc được chăn nuôi với mục tiêu cải thiện chất lượng đàn lợn của địa phương theo hướng nạc. Giống Duroc được nuôi chủ yếu là con đực giống để phối trực tiếp và lấy tinh lai với giống Yorkshire và Landrace.

Ngoài các giống lợn ngoại trên, từ năm 1999, thành phố Đà Lạt còn du nhập thêm các giống lợn cao sản khác năm 1999-2000 như giống Pietrain, Pi-York,… để phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo.

Lợn ta còn gọi là giống lợn Quảng, có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, được nuôi nhiều từ 1976-1990, nhưng vì chất lượng thịt không cao, nhiều mỡ nên những năm gần đây ít được chăn nuôi.

Lợn Móng Cái, lợn Ỉ được nuôi trong những năm 1976-1982, du nhập từ Bình Định. Mục đích chăn nuôi là cho lai với lợn ngoại để cải thiện giống. Màu lông đen, mõm dài, tăng trọng trung bình.

Ngoài các giống lợn nội trên, các vùng dân tộc ít người của địa phương còn nuôi giống lợn đen địa phương theo phương thức thả rong.

4.2.3 Giống gà

Trước 1975, ngoài các giống gà ta nuôi rải rác trong các hộ gia đình, Trại gà Scala tổ chức chăn nuôi các giống gà ngoại để thử nghiệm như giống Egnia, Babooe, Across, Hubbard, Leghorn, New Hampshire, Rhode Island,… Sau năm 1975 có các giống gà Goldline, Isabrown, Brown Nick, Hy-Line, Tam Hoàng, A.A, CP-Brown, Lương Phượng,…

Gà ta: Lông màu vàng đỏ, nhỏ con, trọng lượng bình quân 1,4-1,5 kg. Gà mái đẻ 40-60 trứng/năm.

Gà Tam Hoàng nhập từ phía Bắc, là giống gà Trung Quốc lai với gà Việt Nam. Lông màu vàng đỏ, da vàng. Trọng lượng bình quân 2,2-2,4 kg. Gà mái đẻ 80-100 trứng/năm.

Gà Leghorn: Màu lông trắng, trọng lượng trung bình 1,2-1,4 kg, là giống gà lấy trứng. Gà mái đẻ 200-210 trứng/năm.

Gà New Hampshire có nguồn gốc từ Mỹ. Màu lông vàng đỏ, da trắng. Gà mái đẻ 180-200 trứng/năm.

Gà Goldline, Isabrown, Brown Nick là những giống gà đẻ trứng màu vàng. Màu lông vàng sậm, vàng đỏ. Năng suất 200 - 220 trứng/năm.

Gà A.A, Hubbard, CP-Brown là những giống gà thịt, sau 11 tuần tuổi có trọng lượng 1,6-2,2 kg/con.

4.2.4 Giống thỏ

Trước 1975, thỏ được nuôi với mục đích cung cấp cho các hoạt động nghiên cứu của Viện Pasteur. Sau 1975, thỏ trở thành một giống vật nuôi quan trọng trong cơ cấu kinh tế hộ gia đình. Phong trào nuôi thỏ phát triển mạnh trong những năm 1976-1980.

Giống thỏ được nuôi chủ yếu ở Đà Lạt là giống New Zealand, màu lông trắng, lông dầy, mắt đỏ. Con trưởng thành có trọng lượng 4,5-5 kg, mỗi năm đẻ 5-6 lứa.

4.2.5 Giống ngựa

Ngựa cỏ: Màu lông đỏ pha đen xám, bụng to, tầm vóc nhỏ, dùng để kéo xe.

Ngựa lai có nguồn gốc từ ngựa thải của trường đua Phú Thọ, được nuôi với mục đích phục vụ du lịch.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng